Tôi đi đó đi đây cũng đã được một thời gian. Bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết mang quốc tịch Mỹ và các nước khác cũng không phải là ít. Trong số họ có người quan tâm đến chính trị như sinh mạng, có người chỉ thỉnh thoảng chấm phá vài nét gọi là, nhưng, trừ những bạn bè trên Facebook mà tôi sẽ bàn đến sau, tuyệt nhiên không có ai là không khinh bỉ Donald Trump hoặc ít nhất là coi Trump như một trò hề. Điều này cũng dễ hiểu, vì Donald Trump, nói vắn tắt, là một kẻ đáng khinh bỉ và là một trò hề của nước Mỹ và thế giới.
Sự thật là Trump hầu như chẳng làm một việc gì ra hồn trừ đánh golf và chải đầu.
Nước Mỹ kể từ khi lập quốc đến nay chưa từng có một tổng thống nào vô văn hóa, vô giáo dục, u mê trì độn mà lại huênh hoang khoác lác như Donald Trump. Y ăn nói y hệt một thằng thất học, vốn từ của y nghèo nàn tới mức thảm hại - kết quả phân tích cho thấy Donald Trump có khả năng ăn nói ngang bằng với một đứa bé tám tuổi. Từ dài nhất mà y nhớ được và phát âm đúng được có lẽ là "tremendous", và cũng có lẽ vì thế mà y dùng từ này luôn mồm, kết hợp với những từ ngữ đậm chất bác học như "smart", "really smart", "sad", "very sad", "momemtum", "covfefe", và tất nhiên là "bing bing bing". Đến một mức độ, người ta nghi ngờ là y bị một dạng bệnh thần kinh, kiểu tâm thần hoang tưởng chẳng hạn, nếu không phải là bị nhiều bệnh cùng một lúc. Việc y suốt ngày gào thét trên Twitter là một triệu chứng điển hình - có lần công ty tôi, gồm người Mỹ, người Anh, người Canada, người Áo, người Trung Quốc, người Brazil, vì muốn kiếm chuyện để cười trong giờ ăn trưa, đã mở Twitter của Trump ra và theo dõi : Y đăng liên tục trong vòng 30 phút, mỗi tweet cách nhau chừng 30 giây, rặt những điều vô nghĩa nhảm nhí. Một người có chút trí khôn ắt sẽ đặt ra câu hỏi : Vậy y lấy đâu ra thời gian để làm việc ? Ai làm việc trí óc cũng đều biết, mức độ tập trung có quan hệ mật thiết với năng suất. Không cần đến một tweet mỗi 30 giây, chỉ cần cứ mỗi mười lăm hai mươi phút anh nghía qua Facebook một lần, bảo đảm hiệu quả công việc của anh giảm thấy rõ, và nếu anh ở một nước như nước Đức thì chẳng chóng thì chầy bộ phận nhân sự sẽ thảy trát vào mặt anh và anh phải liệu đường đăng kí thất nghiệp với sở lao động ngay tút xuỵt. Đằng này Trump lại là tổng thống Mỹ, công việc được đánh giá là căng thẳng nhất thế giới, rút ngắn tuổi thọ gần 3 năm và tăng rủi ro chết bất đắc kì tử 23%.
Và sự thật là Trump hầu như chẳng làm một việc gì ra hồn trừ đánh golf và chải đầu. Gần như toàn bộ những "thành tựu" mà Trump và chính phủ của y tung hê lên như tỉ lệ thất nghiệp giảm, thuế giảm, hòa bình ở Trung Đông, ngoại giao với Bắc Triều Tiên, chiến tranh thương mại với Trung Quốc… tôi sẽ không phân tích tại sao đều là dối trá lật lọng hoặc phóng đại trơ trẽn, vì Google vẫn còn chưa tính phí đâu, chỉ cần các bạn dẹp bỏ thiên kiến xác nhận (confirmation bias) và chịu khó đọc tiếng nước ngoài một chút là được - và nhân tiện thì dẹp luôn cái tư tưởng "báo chí fake news, báo chí thiên tả, báo chí đánh Trump" sang một bên, vì nếu thật sự ai cũng đánh ông thì nên chăng ông nhìn lại bản thân ông một chút. Nếu các bạn không làm được việc này mà chỉ chăm chăm đi đọc mấy bài thổ tả trên Facebook của mấy tài khoản nghìn like thì các bạn đơn giản là đà điểu chui cát hoặc bưng tai trộm chuông, chẳng những tôi không lay chuyển gì được các bạn mà đến bố mẹ thầy cô và mái trường xã hội chủ nghĩa cũng bó tay với các bạn mà thôi.
Trong khi đó, lại không thể kể hết những sự dốt nát và đốn mạt của Trump, không chỉ là ở cương vị một tổng thống, một chính trị gia, mà còn là ở phương diện con người. Từ những vụ "grab the pussy", nhạo báng người tàn tật, khoe khoang việc dụ dỗ phụ nữ đã có chồng, tơ tưởng đến cả con gái ruột, khinh rẻ phụ nữ, tự làm mất thể diện trong các hội nghị quốc tế, đến việc y luôn mồm gọi người khác bằng biệt danh như một đứa con nít bảy tuổi - Crooked Hillary, Slow Joe, Phony Kamala, Fat Jerry, Cheating Obama… có cả một trang Wikipedia dành cho những biệt danh này, đến việc y không tin vào sự biến đổi khí hậu kiểu "Trời lạnh vầy sao lại có nóng lên toàn cầu được" và liên tục công kích Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường mới 16 tuổi, tức là hơn con trai út của y 3 tuổi, rồi đến việc y ban đầu không tin có thứ gọi là Covid, sau lại đòi tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể người để chữa Covid, sau rốt lại mắc Covid. Nghiêm trọng hơn, Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc, ủng hộ thuyết da trắng thượng đẳng. Gần đây nhất, trong cuộc tranh luận với Joe Biden, khi được hỏi về lập trường đối với Proud Boys (tổ chức cực hữu phát xít mới ở Mỹ và Canada), Trump đã tuyên bố "Proud Boys, stand back and stand by" - "lùi lại một bước và sẵn sàng hành động". Joe Biggs, một trong những thành viên lãnh đạo của Proud Boys, đã ngay lập tức đưa "Stand back" và "Stand by" vào logo của tổ chức trên các mạng xã hội một cách đầy tự hào, và số thành viên của Proud Boys trên Telegram tăng gần 10%. Chỉ cần có chút kiến thức căn bản về Nazi và neo-Nazi, các bạn sẽ thấy việc này đáng ghê tởm - và đáng sợ - đến thế nào.
Những người Đức, người Áo thấy cái thuyết da trắng thượng đẳng trong y mà lo sợ giùm cho nước Mỹ và thế giới
Không một ai trong xã hội loài người tiến bộ, ở bất kì đâu trên thế giới, nếu còn chút lương tri và nhân phẩm, lại có thể cuồng Trump.
Tôi đi đó đi đây cũng đã được một thời gian. Bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết mang quốc tịch Mỹ và các nước khác cũng không phải là ít. Mấy năm nay ngoài Facebook, tôi còn có một tài khoản Twitter, nơi tôi quan sát và học hỏi những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực của tôi và một số lĩnh vực khác. Không một ai trong số họ là không khinh bỉ và ghê tởm Trump. Những người Đức, người Áo thấy cái thuyết da trắng thượng đẳng trong y mà lo sợ giùm cho nước Mỹ và thế giới, còn những người Mỹ thì vừa căm phẫn vừa xấu hổ vừa đau đớn vì nước mình đã bầu lên một tay tổng thống như Trump, vì tương lai của họ và con cháu họ lại rơi vào tay một kẻ tởm lợm như Trump. Từ cả tháng nay, những người Mỹ bạn tôi và trên Twitter của tôi liên tục nhắc nhau đi bầu. Hai ngày nay, họ theo dõi cuộc chiến sít sao giữa Trump và Biden mà run lẩy bẩy. Tôi không nói quá. Họ run lẩy bẩy vì lo sợ, vì sự tuyệt vọng bao trùm lấy họ, vì đã có những lúc Trump gần như nắm chắc phần thắng. Họ cũng run vì tức giận khi thấy người dân nước họ, sau một nhiệm kì đầy thất bại và bao nhiêu lần chứng kiến thực mục sự đểu cáng khốn nạn của Trump, vẫn còn tiếp tục bầu cho y. Họ tìm cách kêu gọi nhau, an ủi nhau, nhắc nhau cố gắng vững vàng. Tôi nhìn họ mà thương, mặc dù chuyện bầu cử ở Mỹ, công bằng mà nói đối với tôi không có liên quan gì trực tiếp. Tất cả những điều này, các bạn ở trên Facebook, ở trong nước, cắm đầu đọc những bài viết sặc mùi xảo biện của bọn bồi bút ngàn like, sẽ không thấy được.
Muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc mà phát triển, con đường đúng đắn nhất là tự lực cánh sinh chứ không thể là ngồi nghếch mồm trông đợi Mỹ hay tin tưởng Mỹ.
Theo như tôi thấy, người Việt Nam ta ủng hộ Trump vì hai lí do.
Lí do thứ nhất là, theo ý họ, Trump chống Trung Quốc, ghét Trung Cộng. Kẻ thù của kẻ thù là bạn, nếu Trump làm Trung Quốc suy yếu thì Việt Nam có thể thừa cơ thoát khỏi sự kìm hãm của Trung Cộng, đòi lại được đảo, giành lại được biên giới, giàu mạnh lên sánh vai với các siêu cường. Giấc mộng này thật quá sức khôi hài, nếu không muốn nói là mang đậm tinh thần nhược tiểu thảm hại. Vì đơn giản, Trump không hề chống Trung Quốc, không hề chống cộng. Trump cũng không vì lợi ích tiên quyết của nước Mỹ nốt. Trump đơn giản là không biết và không theo bất kì khuôn khổ phép tắc gì. Nếu coi những quyết sách ngoại giao và thương mại đối đầu giữa hai quốc gia là chống, thì trên hết là Trump chống cả Châu Âu, cả Canada, những đồng minh lâu đời của Mỹ. Việc Trump gây hấn với các nước này thật ra lại làm cho liên minh Âu-Mỹ yếu đi, giúp Trung Quốc mạnh lên. Chính người Trung Quốc đang muốn Trump thắng cử, vì sự chia rẽ của các cường quốc và trong chính nội bộ nước Mỹ mang lại không gì khác hơn là lợi ích cả về trước mắt và lâu dài cho Trung Quốc. Muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc mà phát triển, con đường đúng đắn nhất là tự lực cánh sinh chứ không thể là ngồi nghếch mồm trông đợi Mỹ hay tin tưởng Mỹ. Rất lạ là, chính những người Việt Nam ở hải ngoại, những người bị đồng minh Mỹ phản bội năm 1972, những người vì đó mà phải sống kiếp lưu vong, lại là những người quên bài học này đầu tiên và tin tưởng vào trận chiến Trump-Cộng hơn ai hết.
Lí do thứ hai là không ít người Việt Nam, ngay cả những người trẻ tuổi, thích cái "chất ngang tàng", cái "bản lĩnh", cái "khí phách", cái "thích gì làm nấy" của Trump. Lí do này ban đầu làm tôi khá ngạc nhiên, nhưng càng về sau lại càng thấy là một lẽ dĩ nhiên. Chúng ta luôn có cái tinh thần Á Đông kiểu vậy, lúc nào cũng thích Kiều Phong, Trương Phi, Lý Quỳ, Lục Vân Tiên, Trương Sỏi, Lý Đại Bàng, những người đầu đội trời chân đạp đất, ăn sóng nói gió, đôi khi có thêm phần bỗ bã. Vấn đề là, Trump hoàn toàn không phải là một người như vậy. Y không ngang tàng, mà y ngang ngược. Y không có bản lĩnh, y hèn nhát đùn đẩy trách nhiệm, câu cửa miệng của y là "I never said that", y chui xuống hầm Nhà Trắng để trốn khi người ta biểu tình bên ngoài. Y không ăn sóng nói gió mà là y ăn không nói có, y bịa chuyện dựng đứng lên, tới mức độ người ta sản xuất cả một loại dép đi trong nhà xí bán khá chạy, chiếc bên trái trích lời y hôm trước, chiếc bên phải lại trích lời y hôm nay, hai chiếc để cạnh nhau cứ là chọi nhau chan chát. Cái bỗ bã bình dân của y, như tôi nhắc đến ở trên, không phải là vì y bình dân gần gũi, mà đơn giản là vì vốn từ và phông văn hóa của y không cho phép y nói gì cho được thanh nhã lịch sự. Ca ngợi Trump ngang tàng, bản lĩnh, khí phách cũng giống như ca ngợi một thằng lưu manh phá làng phá xóm, bắt gà trộm chó là khí phách, bản lĩnh, ngang tàng.
Chính những người Việt Nam ở hải ngoại, những người bị đồng minh Mỹ phản bội năm 1972, những người vì đó mà phải sống kiếp lưu vong, lại là những người quên bài học này đầu tiên và tin tưởng vào trận chiến Trump-Cộng hơn ai hết.
Những người ủng hộ Trump mà tôi từng thấy, chứ không phải gặp, có hai loại. Loại thứ nhất là trên tivi hoặc YouTube, đại để những thành phần đội mũ đỏ "Make America Great Again", nhìn mặt đần thối đần nát, kì thị chủng tộc, kì thị tôn giáo, kì thị giới tính, đổ trách nhiệm của vụ khủng bố 11/9 lên đầu Obama mặc dù tất nhiên là ông này nhậm chức vào năm 2009. Loại này người ta hay bỏ vào mấy cái clip chọc cười thiên hạ đăng đầy trên YouTube. Loại thứ hai là trên Facebook, bao gồm người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, như đã nói ở trên, trong số đó không ít người là trí thức và một số còn là bạn bè tôi ngoài đời. Tôi sẽ nói thẳng ở đây mà không sợ mất bạn - vì nếu là bạn thật thì ắt cũng đã biết tính tôi ưa nói thẳng : Đây là loại ếch ngồi đáy giếng. Người trong nước ngồi đáy giếng đã đành một lẽ, đến người Việt hải ngoại cũng ngồi đáy giếng nốt, tại vì sao ? Tại vì họ, mang tiếng là ở nước Mỹ, cũng chỉ quanh quẩn trong cái cộng đồng hải ngoại chống cộng - cứ xem trình độ tiếng Anh của họ thì rõ. Các luận điểm của họ mặc dù có thể nghe rất rổn rẻng song lại nồng nặc mùi giếng, thể hiện một cái nhìn phiến diện hạn hẹp và một đầu óc già cỗi, bảo thủ, nếu không phải là rất kém thông minh.
