Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nagao Satoru, Hoàng Việt, RFA, 29/05/2024

Trung Quốc, nhiều tuần qua, tiếp tục triển khai đồng thời lực lượng trên khắp các vùng biển khác nhau. Họ tập trận phong tỏa đảo Đài Loan trên thực địa,  triển khai tàu chiến ở quân cảng Ream và tập trận với Campuchia tại đây, đưa tàu cảnh sát biển tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phong tỏa bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough. 

11111111111111111111111111111111

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và (cựu) Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chứng kiến Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Philippines trao đổi các văn bản đã ký tại Hà Nội, ngày 30/1/2024 - Hoang Thong Nhat/VNA via AP

Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, đối với Trung Quốc, tất cả các mặt trận này là một. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông, Nam Thái Bình Dương, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đồng thời leo thang. Trung Quốc có thể kiểm soát những hoạt động này dưới một chính phủ. Đối với Trung Quốc, tất cả những khu vực riêng rẽ này chỉ là một khu vực. Khi Hoa Kỳ bị đánh giá thấp, Trung Quốc đã cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình ở mọi nơi nhiều nhất có thể. Đó là lý do tại sao những căng thẳng trên đã xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc. 

Hợp tác khu vực để đối phó với Trung Quốc

Trái ngược với khả năng chỉ huy thống nhất của Trung Quốc, theo Tiến sĩ Nagao, đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, những căng thẳng trên bị "phân mảnh" cho nhiều quốc gia. Nhật Bản chỉ quan tâm biển Hoa Đông, Đài Loan quan tâm đến cuộc tập trận phong tỏa của Trung Quốc, Philippines quan tâm đến bãi cạn Scarborough và Cỏ Mây, Việt Nam lo bảo vệ bãi Tư Chính, Ấn Độ chỉ nhìn vào biên giới với Trung Quốc. Đó là sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy, theo vị chuyên gia Nhật Bản về an ninh quốc tế ở Hudson Institue, các nước xung quanh Trung Quốc nên phối hợp để đối phó với các chuyển động của nước này.

Câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược "nhân nhượng Trung Quốc" trên Biển Đông hiện nay của một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia có hợp lý hay không. 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng chiến lược này vừa có điểm hợp lý vừa có điểm chưa hợp lý. Điểm hợp lý là các nước này đều nhỏ yếu hơn Trung Quốc nên muốn tránh đối đầu càng nhiều càng tốt. Mặt khác, nước nào cũng muốn tranh thủ Trung Quốc để lấy được nhiều lợi ích kinh tế hơn. Cho nên, theo ông Hoàng Việt "bản thân mình chưa nguy hiểm lắm thì họ sẽ giữ im lặng". Ông giải thích tiếp: 

"Về cách này thì Malaysia thậm chí còn nổi tiếng hơn với chính sách ngoại giao được gọi là "ngoại giao im lặng". Về mặt nào đó thì cách này có thể coi là hợp lý, khi họ khôn khéo tránh căng thẳng và lấy được lợi ích cho nước mình. Nhưng đó chỉ là lợi ích trước mắt thôi. Còn về lâu dài, từ trước đến nay, chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ chiến lược độc chiếm biển Đông. Đường lưỡi bò trái pháp luật như thế, Tòa Trọng tài 2016 đã tuyên như thế nhưng họ có chịu từ bỏ đâu. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mộng độc chiếm biển Đông. Nếu Trung Quốc đã làm thì họ sẽ nhắm đến tất cả các quốc gia khác chứ không chỉ nhắm đến Philippines như hiện nay. Bây giờ thì các quốc gia khác cứ nghĩ là Trung Quốc sẽ trừ mình ra, mình có thể ung dung hưởng lợi. Cách nhìn này rất nguy hiểm".

Trong khi đó, hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố Philippines sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác và tiến hành các cuộc tập trận tại vùng biển tranh chấp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và tiếp tục phát triển thêm các liên minh.

