Tập đoàn quân sự Thái Lan ra dự luật an ninh mạng (RFI, 21/11/2018)
Tập đoàn quân sự cầm quyền Thái Lan hôm nay 21/11/2018 đã công bố dự luật về an ninh mạng. Tuy bị các tổ chức phi chính phủ chỉ trích là bóp nghẹt tự do, dự luật này có thể được thông qua trước các cuộc bầu cử đầu năm 2019.
Thái Lan ra dự luật an ninh mạng để kiểm soát chặt hơn internet (Ảnh minh họa). Reuters/Athit Perawongmetha
Theo dự luật an ninh mạng, một cơ quan chính phủ có quyền hành hết sức rộng rãi sẽ được lập ra để giám sát internet. Ủy ban này có thể buộc các cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân cung cấp những thông tin, ra lệnh xóa các nội dung, thậm chí tịch thu đĩa cứng nếu có nghi ngờ hay trong trường hợp khẩn cấp, mà không cần có lệnh của tòa án.
Chủ tịch ủy ban là lãnh đạo tập đoàn quân sự, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha. Nhân vật số hai trong chính phủ, bộ trưởng Quốc Phòng Prawit Wongsuwan, cũng nằm trong ủy ban này.
Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số Pichet Durongkaveroj tuyên bố : "Mỗi nước đều cần thiết lập một hệ thống luật pháp có thể bảo vệ mình. Mỗi lãnh vực kinh tế đều có nguy cơ bị tấn công tin học". Tại một diễn đàn ở Bangkok, ông Pichet mời các tổ chức phi chính phủ, giới đại học, doanh nghiệp nước ngoài có ý kiến để đạo luật được "quân bình" hơn.
Dự luật an ninh mạng "đang trong quá trình hoàn tất" và có thể được thông qua trước cuộc bầu cử Quốc hội - lần đầu tiên được tổ chức kể từ sau vụ đảo chính năm 2014.
Dự luật này bị chỉ trích rất nhiều tại Thái Lan, kể cả trong bộ máy tư pháp. Sriamporn Saligupta, thẩm phán tòa phúc thẩm Bangkok, tuyên bố : "Luật này bất chấp các quyền và tự do của người dân". Theo ông, các công ty ngoại quốc cũng có thể ngần ngại khi muốn làm ăn tại Thái Lan, vì lo ngại các giao dịch tài chính và dữ liệu thương mại bị giám sát.
Đây là sự kiện mới nhất trong xu hướng gần đây tại nhiều nước Châu Á : ra luật để kiểm soát internet. Việt Nam đã thông qua một luật an ninh mạng khắt khe, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng, buộc các trang web trong vòng không đầy 24 giờ phải xóa tất cả các bình luận bị cho là đe dọa "an ninh quốc gia".
Thụy My
****************
Trung Quốc gia tăng tấn công tin tặc trước cuộc họp Trump-Tập (VOA, 21/11/2018)
Một báo cáo của chính phủ Mỹ tố cáo Trung Quốc đã tăng cường tấn công tin tặc nhằm đánh cắp công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ trước cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại một hội thảo thương mại Mỹ - Trung.
Hãng tin AP trích dẫn một báo cáo của Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer công bố hôm 21/11, cho biết các nỗ lực tấn công của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ đã "tăng tần suất và ngày càng tinh vi hơn" trong năm nay.
Khi được hỏi phản ứng về báo cáo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc là "cùng có lợi" và "đương nhiên là có những mâu thuẫn thương mại".
Ông Cảnh nói : "Điều quan trọng là phải tham gia đối thoại và tham vấn về vấn đề dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, và tin tưởng lẫn nhau".
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận để chuẩn bị cho cuộc họp Trump-Tập và các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã gửi các đề xuất bằng văn bản, nhưng không công bố chi tiết.
"Trung Quốc về cơ bản không thay đổi" chính sách công nghệ của mình" và hình như đã tăng cường các hành động phi pháp", báo cáo của ông Lighthizer viết.
Báo cáo cho biết các cuộc tấn công có thể xuất phát từ "các thực thể Trung Quốc được nhà nước bảo trợ", nhắm vào các công ty điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác, đã tăng từ giữa năm 2017.
Trong đợt tấn công đó phải kể đến sự "tăng vọt"của các hoạt động tin tặc nhắm vào các nhà chế tạo sản xuất Mỹ trong thời gian 3 tháng, kết thúc vào tháng 9 – mà theo ông Lighthizer là "một hình thức tấn công thường được gắn liền với hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc".
********************
Con trai Hun Sen : ASEAN có thể phải chọn Mỹ hay Trung Quốc (RFI, 21/11/2018)
Một lúc nào đó, các quốc gia Đông nam Á buộc phải chọn một phe : Mỹ hay Trung Quốc. Trên đây là tuyên bố của ông Hun Many, con trai của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen khi bình luận về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, trong bài diễn văn đọc tại Bangkok ngày 21/11/2018.
Hun Many, con trai của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen - Ảnh minh họa
Hiếm khi phát biểu ở nước ngoài, dân biểu Cam Bốt Hun Many, con trai của thủ tướng Hun Sen, vừa đưa ra một lời tuyên bố có thể gây chia rẽ lâu dài trong hiệp hội ASEAN, trong bối cảnh chính quyền Phnom Penh ngày càng ngả theo lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông, cũng như mở rộng cửa cho đầu tư Trung Quốc.
"Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lan ra khắp nơi. Áp lực này chắc chắn sẽ làm cho một cá nhân thành viên ASEAN hoặc toàn bộ ASEAN phải chọn một phe". Nhưng khi được hỏi Cam Bốt sẽ chọn phe nào, Hun Many, được đào tạo tại Úc, từ chối trả lời trực tiếp mà cho rằng "những người có liên can có bổn phận chọn thái độ một cách có trách nhiệm".
Hồi đầu tuần, thủ tướng Hun Sen đã tìm cách đánh tan các mối lo ngại về tin Cam Bốt cho phép Trung Quốc lập căn cứ hải quân ở bờ biển tây nam xứ chùa Tháp, nhìn ra vịnh Thái Lan.
Giới quan sát Tây phương không loại trừ khả năng Hun Many sẽ lên kế nhiệm cha. Các con trai của ông Hun Sen đều tốt nghiệp những đại học danh tiếng Tây phương. Nhưng khác với các anh đều ở trong quân đội, Hun Many tiến thân bằng con đường chính trị.
Tú Anh
ASEAN dự định bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông (RFI, 07/11/2018)
Theo tin từ đài truyền hình Nhật Bản NHK ngày hôm qua, 06/11/2018, lãnh đạo 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dự định tuyên bố quan ngại trước các hoạt động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông. Ý kiến này được ghi trong một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, sẽ mở ra từ ngày 13/11 tới đây tại Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và đồng nhiệm Thái Lan Chan-O-Cha tại thượng đỉnh EU-ASEM ở Bruxelles ngày 19/10/2018. Olivier Hoslet/Pool via Reuters
Theo NHK, dự thảo bản tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, sẽ ghi nhận "một số quan ngại" về những hoạt động cải tạo đảo đá và các hoạt động khác ở Biển Đông. Theo khối ASEAN, thì các hành vi đó đã "làm xói mòn lòng tin, có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực", tuyên bố chung viết.
Hãng NHK nhắc lại : Khi Philippines tổ chức Thượng Đỉnh ASEAN vào năm ngoái, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không bao gồm từ ngữ "quan ngại" vì nước chủ nhà, đồng thời là chủ tịch luân phiên khối Đông Nam Á muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, với sự kiện Singapore là chủ tịch ASEAN năm nay, từ ngữ này được sử dụng trở lại để phản ánh quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế của Singapore.
Dự thảo dĩ nhiên cũng hoan nghênh tiến bộ trong việc đàm phán nhằm sớm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông.
Xin nhắc lại là ngoài hội nghị thượng đỉnh của riêng ASEAN, tại Singapore sẽ có một loạt cuộc họp với các đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, và các nước khác trong khu vực.
Trọng Nghĩa
******************
Biển Đông : Nhật Bản-Malaysia tăng cường hợp tác an ninh hàng hải (RFI, 07/11/2018)
Sau cuộc hội đàm lần thứ nhất vào tháng Sáu, thủ tướng Malaysia đã gặp gỡ với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2018. Tài chính và an ninh hàng hải là hai chủ đề được lãnh đạo Nhật Bản và Malaysia nhấn mạnh.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại Tokyo ngày 06/11/2018. Reuters/Issei Kato
Theo đài truyền hình NHK, thủ tướng Shinzo Abe và đồng nhiệm Mahathir Mohamad nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải tại vùng Biển Đông, bảo vệ các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong buổi họp báo chung, ông Abe phát biểu muốn thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản sẵn sàng giúp Malaysia xây dựng lại hệ thống tài chính. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tiếp tục kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn trị giá 200 tỉ yen thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Theo South China Morning Post, nhân dịp này, thủ tướng Malaysia được tặng Huân chương Đồng hoa (Grand Cordon of the Order of the Paulownia Flowers) để ghi nhận sự đóng góp của ông Mahathir trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ông là nhà lãnh đạo Châu Á thứ ba được nhận huân chương này sau cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Tuy nhiên, báo mạng Hồng Kông cho rằng đây là hành động để thu hút thêm một đồng minh mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Thu Hằng
Trong xu hướng các nhà sản xuất thế giới đang dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, và Việt Nam được lợi thế là "cửa ngõ" của khối ASEAN, thị trường lao động Việt trong tương lai sẽ thế nào trong bối cảnh như thế ?
Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Truyền thông trong nước, vào đầu tháng 7 vừa qua, dẫn lời của Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Mekong Economics, ông Adam McCarty cho biết các công ty nước ngoài chuyển khỏi Trung Quốc đang đẩy nhanh xu hướng đến mở nhà máy ở các nước Đông Nam Á, để tránh chi phí tăng trong bối cảnh xung đột thương mại Trung-Mỹ. Chuyên gia kinh tế Adam McCarty cho biết thêm nhiều công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, và Trung Quốc đang đổ tới Việt Nam.
Việt Nam được xem như là "cửa ngõ" của khu vực Đông Nam Á thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất trên toàn cầu, vì Ngân hàng Thế giới-World Bank dự đoán Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, duy trì ở mức 6,5% trong giai đoạn 2018-2020 và Việt Nam còn có sức hấp dẫn ở các yếu tố về tiền lương lao động rẻ cùng chi phí đất đai và thuế quan ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES), vào đầu tháng 10 năm 2017, phổ biến thông tin Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với lực lượng lao động trẻ và dồi dào, trong giai đoạn 2005-2015 có tốc độ tăng bình quân 2,11%/năm, gấp hai lần tốc độ tăng dân số và có lợi thế khá lớn so với các nước trong khối ASEAN, như Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Qua cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào đầu tháng 7, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Văn Đại nhấn mạnh cho dù các nước lớn có tiến hành cuộc chiến thương mại nhắm vào nhau, thì quá trình sản xuất sản phẩm vẫn cần khâu gia công ở nơi có lợi thế về lao động như Việt Nam.
Tờ manufacturingglobal.com, hồi trung tuần tháng 5, dẫn nguồn từ một khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ gia công ở Trung Quốc hiện tại chiếm từ 30 đến 50%, Việt Nam đứng thứ nhì với tỉ lệ từ 11 đến 30% và tỉ lệ còn lại từ các quốc gia khác.
Theo Quartz, một tạp chí chuyên về kinh tế toàn cầu, ghi nhận Việt Nam đang dần trở thành nơi sản xuất chính của hai tập đoàn Adidas và Nike kể từ năm 2010.
Vào trung tuần tháng 8, Reuters cho biết Samsung Electronics đã dần đóng cửa kinh doanh tại Hoa Lục và Việt Nam là một trong những thị trường mà Tập đoàn điện tử hàng đầu của Hàn Quốc này tăng cường đầu tư trong hai năm qua.
Lên tiếng với RFA về viễn cảnh thị trường lao động tại Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với những thông tin vừa nêu, mặc dù công ăn việc làm có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhưng chủ yếu chỉ là lao động gia công nên lực lượng lao động Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức.
Đồng quan điểm với nhận định trên của các chuyên gia kinh tế, đại diện của Tổ chức công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt, ông Đoàn Huy Chương nêu lên nhận xét của ông về những khó khăn trước mắt :
"Hiện nay Luật Lao động tại Việt Nam đã sửa đổi là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, thì khi công nhân bị những bệnh này bệnh kia có thể sẽ bị công ty sa thải bất cứ lúc nào. Cho nên, tôi chưa thấy có một điểm sáng nào cho công nhân Việt Nam hết, mà thực chất hiện nay công nhân Việt Nam vẫn đang chịu sự bóc lột".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có gần 300 cuộc biểu tình của công nhân nổ ra tại Việt Nam trong năm 2016 và con số này tăng lên khoảng 314 cuộc biểu tình trong năm 2017. Phần đông các công nhân tại Việt Nam, mà chúng tôi tiếp xúc, cho biết họ đình công để phản đối chính sách của công ty, như công nhân không đủ sức làm việc vì bị ép tăng sản lượng, không được nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương không được cải cách phù hợp… Những công nhân này nói rằng thông thường Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp mỗi khi xảy ra xung đột, không bảo vệ công nhân, và thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức biểu tình.
Gần 4000 công nhân Công ty Yamani Dynasty đình công từ ngày 21 đến ngày 26/03/2018, tại Nam Định. Courtesy : Liên đoàn Lao động Việt Tự do
Vào ngày 26 tháng 3 năm 2018, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói với báo giới quốc nội rằng về cơ bản Công đoàn Việt Nam vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ quan điểm chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị, cơ chế không cho phép Công đoàn Việt Nam hoạt động tự do như các nước tư bản phương Tây, do đó công nhân nên hiểu rõ và chấp nhận.
