Lợi hay hại cho "đại phục hưng" của Tập Cận Bình ?
Thùy Dương, RFI, 28/11/2024
Một hôm sau khi nhật báo tài chính Anh Financial Times loan tin bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Đổng Quân (Dong Jun), bị điều tra về tham nhũng, hôm 28/11/2024, chính quyền Trung Quốc thông báo một quan chức quân sự cấp cao của Bắc Kinh đã bị cách chức vì bị nghi ngờ "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật". Đây là ví dụ mới nhất về một chiến dịch quy mô lớn của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm trấn áp nạn tham nhũng trong lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp ADMM ở Viêng Chăn, Lào, ngày 21/11/2024. AP - Anupam Nath
Theo AFP, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) hôm nay trong cuộc họp báo cho biết đảng Cộng Sản Trung Quốc "đã quyết định đình chỉ chức vụ của Miêu Hoa (Miao Hua) để chờ điều tra". Các cáo buộc nhắm vào Miêu Hoa, một ủy viên của Quân ủy Trung ương đầy quyền lực của Trung Quốc, nhân vật thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình, chưa được công bố cụ thể, nhưng cụm từ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" thường được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng để chỉ các hành vi tham nhũng.
Liên quan đến vụ nhật báo tài chính Anh Financial Times loan tin bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Đổng Quân (Dong Jun), bị nhắm tới trong một cuộc điều tra tham nhũng, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Ngô Khiêm tỏ ra bất bình, khẳng định đây chỉ là thông tin "bịa đặt", "vu khống" của "những kẻ tung tin đồn ác ý".
Chỉ tính riêng từ mùa hè năm 2023 tới nay, đã có gần 20 quan chức quân sự và công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc bị cách chức, trong đó có 2 vị bộ trưởng quốc phòng. Như vậy là chiến dịch chống nham nhũng quy mô lớn của Tập Cận Bình từ khi ông lên làm chủ tịch nước hồi năm 2012 đã lan sang cả quân đội. Nếu vụ cách chức bộ trưởng quốc phòng Đổng Quân được xác nhận, có thể thấy cuộc thanh trừng quân đội của Tập Cận Bình cũng ngày càng mở rộng.
Còn theo giáo sư trợ giảng Dylan Loh, đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, vụ Đổng Quân và Miêu Hoa không nhất thiết có liên quan với nhau nhưng, cũng cho thấy "sự dai dẳng của các vấn đề liên quan đến tham nhũng và kỷ luật" trong quân đội Trung Quốc, bất chấp "những nỗ lực đáng kể của Tập Cận Bình".
Theo AFP, những người ủng hộ Tập Cận Bình xem những vụ thanh trừng này là một công cụ quản lý tốt, nhưng cũng có nhiều người cho rằng đây là công cụ để ông Tập trừ khử các đối thủ chính trị.
Ankit Panda, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói với AFP : "Tập Cận Bình dường như có sự "ngờ vực mãn tính về các quan chức quân sự cấp cao".
Các nhà phân tích cũng tin rằng các vụ thanh trừng hiện nay có liên quan đến một cuộc điều tra rộng hơn nhắm vào Lực lượng Tên lửa, một đơn vị có vai trò thiết yếu về tên lửa hạt nhân và tên lửa quy ước của quân đội Trung Quốc.
Hai vị cựu bộ trưởng quốc phòng bị hạ bệ, Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghen) và Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), đều từng giữ chức vụ tại đơn vị này. Ngoài ra, còn có 3 quan chức cấp cao khác của các tổ chức Nhà nước về phòng thủ tên lửa đã bị cách chức hồi tháng 12/2023. Lãnh đạo Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và chánh văn phòng Tôn Kim Minh (Sun Jinming) cũng bị khai trừ khỏi Đảng và bị điều tra vào tháng 7/2024.
Ông Đổng Quân, được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng vào tháng 12/2023, đã trải qua toàn bộ sự nghiệp trong lực lượng hải quân, chứ không có liên hệ gì với lực lượng tên lửa. Nếu được xác nhận, theo như Neil Thomas, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asia Society của Mỹ, nói với AFP, việc ông Đổng Quân bị cáo buộc cho thấy "tham nhũng trong quân đội Trung Quốc thậm chí còn sâu rộng hơn chúng ta tưởng tượng".
Nhìn từ một góc độ khác, chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào quân đội Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan và quanh các vùng mà Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Các nhà phân tích nhận định tham nhũng trong quân đội có thể ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Và như vậy là sẽ tác động đến khả năng đạt được các mục tiêu quân sự và hoàn thành công cuộc "đại phục hưng" mà Tập Cận Bình đề ra, theo phân tích của Heather Williams, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.
Quả thực, hãng tin Bloomberg, trích dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ, khẳng định rằng nạn tham nhũng tràn lan trong Lực lượng Tên lửa có thể dẫn đến trục trặc ở một số thiết bị và họ còn sử dụng nước thay vì đổ nhiên liệu. Nếu điều này được xác nhận, thì theo các nhà khoa học Mỹ, hoạt động của tên lửa có thể bị ảnh hưởng, tác động đến mức độ chuẩn bị của lực lượng hạt nhân Trung Quốc.
Trong khi đó, Joel Wuthnow, giáo sư tại đại học quốc phòng Hoa Kỳ, nhận định chiến dịch hiện tại "đặt ra câu hỏi là Tập Cận Bình còn có thể tin tưởng những ai và về mức độ nghiêm trọng của các vụ bê bối dẫn đến sự ra đi của các quan chức cấp cao này (…) Điều này chắc chắn sẽ có tác động đánh lạc hướng rất lớn (…) khi ông gây áp lực để quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Đài Loan vào năm 2027".
AFP nhắc lại là trong tháng 11, ông Tập Cận Bình đã đi thị sát các đơn vị không quân ở tỉnh Hồ Bắc (miền trung), khuyến khích diệt trừ nạn tham nhũng và "tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội".
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, nếu đúng là vị bộ trưởng quốc phòng thứ ba liên tiếp bị Bắc Kinh xử lý kỷ luật, mục tiêu của việc tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội có thể bị cản trở. Ví dụ, theo Victor Shih, một chính trị gia và cũng là chuyên gia về giới lãnh đạo Trung Quốc, cuộc tranh giành các chức vụ cấp cao khốc liệt đến mức các sĩ quan có thể đổ lỗi cho nhau, dẫn đến vòng xoáy không hồi kết : bắt giữ, đề cử mới, rồi lại cáo buộc mới.
Thùy Dương
*************************
Trung Quốc : Bộ trưởng quốc phòng Đổng Quân bị điều tra vì tham nhũng ?
Thanh Hà, RFI, 27/11/2024
Họp báo sáng nay 27/11/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh bác bỏ những "tin đồn" của báo chí về việc bộ trưởng quốc phòng Đổng Quân (Dong Jun) bị điều tra về tham nhũng. Tuy nhiên, bà không đi sâu thêm vào chi tiết về thông tin này.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp bộ trưởng quốc phòng ASEAN-Trung Quốc tại Viêng Chăng, Lào, ngày 20/11/2024. AP - Anupam Nath
Báo tài chính Anh Financial Times ngày 27/11/2024 trích dẫn nhiều quan chức Mỹ thạo tin cho biết ông Đổng Quân "đang bị điều tra trong một vụ án tham nhũng liên quan đến quân đội" Trung Quốc. Nếu như tin trên được kiểm chứng thì đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp lãnh đạo bộ quốc phòng Trung Quốc bị thất sủng.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Đổng Quân mới vừa được chỉ định vào chức vụ này hồi tháng 12/2023, thay thế ông Lý Thượng Phúc chỉ đứng đầu bộ quốc phòng trong vỏn vẹn 7 tháng. Ông Lý Thượng Phúc đã bị khai trừ khỏi Đảng vì "nghi ngờ tham nhũng" và bị cáo buộc đã nhận "những khoản tiền rất lớn", theo như thông tin từ các đài truyền hình chính thức của Bắc Kinh. Từ đó đến nay tướng Lý Thượng Phúc không còn xuất hiện trước công chúng. Người tiền nhiệm của tướng Phúc là ông Ngụy Phượng Hòa cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng vì lý do tương tự.
Phó giáo sư Đại học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore Dylan Loh, được AFP trích dẫn, giải thích nếu ông Đổng Quân là vị bộ trưởng quốc phòng thứ ba của Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng, thì đây thực sự là một "cú sốc lớn, vì trên nguyên tắc người được đề cử vào chức vụ này phải có lý lịch trong sáng". Một chuyên gia về tình hình Trung Quốc tại học viện quốc tế S. Rajaratnam cũng tại Singapore, Benjamin Ho, đưa ra ba giả thuyết về trường hợp của Đổng Quân : hoặc việc chỉ định ông vào chức vụ bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã "bị trục trặc", hoặc có thể ông bị thất sủng "vì một tai tiếng về mặt chính trị hay do bị vạ lây".
Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" để chống tham nhũng. Giới phân tích coi đây là công cụ để loại các đối thủ chính trị của ông. Đầu tháng 11/2024, lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại mục tiêu "trong sạch hóa guồng máy trong quân đội". Các nhà quan sát Mỹ được hãng tin Bloomberg trích dẫn cho rằng nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh lo sợ rằng nạn tham nhũng đang làm suy yếu "khả năng của quân đội Trung Quốc để tiến hành một cuộc chiến".
Quân Chủng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đặc biệt trong tầm ngắm của ông Tập, do đây là "một chi nhánh hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật" đặc trách quản lý tên lửa chiến lược quy ước và hạt nhân của Trung Quốc. Tháng 7/2024 lãnh đạo quân chủng này là ông Tôn Kim Minh (Sun Jinming) đã bị kỷ luật và khai trừ khỏi Đảng, hai cấp dưới của ông cũng bị điều tra vì tham nhũng.
Thanh Hà
Quyết định tái tổ chức Lực lượng Chi viện Chiến lược cho thấy Tập đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ tư.
Tập Cận Bình đi ngang qua các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước khi đặt hoa tại Đài tưởng niệm Các Anh hùng Nhân dân để kỷ niệm Ngày Liệt sĩ ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào ngày 30/09/2023. © Reuters
Chỉ mất 9 năm để Lực lượng Chi viện Chiến lược của Trung Quốc – từng được ca ngợi là "đơn vị tương lai" khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái tổ chức quân đội lần trước – biến mất.
Một bài bình luận lan truyền trên mạng internet Trung Quốc đã gọi lực lượng bị giải tán là đơn vị quan trọng "tồn tại ngắn nhất" trong lịch sử Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Bài viết chỉ ra rằng lực lượng được chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015 – trở thành một thực thể ngang hàng với Lục quân, Hải quân, Không quân, và Quân chủng Tên lửa – đã "biến mất khỏi vũ đài lịch sử" trong một đợt tái tổ chức quân sự mới được công bố vào thứ Sáu (18/04/2024).
Sau khi được thành lập vào năm 2015, Lực lượng Chi viện Chiến lược được mô tả là một đơn vị cấp cao do một thượng tướng, cấp bậc cao nhất trong quân đội, hoặc một trung tướng, cấp bậc cao thứ hai, đứng đầu.
Điều gì đã khiến lực lượng này trở nên quan trọng đến vậy ? Bởi vì đích thân Tập đã lập ra nó. Chủ tịch nước cũng giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan hàng đầu giám sát PLA.
Câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo – Tại sao lực lượng này lại bị bỏ rơi nhanh đến vậy ? – sẽ cung cấp những hiểu biết có giá trị về các ưu tiên và động cơ chính trị hiện tại của Tập.
Ban đầu, nhiệm vụ, chức năng, và cơ cấu của lực lượng này được giữ bí mật, nhưng Trung Quốc đã đưa ra một lời giải thích bán chính thức vào năm 2016, thông qua một bài viết đăng trên Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc. Bài viết tiết lộ rằng lực lượng mới thành lập bao gồm ba đơn vị.
Đơn vị chiến tranh mạng chuyên chống lại các vụ tấn công của hacker, trong khi đơn vị chiến tranh không gian quản lý các vệ tinh do thám và Hệ thống Định vị Bắc Đẩu, còn đơn vị tác chiến điện tử sẽ phá vỡ hệ thống radar và thông tin liên lạc của kẻ thù.
Nhưng trong đợt tái tổ chức quân sự mới nhất, Lực lượng Chi viện Chiến lược đã bị giải thể và tái tổ chức thành ba đơn vị cấp thấp hơn.
Lực lượng Hỗ trợ Thông tin sẽ thu thập và phân tích thông tin tình báo, còn Lực lượng Hàng không Vũ trụ sẽ chỉ đạo chiến tranh không gian. Đơn vị thứ ba là Lực lượng Không gian mạng.
Một tên lửa mang theo vệ tinh cuối cùng của Hệ thống Định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc cất cánh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 23/06/2020. © Reuters
Ba tổ chức mới được cho là những tổ chức cấp thấp hơn, do một trung tướng hoặc thiếu tướng, cấp bậc cao thứ ba trong quân đội, đứng đầu.
Dựa trên thông tin do chính quyền Trung Quốc tiết lộ, Lực lượng Chi viện Chiến lược đã ra đời sau một quá trình chuẩn bị công phu được bắt đầu trong bí mật từ năm 2014, một năm sau khi Tập trở thành chủ tịch nước, và ba năm trước kỳ đại hội đảng toàn quốc năm 2017.
Vậy Tập đã làm gì vào năm 2014 ? Ông đã bắt giữ vị tướng hàng đầu Từ Tài Hậu– cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương – như một phần của chiến dịch chống tham nhũng nổi tiếng của Tập. Ngay sau khi Từ qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2015, một nhân vật quyền lực khác của quân đội, Quách Bá Hùng, người cũng là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã bị bắt giữ. Sang năm 2016, Quách bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ.
Cuộc thanh trừng hai nhân vật hàng đầu và việc tái tổ chức quân đội chưa từng có tiền lệ đã được thực hiện để đảm bảo lòng trung thành của quân đội với Tập. Nhưng những động cơ thầm kín cũng đóng một vai trò nào đó. Tập coi việc thanh trừng và tái tổ chức quân đội là thành tựu tại đại hội đảng toàn quốc năm 2017, mở đường cho ông sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, theo đó bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với chức chủ tịch nước.
Năm 2022, Tập giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba cho vai trò tổng bí thư, sau đó ông tiếp tục được bầu lại làm chủ tịch nước tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) vào tháng 3/2023.
Nhiều khả năng, ông muốn liệt kê đợt tái tổ chức quân đội mới nhất như một thành tựu tại đại hội toàn quốc của đảng trong ba năm tới, nhằm đảm bảo nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là người đứng đầu đảng.
Vì thế, dường như Tập đang cố gắng lặp lại những gì đã xảy ra 10 năm trước, bắt đầu quá trình chuẩn bị tái tổ chức quân đội vốn đã tạo ra Lực lượng Chi viện Chiến lược.
Khi đó, công việc chuẩn bị cũng bắt đầu ba năm trước đại hội toàn quốc của đảng, và đợt tái tổ chức quân đội năm nay cũng diễn ra ba năm trước đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng. Phải chăng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên ?
Trong giai đoạn sau năm 2014, các động thái của Tập kết hợp hai khía cạnh : tái tổ chức quân đội và bắt giữ các quan chức quốc phòng cấp cao.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Rõ ràng là lần tái tổ chức quân đội mới nhất có liên quan đến sự sụp đổ của Lý. © AP
Tháng 10 năm ngoái, Lý Thượng Phúc, cựu thành viên Quân ủy Trung ương, đồng thời cũng là Bộ trưởng Quốc phòng và ủy viên Quốc vụ viện, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng, đã bị thanh trừng. Rõ ràng là lần tái tổ chức quân đội mới nhất có liên quan đến sự sụp đổ của Lý.
Sau đợt tái tổ chức quân đội cuối năm 2015, Lý đã tham dự các cuộc họp quan trọng với tư cách là phó tư lệnh và tham mưu Lực lượng Chi viện Chiến lược mới thành lập. Trước đó, ông từng giữ chức vụ sĩ quan cao cấp tại Tổng cục Trang bị.