Góc nhìn Philippines : Việt Nam - Philippines nên tăng cường hợp tác

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Celia Lamkin, nhà sáng lập "Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines" (Biển Tây Philippines là Biển Đông trong tiếng Việt), nói Philippines và Việt Nam nên hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Mặc dù vấn đề mà cả hai nước phải đối mặt hiện nay là vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông trước chính sách bành trướng của Trung Quốc, theo Tiến sĩ Lamkin, điều trước tiên hai nước cần hợp tác không phải là quân sự mà là kinh tế. 

Theo Tiến sĩ Lamkin, Philippines thay vì nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Trung Quốc thì nên nhập khẩu từ Việt Nam: "Chúng ta không nên mua hàng hóa của Trung Quốc để rồi họ dùng chính số tiền đó để bắt nạt Philippines và Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, bắt nạt ngư dân của chúng ta và các nước khác", nhà sáng lập "Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines" nói với RFA. 

Tiếp theo vấn đề kinh tế, bà Lamkin cho rằng Việt Nam và Philippines cũng nên tuần tra chung ở Philippines và ngược lại. Theo Tiến sĩ Lamkin, "Việt Nam, Philippines và các quốc gia có yêu sách khác ở Biển Đông nên tiến hành tuần tra và tập trận chung ở Biển Tây Philippines và Biển Đông của Việt Nam". Ngoài hợp tác kinh tế và các tuần tra chung trên vùng biển của nhau, Tiến sĩ Lamkin đề xuất hai nước có thêm các chương trình trao đổi giáo dục và "quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Philippines như một điểm đến du lịch và ngược lại". 

Hoa Kỳ nên cứng rắn hơn nữa ? 

Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Hudson Institute, Trung Quốc đẩy mạnh căng thẳng ở Biển Đông vì họ muốn tận dụng tình hình Mỹ suy yếu. Ông Nagao nhớ lại điều đó từng xảy ra khi ông Obama còn là tổng thống Mỹ. Trong cuộc chiến Syria, khi chính quyền Syria định dùng bom hóa học, Tổng thống Obama đã cảnh cáo họ. Nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học thì đó là lằn ranh đỏ để Mỹ can thiệp. Dù vậy, chính quyền Obama vẫn lưỡng lự can thiệp khi chính quyền Syria thực sự sử dụng vũ khí hóa học. Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo, còn Nga bắt đầu sáp nhập Crimea và chiếm đóng miền Đông Ukraine. Một khi chính phủ Mỹ bị đánh giá thấp, Trung Quốc sẽ lợi dụng tình thế để thu được lợi ích tối đa. 

Nhưng khi Tổng thống Obama cứng rắn hơn thì Trung Quốc bỏ cuộc. Tiến sĩ Nagao nhớ lại, khi Trung Quốc khảo sát ở Scarborough vào năm 2016, chính quyền Obama cho 6 máy bay tấn công A10 và bay ở độ cao rất thấp phía trên tàu khảo sát Trung Quốc để cảnh cáo. Tàu khảo sát Trung Quốc đã bỏ cuộc lần đó. Kết quả là bây giờ, không có hòn đảo nhân tạo nào ở Scarborough. 

Dự trên các "kinh nghiệm lịch sử" đó, Tiến sĩ Nagao cho rằng ở thời điểm hiện nay, chính quyền Biden nên thể hiện lập trường mạnh mẽ. Bởi vì nếu Mỹ không cứng rắn hơn, ít nhất Trung Quốc sẽ hung hăng đến mức tối đa vào cuối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo.

Nguồn : RFA, 29/05/2024

Published in Diễn đàn

Philippines đã vượt qua cả Việt Nam và Indonesia về tăng trưởng GDP, vươn lên xếp đầu ASEAN.

manila1

Khung cảnh thủ đô Manila, Philippines.

Mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra của chính phủ ở mức 6% - 7%, tăng trưởng GDP của Philippines trong năm 2023 đạt 5,6%, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á đã báo cáo.

Trong khi đó, GDP của Việt Nam tăng 5,05% trong năm 2023. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, ước đạt mức tăng trưởng 5% trong cùng kỳ. Tỷ lệ này của Malaysia, Thái Lan và Singapore lần lượt là 3,8%, 1,8% và 1,2%.

Các khu vực tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư là những động lực tăng trưởng chính của Philippines trong năm 2023.

Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Arsenio Balisacan hôm thứ Tư cho biết chính phủ nước này tự tin vào kịch bản tăng trưởng từ 6,5% - 7,5% trong năm 2024.

Năm ngoái, nền kinh tế Philippines đối mặt với nhiều khó khăn như giá thực phẩm tăng và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Để đáp lại, chính phủ và ngân hàng trung ương nước này đã thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt, bao gồm áp giá trần đối với gạo và tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Theo ông Balisacan, trong thời gian tới, Philippines sẽ cần đầu tư mạnh hơn vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, vốn chiếm 10% GDP.

manila2

Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr (trái) thăm Việt Nam trong hai ngày 29, 30/1. Thương mại gạo là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tuần này của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr, thương mại gạo được cho là một trong những trọng tâm. Hiện gạo Việt Nam đang chiếm đến 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Về phía Việt Nam, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6% - 6,5%, nhỉnh hơn các kịch bản của ADB, IMF và WB (lần lượt là 6%, 5,8% và 5,5%).

Cả Việt Nam và Philippines đều được dự báo trở thành những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á trong khoảng 2 thập kỷ tới. Theo bảng xếp hạng World Economic League Table do CEBR công bố tháng 12/2023, tới năm 2038, kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 21 thế giới, còn Philippines xếp thứ 3 khu vực và thứ 23 thế giới.

Tuy vậy, trước mắt chính quyền Tổng thống Marcos sẽ phải đối mặt với những thách thức từ kinh tế toàn cầu ảm đạm, leo thang căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông, hay mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa ông Marcos với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

Nguồn : BBC, 01/02/2024

Published in Châu Á

Thái độ của giới tinh hoa chính trị và công chúng Philippines đối với Việt Nam về vấn đề Biển Đông

Hôm 1/8/2023, ở Manila xảy ra một vụ biểu tình của một nhóm nhỏ người Philippines phản đối Việt Nam "quân sự hóa" Biển Đông. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh thái độ của các giới Philippines đối với Trung Quốc và Việt Nam. 

phiviet1

Hình ảnh tàu Kiểm Ngư 472 tiếp cận tàu cá QNg 97079 TS để tiếp nhận 4 ngư dân Philippines gặp nạn mà tàu cá Việt Nam đã cứu năm 2021 (ảnh minh họa) - Hải Quân Việt Nam

RFA : Xin ông cho biết đối với vấn đề Biển Đông, công chúng Philippines có thái độ như thế nào đối với Trung Quốc ?

Hoàng Việt. Theo một số nghiên cứu thăm dò của Pew Research Center, thì phần đông người dân Philippines không có thái độ thân Trung Quốc. Nhóm có thái độ thân Trung Quốc thường nằm trong giới tài phiệt. Nhiều nhóm tài phiệt ở Philippines là gốc Hoa, cho nên họ có tình cảm tự nhiên là thân Trung Quốc. Còn các nhóm thuộc xã hội dân sự của Philippines thì không như vậy. 

RFA : Như ông đã nói, người dân Philippines không có thái độ thân Trung Quốc nhưng một số nhóm thuộc giới tinh hoa thì có thái độ này. Xin ông cho biết cách nhìn đối với Trung Quốc của các nhóm khác nhau thuộc giới tinh hoa Philippines như giới học giả, chính khách, quân đội, doanh nhân… có gì khác nhau không ?