Khi tôi viết những dòng này thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kì thứ 46 vẫn chưa ngã ngũ. Tôi không biết ai sẽ giành thắng lợi. Thật ra mà nói, tôi cũng không quan tâm đến nước Mỹ cho lắm. Nhưng tôi hi vọng Trump sẽ thua. Đây không cần phải là chính trị, đây có thể đơn thuần chỉ là sự căm ghét của cá nhân tôi đối với một thành phần mà sự thật tôi cũng không biết trong tiếng Việt nên gọi là gì cho phải. Ti tiện ? Thổ tả ? Quái thai ? Trong cái thế giới mà tôi muốn sống, thành phần đó không nên tồn tại, và càng không nên tồn tại với vai trò là tổng thống của một nước lớn. Tất nhiên sẽ có người cuồng Trump vào bẻ tôi "Nếu Trump tồi bại như những điều anh nói, tại sao vẫn được gần 50% phiếu bầu ? Tại sao gần một nửa nước Mỹ vẫn tin tưởng ở Trump ? Anh nghĩ anh giỏi hơn, anh khôn hơn, anh thông minh hơn 50% dân Mỹ sao ?". Câu trả lời hết sức đơn giản : Đúng là tôi giỏi hơn, khôn hơn, và thông minh hơn 50% dân Mỹ thật. Đó là điều đương nhiên. Một người có chỉ số trí tuệ trung bình là đã thông minh hơn 50% thế giới rồi. Nếu các bạn lấy con số ấy và đám đông ấy ra để làm luận cứ phản bác, các bạn không thắng được tôi đâu. Nên nhớ rằng cái chính thể mà các bạn chán ngán và căm ghét hằng ngày, một lúc nào đó trong lịch sử đã từng được hơn 90% dân chúng ủng hộ và tham gia cái gọi là "bạo lực cách mạng" để rồi có một ngày như hôm nay, khi không một ai quan tâm đến bầu cử trong nước mà chỉ quan tâm đến bầu cử đâu đâu bên Mỹ. Việc gần 50% người dân Mỹ bầu cho Trump và hầu như toàn bộ Facebook của tôi tôn sùng Trump, ngay cả việc Trump chiến thắng nếu điều đó xảy ra, đối với tôi và bạn bè tôi mà nói, chỉ có nghĩa là thế giới này chưa tốt đẹp hay tiến bộ đến như chúng ta vẫn tưởng, và rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Phan An
Nguồn : Viet-studies, 05/11/2020
Phan An là tác giả quyển "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" (2013)
Thanh Hà, RFI, 02/11/2020
Trong trường hợp thất cử Donald Trump sẽ làm gì một khi rời khỏi Nhà Trắng ngày 20/01/2021 ? Nhà báo Pháp Jérôme Cartillier của hãng tin AFP, đồng tác giả cuốn "Hoa Kỳ, năm tháng Trump" nhà xuất bản Gallimard nêu lên bốn kịch bản.
Thế giới truyền hình
Kịch bản thứ nhất nhà tỷ phú New York này quay trở lại với sân khấu truyền hình. Đây là phương tiện từng đưa ông đến với các hộ gia đình Mỹ qua chương trình truyền hình trực tiếp The Apprentice. Trong chương trình này Donald Trump vừa là một nhà đồng sản xuất vừa là nhân vật chính, dẫn chương trình từ 2004 đến 2015.
Nguyên tắc của The Apprentice là làm thế nào để các ứng viên được tuyển chọn vào làm việc cho tập đoàn của ông Trump với hợp đồng cố định một năm và mức lương ban đầu là 250.000 đô la. Đương nhiên chỉ có một thí sinh được phần thưởng này, tất cả những người khác lần lượt bị loại với câu nói bất hủ của Donald Trump : "You’a fired – Bạn bị sa thải".
Không cần biết ở ngoài đời, các dự án làm ăn của ông như thế nào, nhưng khán giả theo dõi chương trình chỉ biết rằng, Donald Trump là một doanh nhân quyền lực và có sức thu hút rất lớn. Cách nay vài tháng, trên Twitter, chủ nhân Nhà Trắng để ngỏ khả năng trở lại với khán giả truyền hình. 2021 liệu có là cơ hội để ông viết một trang mới trong thế giới truyền thông ?
Lôi thôi với pháp lý
Trong kịch bản thứ nhì là một khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, ông Trump sẽ bận rộn vì nhiều hồ sơ pháp lý. Nhà báo Cartillier đơn cử một số vụ kiện đang nhắm vào nhà tỷ phú địa ốc này như sau : New York đang tiến hành hai vụ kiện nhắm vào Donald Trump. Trong vụ thứ nhất ông bị cáo buộc gian lận thuế khóa, thiếu minh bạch về mặt sổ sách và gian lận với hãng bảo hiểm. Trong vụ kiện thứ nhì tư pháp bang New York cần tìm hiểu xem tập đoàn Trump Organization có lừa dối các cơ quan tài chính để được vay tín dụng với những điều khoản ưu đãi và được giảm thuế hay không.
Chính trị : Trump chưa giã từ vũ khí
Kịch bản thứ ba là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới tiếp tục "mài gươm" chuẩn bị cho đợt bầu cử 2024. Hiến Pháp của nước Mỹ không cho phép một ứng cử viên liên tục giữ hai nhiệm kỳ tổng thống được ra tranh cử thêm một lần thứ ba. Nhưng không có gì cấm cản ông Trump lại lao vào chính trường chinh phục Nhà Trắng thêm một lần nữa nếu như ông thất cử trong vài ngày tới đây.
Trong quá khứ ? cuối thế kỷ 19, Grover Cleveland từng ngồi vào chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1884. Ông đã thất cử bốn năm sau đó nhưng rồi đã quay trở lại Nhà Trắng vào năm 1892. Trong sử sách, Cleveland là vị tổng thống thứ 22 và 24 của Hoa Kỳ. Có điều 2024, Donald Trump khi đó đã 78 tuổi, gần bằng với tuổi của ông Biden nếu như ông này được người Mỹ chọn để lãnh đạo đất nước trong vài tuần lễ nữa !
Rong ruổi trên những nẻo đường ?
Nhưng có lẽ kịch bản bất ngờ nhất là ông Trump gạt bỏ mọi công việc điều hành công ty, lãng quên cái thế giới ồn ào của chính trường Mỹ để cùng hiền thê, Melania, rong ruổi trên những nẻo đường. Tháng 6 vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ đã nửa đùa nửa thật nêu lên khả năng ông ngao du thiên hạ theo kiểu một "road trip". Tổng thống Mỹ nói : "Có thể tôi sẽ cùng đệ nhất phu nhân đến New York bằng đường bộ. Tôi nghĩ là sẽ sắm một chiếc camping-car để đi du lịch với bà ấy". Camping-car - xe du lịch dã ngoại - là một loại nhà lưu động trang bị đầy đủ tiện nghi. Đây vừa là nhà vừa là xe cho phép dừng lại ở bất cứ chỗ nào có phong cảnh hữu tình và có thể ngủ qua đêm…
Ít lãng mạng hơn, cách nay vài ngày trong một cuộc vận động tranh cử tại bang Pennsylvania, tổng thống Trump đã mải mê ngắm nhìn những chiếc xe tải đồ sộ rất đặc trưng của Mỹ. Ông đã thốt lên rằng những chiếc xe tải này "đẹp quá", ông muốn được lái một chiếc xe khổng lồ như vậy và trải nghiệm cái thú vui của những người lái xe đường trường !
Nhưng ai cũng biết, Donald Trump luôn dành cho công chúng những bất ngờ. Khi đến thăm The Village, nơi đông người về hưu sinh sống nhất tại bang Florida, tổng thống Mỹ lại thổ lộ ý định dọn về đây chung sống với họ ! Chưa hẳn đây sẽ là giải pháp cuối cùng ông thực sự nghĩ tới. Donald Trump tâm sự : "Có lẽ tôi sẽ không thoải mái" trước viễn cảnh thua "cái lão Joe ngủ gục" và trong trường hợp đó, "Có thể tôi sẽ đi khỏi đất nước này".
Nhà báo Jérôme Cartillier kết luận : điều chắc chắn duy nhất là trong trường hợp thất cử, một nhân vật ồn ào và luôn thu hút chú ý của thiên hạ như ông Donald Trump không thể nào "lui về với cuộc sống ẩn dật, kín đáo" hay lùi vào bóng tối bất luận đó là trên mặt trận truyền thông hay chính trị Hoa Kỳ.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 02/11/2020
***********************
Mai Vân, RFI, 02/11/2020
Ngày 03/11/2020 nước Mỹ sẽ bầu ra vị tổng thống cho nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, và mọi sự chú ý đều dồn vào cuộc đua tranh khốc liệt giữa tổng thống Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa và cựu phó tổng thống Joe Biden, thuộc đảng Dân chủ. Bên cạnh đó còn có một cuộc bỏ phiếu khác rất quan trọng : Bầu lại 1/3 Thượng Viện, hiện trong tay đảng Cộng hòa.
Và ở đây, cuộc chiến giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng gay go không kém, với đảng Cộng hòa dồn sức giữ lại đa số ghế mà họ chiếm được từ năm 2018, trước làn sóng tấn công ào ạt từ phía đảng Dân chủ mà một số nhà quan sát cho là rất có khả năng thành công.
Vai trò quan trọng của Thượng Viện Mỹ
Trong nhiệm kỳ 4 năm sắp kết thúc của tổng thống Donald Trump, vai trò tối quan trọng của Thượng Viện Mỹ - bao gồm 100 thượng nghị sĩ đại diện cho 50 bang, mỗi bang được 2 đại diện bất kỳ quy mô lớn hay nhỏ - đã nổi bật qua hai sự kiện.
Gần đây nhất là bất chấp mọi phản đối, ngày 26 tháng 10 năm 2020, 52 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phê chuẩn đề nghị của tổng thống Trump, cử bà Amy Coney Barett làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, nâng đa số "thân" đảng Cộng hòa trong định chế tư pháp cao nhất Hoa Kỳ này lên thành 6 người trên tổng số 9 thẩm phán. Trước đó, đã có hai thẩm phán khác do ông Trump đề nghi được chuẩn y là các ông Neil Gorsuch (năm 2017) và Brett Kavanaugh (2018).
Và nổi bật hơn cả việc Thượng Viện Mỹ, trong tay đảng Cộng hòa, ngày 05/02/2020 đã phán quyết tha bổng tổng thống Donald Trump, bị Hạ Viện, trong tay đảng Dân chủ đề nghị truất phế.
Quyền truất phế tổng thống hay bầu chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện chỉ là hai trong số những thẩm quyền quan trọng của Thượng Viện Mỹ, bên cạnh các quyền khác như thông qua các đạo luật cấp quốc gia, phê chuẩn các thành viên chính phủ, các thẩm phán liên bang, các đại sứ…
Đảng Cộng hòa khởi hành trong thế bất lợi
Hiện nay, cơ cấu đảng phái trong Thượng Viện Mỹ là đảng Cộng hòa chiếm đa số với 53 thượng nghị sĩ, trong lúc đảng Dân chủ chỉ có 45 đại diện, cùng 2 thượng nghị sĩ đồng minh nhưng tự nhận là "độc lập".
Theo thông lệ, cứ hai năm một lần thì Thượng Viện Mỹ thay đổi khoảng 1/3 số đại biểu, đối với những người đã mãn nhiệm kỳ 6 năm. Trong cuộc bỏ phiếu lần này, đảng Cộng hòa bị rơi vào tình thế bất lợi. Trong tổng số 35 ghế thượng nghị sĩ được bầu lại, bên Cộng hòa nắm đến 23 ghế, trong khi phe Dân chủ chỉ phải thay 12 ghế mà thôi.
Để nắm Thượng Viện, đảng Dân chủ sẽ phải giành thêm 4 ghế. Nếu Joe Biden thắng cử, bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống và tự động được một ghế trong Thượng Viện và như vậy đảng Dân chủ chỉ cần giành thêm 3 ghế. Ở phía đối diện, đảng Cộng hòa chỉ được phép mất 3 ghế nếu ông Trump tái đắc cử, và 2 ghế nếu đương kim tổng thống bị thua.
Theo đài phát thanh Pháp France Inter ngày 31/10 vừa qua, giới quan sát cuộc bầu cử Mỹ cho rằng cuộc đấu giành chức thượng nghị sĩ lần này đặc biệt quan trọng tại khoảng một chục bang mà kết quả thăm dò dư luận cho thấy cử tri còn do dự.
Cho dù một số trang web chuyên về dự báo - như FiveThirtyEight hay The Cook Political Report – đều dự báo thắng lợi của đảng Dân chủ (FiveThirtyEight nói đến 74% khả năng đảng Dân chủ giành được Thượng Viện), nhưng giới phân tích vẫn cho rằng họ sẽ chật vật hơn. Một trong những lý do là đối với Thượng Viện, xu hướng thường thấy nơi cử tri là tín nhiệm người cũ.
Những bang và gương mặt cần theo dõi
Đề cập đến cuộc bầu cử Thượng Viện, dĩ nhiên là phải chú ý đến những gương mặt cụ thể phải ra trình diện cử tri. Báo chí trong thời gian gần đây đặc biệt quan tâm đến trường hợp thượng nghị sĩ nổi tiếng là ủng hộ viên hết mình của tổng thống Trump là ông Mitch McConnell, và ông Lindsay Graham.
Theo ghi nhận của đài France Inter, ông McConnell, 78 tuổi, lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng Viện, cho đến gần đây được cho là một nhân vật mà không ai có thể lật đổ, đã liên tục được bầu làm thượng nghị sĩ bang Kentucky trong suốt 6 nhiệm kỳ, và lần này ra tranh một nhiệm kỳ thứ 7.
Thế nhưng trong cuộc bầu cử lần này, ngay trong lãnh địa của mình, Mitch McConnell đã bị một phụ nữ trẻ của đảng Dân chủ thách thức : bà Amy McGrath, 45 tuổi, nguyên là phi công trong Quân Đội Hoa Kỳ, phụ nữ đầu tiên thuộc binh chủng Thủy quân lục chiến đã lái chiến đấu cơ F-18 đi tham chiến.