Trên thực tế, Lý là người phụ trách lực lượng mới – vị trí mà ông sẽ không được trao nếu không được Tập tin tưởng.
Sau đó, Lý tiếp tục được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương. Ông còn thăng tiến thêm nữa để trở thành thành viên Quân ủy Trung ương, ủy viên Quốc vụ viện, và Bộ trưởng Quốc phòng. Đáng chú ý là ông cũng từng làm Giám đốc Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, một tỉnh tây nam Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng Lý đã bị thanh trừng do các cáo buộc gian lận phát sinh trong vai trò trước đây của ông ở Cục Phát triển Thiết bị. Ngoài ra, Quân chủng Tên lửa cũng được cho là tồn tại các vấn đề tham nhũng mà Tập coi là nghiêm trọng. Không khó để tưởng tượng rằng Lực lượng Chi viện Chiến lược cũng rơi vào tình trạng tham nhũng tương tự do chia sẻ nhân sự với Cục Phát triển Thiết bị và Quân chủng Tên lửa.
Lý Thượng Phúc đã tham gia vào tất cả các đơn vị này, qua đó cho thấy có khả năng Lực lượng Chi viện Chiến lược, vốn được tung hô rất nhiều, đã không hoạt động tốt như dự kiến ban đầu của Tập.
Một vấn đề khác không thể bỏ qua là câu chuyện về khí cầu do thám.
Tháng 2/2023, một khí cầu cao 60m của Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ đã bị tên lửa từ máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tối tân bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Các mảnh vỡ của nó đã được lực lượng của Mỹ thu hồi.
Phần còn lại của "khí cầu do thám" hay "khí cầu dân sự không người lái" trôi dạt trên Đại Tây Dương sau khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina của Mỹ vào ngày 4/2/2023.
Phía Mỹ kết luận đó là "khí cầu do thám" của Trung Quốc, chỉ ra rằng nó được trang bị ăng-ten được cho là có liên quan đến việc thu chặn thông tin liên lạc.
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc – vốn gọi khí cầu này là "khí cầu dân sự không người lái" dùng để quan sát thời tiết – đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bắn rơi nó.
Luật pháp Trung Quốc quy định rằng Quân ủy Trung ương, do Tập đứng đầu, chịu trách nhiệm về các vấn đề thời tiết liên quan đến quân sự. Vì vậy, Lực lượng Chi viện Chiến lược có thể đã phụ trách các sứ mệnh khí cầu.
Vụ khí cầu đã khiến quan hệ Mỹ – Trung rơi vào căng thẳng nghiêm trọng. Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một nhận xét thú vị, đề cập khả năng Tập không biết gì về quả khí cầu do thám bay qua nước Mỹ.
Thật khó để biết điều đó có đúng hay không. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ban đầu Tập không nhận thức đầy đủ về quan hệ thực sự giữa Lực lượng Chi viện Chiến lược, được thành lập với sự hậu thuẫn của ông, và sự vụ khí cầu ?
Tập Cận Bình tham dự lễ thành lập Lực lượng Hỗ trợ Thông tin tại Bắc Kinh ngày 19/4. © Tân Hoa Xã/Kyodo
Hôm thứ Sáu 18/04/2024, Tập đã tham dự lễ thành lập Lực lượng Hỗ trợ Thông tin. Ông ra lệnh cho đơn vị này phải kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của đảng và "đảm bảo tuyệt đối trung thành, trong sạch, và đáng tin cậy".
Ba đơn vị mới được thành lập trong đợt tái tổ chức quân đội năm nay đã được đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Điều này có nghĩa là đích thân Tập sẽ chỉ huy họ và họ sẽ phải báo cáo mọi chuyện với ông. Nếu không làm vậy, họ sẽ không được dung thứ.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "The ulterior motive behind Xi Jinping’s latest military reforms", Nikkei Asia, 25/04/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/04/2024
Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc thành một lực lượng hiện đại từ nay đến năm 2027 có thể thất bại. Vài chục tỉ đô la đầu tư đã bị rút ruột phần nào, đặc biệt trong quân chủng Tên lửa. Nạn tham nhũng khiến chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể tổ chức hoạt động quân sự quy mô lớn trong những năm tới. Trên đây là những đánh giá cửa tình báo Mỹ được Bloomberg trích dẫn.
Ảnh tư liệu minh họa : Các đại biểu quân đội Trung Quốc, tới dự khai mạc một kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc tại Bắc KInh, ngày 05/03/2013. AP - Alexander F. Yuan
Theo thông tin ngày 06/01/2024 của trang Bloomberg, tình báo Mỹ cho rằng loạt kỷ luật quy mô lớn do ông Tập Cận Bình tiến hành nhắm vào quân đội trong thời gian vừa qua là do tình trạng tham nhũng tràn lan trong toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong quân chủng Tên lửa. Ví dụ nhiều tên lửa được nạp nước thay nhiên liệu hay nắp bệ phóng tên lửa ở nhiều khu vực phía tây Trung Quốc không hoạt động đúng quy trình để tên lửa được phóng hiệu quả.
Bloomberg dẫn lại một số bằng chứng trong những tháng qua. Ví dụ ngày 29/12/2023, chín quan chức quốc phòng, trong đó có 5 người thuộc quân chủng Tên lửa và ít nhất hai quan chức của Cục phát triển trang thiết bị, đã bị cách chức. Trước đó vài ngày là ba quan chức phụ trách sản xuất tên lửa trực thuộc Nhà nước. Đợt thanh trừng trong quân đội được cho là bắt đầu từ tháng 10/2023 sau khi ông Lý Thượng Phúc bị cách chức bộ trưởng Quốc Phòng, chỉ sau 7 tháng giữ chức vụ này.
Hoa Kỳ cho rằng tình trạng tham nhũng trong quan đội làm giảm niềm tin vào năng lực quân sự nói chung của Trung Quốc, đặc biệt là quân chủng Tên lửa và có thể tác động đến một số ưu tiên chính của ông Tập trong quá trình hiện đại hóa quân đội.
Ngoài ra, vẫn theo tình báo Mỹ, uy quyền của ông Tập không suy giảm trong dân do những đợt trừng phạt này. Ngược lại, khi loại trừ những quan chức cấp cao, trong đó có nhiều người do ông bổ nhiệm, chủ tịch Trung Quốc khẳng định ảnh hưởng trong đảng, thể hiện cứng rắn, nghiêm túc trong việc loại trừ tham nhũng và về lâu dài là chuẩn bị khả năng tác chiến cho quân đội Trung Quốc.
Hiện tại cả bộ Quốc Phòng Mỹ và bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về những thông tin trên. Những đánh giá của tình báo Mỹ cũng chưa được kiểm chứng một cách độc lập.
Thu Hằng
Đến thăm Indonesia trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Độ - Thái Bình Dương, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, hôm 24/07/2022, nhận định quân đội Trung Quốc trong 5 năm qua đã trở nên hung hãn và nguy hiểm hơn nhiều.
Tướng Mark Milley, cho biết ở khu vực Thái Bình Dương, số vụ máy bay và tàu Trung Quốc chặn đường lực lượng Mỹ và các đối tác khác của Washington, cũng như số vụ tiếp xúc không an toàn, đã gia tăng đáng kể. Theo tướng Mỹ, quân đội Trung Quốc, cả trên không và trên biển, đã trở nên hung hăng hơn rất nhiều và cần được lưu ý hơn ở khu vực đặc biệt này.
ABC News nhắc lại các vụ như tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào một máy bay tuần tra của Úc, chiến đấu cơ Trung Quốc chặn đường một máy bay giám sát của Canada tại không phận quốc tế. Các tàu Mỹ cũng thường xuyên bị phi cơ và tàu Trung Quốc bám đuôi, đặc biệt quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trong bối cảnh Mỹ đã gia tăng nỗ lực củng cố quan hệ với các nước Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhận định Indonesia có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực và từ lâu nay đã là một đối tác chủ chốt của Mỹ. Chuyến công du của tướng Milley là chuyến thăm Indonesia đầu tiên của một chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ kể từ năm 2008.
Chuyến đi của tướng Mỹ Milley đến Ấn Độ - Thái Bình Dương tập trung chủ yếu vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Tướng Mark Milley có kế hoạch tham dự một cuộc họp của các quan chức quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Úc. Chủ đề chính của cuộc họp sẽ là sự leo thang quân sự của Trung Quốc và nhu cầu duy trì an ninh ở Thái Bình Dương.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh lên án những nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, cáo buộc Mỹ đang cố gắng lập "NATO Châu Á". Hôm 25/07, phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 20 năm ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Biển Đông không phải là một "đấu trường" cho các nước lớn cạnh tranh, hay một ''công viên dã thú'' (safari park) mở ra cho các nước bên ngoài khu vực.
Thùy Dương
********************
Thùy Dương, RFI, 25/07/2022
Đài Loan bắt đầu tổ chức tập trận quy mô lớn vào hôm 25/07/2022, để đối phó với kịch bản bị Trung Quốc tấn công. Đây được xem là đợt tập trận thường niên lớn nhất Đài Loan.
Pháo binh Đài Loan tham gia cuộc tập trận Hán Quang Trung Quốc đổ bộ ngày 16/09/2021. AP
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đợt tập trận 5 ngày mang tên Hán Quang (Han Kuang) năm nay kết hợp với kinh nghiệm đối phó của Ukraine từ cuộc chiến do Nga phát động, dựa trên việc mô phỏng mọi kịch bản Trung Quốc có thể tiến hành để xâm lược Đài Loan.
AFP cho biết, hôm 25/07, riêng thủ đô Đài Bắc tập trung vào các bài tập ngăn chặn kẻ thù tiếp cận thành phố. Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, cho biết "các boong-ke ngầm trong lòng đất cung cấp chỗ ẩn náu cho quân đội và giúp họ đẩy lùi lực lượng đối phương" và lưu ý đây là "một phần của cuộc chiến tranh đô thị ở Ukraine". Chuyên gia này cũng cho biết tên lửa Stinger, chuyên dùng để đối phó với trực thăng và phi cơ bay tầm thấp, vũ khí đóng góp rất nhiều cho quân đội Ukraine chống Nga, cũng đã được triển khai tại một số tòa nhà cao tầng ở Đài Bắc.
Tại một số khu vực, đặc biệt là ở Đài Bắc, cư dân đã được lệnh phải ở trong nhà. Theo Reuters, còi báo động vang lên lúc 13g, giờ địa phương (5g30 GMT), trong cuộc diễn tập sơ tán trên đường phố. Nhiều địa điểm ở miền bắc Đài Loan bị đóng cửa trong vòng 30 phút. "Báo động tên lửa" được gửi qua tin nhắn, yêu cầu cư dân ẩn náu ngay lập tức ở một nơi an toàn. Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je cho biết hoạt động diễn tập mang tên Vạn An (Hòa bình vĩnh cửu) là cần thiết để chuẩn bị khả năng chiến tranh xảy ra.
Theo Đài Bắc, trong năm 2021, Trung Quốc đã điều 969 chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Năm nay, đã có hơn 600 vụ xâm nhập vùng ADIZ được ghi nhận.
Thùy Dương
Trọng Thành, RFI, 17/06/2022
Liệu Trung Quốc có tiến hành các cuộc can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ trong thời gian tới ? Hoa Kỳ có sẵn sàng đối phó với các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ? Đây là các câu hỏi mà nhiều chuyên gia, nhà quan sát đang đặt ra.
Ảnh minh họa : Một tầu ngầm của quân đội Trung Quốc. Reuters
Đầu tháng 6/2022, trong lúc cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine tiếp diễn, căng thẳng tại eo biển Đài Loan dâng cao. Trung tuần tháng 6/2022, cụ thể là ngày 15/06, Bắc Kinh công bố bản đề cương chuẩn bị cơ sở pháp lý cho các "can thiệp quân sự phi chiến tranh", ngoài Hoa Lục. Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc tấn công Ukraine của Nga (ngày 24/02/2022), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ Nga bảo vệ "chủ quyền quốc gia", tuyên bố được nhiều người ghi nhận như sự khẳng định quan hệ cứng rắn khác thường với phương Tây.
Trang mạng chuyên về chính trị và an ninh quốc tế Politico có một bài nhận định đáng chú ý. Bài "The U.S. overestimated Russia’s military might. Is it underestimating China’s ?" (Phải chăng Mỹ đã đánh giá quá cao năng lực quân sự của Nga, trong lúc khả năng của quân đội Trung Quốc bị coi nhẹ ?), đăng tải ngày 15/06/2022. Bài viết nhấn mạnh đến việc tình báo Mỹ bị nhiều chỉ trích trong việc nắm bắt và dự báo khả năng hành động của quân đội Trung Quốc. RFI xin giới thiệu một số nét chính.
***
Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây là điều rất rõ ràng. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có lực lượng hải quân đứng đầu thế giới, xét về mặt số lượng, với 355 chiến hạm, theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2021. Số quân nhân tại ngũ cũng tăng lên thành một triệu người. Về không quân, Trung Quốc có hơn 2.800 phi cơ, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược và chiến đấu cơ. Bắc Kinh đưa vào hoạt động hệ thống vũ khí tên lửa siêu thanh đầu tiên DF-17 từ năm 2020. Hệ thống vũ khí hạt nhân cũng được tăng cường, dự kiến tăng lên thành ít nhất 1.000 đầu đạn trước năm 2030.
Theo Politico, Hoa Kỳ theo tương đối sát diễn biến liên quan đến tình trạng phương tiện vũ khí nói trên, nhưng điểm quan trọng là giới chuyên gia quân sự, tình báo Mỹ ít hiểu biết về việc chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng các lực lượng quân sự như thế nào, trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra.
Một thực tế rõ ràng được nhiều người ghi nhận là dường như tình báo Mỹ đã đánh giá quá cao sức mạnh của quân đội Nga. Khi cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraine bùng nổ, giới quân sự Mỹ đa phần dường như đều tin rằng quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng bị quân đội Nga – vốn đã được hiện đại hóa đáng kể trong những năm vừa qua - đè bẹp, có thể "chỉ trong vài ngày hoặc có thể là vài tuần". Tình hình rõ ràng là ngược với các dự báo như vậy (Politico cũng nhấn mạnh đến việc tình báo Mỹ dự báo chính xác về việc Nga điều chuyển binh lực, và thậm chí khả năng xâm lăng Ukraine, nhưng dự báo kém về diễn tiến của cuộc chiến). Trước đó, hồi mùa hè năm ngoái, tình báo Mỹ cũng bị chỉ trích là đã đánh giá quá cao thực lực của quân đội Afghanistan, không dự kiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul, được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Hai thất bại xảy ra trong vòng chưa đầy một năm.
Trong thời gian gần đây,Quốc hội Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc điều trần với giới quân đội, tình báo. Trong một cuộc điều trần hồi đầu năm nay, thượng nghị sĩ Angus King đã khẳng định : nếu đánh giá được sát hơn tình hình, đặc biệt là nếu đánh giá đúng được quyết tâm kháng chiến của quân dân Ukraine và thực lực của Quân đội Nga, thì chính quyền Mỹ có thể đã quyết định hậu thuẫn Ukraine từ sớm hơn trong cuộc kháng chiến chống Nga.
Nhiều lo ngại trong chính giới Hoa Kỳ về việc có thể đã có "một số góc chết" khiến tình báo và Quân đội Mỹ không đánh giá đúng được khả năng hành động của Trung Quốc, đối thủ chiến lược của nước Mỹ, vốn đang ngày càng trở nên lớn mạnh hơn. Lẽ dĩ nhiên không thể phủ nhận được khả năng hiểu biết tương đối sát của Mỹ về tình trạng vũ khí của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cung cấp một báo cáo thường niên rất chi tiết về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực này cũng có những diễn biến quan trọng lọt lưới. Một trong các ví dụ đáng chú ý về việc tình báo Mỹ dường như đã không dự đoán được, mà Politico nêu ra, là việc Trung Quốc có thể đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ bất ngờ với việc thử tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi năm ngoái. Vụ bắn thử tên lửa được coi là một sự kiện lớn.