Hoàng Việt : Lịch sử của Philippines rất đặc biệt. Đất nước này có nhiều yếu tố pha trộn với nhau trong đời sống chính trị. Người ta tổng kết là Philippines có khoảng 164 gia đình chính trị, nắm các nguồn lực kinh tế chủ chốt của đất nước. Và các chính khách chủ chốt của Philippines đều xuất thân từ 164 gia đình chính trị này chứ tự thân thì khó mà lên được. 

Ví dụ như câu chuyện Tổng thống Marcos, bản thân gia đình ông đầy quyền lực. Cha của ông từng là tổng thống rồi. Chị gái hiện là chủ tịch ủy bản đối ngoại Thượng viện. Giới tinh hoa Philippines cho biết có 4 gia đình lớn trong chính trường Philippines ủng cho Marcos. Một là bản thân gia đình Marcos. Hai là gia đình cựu Tổng thống Duterte, và con gái ông Duterte hiện cũng là Phó tổng thống cho ông Marcos. Gia đình thứ 3 cũng là một cựu tổng thống Macapagal Arroyo. Gia đình này khá thân Trung Quốc. Và thứ 4 là gia đình cựu tổng thống Joseph Estrada. Ông từng là một diễn viên điện ảnh. Cả 4 gia đình này ủng hộ ông Marcos lên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2022. 

Những gia đình nói trên có xu hướng thân Trung Quốc. Nhưng ngay trong giới tinh hoa chính trị Philippines cũng có rất nhiều nhóm chống lại Trung Quốc bành trướng và thân với Mỹ nhiều hơn. 

Ngoài ra, Philippines cũng giống như nhiều nước Đông Nam Á khác, quân đội đóng vai trò quan trọng trên chính trường, do nắm trong tay sức mạnh bạo lực. Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines, viết tắt : AFP) trong nội bộ dĩ nhiên có nhiều tiếng nói khác nhau, nhưng họ nhìn chung thì có mối mối quan hệ khăng khít với Mỹ. AFP từng là đồng minh chiến đấu bên cạnh Quân đội Mỹ chống Nhật trong thế chiến thứ 2. Kể từ đó về sau Philippines luôn là đồng minh quan trọng của Mỹ. Hai bên có mối quan hệ khăng khít do có lịch sử lâu đời như vậy. Các Hiệp định giữa hai nước như MDT (Mutual Defense Treaty - Hiệp ước Phòng thủ chung) năm 1951, VFA (tức là Philippines–United States Visiting Forces Agreement, hay "Thỏa thuận lực lượng thăm viếng Philippines-Hoa Kỳ") năm 1998, rồi EDCA (Enhanced Defense Cooperation Agreement, hay "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường") năm 2014 thì hầu hết đều tập trung giúp đỡ quân đội. Đó là lí do vì sao AFP rất thân với Mỹ. 

Thời ông Duterte, ông ấy là người thân Trung Quốc. Trong vụ đá Ba Đầu, thông tin về sự xâm nhập của Trung Quốc là do trong Quân đội Philippines đưa ra, chứ không phải từ Chính phủ Philippines hay từ Bộ Quốc phòng nước này. (RFA chú thích : Bộ Quốc phòng Philippines, tức Department of National Defense, là cơ quan chủ quản của AFP và một số lực lượng vũ trang khác của Philippines.

Kể cả sau này thì áp lực của quân đội cũng khiến Tổng thống Marcos phải nhân nhượng chủ trương chống bành trướng của Trung Quốc. Chúng ta còn nhớ là đầu năm 2023, Tổng thống Marcos đi thăm Trung Quốc (từ ngày 3-5 tháng 1, 2023) và hai bên có đưa ra tuyên bố chung, nhắc đến việc sẽ khai thác chung trên biển Tây Philippines (tức biển Đông), và có tin đồn là có một số tướng lĩnh quân đội muốn đảo chính. Và ông Marcos khi về nước đã phải thay ngay Tổng tham mưu trưởng quân đội (ngày 7 tháng 1, 2023). Điều đó cho thấy giới quân đội không hài lòng với chủ trương thân Trung Quốc và ông Marcos phải nhân nhượng nhóm này về chính sách chung.