Tại một bang là thành trì của đảng Cộng hòa, nơi mà tổng thống Trump đã chiến thắng với chênh lệch 30 điểm hơn đối thủ, bà McGrath đang cố thu ngắn cách biệt 10 điểm so với ông McConnell. Với lượng tiền to lớn đang đổ vào quỹ tranh cử của bà, hơn hẳn nguồn tài trợ cho đối thủ, giới quan sát đang rất thận trọng và không ai dám khẳng định là nữ ứng viên chắc chắn thua cuộc.
Còn tại bang Nam Carolina, thượng nghị sĩ đầy uy lực của đảng Cộng hòa Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đã đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của ông Trump trên hai mặt trận Tối Cao Pháp Viện và "phiên tòa truất phế" gần đây, thì được cho là có nguy cơ thất cử.
Theo ghi nhận của báo Pháp 20 minutes ngày 29/10, một trong những người ủng hộ tổng thống Trump nhiệt tình nhất này những tưởng sẽ được bầu lại một cách dễ dàng tại một bang mà ông Trump đã giành chiến thắng vào năm 2016 với 15 điểm hơn bà Hillary Cliton.
Thế nhưng không ngờ là ông Graham đang phải đối mặt với ông Jaime Harrison, một đối thủ thuộc đảng Dân chủ có sức lôi cuốn lạ thường, đã làm bùng nổ mọi kỷ lục gây quỹ (hơn 50 triệu đô la trong quý vừa qua), đến mức mà bản thân ông Graham đã phải than thở rằng đảng Dân chủ đang "giết" ông bằng nguồn tài chánh.
Theo một kết quả thăm dò mới nhất, hiện nay ông Harrison - với 47% ý định bầu - đang bám sát ông Graham đang dẫn đầu với 49%, một kết quả đáng lo ngại tại một thành trì của đảng Cộng hòa.
Nhìn chung, theo hãng tin Mỹ AP ngày 01/11, trường hợp của thượng nghị sĩ Lindsey Graham ở Nam Carolina cũng là hoàn cảnh chung của khoảng một chục ứng viên đảng Cộng hòa trên toàn quốc, đang phải đối mặt với nguy cơ thất cử. Về phía đảng Dân chủ, chỉ có hai ghế đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 02/11/2020
**********************
Minh Anh, RFI, 02/11/2020
Tại Mỹ, mối quan hệ giữa Nhà Trắng và nhà nhiễm trùng học, Anthony Fauci, người điều phối cuộc chiến chống Covid-19 không còn thuận thảo. Hai bên đã có những lời qua tiếng lại công khai trong hai ngày thứ Bảy 31/10 và Chủ Nhật 01/11/2020.
Theo AFP, nguyên nhân là trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Washington Post hôm thứ Bảy, ông Anthony Fauci, vị cố vấn có uy tín nhất tại Mỹ đã nhận định rằng "không còn một vị trí tồi tệ nào hơn" dành cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Ông cảnh báo là "chúng ta sẽ còn khổ nhiều hơn nữa", bởi vì tổng thống Mỹ không còn nghe lời khuyên của ông mà chỉ thích đi theo ông Scott Atlas, một nhà thần kinh học, chủ trương mở cửa rộng rãi trở lại xã hội Mỹ hơn là tăng cường các biện pháp phòng chống.
Vị cố vấn này còn lưu ý sự khác biệt rõ nét giữa hai cách tiếp cận của Nhà Trắng và của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, vốn dĩ có cái nhìn rất "nghiêm túc về dịch bệnh trên quan điểm sức khỏe cộng đồng".
Ngay lập tức, Nhà Trắng thông qua lời ông Judd Deeren phụ trách giao tiếp lên tiếng phản bác cho rằng những phát biểu của ông Fauci là "không thể chấp nhận", và "đã vi phạm mọi thông lệ khi đưa ra những phát biểu chính trị ba ngày trước ngày bỏ phiếu chính thức".
FP nhắc lại hồi trung tuần tháng 10/2020, trong một cuộc họp qua điện thoại, tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá ông Anthony Fauci là một "thảm họa", và đưa ông vào danh sách các nhà khoa học vốn chủ trương một cách tiếp cận cẩn trọng về dịch bệnh mà nguyên thủ Mỹ gọi là những "kẻ ngu ngốc".
Minh Anh
Said, "If you're gonna play the game, boy
You gotta learn to play it right
You've got to know when to hold 'em
Know when to fold 'em
Know when to walk away
And know when to run
You never count your money
When you're sittin' at the table
There'll be time enough for countin'
When the dealin's done"
(The Gambler - Kenny Rogers)
Kenny Rogers - The Gambler
"Nếu muốn chơi bài, phải học chơi cho đúng cách. Biết lúc giữ, lúc buông, biết khi đứng dậy, khi cao chạy xa bay. Chớ bao giờ đếm tiền giữa cuộc chơi, sẽ có đủ thời gian đếm tiền khi tàn cuộc". Đó là lời khuyên của Kenny Rogers trong bản nhạc top-hit giành được giải Grammy của ông là "The Gambler" bên trên, một trong những bài hát định hình giọng ca riêng biệt của Kenny và đưa tên tuổi ông thêm rực sáng.
Kenny Rogers là huyền thoại nhạc đồng quê của Mỹ, là ngôi sao trong nền âm nhạc thế giới từ thập niên 70s, 80s với hơn 100 triệu dĩa nhạc được bán ra. Những người không nghe nhạc đồng quê thường xuyên ắt thế nào cũng phải hơn một lần nghe được đâu đó bản nhạc "Lady" với giọng khàn đục đầy ma lực, quyến rũ của ông. Hay hơn nữa, người hâm mộ cũng có thể biết thêm rằng, cùng với hai ca sĩ Lionel Richie và Stevie Wonder, ông chính là người chủ chốt trong nhóm thực hiện dự án bài hát thế kỷ "We Are the World" với thông điệp đầy tình người và yêu thương. Ông mời gọi được hầu hết huyền thoại âm nhạc thế giới đương thời lúc bấy giờ cùng tham gia. Bài hát đã cũng thu một phần ngay studio của ông và chính ông là ca sĩ thứ ba hay tư đã solo trong bài hát.
Viết về Kenny Rogers vì ông qua đời hồi nửa cuối tháng Ba năm nay, giữa khi Covid-19 đang làm hoảng hốt cả nước Mỹ và thế giới nên tin ông qua đời không được nhắc nhiều và đám tang ông cũng lặng lẽ với chỉ người thân trong gia đình. Nhân dịp này nhắc lại và tôn vinh ông vậy.
Và nhắc lại ông cũng có lý do vì khi nghe lại bản nhạc "The Gambler" bên trên, nó dễ làm người ta nghĩ đến ván bài quốc gia của Donald Trump. Dường như khá đúng cho chân dung cùng tình cảnh của Donald Trump trong vài năm qua và ngay lúc này, khi chỉ còn đúng một tuần nữa là cuộc bầu cử lịch sử của nước Mỹ sẽ diễn ra.
Là chủ sòng bài nhưng Trump là tay bạc bịp thiếu nghề. Bởi lão luyện thì Trump đã không thua bạc, không từng phá sản nhiều lần như trước đây để làm phá sản cả quốc gia như hiện nay. Trump là con bạc gặp may khi đánh sòng quốc gia đôi năm đầu tiên. Kinh tế, công ăn việc làm, tỉ lệ thất nghiệp... đôi năm đầu đã là điều làm cho Trump cùng người ủng hộ cao ngạo, rêu rao. Nhưng Trump chắc chắn không nghe nhạc và cũng chẳng biết đến lời khuyên của Kenny rằng : "đừng đếm tiền khi chưa tàn cuộc". Chớ vội huyên hoang khi chưa hết nhiệm kỳ. Nay đã đến lúc buông bài, đứng lên hay bỏ chạy, nếu vẫn cố những ván bài bịp cuối cùng chỉ càng thêm nặng tội với người dân và quốc gia.
Vậy thì hôm nay thì đã đến lúc "đếm tiền", cứ thử tính sổ cho "Trump's Legacy", một di sản cùng những di hại của triều đại Trump để lại và sẽ được ghi vào trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ như thế nào.
Ảnh minh họa
Đó là một tỉ lệ thất nghiệp là 7,9 % so với khi nhận từ tổng thống Barack Obama là 4,7 % vào cuối năm 2016, cũng như số người khai thất nghiệp mới gần 800.000 người mỗi tuần, theo số liệu mới nhất từ Bộ Lao Động trong tháng 10 này. Con số này không mấy hứa hẹn khi bước vào mùa Đông và dịch bịnh còn kéo dài. Thâm thủng quốc gia thì ở mức kỷ lục 3.700 tỉ, dẫn đến mức nợ công cũng kỷ lục là 27.000 tỉ đô la, theo số liệu từ Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ. Còn Văn phòng Ngân Sách Quốc Hội CBO ước tính số người không có bảo hiểm y tế cho năm 2020 này sẽ tăng ngược lại con số là 31-32 triệu người. Trong bốn năm liên tiếp vừa qua, nội các Donald Trump đã liên tục cắt giảm ngân sách giáo dục quốc gia, ảnh hưởng đến 50 triệu học sinh công lập cùng hàng triệu thầy cô giáo.
Tất cả những số liệu trên chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Vì có kể thêm thì chúng là hiến pháp cùng nền dân chủ đã bị tấn công nặng nề. Là thanh danh và sự chính trực của Tối Cao Pháp Viện bị phá hủy qua những bổ nhiệm vội vàng, thiếu chính danh. Là hệ thống pháp lý lung lay. Giá trị xã hội đảo lộn. Là sự bất ổn xã hội tăng cao. Sự cổ vũ cho tinh thần da trắng thượng đẳng bạo lực cùng các thuyết âm mưu phi lý. Sự chia rẽ quốc gia hừng hực như lò lửa, từ giới chính khách xuống đến người dân. Là sự tấn công vào quyền tự do ngôn luận khi xem truyền thông là thù địch. Là chính sách đối ngoại thất bại, tung hô kẻ thù và chia rẽ đồng minh. Là tình trạng an nguy của người dân đầy bấp bênh khi nền an ninh quốc gia bị xem thường. Vô số điều quan trọng như vậy có thể thêm vào danh sách.
Không kể là hơn 200 ngàn người dân Mỹ thiệt mạng vì sự buông thả dịch bịnh mà chưa biết sẽ dừng lại con số cuối cùng ở mức nào. Nó không chỉ là trách nhiệm mà còn là một tội ác của di sản Donald Trump khi nhìn lại lịch sử.
Tất cả những điều này sẽ ghi vào hồ sơ di sản của Donald Trump. Hệ lụy cùng những di hại để lại cho tân nội các cùng người dân Mỹ sẽ là một thách thức to lớn để vượt qua và hàn gắn quốc gia. Có những khó khăn nhưng không phải là điều không tưởng. Bởi với vài chục triệu người đã đi bỏ phiếu sớm, con số sẽ đưa mùa bầu cử năm nay đi vào lịch sử. Người dân đã nhập cuộc và sẳn sàng phế truất triều đại Trump để tái dựng lại nước Mỹ.
Xin cầu chúc con thuyền quốc gia với cánh buồm xanh màu hy vọng sẽ chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến cuối cùng này và đưa quốc gia vượt qua sóng gió, đến được một tương lai tươi sáng hơn.
Nhã Duy
(27/10/2020)
1. Donald Trump First
Bằng sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và sức mạnh của xã hội dân chủ lâu đời, nước Mỹ thực sự có vai trò lớn chi phối, ảnh hưởng đến chính trị cả thế giới. Với tiềm lực kinh tế lớn, nước Mỹ cũng là nước đóng góp tiền bạc lớn nhất cho các tổ chức quốc tế, từ tổ chức Liên Hợp Quốc, từ liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO, đến Tổ chức Y Tế thế giới, WHO. Chi nhiều tiền để giữ vai trò chủ đạo. Như cổ đông nắm năm mươi mốt phần trăm cố phần công ty để nắm quyền quyết định. Mỹ có vai trò lãnh đạo thế giới bằng thực lực chứ không phải là danh hão.
Bằng sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và sức mạnh của xã hội dân chủ lâu đời, nước Mỹ thực sự có vai trò lớn chi phối, ảnh hưởng đến chính trị cả thế giới.
Sức mạnh Mỹ đã cho nước Mỹ một tư thế cả loài người phải ngoái nhìn, cho nước Mỹ một vóc dáng trùm bóng lên thế giới. Không phải chỉ tạo cho nước Mỹ một xã hội dân chủ, tiến bộ mà nền dân chủ Mỹ còn là hình mẫu của xã hội loài người hướng tới, là niềm tin và hi vọng của người dân các nước còn phải sống trong chế độ độc tài. Vì vậy nền chính trị Mỹ cũng là nền chính trị lớn nhất thế giới, tác động đến chính trị cả thế giới và Tổng thống Mỹ là nhà chính trị số một, người có quyền lực chính trị lớn nhất thế giới. Nhưng khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì Trump lại là nhà chính trị vô chính trị nhất thế giới.
Tùy hứng. Bất chợt. Gặp gì làm nấy. Lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Trump không có đường hướng rõ ràng về sách lược, chiến lược chính trị của nước Mỹ với thế giới. Trên chính trường quốc tế, Trump chỉ như một diễn viên trong chương trình truyền hình thực tế. Trump hẹn gặp Kim Jong-un liền hai cuộc rềnh rang, ồn ào ở Singapore, ở Việt Nam chỉ để Trump vào vai diễn truyền hình thực tế trước thế giới.
Với chính khách thế giới, Un như chú bé hiếu động, có máu anh hùng rơm, thích chơi dao. Con dao sắc lẻm trong tay Un không những nguy hiểm với Un mà với máu anh hùng rơm, Un còn đe dọa sự sống của nhiều người. Thế giới trông đợi Trump sẽ mang túi bim bim, mang cánh diều mơ ước đến gặp Un, Un sẽ bỏ con dao sắc lẻm, nhận túi bánh, nhận cánh diều. Nhưng gặp Trump rồi, Un lại hai tay hai dao ! Còn Trump thì nổi tiếng thế giới hơn cả ngôi sao Hollywood có thân hình bốc lửa Marilyn Monroe.
Khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì Trump lại là nhà chính trị vô chính trị nhất thế giới. Ảnh minh họa Tổng thống Donald Trump chế nhạo quyền tự do báo chí
Mị dân bằng những tiêu chí hào nhoáng Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lai và Nước Mỹ Trên Hết (Make America Great Again & America First) nhưng vô chính trị như Trump thì làm gì có nước Mỹ. Chỉ có Trump mà thôi. Mọi chính sách của nước Mỹ thời Trump, mọi hoạt động của Trump chỉ nhằm đề cao Trump. America First, thực ra là Trump First, Trump trên hết.