Một điểm rất quan trọng khác mà Politico nêu bật là việc Mỹ có nhiều khiếm khuyết trong việc nắm bắt được chiến lược quân sự của Trung Quốc. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ Viện hồi tháng 9/2020 khẳng định phương Tây đã giả định sai lầm là Trung Quốc sẽ trở nên "dân chủ hơn", cùng với việc nền kinh tế thịnh vượng hơn. Chính giả định sai lầm hệ trọng này đã đánh lạc hướng nhiều nhà quan sát, khi bỏ qua một yếu tố căn bản, đó là "mục tiêu tiên quyết của Đảng cộng sản Trung Quốc là duy trì và mở rộng quyền lực", và quân đội Trung Quốc được sử dụng để thực hiện mục tiêu này.
Có nhiều lý do hạn chế năng lực của tình báo Mỹ đánh giá về quân đội Trung Quốc. Theo Politico, sau vụ khủng bố 11/09/2001, tình báo Mỹ đã tập trung lực lượng vào việc chống khủng bố, và thế giới Ả Rập là địa bàn chính. Theo nhiều giới chức và nhà phân tích, số lượng nguồn tin là người nói tiếng Hoa, cộng tác với tình báo Mỹ là quá ít. Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã triệt hạ nhiều mạng lưới tình báo Mỹ, hành quyết hơn một chục người cung cấp tin tức cho tình báo Mỹ…
Hệ thống quyền lực "kín như bưng" của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng là điều chủ yếu khiến cho việc nắm bắt thông tin về quân đội Trung Quốc, thông qua các nguồn tin bán chính thức, hay qua các kênh thông tin giữa giới chức quân sự hai nước, bị hạn chế rất nhiều. Cho đến nay, chính quyền Biden đã không thành công trong việc tổ chức cuộc đối thoại giữa bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin với tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Phía Mỹ chỉ tiếp xúc được với bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), "người đồng cấp trên danh nghĩa" của bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa vốn được coi là người ít liên quan đến việc kiểm soát hoạt động thực sự của Quân đội Trung Quốc. Theo chuyên gia Lyle Morris, nguyên phụ trách bộ phận chuyên về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện làm việc tại RAND Corporation (Viện nghiên cứu và tư vấn tư nhân về chính sách quân sự), chính quyền Trung Quốc chủ ý dựng lên một "bức tường ngăn cách giữa giới chức quân sự chỉ huy quân đội với giới chức quân sự làm nhiệm vụ đối ngoại".
Khả năng tiếp cận thông tin về Quân đội Trung Quốc của Mỹ càng thêm hạn chế, đặc biệt dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, với việc Bộ Quốc phòng rút đi nhiều quan chức quân sự cao cấp tại các sứ quán Mỹ, hạ thấp vai trò của các tùy viên quân sự, trong khi các tùy viên quân sự tại các sứ quán Mỹ ở Châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập tin tức về Quân đội Trung Quốc, cũng như Quân đội Nga.
Bài phân tích của Politico cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nhận định của một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, chỉ trích mạnh mẽ việc "thiếu chú ý từ lâu trong việc phân tích các thông tin từ các nguồn công khai từ Trung Quốc và về Trung Quốc", các phát biểu của giới chức cao cấp hàng đầu của chế độ Trung Quốc, cũng như những gì liên quan đến "học thuyết chính thức của Trung Quốc". Vẫn theo cựu quan chức nói trên, đánh giá về Trung Quốc của Mỹ trong nhiều năm bị lệch lạc, do đã không tính đủ đến bình diện này. Và khác với Nga, dường như tình báo Mỹ thiếu những nguồn tin ở thượng đỉnh hệ thống quyền lực của Trung Quốc.
Theo cựu quan chức cao cấp tình báo quân đội Mỹ Erza Cohen, sẽ nguy hiểm nếu cho rằng Trung Quốc chỉ có thể tấn công Đài Loan trong vài năm nữa. Đặt ra một cái mốc như 2027, 2030 hay 2035… là nguy hiểm, bởi hành động đó có thể xảy ra "ngay ngày mai". Cần phải sẵn sàng trước nguy cơ này. Dự đoán Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong 6 năm tới đã được đô đốc Philip Davidson, đưa ra hồi năm ngoái, với tư cách tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, vào thời điểm đó.
Theo Politico, hiện tại giới phân tích quân sự còn chưa biết rõ Trung Quốc sẽ làm gì, nếu một cuộc can thiệp quân sự chống Đài Loan diễn ra, tiếp theo một cuộc tấn công bằng đường không và một cuộc đổ bộ. Nhiều câu hỏi hiện để ngỏ. Ví dụ như Trung Quốc tiến hành chiến tranh ra sao nếu xung đột biến thành chiến tranh trong đô thị ? Trung Quốc sẽ làm gì, đối diện với các tổn thất lớn và việc thường dân sơ tán hàng loạt ? Bắc Kinh sẽ có thể dùng hỏa tiễn và không quân tấn công trong bao lâu ?... Theo cựu chuyên gia cao cấp Randy Schriver, "điều khó nhất là đo lường được khả năng quân đội Trung Quốc được huấn luyện như thế nào để đối phó với những tình huống phức tạp, ngoài dự kiến".
Nhiều bài học từ vấn đề dự báo chiến tranh Nga chống Ukraine chắc chắn sẽ vẫn còn cần được tiếp tục rút ra, để cải thiện khả năng của tình báo Mỹ nói riêng, và việc thu thập, phân tích thông tin quân sự nói chung, trong thế đối đầu với Trung Quốc.
Thu Hằng, RFI, 20/06/2022
Trung Quốc thông báo đã thử nghiệm thành công một hệ thống bắn chặn tên lửa địa đối không. Trong thông cáo ngày 19/06/2022, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định vụ thử chỉ là hoạt động "phòng thủ" và không nhắm đến bất kỳ nước nào.
Ảnh minh họa : Tên lửa DF-41 của Trung Quốc tại lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/10/2019. AP - Mark Schiefelbein
Tuy nhiên, theo Reuters, các vụ thử hệ thống phòng thủ tên lửa được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc, cùng với đồng minh Nga, luôn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc, vì cho rằng hệ thống này có thể thâm nhập lãnh thổ của họ. Ngoài việc phản đối, Trung Quốc và Nga cũng phối hợp thực hiện nhiều cuộc diễn tập chống tên lửa.
Bắc Kinh đang tăng tốc nghiên cứu về các loại tên lửa, trong đó có nhiều loại có khả năng phá hủy vệ tinh trong không gian, hoặc tên lửa đạn đạo được trang bị đầu đạn hạt nhân dẫn đường. Chương trình này nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng do đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giám sát.
Các cuộc thử nghiệm chống tên lửa được Trung Quốc tiến hành ít nhất từ khoảng năm 2010, mà lần gần đây nhất là cách đây một năm, theo một thông báo chính thức tháng 02/2021.
Tuy nhiên, hiếm khi Bắc Kinh nêu chi tiết về chương trình tên lửa, ngoài các thông cáo ngắn gọn của Bộ Quốc phòng hoặc qua báo chí nhà nước. Ví dụ, năm 2016, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận vẫn đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi truyền hình Nhà nước công bố một số hình ảnh.
Thu Hằng
***********************
Minh Anh, RFI, 18/06/2022
Nam Thái Bình Dương đang dần trở thành một mặt trận cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Tân ngoại trưởng Úc Penny Wong, ngày17/06/2022, đã đến thăm quần đảo Salomon, trong khi Mỹ và quần đảo Marshall khởi động vòng đàm phán triển hạn một thỏa thuận an ninh và kinh tế.
Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong cuộc gặp với thủ tướng Quần đảo Salomon Manasseh Sogavare (P) tại Honiara ngày 17/06/2022. AFP – Julia Whitwell
Tại thủ đô Honiara, sau cuộc gặp thủ tướng Manassah Sogavare, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong cam kết rằng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương sẽ không phải dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài để phòng vệ. Theo bà, "gia đình Thái Bình Dương thừa khả năng cung cấp an ninh (…) và Úc luôn nghĩ rằng gia đình Thái Bình Dương phải có trách nhiệm về an ninh của mình".
Trước mối lo của Úc về khả năng có căn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo, thủ tướng Sogavare trấn an rằng "sẽ không có căn cứ quân sự cũng như không có căn cứ quân sự thường trực trên quần đảo Salomon" chỉ cách nước Úc chưa đầy 2.000km.
Penny Wong còn nhấn mạnh đến một sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Chính phủ Úc cam kết gia tăng các nỗ lực để đạt các mục tiêu giảm phát thải khí CO2 từ đây đến năm 2030, khi nhìn nhận là hiện tượng biến đối khí hậu đặc biệt ảnh hưởng nặng đến các đảo quốc Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Hoa Kỳ và quần đảo Marshall trong tuần đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên nhằm đạt được một thỏa thuận an ninh – kinh tế vào cuối tháng 9/2022. AFP cho biết, trên thực tế giữa Washington và Majuro đã có một thỏa thuận tài trợ 20 năm, sắp hết hạn vào cuối năm 2023.
Với chỉ có 60.000 dân, 40% ngân sách của đảo quốc có chủ quyền này lại phụ thuộc vào Mỹ. Đổi lại, Hoa Kỳ có thể thiết lập các cơ sở quân sự quan trọng về mặt chiến lược – từ các bệ phóng tên lửa cho đến các cơ sở hải quân. Các thỏa thuận tương tự cũng sẽ được gia hạn với Liên bang Micronesia và Palau.
Đổi lại, chính quyền quần đảo Marshall mong muốn Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề về hệ thống tên lửa Kwajalein và nhiều cơ sở khác. Các vụ thử hạt nhân đã làm cho một số đảo san hô có mức độ phóng xạ cao, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân. Majuro cũng muốn Washington đưa ra các biện pháp thích ứng để đối phó với biến đối khí hậu.
Theo nhận định chung của AFP, các động thái này của Úc và Mỹ là nhằm tìm cách ngăn cản các sáng kiến của Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 4/2022, quần đảo Salomon đã ký kết một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh khiến Washington và các đồng minh lo lắng.
Thời gian gần đây, Trung Quốc và Úc đua nhau ve vãn các nước Nam Thái Bình Dương. Tân thủ tướng Úc ngay khi vừa nhậm chức hồi cuối tháng 5/2022, Penny Wong đã đến thăm Nhật Bản, quần đảo Fidji, Samoa và New Zealand.
Cùng lúc ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện một vòng công du trong khu vực để xúc tiến một dự án thỏa thuận rộng lớn về an ninh và kinh tế khu vực do Bắc Kinh đề xướng, nhưng đã bị đại diện 10 nước Nam Thái Bình Dương bác bỏ ngày 30/05/2022.
Minh Anh
********************
Thanh Hà, RFI, 17/06/2022
Hải quân Trung Quốc vừa có thêm một tàu sân bay thứ ba hiện đại hơn nhiều so với hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông. Ngày 17/06/2022, chiếc hàng không mẫu hạm Phúc Kiến đã được hạ thủy ngoài khơi Thượng Hải. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washignton trên vấn đề Đài Loan, mà tới nay Trung Quốc vẫn xem là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Ảnh minh họa : Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, mang tên Sơn Đông (Shandong), lúc việc đóng tàu chưa hoàn tất. © Wikimedia.
Hàng không mẫu hạm Phúc Kiến hoàn toàn do Trung Quốc thiết kế và tự đóng. Tàu được trang bị công nghệ tối tân như hệ thống phóng máy bay được cho là gần ngang tầm với công nghệ của Mỹ. Hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc có khả năng phóng đi nhiều máy bay hơn, và phóng những máy bay lớn hơn, mang theo nhiều vũ khí hơn so với tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông. Sau lễ hạ thủy, tàu sân bay Phúc Kiến sẽ còn mất nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động.
Trong tương lai, hàng không mẫu hạm Phúc Kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe và tác chiến ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã mất hơn một chục năm để cải tạo Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên mua lại của Ukraine và đã cần đến hai năm từ khi hạ thủy Sơn Đông cho đến khi có thể điều chiếc hàng không mẫu hạm này tham gia các cuộc tập trận đầu tiên và tham gia các chiến dịch xa bờ.
Vẫn AFP cho rằng lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cảnh cáo trước mọi ý đồ độc lập của Đài Loan. Đây cũng là một "tín hiệu mạnh mà Trung Quốc nhắm gửi tới Hoa Kỳ" điểm tựa về an ninh của Đài Bắc, đến chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn và cả các quốc gia trong vùng Biển Đông, cũng như Biển Hoa Đông. Chuyên gia về Trung Quốc Collin Koh đại học công nghệ Nanyang – Singapore đánh giá, với một chiếc hàng không mẫu hạm hiện đại như Phúc Kiến, Trung Quốc càng gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực, từ Nhật Bản đến Philippines hay Việt Nam, bởi "khi cần, ít nhất Bắc Kinh có thể huy động tức thời một hàng không mẫu hạm, có thể can thiệp xa bờ khi xảy ra chiến tranh".
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại Liêu Ninh là tàu sân bay cũ do Liên Xô chế tạo, được Bắc Kinh cải tạo sau khi đã mua lại của Ukraine năm 1998 và đã bắt đầu hoạt động từ 2012. Tàu Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng, nhưng dựa vào thiết kế của chiếc Liêu Ninh. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì này của Trung Quốc được hạ thủy năm 2017.
Dù vậy với ba chiếc tàu sân bay – mà hai đang vận hành, Trung Quốc vẫn còn bị Hoa Kỳ bỏ xa. Mỹ hiện có 11 chiếc hàng không mẫu hạm đang hoạt động, Anh Quốc cũng có hai chiếc. Pháp, Nga, Ý, Ấn Độ và Thái Lan, mỗi quốc gia có một tàu sân bay.
Thanh Hà
Trọng Nghĩa, RFI, 16/06/2022
Với mục đích được cho là nhằm thị uy với Tokyo và đồng minh, Bắc Kinh vừa cho một trong những chiến hạm lớn và hùng mạnh nhất của Trung Quốc đến tập trận ở Biển Nhật Bản, áp sát vùng đặc quyền của Nhật Bản ngoài khơi Nagasaki. Theo hãng tin Mỹ AP hôm 16/06/2022, đó là chiếc khu trục hạm Lạp Tát (Lhasa) Type 055, vừa được hạ thủy vào năm ngoái.
Ảnh tư liệu : Các chiến hạm Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận chung với Nga trên biển Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 03/07/2013. AP
Theo AP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc vào hôm nay nhấn mạnh rằng đây là nhiệm vụ đầu tiên của chiếc Lạp Tát từ khi được đưa vào hoạt động. Trích dẫn Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tờ báo cho biết thêm là tháp tùng theo chiếc Lạp Tát, còn có tàu khu trục Thành Đô, lớp Lữ Dương Type 052D và tàu tiếp liệu Động Đình Hồ Type 903.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật, đoàn tàu Trung Quốc đã bị phát hiện vào hôm Chủ Nhật 12/06 cách đảo Fukue ngoài khơi phía tây Nagasaki khoảng 200 km (120 hải lý) di chuyển theo hướng đông về phía Biển Nhật Bản. Ngoài ra, một chiếc tàu do thám lớp Đông Điều của Trung Quốc cũng hoạt động gần eo biển Tsushima vào hôm Chủ Nhật trước khi đi vào Biển Nhật Bản.
Theo AP, khu trục hạm Type 055 (còn được gọi là lớp Nam Xương) của Trung Quốc thuộc loại rất tối tân, có tính năng tàng hình được trang bị các loại tên lửa dẫn đường phòng không, chống hạm và tấn công trên bộ. Khu trục hạm Type 055 được coi là có sức mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau tàu tàng hình Type Zumwalt của Mỹ.
Trích dẫn các chuyên gia quân sự, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết tàu khu trục này là một phần trong hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh đe dọa thôn tính bằng vũ lực.
Một cuộc xung đột như vậy gần như chắc chắn sẽ kéo theo Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp vũ khí cho Đài Loan, và các đồng minh của Mỹ, mà gần Đài Loan nhất về vị trí địa lý là Nhật Bản.