Các giới tinh hoa thì đa phần có quan hệ thân tình với Mỹ, và đặc biệt các nhóm xã hội dân sự cũng thân thiết với Mỹ. Theo nghiên cứu của Pew Research Center thì hầu hết công chúng các nước Đông Nam Á thì đều lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc nên không có thiện cảm với nước này. 

RFA : Xin ông cho biết thái độ của các giới tinh hoa Philippines đối với Việt Nam cũng như các bên tranh chấp khác đối với quần đảo Trường Sa thì như thế nào ?

Hoàng Việt : Chúng ta còn nhớ là năm 2019 (hay là 2018 gì đó), có một sự kiện là một tàu cá của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm và mười mấy ngư dân của họ bị lênh đênh trên biển. May mắn là có một tàu cá Việt Nam đã phát hiện ra họ, cứu họ và cung cấp lương thực nước uống. Vì sự kiện này mà hầu hết công chúng Philippines đều rất thiện cảm với Việt Nam. 

Chúng ta còn nhớ một sự kiện khác là năm 2020, khi một tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc tông chìm ở vùng biển Hoàng Sa thì Philippines đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam ngay lập tức. Đây không phải là hiện tượng cá biệt. Có nhiều câu chuyện tương tự, khi tàu cá của ngư dân Việt Nam hay Philippines bị Trung Quốc đâm chìm thì hai bên thường hỗ trợ nhau. 

Hầu hết giới tinh hoa Philippines đều hiểu là mặc dù hai nước có những yêu sách chồng lấn nhưng hai bên vẫn nói chuyện được với nhau. Quan hệ hai nước rất là tốt đẹp dù là dưới bất kì đời tổng thống nào. 

Thái độ của công chúng Philippines nói chung đối với Việt Nam không phải khắt khe như là với Trung Quốc, bởi vì ai cũng biết khu vực Biển Đông nóng lên là do Trung Quốc chứ không phải do ai khác. 

RFA : Như ông đã biết mới đây có một nhóm nhỏ người Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila, với những hành động quá khích như xé cờ, đốt cờ, để phản đối Việt Nam "xâm lấn" đảo của họ, "quân sự hóa" Trường Sa. Ngày 16/7/2023, tờ Manila Times có một bài đưa "kế hoạch quân sự hóa" Trường Sa của Việt Nam, rồi đến ngày 27/7, tờ báo này bồi thêm một bài nữa với nội dung chi tiết hơn. Sau đó đến ngày 1/8/2023 xuất hiện một cuộc biểu tình như trên. Theo ông, ở đây có mối liên hệ nào giữa hai bài báo nêu trên và sự kiện biểu tình không ? Nhà quan sát Đặng Sơn Duân nói đây có thể là một "âm mưu được tính toán kĩ lưỡng". Ông đánh giá thế nào về sự kiện này ?

Hoàng Việt : Tôi cũng có nghe tin về một cuộc biểu tình của một nhóm nhỏ trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila. Nhưng phải nói thêm là báo chí Philippines đưa tin về sự kiện này rất ít. Thông thường, với thái độ chung của người dân Philippines về những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, người dân Philippines sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ. Nó sẽ tạo thành một làn sóng chứ không phải chỉ có vài bản tin như vậy. Nhưng tôi theo dõi thì thấy rất ít tin tức về chuyện này. 

Điều đó cho thấy giới truyền thông và công chúng Philippines rất dè dặt trước câu chuyện này. Nhưng một khi đã xảy ra hành động như vậy thì rõ ràng là có những vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, dù hiện nay tôi chưa dám nói chắc chắn. 