Không có tư duy chính trị, không có tầm vóc thế giới mà nước Mỹ đảm trách, chỉ đơn thuần là nhà kinh doanh nhiều tai tiếng, chỉ biết có tiền và Trump thấy đồng tiền mà nước Mỹ phải chi cho các tổ chức quốc tế quá lớn là quá bất công với nước Mỹ, quá oan uổng cho túi tiền của nước Mỹ, quá thiệt thòi, thâm hụt đồng vốn nền kinh tế Mỹ. Không có tư duy chính trị, Trump nông cạn tưởng rằng chỉ cần dồn tiền làm kinh tế, đưa kinh tế Mỹ lên hàng đầu thế giới là làm cho nước Mỹ vĩ đại.
Để có thêm tiền làm kinh tế, để khỏi mất tiền bất công, oan uổng, thiệt thòi, Trump rút ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế. Với sự vô chính trị của Trump, nước Mỹ co lại trong tính toán của miếng ăn, trong sự co bóp của dạ dày, chỉ còn sự sinh tồn của con người sinh vật nhỏ nhen, tầm thường, không còn biết đến những giá trị nhân văn, không còn tấm lòng bao dung con người, không còn sự bao dung cao cả của nước Mỹ với những con người bị tước đoạt những giá trị làm người đang khẩn cầu nhìn về nước Mỹ, không còn bóng mát nền dân chủ Mỹ rợp bóng thế giới.
Rình rập từ lâu, thời cơ ngàn vàng đến, nơi nào Mỹ rút ra, vai trò của Mỹ bỏ trống, Trung Quốc liền nhảy vào, ném tiền ra, thay thế vai trò của Mỹ. Nhỏ nhen, vô chính trị, với chiêu bài mị dân Nước Mỹ Trên Hết, thời Trump nước Mỹ co lại trong America First cũng là thời Trung Quốc bành trướng vươn ra thế giới mạnh mẽ nhất.
Là nước có truyền thống dân chủ lâu đời, có lịch sử bằng máu về quyền con người, thấm thía giá trị quyền con người, giá trị dân chủ, trước thời Trump, nước Mỹ không chỉ bo bo cho nước Mỹ. Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra ở Châu Âu. Cách lò lửa chiến tranh cả đại dương, nhưng từ bên kia Đại Tây Dương, Mỹ vẫn đưa quân tham chiến. Chặn đứng họa phát xít, 325 ngàn lính Mỹ đã chết. Họa cộng sản đang đe dọa cả Châu Á và lò lửa chiến tranh cộng sản đã cháy rực ở Việt Nam. Một lần nữa quân đội Mỹ lại phải vượt Thái Bình Dương và 58 ngàn lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến ngăn chặn họa cộng sản đang như vết dầu loang, loang ra cả vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Nước Mỹ vĩ đại không phải vì đồng dollars Mỹ đã chinh phuc cả thế giới. Nước Mỹ vĩ đại vì máu của người Mỹ đã đổ ra cứu thế giới khỏi họa phát xít, cứu loài người khỏi họa cộng sản. Cũng vì lẽ đó, ngày nay quân đội Mỹ đang có mặt ở Châu Âu, đang có mặt ở Hàn Quốc. Cũng vì lẽ đó, trong hòa bình, nhiều đàn ông Mỹ vẫn phải sống xa nhà, xa vợ con, quanh năm sống trong trại lính. Vô chính trị, Trump đã đòi Châu Âu, đòi Hàn Quốc phải trả tiền cho sự có mặt của lính Mỹ để Trump mang tiền đó về Mỹ làm kinh tế. Trump đã biến người lính Mỹ làm sứ mệnh cao cả bảo vệ hòa bình thế giới thành tên lính đánh thuê tầm thường. Trump đã bán máu lính Mỹ lấy tiền phát triển kinh tế Mỹ. Đó là sự sỉ nhục quân đội Mỹ, sỉ nhục nước Mỹ.
Là Tổng thống của đất nước tập hợp, hội tụ tất cả các chủng tộc, các sắc dân có mặt trên trái đất nhưng vô chính trị, Trump ra mặt đế cao chủng tộc da trắng thượng đẳng của mình, kích thích xung đột chủng tộc vốn là vấn nạn nhức nhối của nước Mỹ, gây chia rẽ sâu sắc nước Mỹ. Vô chính trị nhưng có quyền lực chính trị trong tay, Trump càng bộc lô thói hợm hĩnh, ngạo mạn của trọc phú giầu sổi, gọi các nhà báo viết sự thật là kẻ thù của nhân dân. Nhân cách thấp kém, Trump không sử dụng được những nhân cách lớn của nước Mỹ. Văn hóa thấp, Trump không sử dụng được các nhà khoa học lớn của nước Mỹ. Nhà khoa học bị gạt ra khỏi công việc khoa học làm cho nước Mỹ mất phương hướng trong cuộc chiến chống cúm Tàu dẫn đến cái chết vô lí, oan uổng của hơn hai trăm ngàn người Mỹ.
Donald Trump là thảm họa chính trường lớn nhất trong lịch sử hơn hai trăm năm nước Mỹ.
2. Đảng cộng sản Việt Nam trên hết
Cũng giống như Trump, Đảng cộng sản Việt Nam cũng có nhiều tiêu chí mị dân mùi mẫn như tiêu chí Nước Mỹ Trên Hết của Trump. Còn gì mùi mẫn hơn khi ông Võ Văn Thưởng, trùm tuyên giáo của đảng véo von : Đảng cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Cũng giống như Trump, làm gì có nước Mỹ, chỉ có Trump mà thôi. Với Đảng cộng sản Việt Nam, làm gì có nhân dân, chỉ có đảng mà thôi.
Đảng cộng sản Việt Nam không vì lợi ích người dân mà chỉ để cướp quyền lực của dân, dùng quyền lực cướp được vơ vét lợi quyền cho đảng, cai trị dân bằng bạo lực cthì đó là đảng vô chính trị.
Đảng chính trị nào cũng ra đời từ đòi hỏi của cuộc sống, vì lợi ích của nhân dân. Hướng tới dân, hoạt động vì lợi ích của dân, của nước là nội dung chính trị của đảng. Đảng chính trị không vì lợi ích người dân mà chỉ để cướp quyền lực của dân, dùng quyền lực cướp được vơ vét lợi quyền cho đảng, "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình", thiết lập lên vương triều phong kiến độc tài cộng sản, cai trị dân bằng bạo lực công an – tòa án – nhà tù thì đó là đảng vô chính trị. Giống như Trump sử dụng dày đặc từ America, Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng dày đặc từ "nhân dân" nhưng bốn ngàn năm lịch sử, chưa có thời nào vị trí người dân lại thấp kém, người dân bị khinh bỉ, đàn áp, oan khiên, điêu linh, lầm than như trong thời cộng sản.
Đảng cộng sản Việt Nam còn tệ hơn Trump ở chỗ. Trump vô chính trị nhưng Trump còn có chính danh. Trump nắm quyền lực nước Mỹ bằng lá phiếu của người dân trao quyền lực cho Trump. Đảng cộng sản Việt Nam không có một móng tay chính danh khi cầm quyền không bằng lá phiếu của người dân mà đảng cướp quyền dân rồi tự viết vào Hiến pháp điều 4 về quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội đương nhiên và vĩnh viễn của đảng. Ngoài đảng cộng sản, trên thế giới không có một đảng tử tế, lương thiện nào lại sống sượng, trơ tráo cầm quyền không do lá phiếu bầu chọn của người dân mà đảng tự trao quyền cho đảng.
Không do lá phiếu của người dân bầu chọn, đảng đâu cần được lòng dân, đâu cần nội dung chính trị vì lợi ích người dân. Không cần nhắc đến vô vàn sự kiện tắm máu dân rất vô chính trị trong quá khứ như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cải cách ruộng đất, nội chiến Nam Bắc. Rất vô chính trị, đảng coi dân chỉ là kho máu, kho sức người, sức của vô tận để đảng sử dụng áp đặt ách cai trị của đảng lên cả đất nước, lên cả giống nòi Việt Nam.
Đảng chính trị dù tồn tại không do ý chí và nguyện vọng của dân cũng phải hiểu rằng sự bất an, nhức nhối, phẫn nộ của lòng dân là là nấm mồ số phận của đảng. Đảng phải nhớ rằng lòng dân quyết định số phận của đảng chính trị chứ không phải sức mạnh bạo lực công an – tòa án – nhà tù. Vô chính trị, quá ỷ vào sức mạnh bạo lực công an – tòa án – nhà tù, đảng thản nhiên dồn nén, chồng chất nỗi bất an, nhức nhối, phẫn nộ trong lòng dân hết vụ việc này đến vụ việc khác. Xin chỉ nêu hai vụ việc đang diển ra.
2.1. Vụ việc Đồng Tâm chỉ là tranh chấp dân sự giữa người dân và chính quyền địa phương về một thẻo đất con con 59 ha cánh Đồng Sênh. Tranh chấp dân sự thì đưa nhau ra tòa án phân xử và chỉ có tòa án mới có quyền phân xử. Việc quá nhỏ bé, giản đơn. Vô chính trị, coi dúm dân giữ đất Đồng Tâm như kẻ thù đe dọa quyền cai trị của đảng, nhà nước của đảng ầm ầm kéo binh hùng, tướng bự đến dìm một chòm xóm nhỏ bé, bình yên vào chết chóc đau thương. Bộ Công an tung cả một trung đoàn cảnh sát cơ động của bộ, lực lượng cơ động chiến lươc quốc gia, đánh úp một dúm mấy chục người dân gồm người già, phụ nữ, trẻ sơ sinh. Xin nhắc lại trung đoàn cảnh sát cơ động của bộ Công an chứ không phải của địa phương. Công an cấp tỉnh thành không gian hẹp không cần lực lương cơ động, không có đơn vị cảnh sát chiến đấu cấp trung đoàn.
Ứng xử với dân như kẻ thù, đương nhiên với sức mạnh bạo lực nhà nước, chính quyền phải thắng dân. Nhưng lâu dài đó là hành động tự sát của chính quyền, là hành động vô chính trị đến mức tăm tối, mất trí.
Cảnh sát chiến đấu đang đêm phá cửa xông vào tận giường ngủ, kề súng tận ngực người già xả đạn thì những băng tội phạm mafia con cháu đám cướp biển đảo Sicilia giết người không ghê tay cũng không dám hành xử man rợ như vậy. Công an xông vào nhà dân, giết dân, phanh thây dân, bắn thủng ruột, bắn bay mảnh hộp sọ dân lương thiện thì pháp luật không dám đụng đến. Người dân chỉ có quả lựu đạn thối trong tay tư vệ chính đáng thì bị tử hình, bị tù chung thân. Càng dung túng cho những tên tội phạm mặc áo công vụ nhà nước giết dân, càng tuyên những bản án tử hình, chung thân cho người dân vô tội thì càng dồn nén, chồng chất nỗi uất hận trong lòng dân. Không phải nỗi uất hận chỉ dồn nén trong lòng dân Đồng Tâm. Nỗi uất hận Đồng Tâm còn dồn nén trong lòng hơn chín mươi triệu người dân Việt Nam lương thiện.
Giám đốc kiểm lâm Yên Bái nổ súng giết bí thư tỉnh ủy, giết chủ tịch hội động nhân dân tỉnh ngay trong cơ quan tỉnh ủy cũng chỉ vì uất hận. Chỉ một người uất hận, cơ quan tỉnh ủy Yên Bái đã lênh láng máu. Dân Đồng Tâm vô tội bị công an giết phi pháp và man rợ. Tòa án xử dân Đồng Tâm vô tội còn phi pháp và man rợ hơn. Người dân cả xã Đồng Tâm nén nỗi uất hận trong lòng. Người dân cả nước chia sẻ nỗi uất hận với dân Đồng Tâm. Lịch sử chín mươi năm Đảng cộng sản Việt Nam không có hành xử nào vô chính trị như hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam trong vụ Đồng Tâm.
2.2. Nhà khoa học dựa vào luật khiếu nại, tố cáo, đứng tên đàng hoàng trong đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn trong luận văn tiến sĩ là sự việc dân sự bình thường, là việc làm đúng pháp luật và rất chính trị, đầy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà khoa học, bảo vệ khoa học, bảo vệ thanh danh cho đảng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ cấp cao của đảng.
Đương chức đương quyền, lại được tổ chức đảng bao che, nuông chiều, ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường lại vênh váo thắng nhà khoa hoc trong vụ đạo văn luận án tiến sĩ.
Tố cáo chính danh, đàng hoàng, hợp pháp nhưng ông bí thư tỉnh ủy bị tố cáo liền lệnh cho công an tỉnh lấy ô tô công vụ từ cao nguyên Đắk Lắk ầm ầm chạy hơn 300 cây số xuống Sài Gòn, xông vào quán ăn tối, bắt người tố cáo hợp pháp. Hiện nguyên hình là một đại ca lục lâm thảo khấu, không cần biết đến pháp luật, ông bí thư tỉnh ủy đã vô chính trị. Cơ quan trung ương đảng có tên Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương còn vô chính trị hơn khi mang danh một cơ quan trung ương đảng ra bảo vệ hành vi yêng hùng phạm pháp của ông bí thư tỉnh ủy.
Chỉ là cơ quan hoàn toàn thuộc nội bộ tổ chức đảng, chỉ có quyền hạn với nội bộ đảng, không phải là cơ quan nhà nước, càng không phải cơ quan khoa học, không phải hội đồng thẩm định khoa học nhưng coi đảng là trên tất cả, tiểu ban nhỏ xíu trong nội bộ tổ chức đảng tự tin khẳng định : Đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo luận án tiến sĩ !
Ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường có đạo luận án tiến sĩ hay không phải do hội đồng khoa học chuyên ngành thẩm định. Chuyện đó xét sau. Nhà khoa học tố cáo đúng sai cũng phải do phiên tòa dân sự phân xử. Chuyện đó cũng chưa diễn ra. Nhưng hành vi lạm quyền mang tính côn đồ của ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường là quá rõ. Ông bí thư tỉnh ủy hiện nguyên hình là một đại ca giang hồ là điều rất nghiêm trọng, là báo động đỏ về sa sút đạo đức của cán bộ đảng cao cấp. Bóng cá nhân yêng hùng lồng lộng của ông bí thư tỉnh ủy là sự khinh bỉ, phỉ báng pháp luật của chính nhà nước cộng sản. Ông đại ca giang hồ, ông sa sút đạo đức như vậy nhưng vẫn thu được trăm phần trăm phiếu bầu tái cử bí thư tỉnh ủy cho thấy đảng trí của đại hội đảng Đắk Lắk thấp kém như thế nào và đại hội đàng Đắk Lắk vô chính trị như thế nào. Trăm phần trăm bỏ phiếu cho ông lồng lộng cá nhân chủ nghĩa, gầm gừ thói độc tài khinh thường pháp luật cho thấy đảng bộ Đắk Lắk không có con người chính trị, không có chính kiến chính trị mà chỉ có những con người chấp hành, những rô bốt.