Trọng Nghĩa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/10 đã đưa ra cảnh báo trước các "kẻ xâm lược tiềm tàng" về ý chí và quyết tâm quân sự của Bắc Kinh. Lời cảnh báo này được đưa ra nhân dịp ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên, thời kỳ duy nhất trong lịch sử mà các lực lượng của Trung Quốc chiến đấu chống lại các lực lượng Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình dự diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019 - Reuters
Trước đó, trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế được tổ chức tại Thâm Quyến, trong khi tiến hành kiểm tra lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc, Tập Cận Bình nhắc nhở rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành, đáng tin cậy và : "Phải tập trung mọi suy nghĩ và lực lượng vào việc chuẩn bị cho chiến tranh và phải cảnh giác cao độ".
Tập Cận Bình cũng kêu gọi Quân đoàn thủy quân lục chiến PLA đẩy nhanh việc nâng cấp khả năng chiến đấu để tạo ra một đội quân hùng mạnh, với những người lính thiện chiến, được tích hợp đầy đủ và linh hoạt trong hoạt động, phản ứng nhanh và có khả năng chiến đấu trong các điều kiện phức tạp.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng các tuyên bố này của ông Tập là lời cảnh báo này là nhắm đến Washington trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng leo thang trước thềm bầu cử Mỹ.
Trong bài phát biểu ngày 23/10 mang đậm chất chủ nghĩa yêu nước với những ký ức hào hùng của lực lượng Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi cuộc chiến "kháng Mỹ viện Triều" là minh chứng cho thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc so với "đế quốc thực dân Mỹ." Thế nhưng, trong bài phát biểu đầy chua cay này, ông Tập nói rằng Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là một lời cảnh tỉnh rằng đất nước ông luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ ai "gây sự… ngay tại cửa ngõ của Trung Quốc". Ông Tập cũng nói thêm : "Trung Quốc sẽ không bao giờ chùn bước để chứng kiến bất kỳ sự hủy hoại nào đối với chủ quyền dân tộc của mình… và Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nào xâm chiếm hoặc chia rẽ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng".
Thực tế, Bắc Kinh thường tận dụng các lễ kỷ niệm chiến tranh để phát đi những cảnh báo ngầm đối với Washington về sức mạnh quân sự của một "Trung Quốc mới".
Diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 1/10/2019 Reuters
Những thông điệp trên được phát đi trước thềm bầu cử Mỹ và trùng với thời điểm diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, trong đó, hai bên đã tranh cãi về việc ai sẽ ứng phó tốt hơn trước những thách thức mà một Trung Quốc đang trỗi dậy đặt ra. Trước đó, hôm 21/10, Lầu Năm Góc cho biết đã nhất trí thương vụ bán tên lửa cho Đài Loan trị giá hơn một tỷ USD. Đài Loan có nguy cơ trở thành một điểm nóng gay gắt nhất giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến đầu tiên và cho đến nay là cuộc chiến duy nhất mà các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc từng đụng độ trực diện với quy mô lớn. Theo chính phủ Trung Quốc, hơn 197.000 binh sĩ nước này đã hy sinh trong cuộc chiến kéo dài 3 năm này, theo đó đã đẩy lực lượng liên quân Liên hợp quốc (LHQ) do Mỹ đứng đầu về vĩ tuyến 38 chia cắt Bán đảo Triều Tiên.
Khi căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Bắc Kinh đã tận dụng dịp lễ kỷ niệm này vừa nhằm phát đi cảnh báo đối với các siêu cường đối địch, vừa nhắm vào người dân trong nước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát động một đợt tuyên truyền với các cuộc phỏng vấn cựu chiến binh được phát sóng vào khung giờ "vàng" trong cả tuần qua. Bộ phim hành động mang tên "Sự hy sinh", được các đạo diễn có tiếng của phim trường Trung Quốc dàn dựng với nội dung miêu tả một đội quân Trung Quốc cản trở bước tiến của binh sĩ Mỹ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 23/10.
Alice Ekman, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh châu Âu (EU) cho biết : "Ông Tập Cận Bình đang kích động tinh thần chiến tranh ở phạm vi nhận thức rộng lớn".
Về khía cạnh thông điệp đối với người dân trong nước, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng lưu ý rằng bài phát biểu nói trên của Tập được phát đi trước thềm Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào tuần tới. Đây là cuộc họp quan trọng vốn sẽ đề ra kế hoạch phát triển chính trị, kinh tế và xã hội trong vòng 5 năm tới.
Hồi đầu tuần, trong chuyến thăm quan một cuộc triển lãm Chiến tranh Triều Tiên ở Bắc Kinh, ông Tập đã kêu gọi người dân Trung Quốc "giữ vững niềm tin vào chiến thắng cao cả của họ" và "đánh bại mọi kẻ thù" - một lời kêu gọi cũng được coi là một thông điệp rõ ràng đến Mỹ.
Sự đối địch chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng liên quan các vấn đề thương mại, công nghệ, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, cuộc chiến về ý thức hệ cũng như những hành động của Bắc Kinh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Giới phân tích cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến là hiện hữu, cho dù một cuộc chiến tổng lực đi ngược lại những lợi ích của cả hai.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao, trang mạng dwnews.com (tiếng Trung) ngày 21/10 đưa tin quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 (Đông Phong-17) tiên tiến dọc bờ biển phía Đông Nam của nước này.
Dongfeng-17 được triển khai dọc theo bờ biển phía Đông Nam chắc chắn có ý định nhắm vào Đài Loan, nhưng không thể được coi là chỉ nhằm vào mỗi Đài Loan. Đây là một phần trong chiến lược triển khai lực lượng quân sự của Trung Quốc.
Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh Reuters
Tên lửa Dongfeng-17 là một vũ khí siêu thanh, được công bố lần đầu tiên tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2019. Nó được coi là một phần của vũ khí chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc. Thông tin công khai cho thấy Dongfeng-17 có tầm bắn 1.800-2.500 km. Loại tên lửa này có thể thực hiện các hành động né tránh với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh. Trong quá trình bay, tên lửa này có thể chuyển mục tiêu tấn công, đột phá hệ thống đánh chặn chống tên lửa, thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu, thậm chí thả vũ khí hạt nhân.
Hồng Nguyên - chuyên gia quân sự chiến lược Trung Quốc và là Tổng thư ký của Trung tâm kiểm soát vũ khí thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng Đài Loan vẫn chưa đến lượt "quan tâm" của Dongfeng-17. Nhưng ông cũng nói rằng Dongfeng-17 có thể hạn chế quyền tự do đi lại của tàu sân bay cùng các tàu chiến của quân đội Mỹ, khiến đất liền tương đối an toàn và có quyền tự do hành động trên bờ biển phía Đông Nam cũng như vùng biển ngoài khơi, trong khi Đài Loan bị cô lập đến mức tối đa.
Có thông tin cho rằng khi đối mặt với biển, tầm bắn của Dongfeng-17 không chỉ có thể bao phủ Đài Loan, mà còn có thể tấn công các mục tiêu như "căn cứ mạnh của kẻ thù", biên đội trên biển ở các khu vực xung quanh của Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ Futenma ở Okinawa và căn cứ không quân Clark của Philippines chỉ cách Đài Loan 460 km v.v…, tầm bắn của Dongfeng-17 cũng có thể chạm đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Điều quan trọng hơn, toàn bộ Biển Đông cũng hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của Dongfeng-17. Việc triển khai Dongfeng-17 dọc theo bờ biển Đông Nam đương nhiên không chỉ để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, mà còn là một mắt xích quan trọng trong cách bố trí quân sự của Trung Quốc. Dongfeng-17 và các mẫu tên lửa khác do quân đội Trung Quốc triển khai tạo thành một hệ thống tên lửa có khả năng kết nối phạm vi, khả năng bổ sung, kết hợp cao và thấp, sử dụng linh hoạt, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu tầm trung, tầm ngắn và tầm xa.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc rất có thể sẽ tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự nhỏ để có thể thể hiện "sức mạnh của Trung Quốc" nhưng đồng thời cũng "răn đe Mỹ". Với tiềm lực của hải quân Mỹ, có lẽ Trung Quốc chưa đủ sức để thách thức, chính vì vậy, Trung Quốc vẫn chỉ "giễu võ giương oai" trước Đài Loan, chứ chưa thực sự dám ra tay. Tuy nhiên, khu vực Trường Sa với nhiều quốc gia Đông Nam Á đang kiểm soát một số thực thể sẽ là mục tiêu thực tế và "trong tầm với" của Bắc Kinh. Một cuộc chiến chớp nhoáng trên biển, với một đối thủ yếu hơn, sẽ là mục tiêu cần thiết của hải quân Trung Quốc. Trong số đó, các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát có thể sẽ là mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới với chiến thuật "giương đông kích tây".
Việt Nam hiện đang kiểm soát 21 thực thể trên Trường Sa, chiếm số lượng nhiều nhất trong số các quốc gia đang đồn trú tại đây. Chính vì vậy, trong không khí căng thẳng và thù địch ngày càng cao ở biển Đông, Việt Nam là quốc gia cần phải chuẩn bị đầy đủ nhất trước khả năng ra tay "chớp nhoáng" từ Trung Quốc.
Lê Ngọc Thăng
Nguồn : RFA, 25/10/2020
Vì sao Trung Quốc ‘đánh tứ phương’ giữa đại dịch Covid-19 ?
Khánh An, VOA, 04/07/2020
Trong bối cảnh "tứ bề thọ địch" bởi những chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới về cách xử lý đại dịch Covid-19 và các vấn đề khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục cùng lúc tiến hành nhiều biện pháp chứng tỏ sức mạnh "trên mọi mặt trận", theo cách nói của tờ Hoàn Cầu Thời Báo - tờ báo chuyên chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh ra thế giới. Chuyên gia cấp cao của Mỹ về Trung Quốc lý giải với VOA về phản ứng "có vẻ như mâu thuẫn này" của Bắc Kinh.
Vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc một lần nữa "dậy sóng", gây lo ngại cho quan hệ song phương. (Ảnh minh họa)
Bị "thế giới tấn công" hay đang "tấn công thế giới" ?
"Trung Quốc cảm thấy giống như bị các nước lợi dụng (tình hình đại dịch Covid-19) nhưng đồng thời, theo tôi, Trung Quốc cũng muốn biến khủng hoảng trở thành cơ hội", chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc, Bonnie Glaser, của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington nói về động cơ dẫn đến hành động "đánh tứ phương" của Trung Quốc gần đây.
Cũng chính vì động cơ trên mà theo bà Bonnie Glaser, mặc dù nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng cả hai nhận định cho rằng "Trung Quốc bị thế giới tấn công" và "Trung Quốc đang tấn công thế giới" đều chính xác trong hoàn cảnh hiện nay.
Ngoài Hoa Kỳ với những chỉ trích gay gắt và biện pháp mạnh từ chính quyền Trump vì nhiều vấn đề, từ đại dịch Covid-19 đến thương mại, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ…, Bắc Kinh hiện cũng đang hứng chịu mũi dùi từ phía Australia với kêu gọi điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, từ phía Anh về việc thông qua Luật An ninh Quốc gia đối với Hong Kong, từ phía Canada về vụ Huawei…
"Tôi cho rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn các quốc gia này bắt tay với nhau. Trung Quốc lo ngại sự hình thành của bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào", chuyên gia Glaser nhận định với VOA.
Tình cảnh bị bao vây tứ phía này khiến cho Bắc Kinh "đặc biệt nhạy cảm" về các vấn đề liên quan đến chủ quyền, trong đó có Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong và biên giới với Ấn Độ, và điều này cũng lý giải vì sao Trung Quốc bác bỏ có bất kỳ ca lây nhiễm Covid-19 nào trong quân đội của mình, theo bà Bonnie Glaser.
Mặt khác, chuyên gia cấp cao của Mỹ cũng tin rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách "biến nguy thành cơ", biến khủng hoảng thành cơ hội, tranh thủ tình hình đại dịch để lấn tới trong những khu vực có tranh chấp trên.
Trung Quốc đủ sức "đánh tứ phương"
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc trong một bài viết hôm 28/6 dẫn chứng phân tích của chuyên gia nước này nói rằng Quân đội nhân dân Trung Quốc được trang bị khả năng cao để "sẵn sàng chiến đấu trên tất cả các mặt trận" ở nhiều khu vực khác nhau, và dẫn chứng các hoạt động quân sự chuyên sâu đang được thực hiện cùng lúc hiện nay như cuộc tập trận ở Hoàng Sa (từ ngày 1/7 - 5/7), ở gần đảo Đài Loan và tại biên giới Trung - Ấn.
Tờ báo cho rằng mong muốn của Ấn Độ về khả năng Hoa Kỳ sẽ đến trợ giúp hay trấn áp các lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông và Eo biển Đài Loan, từ đó "tạo cơ hội" cho Ấn Độ, chỉ là một "ảo tưởng".
Nhận định về thực lực quân sự của Bắc Kinh, chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án nghiên cứu về "Sức mạnh Trung Quốc" của CSIS, nói rằng quân đội của Trung Quốc "ngày càng mạnh lên theo thời gian" với những khoản chi tiêu khổng lồ hằng năm dành cho quốc phòng.
Trong một nghiên cứu về ngân sách quốc phòng năm 2020 của Trung Quốc, bà Bonnie Glaser và các đồng nghiệp chỉ ra rằng giữa bối cảnh nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng mức chi tiêu cho quân đội vẫn tăng từ 5,06% vào năm 2019 lên 5,12% khi ngân sách chính quyền trung ương bị cắt giảm, "phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cam kết hoàn tất việc hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2035, và biến lực lượng này thành trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049".
"Quân đội Trung Quốc có thể tụt hậu so với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực hay thua xa Nga về vũ khí hạt nhân, nhưng nếu nói về số lượng và kích cỡ tàu, hải quân Trung Quốc rất lớn và có thể sớm vượt qua Hoa Kỳ", bà Glaser nhận xét với VOA, đồng thời thêm rằng sự tương phản lực lượng này đặc biệt thấy rõ khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Nghị sĩ Tobias Ellwood, thành viên của Nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của Quốc hội Anh, cho rằng việc tăng tốc phát triển quy mô quân đội của Trung Quốc trong 10 năm qua nhằm mục đích khiến cho các nước "phải cân nhắc cẩn thận" khi tính đến khả năng tấn công trực diện, ngay cả đối với Hoa Kỳ
"Từ đó, họ có thể chiếm các đảo ở Biển Đông mà không ai dám thách thức cả", tờ Express dẫn lời nghị sĩ Ellwood nói.
Khánh An
Nguồn : VOA, 04/07/2020
*******************
Tham vọng của Trung Quốc : Mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình ở Châu Á
Thanh Hà, RFI, 04/07/2020
Xung đột biên giới Ấn - Trung, lấn chiếm Biển Đông và siết chặt gọng kềm an ninh với Hồng Kông : ba dấu hiệu thể hiện Trung Quốc đang đầy tự tin, không còn "kềm chế" để sử dụng vũ lực. Đó là mối nguy lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định tại toàn Châu Á.
Ba lý do Trung Quốc lớn mạnh là mối đe dọa lâu dài cho hòa bình và ổn định ở Châu Á - Tranh vẽ : Craig Stephens
Trong bài viết Three reasons China’s increasing assertiveness is a threat to Asia’s long-standing peace and stability (Ba lý do Trung Quốc lớn mạnh là mối đe dọa lâu dài cho hòa bình và ổn định ở Châu Á) đăng trên South China Morning Post ngày 07/04/2020, giáo sư Allen Carlson, đại học Mỹ Cornell chuyên nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, Trung Quốc và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng những động thái hung hăng của Trung Quốc trên ba hồ sơ vừa nêu là "một bước ngoặt" đối với hòa bình và ổn định của Châu Á. Tình hình có thể còn "tệ hơn thế nữa".
Theo ông Allen Carlson, Covid-19 và những tác động về kinh tế, xã hội và y tế kèm theo không là yếu tố duy nhất đẩy Châu Á "đến bên bờ vực thẳm". Thay đổi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh còn quan trọng hơn nhiều và có nguy cơ khép lại thời kỳ mà Châu Á được yên ổn phát triển kể từ sau chiến tranh lạnh.
Mới chỉ cách đây vài năm những tiếng chuông báo động về một kịch bản tham vọng lấm chiếm biển đảo của Trung Quốc dẫn đến xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông, được cho là "quá đáng" và chỉ là quan điểm của một số ít các nhà nghiên cứu.