Một vài chuyên gia kinh tế mà Đài RFA trao đổi, như Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhấn mạnh Việt Nam sẽ không hưởng được lợi nhiều qua chính sách thu hút đầu tư nước ngoài bằng lao động gia công giá rẻ, như qua trường hợp của Tập đoàn Samsung Electronics Vietnam, vì không thu được bao nhiêu thuế từ lợi nhuận khổng lồ của tập đoàn này, và thậm chí trong bối cảnh Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, thì Việt Nam còn phải đối mặt với những hậu quả khó lường khi các công ty từ Hoa Lục đưa vào trong nước những công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sinh thái và tác hại đến sức khỏe của dân chúng tại Việt Nam.
Trong khi đó, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Chính phủ Hà Nội cần cân nhắc kỹ lưỡng để tìm biện pháp thu hút đầu tư lâu dài và bền vững cho thị trường lao động tại Việt Nam, mà theo đề nghị của ông là :
"Tôi nghĩ Việt Nam nên nhìn xuống cái gốc của kinh tế xã hội là giáo dục đào tạo để nâng cao tay nghề và năng suất dù việc ấy sẽ mất chục năm. Với tay nghề cao hơn thì nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những khu vực có trình độ công nghệ hiện đại hơn. Nghĩa là nên nhìn từ viễn ảnh của 10 năm tới về đến hiện tại".
Đây cũng là một biện pháp quan trọng mà Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) đề ra, bên cạnh yếu tố quan trọng không kém là nội lực hóa, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực hội nhập quốc tế.
Thành viên của Tổ chức công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt, ông Đoàn Huy Chương khẳng định với RFA rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng cho phép công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp, theo các điều khoản ràng buộc qua những hiệp định thương mại ký kết với nước ngoài, thì thị trường lao động ở Việt Nam mới được đảm bảo phát triển đúng hướng :
"Nếu như muốn cơ cấu lại lao động Việt Nam, trước tiên là phải đào tạo cho công nhân Việt Nam có tay nghề nhất định, chớ không phải nhận vô làm những công việc gia công, rồi muốn sa thải họ lúc nào thì sa thải. Muốn thực hiện như vậy thì phải có các công đoàn độc lập giám sát, chứ không phải để Công đoàn Nhà nước muốn làm gì thì làm và cuối cùng người lao động cũng tiếp tục bị bốc lột mà thôi".
*********************
'Tôi hụt hẫng khi mất đi đứa con tinh thần' (BBC, 21/08/2018)
Một nhà văn người Việt từ Warsaw nói với BBC về kinh nghiệm bản thân khi ông một lần vì 'bị khóa trang Facebook' cá nhân, một kênh mà ông dùng để sáng tác và giao lưu.
Ông Trần Quốc Quân (ngồi) giao lưu với bạn đọc trong dịp ra mắt tiểu thuyết 'Tuyết Hoang'
Tác giả của các tác phẩm tiểu thuyết 'Tuyết Hoang' và 'Bóng Làng', nhà văn Trần Quốc Quân giải thích vì sao việc trang Faebook cá nhân của ông bị khóa gần đây là một 'cơn sốc lớn' đối với ông.
"Việc Facebook của tôi bỗng dưng bị khóa làm cho tôi rất sốc, bởi vì có Facebook thì mới có bộ hồi ký 'Em ơi Ba Lan', có bộ hồi ký này thì mới có những tác phẩm như là 'Tuyết Hoang', 'Bóng Làng'.
"Facebook là một phương tiện, cầu nối giữa tôi và bạn đọc, giữa tôi và giới hâm mộ các tác phẩm của tôi. Thế mà nay tôi không còn cầu nối ấy nữa", nhà văn chia sẻ với BBC Tiếng Việt.
Người đồng thời cũng là một doanh nhân và một nhà báo với 30 năm sinh sống và làm việc ở Ba Lan nói thêm với BBC về điều mà ông gọi là một 'tổn thương tinh thần' :
"Việc Facebook bị đóng là cái khiến tôi bị tổn thương tinh thần rất lớn.
"Tôi cũng không biết lý do vì sao Facebook của tôi bị đóng, bởi các nội dung trong Facebook của tôi không vi phạm gì so với quy định của Facebook về hình ảnh, về lời văn, cũng như là các vùng cấm khác của Facebook.
"Tôi muốn Facebook trả lời cho tôi lý do vì sao Facebook của tôi bị đóng và tôi mong rằng trong thời gian ngắn tôi sẽ lấy lại được tài sản vô hình này của tôi".
Khởi đầu cầm bút viết văn
Nhà văn Trần Quốc Quân (trái) giao lưu với nhà báo, tác giả Huy Đức trong dịp ra mắt tác phẩm.
Nhà văn Trần Quốc Quân nhân dịp này chia sẻ với BBC về tác phẩm 'Tuyết Hoang' mà ông sáng tác, bắt đầu từ cội nguồn của tên tác phẩm.
"Tôi viết tiểu thuyết này trong bối cảnh lịch sử của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan từ những năm 1988, là năm tôi đặt chân đến cho đến năm 1998, tức là mười năm, vừa là trước và sau Ba Lan chuyển đổi thể chế.
"Vào thời điểm ấy Ba Lan, không những xã hội nước này, mà cả cộng đồng người Việt Nam chưa có những bộ luật chặt chẽ khi chuyển sang thể chế mới, cho nên nó mang tính hoang dã.
"Cái từ 'hoang' ở đây chính là 'hoang dã', 'hoang dại', chưa có luật định gì cả mà sống theo bản năng, còn 'tuyết' thì nó mang một hình ảnh đặc trưng về vùng Đông Âu, Liên Xô và Ba Lan nói riêng. Tuyết Hoang có nghĩa là sự hoang dại trong một vùng tuyết. Đấy chính là tên mà tôi đặt cho cuốn tiểu thuyết của tôi".
Chia sẻ về khởi đầu của việc đến với viết văn, nhà văn, nhà báo, doanh nhân Trần Quốc Quân, người hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn AACC Đầu tư Trung tâm Thương mại ở Thủ đô Warsaw, nói :
"Đầu tiên là chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc tôi viết văn, khởi sự là tôi cùng với nhà báo Lê Xuân Lâm và một số người khác lập ra tờ báo 'Quê Việt', tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan từ những năm 1999. Tức là cũng gần 20 năm rồi.
"Trong thời gian tôi làm báo, viết báo, tôi viết một bộ hồi ký 'Em ơi Ba Lan' gồm 14 phần, chủ yếu để mua vui cho anh em trên Facebook thôi, thế nhưng có một số nhà xuất bản tiếp cận và đề nghị xuất bản.
"Có một số người, trong đó có nhà báo Nguyễn Giang của BBC, anh khuyên là đừng xuất bản dưới dạng Hồi ký, đó là một tư liệu rất quý, nếu xuất bản dưới dạng thô như thế này thì không khác gì là khai thác quặng lên mà chưa tinh chế đã xuất khẩu.
"Cho nên bây giờ thổi hồn nó, nâng giá trị nó lên bằng văn học, thì tôi nghe anh Nguyễn Giang và một số bạn bè báo chí nữa, là tôi chưa đồng ý xuất bản hồi ký 'Em ơi Ba Lan', mà tôi chuyển thể thành 'Tuyết Hoang' với 24 tháng cặm cụi viết, gần như là đều đặn các ngày, mỗi ngày năm tiếng. Tôi toàn viết vào ban đêm, ban ngày tôi vẫn phải duy trì doanh nghiệp của mình".
'Không bỏ một đồng xuất bản'
Là một doanh nhân có tác phẩm, nhưng tác giả Trần Quốc Quân cho hay ông không bỏ ra một đồng nào để tự xuất bản tiểu thuyết của mình.
Tác giả Trần Quốc Quân (ngồi) giao lưu với bạn đọc ở Ba Lan.
"Nhiều người cứ nghĩ rằng tôi là doanh nhân là bỏ tiền ra để mua danh, bỏ tiền ra để xuất bản sách, nhưng thực sự ra không phải. Cho đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền ra để xuất bản sách cả.
"Mà tôi viết xong thì có Nhà Xuất bản Trẻ đọc và đề nghị ký hợp đồng ngay, tôi chưa bằng lòng và tôi sửa lại trong vòng một năm trời sau đấy, bản thảo được Nhà Xuất bản Trẻ ký hợp đồng, trả tiền bản quyền cho tôi theo giá bán trên bìa.
"Hợp đồng ấy được nhà xuất bản phát hành ở Việt Nam và trong những tháng đầu tiên sau khi phát hành, nó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam. Tháng 7/2014, tức là sau khi cuốn sách này được Nhà Xuất bản Trẻ phát hành tại Việt Nam thì VTV đã chọn "Tuyết Hoang" là sự kiện văn học của tháng đó".
Vừa làm ăn kinh doanh, vừa viết lách văn chương, về hai hoạt động và hai loại hình tư duy song hành này khi sáng tác, nhà văn Trần Quốc Quân nói :
"Phải nói là rất hiếm việc trong một con người vừa có chất doanh nghiệp mà lại có chất nhà văn, ít người có thể dung hòa hai cái đó, nhưng phải nói tôi đã làm được điều ấy, mà tôi lại không nghĩ rằng mình từng làm và đang làm được điều ấy.
"Thực ra về mặt bản chất, tư duy một doanh nhân rất khác tư duy của một nhà văn, thế nhưng tôi gần như hòa đồng được điều ấy trong một con người của tôi, nên nhiều người ngạc nhiên. Rất nhiều người ngạc nhiên là làm doanh nghiệp thì không thể là nhà văn và làm nhà văn thì không thể là doanh nhân.
"Tất nhiên là ở trong cuộc sống là có, nhưng mà hiếm, thực ra việc tôi viết được văn khi mà đang làm doanh nghiệp, thì khi doanh nghiệp đã ổn định rồi, chứ còn nếu tôi còn đang bươn chải, hàng ngày vật lộn với đồng tiền, thì nói thật chẳng có tâm lý đâu để mà viết cả".
'Càng lao vào càng đắm say'
Nhà văn Trần Quốc Quân xuất hiện trên truyền hình ở Việt Nam sau khi ra mắt tiểu thuyết 'Bóng Làng'
Cho rằng mình may mắn khi không phải viết văn để kiếm sống, nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân nói tiếp :
"Doanh nghiệp của tôi ổn định 15 năm nay rồi, nên buổi tối thường tôi không phải suy nghĩ gì về chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Cuộc đời tôi, tôi công nhận là có nhiều may mắn, từ lúc sinh ra t lúc bây giờ, tôi tương đối mãn nguyện với sự thành công của mình, chỉ có một chút những cuộc thăng trầm mà trong doanh nghiệp hầu như ai cũng phải trải qua, thì tôi cũng phải trải qua, nhưng rất là nhanh thôi.
"Cuộc sống mưu sinh của tôi sớm ổn định và tôi không phải lo gì về cơm áo gạo tiền nữa, thì tâm trí mới có thể dồn để viết văn. Viết văn tôi không bao giờ coi như là một nghề kiếm sống cả, mà cái nghiệp thì cũng không phải, đầu tiên là thú vui, là 'hobby', sau đó càng lao vào nó thì càng đắm say với nó và đến bây giờ không dứt ra được.
"Sau cuốn 'Tuyết Hoang' này, tôi có một cuốn gọi là tiểu thuyết nữa cũng được, nhưng mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là 'Liên hoàn truyện', vì nó là chín chương mà lại có liên hệ với nhau, nhưng mỗi chương như là một câu chuyện, nhưng được liên kết với nhau bằng những nhân vật, sự kiện ở trong ấy.
"Thì đấy là cuốn tiểu thuyết thứ hai, cuốn "Bóng Làng", cũng do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản tại Việt Nam.
Về trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản trong quá trình biên tập cuốn sách trước khi cho tác phẩm ra mắt bạn đọc, về khía cạnh được cho là có sự 'kiểm duyệt' hay 'tự kiểm duyệt' nào đó hay không nếu có, ông Trần Quốc Quân nói :
"Đấy là suy nghĩ của tôi khi quyết định đưa cuốn tiểu thuyết "Tuyết Hoang" này cho Nhà Xuất bản Trẻ và đến tận bây giờ tôi vẫn không biết cơ chế về kiểm duyệt ở Việt Nam như thế nào, do Cục Xuất bản Bộ Văn hóa kiểm duyệt, rồi cho phép in hay là tự Ban Biên tập của Nhà Xuất bản Trẻ phải chịu trách nhiệm về các vấn đề nhạy cảm về quan điểm, tư tưởng, cái đấy thực sự đến bây giờ tôi không biết.
"Nhưng mà trong quá trình biên tập giữa tác giả và Nhà Xuất bản thì có những chỗ cần điều chỉnh lại cho phù hợp, thực ra mà nói cũng không nhiều, thực ra tôi viết cũng rất nhẹ nhàng mặc dù tôi là một nhân chứng sống về giai đoạn thay đổi lịch sử ở Ba Lan và Đông Âu cũng như là Liên Xô, nhưng tôi chuyển tải những vấn đề tư tưởng trong cuốn "Tuyết Hoang" rất nhẹ nhàng. Cho nên không có một sự căng thẳng nào giữa tác giả và biên tập của Nhà Xuất bản Trẻ".