Hầu như đại hội đảng của tỉnh nào cũng có một ủy viên bộ chính trị ngồi lù lù chỉ đạo đại hội. Công việc chỉ đạo là bắt nhịp cho đại hội hát đồng ca để khi bỏ phiếu có được con số đẹp trăm phần trăm. Trăm phần trăm tưởng là rất chính trị nhưng thực ra rất vô chính trị. Để có trăm phần trăm, đại biểu chỉ còn là cái máy bỏ phiếu theo chỉ đạo, không còn chính kiến cá nhân.
Dù là bí thư tỉnh ủy nhưng tổ chức đảng vẫn là nơi giáo dục ông bí thư Cường, nơi cứu vớt ông bí thư Cường ra khỏi vũng bùn chủ nghĩa cá nhân, vũng bùn độc tài quân phiệt. Bao che bảo vệ sai trái của ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường không những làm hại ông Cường mà còn làm hại tổ chức đảng, làm suy yếu đảng, làm người dân thêm thất vọng, thêm mất lòng tin vào đảng
Đương chức đương quyền, lại được tổ chức đảng bao che, nuông chiều rồi ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường sẽ vênh váo thắng nhà khoa hoc trong vụ đạo văn luận án tiến sĩ. Nhà khoa học chân chính tố cáo hợp pháp sẽ phải nhận bản án nặng nề. Nhưng từ đây nỗi oán hận cộng sản không phải chỉ chứa chất trong lòng người dân mất nhà mất đất mà còn chứa chất, nhức nhối trong tim những nhà khoa học, những trí thức của đất nước.
3. Món nợ lịch sử
Yên dân là nội dung chính trị hàng đầu, là sức mạnh chính trị lớn nhất của một nhà chính trị, của một đảng chính trị. Trần Hưng Đạo là nhà quân sự lớn nhất và Nguyễn Trãi là nhà chính trị lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhà chính trị Nguyễn Trãi đã đúc kết việc trị nước ở thời nào và ở đâu cũng là Yên dân. Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Dân trên hết chứ không phải đảng trên hết. Đảng chỉ là chốc lát lịch sử. Dân mới là mãi mãi.
Vô chính trị, Trump đã làm nước Mỹ trở thành nhỏ bé, tầm thường, làm cho dân Mỹ bất an và chia rẽ sâu săc. Lá phiếu của người dân Mỹ sẽ ném Trump ra khỏi Nhà Trắng. Như ném một cái chổi cùn. Như ném xác một con chuột chết.
Vô chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam đã dồn nén, chồng chất oán hờn trong lòng dân. Dân Việt Nam không được cầm lá phiếu định đoạt số phận đảng cộng sản. Nhưng đảng cộng sản cứ vô chính trị đi, cứ dồn nén, chồng chất oán hờn trong lòng dân đi. Oán hận trong lòng dân là món nợ lịch sử đảng cộng sản vay của dân. Nợ thì phải trả. Sớm muộn cũng phải trả. Đến lúc oán hận đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của người dân thì lòng uất hận của người dân sẽ thành dung nham núi lửa phun trào chôn vùi thứ quyền lực cướp quyền dân, gây tang tóc, đau khổ, oan trái cho dân. Cái chết nhục nhã của vợ chồng người đứng đầu đảng cộng sản Romania Nicolae Ceausescu là người dân Romania mới đòi một phần món nợ mà đảng cộng sãn Romania đã nợ dân đấy.
Phạm Đình Trọng
25/10/2020
RFI, 12/10/2020
Hôm 12/10/2020, tổng thống Donald Trump lại vận động tranh cử bằng một loạt các cuộc mít tinh tại 3 bang Florida, Pennsylvania, Iowa chỉ trong vòng 3 ngày, với hy vọng bắt kịp đối thủ Dân Chủ Joe Biden từ đây cho đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 03/11.
Sau khi được xét nghiệm dương tính với virus corona ngày 01/10, ông Donald Trump, 74 tuổi, tuyên bố vào hôm qua : "Dường như tôi đã được miễn nhiễm, tôi không biết là miễn nhiễm trong thời gian dài, hay thời gian ngắn, hay miễn nhiễm suốt đời. Không ai biết được thật sự, nhưng tôi đã miễn nhiễm".
Tổng thống Trump còn chế giễu ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden : "Hôm nay quý vị có một vị tổng thống không cần núp dưới hầm như đối thủ của mình".
Hãng tin AFP nhắc lại là cho tới nay vẫn còn nhiều điều chưa được biết về sự miễn nhiễm với Covid-19 : không ai biết chính xác là sự miễn nhiễm kéo dài bao lâu và các kháng thể bảo vệ cơ thể đến mức độ nào.
Trước đó, trong một thông cáo ngắn gọn, bác sĩ chính thức của Nhà Trắng, Sean Conley, khẳng định là tổng thống Mỹ không còn bị xem là có nguy cơ làm lây bệnh sang người khác. Trên mạng Twitter, tổng thống Trump liền diễn giải thông cáo này : "Các bác sĩ của Nhà Trắng đã bật đèn xanh toàn diện. Điều này có nghĩa là tôi không thể bị nhiễm virus nữa và tôi không thể lây sang người khác".
Ngay sau đó, Twitter đã dán nhãn cảnh cáo vào tin nhắn của tổng thống Trump, vì cho rằng trong đó chứa đựng những thông tin "sai lạc" về Covid-19. Hôm qua, tổng thống Trump còn hàm ý là đối thủ của ông, Joe Biden, có thể đã bị nhiễm Covid-19.
Hiện giờ, theo kết quả các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu ở cấp độ toàn quốc, ông Joe Biden hơn ông Donald Trump gần 10 điểm và tại những bang có tính chất quyết định, ứng cử viên Dân Chủ cũng đang qua mặt đối thủ Cộng Hòa.
Trump lại chọc giận bác sĩ Fauci
Hôm qua, tổng thống Trump lại khiến bác sĩ Anthony Fauci bất bình : Những câu nói của nhân vật rất được nể trọng ở Hoa Kỳ được sử dụng trong một video clip tranh cử của ứng cử viên Cộng Hòa. Cụ thể, video clip trích một câu nói của bác sĩ Fauci : "Tôi không thể tưởng tượng ai có thể làm hơn thế", để người xem tưởng rằng ông ca ngợi thành tích chống dịch Covid-19 của tổng thống Trump.
Trong một thông cáo gởi cho đài truyền hình CNN, giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm khẳng định : "Những lời nói mà ê kíp tranh cử của đảng Cộng Hòa gán cho tôi mà không có sự cho phép của tôi đã được sử dụng ngoài ngữ cảnh, trích từ một bình luận mà tôi đưa ra cách đây nhiều tháng, nói về nỗ lực các giới chức y tế liên bang". Tuy nhiên, trên mạng Twitter hôm qua, tổng thống Trump vãn khẳng định "đó chính là những lời nói của bác sĩ Fauci".
Thanh Phương
*************************
RFI, 12/10/2020
Nhiều nhóm vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn ngày 11/10/2020 thông báo tạm ngừng các hoạt động tấn công nhắm vào các lực lượng Mỹ với điều kiện chính phủ Iraq đưa ra một lịch trình rút lính Mỹ.
Từ một năm nay, chính phủ Mỹ cáo buộc các nhóm vũ trang này đứng sau hàng chục vụ tấn công bằng rốc-két nhắm vào những lợi ích của Mỹ tại nước này. Từ Bagdad, thông tín viên đài RFI, Lucile Wassermann giải thích :
"Các nhóm vũ trang đưa ra một lệnh ngừng bắn có điều kiện. Một phát ngôn viên của Kataeb Hezbollah, một trong số các nhóm vũ trang thân Teheran mạnh nhất tại Iraq đã khẳng định như vậy.
Phát ngôn viên này bảo đảm rằng các cuộc tấn công được tiến hành thường xuyên nhắm vào các lợi ích của Mỹ ở Iraq sẽ không tái diễn nữa nếu như tất cả các đội quân Mỹ rút đi. Phát ngôn viên này không ấn định thời hạn chót nhưng đe dọa sẽ có những vụ tấn công dữ dội hơn nếu như Hoa Kỳ vẫn nấn ná ở lại trên lãnh thổ Iraq.
Những thông báo này được đưa ra vào lúc hồi tháng trước Washington dọa đóng cửa tòa đại sứ của mình ở Bagdad nếu như chính phủ Iraq không gia tăng nỗ lực nhằm chấm dứt các vụ tấn công. Trước đó, căng thẳng đã gia tăng một nấc tại Iraq ngay từ đầu năm nay khi nước này có nguy cơ trở thành địa bàn đối đầu giữa Mỹ và Iran.
Hồi tháng 6/2020, Bagdad và Washington đã thông qua một chương trình "rút quân dần dần" và một phần ba số lính Mỹ đã rời Iraq vào tháng Chín. Nhưng hiện vẫn còn 3.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Iraq. Ba ngàn vẫn còn là quá nhiều theo như các nhóm vũ trang, vốn dĩ đòi hỏi một kế hoạch chi tiết rút hết toàn bộ lính Mỹ".
Minh Anh
Tờ Le Monde bên Pháp sáng nay có bài viết "tổng kết" các công việc của Trump đã làm tổn hại sâu xa cho nước Mỹ trong (gân) bốn năm trị vì ở Nhà Trắng. Những người cho rằng Trump là kẻ "ái quốc", yêu nước Mỹ, thì nên tìm đọc để biết Trump đã "phá hoại" nước Mỹ như thế nào. Nhứt là nên phản biện lại, bài báo nói sai ở chỗ nào ?
Bài báo mở đầu : "Trong gần 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã phá hoại thành công Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, FBI, Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Hội đồng An ninh Quốc gia, Cơ quan Bưu điện và thậm chí cả NATO, chưa kể các cơ quan y tế khác nhau đã phải bác bỏ những tuyên bố của ông về các phương pháp chữa trị bệnh coronavirus (như khi ông công khai xem xét khả năng tiêm thuốc tẩy vào cơ thể con người để chống lại nhiễm)...
Bài báo có tựa đề : "En presque quatre ans, Trump a réussi à saboter les services de renseignement américains" ("Chưa tới 4 năm, Trump đã thành công việc phá hoại các cơ quan tình báo của Mỹ"). Tác giả bài báo là nhà văn Robert Littell.
Thật là kinh khủng !
Nếu yêu nước là làm cho đất nước ngày một tốt đẹp hơn, người dân ngày càng sung túc, hạnh phúc hơn thì các hành động (phá hoại nước Mỹ ) của Trump hiển nhiên là hành động của một tên phản quốc.
Huống chi Trump là "tổng tư lịnh quân lực Mỹ", người có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Trump cũng đã phản bội lời thề "bảo vệ hiến pháp" khi đã phá hoại trụ cột quyền lực thứ ba là "tư pháp". Trump còn thể hiện việc vô trách nhiệm khi đã làm lây lan Covid-19 cho công sự của mình, ở Tòa Bạch ốc, ở Bộ quốc phòng...
Trump được người dân Mỹ bầu lên làm tổng thống, mặc dầu số phiếu thua bà Hillary đến hơn hai triệu phiếu, nhưng "luật chơi bầu cử" đã thuận lợi cho Trump. Dầu thế nào thì Trump cũng trở thành tổng thống của trên 300 triệu người dân Mỹ, chớ không phải là tổng thống của 63 triệu người bầu cho ông.
Trong suốt gần 4 năm trị vì Trump đã "giữ lời hứa" đối với một thiểu số, cố gắng thực hiện những lời hứa này, cho dầu khi thực hiện thì nước Mỹ và đa số người dân khác đã phải chịu thiệt hại. Các việc như hỗ trợ cho tài phiệt dầu khí khai thác dầu đá phiến, hay ủng hộ số nông dân... là những thí dụ điển hình.
Bây giờ khủng hoảng dầu khí, để cứu các tài phiệt dầu khí khỏi vỡ nợ, chính quyền Trump phải tìm cách chèn ép các quốc gia Tây Âu (như Đức), buộc các quốc gia này mua khí hóa lỏng của Mỹ, bằng các biện pháp "bá đạo" như đe dọa rút khỏi OTAN (hay đe dọa không bảo vệ Đức). Ngay cả VN cũng là một nạn nhân "xăng ta" khí đốt của Mỹ. Giá khí đốt hóa lỏng của Mỹ đắt hơn (ít ra hai lần) bất kỳ một nhà cung cấp nào.
Vụ nông sản đã khiến Trump phải nhượng bộ Tập Cận Bình trong các cuộc thương thảo. Trump hy sinh lợi ích đa số chỉ để bảo vệ lợi ích của thiểu số.
Còn về vấn đề "đánh Trung Quốc" của Trump ! Thật là một chuyện "tiếu lâm truyền kỳ" đối với những người "biết chuyện".
Trung Quốc hiện nay là gì đối với Mỹ ? là "địch thủ không đội trời chung", hay "đối thủ chiến lược" ?
Muốn biết ta cần tìm hiểu Mỹ đã "không đồng ý" với Trung Quốc về điều gì ? Mỹ "chống" Trung Quốc về chuyện gì ?
Trung Quốc không phải là "đối thủ ý thức hệ" như Liên xô và khối XHCN ngày xưa. LX và khối XHCN đe dọa lối sống "dân chủ tự do" của khối tư bản mà Mỹ đứng đầu với đe dọa "nhuộm đỏ" toàn cầu.
Trung Quốc không hề có tham vọng "bành trướng ý thức hệ" như LX.
Cốt lõi của xung đột Mỹ-Trung là sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, về kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật, đe dọa ngôi vị độc tôn của Mỹ.
Lý ra, với một vị tổng thống thông minh, có tầm nhìn, thì phải thấy ngay rằng Mỹ không thể "đánh" một quốc gia bất kỳ, bằng bất kỳ phương tiện gì, quân sự, kinh tế, chính trị hay ngoại giao... nếu không có "đồng minh". Vấn đề là Trump đã phá nát mọi quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ với các quốc gia.