Trung Quốc không còn "tự kềm chế"
Tình hình đã thay đổi hoàn toàn trong những tuần lễ gần đây. Xung đột ở biên giới Ấn-Trung dù đã được lắng dịu, viễn cảnh chiến tranh ở biên giới tạm thời được xua tan, nhưng theo giáo sư Carlson, cuộc giao tranh nói trên là một "bước ngoặt quyết định" trong quan hệ chẳng những giữa Bắc Kinh và New Delhi mà còn ảnh hưởng cả đến toàn Châu Á. Trung Quốc không còn kềm chế sử dụng vũ lực nữa.
Điểm nhạy cảm thứ nhì là Biển Đông : Trung Quốc tăng tốc thâu tóm vùng biển này. Đây là một sự chuẩn bị "từ nhiều năm qua" khi Bắc Kinh "cải thiện, mở rộng và tăng cường" đáng kể khả năng can thiệp của các lực lượng hải quân. Đó là chưa kể tới chiến lược xây dựng cơ sở trên các đảo tại những vùng có tranh chấp để đặt thế giới trước "chuyện đã rồi".
Một lần nữa giáo sư Carlson cho rằng ngay cả trên hồ sơ Biển Đông, Tập Cận Bình cũng đã "hết kềm chế" : Bắc Kinh không còn dè dặt mà đã "thẳng thừng bác bỏ những khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Philippines trong các vùng biển có tranh chấp", "mạnh mẽ chống đối Hoa Kỳ thị uy trong vực". Hậu quả kèm theo là "căng thẳng tại Đông Nam Á gia tăng".
Dấu hiệu thứ ba cho thấy Trung Quốc thách thức cộng đồng quốc tế là việc Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh Hồng Kông : đạo luật vừa được ban hành báo trước "Tập Cận Bình không tuân thủ luật chơi mà những người tiền nhiệm của ông đã từng chấp nhận" và sẽ "năng động hơn những thế hệ lãnh đạo trước rất nhiều để dập tắt mọi mối đe dọa". Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Mỹ, Allen Carlson, "khó tránh khỏi viễn cảnh xung đột leo thang giữa Bắc Kinh với Đài Bắc" khi mà Đài Loan quyết tâm độc lập với Hoa lục.
Kịch bản tai hại cho Châu Á thêm cận kề
Cả ba hồ sơ, từ biên giới Ấn - Trung đến Biển Đông hay Hồng Kông, đều cho thấy "kịch bản tai hại cho Châu Á thêm cận kề". Tình hình sẽ thực sự xấu đi thêm nữa vì ba lý do :
Thứ nhất là tranh chấp Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở một cuộc "đấu khẩu" nữa mà hai ông khổng lồ thế giới này đang lao vào một cuộc đọ sức quân sự ở Biển Đông.
Thứ hai là Biển Hoa Đông dậy sóng vì tranh chấp Nhật - Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thứ Ba là Trung Quốc mạnh tay dùng luật an ninh quốc gia để tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông và nhất là mở thêm một mặt trận ở eo biển Đài Loan.
Trong chảo lửa chỉ chực chờ bùng lên bất cứ lúc nào như vậy, giáo sư Carlson đại học Cornell, Hoa Kỳ kết luận : với ngần ấy dấu hiệu báo trước, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như Châu Á bị đẩy xuống vực thẳm.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 04/07/2020
*****************
Bỉ cảnh báo nguy cơ gián điệp từ sinh viên Trung Quốc
Minh Anh, RFI, 04/07/2020
Thứ Năm, 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián - La Sureté de l'Etat) công bố báo cáo hàng năm cảnh báo những mối nguy gián điệp sinh viên Trung Quốc trong ngành công nghệ quốc phòng.
Cơ quan an ninh nội địa Bỉ cảnh báo những mối nguy gián điệp sinh viên Trung Quốc trong ngành công nghệ quốc phòng.
Theo bản báo cáo thường niên của Cơ quan An ninh Quốc gia, các trường đại học Bỉ là được xem như là "mỏ vàng" trên phương diện nghiên cứu. "Những sinh viên và nghiên cứu sinh này sau đó mang tất cả những kiến thức tích lũy được tại các trường đại học Bỉ để phục vụ cho quân đội trong nước. Hiện tại, có khoảng vài chục sinh viên quân sự đang học tập tại các trường đại học Bỉ".
Tuy nhiên, cơ quan phản gián Bỉ không cho biết cụ thể con số sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Bỉ, nhưng nhân vật số hai của cơ quan này, ông Pascal Pétry, "úp mở" thừa nhận rằng Bỉ đặc biệt thu hút sự chú ý của sinh viên Trung Quốc vì nước này có nhiều trụ sở chính của các định chế Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời phỏng vấn nhật báo La Libre Belgique, được AFP trích dẫn, ông Pétry khẳng định "ý đồ của Trung Quốc là thúc đẩy các nhà nghiên cứu trẻ thâm nhập vào những cơ quan hấp dẫn tại Bỉ và chiêu dụ họ trở về nước nếu họ mang về những thông tin hữu ích".
Cơ quan phản gián Bỉ cảnh báo "chính những sinh viên này là nguồn cội của việc mất quyền sở hữu trí tuệ, gây ra những tác động cho việc tài trợ nghiên cứu khoa học của đất nước. Trên thực tế, khi một số công nghệ mũi nhọn không thể được tăng giá trị, trường đại học mất nguồn thu".
Để giải quyết vấn đề này, cơ quan tình báo đề xuất một chương trình đánh động nhằm hỗ trợ giới hàn lâm bảo vệ tốt hơn các nghiên cứu khoa học tiềm tàng và nhất là trong việc mở cửa đón sinh viên nước ngoài.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 04/07/2020
*******************
Căng thẳng biên giới : Thủ tướng Ấn gọi Bắc Kinh là kẻ "bành trướng"
Trọng Thành, RFI, 04/07/2020
Vùng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa tháng 6/2020, hai bên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong lúc thủ tướng Ấn gọi Bắc Kinh là kẻ "bành trướng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi New Delhi đừng "tính toán sai" về phản ứng của Bắc Kinh tại vùng biên giới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm đơn vị quân đội tại Ladakh, Himalaya, biên giới với Trung Quốc, ngày 3/7/2020. © via Reuters - Handout.á
Hôm 03/07/2020, trong chuyến thị sát bất ngờ tại một đơn vị quân đội ở vùng biên giới với Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ đã gián tiếp gọi Bắc Kinh là quân bành trướng, và cổ vũ tinh thần sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ. Ông Narendra Modi nói : "Thời kỳ của chủ nghĩa bành trướng đã qua rồi. Chủ nghĩa bành trướng là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Bây giờ là thời kỳ của phát triển. Các thế lực bành trướng hoặc sẽ thua, hoặc buộc phải lùi bước".
Theo báo mạng Úc abc.net.au, hôm qua, 03/07/2020, phát ngôn viên đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ lên tiếng khẳng định việc thủ tướng Ấn Độ gọi Bắc Kinh là "bành trướng" là không có cơ sở. Quan chức này khẳng định Trung Quốc đã giải quyết được các tranh chấp biên giới "với 12 trong số 14 nước láng giềng bằng con đường thương thuyết hòa bình".
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) kêu gọi Ấn Độ "hợp tác với Trung Quốc để duy trì quan hệ hữu nghị toàn cục", đồng thời lên án các hành động chống lại doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ, là vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có các trả đũa để "bảo vệ quyền lợi hợp pháp" của các doanh nghiệp Trung Quốc trên đất Ấn.
Không muốn một mình đối mặt với Trung Quốc, New Delhi tiếp tục vận động ngoại giao tìm kiếm ủng hộ. Hôm qua, 03/07/2020, đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Satoshi Suzuki đưa lên Twitter một thông điệp khẳng định "phản đối mọi hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng" tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại biên giới Ấn - Trung.
Tuyên bố được đưa ra sau khi đại sứ Nhật gặp ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla. Một số nguồn tin ẩn danh cho biết trước đó, ngoại trưởng Ấn Độ cũng thông báo chủ đề này với các đặc phái viên hay các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Đức.
Đại sứ Nhật Satoshi Suzuki đưa ra quan điểm ủng hộ nói trên, sau khi Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp của giới ngoại giao và quân sự, nhưng đàm phán vẫn bế tắc.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 04/07/2020
********************
Căng thẳng Ấn-Trung : Thủ tướng Modi bất ngờ thăm vùng Himalaya
Thu Hằng, RFI, 03/07/2020
Ngày 03/07/2020, thủ tướng Ấn Độ Nadrendra Modi đã bất ngờ đến thị sát tình hình ở Ladakh, thuộc vùng núi Himalaya sát biên giới với Trung Quốc. Đây là nơi đã diễn ra vụ đụng độ chết người giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 15/06.
Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, trong chuyến thăm vùng Ladakh, trên dãy Himalaya, ngày 03/07/2020. via Reuters - Press Information Bureau
Theo AFP, ông Modi đã gặp gỡ các quân nhân trong một doanh trại tại vùng Nimu (ở độ cao hơn 3.300 mét). Sau đó, ông đến thăm những quân nhân bị thương trong vụ ẩu đả hiện được điều trị tại một bệnh viện ở Leh, thủ phủ vùng Ladakh. Tháp tùng thủ tướng Modi có tham mưu trưởng, tướng Bipin Rawat và tư lệnh quân đội, tướng MM Naravan.
Hãng tin Reuters cho biết, ông Modi bất ngờ đến thăm vùng biên giới này do bị áp lực trong nước là phải đáp trả việc Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ. Vụ đụng độ gây chết người ngày 15/06 ở Ladakh được coi là sự cố nghiêm trọng nhất trong vòng 45 năm qua. Phía Ấn Độ có 20 lính tử vong, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ con số nào. Cả hai bên đổ lỗi cho nhau nhưng đều khẳng định muốn giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Trong những tuần gần đây, chính quyền New Delhi đã tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. Vụ đụng độ cũng khiến làn sóng bài Trung Quốc trỗi dậy ở Ấn Độ. Ngoài việc kêu gọi tẩy chay hàng hóa, ngày 29/06, New Delhi thông báo cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc (TikTok, Weibo, WeChat, CamScanner…) vì lý do an ninh quốc gia. Bản thân thủ tướng Modi cũng đóng ứng dụng Weibo của ông.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 04/07/2020
Từ vụ xung đột đẫm máu nhất trong vòng 45 năm qua ở vùng biên giới với Ấn Độ đến việc tích cực thúc đẩy chủ quyền phi pháp trên Biển Đông bất chấp đại dịch thế kỷ Covid-19 lũng đoạn thế giới hay sự gia tăng tranh chấp trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản rồi nhưng căng thẳng với Đài Loan cùng việc áp đặt ‘bàn tay sắt’ lên Hồng Kông, thế giới không khỏi tò mò về thực lực của quân đội tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh năm 2019
Theo bảng xếp danh sách các quốc gia có quân đội mạnh nhất hạng thế giới năm 2020 được trang web Global Fire Power công bố, quân đội Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ vị trí thứ ba sau Mỹ và Nga.
Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng danh sách với chỉ số sức mạnh là 0,0691 ; lực lượng thường xuyên là 19.614.517 người ; lực lượng dự bị : 2.183.000 người cùng 3.210 máy bay chiến đấu ; 3.500 xe tăng chiến đấu và 777 tàu hải quân.
Trang web Global Fire Power là một trang web quân sự phi chính phủ ở Mỹ chuyên đánh giá sức mạnh quân sự các nước trên thế giới thông qua việc sử dụng 55 tiêu chí khác nhau để chấm điểm cho quân đội mỗi quốc gia dựa trên quy mô, tài chính và số lượng thiết bị công nghệ cao. Điểm hoàn hảo là 0 (điểm càng thấp thì quân đội càng mạnh).
Báo cáo thường niên mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) hồi tháng 4 vừa qua cho thấy Trung Quốc xếp thứ hai trên toàn thế giới về mức chi tiêu quân sự trong năm 2019 với 261 tỷ USD.
Nhà quan sát Benjamin Lai, cựu quân nhân dự bị Hồng Kông cho quân đội Hoàng gia Anh, người đã nghiên cứu kỹ từng biến đổi của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhận định việc tăng ngân sách quân sự thêm 6,6% cho năm 2020 trên thực tế là một sự suy giảm so với mức tăng 7,5% năm 2019 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như những khó khăn từ bên trong Hoa lục. Kể từ những năm 1980, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tương đối ổn định tỷ lệ theo GDP, dưới 2% GDP. Đơn giản là vì kinh tế Trung Quốc đã tăng rất nhiều. 2% của một chiếc bánh lớn là rất nhiều tiền.
Một điều đáng lưu ý là quân đội Trung Quốc không điều khiển được Chính phủ cũng như Đảng Cộng sản. Cho dù quân đội Trung Quốc có một tầm ảnh hưởng lớn trong Đảng nhưng Đảng Cộng sản kiểm soát quân đội chứ không phải ngược lại. Các tướng lĩnh thực ra không có quyền lực ở mức có thể nói với Tập Cận Bình phải làm gì.
Ngoài ra, Trung Quốc còn là một cường quốc hạt nhân của thế giới.
Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân vào năm 1964. Số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố mới đây ước tính, Trung Quốc đang có trong tay gần 320 đầu đạn hạt nhân. Nền kinh tế thứ hai thế giới đã gia tăng kho vũ khí nguyên tử trong năm qua với 40 đầu đạn. Nước này cũng duy trì bộ ba hệ thống khí tài hạt nhân gồm tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm. Bắc Kinh đề ra chính sách "không ra tay trước", đồng nghĩa với việc cam kết chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử để trả đũa khi bị đối phương tấn công hạt nhân.
Phân tích về số lượng quân nhân của quân đội Trung Quốc, ông Benjamin Lai khẳng định không nên đánh giá một quân đội chỉ bằng các con số. Số lượng không là chất lượng. Nước Pháp năm 1940 có nhiều xe tăng hơn Đức nhưng vẫn bại trận. Trên thực tế, Trung Quốc không ngừng giảm bớt quân số các binh chủng, đặc biệt là bộ binh, theo truyền thống là có quân số đông nhất, và ngày nay, ưu tiên được dành cho hải quân và không quân. Ngoài ra, PLA còn bao gồm cả những quân nhân mà phương Tây xem như là dân sự : Đó là những họa sĩ, nhà văn, diễn viên múa và ca sĩ, và thậm chí cả người dẫn chương trình TV… Nhiều quân y viện cũng mở cửa cho các thường dân, và cả các nhà khoa học nữa. Rất nhiều nhà xưởng sản xuất vũ khí nằm trong hệ thống của PLA và các nhân viên chủ chốt của họ được xem như là những ʺngười línhʺ.
Ngoài ra, Trung Quốc là một đất nước rất rộng lớn. Với 9,5 triệu km2, lớn hơn nước Pháp đến 14 lần. Nhưng quân đội Trung Quốc cũng chỉ đông hơn quân đội Pháp có 8 lần, vốn chỉ có 268.000 người bao gồm cả khối dân sự. Nếu so sánh với tầm mức của Trung Quốc, quân đội nước này không mấy gì đông đảo. Cuối cùng, quân đội Trung Quốc là quân đội bao gồm lính nghĩa vụ, trong khi quân đội Pháp là quân đội chuyên nghiệp. Các quân đội lính nghĩa vụ thường đông hơn các quân đội lính tình nguyện chuyên nghiệp có đào tạo. Lính nghĩa vụ của Trung Quốc hầu như không được trả lương. Họ được nuôi ăn, ở, nhưng không cần phải đãi ngộ tốt như những người theo nghiệp nhà binh với đầy đủ các tiện nghi hiện đại…
Trên phương diện công nghệ, ông Benjamin Lai khẳng định Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ rất xa, cho dù là quân đội nước này càng ngày càng khá hơn.
Tàu sân bay Sơn Đông là một thiết kế sao chép từ tàu sân bay Liêu Ninh với nhiều hạn chế về năng lực tác chiến
Quân đội Trung Quốc đặc biệt yếu về công nghệ tầu ngầm và chống tầu ngầm, cũng như là trong việc sản xuất động cơ hàng không. Hệ quả là, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không đủ mạnh.