Thứ nhất, tờ Manila Buletin, Manila Times có nêu tên nhóm biểu tình là nhóm Makabansa. Tôi trao đổi với một số nhà nghiên cứu Philippines thì họ nói họ chưa từng nghe đến nhóm này bao giờ. Vì vậy có khả năng đây là một nhóm mới thành lập. Đó là điều là rất đáng lưu ý.

Thứ hai, những cuộc tập hợp đông người như vậy chắc chắc phải có sự tổ chức, có kế hoạch. Tất nhiên, Philippines là nước dân chủ nên người dân có quyền làm như vậy. Nhưng chúng ta nên lưu ý là những cuộc tập hợp như vậy phải có kế hoạch. Còn tổ chức như vậy với mục đích gì thì chúng ta phải xem xét trong bối cảnh rộng hơn. 

Ngày 1/8/2023, tức là ngày xảy ra cuộc biểu tình nhỏ nêu trên, thì báo chí Philippines cho biết Thượng viện Philippines đã chính thức thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc xâm lấn vùng biển thuộc biển Tây Philippines (Biển Đông) của họ. 

Liệu phải chăng đây là một hành động nhằm đánh lạc hướng chú ý của công chúng đối với nghị quyết của thượng viện Philippines ? Chúng ta biết là trong thể chế dân chủ của Philippines thì Thượng viện có một vai trò rất quan trọng. Thượng viện có thượng nghị sĩ đại diện cho tất cả cả giới của Philipines. Cho nên một khi Thượng viện đã ra một nghị quyết như vậy thì chứng tỏ nó phản ánh mối quan tâm chủ yếu của các giới Philippines tới vấn đề Trung Quốc. Chúng ta biết là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hiện nay là bà Imee Marcos là chị gái của Tổng thống Marcos. Điều đó cho thấy thái độ thực sự của giới tinh hoa chính trị của Philippines đối với vấn đề Biển Đông là như thế nào. 

Trong lúc này, chúng ta không có bằng chứng để khẳng định được ai là người đứng đằng sau hành động biểu tình chống Việt Nam đúng vào ngày Thượng viện Philippines chính thức thông qua Nghị quyết lên án Trung Quốc xâm lấn vùng biển thuộc biển Tây Philippines (biển Đông). 

Tuy nhiên, có lẽ trong bối cảnh như trên, chúng ta cũng có thể hiểu được vấn đề. Ngoài ra, chúng ta có thể xem xét ai là bên có lợi nhất khi xảy ra những hành động như vậy. Ở Việt Nam, nhà quan sát Đặng Sơn Duân cũng đưa ra một số lý giải riêng của anh ấy. 

RFA : Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

Nguồn : RFA, 04/08/2023

Published in Diễn đàn

Philippines có thể hợp tác khai thác chung với Việt Nam trên Biển Đông (RFA, 02/04/2018)

Philippines cũng có thể hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trong việc khai thác chung ở Biển Đông. Trang tin Philstar của Philippines trích lời ông Jay Batongbacal, giáo sư luật, Giám đốc Viện các vấn đề và luật biển của Philippines cho biết như vậy hôm 2/4.

phi1

Hình chụp hôm 14/5/2014 từ tàu cảnh sát biển Việt Nam cho thấy tàu hải giám của Trung Quốc (trái) đang đi gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng nước tranh chấp ở Biển Đông. AFP

Theo giáo sư Batongbacal, việc hợp tác khai thác chung giữa Manila và Bắc Kinh hiện đang được hai phía đàm phán có thể sẽ bị đưa ra trước Tòa Tối cao của Philippines.

Tuy nhiên, ông cũng nói đến một thực tế là hiện Malaysia đã có hợp tác về khai thác dầu với Việt Nam tại vùng nước tranh chấp.