Ngay cả vùng Đông Nam Á, rõ ràng Trung Quốc đã bành trướng quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa... đến mức các quốc gia này "lệ thuộc" sâu xa vào Trung Quốc. Chủ quyền các quốc gia này bị đe dọa. Dầu vậy các quốc gia này không dám chọn bên trong cuộc xung đột Mỹ-Trung.
Đơn giản là vì các quốc gia này không nước nào tin vào Trump.
Trump đánh Trung Quốc không có chiến thuật lẫn chiến lược. Trung Quốc mạnh hơn LX ngày xưa (kinh tế, khoa học kỹ thuật...) Đánh LX nước Mỹ đã chuẩn bị dài lâu, vài chục năm, mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa... đủ các thứ. Liên tục trên 3 thập niên mới làm cho LX gục ngã....
Nữ ký giả kỳ cựu gốc Hoa Connie Chung vừa đưa lên đôi clip phim ngắn để vận động người gốc Á bỏ phiếu cho cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris hay cử tri nói chung. Thâm niên trong lãnh vực truyền thông, am hiểu chính trường và từng theo dõi, tường trình vấn đề từ Washington DC., bà bảo ông Binden là một người tử tế, thông minh và chân thật, thật sự quan tâm đến người Á Châu và người dân.
Nữ ký giả Connie Chung thời vàng son / CBS News - Ảnh minh họa
Đồng thời bà cũng gọi đích danh Tổng thống Donald Trump là người đã làm cộng đồng Á Châu phải trả một giá đắt cho sự kỳ thị tràn ngập lòng thù ghét, vì gián tiếp bị xem là nguyên nhân của dịch bệnh từ cách ông gọi tên nó, cũng như các chính sách đầy nguy hại mà ông gây ra cho người dân.
Quả thú vị khi gặp lại bà Connie Chung. Những ai thích theo dõi các chương trình bình luận chính trị, tin tức thế giới vào đầu thập niên 90 trước đây ắt vẫn còn nhớ đến bà. Connie là nữ ký giả truyền hình gốc Á đầu tiên đứng vào hàng những nhà bình luận nổi tiếng của các hệ thống truyền hình quốc gia như NBC, CBS, ABC, CNN... có những cuộc phỏng vấn khá sắc bén nhưng cũng gây nhiều tranh cãi cho công luận.
Bà từng làm chương trình chung với những tên tuổi truyền thông Hoa Kỳ, từ huyền thoại Walter Cronkite cho đến những cổ thụ truyền thông như Tom Brokaw, Dan Rather... sau này. Một kiểu Barbara Walter Châu Á của truyền thông Hoa Kỳ.
Rồi một tai nạn nghề nghiệp, hay đúng hơn một thái độ truyền thông bị xem là thiếu chuyên nghiệp mà sự nghiệp của bà Connie đã chấm dứt. Năm 1995, khi sự nghiệp cùng tên tuổi của bà đang tỏa sáng trên các hệ thống truyền hình quốc gia thì trong một cuộc phỏng vấn với bà Kathleen Gingrich - mẹ của dân biểu Newt Gingrich thuộc đảng Cộng hòa và là Chủ tịch Hạ Viện lúc bấy giờ. Bà Connie hỏi rằng "Con trai bà nghĩ gì về bà Hillary Clinton ?". Khi mẹ ông ta từ chối trả lời, Connie bảo, "hãy nói thầm tôi nghe, chỉ giữa tôi và bà". Nhưng khi bà Kathleen trả lời thì micro được phóng âm để khán giả nghe được mồn một câu trả lời. Đó là một câu nói đầy khiếm nhã, xúc phạm bà Hillary từ con trai của bà, tức Newt Gingrich.
Dù có thể tò mò muốn nghe câu trả lời nhưng thái độ và tình huống đặt bà Kathleen buộc miệng nói ra trước công luận một điều đầy tế nhị như vậy đã làm khán giả cùng giới truyền thông nổi giận. Cho dù họ không thích hay ủng hộ bà Hillary, cho dù họ thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Đơn giản là họ không chấp nhận một thái độ truyền thông bị xem thiếu chân thật và không chuyên nghiệp như vậy. Sự nghiệp truyền thông của bà Connie xem như chấm dứt từ sau đó. Dù có tham gia trở lại với vài đài truyền hình trong một vài năm sau nhưng bà đã bị mất đi sự theo dõi như xưa.
Nhắc lại Connie Chung nhân tình cờ xem các clip vận động bầu cử của bà và cũng để nhắc lại nền truyền thông của một thời mà sự chính trực, trung thực của nó được đặt lên hàng đầu. Nó được khán giả, độc giả ủng hộ với điều đúng đắn và phản đối nếu đi ngược lại các giá trị đó, không có đất cho những sai trái.
Tổng thống Donald Trump đã đảo lộn giá trị truyền thông này khi khoác lên nền truyền thông lâu đời của nước Mỹ cùng thế giới trở thành "kẻ thù của người dân", khi đưa những tường trình bất lợi đến ông ta bất kể các tường trình này dựa trên dữ liệu và chứng liệu thế nào. Ảnh minh họa
Khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, ông đã đảo lộn giá trị truyền thông này bằng một loại truyền thông thời đại Trump. Bất kể lời nói nào, dẫu đúng sai của ông cũng được người ủng hộ tung hô và bảo vệ. Trump thành công khi khoác lên nền truyền thông lâu đời của nước Mỹ cùng thế giới bỗng trở thành những hệ thống "fake news" và "kẻ thù của người dân", một khi đưa những tường trình bất lợi đến ông ta cùng nội các, bất kể các tường trình này dựa trên dữ liệu và chứng liệu thế nào. Tấn công truyền thông, che giấu sự thật luôn là biện pháp đầu tiên của các thể chế độc tài.
Những kẻ làm truyền thông thời đại "Trump Era" này đã chụp ngay bài học và cơ hội này, cho dù họ ủng hộ Donald Trump có mục đích hay chỉ là thủ lợi tài chính. Những bài viết, mẩu tin, hình ảnh được cắt xén, sửa đổi, ngụy tạo. Những thuyết âm mưu bừa bãi, phi lý. Một số video của các youtuber gốc Việt lời lẽ dung tục, kém văn minh được đưa lên hàng ngày. Càng dối trá, càng phi lý, lại càng thu hút người nghe, người đọc. Và càng được tặng thưởng.
Khó lòng ngờ được có những trang tin hay kênh truyền hình mạng xã hội như vậy lại có hàng chục ngàn người theo dõi với đầy những những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật được diễn đạt bằng một loại ngôn từ hung bạo, kích động. Chúng tồn tại và phát triển mạnh bởi người xem chỉ cần điều họ muốn nghe, muốn đọc, bất kể nó là thế nào. Những mẩu tin hay hình ảnh bị các hãng truyền thông chính thống hay cá nhân khác kiểm chứng, vạch ra điểm bịa đặt, sai trái hay bị các mạng xã hội gắn nhãn là ngụy tạo, vẫn được họ tiếp tục nhắm mắt chia sẻ, lan truyền.
Không chỉ vậy, một số người quá khích còn tấn công vào những cơ quan truyền thông chỉ đóng vai trò truyền thông, đưa ra những thông tin, sự việc đang thật sự xảy ra như thế nào. Họ tấn công, xúc phạm các tác giả, vào tòa báo dưới mỗi bài viết, những phân tích có sự khác biệt trong nhìn nhận về chính sách cùng chính trường hiện nay. Họ tự tước đi cái quyền được tiếp nhận thông tin đa chiều, toàn diện để từ đó, tự mình nhận định hay kết luận.
Cho dù có đang nồng nhiệt ủng hộ ứng viên nào, khi để cảm xúc của mình bị chi phối bởi kẻ khác đang muốn dẫn dắt mình bằng thông tin sai lệch là một sự sỉ nhục vào trí tuệ của chính mình. Nhưng nếu vẫn tiếp tục thích thú, tặng thưởng cho một dạng truyền thông đầy tung hứng như vậy, thì những người này lẽ ra vẫn có thể bình tĩnh đọc thêm các thông tin, chứng liệu trên tinh thần báo chí và học thuật, khác với điều được nghe, được đọc và đã tin. Bởi điều này mang lại ích lợi cho chính họ trong vai trò những độc giả có hiểu biết, được thông tin đầy đủ từ một nền truyền thông đóng đúng vai trò thông tin và phản biện của nó trong thể chế dân chủ.
Hy vọng không chỉ cho một nền dân chủ cùng những giá trị của nước Mỹ sẽ được phục hồi, mà cả nền truyền thông thời đại Trump sẽ không còn đất sống để chỉ còn một nền truyền thông trách nhiệm, trung thực và tích cực như nó đã từng hiện diện từ lâu nay.
Nhã Duy
(06/10/2020
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và sức khỏe của Donald Trump vẫn là đề tài được các báo Pháp quan tâm khai thác, với giọng điệu chỉ trích. Ngay cả tờ báo thiên hữu Le Figaro cũng có cái nhìn không mấy tích cực về tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" và sự thiếu minh bạch trong thông tin của Nhà Trắng về sức khỏe của tổng thống Mỹ.
Le Figaro cho biết, theo nhiều phương tiện truyền thông Mỹ, tổng thống Donald Trump dường như đã được làm một xét nghiệm nhanh với kết quả dương tính vào tối thứ Năm 01/10 khi trở về từ cuộc mít-tinh với 260 người tham dự tại New Jersey. Thế nhưng, phải đợi đến tối thứ Sáu khi có kết quả xét nghiệm PCR thì Nhà Trắng mới thông báo tổng thống nhiễm Covid-19. Và hệ quả là đến thứ Hai 05/10, danh sách các quan chức Nhà Trắng nhiễm virus ngày càng dài.
Còn về Donald Trump, mặc dù ông cho biết đã học được nhiều điều về Covid-19, gọi đó là một "kinh nghiệm quý báu", "trường đời", nhưng theo kết quả cuộc khảo sát Viện Ifop thực hiện cho Reuters, 65% số người được hỏi cho rằng ông Trump lẽ ra có thể đã tránh được virus corona nếu ông nhìn nhận dịch bệnh một cách nghiêm túc hơn.
Trong khi đó, việc ông bất ngờ rời bệnh viện trong chốc lát, khi đang được điều trị và lẽ ra phải bị cách ly, chỉ để vẫy tay chào người ủng hộ và cho thấy ông vẫn khỏe mạnh, lại gây ra rất nhiều tranh cãi. Một vị bác sĩ của bệnh viện nơi ông điều trị đã "mở màn" trên Twitter, gọi chuyến đi của tổng thống là "một chuyến đi hoàn toàn vô ích", "điên rồ", "một màn kịch chính trị" có thể khiến 2 nhân viên cùng ngồi xe với ông nhiễm bệnh và mất mạng. Theo bác sĩ này, mệnh lệnh của tổng thống có thể đặt hai nhân viên nói trên vào vòng nguy hiểm.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Chiến dịch "ngoại hạng"
Chỉ còn có 4 tuần lễ nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng theo báo công giáo La Croix, chưa bao giờ nước Mỹ bị chia rẽ như hiện nay, với một chiến dịch vận động tranh cử hỗn loạn nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh đại dịch, đất nước bị suy yếu cả về nhân mạng và kinh tế, tuần nào cũng có những "tin giật gân" được công bố, cứ như thể công chúng đang xem một bộ phim truyền hình nhiều tập "phiên bản tốc độ nhanh".
Thông báo về việc tổng thống nhiễm virus corona và phải nhập viện điều trị đe dọa đẩy kỳ bầu cử tổng thống vào "ngõ cụt" và đẩy phe Cộng hòa vào "thế bí". Nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ không thể tự bảo vệ mình, không thể bảo vệ người thân và các cộng sự, đó không phải là thông điệp đảng Cộng hòa muốn truyền tải trong khi chỉ còn có 4 tuần lễ nữa là đến ngày trọng đại. Các cuộc thăm dò sau khi tổng thống nhiễm Covid cho thấy trên toàn quốc, ông Trump đang thua đối thủ Joe Biden đến 8 điểm.
Donald Trump vốn dĩ thường thành công trong việc tạo ra bầu không khí có lợi cho bản thân thông qua hàng loạt tin nhắn Twitter hung hăng và những cáo buộc mơ hồ. Hồi năm 2016, ông đã thuyết phục được một bộ phận cử tri người Mỹ là bà Hillary Clinton không xứng đáng vào Nhà Trắng, mà xứng đáng ngồi tù. Lần này, ông Trump đang cố gắng thuyết phục cử tri rằng Joe Biden là một mối đe dọa cho đất nước và chỉ có sự gian lận ồ ạt lá phiếu mới có thể khiến ông không tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Theo các cuộc thăm dò hiện nay, chiến thuật này của ông Trump sẽ không thành công nữa. Thế nhưng, theo La Croix, kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là "quá đặc biệt" và còn nhiều điều chưa thể đoán định. Trò chơi vẫn chưa ngã ngũ…
Belarus : Phong trào đấu tranh biến thành phong trào bài Nga ?
Còn về Châu Âu, báo Le Monde có bài viết đáng chú ý với tiêu đề "Tại Belarus, người biểu tình ngày càng bài Putin". Mặc dù các nhà lãnh đạo đối lập đều nhấn mạnh không bài Nga, nhưng chính việc điện Kremlin hậu thuẫn cho tổng thống Lukashenko đã khiến phong trào đấu tranh đường phố trở nên bài Putin.
Gương mặt nổi bật của phe đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaia, hiện giờ sống lưu vong tại Litva, khẳng định phong trào phản kháng làm rung chuyển Belarus suốt 57 ngày qua là "một cuộc cách mạng dân chủ chứ không phải một cuộc cách mạng địa chính trị". Mỗi khi phát biểu, kể cả trước các lãnh đạo Tây phương, bà Tikhanovskaia đều tìm cách để phong trào đấu tranh của người dân Belarus không bị nhìn nhận là bài Nga. Tuy nhiên, Le Monde cho biết từ nhiều tuần nay, các biểu ngữ bài Putin đã nở rộ trong các đoàn người biểu tình, nhằm phản đối sự can dự của tổng thống Nga theo hướng ủng hộ đồng nhiệm Lukashenko, người bị dân chúng Belarus cho là gian lận trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua.