Quân đội Trung Quốc cũng yếu về hàng không mẫu hạm. Nước này chỉ có hai chiếc. Đúng hơn là một chiếc rưỡi vì Trung Quốc chỉ mới đang học cách sử dụng.
Năng lực triển khai quân xa của Trung Quốc vẫn còn thấp. Các lực lượng của Trung Quốc chưa thể đi quá xa ngoài lãnh thổ. Dù là họ đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Liên quan đến chương trình luyện tập, Trung Quốc có một vấn đề, đó là từ năm 1980, họ không có tham chiến vào một cuộc chiến nào. Trong khi đó người Mỹ không ngừng chiến đấu kể từ năm 1945. Giờ bay của phi công Trung Quốc ít hơn phi công Mỹ. Và các tướng lĩnh Trung Quốc ít sáng tạo hơn trong các cuộc luyện tập, thường hay theo sát một kế hoạch đã được lập trước. Tuy nhiên, tình hình đang có những những thay đổi đáng kể.
Trong một số lĩnh vực, quân đội Trung Quốc có cùng cấp độ hoặc tiến bộ hơn một chút so với Mỹ.
Trong lễ diễu binh ngày 01/10/2019, người ta đã có thể nhìn thấy chiếc máy bay siêu thanh DF-ZF, một tên lửa hành trình siêu thanh rất tiên tiến, có lẽ là hiện đại hơn cả tên lửa của Hoa Kỳ.
Trung Quốc còn nghiên cứu chế tạo cả railgun – một loại đại pháo điện từ và có thể là đang dẫn trước trong việc phát triển loại vũ khí này.
Hồi tháng 4/2020, Trung Quốc đã cho hạ thủy một tầu tấn công đổ bộ mới, Type 75, một bãi đáp đổ bộ cho trực thăng. Họ cũng đã nâng cấp chiếc máy bay vận tải hạng nặng, Y-20, chiếc đầu tiên thuộc loại này của Trung Quốc. Hệ thống công nghiệp – quân sự của Trung Quốc có một lợi thế so với phương Tây, đó là tất cả các linh kiện mà họ sử dụng đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Về chương trình luyện tập, quân đội Trung Quốc đã xây một căn cứ rất lớn dành cho luyện tập quân sự tại vùng Nội Mông, trại Chu Nhật Hòa (Zhu Ri He), rộng hơn 1.000 km2.
Năm 2012, Trung Quốc cho thiết lập lực lượng đối kháng riêng của mình, phỏng theo mô hình Opfor của Mỹ, một đơn vị chuyên đóng vai kẻ thù trong các cuộc luyện tập. Trung Quốc đã chuyển sang luyện tập theo kiểu phương Tây, tức là không luyện tập theo một chương trình định sẵn từ trước mà sử dụng trí não là chính. Tuy nhiên, trong một bộ phim tài liệu mới đây về Opfor Trung Quốc, viên chỉ huy của lực lượng này giải thích rằng trong số 7 đợt luyện tập, ông ta đã chiến thằng đến 6 lần. Điều này cho thấy là quân đội Trung Quốc vẫn chưa mấy đổi mới trong các phương thức chiến đấu.
Về phương hướng hoạt động, Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi chính sách phòng thủ.
Ông Benjamin Lai phân tích : Kể từ năm 1949, Trung Quốc chưa bao giờ được bình yên. Lúc nào cũng có những mối đe dọa, tranh chấp với Liên Xô, xung đột với Đài Loan và Hoa Kỳ đứng ở phía sau, và thậm chí là các cuộc chiến tranh biên giới, tại Triều Tiên và ở Việt Nam… Chính vì lý do này mà Trung Quốc chú trọng đến chính sách phòng thủ. Bây giờ thì tranh chấp biên giới đã được giải quyết với Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, quốc gia còn lại mà Trung Quốc có tranh cãi biên giới là Ấn Độ.
Nói về vụ va chạm ở biên giới gần đây với Ấn Độ trên dãy Himalaya, ông Benjamin Lai cho biết trên các kênh truyền thông tại Trung Quốc không phân tích sâu về cuộc xung đột đẫm máu này. Nhìn từ góc độ lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ công nhận đường kiểm soát thực sự, nơi mà quân đội hai bên dừng lại vào cuối cuộc chiến năm 1962, và Ấn Độ xem như là biên giới của họ. Bởi vì trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ ký kết chấp nhận đường ranh giới Mac Mahon, được thỏa thuận vào năm 1914 giữa Anh Quốc và người Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc không công nhận Tây Tạng như là một đất nước tự do. Một chính quyền địa phương không có thẩm quyền ký kết các thỏa thuận. Bây giờ Ấn Độ tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào lằn ranh này. Chúng ta đang trở lại với vấn đề của thế kỷ XIX.
Bình luận về tương quan sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ, ông Benjamin Lai cho rằng Trung Quốc vượt trội trên phương diện vũ khí, nhưng chủ yếu là có lợi thế địa hình chiến lược. Đầu tiên, Tây Tạng nằm ở phía trên cao, Ấn Độ thì ở phía dưới. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tốt hơn rất nhiều, như tàu hỏa, đường bộ, viễn thông… Trung Quốc có thể vận chuyển quân và tiếp tế cho họ nhanh hơn rất nhiều.
Ấn Độ cố gắng bù đắp điều này bằng cách trang bị các chiếc máy bay vận tải của Mỹ như chiếc C-17 Globemaster. Nhưng quân đội Ấn Độ cũng bị bất lợi do thiếu sự phối hợp tập trung. Các lực lượng vũ trang của Ấn Độ có đến 17 loại súng khác nhau, được mua từ Mỹ, Úc, Israel… làm đau đầu ban quân nhu. Tiểu liên INSAS do Ấn Độ chế tạo chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt và cảnh sát Ấn Độ lại rất ưng loại AK-47. Dẫu sao thì Ấn Độ cũng có một lợi thế đáng kể, đó là các đội quân sơn cước của họ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, chống quân đội Pakistan trên cao nguyên. Ấn Độ có thể lấy lại thế mạnh này nhưng dường như vẫn chưa làm được điều đó.
Tổng kết lại, nhà phân tích khẳng định Tập Cận Bình đã mang lại những thay đổi lớn trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông ấy tấn công nạn tham nhũng. Điều này có thể thấy rõ trong giai đoạn 2014 – 2016 và ít thấy hơn trong 2019 – 2020. Giang Trạch Dân đã bổ nhiệm những tay chân thân tín để lãnh đạo quân đội và ông ấy vẫn còn kiểm soát Trung Quốc trong hậu trường khi Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch nước. Giang Trạch Dân vẫn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong suốt bốn năm đầu Hồ Cẩm Đào đứng đầu Nhà nước. Trong suốt những năm đó, ông ta đã đặt bạn bè của ông ta vào những vị trí chủ chốt trong quân đội. Điều này đã làm cho quân đội trở nên bị tham nhũng nặng, một số người còn mua cả chức vụ và bậc hàm. Nhiều sĩ quan điều hành đơn vị của họ như là những tiểu vương quốc của cá nhân. Một số người vẫn giữ nhà công vụ, trị giá đôi khi hàng triệu đồng sau khi rời khỏi vị trí. Số khác thì lén lút cho người ngoài thuê tài sản của quân đội, để xây nhà ở, khách sạn hay điểm kinh doanh, như ở đây Thượng Hải chẳng hạn, các bãi đỗ xe của các viện quân y từ lâu trở thành các cửa hiệu.
Ông Lai khẳng định nhờ vào chiến dịch của Tập Cận Bình mà tệ nạn tham nhũng trong PLA đã có quy mô nhỏ hơn. Không còn những bữa dạ tiệc, không còn rượu cognac trong các bữa ăn của các sĩ quan. Tập Cận Bình đã sa thải những ai không tuân thủ ông ấy và những kẻ tham nhũng, đồng thời nắm lại quyền kiểm soát quân đội, cho phép ông khởi động một chương trình cải cách trong Quân ủy Trung ương, và bốn bộ chỉ huy của ông ta là chính trị, hậu cần, vũ khí và nhân sự. Ông ta đã giảm số quân khu từ 7 xuống còn 5. Tập Cận Bình còn thành lập một nhánh mới của quân đội : Lực lượng hỗ trợ chiến lược, có khả năng tiến hành chiến tranh mạng. Hải quân đóng nhiều tàu chiến mới. Không quân cũng đang chuyển các chiến đấu cơ từ hệ thứ 4 sang thứ 5.
Nhưng vì quân đội Trung Quốc rất lớn, mọi sự thay đổi trang thiết bị đòi hỏi nhiều thời gian. Họ vẫn còn cho bay các chiếc J-7 đời cũ, tương đương với loại Mig-21 cũ, các loại chiến đấu cơ thời Chiến Tranh Lạnh, và họ còn sử dụng các chiếc xe tăng đời thứ nhất, T-59, một bản sao của xe tăng Liên Xô T-54, có từ năm 1954. Hơn nữa, những loại vũ khí mới đắt hơn rất nhiều : Chiếc T-59 giá chỉ vừa 30.000 đô la, xe tăng đời mới T-99MBT giá hơn hai triệu đô la/chiếc. Tiền lương cho lính đã được cải thiện, các doanh trại cũng vậy, và giờ có thể tiếp đón các gia đình binh sĩ. Sau cùng, PLA bắt đầu mở cửa cho phép các công ty tư nhân cung cấp hậu cần như SF Express chẳng hạn.
Dự đoán về kết quả cuộc chiến Mỹ – Trung nếu xảy ra, ông Lai cho rằng nếu đối đầu xảy ra gần bờ biển Trung Quốc, hải quân của PLA sẽ có lợi thế. Lực lượng này sẽ được bảo vệ bởi một dàn tên lửa rất hiệu quả đặt trên đất liền. Nhưng ở xa Trung Quốc thì hải quân nước này bị mất lợi thế đó. Hơn nữa, các tàu chiến của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp liệu nếu đi quá xa Trung Quốc. Chính vì điều này mà Bắc Kinh quyết định mở một căn cứ quân sự tại Djibouti. Trong 20 năm nữa, Trung Quốc có thể sẽ có khả năng điều tầu chiến đi xa hơn. Nhưng Trung Quốc không có lợi lộc gì tại Địa Trung Hải, như là ở Ấn Độ Dương, bờ đông châu Phi…
Trung Kiên (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 25/06/2020
Từ vụ đụng độ với Ấn Độ trên dãy Himalaya, làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn, cho đến những căng thẳng xung quanh Đài Loan và Biển Đông, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (APL), khiến các nước láng giềng lo lắng, e sợ rằng quân đội Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế chiến lược mà đại dịch Covid-19 sẽ đem lại cho Trung Quốc.
Một chiến đấu cơ Thẩm Dương-11 (Shenyang J-11) của Không quân Trung Quốc. © Wikipedia common
Tuy nhiên, sử gia Benjamin Lai trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Point nhắc rằng các lực lượng quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp các chậm trễ công nghệ và giải quyết được các vấn đề cơ cấu so với quân đội các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Từng là cựu quân nhân dự bị Hồng Kông cho quân đội Hoàng gia Anh, ông Benjamin Lai nghiên cứu kỹ từng biến đổi gia tăng của APL mà ông đề cập đến trong nhiều tập sách (Dragon's Teeth, The Casemate, 2016 và The Chinese People's Liberation Army since 1949, Osprey Publishing, 2012). Như ông quan sát từ Thượng Hải ngày nay, nền quốc phòng Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi. Trong trào lưu chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc buộc phải cắt giảm lực lượng bộ binh cồng kềnh, và kể từ giờ tìm cách xây dựng lực lượng hải quân và không quân có khả năng tác chiến xa, bên ngoài biên giới quốc gia.
RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài phỏng vấn giữa Le Point và nhà sử học Benjamin Lai. Mời quý vị theo dõi.
******
Le Point : Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (APL) được cho là một đội quân đông đảo nhất thế giới với khoảng 2,18 triệu quân nhân. Tại sao quân đội Trung Quốc chưa là một quân đội hùng mạnh nhất thế giới ?
Benjamin Lai : Người ta không đánh giá một quân đội chỉ bằng các con số. Số lượng không là chất lượng, cũng không phải là điều có ích. Nước Pháp năm 1940 có nhiều xe tăng hơn Đức nhưng vẫn bại trận. Trên thực tế, Trung Quốc không ngừng giảm bớt quân số các binh chủng, đặc biệt là bộ binh, theo truyền thống là có quân số đông nhất, và ngày nay, ưu tiên được dành cho hải quân và không quân. Ngoài ra, APL còn bao gồm cả những quân nhân mà phương Tây xem như là dân sự : Đó là những họa sĩ, nhà văn, diễn viên múa và ca sĩ, và thậm chí cả người dẫn chương trình TV… Nhiều quân y viện cũng mở cửa cho các thường dân, và cả các nhà khoa học nữa. Rất nhiều nhà xưởng sản xuất vũ khí nằm trong hệ thống của APL và các nhân viên chủ chốt của họ được xem như là những ʺngười línhʺ.
Ngoài ra, cũng đừng quên diện tích to lớn của Trung Quốc, đây là một đất nước rất rộng. Với 9,5 triệu km2, lớn hơn nước Pháp đến 14 lần. Nhưng quân đội Trung Quốc cũng chỉ đông hơn quân đội Pháp có 8 lần, vốn chỉ có 268.000 người bao gồm cả khối dân sự. Nếu so sánh với tầm mức của Trung Quốc, quân đội nước này không mấy gì đông đảo. Cuối cùng, quân đội Trung Quốc là quân đội bao gồm lính nghĩa vụ, trong khi quân đội Pháp là quân đội chuyên nghiệp. Các quân đội lính nghĩa vụ thường đông hơn các quân đội lính tình nguyện chuyên nghiệp có đào tạo. Lính nghĩa vụ của Trung Quốc hầu như không được trả lương. Họ được nuôi ăn, ở, nhưng không cần phải đãi ngộ tốt như những người theo nghiệp nhà binh với đầy đủ các tiện nghi hiện đại…
Le Point : Phải chăng Quân đội Giải phóng Nhân dân đã đạt được một trình độ công nghệ có thể tương đương với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ ?
Benjamin Lai : Trên phương diện công nghệ thì Không. Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ rất xa, cho dù là quân đội nước này càng ngày càng khá hơn. Quân đội Trung Quốc có cùng cấp độ hoặc tiến bộ hơn một chút trong một số lĩnh vực, rất hạn chế. Trong lễ diễu binh ngày 01/10/2019, người ta đã có thể nhìn thấy chiếc máy bay siêu thanh DF-ZF, một tên lửa hành trình siêu thanh rất tiên tiến, có lẽ là hiện đại hơn cả tên lửa của Hoa Kỳ. Trung Quốc còn nghiên cứu chế tạo cả railgun – một loại đại pháo điện từ và có thể là đang dẫn trước trong việc phát triển loại vũ khí này.
Nhưng quân đội Trung Quốc đặc biệt yếu về công nghệ tầu ngầm và chống tầu ngầm, cũng như là trong việc sản xuất động cơ hàng không. Hệ quả là, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không đủ mạnh. Quân đội Trung Quốc cũng yếu về hàng không mẫu hạm. Nước này chỉ có hai chiếc. Đúng hơn là một chiếc rưỡi vì Trung Quốc chỉ mới đang học cách sử dụng. Năng lực triển khai quân xa của Trung Quốc vẫn còn thấp. Các lực lượng của Trung Quốc chưa thể đi quá xa ngoài lãnh thổ. Dù là họ đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Hồi tháng 4/2020, Trung Quốc đã cho hạ thủy một tầu tấn công đổ bộ mới, Type 75, một bãi đáp đổ bộ cho trực thăng. Họ cũng đã nâng cấp chiếc máy bay vận tải hạng nặng, Y-20, chiếc đầu tiên thuộc loại này của Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ thống công nghiệp – quân sự của Trung Quốc có một lợi thế so với phương Tây, đó là tất cả các linh kiện mà họ sử dụng đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Le Point : Về mặt luyện tập, quân đội Trung Quốc liệu có cùng trình độ với phương Tây ?