Lý do được ông Batongbacal nêu ra trong nhận định về hợp tác chung giữa Philippines với Việt Nam là vì Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề với Trung Quốc và kiên quyết trong việc theo đuổi các lợi ích của mình. Ông nói thêm mặc dù hiện Việt Nam có những bất đồng với Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn luôn cân nhắc mọi khả năng và những bất đồng này sẽ loại bỏ những lựa chọn mà Việt Nam có.

Trước đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho biết Manila đang tích cực tìm kiếm các cơ hội khai thác chung với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông nêu ra lý do là vì Philippines không thể tự mình khai thác tại các vùng không trách chấp vì lý do tài chính.

Trong chuyến thăm này, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines khẳng định những lợi ích của Philippines trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không còn là các cản trở đối việc phát triển quan hệ hai nước mà nên chuyển thành nguồn hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, những hợp tác khai thác chung đang được đàm phán giữa hai nước hiện cũng đang vấp phải những chỉ trích ở Philippines vì những lo ngại từ phía quân đội, các chính trị gia và một số nhân vật trong xã hội dân sự về ý định của Trung Quốc tại vùng nước mà Philippines nắm chủ quyền.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên hai bên có hợp tác chung trên Biển Đông. Hồi năm 2001, dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận tìm kiếm cơ hội khai thác chung tại các vùng chồng lấn.

Ba nước cũng có thỏa thuận nghiên cứu chung vào năm 2005 ở Biển Đông. Tuy nhiên thỏa thuận này vào lúc đó đã bị xem là vi hiến tại Philippines vì nhiều người tại Philippines lúc đó cho rằng chính phủ đang bán quyền lợi chủ quyền của Philippines cho Trung Quốc. Thỏa thuận sau đó đã không còn được gia hạn vào năm 2008.

***********************

Tập Đoàn Philippines mua cổ phần công ty nước tại Việt Nam (RFA, 02/04/2018)

Tập đoàn Metro Pacific Investments Corp. của Philippines mua 49% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Nguồn nước Tuấn Lộc (TLW), một trong những công ty nước lớn nhất tại Việt Nam.

phi2

Một dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Nguồn nước Tuấn Lộc : Nhà máy nước Hồ Cầu Mới đưa vào khai thác từ tháng 07/17. Courtesy : Hình chụp màn hình trang web tuanlocgroup.com

Mạng báo Inquirer của Philippines loan tin này ngày 2 tháng 4 cho biết thương vụ đang trong quá trình giao dịch, với trị giá tương đương 866 tỷ Việt Nam đồng và dự định hoàn tất thủ tục vào ngày 30 tháng 6 tới đây. Thương vụ này được giao cho Công ty con của Tập đoàn Metro Pacific Investments Corp. là Công ty MetroPac Water Investments Corp. thực hiện, như là một bước đầu để Tập đoàn Metro Pacific mở rộng thị trường trong lãnh vực công nghiệp nước ở Việt Nam.

Công ty Cổ phần Đầu tư Nguồn nước Tuấn Lộc (TLW) là công ty chuyên về xử lý nước hàng đầu tại Việt Nam, với công suất 310 triệu lít nước/ngày, và cung cấp vào khoảng 87 triệu lít nước/ngày tính đến cuối năm 2017.

TLW hiện đang sở hữu các công trình nước lớn nhất ở Việt Nam, bao gồm Nhà máy Xử lý Nước Sông Lam, ở Nghê An, vận hành trong 50 năm (2015-2064), có khả năng cung cấp từ 200 đến 300 triệu lít nước/ngày ; Nhà máy Xử lý Nước Hồ Cầu Mới ở Đồng Nai, cung cấp từ 90 đến 120 triệu lít nước/ngày và vận hành trong 50 năm (2017-2066) ; Nhà máy Cử lý Nước thải 6A Nhơn Trạch, tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng vận hành trong 50 năm (2017-2066), cung cấp từ 20 đến 40 triệu lít nước/ngày.

Published in Châu Á