Theo truyền thông đối lập, cuộc biểu tình tuần thứ 9 chống chế độ Lukashenko đã tập hợp được hơn 100.000 người. Le Monde cho độc giả thấy sự đối lập giữa một bên là người biểu tình ôn hòa nhưng đầy quyết tâm, còn bên kia là vị tổng thống đã tại nhiệm suốt 26 năm, với lời hứa cải tổ Hiến Pháp nhưng luôn từ chối đối thoại với phe đối lập, mà đa phần thành viên đã bị bắt giam hay phải sống lưu vong ở nước ngoài. Sự can dự của chính quyền Nga và tổng thống Putin càng làm mọi việc trở nên khó khăn.
Ông Nikolai, một kỹ sư khoảng 50 tuổi, cho rằng : "Nếu không có Putin, cuộc cách mạng lẽ ra đã hoàn thành sớm hơn rất nhiều. Đương nhiên là có một sự can dự. Putin quá lo sợ là phong trào sẽ lan sang cả đất nước của ông ấy". Vẫn theo ông Nikolai, cả hai nhà lãnh đạo Putin và Lukashenko đều là"những đứa con của Stalin".
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Anna Colin Lebedev, chuyên gia về không gian hậu Xô Viết, khẳng định là trong các bài phát biểu và thảo luận của những người phản đối chế độ, vai trò của nước Nga ngày càng chỉ trích, đặc biệt có những dấu hiệu cho thấy có sự đoàn kết với các phong trào phản kháng ở miền Viễn Đông Nga, tại Khabarovsk.
Tuy nhiên, vẫn có một số người biểu tình ca ngợi"tình huynh đệ" giữa Nga và Belarus, hai nước từng trải qua một lịch sử chung lâu dài. Điều này không khiến nhà nghiên cứu Piotr Rudkouski, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Belarus (BISS) ngạc nhiên. Ông nhận định thường thì người dân Belarus hoài nghi Châu Âu và thân Nga, sự đảo chiều từ thân Nga sang bài Nga như hiện nay chủ yếu là do tác động của "cuộc chiến đấu vì dân chủ" của người biểu tình.
Theo Le Monde, thái độ phản đối Putin có thể được bắt nguồn từ thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus đạt được hôm 14/09, trong chuyến công du của Lukashenko tới Sochi. Một khoản cho vay trị giá 1,3 tỉ euro ủng hộ chế độ Belarus đã được Nga công bố. Cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy ông Lukashenko buộc phải đóng vai chư hầu của Moskva, và hơn bao giờ hết phụ thuộc vào nước Nga. Những cố gắng giành quyền tự chủ trong những năm gần đây của ông Lukashenko đã "đổ sông đổ bể".
Thanh niên Ilya, 28 tuổi, thì khẳng định vấn đề chỉ nằm ở tổng thống Nga chứ không phải do người dân Nga. Còn đối với cô Victoria, việc ông Lukashenko tố cáo chính quyền Nga can thiệp vào bầu cử Belarus rồi sau đó lại đi xin sự trợ giúp của Moskva chỉ chứng tỏ sự yếu kém của Lukashenko. Trong khi đó, một phụ nữ khác cho rằng ông Putin làm vậy chỉ vì sợ phong trào đấu tranh lan sang Nga chứ không nhằm sáp nhập Belarus.
Ngôn ngữ và văn hóa Belarus đặc biệt được đề cao trong các cuộc biểu tình từ vài tuần nay song trên thực tế, cho dù tiếng Nga và tiếng Belarus đều được coi là ngôn ngữ chính thức, tiếng Belarus không được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Theo chuyên gia Piotr Rudkouski, nếu Vladimir Putin có những biện pháp mạnh hơn để hậu thuẫn Lukashenko, có thể phong trào đôi khi sẽ mang tính bài Nga, thậm chí sẽ có nhiều lời chỉ trích nhắm vào điện Kremlin hơn, nhưng phong trào đấu tranh của người dân Belarus sẽ không hoàn toàn biến thành bài Nga.
Đòn đau cho các quán rượu, cà phê và nhà hàng
Về thời sự trong nước, các báo Pháp đều quan tâm đến biện pháp phòng dịch mới nhắm vào quán rượu bia cà phê và nhà hàng tại Paris và 3 tỉnh phụ cận sau khi những nơi này bị xếp vào danh sách "vùng báo động tối đa". Libération gọi đây là "một cú đau điếng người"của những người kinh doanh trong lĩnh vực này, vốn vẫn chưa hồi phục kể từ sau khi đất nước bị phong tỏa chống dịch Covid-19. Theo nghiệp đoàn ngành nhà hàng, khách sạn, 30% số cơ sở kinh doanh có thể sẽ không sống sót nổi trong cuộc khủng hoảng.
Theo quy định mới của Paris và 3 tỉnh phụ cận, các quán rượu bia cà phê chỉ tạm thời phải đóng cửa 15 ngày, còn các nhà hàng thì vẫn được mở cửa dù phải tuân thủ những quy định mới rất nghiêm ngặt. Thế nhưng, đối với nhiều nhà kinh doanh trong vùng Paris, đây là một "nỗi buồn lớn", "một thảm họa kinh tế"đẩy cả một ngành kinh doanh vào "tình cảnh bất định", nhất là vì trong thời kỳ hậu phong tỏa và kỳ nghỉ hè, Paris và vùng phụ cận vẫn là nơi hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán xá bị tác động nhiều nhất do vắng khách du lịch nước ngoài.
Ngành công nghiệp hàng không : Việc làm "trên tuyến đầu"
Vẫn về hệ quả kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với nước Pháp, báo Le Monde quan tâm đến tình hình công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp hàng không không gian. Đây là ngành tạo nhiều việc làm nhất cho nước Pháp kể từ sau cuộc khủng hoảng 2009 cho đến khi đất nước bị phong tỏa hồi giữa tháng 03/2020.
Thế nhưng, thành tích trong suốt 10 năm đó đã bị cuộc khủng hoảng Covid-19 xóa bỏ hoàn toàn. Hai nạn nhân lớn nhất trong ngành hàng không là hãng hàng không AirFrance và nhà chế tạo máy bay Airbus, lần lượt mất hơn 7.700 và gần 5.800 việc làm.
Thùy Dương
RFI, 04/10/2020
Hơn một ngày sau khi nhập viện do bị nhiễm siêu vi corona chủng mới, Donald Trump cho biết là "cảm thấy khỏe hơn nhiều", sẽ trở lại vận động tranh cử.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ tỏ ra thận trọng, không lạc quan thái quá. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sẽ rút ngắn chuyến công du Châu Á trở về Washington sớm hơn dự kiến. Đoạn băng video bốn phút thu tại Quân y viện được công bố trên Twitter chiều thứ Bảy 03/10/2020.
Từ Houston, thông tín viên Thomas Harm cho biết thêm chi tiết :
"Donald Trump, mặc áo veste nhưng không mang cà-vạt, tư thế ngồi sau một cái bàn, sau lưng có lá cờ Mỹ. Ông nói : "Tôi đã tới đây, lúc không được khỏe, nhưng bây giờ thì khá hơn nhiều. Người ta cố gắng giúp tôi phục hồi sức lực. Tôi phải bình phục vì phải luôn luôn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Không ai biết những ngày tới sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn đó mới là thử thách thật sự. Chúng ta sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tới".
Donald Trump, không đeo khẩu trang, mặt có vẻ mệt mỏi cho biết thêm là ông chọn quân y viện thay vì tự cách ly trong phòng ở Nhà Trắng, không gặp được một ai.
Trong một thông cáo công bố sau đó, nhóm bác sĩ đặc trách chăm sóc cho tổng thống tỏ ra thận trọng nhưng cho biết lạc quan. Donald Trump uống Aspirine và thuốc trị siêu vi Remdesivir dù cho đến hiện nay, hiệu năng của công thức trị HIV này khá khiêm tốn. Nhưng đối với tổng thống Donald Trump, "phương cách trị liệu này là phép lạ của Chúa Trời".
Theo AFP, thái độ thận trọng của tổng thống Donald Trump được chính bác sĩ riêng là Sean Conley xác nhận sau đó : Tổng thống "chưa thoát nạn" cho dù "đã khá hơn nhiều so với tình trạng lúc mới định bệnh và đang tiến triển theo chiều hướng tốt".
Ngoài thuốc chống siêu vi Remdesivir, tổng thống Mỹ còn được điều trị bằng kháng thể nhân tạo, một hỗn hợp kháng thể chống Sars-Cov-2 viêm phổi cấp tính, của công ty Regeneron còn đang trong giai đoạn thử nghiệm dưới tên gọi là "Regn-Cov2".
Tú Anh
*****************
Triệu chứng Covid-19 của Tổng thống Trump 'rất đáng lo ngại' hôm Thứ Sáu ; 48 giờ tới có tính quyết định
VOA, 04/10/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump trải qua một giai đoạn "rất đáng lo ngại" hôm thứ Sáu 2/10, và 48 giờ tới sẽ có tính quyết định về việc chữa trị cho tình trạng ông bị nhiễm virus corona chủng mới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói hôm thứ Bảy 3/10, AP đưa tin.
Trung tá Hải quân Mỹ, Bác sĩ Sean Conley nói với báo chí hôm 3/10
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một người nắm tình hình sức khỏe của Tổng thống Trump cho biết cùng ngày 3/10 là ông Trump chưa chuyển sang giai đoạn bình phục rõ rệt sau khi nhiễm Covid-19, và một vài dấu hiệu sinh tồn của ông trong 24 giờ qua là rất đáng lo ngại.
Nhận xét của nguồn tin này về tình trạng y tế của tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa dường như mâu thuẫn với đánh giá mà một nhóm bác sĩ đưa ra trong cuộc họp báo trước đó cũng trong ngày 3/10, rằng ông "đang rất khỏe", bản tin của Reuters tường thuật.
Một trong những bác sĩ đó kể ông Trump bảo họ rằng "Tôi cảm thấy cứ như là tôi có thể bước ra khỏi đây ngay hôm nay".
Tổng thống Trump rời Nhà Trắng và được đưa đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed gần Washington vào thứ Sáu 2/10 chỉ vài giờ sau khi ông được chẩn đoán mắc Covid-19.
Bác sĩ thuộc Nhà Trắng Sean P. Conley nói với các phóng viên bên ngoài bệnh viện hôm 3/10 rằng ông Trump không bị khó thở và hiện không cần thở bằng oxy bổ sung, tin của Reuters cho hay.
"Tôi và toàn bộ nhóm vô cùng vui về diễn biến tốt của tổng thống", ông Conley nói, được Reuters dẫn lại.
Ông Conley từ chối cung cấp thời gian biểu khi nào ông Trump có thể ra viện.
Trong một tweet đăng ngày 3 tháng 10, tổng thống Trump có lời khen ngợi đội ngũ y tế tại Walter Reed, và nói rằng ông "cảm thấy khỏe".
Tweet của tổng thống Trump viết : "Các bác sĩ, y tá, và TẤT CẢ tại trung tâm y tế Walter Reed VĨ ĐẠI, và các đội ngũ y tế khác tại các trung tâm tuyệt vời tương tự, là TUYỆT VỜI ! ! !" và "với sự giúp đỡ của họ, tôi đang cảm thấy khỏe".
Kết quả chẩn đoán vừa qua là sự việc tiêu cực gần đây nhất đối với tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, người đứng thấp hơn đối thủ bên đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.
Ông Conley cho biết ông Trump đã được tiêm liều Remdesivir đầu tiên trong liệu trình dài 5 ngày. Đây là một loại thuốc kháng virus tiêm tĩnh mạch do Gilead Sciences Inc bán, đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian nằm viện, vẫn theo tin Reuters.
Ông Trump cũng đang áp dụng một phương pháp điều trị thử nghiệm bằng thuốc REGN-COV2 của Regeneron, một trong vài loại thuốc thử nghiệm "kháng thể đơn dòng" để điều trị Covid-19. Ngoài ra, ông cũng uống các loại thuốc gồm kẽm, Vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin, ông Conley cho biết.
Theo Reuters
************************
RFI, 04/10/2020
Từ khi có thông tin chính thức về việc tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus, đêm ngày 01/10 qua ngày 02/10/2020, đến nay, Nhà Trắng đưa ra nhiều thông tin mâu thuẫn và không rõ ràng về tình trạng sức khỏe tổng thống. Phủ tổng thống Mỹ cũng bị chỉ trích là đã quá lơi lỏng trong việc phòng ngừa đại dịch Covid-19. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi phải chăng chính Nhà Trắng đã trở thành một "ổ dịch".
Theo AFP, trong ngày hôm qua, 03 tháng 10, một nguồn tin ẩn danh được coi là rất đáng tin cậy cho biết "các chỉ số sức khỏe cơ bản của tổng thống trong vòng 24 giờ qua là rất đáng lo ngại, và về phương diện điều trị, 48 giờ sắp tới sẽ mang tính quyết định". Sau đó, truyền thông Mỹ xác nhận người đưa ra thông tin này không ai khác hơn là ông Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng. Thông tin từ ông Mark Meadows dường như hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của các bác sĩ của Nhà Trắng, là sức khỏe tổng thống "rất tốt".
Nhiều kênh truyền thông, trong đó có ABC, khẳng định ông Donald Trump đã được tiếp oxy, hôm thứ Sáu, 02/10, tại Nhà Trắng, trước khi được đưa đến bệnh viện quân y. Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề này, bác sĩ của tổng thống, ông Sean Coley, chỉ giới hạn trong việc trả lời là trong ngày thứ Bảy 03/10, tổng thống không cần tiếp oxy. Bác sĩ Coley tránh trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong ngày thứ Năm 01/10 và từ khi đến bệnh viện, tổng thống Trump có được truyền oxy hay không.
Về vấn đề tổng thống đã có kết quả dương tính lần đầu vào lúc nào, bác sĩ của Nhà Trắng cũng đưa ra một thông tin cho thấy là xét nghiệm có thể đã được tiến hành vào ngày thứ Tư, 30/09, thay vì ngày thứ Năm 01/10, như thông báo chính thức trước đó.
Hiện tại, việc tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus vào lúc nào và bằng con đường nào vẫn chưa có câu trả lời. Trả lời AFP, ông Ali Nouri, chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chỉ trích việc Nhà Trắng đã "quá tin tưởng vào các xét nghiệm, và không coi việc mang khẩu trang và giữ khoảng cách trong các tiếp xúc là điều bắt buộc".
Một sự kiện được giới chuyên gia đặc biệt chú ý. Hôm thứ Bảy tuần trước 26/09, tại Nhà Trắng, đa số trong hàng chục khách mời, tham dự buổi tổng thống chính thức thông báo bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, đã không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Theo các đoạn video quay lại sự kiện này, phần lớn khách mời không mang khẩu trang, một cử chỉ của đông đảo chính trị gia đảng Cộng Hòa được coi như thể hiện thái độ trung thành với tổng thống.