'Đứa con tinh thần'
Nhà văn Trần Quốc Quân (phải) chia sẻ về biến cố xảy ra với trang FB cá nhân của ông trong dịp Hè này.
Trở lại với câu chuyện trang Facebook cá nhân bị khóa mà không được báo trước trong dịp hè này, nhà văn Trần Quốc Quân chia sẻ thêm :
"Tôi thực sự choáng, rất ngạc nhiên là không hiểu sao Facebook của mình lại bị khóa, chứ không phải là bị cướp tài khoản, mà đây là [đóng] bởi Facebook. Khi mà tôi mở ra thì có dòng chữ là 'Tài khoản Facebook của bạn đã bị vô hiệu hóa", đúng từng ấy chữ, không có một giải thích nào thêm.
"Và trong hộp thư điện tử gmail của tôi được đăng ký với Facebook cũng không có một thư nào nói lý do tại sao lại đóng Facebook của tôi, thực ra Facebook của tôi đã lập cách đây 9 năm, mà nhờ nó thì mới có các tác phẩm văn học về sau này.
"Bởi vì khi tôi đã tham gia cộng đồng mạng, thì theo động viên của rất nhiều anh chị em bạn bè là 'anh có khả năng viết và anh có trải nghiệm rất nhiều, vốn sống rất nhiều, tại sao anh lại không viết một biên niên sử gì đó về cộng đồng', thì chính từ lời khuyên ấy mà tôi đã viết 14 chương Hồi ký 'Em ơi Ba Lan'.
"Tôi chỉ mua vui cho anh em bạn bè trên Facebook thôi, sau đó như đã nói được sự động viên của bạn bè mới chuyển thành tiểu thuyết, cho nên Facebook là một tài sản vô hình mà mang giá trị vô giá đối với tôi.
"Cho nên việc mà tôi bị khóa Facebook không biết lý do, không biết tương lai của nó thế nào, phải nói là tôi cảm thấy trống rỗng, hoang mang và buồn bã kinh khủng.
"Nó là đứa con tinh thần của tôi và nó là cầu nối của tôi với bạn bè, với độc giả và với những người yêu mến các tiểu thuyết của mình, thế và bỗng dưng tôi bị hụt hẫng, tôi bị mất mối liên kết ấy", nhà văn nói với BBC Tiếng Việt từ trụ sở Tập đoàn Đầu tư Trung tâm Thương mại AACC nơi ông làm việc hàng ngày.
Nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân chia sẻ với BBC câu chuyện mà ông trải nghiệm này vào trung tuần tháng 7/2018, ông cho hay đã sử dụng một tài khoản thay thế, nhưng có lúc tài khoản này cũng bị ảnh hưởng mà không rõ lý do, vẫn theo ông.
Nhà văn cũng cho biết ông là một trong ba vị Chủ tịch đầu tiên của một Câu lạc bộ những người bạn Việt Nam yêu thích Facebook tại thủ đô Warsaw của Ba Lan được thành lập từ nhiều năm trước.
***************
Việt Nam cố chặn lạm phát để đảm bảo tăng trưởng kinh tế (VOA, 20/08/2018)
Các nhà phân tích cho VOA biết Việt Nam đang cố gắng kìm chế lạm phát để tăng trưởng kinh tế không bị ảnh hưởng xấu như đã từng xảy ra cách nay một thập kỷ.
Giao dịch tại một ngân hàng tại Hà Nội.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 4,67% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,29% trong 6 tháng đầu năm 2018. Trước đó Quốc hội Việt Nam đã đặt chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 4%.
Giá các mặt hàng tăng, trong đó có giá dầu thô tăng, là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng, thêm vào đó thuế môi trường đánh trên xăng dầu được đề xuất áp dụng từ tháng 10 cũng góp phần làm tăng lạm phát, trang web VnExpress cho biết.
Đồng nội tệ đang mất giá, tầng lớp trung lưu mở rộng và thị trường tín dụng tăng cũng là các nhân nguyên làm chỉ số giá cả gia tăng.
Ông Maxfield Brown, chuyên gia cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại Thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết : "Tôi nghĩ nhìn chung xu hướng này đang tăng và đó là kết quả của việc tăng chi tiêu của người Việt Nam".
Vào năm 2008, lạm phát tăng hơn 20% đã ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ba năm sau đó. Mục tiêu lạm phát tăng dưới 4% trong năm nay là nhằm ngăn chặn điệp khúc này.
Ông Brown nói : "Chúng ta cần theo dõi chỉ số này. Rõ ràng, nếu điều đó xảy ra, tức là lạm phát tăng cao trở lại, thì đó là một vấn đề. Nhưng hiện tại thì điều đó chưa xảy ra".
Một phân xưởng sản xuất hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, người tiêu dùng nhận thấy giá xăng dầu đang cao hơn khi họ đổ xăng cho xe máy. Bà Phương Hồng, Giám đốc truyền thông của một công ty công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết nhiều người dân cũng nhận thấy rằng giá gạo đã tăng 10% kể từ dịp tết Nguyên Đán và từ đó đến nay không hề giảm.
Bà Hồng cho biết thêm giá điện sinh hoạt mỗi năm cứ tăng lên, trong khi mức tăng tiền lương của người lao động bình thường không đủ để bù đắp cho các khoảng tăng này :
"Thông thường tỷ lệ tăng giá luôn luôn cao hơn nhiều và luôn luôn cao hơn tỷ lệ tăng lương".
Trong năm nay, Việt Nam nâng mức lương tối thiểu lên 6,5% và năm 2019 có kế hoạch tăng thêm 5,3%.
Việt Nam phải đối mặt với áp lực để duy trì chi phí lao động thấp để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một vài công ty lớn của Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP của Việt Nam tăng khoảng 7% sau vài năm gần tăng 6%. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính mức tăng trưởng trong cả năm của Việt Nam là 7,1%.
Báo Nhân Dân cho biết các cơ quan chính phủ "cần giám sát chặt chẽ diễn biến giá", nhất là trong việc chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết, cần kiểm soát giá cả và "đặt ra các biện pháp hợp lý" để ổn định thị trường. Vào tháng trước Quốc hội đã xem xét lại đề xuất thu thuế môi trường.
Các nhà phân tích hy vọng rằng Việt Nam sẽ vượt qua mức tăng giá hiện tại mà không lặp lại mức lạm pháp như 10 năm trước, nhưng cảnh báo rằng việc đồng nội tệ mất giá do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đã ảnh hưởng đến khu vực của Châu Á.
Bà Marie Diron, giám đốc điều hành của công ty tài chính Moody Investors Service tại Singapore cho biết : "Hiện tại, thực sự chúng tôi không nghĩ có áp lực do lạm phát", nhưng bà nói rằng "với sự suy yếu của đồng nội tệ, mức lạm phát có thể sẽ tăng thêm một chút ở Việt Nam và các nước khác".
Ralph Jennings
Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 : Năm điểm thảo luận tại Singapore (RFI, 24/04/2018)
Từ 25 đến 28/04/2018, Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp thượng đỉnh tại Singapore, nước giữ chức chủ tịch luân phiên năm nay. Chủ đề ASEAN 2018 là "Linh hoạt và Sáng tạo" (Resilient and Innovative).
Các lãnh đạo ASEAN trong lễ khai mạc thượng đỉnh lần thứ 30 tại Manila, Philippines, ngày 29/04/2017. Reuters/Mark Crisanto
Theo trang Asean Post ngày 24/04, thượng đỉnh ASEAN năm 2018 được đánh giá là sẽ sôi nổi vì Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính khu vực cũng như trên quy mô thế giới.
Năm chủ đề chính sẽ được thảo luận là căng thẳng tại Biển Đông, thương mại, đô thị thông minh, an ninh quốc phòng và thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên.
Căng thẳng trên Biển Đông được chú ý nhất trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa nhiều thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, nơi nhiều nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc) có tranh chấp chủ quyền. Bên cạnh đó là hoạt động vì tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ thường xuyên tổ chức trong khu vực.
Vẫn theo Asean Post, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, thường giữ im lặng về chủ đề này, có thể sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, nhưng vẫn có các cuộc thảo luận kín.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là chủ đề được đề cập trong cuộc họp. Dù chưa bị tác động, nhưng các nước ASEAN chắc chắn sẽ gặp khó khăn nếu cuộc chiến thương mại trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, lãnh đạo các nước ASEAN cũng sẽ xem xét đổi mới tự do thương mại trong bối cảnh Mỹ duy trì chính sách bảo hộ mậu dịch. Hai chủ đề khác, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cũng sẽ được đề cập.
*********************
Cảnh báo suy thoái đa dạng sinh học ở Châu Á (VOA, 24/04/2018)
"Đa dạng sinh học - khác biệt quan trọng về các dạng đời sống trên Trái đất - tiếp tục suy thoái tại từng khu vực trên thế giới, làm giảm thiểu đáng kể khả năng của thiên nhiên góp phần vào an sinh nhân loại", theo phúc trình mới nhất của Diễn đàn liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái (IPBES).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Washington, ngày 23/04/2018. Reuters/Joshua Roberts
Truyền thống bảo vệ hòa bình, tự do và phồn thịnh xuyên suốt Đại Tây Dương được Bắc Mỹ và Châu Âu duy trì từ hơn 7 thập kỷ qua. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng duy trì cam kết mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Không chỉ dừng ở những thông cáo ngoại giao, chính quyền của tổng thống Trump còn triển khai lực lượng quân sự hùng hậu, gồm hàng trăm tầu chiến, hơn 1.000 máy bay và vài chục nghìn quân nhân Mỹ trong khu vực.
Pháp cũng gắn bó chặt chẽ với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vì có nhiều hải đảo, kiêm nhiệm vụ tiền đồn hải quân và không quân cùng với lực lượng vài nghìn quân nhân bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của Pháp. Ngày 10/03/2018, tổng thống Macron còn khẳng định vai trò cường quốc hải quân Pháp trong vùng khi ký với thủ tướng Ấn Độ Modi một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ Hải Quân của nhau cho đối tác.
Tuy nhiên, theo nhận định trên trang National Interest (24/04/2018) của hai chuyên gia Walter Lohman và Valérie Niquet, cho đến nay, cả Pháp và Mỹ chỉ hành động "độc lập", không đủ vững chắc để đảm bảo ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, dù có sự tham gia của Anh Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hay một số đối tác khác. Vì vậy, Pháp và Mỹ phải cải thiện sự phối hợp chiến lược, cũng như với mạng lưới đối tác và đồng minh vì thiếu phối hợp chiến lược sẽ dẫn đến thiếu niềm tin vào nhau. Để làm được việc này, theo hai chuyên gia trên, tổng thống Trump và tổng thống Macron cần tập trung vào ba ưu tiên chính.
Thứ nhất, cả hai nước phải đưa ra được một thông điệp rõ ràng, kiên định về chính sách đối với Trung Quốc. Châu Âu ghi nhận cam kết mạnh mẽ của Mỹ tại Châu Á, nhưng đôi khi lại không phân biệt được Washington coi Bắc Kinh là thách thức đối với trật tự trong khu vực hay là một đối tác có chung chí hướng. Nội bộ Châu Âu cũng bị chia rẽ về Trung Quốc. Ví dụ mới nhất là về dự án Con đường tơ lụa mới, Paris tỏ ra quan ngại trong khi nhiều nước Châu Âu lại coi đó là cơ hội kinh tế quan trọng.
Thứ hai, phương Tây phải phân biệt rõ hơn giữa bạn và thù. Do quan ngại về kiểu "đơn phương hành động" của chính quyền Trump, nhiều nước Châu Âu đôi khi nhầm lẫn về sự khác biệt thực sự, cơ bản giữa Hoa Kỳ và các chế độ toàn trị, như Trung Quốc chẳng hạn. Phải nhắc lại là các giá trị và thể chế của Mỹ rất vững chắc. Và nếu như các đồng minh phương Tây xem xét kỹ, không thiên vị, về các chính sách và hành động chính thức của chính quyền Trump tại Châu Á, họ sẽ thấy là họ còn thiếu nhiều giá trị liên quan đến họ.
Hoa Kỳ cũng nên hiểu hơn về tác động toàn cầu do chính sách thương mại của họ gây ra. Nếu có vấn đề Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần bàn với các đồng minh về cách xử lý, và không nên đơn phương hành động, tác động đến cả đồng minh và đối tác. Biện pháp mạnh tay này chỉ có lợi cho chính sách gây chia rẽ của Trung Quốc mà thôi.
Cuối cùng, Pháp, Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu khác có cùng quan điểm cần cam kết đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, ở cấp độ cao trong chiến lược vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, bởi vì cho đến nay, tuy các bên vẫn có sự phối hợp đáng kể nhưng ít khi đạt đến phản ứng ở cấp độ chính trị, trừ trường hợp nghiêm trọng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Hoa Kỳ và Châu Âu có chung nhiều lợi ích và cũng chia sẻ nhiều giá trị. Cả hai bên, cũng như vùng Châu Á-Ấn Độ Dương, đều được hưởng lợi nếu cùng khai thác được mối quan hệ một cách chiến lược. Nổi tiếng về tính cách "thực dụng" và suy nghĩ "không theo khuôn khổ", tổng thống Trump và tổng thống Macron có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ-Pháp theo đúng hướng.
Thu Hằng
*******************
G7 : Đoàn kết chống Nga, cứng rắn với Bắc Triều Tiên, chia rẽ về Iran (RFI, 23/04/2018)
Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng ngày 22/04/2018 tại Toronto, các cường quốc thuộc khối G7 đã tỏ ra đoàn kết để đương đầu với Nga. Tuy nhiên, nếu như thái độ cứng rắn trước Bắc Triều Tiên được ngoại trưởng bảy nước nhất trí, hồ sơ hạt nhân Iran vẫn gây chia rẽ các thành viên trong ngày làm việc 23/04.