Benjamin Lai : Liên quan đến chương trình luyện tập, Trung Quốc có một vấn đề, đó là từ năm 1980, họ không có tham chiến vào một cuộc chiến nào. Trong khi đó người Mỹ không ngừng chiến đấu kể từ năm 1945. Giờ bay của phi công Trung Quốc ít hơn phi công Mỹ. Và các tướng lĩnh Trung Quốc ít sáng tạo hơn trong các cuộc luyện tập, thường hay theo sát một kế hoạch đã được lập trước. Nhưng điều này đang có những thay đổi nhanh chóng. Năm 2012, Trung Quốc cho thiết lập lực lượng đối kháng riêng của mình, phỏng theo mô hình Opfor của Mỹ, một đơn vị chuyên đóng vai kẻ thù trong các cuộc luyện tập.
Quân đội Trung Quốc đã xây một căn cứ rất lớn dành cho luyện tập quân sự tại vùng Nội Mông, trại Chu Nhật Hòa (Zhu Ri He), rộng hơn 1.000 km2. Trung Quốc giờ cũng chuyển sang luyện tập theo kiểu phương Tây, tức là không luyện tập theo một chương trình định sẵn từ trước mà sử dụng trí não là chính. Trong một bộ phim tài liệu mới đây về Opfor Trung Quốc, viên chỉ huy của lực lượng này giải thích rằng trong số 7 đợt luyện tập, ông ta đánh bại những kẻ tấn công Trung Quốc đến 6 lần. Điều này cho thấy là quân đội Trung Quốc vẫn chưa mấy đổi mới trong các phương thức chiến đấu.
Le Point : Ngân sách của APL cho năm 2020 dự kiến tăng 6,6% dù là kinh tế trì trệ. Tại sao ? Phải chăng là Trung Quốc đang chuẩn bị bị tấn công như một số truyền thông phương Tây khẳng định khi trích dẫn một báo cáo bí mật của hội đồng tham vấn CICIR ?
Benjamin Lai : Tôi không mấy tin vào những thông tin rò rỉ giả mạo đó. Ở Trung Quốc, loại thông tin như vậy không được tiết lộ ra ngoài. Tốt hơn hết nên nhớ rằng kể từ năm 1949, Trung Quốc chưa bao giờ được yên tĩnh cả. Lúc nào cũng có những mối đe dọa, tranh chấp với Liên Xô, xung đột với Đài Loan và Hoa Kỳ đứng ở phía sau, và thậm chí là các cuộc chiến tranh biên giới, tại Triều Tiên và ở Việt Nam… Chính vì lý do này mà Trung Quốc chú trọng đến chính sách phòng thủ. Bây giờ thì tranh chấp biên giới đã được giải quyết với Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, quốc gia còn lại mà Trung Quốc có tranh cãi biên giới là Ấn Độ.
Nhưng trong năm 2020 này, mối đe dọa không còn đến từ một cuộc xâm lược trên bộ nữa. Điều đó sẽ chẳng xảy ra. Các cuộc tấn công ngày nay là kinh tế và chính trị, đặc biệt là những « cuộc cách mạng màu », những cuộc nổi dậy được nước ngoài ủng hộ nhằm dẫn đến việc thay đổi chế độ như tại Libya chẳng hạn. Cuối cùng, việc tăng ngân sách quân sự thêm 6,6% cho năm 2020 trên thực tế là một sự suy giảm so với mức tăng 7,5% năm 2019. Kể từ những năm 1980, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tương đối ổn định tỷ lệ theo GDP, dưới 2% GDP. Đơn giản là vì kinh tế Trung Quốc đã tăng rất nhiều. 2% của một chiếc bánh lớn là rất nhiều tiền.
Le Point : Liệu có những lý do nội bộ nào cản trở việc giảm ngân sách hay không ?
Benjamin Lai : Quân đội Trung Quốc không nắm, không điều khiển được chính phủ cũng như đảng Cộng sản. Cho dù quân đội Trung Quốc có một tầm ảnh hưởng lớn trong đảng, nhưng đảng Cộng sảng kiểm soát quân đội chứ không phải ngược lại. Các tướng lĩnh thực ra không có quyền lực ở mức có thể nói với Tập Cận Bình phải làm gì !
Le Point : Để phát triển, đâu là những ưu tiên của APL hiện nay ?
Benjamin Lai : Kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, đã có những thay đổi lớn trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông ấy tấn công nạn tham nhũng. Điều này có thể thấy rõ trong giai đoạn 2014 – 2016, ít thấy hơn trong 2019 – 2020. Giang Trạch Dân đã bổ nhiệm những tay chân thân tín để lãnh đạo quân đội và ông ấy vẫn còn kiểm soát Trung Quốc trong hậu trường khi Hồ Cẩm Đào là chủ tịch nước. Giang Trạch Dân vẫn là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương trong suốt bốn năm đầu Hồ Cẩm Đào đứng đầu Nhà nước. Trong suốt những năm đó, ông ta đã đặt bạn bè của ông ta vào những vị trí chủ chốt trong quân đội. Điều này đã làm cho quân đội trở nên bị tham nhũng nặng, một số người còn mua cả chức vụ và bậc hàm. Nhiều sĩ quan điều hành đơn vị của họ như là những tiểu vương quốc của cá nhân. Một số người vẫn giữ nhà công vụ, trị giá đôi khi hàng triệu đồng sau khi rời khỏi vị trí. Số khác thì lén lút cho người ngoài thuê tài sản của quân đội, để xây nhà ở, khách sạn hay điểm kinh doanh, như ở đây Thượng Hải chẳng hạn, các bãi đỗ xe của các viện quân y từ lâu trở thành các cửa hiệu.
Tôi cũng không nói là APL giờ hoàn toàn không còn nạn tham nhũng nữa, nhưng tệ nạn này kể từ giờ có quy mô nhỏ hơn. Thật sự là rất khác so với cách nay 5 năm theo như những mối quen biết của tôi trong quân đội và ngành công nghiệp quân sự cho biết. Không còn những bữa dạ tiệc, không còn rượu cognac trong các bữa ăn của các sĩ quan ! Tập Cận Bình đã sa thải những ai không tuân thủ ông ấy và những kẻ tham nhũng, đồng thời nắm lại quyền kiểm soát quân đội, cho phép ông khởi động một chương trình cải cách trong Quân Ủy Trung Ương, và bốn bộ chỉ huy của ông ta, chính trị, hậu cần, vũ khí và nhân sự. Ông ta đã giảm số quân khu từ 7 xuống còn 5. Tập Cận Bình còn thành lập một nhánh mới của quân đội : Lực lượng hỗ trợ chiến lược, có khả năng tiến hành chiến tranh mạng. Hải quân đóng nhiều tàu chiến mới. Không quân cũng đang chuyển các chiến đấu cơ từ hệ thứ 4 sang thứ 5.
Nhưng vì quân đội Trung Quốc rất lớn, mọi sự thay đổi trang thiết bị đòi hỏi nhiều thời gian. Họ vẫn còn cho bay các chiếc J-7 đời cũ, tương đương với loại Mig-21 cũ, các loại chiến đấu cơ thời Chiến Tranh Lạnh, và họ còn sử dụng các chiếc xe tăng đời thứ nhất, T-59, một bản sao của xe tăng Liên Xô T-54, có từ năm 1954 ! Hơn nữa, những loại vũ khí mới đắt hơn rất nhiều : Chiếc T-59 giá chỉ vừa 30.000 đô la, xe tăng đời mới T-99MBT giá hơn hai triệu đô la/chiếc. Tiền lương cho lính đã được cải thiện, các doanh trại cũng vậy, và giờ có thể tiếp đón các gia đình binh sĩ. Sau cùng, APL bắt đầu mở cửa cho phép các công ty tư nhân cung cấp hậu cần như SF Express chẳng hạn.
Le Point : Những vụ va chạm ở biên giới gần đây với Ấn Độ trên dãy Himalaya được nói đến như thế nào tại Trung Quốc ?
Benjamin Lai : Trên các kênh truyền thông có rất ít giải thích. Nhìn từ góc độ lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ công nhận đường kiểm soát thực sự, nơi mà quân đội hai bên dừng lại vào cuối cuộc chiến năm 1962, và Ấn Độ xem như là biên giới của họ. Tại sao ư ? Bởi vì trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ ký kết chấp nhận đường ranh giới Mac Mahon, được thỏa thuận vào năm 1914 giữa Anh Quốc và người Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc không công nhận Tây Tạng như là một đất nước tự do. Một chính quyền địa phương không có thẩm quyền ký kết các thỏa thuận. Bây giờ Ấn Độ tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào lằn ranh này. Chúng ta đang trở lại với vấn đề của thế kỷ XIX.
Le Point : Phải chăng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mạnh hơn quân đội Ấn Độ như một số nhà bình luận có nói đến ?
Benjamin Lai : Trung Quốc vượt trội trên phương diện vũ khí, nhưng chủ yếu là có lợi thế địa hình chiến lược. Đầu tiên, Tây Tạng nằm ở phía trên cao, Ấn Độ thì ở phía dưới. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tốt hơn rất nhiều, như tàu hỏa, đường bộ, viễn thông… Trung Quốc có thể vận chuyển quân và tiếp tế cho họ nhanh hơn rất nhiều. Ấn Độ cố gắng bù đắp điều này bằng cách trang bị các chiếc máy bay vận tải của Mỹ như chiếc C-17 Globemaster. Nhưng quân đội Ấn Độ cũng bị bất lợi do thiếu sự phối hợp tập trung. Các lực lượng vũ trang của Ấn Độ có đến 17 loại súng khác nhau, được mua từ Mỹ, Úc, Israel… Làm đau đầu ban quân nhu ! Tiểu liên INSAS do Ấn Độ chế tạo chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt, và cảnh sát Ấn Độ lại rất ưng loại AK-47. Dẫu sao thì Ấn Độ cũng có một lợi thế đáng kể, đó là các đội quân sơn cước của họ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, chống quân đội Pakistan trên cao nguyên. Ấn Độ có thể lấy lại thế thắng đó nhưng dường như vẫn chưa làm được điều đó.
Le Point : Ông Kiều Lương (Qiao Liang), một chiến lược gia Trung Quốc gần đây có đánh giá rằng tiến hành xâm lược Đài Loan có lẽ sẽ « trả giá đắt ». Tại sao ông ấy nói như thế ? Có phải là vì sẽ phải đối đầu với một liên minh phương Tây ? Hay bởi vì APL không có khả năng tiến hành một chiến dịch đổ bộ như thế mà không bị tổn thất nặng nề ?
Benjamin Lai : Ông Kiều Lương là giáo sư tại Học Viện Quân Sự và là tác giả thuộc APL. Những gì ông ấy nói không phải là đúng. Hơn nữa, đó cũng không phải là lập trường chính thức của APL, cũng như là của Tập Cận Bình. Dù sao, như cuộc xâm lược Irak của Hoa Kỳ đã minh chứng rõ, vấn đề không phải là thắng trận, mà là có được hòa bình. APL có lẽ sẽ chẳng gặp vấn đề gì khi đè bẹp quân đội Đài Loan. Nhưng người dân Đài Loan sẽ có phản ứng ra sao nếu như nhà cửa của họ bị phá hủy và nếu như họ bị mất người thân ?
Trung Quốc muốn sáp nhập Đài Loan trở về với mẫu quốc, nhưng lựa chọn quân sự không là một giải pháp. Tốt hơn hết là nên dùng đòn kinh tế và chính trị, với một chút xíu dọa nạt quân sự. Một cuộc phục kích nhỏ là rất có khả năng. Tàu chiến Đài Loan rất có thể sẽ bị phá hủy. Các hòn đảo đối diện với Hạ Môn (Xiamen) như đảo Kim Môn (Jinmen) rất có thể sẽ bị xâm chiếm hoàn toàn để cho thấy rõ là Trung Quốc có thể nghiền nát Đài Loan một cách dễ dàng. Nhưng người ta sẽ không được thấy một cuộc đổ bộ hùng hậu như D-Day tại vùng Normandie của Pháp. Người ta nghĩ nếu như vậy thì giống cách nay 70 năm, họ đã xem quá nhiều phim chiến tranh.
Cuối cùng, tôi không nghĩ rằng quân đội Trung Quốc khiếp hãi trước những tổn thất đáng kể. Trung Quốc không là một nền dân chủ phương Tây. Những người đang điều hành Trung Quốc chẳng phải được bầu lên mỗi bốn năm. Họ không lo lắng cho những tổn thất đó. Năm 1979, Trung Quốc mất rất nhiều binh sĩ trong cuộc chiến chống Việt Nam. Nhưng điều đó không quan trọng đối với Trung Quốc, bởi vì nước này đã đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Mục tiêu khi ấy là không còn tranh chấp biên giới với Việt Nam nữa, để khởi xướng kế hoạch mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Việt Nam trở thành một vấn đề (đối với Trung Quốc) vì lúc đó, Việt Nam nghĩ rằng sẽ có được sự ủng hộ của người anh cả Liên Xô. Nhưng Liên Xô đã không đến hỗ trợ như là Hoa Kỳ từng đến cứu Israel năm 1973. Việt Nam hiểu ra rằng nếu cuộc chiến kéo dài, họ sẽ thua. Về mặt chiến thuật, Trung Quốc thua nhưng nước này lại thắng cuộc tranh luận chiến lược.
Le Point : Những lực lượng nào của quân đội Trung Quốc hiện diện tại vùng Biển Đông ?
Benjamin Lai : Những hòn đảo ở Biển Đông rất là nhỏ, diện tích chỉ bằng một hay hai sân đá bóng. Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đó chỉ để hỗ trợ hậu cần, để cho tàu bè và phi cơ được tiếp liệu. Các lực lượng chính nằm ở đảo Hải Nam, gắn liền với lục địa. Căn cứ quân sự chính là căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin). Chắc chắn đó là nơi neo đậu các tầu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Trên các đảo đá ở Biển Đông chỉ là những tiền đồn mà thôi !
Le Point : Một ngày nào đó, phải chăng hải quân Trung Quốc rất có thể sẽ thống trị hải quân Mỹ như một số người tin như thế ?
Đây là một câu hỏi khó. Nếu đối đầu xảy ra gần bờ biển Trung Quốc, hải quân của APL có lợi thế. Lực lượng này sẽ được bảo vệ bởi một dàn tên lửa rất hiệu quả đặt trên đất liền. Nhưng ở xa Trung Quốc thì hải quân nước này bị mất lợi thế đó. Hơn nữa, các tầu chiến của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp liệu nếu đi quá xa Trung Quốc. Chính vì điều này mà Bắc Kinh quyết định mở một căn cứ quân sự tại Djibouti. Trong 20 năm nữa, Trung Quốc có thể sẽ có khả năng điều tầu chiến đi xa hơn. Nhưng Trung Quốc không có lợi lộc gì tại Địa Trung Hải, như là ở Ấn Độ Dương, bờ đông Châu Phi và tại Đông Nam Á.
Benjamin Lai
Việt Nam : điểm ưa thích xuất khẩu chiến tranh của Trung Quốc ?
Nguyễn Hiền, VNTB, 17/05/2019
Nếu một tình huống khu vực buộc sử dụng vũ lực, thì Việt Nam sẽ là sự khởi động ưa thích của Bắc Kinh", bởi vì nó sẽ mang lại kinh nghiệm thực chiến cần thiết cho quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực không quân và hải quân, mà không có sự đe dọa (vũ lực ?) của Mỹ.
Lính Hải Quân Trung Quốc tuần tra trên đảo Trường Sa, 09/02/2019. Ảnh : China Stringer Network/Reuters
Nếu lấy mốc năm 1979 là thời điểm cuối mà cả Việt Nam và Trung Quốc giao tranh quân sự quy mô, thì sau gần 1/2 thế kỷ, quân đội 2 quốc gia chưa một lần thực chiến.
Vào đầu tháng 1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Quân uỷ trung ương (bộ máy lãnh đạo quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc) đã yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến tranh, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với những rủi ro và thách thức chưa từng có.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình khiến không ít người nghĩ đến các quốc gia có khả năng xung đột, như Ấn Độ, Đài Loan, và Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang trong giai đoạn cao trào, khi Mỹ đã tăng 200 tỷ USD thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và dự tính "khẩn trương áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc" (tức 500 tỷ USD). Cuộc chiến này có khả năng làm suy yếu nền kinh tế của Trung Quốc, một quốc gia xuất siêu, nhưng trên hết, yếu tố này cũng làm suy giảm địa vị chính trị của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, một người đang độc tài hóa nhằm hoàn tất "Chiến lược Made in China 2025" của mình.