Hiện tại, danh sách những người thân cận với tổng thống mãn nhiệm Donald Trump nhiễm virus đang kéo dài. Ngoài phu nhân tổng thống, bà Melania, và cố vấn Hope Hicks, còn có giám đốc chương trình tranh cử Bill Stepien, ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa, cựu cố vấn Kellyanne Conway, một cố vấn hiện nay của tổng thống Chris Christie, ông Nicholas Luna, một cộng sự thân cận khác của tổng thống… chưa kể ba nhà báo tham dự sự kiện này.
Vào thời điểm diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên Joe Biden, hôm 29/09, tại Cleveland, chưa có thông tin về việc tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus. Hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, Donald Trump và Joe Biden, đã có cuộc tranh luận trên cùng một diễn đàn, trong vòng 90 phút. Hôm 02/10, ứng cử viên Biden đã xét nghiệm với kết quả âm tính. Hôm nay, ông Biden sẽ xét nghiệm Covid lần thứ hai.
Trong khi chờ đợi diễn biến sức khỏe của chủ nhân Nhà Trắng, ngoại trưởng Mike Pompeo, quyết định rút ngắn chuyến công du Châu Á. Sau khi đến Tokyo trong ba ngày từ Chủ Nhật đến thứ Ba để hội kiến với đồng nhiệm Nhật, Úc và Ấn Độ (nhóm Quad - tứ giác kim cương), ngoại trưởng Mỹ trở về Washington thay vì đi Hàn Quốc và Mông Cổ.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, ông Pompeo sẽ trở lại Châu Á trong tháng 10.
Tổng thống Trump cám ơn các ủng hộ viên
VOA, 04/10/2020
Tổng thống Trump mới ngỏ lời cám ơn các ủng hộ viên từ bệnh viện nơi ông đang được chữa trị sau khi nhiễm Covid-19, theo Reuters.
44444444444444444444
Hình ảnh ông Trump trong đoạn video đăng ngày 3/10.
Trên Twitter sớm ngày 4/10, ông Trump viết : "Cám ơn rất nhiều !" Tổng thống Mỹ đăng lại một video của Giám đốc phụ trách mạng xã hội của Nhà Trắng Dan Scavino, cho thấy nhiều người bấm còi xe ôtô, reo hò và vẫy cờ ủng hộ ông bên ngoài Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed tối ngày 3/10.
Tới sáng ngày 4/10, đoạn video dài 24 giây này đã có 3,4 triệu lượt xem.
Một ngày sau khi được đưa tới cơ sở y tế trên, ông Trump hôm 3/10 đăng một đoạn video dài hơn 4 phút trên Twitter.
Tổng thống Mỹ nói : "Trong khoảng thời gian vài ngày tới, tôi đoán đó sẽ là cuộc trắc nghiệm thực sự, vì vậy chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra trong vài ngày tới".
Theo Reuters, các đánh giá khác nhau hôm 3/10 của quan chức chính quyền về tình trạng sức khỏe của ông Trump không cho thấy rõ tình trạng bệnh tình của nguyên thủ Mỹ nặng ra sao sau khi được chuẩn đoán nhiễm Covid-19 tối ngày 1/10.
Một nhóm bác sĩ của Nhà Trắng được hãng tin Anh dẫn lời nói sáng 3/10 rằng bệnh tình của ông Trump đã cải thiện và rằng ông đã nói tới chuyện trở lại Nhà Trắng.
Vài phút sau đó, theo Reuters, khi trao đổi với các phóng viên, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đưa ra một nhận định kém sáng sủa hơn.
Ông Meadows được hãng tin này trích lời nói hôm 3/10 rằng "các dấu hiệu sinh tồn của tổng thống trong vòng 24 giờ qua rất đáng ngại" và rằng việc chăm sóc ông "trong vòng 48 giờ tới hết sức quan trọng".
Reuters trích lời quan chức Nhà Trắng này nói thêm rằng hiện chưa thấy "một lộ trình hồi phục hoàn toàn rõ ràng".
Dịch Covid-19 vẫn là chủ đề bao trùm hầu hết các báo Pháp ra ngày đầu tuần với hai chủ đề thời sự nổi bật : Pháp đang phải đối mặt với sự trở lại của làn sóng virus corona ; ông Donald Trump nằm viện vì nhiễm Covid 19 khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng phát sốt và trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Trước tiên xin được đến với thời sự đang thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới. Đó là tình trạng sức khỏe của tổng thống Donald Trump sau khi bị dương tính với Covid-19 và phải nhập viện để theo dõi điều trị từ hôm thứ Sáu tuần trước. Hầu hết các báo Pháp đều có ít nhất một bài đề cập đến sức khỏe của ông Trump cùng mối liên quan hiển nhiên với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra.
Le Figaro có bài xã luận mang tiêu đề "Virus và tổng thống". Bài xã luận ghi nhận : "Sau khi bị nhiễm Covid-19 và phải nhập viện từ hôm thứ Sáu, tổng thống Mỹ đã biết cách biến Twitter thành chiếc máy theo dõi dấu hiệu sức khỏe của ông. Cả thế giới theo dõi tần số các Tweet của ông như theo dõi nhịp tim để tìm kiếm các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của tổng thống".
Le Figaro nhận định, những lo lắng về sức khỏe của ông Trump đang đặt ra nhiều câu hỏi : "Liệu ông sẽ còn đủ khả năng, sức lực để đi đến cùng cuộc đua marathon và lãnh đạo đất nước nếu tái đắc cử ? Bên cạnh những điều không lường trước là sự lúng túng về chính trị đối với một vị tổng thống vốn dĩ không ngừng coi nhẹ mối nguy hiểm của loại virus đã khiến hơn 200 nghìn người dân Mỹ thiệt mạng".
Tuy nhiên, bài xã luận của Le Figaro cũng cảnh báo những phán đoán vội vàng : "Từ khi bước lên sân khấu chính trị, ông Trump, vốn dĩ được ví như vật thể lạ trong chính trường, đã khiến mọi nhà cái đánh cược bị lụn bại. Nếu ông vượt qua được mối nguy hiểm chết người này, ông sẽ trở thành ứng cử viên chiến thắng virus corona. Ông sẽ không ngần ngại nói rằng cùng với ông, nước Mỹ sẽ chiến thắng virus và một lần nữa ông sẽ chứng minh được khả năng bất ngờ thoát khỏi các tình huống tồi tệ nhất".
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos nêu lên các tác động của việc tổng thống Trump nhiễm Covid-19 đối với tình hình chính trị và hoạt động tài chính của nước Mỹ.
Trong bài viết "Trump dương tính với Covid-19 : Chiến dịch tranh cử tổng thống bị đảo lộn", tờ báo nêu lên ba vấn đề : Việc ông Donald Trump phải nhập viện tối thứ Sáu vì nhiễm Covid-19 đã mở ra một giai đoạn bất định. Trước tiên là về sức khỏe thực sự của tổng thống Mỹ, nhất là vì các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Trump được đưa ra trái ngược nhau.
Thứ hai là hàng loạt các nhân vật chính trị trong đảng Cộng hòa bị nhiễm bệnh là hệ quả của việc chính quyền Trump lơ là các biện pháp phòng dịch và thứ ba là tình trạng sức khỏe của tổng thống Mỹ, sự minh bạch thông tin và việc lây lan virus ở Nhà Trắng có tác động đến chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn một tháng nữa là sẽ diễn ra.
Thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị tình huống xấu nhất
Tờ báo cũng đặt ra một loạt câu hỏi xung quanh ca nhiễm Covid nhắn vào nhân vật số 1 thế giới cùng với các kịch bản có thể xảy ra cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây.
Trên khía cạnh kinh tế, Les Echos ghi nhận việc tổng thống Donald Trump nhập viện đã không chỉ gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong ngày cuối tuần trước mà giờ đây thị trường tài chính Mỹ còn đang lo sợ phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ nhất của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới : kết quả bầu cử không những khó lường mà còn rất có thể gây tranh cãi.
Theo Les Echos, tổng thống Donald Trump đã tỏ thái độ hoài nghi về khả năng gian lận trong bầu cử, nhất là bầu cử qua thư do tình hình dịch bệnh và có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử nếu bị thua cuộc. Thêm vào đó, một lượng phiếu bầu khá lớn được thực hiện qua đường bưu điện và kết quả kiểm phiếu sẽ rất khó khăn và phức tạp, có khi phải đợi nhiều tuần lễ mới có. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với những kịch bản đen tối nhất.
Xu hướng đơn phương của Mỹ khiến thế giới mất phương hướng
Cũng liên quan đến nước Mỹ dưới thời Donald Trump, nhật báo Les Echos có bài phân tích mang tựa đề: "Vì sao nước Mỹ thoái lui vai trò thế giới có nguy cơ không thể đảo ngược được".
Bài viết đặt vấn đề: Còn đâu vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trước đại dịch Covid-19 và với thế giới ? Nước Mỹ không còn là siêu cường sau chiến tranh lạnh, không còn hấp dẫn được nhiều đồng minh Châu Âu, Châu Á đã có trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng Châu Âu hay Trung Quốc cũng không thể thực thi vai trò lãnh đạo thế giới. Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là một dấu hiệu nữa về một thế giới đang mất phương hướng. Đó là hệ quả của xu hướng mà chính quyền của tổng thống Trump đã tạo ra : đơn phương hành động, bất cần ngoại giao.
Theo bài báo, xu hướng này có nguy cơ không thể đảo ngược cho dù chính trường Mỹ sắp tới có thay đổi hay không. Bài báo kết luận : "Nước Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số 1 thế giới, nhưng "quyền lực mềm", sự tỏa sáng của văn hóa, lối sống và sức sáng tạo của nước Mỹ đã bị xói mòn. Người kế tục Trump vào tháng Giêng 2021 hay vào năm 2025, cũng khó mà có thể đánh bóng lại hình ảnh lãnh đạo thế giới của Mỹ. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn khi mà cường quốc Trung Quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy dù có Trump hay không".
Pháp : Làn sóng dịch virus corona thứ hai đang nổi lên ở mức báo động
"Covid-19 : Paris chuyển thành vùng báo động tối đa" là hàng tựa có thể thấy trên các mặt báo ra hôm nay. Le Figaro cho hay : Đại dịch tiếp tục lây lan mạnh ở Pháp, liên tục những ngày qua, số ca nhiễm tăng vọt, hàng loạt các chỉ số lây nhiễm, khả năng ứng phó của các bệnh viện đều vượt ngưỡng báo động ở nhiều địa phương và thành phố lớn của nước Pháp.
Tối hôm qua, chính phủ quyết định đặt Paris và vùng phụ cận trong tình trạng báo động tối đa. Như vậy từ thứ Ba (06/10), các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sẽ được triển khai tại Paris và 3 tỉnh nằm sát cạnh. Trước mắt trong vòng 15 ngày, theo đó, các quán bar buộc phải đóng cửa, quán ăn có thể được mở cửa nhưng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt mới. Các trường đại học buộc phải giảm sĩ số sinh viên có mặt trên lớp xuống một nửa, các bệnh viện triển khai kế hoạch tăng cường nhân viên y tế và giường bệnh …
Mùa hè vừa qua, chính phủ Pháp đã hy vọng lật sang trang mới hậu Covid-19 để khẩn trương khắc phục hậu quả, triển khai các cải cách nhưng khi vừa bước vào mùa thu virus corona đã trở lại làm đảo lộn mọi kế hoạch của chính phủ Macron. Các báo đều ghi nhận thấy những ngày qua, chính phủ cố nghe ngóng thăm dò tình hình để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch theo kiểu "ăn đong từng ngày".
Libération đặt vấn đề: một trong những nguyên nhân để làn sóng dịch thứ 2 bùng lên trở lại chính là những đánh giá lạc quan của nhiều chuyên gia y học được sự giúp sức của truyền thông, nhằm trấn an dân chúng. Ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về vi trùng học, bệnh nhiễm trùng, các giáo sư dịch tễ học được truyền thông tích cực đăng tải. Họ đều cho rằng dịch đã ở giai đoạn cuối, virus đã trở nên suy yếu, kém nguy hiểm và các rào cản phòng chống dịch của chính phủ trong những tuần trước đó đã triệt tiêu tự do, cản trở đời sống xã hội một cách vô ích…
Các luận điểm như vậy đã khiến người dân hạ thấp mối đe dọa có thực của bệnh dịch và lơ là các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, chính phủ xử lý tình hình không rõ ràng, dứt khoát và thiếu phối hợp đồng bộ, đợi nước đến chân mới nhảy, tờ báo khẳng định.
Xung đột Armenia - Azerbaidjan : Sự lựa chọn lưỡng nan của Putin
Một thời sự nóng khác đang diễn ra cũng được các báo quan tâm là cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaidjan và Armenia tại Thượng Karabakh. Nhật báo Le Monde có đề cập đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột đã diễn ra từ một tuần nay và vẫn không có dấu hiệu nào giảm nhiệt.
Le Monde ghi nhận từ đầu cuộc xung đột, chủ nhân điện Kremlin Vladimir Putin vẫn giữ thái độ cân bằng giữa Erevan và Baku, nhưng với diễn tiến tình hình gần đây, xem ra Moskva khó có thể duy trì lập trường như vậy. Nhưng đó sẽ là một sự "lựa chọn lưỡng nan của ông Putin".
Le Monde nhận thấy cuộc xung đột giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ xung quanh một vùng đất tự trị đang đặt Nga vào tình thế tế nhị. Từ nhiều thập kỷ qua, Nga vẫn luôn đóng vai trò trọng tài trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ kiểu thế này mà vẫn bảo đảm bán vũ khí, gây được ảnh hưởng với các bên. Giờ đây, với việc Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện và đứng về phía Azerbaidjan, tình hình trở nên phức tạp và xấu đi khiến tổng thống Nga Putin có thể buộc phải có lựa chọn không hề dễ dàng.
Nếu ủng hộ Erevan chống lại Baku, Nga sẽ bị mất sân sau Azerbaidjan, đối đầu với thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga và Armenia đã ký với nhau thỏa thuận quốc phòng, dù thỏa thuận này không liên quan gì đến khu vực Karabakh. Le Monde nhận xét, Nga đang cố gắng dàn hòa hai bên tham chiến nhưng có vẻ như không còn có thể áp đặt ý kiến của mình cho cả Erevan cũng như Baku.
Anh Vũ