Ngoại trưởng Canada Freeland (g) và các đồng nhiệm trong nhóm G7 tại Toronto (Ontario, Canada) ngày 22/04/2018. Reuters/Fred Thornhill
Phát biểu với báo giới, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết : "Có sự đoàn kết trong khối G7 nhằm phản đối thái độ tai hại của Nga". Ngoài ra, ngoại trưởng các nước cũng liệt kê một số biện pháp "để ngăn chặn các xu hướng tiêu cực của điện Kremlin đang đe dọa đến hòa bình và an ninh". Theo AFP, các cuộc thảo luận cũng đề cập đến việc "củng cố nền dân chủ để chống lại can thiệp từ nước ngoài", ám chỉ đến nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Ngày 22/04, đánh giá về vai trò của Nga khi trả lời đài Fox News từ Paris trước khi lên đường thăm Mỹ, tổng thống Pháp nhận định "không bao giờ được tỏ ra yếu đuối trước tổng thống Putin. Nếu chúng ta yếu đuối, người ta lợi dụng nó để làm suy yếu các nền dân chủ". Đây cũng là quan điểm của ngoại trưởng Pháp Jean- Yves Le Drian tại Toronto, "cần phải cứng rắn" những vẫn tiếp tục tìm cách đối thoại với Moskva.
Bắc Triều Tiên và Iran là hai hồ sơ quốc tế được đưa ra thảo luận nội bộ trong ngày 23/04. Trước hết, các ngoại trưởng G7 sẽ ra thông cáo chung khẳng định không nới lỏng sức ép và trừng phạt quốc tế đối với chế độ Bình Nhưỡng để đạt đến mục tiêu cuối cùng là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được" trên bán đảo Triều Tiên.
Hồ sơ hạt nhân Iran là chủ đề bất đồng giữa Mỹ và 4 nước thành viên Hội Đồng Bảo An cùng với Đức. Ngày 12/05, tổng thống Donald Trump sẽ quyết định duy trì hay từ bỏ thỏa thuận đã ký với Iran vào năm 2015, luôn bị ông đánh giá là quá khoan dung. Nhiều ngoại trưởng đã nỗ lực thuyết phục quyền ngoại trưởng Mỹ John Sullivan để Washington không vứt bỏ thỏa thuận, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho Iran rút khỏi thỏa thuận và điều này sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng".
Thuyết phục tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran là điểm chủ đạo trong chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 23 đến 25/04, vì theo ông Macron, hiện tại "không có phương án B".
Theo điện Kremlin, trong cuộc điện đàm tối 22/04, tổng thống Pháp và đồng nhiệm Nga đã nhất trí là phải duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng cho biết Bắc Kinh và Moskva sẽ ngăn chặn mọi ý đồ "phá hoại" thỏa thuận trên.
Thu Hằng
Mỹ-Philippines : Trump dàn cảnh ''đồng cảm'' với Duterte (RFI, 13/11/2017)
Trong cuộc hội kiến tại Manila, tổng thống Mỹ Donald Trump dàn cảnh thái độ hòa thuận với đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte trước mặt phóng viên quốc tế. Không một vấn đề nào liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền được nêu lên bên cạnh nhà lãnh đạo tự khoe đã từng giết người lúc 16 tuổi.
Tổng thống Mỹ Trump bắt tay tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước buổi khai mạc thượng đỉnh ASEAN, Manila, 13/11/2017. Reuteurs/Mark R. Cristino/Pool
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại làm báo chí thất vọng.
Theo AFP, sáng nay thứ hai 13/11/2017, trước giờ hội kiến song phương tại Manila, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra rất hợp ý và bông đùa thoải mái. Tuy nhiên, cả hai đều rất tiết kiệm lời nói khi được phóng viên đặt câu hỏi nhất là về nhân quyền.
Tổng thống Donald Trump tránh né bằng sự im lặng. Tổng thống Rodrigo Duterte cắt gọn : đây không phải là họp báo mà là hội kiến song phương.
Sau cuộc hội kiến dài 40 phút, phát ngôn viên của tổng thống Philippines cho biết là "hồ sơ nhân quyền không được đề cập đến. Khác với người tiền nhiệm, tổng thống Trump nhấn mạnh ông là bạn của chính quyền Duterte".
Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders bảo đảm là "nhân quyền được đề cập ngắn gọn".
Trước khi tổng thống Trump rời Washington công du Châu Á, cố vấn an ninh H.R McMaster đã giải thích : Tại sao phải to tiếng về vấn đề này ? Kinh nghiệm gần đây cho thấy là không có hiệu quả.
Về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Philippines cũng như ở những chế độ khác, chính quyền Trump cam kết là "không tố cáo công khai", nhưng "không thụ động" và thiên về lối vận động "kín đáo".
Tú Anh
********************
Vị thế Philippines trong chiến lược của Hoa Kỳ (BBC, 13/11/2017)
Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo Châu Á, công bằng mà nói thì chiến lược của Donald Trump là một bí ẩn. Nhưng liệu chìa khóa để hiểu được mục tiêu của Hoa Kỳ ở Châu Á nằm ở quốc đảo được biết đến với tình hình chính trị hỗn loạn - Philippines ?
Ông Trump và ông Duterte tại tiệc chiêu đãi của ASEAN tại Manila tối 12/12/2017
Xin đừng ngạc nhiên !
Rõ ràng là Philipines, như tình trạng của nhiều quốc gia Châu Á hiện nay, từng mắc kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mặc dù chuyến công du của ông Trump chắc chắn là để cố gắng thể hiện cho khu vực này thấy Hoa Kỳ đang quan tâm tới Châu Á ở một mức độ nào đó, rõ ràng tổng thống Mỹ quan tâm sâu sắc hai vấn đề : Bắc Hàn và thương mại. Thành thật mà nói, Bắc Triều Tiên là mối quan tâm cấp bách nhất của ông.
Vậy làm thế nào Philippine đưa ra được những giải pháp mà Donald Trump mong muốn từ Châu Á ? Và Philippin cần gì từ Mỹ để đổi lại ?
Vai trò của lịch sử
Thứ nhất, lịch sử đóng vai trò quan trọng. Ta cần phải biết về quá khứ mới có thể hiểu được hiện tại.
Philippines và Mỹ có mối quan hệ lâu dài và chông gai, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Mỹ-Phi kéo dài ba năm, bắt đầu từ năm 1899. Hgàn người chết ở cả hai phía, nhưng Philippines chịu tổn thất hơn cả.
Quyết định thôn tính Philippines của Hoa Kỳ gây nhiều tranh cãi. Quyết định này được thúc đẩy một phần bởi Kỷ nguyên Đế chế - các quốc gia cắm cờ ở bất cứ vùng đất nào có thể, thực dân hóa các quốc gia khác để biến thành lãnh thổ của riêng mình.
Nhưng nó cũng được thúc đẩy bởi mong muốn của Hoa Kỳ chiếm một vị trí chiến lược trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương - để bảo vệ lục địa Hoa Kỳ khỏi xâm lược, và để bảo vệ nền kinh tế của mình.
Điều này nghe có vẻ quen quen ? Một trăm năm trôi qua với không nhiều thay đổi. Cuối cùng, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, nhưng giữ căn cứ quân sự của mình trong quần đảo, rõ ràng là để theo dõi những gì đang xảy ra ở quốc gia láng giềng.
Sau độc lập, Philippines duy trì quan hệ phập phù với Hoa Kỳ. Các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ những năm 1980 và 1990, cùng với phong trào bài Mỹ và thiên tai năm 1991 buộc Mỹ di dời căn cứ quân sự tới đảo Guam và một số nơi khác.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố và những cuộc nổi dậy của quân Hồi giáo ở miền Nam Philippines và vấn đề Biển Đông đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn - với sự hồi sinh của các căn cứ quân sự tạm thời của Mỹ ở Philippines.
Cán cân quyền lực
Người biểu tình tại Philippines đốt hình nộp ông Duterte và ông Trump hồi đầu tháng 11.
Trung Quốc đã thay đổi chiến lược khi trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Châu Á, bao gồm cả Philippines.
Bắc Kinh cũng đang tiến vào Philippines với cam kết đầu tư trị giá 9 tỷ đô la vào các dự án Một vành đai Một con đường.
Philippines đã có thời gian tích cực chống lại các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, và thậm chí đưa vụ việc ra tòa án quốc tế và giành chiến thắng, nhưng dưới thời tổng thống Duterte, ván bài đã lật ngược, Giáo sư Carl Thayer, giám đốc hãng tư vấn Thayer Consultancy ở Sydney nói.
Ông Thayer nói thêm : "Không ai ngoài Campuchia đi xa như Duterte trong việc xoa dịu Trung Quốc".
Vậy điều đó có nghĩa Hoa Kỳ đã thất trận trong việc gây ảnh hưởng tại Philippines và Châu Á ? Không hoàn toàn, ông Theyer chỉ rõ.
"Mỹ đã giúp Philippines chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Marawi và điều đó đã giữ họ lại trong cuộc chơi này". Ông Thayer cũng viết về việc Tổng thống Duterte đã làm tốt thế nào trong việc khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu nhau - một chiến lược mà nhiều nhà lãnh đạo Châu Á khác cũng có thể sử dụng.
Vấn đề Bắc Triều Tiên
Lệnh trừng phạt gia tăng sau các đe dọa về hạt nhân của Bắc Hàn leo thang
Hãy nhớ lại khi Donald Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ ngừng giao dịch thương mại với bất kỳ quốc gia nào kinh doanh với Bắc Hàn. Thế nhưng vào thời điểm này, đây là một động thái không thực tế - chủ yếu bởi vì nó sẽ khiến Mỹ tổn thương về lâu dài. Nhưng lạ lùng hơn cả là phản ứng của Philippines.
Thương mại giữa Manila và Bắc Hàn tăng tới 170% năm 2016. Khi tin này trở thành tiêu điểm, chính phủ Duterte ngay lập tức có biện pháp khắc phục sự mất cân bằng này bằng cách cắt đứt thương mại với Bắc Hàn.
Tại sao phải vội vã ? Không ai trong số các quốc gia khác vội vàng hành động như thế.
Một lý do là vì Philippines muốn đảm bảo rằng nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt của LHQ, và tiền Bắc Hàn kiếm được trong làm ăn với thương mại Philippine không bị quẳng vào ngành công nghiệp vũ khí.
Nhưng một lý do thực tế khác là Philippines đạt ít nhất 8 tỷ đô la thương mại với Mỹ mỗi năm so với 53 triệu đô la với Bắc Hàn, do đó, quả là sẽ vô cùng rủi ro nếu Philippines không làm những gì mà Hoa Kỳ muốn.
Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe lời kêu gọi cảm xúc gần đây của Tổng thống Duterte về Kim Jong-un của Bắc Hàn : "Nếu ai đó tiếp cận (ông Kim), hãy nói chuyện với ông ấy và nói, "Bạn tôi, tại sao bạn không ngồi xuống cùng tôi và cùng bàn chuyện ?" Không có gì chắc chắn Tổng thống Trump sẽ nhìn sự việc theo cách tương tự.
Điểm chung
Trump và Duterte được cho là có nhiều điểm chung về tính cách
Tuy nhiên có một điều mà Philippines và Mỹ có thể đồng ý với nhau là quan điểm của họ về các vấn đề nhân quyền. Mặc dù chính quyền Obama chỉ trích cuộc chiến tranh chống ma túy của Tổng thống Duterte, nhưng Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tới Philippines vì đó là "một vị trí chiến lược quan trọng" và một quan chức Mỹ nói rằng hai nhà lãnh đạo chia sẻ "mối quan hệ ấm áp".
Họ thường được so sánh với nhau, bởi vì tính cách nổi trội và sự thẳng thắn của họ. Để đổi lấy sự ủng hộ trong vấn đề Bắc Hàn, Tổng thống Trump dường như không nhấn mạnh đến nhân quyền và những vụ giết người phi pháp ở Philippines như người tiền nhiệm của ông - và điều này hoàn toàn phù hợp với Tổng thống Duterte.
Vậy là ta thấy Philippines và Mỹ có quan hệ cộng sinh.
Không chỉ bởi vì hai quốc gia là hai nền dân chủ, là đồng minh trong lịch sử (bất chấp quá khứ chông gai của họ) và hai nhà lãnh đạo của họ chia sẻ những nét tính cách thú vị.
Mà còn bởi vì họ hòa hợp cả về chiến lược và tính cách, và Philippines ngày càng trở thành con át chủ bài cho vị thế của Mỹ ở Châu Á.
Karishma Vaswani
Phóng viên Kinh tế khu vực Châu Á
********************
Philippines : Biểu tình phản đối Donald Trump tại Manila (RFI, 12/11/2017)
Trước khi máy bay của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đáp xuống phi trường quốc tế gần thủ đô Manila, ngày 12/11/2017, cảnh sát chống bạo động Philippines được huy động giữ gìn an ninh trật tự trước tòa đại sứ Mỹ.
Người dân Philippines biểu tình phản đối tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Manila, ngày 12/11/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Hãng tin Anh Reuters tường thuật, một đoàn người biểu tình - thuộc cánh tả, giương cao những biểu ngữ chống Donald Trump và chống "đế quốc Mỹ".