Sự suy yếu địa vị chính trị của một "Chủ tịch không nhiệm kỳ" qua "Chiến lược Made in China 2025" có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách "xuất khẩu chiến tranh". Và nguy cơ Việt Nam có một xung đột với Trung Quốc đến mức phải đặt ra câu hỏi "liệu có ngồi đây bàn Đại hội Đảng được không" là có thật.
Mới đây, Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND, từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương tại Lầu năm góc trong một bài viết trên The Diplomat ngày 13.5 đã cho hay [1], Việt Nam có thể là "điểm khởi động ưa thích" của quân đội Trung Quốc.
Tại sao là Việt Nam chứ không phải Ấn Độ hay là Đài Loan ?
Giải thích về điều này, Derek Grossman cho rằng, có ba lý do để Việt Nam trở thành mục tiêu "thực chiến" của Trung Quốc.
Một là, quân đội Trung Quốc phải chuẩn bị chiến tranh trong lĩnh vực không quân – hải quân. Với Ấn Độ, chiến đấu ở vùng đất liền hay dãy núi Himalaya thực sự không không tốt chút nào cho đội quân đến từ Bắc Kinh, trong khi đó, các yêu sách chủ quyền đan xen giữa Trung Quốc với Việt Nam ở vùng Biển Đông và sự xung đột liên tục giữa hai quốc gia cho phép Bắc Kinh lên một kế hoạch, tạm gọi chiếm giữ đảo và phòng thủ (điều này từng diễn ra tại đá Gạc Ma năm 1988).
Thứ hai, quân đội Trung Quốc sẽ thích một cuộc chiến mà Mỹ hạn chế nhúng tay vào, bởi tương quan lực lượng giữa Trung – Mỹ chưa ngang bằng nhau, và rất khó để Bắc Kinh xử lý yếu tố chiến tranh – xung đột với Washington. Tại khu vực Á Châu, Úc, Nhật, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan nằm trong trục liên minh an ninh với Mỹ. Với riêng Đài Loan, thì mới đây, Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã loại bỏ tính mơ hồ trong cam kết bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của quân đội Trung Quốc. Và không giống các quốc gia nêu trên, Hà Nội không "mong đợi nhận được hỗ trợ quân sự từ Washington", bởi vì chính sách quốc phòng "không liên minh" đã ngăn Hà Nội "mong đợi" như vậy. Và do đó, Bắc Kinh có lẽ cảm thấy tương đối tin tưởng rằng sự can thiệp của Mỹ ít có khả năng xảy ra trong trường hợp của Việt Nam hơn so với các đồng minh khác được đề cập trên hoặc với hòn đảo Đài Loan.
Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ thích một cuộc xung đột có thể thắng được. Quân đội Trung Quốc bộc lộ nhiều yếu kém trong cuộc chiến 1979, nhưng lần này sẽ không như vậy, ít nhất Bắc Kinh đang có "lợi thế quân sự áp đảo ở Biển Đông".Tiến trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam những năm gần đây mang tính chất "tự vệ" là chính, nếu Trung Quốc quyết định tiến hành một cuộc chiến thực sự, thì Việt Nam không có khả năng duy trì các "hoạt động ngang tầm với Trung Quốc" do thiếu hụt về năng lực, và nhân lực. Ngoài ra, trong lĩnh vực quan trọng của học thuyết quân sự, Việt Nam chưa bao giờ thực chiến trong lĩnh vực không quân và hải quân.
"Bắc Kinh không tìm kiếm một cuộc chiến tranh", Derek Grossman nhận định. Bởi theo ông, "chiến tranh có thể làm gián đoạn nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và có thể làm tổn hại thêm uy tín và mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh với Mỹ". Nhưng, "nếu một tình huống khu vực buộc sử dụng vũ lực, thì Việt Nam sẽ là sự khởi động ưa thích của Bắc Kinh", bởi vì nó sẽ mang lại kinh nghiệm thực chiến cần thiết cho quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực không quân và hải quân, mà không có sự đe dọa (vũ lực ?) của Mỹ.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 17/05/2019
Chú thích :
[1] https://thediplomat.com/2019/05/vietnam-is-the-chinese-militarys-preferred-warm-up-fight/
********************
Chuyên gia Mỹ : Việt Nam là đối thủ lý tưởng để Trung Quốc "luyện binh"
Trọng Nghĩa, RFA, 16/05/2019
Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ muốn dùng sức mạnh để đánh chiếm Đài Loan, và nếu cần, đánh bật Mỹ và các đồng minh đến cứu viện. Bên cạnh đó, Quân Đội Trung Quốc đang ráo riết rèn luyện để trở thành một đạo quân có "đẳng cấp thế giới", tức là ngang hàng với Quân Đội Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rất cần kinh nghiệm thực chiến. Việt Nam, nước sau cùng đánh bại Trung Quốc vào năm 1979, đã trở thành nước mà Bắc Kinh nhòm ngó trong tư cách là đối thủ thực thụ trên chiến trường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (áo xanh lục ở giữa) chụp ảnh chung với các binh sĩ trên khu trục hạm Trường Sa (Changsha), Biển Đông, ngày 12/04/2018 Reuters
Trong một bài phân tích đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 14/05/2019, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng kỳ cựu tại trung tâm Mỹ Rand Corporation, nguyên là cố vấn cho trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương, đã giả định rằng : "Đến một lúc nào đó, Quân Đội Trung Quốc sẽ cần phải kiểm tra (trên chiến trường) năng lực mới của họ - và Việt Nam hoàn toàn có thể bị coi là đối thủ được ưa thích".
Bài viết mang tựa đề rất khiêu khích "Việt Nam là nước được Quân Đội Trung Quốc ưa thích trong một trận đánh mang tính chất khởi động – Vietnam is the Chinese military’s preferred warm-up fight", chuyên gia Mỹ đã nêu bật ba lý do khiến cho Quân Đội Trung Quốc sẵn sàng đánh Việt Nam để gọi là "luyện binh", chuẩn bị cho cuộc chiến chống Mỹ.
Theo ông Grossman - trong một bài điều trần ngày 07/02/2019 trước Ủy Ban Kiểm Tra Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Hoa Kỳ, Dennis Blasko, một nhà phân tích kỳ cựu về Quân Đội Trung Quốc đã nhận định rằng lực lượng này hiện đang phải chịu sức ép lớn là phải tăng cường năng lực chiến đấu thông qua các kịch bản huấn luyện chiến đấu thực tế.
Quân Đội Trung Quốc cần có kinh nghiệm thực chiến
Khi chỉ thị cho Quân Đội là phải rèn luyện để trở thành một đạo quân có "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ đã nghĩ đến sự kiện là cuộc chiến lớn sau cùng mà Trung Quốc đã tham gia là cuộc chiến tranh năm 1979 ở vùng biên giới phía bắc Việt Nam, mà Trung Quốc đã thua một cách đáng xấu hổ.
Tuy nhiên, cuộc chiến năm 1979 lại liên quan chủ yếu đến lực lượng bộ binh, chứ không phải là một cuộc chiến mà Bắc Kinh dự trù phải đối mặt hiện nay, dù là để chống lại Đài Loan hay một đối thủ khu vực khác ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, với tất cả hầu như chỉ liên quan tới không quân và hải quân. Do đó, kinh nghiệm chiến tranh lớn cuối cùng của Bắc Kinh gần như không thể áp dụng được. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng và đáng báo động đối với Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc.
Trong tình hình đó, Quân Đội Trung Quốc đã phải nỗ lực tập luyện, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ cần phải kiểm tra hiệu quả của các năng lực mới tiếp thu, và rất có thể họ sẽ muốn chiến đấu với Việt Nam một lần nữa, như là một bài tập khởi động cho các trận chiến lớn hơn, nhưng lần này là ở Biển Đông. Theo ông Grossman, có ít nhất ba lý do khiến cho Việt Nam biến thành điểm nhắm của ý đồ nói trên của Quân Đội Trung Quốc.
Lý do thứ nhất : Chiến trường Việt Nam và Biển Đông thuận lợi cho không và hải quân
Lý do đầu tiên là Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong lĩnh vực không quân và hải quân.
Nói cách khác, chiến đấu với Ấn Độ ở vùng biên giới trên bộ, trên vùng đồi núi cao của dãy Himalaya, không có lợi chút nào cho Quân Đội Trung Quốc. Một cuộc chiến khác trên Bán Đảo Triều Tiên có thể mang đến một số cơ hội, nhưng vẫn tương đối hạn chế và cá biệt.
Ngược lại, các yêu sách chủ quyền chồng chéo của Trung Quốc với Việt Nam ở Biển Đông và sự xích mích liên tục giữa hai bên đã cung cấp cho Quân Đội Trung Quốc một kịch bản có sẵn để tiến hành các hoạt động chiếm giữ và phòng thủ hải đảo, cùng với các chiến dịch có phối hợp trên biển chống lại một đối thủ khu vực.
Theo Grossman, Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1988 đã từng có một cuộc giao tranh ngắn ngủi tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), với hệ quả là Bắc Kinh chiếm cứ các thực thể trước đó do Việt Nam kiểm soát. Tuy nhiên, trận đánh đó khác xa với kiểu xung đột mà Quân Đội Trung Quốc cần tiến hành để kiểm tra năng lực thực hiện và duy trì các chiến dịch quân sự có phối hợp.
Gần đây hơn, vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã xung đột với nhau quanh giàn khoan HD-981 mà Bắc Kinh mang vào vùng thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù xung đột chỉ diễn ra giữa các lực lượng tuần duyên và tàu cá, nhưng một số lượng hạn chế tàu Hải Quân Trung Quốc cũng đã túc trực gần đó, dự phòng trường hợp leo thang. Lần đụng độ tới đây có thể rất khác.
Lý do thứ hai : Tránh được việc lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến
Lý do thứ hai, theo chuyên gia Grossman, là Quân Đội Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ thích lao vào một cuộc chiến không có khả năng lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc.
Do việc Quân Đội Trung Quốc vẫn chưa trở thành đạo quân đẳng cấp thế giới, nên rất hợp lý khi cho rằng Trung Quốc ngay lúc này, chưa sẵn sàng xử lý một kịch bản có Mỹ (cho dù dĩ nhiên họ sẽ chiến đấu, nếu bị bắt buộc). Điều đó có nghĩa là nếu chiến đấu với các nước có hiệp ước an ninh với Mỹ như Úc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, có rất nhiều nguy cơ là Trung Quốc phải chạm trán Mỹ, điều mà Bắc Kinh không mong muốn.
Trong số các quốc gia vừa kể, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Philippines, những tranh chấp có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Tuy nhiên, trong trường hợp Nhật Bản, Washington năm 2014 đã nói rõ là việc bảo vệ quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị Trung Quốc tranh chấp ở Biển Hoa Đông, nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Tương tự như vậy, vào tháng 3 năm 2019, Hoa Kỳ nhắc lại rằng một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang hoặc tàu thuyền nhà nước của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương Mỹ-Phi. Cho dù cam kết của Hoa Kỳ dường như không nhất thiết bao hàm việc Trung Quốc xâm lược các hòn đảo đang tranh chấp ở Trường Sa, như đảo Thị Tứ, tuy nhiên, điều đó chứng tỏ Washington cũng chú ý đến việc bảo vệ Manila trong khu vực.
Đáng chú ý là sự kiện Washington không có liên minh an ninh chính thức với Đài Loan, một nguy cơ cho đảo này. Điều đó tuy nhiên chỉ đúng trong một chừng mực nào đó, vì Luật Quan Hệ với Đài Loan của Mỹ buộc Washington phải bảo vệ Đài Bắc chống lại sự xâm lược của quân đội Trung Quốc, kể cả khi hai bên không có liên minh quân sự chính thức.
Không giống như các đồng minh của Mỹ trong lãnh vực an ninh, cũng như trường hợp đặc biệt của Đài Loan, Việt Nam sẽ không được Washington hỗ trợ về quân sự.
Chẳng hạn, trong vụ giàn khoan HD-981 tháng 5 năm 2014, Mỹ chỉ ra tuyên bố quy trách nhiệm cho Trung Quốc và kêu gọi cả hai bên duy trì hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây, với một tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 - lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Việt Nam.
Dù sao thì chính sách quốc phòng "ba không" của Việt Nam nghiêm cấm các liên minh về an ninh, quân sự, khiến Hà Nội khó có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc thông qua một tuyên bố chính thức với Washington. Do đó, Bắc Kinh có lẽ đã cảm thấy tương đối yên tâm, vì sự can thiệp của Hoa Kỳ ít có khả năng xảy ra trong trường hợp của Việt Nam.
Lý do thứ ba : Việt Nam có thể bị đánh thắng dễ dàng
Lý do thứ ba và cuối cùng theo chuyên gia Mỹ, là Quân Đội Trung Quốc có lẽ sẽ thích một cuộc chiến tranh mà họ có thể chiến thắng.
Mặc dù đây là một điều hiển nhiên, nhưng lý do này đặc biệt quan trọng do việc Quân Đội Trung Quốc cảm thấy bối rối sau khi bị thua trong cuộc xung đột biên giới năm 1979 chống lại Việt Nam. Cái may mắn cho Quân Đội Trung Quốc vào lúc này là họ sẽ có lợi thế quân sự áp đảo ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Grossman, việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam trong những năm gần đây đã hướng đến việc bảo vệ lãnh thổ, và nếu cần thiết, mở một cuộc tấn công bất ngờ và ngoạn mục vào các vị trí của Quân Đội Trung Quốc để buộc Bắc Kinh xuống thang chiến tranh. Nhưng nếu Trung Quốc vượt qua được chiến lược đánh "chảy máu mũi" này, thì Việt Nam không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc, do thiếu người và phương tiện.
Ngoài ra, trong lĩnh vực quan trọng là học thuyết quân sự, Việt Nam chưa bao giờ thực sư chiến đấu trong các lĩnh vực không quân và hải quân (mặc dù cũng phải thừa nhận là Quân Đội Trung Quốc cũng vậy). Điểm đó làm dấy lên hoài nghi lớn về khả năng Hà Nội có thể tiến hành chiến dịch hợp đồng binh chủng từ đầu. Thay vào đó, Việt Nam có thể sẽ tập trung hơn vào việc chống lại các lực lượng dân quân và cảnh sát biển Trung Quốc trong những cái gọi là "vùng xám", vì đây là kịch bản khả thi nhất trong tương lai.
Dù sao thì việc Việt Nam chỉ là một cường quốc bậc trung, nên dễ bị đánh bại, có thể giúp Tập Cận Bình cải thiện năng lực của Quân Đội Trung Quốc.
Cần theo dõi quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tại Biển Đông
Trong phần kết luận, chuyên gia Derek Grossman công nhận rằng các lập luận ông đưa ra mang tính chất cố tình khiêu khích, nhưng dựa trên những sự kiện thực tế và lý luận có cơ sở.
Đối với ông Grossman, Quân Đội Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh có lẽ không tìm kiếm một cuộc chiến với Việt Nam, vì chiến tranh có thể làm gián đoạn nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và có thể làm tổn hại thêm đến uy tín và mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh với Hoa Kỳ.
Nhưng nếu một tình huống khu vực dẫn đến việc phải sử dụng vũ lực, thì Việt Nam sẽ là địa bàn "khởi động" ưa thích của Quân Đội Trung Quốc, vừa mang lại kinh nghiệm chiến đấu rất cần thiết cho trong các lĩnh vực không quân và hải quân, vừa không sợ bị Mỹ can thiệp, vừa dễ dàng mang lại chiến thắng cho Trung Quốc.
Không có đối thủ nào ngoài Việt Nam có thể mang lại cho Quân Đội Trung Quốc các điều kiện thuận lợi như vậy. Do đó, chúng ta cần phải chú ý hơn trong thời gian tới đây về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam ở Biển Đông.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 16/05/2019