Tuy nhiên, mọi chú đang hướng về đối thoại "nhạy cảm" giữa tổng thống Mỹ và Philippines ngày 13/11, bên lề thượng đỉnh ASEAN. Thông tín viên đài RFI Marianne Dardard từ thủ đô Manila cho biết thêm :
"Trước khi hai nhà lãnh đạo có khuynh hướng mị dân gặp nhau, báo chí Philippines đã tốn nhiều giấy mực về đối thoại này. Donald Trump và Rodrigo Duterte đã trao đổi với nhau lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào hôm qua (11/11), bên lề thượng đỉnh APEC, Việt Nam. Nhiều người chứng kiến sự kiện này cho rằng đó là một cuộc trao đổi "nồng ấm", trước khi nguyên thủ hai nước sẽ có một cuộc hội đàm song phương vào ngày mai (13/11).
Trước đó, cũng tại thượng đỉnh diễn đàn APEC Đà Nẵng, Rodrigo Duterte khoe là ông từng giết người khi tuổi còn niên thiếu, đâm chết một người trong một vụ thanh toán. Không thấy tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng gì về những lời lẽ gây sốc này. Chủ nhân Nhà Trắng cũng im lặng khi ông Duterte dọa cấm nhập cảnh vào Philippines hai dân biểu Mỹ chủ trương chống chính sách bài trừ ma túy tàn khốc của Manila.
Tháng 7/2017, Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức lên án các vụ giết người ngoài vòng xét xử tại Philippines. Riêng ông Donald Trump, trong quá khứ, từng đích thân chúc mừng Rodrigo Duterte về "những nỗ lực không thể ngờ được trong mục tiêu bài trừ ma túy". Trên nguyên tắc, tổng thống Trump sẽ tránh đề cập đến đề tài này trong cuộc trao đổi ngày mai với ông Duterte.
Ngược lại, đôi bên sẽ phải nhắc tới hồ sơ Biển Đông, trong bối cảnh, gần đây tổng thống Duterte giữ khoảng cách với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho dù tới nay, lãnh đạo Philippines từng xem ông Tập là "người bạn tốt nhất" của mình".
Thanh Hà
Singapore lên làm chủ tịch ASEAN : Cơ may cho Biển Đông ? (RFI, 25/10/2017)
Vào lúc nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Philippines sắp chấm dứt, vai trò của Singapore đã bắt đầu thu hút sự chú ý vì là nước sẽ lên đứng đầu Hiệp Hội Đông Nam Á kể từ năm tới 2018. Vào lúc thủ tướng Singapore công du nước Mỹ để củng cố thêm quan hệ quốc phòng song phương vốn đã rất chặt chẽ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore đã đến Philippines dự Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và hôm 24/10/2017 đã tiết lộ một sáng kiến quan trọng liên quan đến Biển Đông : Đó là khả năng tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và toàn khối ASEAN. Theo phía Singapore, nếu được thực hiện, sáng kiến này sẽ cho phép giảm thiểu đáng kể căng thẳng đến từ tranh chấp biển đảo tại vùng Biển Đông giữa 4 nước ASEAN và Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ở Biển Đông. Ảnh 30/09/2017.bReuters/Bobby Yip
Giới quan sát đã ghi nhận tính chất thực tế trong sáng kiến nêu trên, phản ánh một đặc điểm vốn có của Singapore.
Mới đây, trên trang mạng kênh truyền hình Singapore Chanel News Asia, trong một bài ý kiến mang tựa đề "Singapore làm chủ tịch luân phiên ASEAN phải chăng là một cơ may để có tiến bộ thực tế ở Biển Đông ? (Singapore’s chairmanship a chance to make practical progress on South China Sea)", hai chuyên gia Henrick Z Tsjeng và Collin Koh thuộc trường quan hệ quốc tế S Rajaratnam School of International Studies, đã nêu bật một số tiến bộ có thể đạt được - đặc biệt về mặt an ninh - trên hồ sơ Biển Đông khi Singapore lên làm chủ tịch ASEAN vào năm 2018.
Đối với hai chuyên gia Singapore, Châu Á–Thái Bình Dương là một vùng mà các tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết - và không có dấu hiệu sớm có giải pháp – đặc biệt tại Biển Đông - là những lò lửa chiến tranh.
Mọi người đã thở phào nhẹ nhõm sau khi Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận vào tháng trước về một cái khung cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông (Framework on the Code of Conduct).
Singapore, quốc gia nói ít làm nhiều
Theo hai chuyên gia Singapore, việc đạt được Thỏa Thuận về Bộ Khung Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông là một tiến bộ đáng ghi nhận, và với việc ghế chủ tịch ASEAN sắp chuyển từ Philippines sang Singapore, có thể chờ đợi những bước tiến cụ thể hơn cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Lý do nằm ở hai điểm : Singapore nổi tiếng là một nước làm nhiều hơn là nói, đồng thời lại có vị trí trung lập, không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cho nên có tư thế nhất để thúc đẩy quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Henrick Z Tsjeng và Collin Koh trước hết nhấn mạnh đến các nỗ lực của Singapore trong việc cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa 18 nước trong cơ chế Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng ADMM +, bằng những đề nghị tập trận chung và giao lưu quân sự, qua đó thể hiện bản lĩnh của một quốc gia nhỏ bé nhưng nhạy bén trong vấn đề an ninh khu vực, có những trực giác tốt trong việc định hướng lối tiến tới trong vấn đề an ninh.
Dĩ nhiên là không thể chối bỏ thực tế địa chính trị gay go của tranh chấp lãnh thổ và tiến trình đàm phán lâu dài. Để có được Bộ Quy Tắc Ứng Xử cho Biển Đông, cần có những cuộc thảo luận dài lâu, và cơ chế này sẽ mất nhiều thời gian để hình thành.
Nhưng trong thời gian chờ đợi thì thực tế hiện trường đòi hỏi là những lực lượng trên biển – Hải Quân và Tuần Duyên – phải mau chóng thảo luận về cách đề phòng và giảm thiểu những cuộc chạm trán trong những vùng biển tranh chấp.
Theo hai tác giả, không nên xem nhẹ quan hệ chặt chẽ xây dựng trên nền tảng thói quen hợp tác và sự tin tưởng giữa các lực lượng an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương để bảo đảm sao cho căng thẳng không vượt khỏi tầm kiểm soát, và hiểu lầm ở hiện trường không biến thành vòng xoáy dẫn đến đọ sức bằng vũ khí.
Một trong những sáng kiến theo hướng này Quy Tắc Ứng Xử Khi Đối Đầu Ngoài Ý Muốn Trên Biển (Code for Unplanned Encounters at Sea-CUES), một thỏa thuận mà 21 lực lượng Hải Quân đã ký và đồng ý, xác định những quy tắc ở hiện trường để giải quyết các vụ chạm trán giữa các tàu hải quân.
Nhìn chung thì Hải Quân trong khu vực đều chấp hành tích cực bộ quy tắc này, như Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện. CUES cũng nằm trong chương trình huấn luyện, thao diễn giữa một số nước trong khu vực.
Theo hai chuyên gia, đã đến lúc mở rộng CUES cho những lực lượng khác, bắt đầu bằng lực lượng tuần duyên hay cảnh sát biển, vốn hoạt động ở tuyến đầu tại những điểm nóng ở vùng biển Châu Á Thái Bình Dương, sau đó mở rộng ra cho những cơ quan khác...
Tại Đối Thoại Shangri-La tháng 6/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen đưa ra một loạt đề nghị để tránh những vụ chạm trán trên không giữa các máy bay quân sự ASEAN, theo mô hình những điều từng được Hoa Kỳ và Trung Quốc chấp nhận tháng 9/2015 và ghi trong Biên Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding) về quy tắc ứng xử cho những vụ chạm trán trên không và trên biển.
An toàn cho các tàu ngầm
Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore cũng đã đề nghị mở rộng quy tắc CUES cho các hoạt động dưới mặt nước, dự phòng sự phát triển của hạm đội tàu ngầm : Hải Quân Châu Á -Thái Bình Dương dự kiến sẽ có từ 250 đến 300 tàu ngầm khoảng vào 2030
Trong lãnh vực này, hai tác giả đã ghi nhận một số tiến bộ trong việc tăng cường trao đổi thông tin đề phòng tàu ngầm đụng nhau trong vùng. Hải Quân Singapore chẳng hạn đã tung ra một Cổng Thông Tin về An Toàn cho Tàu Ngầm (Submarine Safety Information Portal ) vào tháng 5 năm nay, giúp nêu bật những rủi ro như lưu thông trên biển hay những chướng ngại vật ở dưới đáy biển.
Vụ đụng tàu gần đây như trường hợp chiếc USS John McCain nêu bật những mối hiểm nguy đến từ lưu thông chằng chịt trên biển trong những tuyến hẹp. Những mối hiểm nguy đối với tàu trên mặt biển này cũng không nên đánh giá thấp đối với tàu ngầm.
Với Singapore, ASEAN đi xa hơn nữa ?
Hai chuyên gia Z Tsjeng và Collin Koh đi đến kết luận : Là nước tiếp nối theo Philippines để lãnh đạo ASEAN, Singapore có nhiều cơ hội trong năm tới đây khi ASEAN và Trung Quốc có vẻ nghiêm túc bước vào thảo luận bộ Quy Tắc Ứng Xử COC.
Trong tư thế chủ tịch ASEAN, Singapore có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho đối thoại giữa ASEAN và các đối tác, như thông qua Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng mở rộng ADMM+, hay Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF, để mở rộng việc áp dụng các quy tắc tránh va chạm, dĩ nhiên trước tiên là trong nội bộ ASEAN và sau đó cho những đối tác bên ngoài khu vực.
Những quy tắc phải mang tính ràng buộc và chỉ riêng việc công bố những quy tắc đó sẽ giúp phát triển cung cách ứng xử tốt trên biển và trên không, dẫn đến những trao đổi tốt và giảm những tính toán sai lệch giữa các lực lượng an ninh trong vùng.
Có làm như thế thì ASEAN mới đóng góp vào hòa bình và ổn định của vùng... ASEAN đã đi qua một cách đáng khen quãng đường 50 năm, nhất là trong hợp tác an ninh. Với Singapore là chủ tịch trong năm tới đây, thì ASEAN còn có khả năng đi xa hơn nữa.
Mai Vân
******************
Donald Trump phá chính sách Đông Nam Á của Barack Obama ? (RFI, 24/10/2017)
Vào lúc tổng thống Mỹ sắp lên đường công du Châu Á với hai điểm hẹn tiêu biểu, hai căn cứ không quân Đà Nẳng và Clark, câu hỏi then chốt được nêu lên là liệu Donald Trump tìm cách phát huy hay sẽ phá bỏ chiến lược Đông Nam Á của người tiền nhiệm ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với các lãnh đạo cao cấp của Quân Đội tại Nhà Trắng (Washington DC), ngày 05/10/2017. Reuters/Yuri Gripas
Trong hai nhiệm kỳ 8 năm kết thúc vào tháng 01/2017, tổng thống Barack Obama để lại những thành tựu quan trọng trong vùng Đông Nam Á và được kính trọng. Ông đặt khu vực này vào trung tâm điểm của chiến lược "xoay trục" quân sự và dự án mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương TPP mà mục đích là đối đầu với thế thượng phong của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.
Thái độ dấn thân của chính quyền Obama đã trấn an được các nước ASEAN.
Trong lãnh vực nhân quyền, với nỗ lực phối hợp trừng phạt và vận động ngoại giao, Washington đã giúp cho Miến Điện thực hiện tiến trình dân chủ hóa.
Giờ đây, ở Washington, chính quyền kế nhiệm đã bước vào tháng thứ 10. Một trong những lo ngại chính đáng của khu vực là liệu tổng thống Donald Trump có tìm cách phá bỏ di sản chiến lược của tổng thống tiền nhiệm hay không ?
Câu hỏi này được nêu lên cùng lúc trên hai nhật báo lớn ở Đông Nam Á : The Bangkok Post của Thái Lan và The Myanmar Times của Miến Điện. Theo tác giả, Kavi Chongkittavorn, câu trả lời là vừa có vừa không.
Có, bởi vì TPP bị Trump xếp lại. Không, bởi vì trên thực tế, cho đến bây giờ, sau mười tháng cầm quyền, không có dấu hiệu chủ nhân Nhà Trắng lạnh nhạt với một thành viên ASEAN.
Sử dụng tài nghệ giao dịch của một doanh nhân, tổng thống Donald Trump tạo được quan hệ tốt với Singapore, Malaysia, Philippines của Duterte, Thái Lan của Chan-O-Cha, Indonesia và Việt Nam. Đây là những quốc gia có vị trí then chốt cho nền an ninh và quyền lợi của Mỹ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Về quân sự, Singapore và Malaysia còn là thành viên trong nhóm "ngũ cường" với Anh, Úc và New Zealand. Bây giờ Washington muốn có thêm hai đối tác chiến lược mới là Việt Nam và Indonesia.
Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ II, vị thế của Mỹ trong khu vực bị Trung Quốc công khai cạnh tranh. Chính quyền Trump ý thức rõ mối nguy này nên cố gắng cân bằng lực lượng. Từ tháng 5/2017, tổng thống Donald Trump tiếp kiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ thủ tướng Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam trong khi phó tổng thống Mike Pence gặp tổng thống Indonesia tại Djakarta. Ngày 23/10, đến lượt thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, lãnh đạo thành viên Đông Nam Á sau cùng kết thúc loạt tiếp xúc của Donald Trump trước khi chủ nhân Nhà Trắng gặp toàn bộ lãnh đạo 10 lãnh đạo ASEAN, nhân Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẳng và sau đó tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Clark, Philippines.
Đối với Philippines, tuy tổng thống Duterte hay "Trump Châu Á" có cường điệu với Mỹ, nhưng quan hệ song phương rất vững chắc, hợp tác quốc phòng được tăng cường trong năm 2018.
Ẩn số còn lại là Việt Nam và Miến Điện. Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng năm tại Nhà Trắng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn tăng cường trao đổi thương mại với Mỹ và trong bản tuyên bố chung, hai bên chống lại mọi hành động "quân sự hóa Biển Đông".
Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, chuyện lý thú là để coi tổng thống Donald Trump xếp Việt Nam vào vị trí nào trong chiến lược toàn diện. Hà Nội đã được chính quyền Obama hủy lệnh cấm vận vũ khí kéo dài suốt 50 năm, nâng Việt Nam lên thành một trong những đối tác chiến lược trong vùng. Riêng đối với Miến Điện, một di sản của Obama vừa bị tấn công : Mỹ ban hành một số biện pháp trừng phạt quân đội Miến Điện, thủ phạm sát hại người Rohingya.
Nhìn chung, vì quyền lợi cốt lõi, Hoa Kỳ tiếp tục xây dựng và củng cố một liên minh trong vùng Đông Nam Á nhưng phải chờ hai cuộc hẹn ở Đà Nẵng và Clark vào đầu tháng 11 để xem tổng thống thứ 45 của Mỹ "tiếp cận" di sản của Barack Obama như thế nào.
Tú Anh
******************
ASEAN : Trung Quốc đề nghị tập trận chung (RFI, 24/10/2017)
Hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) tại căn cứ không quân Clark (Philippines), hôm 24/10/2017, bước sang ngày thứ hai, mở rộng cho các đối tác. Singapore tuyên bố Trung Quốc và ASEAN có thể tập trận chung ở Biển Đông để xây dựng "lòng tin cậy".
Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (g) tham dự Hội Nghị Quốc Phòng của khối ASEAN tại sân bay Clark (tỉnh Pampanga, ở phía bắc Manila, thủ đô Philippines) ngày 24/10/2017. Reuters/Dondi Tawatao
Theo hãng tin Anh Reuters, tại Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng, bộ trưởng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thúc đẩy ASEAN tập trận chung trên biển. Theo lời kể của bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, ông "không nghe một tiếng phản đối nào trong phòng họp" khi phía Trung Quốc đề nghị tập trận chung vào năm 2018 để "tạo sự tin tưởng lẫn nhau" giữa các bên tranh chấp chủ quyền.
Singapore cho biết sẽ tìm cách sắp xếp thảo luận về hậu cần và tìm địa điểm thích hợp.
Trong bản thông cáo chung, hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 11 cam kết "tôn trọng thi hành nghiêm ngặt Tuyên Bố Ứng Xử Ở Biển Đông DOC và nguyên tắc 6 điểm của ASEAN". Hội nghị kêu gọi nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông cho đến nay vẫn mới ở dạng khung.
Tú Anh
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ công du Châu Á (RFA, 23/10/2017)
Vấn đề Bắc Hàn sẽ là chủ đề quan trọng trong lịch trịch chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tới Châu Á tuần này.
Bộ trưởng quốc phòng James Mattis (bên trái) nói chuyện cùng với Bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn Han Min-Koo (bên phải) trước cuộc họp tại Bộ quốc phòng Nam Hàn ở Seoul hôm 3/2/2017. AFP
Nói với báo giới hôm 23/10 trên máy bay tới cuộc họp an ninh với Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN ở Philippines, Bộ trưởng James Mattis cho biết các bên sẽ thảo luận làm thế nào để duy trì hòa bình bằng cách giữ cho quân đội các nước luôn được báo động trong khi các nhà ngoại giao Nhật Bản, Nam Hàn và Mỹ sẽ cùng làm việc với các quốc gia để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tại diễn đàn an ninh khu vực ở Philippines, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có cuộc thảo luận ba bên với các nước Nam Hàn và Nhật Bản là các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, trước khi ông lên đường tới Nam Hàn dự các thảo luận quốc phòng hàng năm.
Trước đó, bản tuyên bố chung của Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN cũng lên án Bắc Hàn về những vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân của nước này, bày tỏ quan ngại trước căng thẳng đang lên tại bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nhân dịp này cũng ca ngợi Philippines về những thắng lợi đã đạt được trong việc chống lại những kẻ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo IS.
Bộ trưởng James Mattis nói một trong những việc đầu tiên ông sẽ làm khi tới Philippines là khen ngợi quân đội Philippines đã giải phóng thành phố Marawi ở miền Nam Philippines khỏi quân khủng bố.
Hồi tuần trước Tổng thống Philippines Rodriggo Duterte tuyên bố quân đội Philippines đã giải phóng thành phố Marawi sau 5 tháng chiến đấu khiến khoảng hơn 1.000 người thiệt mạng.
Những tay súng của quân khủng bố thề trung thành với IS đã chiếm giữ nhiều phần của thành phố Marawi , thủ phủ của người Hồi giáo ở miền Nam Philippines hôm 23/5 nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Cuộc chiến tại thành phố đã có sự trợ giúp về quân sự của Mỹ. Theo quân đội Philippines, cuôc chiến đã làm ít nhất 920 phiến quân và 165 quân chính phủ thiệt mạng. Hơn 400.000 người đã phải rời đi do các vụ không kích hàng ngày vào thành phố và những trận chiến khốc liệt trên bộ.
Mặc dù Tổng thống Philippines đã tuyên bố thành phố được giải phóng nhưng trên thực tế chiến sự vẫn tiếp diễn khiến nhiều người đặt câu hỏi là liệu thành phố có thực sự được giải phóng khỏi những tay súng Hồi giáo.
*********************
Mỹ cam kết duy trì ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á (RFI, 23/10/2017)
Hôm nay 23/10/2017, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á ADMM tại Philippines. Theo Associated Press, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis được kỳ vọng sẽ lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết chống sự bành trướng của Trung Quốc.
(Ảnh minh họa) - Bộ trưởng quốc phòng James Mattis (trái) tại bang Virginia, ngày 20/10/2017. Reuters/Yuri Gripas
Trong một cuộc họp với báo giới tại Philippines, dù không nhắc đích danh Trung Quốc, song tướng Mattis nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa các quốc gia cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mà không phải dựa trên tiềm lực kinh tế hay quy mô quân sự. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng tái khẳng định là Hoa Kỳ vẫn luôn kiên quyết ủng hộ các nước Đông Nam Á trong vấn đề tự do hàng hải, đồng thời, coi sự đoàn kết của của khối ASEAN giống như một thành lũy chống lại tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh.
Đông Nam Á, với vùng Biển Đông giàu tài nguyên và khoáng sản, luôn là nơi mà cả Washington và Bắc Kinh tranh giành tầm ảnh hưởng. Song quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền tổng thống Donald Trump đã làm suy giảm phần nào ảnh hưởng của Washington với vùng biển này. Thêm vào đó, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách đối thoại song phương với từng thành viên ASEAN khiến nội bộ khối này bị chia rẽ. Trong bối cảnh trên, phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có thể được xem như một lời trấn an và cam kết duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Duy Anh
***********************
Đài Loan hướng nam, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc (VOA, 23/10/2017)
Đài Loan đang áp dụng miễn thị thực nhập cảnh và mở các văn phòng đầu tư nước ngoài ở các quốc gia phía nam trong khu vực được xem là những động thái mới nhất đẩy mạnh nỗ lực tái cân bằng quan hệ kinh tế, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia thù nghịch chính trị với Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong một bài diễn văn Quốc khánh : "Mục đích của Chính sách hướng Nam Mới là để chúng ta giữ một vị thế thuận lợi hơn trong cộng đồng quốc tế", ngày 10/10/2017.
Các quan chức ở Đài Loan hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác du lịch, thương mại và giáo dục đại học với 18 quốc gia bao gồm hầu hết các nước Nam và Đông Nam Á, cũng như với Australia và New Zealand. Mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia này sẽ làm giảm vai trò của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan hiện nay, khi hai bên đối mặt với những khác biệt chính trị.
Trong nỗ lực gần đây của Đài Loan, được gọi là Chính sách hướng Nam Mới, bắt đầu thí điểm vào tháng tới cho đến hết tháng 7/2018, các công dân Philippines có thể lưu lại Đài Loan trong 14 ngày mà không cần thị thực. Vào tháng 8/2016, Đài Loan cũng đã tuyên bố miễn thị thực cho công dân Brunei và Thái Lan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong một bài diễn văn Quốc khánh vào đầu tháng này : "Mục đích của Chính sách hướng Nam Mới là để chúng ta giữ một vị thế thuận lợi hơn trong cộng đồng quốc tế".
Bất ổn với Trung Quốc
Bà Thái đã công bố Chính sách hướng Nam Mới sau khi nhậm chức vào tháng 5/2016 để tái cân bằng các mối quan hệ của nền kinh tế trị giá 529 tỷ đôla của Đài Loan.
Theo truyền thống, doanh nhân Đài Loan chọn Trung Quốc để đầu tư vì chi phí tương đối thấp, lực lượng lao động lành nghề và có cùng nền văn hoá. Từ năm 1988 đến năm 2016, theo Hiệp hội các nhà quan sát Mỹ về Quan hệ Đối ngoại, có hơn 93.000 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, bất chấp nền tự trị dân chủ của hòn đảo. Chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã phẫn nộ trước động thái đó của Trung Quốc, và ngừng đối thoại với Bắc Kinh.
Chính sách hướng Nam Mới
Bộ Ngoại giao Đài Loan đã thành lập các văn phòng đầu tư tại Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines để giúp các nhà đầu tư tìm các dự án ở những nước này, dựa trên nhu cầu của từng địa phương.
Chính phủ Đài Loan đang cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn hướng tới thị trường Đông Nam Á, nơi viện trợ từ Đài Bắc sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án lớn khác. Ngoài ra, việc miễn thị thực sẽ tạo điều kiện phát triển ngành du lịch Đài Loan, một lợi thế khác cho nền kinh tế.
Vào năm ngoái, Ủy ban Đầu tư của Đài Loan đã phê duyệt 252 đơn lập dự án ở Trung Quốc, giảm 21,5% so với năm 2015.
Một quan chức kinh tế của Đài Loan cho hay hồi đầu năm rằng Indonesia là một điểm sáng để tìm kiếm các dự án đầu tư mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2010 đến năm 2015, Thái Lan đã chấp thuận 274 đơn xin đầu tư của Đài Loan, trị giá 1,39 tỷ đôla.
Khoảng 3.500 nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam vào đầu năm 2011 do chi phí ở Trung Quốc gia tăng trong khi Việt Nam đang có ưu đãi để thu hút vốn nước ngoài.
Theo ông Liang Kuo-yuan, Chủ tịch Viện nghiên cứu Polaris có trụ sở ở Đài Bắc, việc khởi động lại nhà máy thép Formosa Việt Nam vào tháng 5 có thể thu hút một "cụm" các công ty liên quan đến Đài Loan. Trước đó, nhà máy đã ngừng hoạt động do nghi ngờ thải chất độc ra biển làm chết cá hàng loạt.
Ông Jonathan Ravelas, chiến lược gia thị trường thuộc ngân hàng Banco de Oro UniBank tại Manila nói Philippines cũng đang tích cực tìm kiếm các công ty Đài Loan.
Ông Ravelas nói các công ty điện tử Đài Loan xem Philippines như là một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, trong khi các công ty y tế có thể tìm được các đối tác như các bệnh viện.
Ông Ravelas cho biết : "Chúng tôi biết các doanh nhân từ Đài Loan đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Philippines, vì đó là một thị trường bán lẻ rất lớn".
*********************
Mỹ muốn thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc (RFI, 23/10/2017)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tìm cách thúc đẩy ASEAN đoàn kết thành một khối thống nhất để chống Trung Quốc, nhân hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM plus). Giới chuyên gia đặt câu hỏi làm thế nào hàn gắn được những rạn nứt cho chính Washington tạo ra, trong bối cảnh ASEAN cũng bị chia rẽ trước mối lợi do Bắc Kinh mang đến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Bộ trưởng quốc phòng James Mattis tại Nhà Trắng, Washington, ngày 05/10/2017. Reuters/Yuri Gripas
Tuyên bố với giới báo chí trước khi đến dự hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng tại Philippines, ngoại trưởng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh, ASEAN phải là nơi tập hợp "những quốc gia muốn có các mối quan hệ song phương dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải bằng sức mạnh kinh tế hay quân sự. Hoa Kỳ cam kết ủng hộ hết mình khối ASEAN".
Lời tuyên bố này của ông Jim Mattis nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ đã được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra hôm thứ Tư 14/10/2017, trình bày một tầm nhìn mới về Ấn Độ, xem quốc gia đông dân và dân chủ này có thể là một đối trọng với Trung Quốc trong tương lai.
Phát biểu của cả hai Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại Giao Mỹ được trình bày trong bối cảnh ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á đang suy giảm kể từ khi tổng thống Donald Trump dường như từ bỏ chính sách "xoay trục sang Châu Á" của người tiền nhiệm Barack Obama, qua việc hủy bỏ Hiệp Ước Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mmt hiệp ước mà Hoa Kỳ và các nước tham gia trong đó có Việt Nam đã tốn mất nhiều năm để thương lượng.
Cho đến nay, Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) thường xuyên bị chia rẽ trước sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự chia rẽ này được thể hiện rõ nét qua những vụ tranh chấp các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng và cho xây dựng thành những tiền đồn quân sự.
Tờ Financial Times nhắc lại, Bắc Kinh đã khôn khéo theo đuổi chính sách phát triển quan hệ song phương riêng rẽ với từng nước thành viên hòng chia rẽ khối ASEAN. Và Trung Quốc phần nào đã thu được những kết quả nhất định.
Từ việc ASEAN không đề cập đến phán quyết của La Haye năm 2016 liên quan đến các tranh chấp lãnh hải, cho đến việc dần lôi kéo một số quốc gia thành viên rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Ban đầu là Cam Bốt, Lào, nay những quốc gia đồng minh của Mỹ như Thái Lan, Philippines cũng bắt đầu bị lung lay. Tổng thống Philippines năm rồi có những lời ca ngợi "tình bạn mới" với Trung Quốc.
Trong trước mắt nguy cơ xảy ra đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là rất thấp, nhưng giới chuyên gia không loại trừ khả năng một sự leo thang bất ngờ giữa hai đại cường. Bởi vì, còn có một vài nước trong khu vực vẫn xem Hoa Kỳ như là một đối trọng trước việc Trung Quốc gia tăng bành trướng sức mạnh kinh tế và quân sự.
Theo nhận định của ông Michael Vatikiotis, tác giả tập sách nói về Đông Nam Á có tựa đề "Blood and Silk" (tạm dịch là Máu và Lụa), "việc ông Mattis đến Châu Á là tốt, nhưng những gì người ta thật sự muốn thấy là sự gắn bó lâu dài" . Vẫn theo chuyên gia này, nếu như Hoa Kỳ đã sao nhãng và để cho Trung Quốc mở rộng được ảnh hưởng trong khu vực, thì Washington chỉ còn biết than thân trách phận mà thôi.
Do vậy, tham vọng thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc không phải là công việc dễ dàng gì đối với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Minh Anh
************************
Bộ Trưởng quốc phòng các nước ASEAN kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông (RFA, 23/10/2017)
Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN hôm 23 tháng 10 ra tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế các hoạt động, không để phức tạp thêm tình hình.
Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh bắt tay nhau trong lễ ký và bàn giao Tuyên bố chung bên lề ADMM 11 ở thành phố Clark, Philippines hôm 23/10/2017 - AFP
Tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ADMM 11) diễn ra ở thành phố Clark, Philippines, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, kêu gọi các bên theo đuổi các giải pháp giúp giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hơp với luật quốc tế, bao gồm Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định cam kết của tất cả các bên trong việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là DOC), bộ Nguyên tắc Sáu điểm ở Biển Đông của ASEAN và thúc đẩy việc sớm hoàn thiện Bộ Quý tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Biển Đông là nơi đang có các tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan và một số nước ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích khu vực biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vạch ra trên biển.
Hồi năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký DOC với hy vọng sớm đạt được một COC có tính ràng buộc hơn về pháp lý nhưng mãi cho đến đầu tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc mới thông qua một bộ khung bản thảo COC với hy vọng sẽ đạt được một COC trong năm nay.
*********************
ASEAN : Chống khủng bố, chủ đề chính cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng (RFI, 23/10/2017)
Hôm 23/10/2017, trong khuôn khổ cuộc họp cấp Bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam Á (ADMM), lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN bắt đầu cuộc hội đàm kéo dài hai ngày tại Clark, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Philippines. "Chống khủng bố" là nội dung chính chương trình nghị sự.
Bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam Á chụp ảnh lưu niệm tại Clark, Philippines, ngày 23/10/2017. Reuters/Dondi Tawatao
Theo phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại phiên khai mạc, các bên tập trung thảo luận vào việc tìm kiếm những sáng kiến và phương cách mới nhằm phát triển hợp tác quốc phòng, trong đó, đối phó với những thách thức khủng bố và tình trạng bạo lực cực đoan tại Đông Nam Á là một trong những ưu tiên.
Phiên họp các Bộ trưởng dự kiến thông qua một tuyên bố chung vào chiều cùng ngày.
Ngoài ra, theo Bangkok Post, tình hình căng thẳng Biển Đông do những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa một số quốc gia thành viên ASEAN với Trung Quốc và Đài Loan, chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng sẽ được các bên đề cập đến.
Thứ Ba 24/10/2017, các Bộ trưởng quốc phòng có phiên họp mở rộng với các đối tác khác (ADMM plus) như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ.
Minh Anh
Cuộc khủng hoảng về người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện bắt đầu gây bất hòa giữa các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, một khối mà cho tới nay vẫn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Biểu tình trước sứ quán Miến Điện tại Kuala Lumpur, Malaysia, phản đối các hành động ngược đãi người Rohingya tại Miến Điện-Reuters
Sự rạn nứt này được thể hiện qua việc Malaysia hôm Chủ nhật, 24/09/2017, đã phản bác một bản tuyên bố của Philippines, chủ tịch luân phiên của ASEAN. Theo quan điểm của Kuala Lumpur, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không trình bày đúng "thực tế của tình hình" và không xác định rõ ràng người Rohingya Hồi giáo là một trong những cộng đồng gánh chịu hậu quả của bạo lực tại Miến Điện, quốc gia có đa số dân là người Phật giáo.
Cho tới nay, chính quyền Miến Điện vẫn dứt khoát không sử dụng từ "Rohingya", cho rằng người Hồi giáo ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, không phải là một sắc tộc thiểu số của nước này, mà chỉ là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Kể từ khi một nhóm vũ trang Rohingya tấn công các đồn biên phòng của Miến Điện ngày 25/08, và quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa, hơn 400 người đã thiệt mạng và 430 000 người Rohingya đã vượt biên sang lánh nạn ở Bangladesh. Liên Hiệp Quốc đã lên án "một cuộc thanh lọc sắc tộc" ở Miến Điện.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức ASEAN buộc phải lên tiếng. Theo các nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Philippines và chính phủ Malaysia, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, các nhà ngoại giao cao cấp và các ngoại trưởng ASEAN đã có thảo luận về nội dung bản tuyên bố của chủ tịch ASEAN trước khi bản tuyên bố này được công bố. Nhưng theo lời hai quan chức chính phủ Malaysia, các ngoại trưởng ASEAN đã không đạt được đồng thuận về hồ sơ này. Một trong hai quan chức nói trên cho biết tuyên bố của chủ tịch ASEAN "không phản ánh những quan ngại" của phía Malaysia về cuộc khủng hoảng Rohingya. Bản tuyên bố này lên án các vụ tấn công vào lực lượng an ninh Miến Điện và lên án "mọi hành động bạo lực gây thiệt hại tính mạng thường dân, phá hủy nhà cửa và khiến nhiều người dân phải tản cư".
Ngoại trưởng Anifah Aman của Malaysia, quốc gia có đa số dân là Hồi giáo, hôm Chủ nhật đã yêu cầu Miến Điện phải chấm dứt "những hành động tàn bạo" đã gây ra "thảm họa nhân đạo quy mô lớn". Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia cho rằng Miến Điện "phải tìm ra những giải pháp dài hạn và vững chắc cho gốc rễ của xung đột", ám chỉ là phải giải quyết vấn đề người Rohingya.
Khủng hoảng Rohingya trong thời gian qua đã khiến dư luận Malaysia, nơi có đa số dân là Hồi giáo, rất bất bình, nhiều người đã xuống đường để lên án Miến Điện và ủng hộ người Rohingya. Bộ Ngoại Giao Malaysia đã từng triệu đại sứ Miến Điện lên để bày tỏ bất bình về sự ngược đãi người Rohingya. Không chỉ có Malaysia, mà Indonesia, quốc gia khác có đa số dân là Hồi giáo, cũng đã có phản ứng mạnh về khủng hoảng Rohingya. Trong tháng này, tổng thống Jokowi Widodo đã mở họp báo đột xuất vào một ngày Chủ nhật để lên án những bạo lực nhắm vào người Rohingya, đồng thời thông báo đã cử ngoại trưởng đến gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Khủng hoảng Rohingya có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực của ASEAN trong nhiều năm qua để đưa Miến Điện hội nhập hoàn toàn vào khối này. Khủng hoảng ở Miến Điện cũng đang làm rạn nứt thêm nền tảng vốn không mấy vững chắc của ASEAN, trong khi khối này đã bất đồng sâu đậm về vấn đề Biển Đông và nói chung là về đối sách trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Thanh Phương
*****************
Cập nhật tình hình liên quan người tỵ nạn Rohingya (RFA, 25/09/2017)
Quân đội Miến Điện tiếp tục thực hiện những cuộc hành quân tại bang Rakhine để truy lùng quân khủng bố Hồi Giáo Rohingya, đồng thời tìm kiếm xác của những người theo Ấn Giáo bị khủng bố sát hại.
Trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện hôm 25/09/2017. AFP
Các bản tin chúng tôi thu thập được cho hay binh sĩ Miến đã tìm thấy mồ chôn 28 người theo Ấn Giáo bị khủng bố Rohingya giết chết hồi tuần trước, trong khi cư dân địa phương cho hay số người bị giết có thể lên đến hơn 100 người.
Trong lời tuyên bố được ghi trên Facebook, Tư Lệnh Quân Đội Miến là Tướng Min Aung Hlaing viết rằng những người Ấn Giáo là nạn nhân của bọn khủng bố Hồi Giáo Rohingya, nhắc lại cam kết sẽ tiêu diệt bọn gian để ổn định tình hình.
Lực lượng khủng bố đang bị quân đội Miến Điện truy lùng có tên là Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, là nhóm đã mở cuộc tấn công nhắm vào những đồn cảnh sát và một căn cứ quân sự Miến hôm 25 tháng Tám vừa rồi, khởi đầu cho những cuộc giao tranh với quân đội chính phủ, dẫn đến việc 435.000 ngàn người thiểu số Rohingya phải chạy lánh nạn, phần lớn sang Bangladesh xin tá túc.
Trong bản thông cáo phổ biến sáng ngày 25 tháng 9, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo dịch tiêu chảy có thể xày ra ở các trại tỵ nạn vì điều kiện an toàn vệ sinh quá tệ.
Cuối tuần trước, Tổ Chức Bác Sĩ Không Biên Giới cũng đưa ra cảnh báo tương tự, nói rắng các trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện đang ở trong tình trạng được gọi là thảm họa về sức khỏe cộng đồng.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Misbah Uddin Ahmet, viên chức đặc trách y tế của Bangladesh cho biết quân đội nước này đang cố gắng tối đa để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tỵ nạn Rohingya.
Cũng vào sáng 25 tháng 9, Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết tôn trọng quyết định của chính phủ Malaysia, liên quan đến bản tuyên bố mà Phi cho phổ biến hôm thứ Bảy tuần trước tại New York về tình trạng bất ổn đang xảy ra ở bang Rakhine, Miến Điện.
Bản tuyên bố được chính phủ Phi đưa ra tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN viết rằng các nước thành viên của tổ chức lên án việc quân khủng bố mở các cuộc tấn công nhắm vào những đơn vị an ninh Miến, và tất cả những hành vi bạo động gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, phá hủy nhà cửa của dân chúng và đẩy cư dân tới chỗ phải chạy lánh nạn.
Ngay sau đó, chính phủ Malaysia lên tiếng yêu cầu rút tên khỏi bản tuyên bố, nói rằng những lời lẽ được chính phủ Phi đưa ra không nêu đúng sự thật đang xảy ra ở Miến Điện.
Ngoại Trưởng Malaysia, ông Anifah Aman, nói rõ chính phủ nước ông lên án hành động khủng bố của Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, nhưng đồng thời cáo buộc chính phủ Miến đã để yên cho quân đội mở chiến dịch thanh lọc sắc tộc nhắm vào tập thể Hồi Giáo Rohingya.
********************
ASEAN ‘rạn nứt’ vì Malaysia và Myanmar bất đồng (VOA, 26/09/2017)
ASEAN một lần nữa bất đồng ý kiến sau khi Malaysia nói tuyên bố của Philippines, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN hiện nay, là sai lệch thực tế về làn sóng lánh nạn gồm 430 ngàn người sắc tộc Rohingya từ Myanmar.
Người tị nạn Rohingya chờ nhận vật phẩm cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh.
ASEAN, gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, là một trong những vùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ lâu đã phải đối phó với những quyền lợi mâu thuẫn trong việc giải quyết những vấn đề như việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya hiện nay.
"Philippines, với tư cách nước Chủ tịch, dung chấp việc phát biểu công khai những ý kiến khác biệt", Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố ngày 25/9.
Động thái này cho thấy một "mức độ chín chắn mới" trong việc đẩy mạnh những nguyên tắc đồng thuận của ASEAN khi đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền lợi quốc gia, tuyên bố nói.
Malaysia đã có lập trường rõ ràng "trong vài cuộc họp của ASEAN" tại New York, Bộ ngoại giao Philippines nói, tuy nhiên cũng phải chú ý đến quan điểm của những quốc gia thành viên khác.
Ngày 24/9, Malaysia không đồng ý với tuyên bố của chủ tịch ASEAN vì tuyên bố này không biểu hiện đúng "thực tế của tình hình" và không công nhận người Rohingya là một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng.
Myanmar bác bỏ cụm từ Rohingya, cho rằng những người Hồi Giáo tại bang Rakhine phía tây Myanmar không phải là một sắc tộc mà là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.
Các nhà ngoại giao cao cấp và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thảo luận về nội dung của tuyên bố bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trước khi công bố, các nguồn tin của Bộ ngoại giao Philippines và chính phủ Malaysia nói.
Tuy nhiên, các Ngoại trưởng ASEAN không đạt được đồng thuận, theo hai giới chức chính phủ Malaysia biết rõ về các cuộc thảo luận này.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN do Philippines công bố không phản ánh những quan ngại của Malaysia, một trong những giới chức này nói và yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Trước đây Malaysia đã có lần bác bỏ tuyên bố tương tự về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine phía tây Myanmar, nhưng phản ứng của Malaysia hôm 24/9 là điều bất ngờ vì ASEAN có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.
Myanmar phải ngưng "việc tàn sát đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo", Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 24/9 tuyên bố.
"Phải tìm ra những giải pháp lâu dài và có thể thực hiện được đối với nguồn gốc của xung đột", ông nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, bất đồng ý kiến của Malaysia chỉ phản ánh sự căng thẳng trong khối ASEAN, theo nhận xét của ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Malaysia.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ASEAN lên án những cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Myanmar và "tất cả các hành vi bạo động đưa đến kết quả là thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị hủy hoại và nhiều người phải lìa bỏ nơi ăn chốn ở".
Có hơn 400 người thiệt mạng và 430.000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi bang Rakhine. Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Rohingya hôm 25/8 vào các vị trí quân đội và cảnh sát đã khiến cho quân đội Myanmar mở những cuộc tấn công mà Liên hiệp quốc gọi là "hủy diệt sắc tộc thiểu số".
****************
Miến Điện : Phát hiện hố chôn tập thể 28 tín đồ Ấn giáo (RFI, 25/09/2017)
Lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hôm qua 24/09, trên tài khoản Facebook của mình đã thông báo phát hiện một hố chôn tập thể của 28 tín đồ Ấn giáo và cáo buộc những "kẻ khủng bố" người Rohingya đã thực hiện cuộc thảm sát.
Tín đồ Ấn giáo tại một trại đón tiếp người tị nạn ở gần Maungdaw, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 30/08/2017 - Reuters
Theo AFP, phát ngôn viên của chính quyền dân sự Miến Điện Zaw Htay cũng đã lên tiếng khẳng định cuộc thảm sát "dựa trên những nhân chứng sống sót tị nạn tại Bangladesh".
Hố chôn tập thể này được phát hiện gần làng Kha Maung Seik, tại vùng Maungdaw thuộc bang Rakhine, tây bắc Miến Điện, nơi bùng phát cuộc đàn áp của quân đội đối với sắc dân thiểu số theo Hồi giáo Rohingya cách đây vài tuần, khiến khoảng 430000 người phải tị nạn ở Bangladesh.
Lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo tại địa phương Ni Maw cho biết, cuộc thảm sát đã xảy ra từ ngày 25/08 khi có khoảng vài trăm người nổi loạn Rohingya tấn công vào làng của tín đồ Ấn giáo.
Đây là lần đầu tiên một hố chôn tập thể được tìm thấy ở Miến Điện kể từ khi bạo lực diễn ra.
Duy Anh
Việt Nam kêu gọi Đông Nam Á đoàn kết dù có căng thẳng Biển Đông (VOA, 24/08/2017)
Lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết hơn nữa vào lúc Việt Nam ngày càng thân cô thế cô hơn trong việc chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Indonesia (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự, Jakarta, 23/8/2017
Một bản tin của Reuters cho hay trong chuyến chuyến thăm đầu tiên của một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đến Indonesia, ông Nguyễn Phú Trọng nói trong bài phát biểu được chiếu trên truyền hình trong nước hôm 23/8 rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cần đoàn kết trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Ông Trọng phát biểu : "Đừng để ASEAN trở thành một con bài trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn", nhưng ông không nói rõ thêm ý ông là gì.
Việt Nam lâu nay là nước lớn tiếng nhất phản đối các tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, nơi lượng hàng hóa giá trị hơn 3 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm.
Dù Trung Quốc khó chịu, Việt Nam đã đòi một hội nghị của ASEAN trong tháng này phải đưa vào trong một tuyên bố những lời văn thể hiện quan ngại về việc xây đảo và chỉ trích động thái quân sự hóa ở Biển Đông.
Trung Quốc đã gây áp lực buộc Việt Nam ngừng khoan dầu hồi tháng trước trong một lô dầu khí của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ. Bắc Kinh cũng đã tức giận về mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Một số quốc gia Đông Nam Á dè chừng về những hậu quả có thể xảy ra do thách thức Bắc Kinh với việc nêu ra lập trường mạnh mẽ hơn về Biển Đông.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố chủ quyền về nhiều phần của vùng biển, là nơi có các tuyến đường biển chiến lược, cũng như các ngư trường có sản lượng lớn, cùng với các mỏ dầu khí.
Sau Indonesia, dự kiến ông Trọng sẽ thăm Myanmar.
Theo Reuters
********************
Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết vào lúc Bắc Kinh lấn lướt ở Biển Đông (RFI, 24/08/2017)
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 23/08/2017 đã lên tiếng kêu gọi ASEAN đoàn kết hơn nữa. Lời kêu gọi được đưa ra tại Jakarta, nhân ngày đầu tiên trong chuyến công du Indonesia 2 ngày của ông Nguyễn Phú Trọng. Hãng tin Anh Reuters đã gắn liền tuyên bố trên với bối cảnh được cho là Hà Nội ngày càng đơn độc trong cố gắng chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh chụp tại Hà Nội, năm 2016.Na Son Nguyen / AFP
Theo ghi nhận của Reuters, đây là lần đầu tiên, một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Indonesia, và trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp về Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á cần có lập trường thống nhất trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Không nêu đích danh nước nào, lãnh đạo Việt Nam đã kêu gọi là "đừng nên để cho ASEAN trở thành một con bài trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn".
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành nước lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, đã bất chấp phản ứng của Bắc Kinh để thúc giục ASEAN đưa lại những lời lẽ cứng rắn vào thông cáo chung mới đây của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN, bày tỏ thái độ quan ngại đến việc bồi đắp đảo tại Biển Đông, và chỉ trích việc quân sự hóa khu vực này.
Việt Nam đã bị Trung Quốc đe dọa dùng võ lực nếu không đình chỉ việc khoan dò dầu khí tại một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh cho là của họ. Trước sức ép này, Việt Nam đã phải cho ngưng khoan dò. Trung Quốc cũng bất bình trước việc Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, thì một số quốc gia Đông Nam Á, dù cùng trong hiệp hội ASEAN với Việt Nam, lại lo ngại trước những hậu quả có thể xảy ra với họ nếu có lời lẽ chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Nhanh chóng phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế
Về quan hệ song phương Việt Nam-Indonesia, chuyến thăm Jakarta của ông Nguyễn Phú Trọng cũng là dịp để hai bên cải thiện quan hệ và giải tỏa căng thẳng nẩy sinh từ hai vụ đối đầu trên biển gần đây do vấn đề đánh cá ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia.
Cuộc hội đàm giữa tổng thống Indonesia Joko Widodo với tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho phép thông qua một số thoả thuận quan trọng trong các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, phát triển làng xã, luật pháp, hàng hải và thủy sản.
Điểm quan trọng nhất trong các thỏa thuận đạt được là quyết định của hai nước đẩy nhanh việc phân định ranh giới các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước, để tránh những vụ đối đầu như vừa xẩy ra.
Trong một thông cáo báo chí chung, tổng thống Indonesia cho biết là Việt Nam cũng đã đồng ý hợp tác với Indonesia nhằm hạn chế nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Số liệu chính thức của Indonesia cho thấy trong tổng số 75 tàu bị bắt giữ vì đánh bắt trái phép trong năm nay trong vùng biển Indonesia, có đến 63 chiếc đến từ Việt Nam.
Riêng về Biển Đông, tổng thống Jokowi cho rằng hai nhà lãnh đạo đồng ý biến ASEAN thành động lực của hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trọng Nghĩa
**********************
Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết giải quyết chuyện Biển Đông (RFA, 24/08/2017)
Trước khi rời Indonesia để sang thăm Miến Điện, ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Jakarta, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, để cùng giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Jakarta vào ngày 23 tháng 8 năm 2017. AFP photo
Trong bài diễn văn đọc tối ngày 23 tháng 8, ông Trọng nói rằng đừng để ASEAN trở thành lá bài cho các cường quốc sử dụng, nhấn mạnh quả có bất đồng nhưng ASEAN phải tiếp tục thảo luận với nhau để có quan điểm chung.
Ông cũng bảo thêm rằng tương lai của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nếu các nước trong tổ chức không có cùng quan điểm.
Ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam không nêu tên quốc gia nào trong bài nói chuyện, nhưng được ngầm hiểu là ông muốn nói tới Trung Quốc và áp lực ngoại giao lẫn kinh tế mà chính phủ Bắc Kinh đang sử dụng với một số nước ASEAN, nhắm thúc đẩy những nước này đứng ngoài cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang xảy ra giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam.
Một số nhà quan sát cho rằng mới tháng trước khi ASEAN nhóm thượng đỉnh tại Philippines, phía Việt Nam đã vận động thành công để bản tuyên bố chung có nói đến quan ngại về những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, ghi rõ những hành động này có thể làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, ổn định của khu vực..
Thông cáo chung của ASEAN cũng yêu cầu các bên tranh chấp không được có những hoạt động mang tính quân sự hóa.
Tất cả những lời lẽ này cũng được hiểu là nhằm nói tới Trung Quốc.
Sáng 24 tháng 8, ông tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam rời Jakarta để đến Miến Điện để thảo luận với các nhà lãnh đạo nước bạn về mở rộng quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư.
Bản tin được truyền thông Việt Nam phổ biến cho biết buổi chiều cùng ngày, ông Trọng đã gặp Tổng Thống Miến Điện Htin Kyaw.
Khi ông Donald Trump không đi nước cờ ASEAN, mà đi nước cờ Đài Loan thì âm mưu của Trung Quốc không cần chống, tự nó tan và khó mang lại giá trị.
The Cambodia Daily ngày 23/1 đưa tin, phát biểu trong một cuộc tọa đàm tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hôm thứ Sáu 20/1 tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết một số cảm nhận thực sự của ông về chiến lược tái cân bằng sang Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama :
"Tôi nói điều này vì hôm nay Obama sẽ rời vị trí của mình. Các chính sách của Tổng thống Obama với Châu Á, Châu Á - Thái Bình Dương đã gây ra những rắc rối, phiền phức cho khu vực này.
Thành thật mà nói, tôi rất bất bình khi phải chỉ trích chính sách quay trở lại Châu Á của Mỹ. Và tôi ca ngợi chính sách của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, ảnh : The Cambodia Daily.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn nhắc lại lần nữa rằng, ông cảm thấy bị tổn thương đặc biệt vì Campuchia bị rất nhiều chỉ trích do lập trường của mình về Biển Đông. Theo ông :
"Cuộc xung đột này đã có sự can thiệp từ bên ngoài. Nếu chúng ta để cho các nước tham gia thảo luận tôi nghĩ sẽ tốt hơn.
Tôi nói như vậy là với mục đích bảo vệ hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, với mối quan hệ thương mại rất lớn và lợi ích cho tất cả các bên tham gia".
Campuchia có thể không còn quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thời Donald Trump
The Cambodia Daily lưu ý, cả Tổng thống Donald Trump lẫn Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson đều quan tâm đến Biển Đông. Hai ông có những phát biểu mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Thậm chí ông Rex Tillerson còn đề xuất, phải ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo mà họ bồi lấp bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi đá (họ nhảy vào) tranh chấp.
Trump tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng xem lại nguyên tắc "một nước Trung Quốc", áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại với hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu về Đông Nam Á Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ bình luận, sự thay đổi trong chính sách của ông Donald Trump với khu vực Đông Nam Á và Biển Đông có thể mang đến cho Campuchia một lợi thế.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh : The Telegraph.
Đó là Washington có khả năng sẽ rút lại những chính sách thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở nước ngoài, một điều từ lâu vẫn là "cái gai trong mắt" đối với ông Hun Sen. Về Biển Đông, ông Kurlantzick bình luận :
"Nếu các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines không phản đối quá nhiều về căng thẳng Trung - Mỹ ở Biển Đông, ông Hun Sen sẽ dễ thở hơn.
Tất nhiên Việt Nam sẽ thúc đẩy vấn đề Biển Đông, vì vậy ông Hun Sen có thể phải đối mặt với một số tình huống khó khăn. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo mới (Việt Nam) sẽ quan tâm đến lợi ích của ông ấy".
Giáo sư Carl Thayer từ Australia nhận định : khác với bối cảnh chính trị năm 2012 khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, ngày nay khu vực chứng kiến một xu hướng "ngả sang Trung Quốc" ngày một nhanh hơn. Ông bình luận :
"Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Philippines. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang tán tỉnh Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng vừa thăm Trung Quốc để tìm kiếm một sự đảm bảo kiềm chế trên Biển Đông.
Campuchia sẽ cảm thấy rằng, việc họ công khai chỉ trích Hoa Kỳ quyết đoán là mối đe dọa cho ổn định của khu vực là quyết định đúng.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump sẽ không ưu tiên khu vực Đông Nam Á.
Nhiều khả năng Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc đánh bại các nhóm khủng bố IS, cải thiện quan hệ với Nga và đàm phán lại các điều khoản thương mại, định giá tiền tệ với Trung Quốc.
Đài Loan chứ không phải Đông Nam Á, sẽ là đòn bẩy cho chính sách với Trung Quốc của Trump trong tương lai.
Trump là một người thực dụng khi đánh giá quan hệ sức mạnh, Campuchia có vẻ như không nằm trong màn hình ra đa của ông ấy".
John Ciorciari, Giám đốc Trung tâm Chính sách Quốc tế Trường Chính sách công Ford, Đại học Michigan nhận định : Campuchia vẫn muốn duy trì quan hệ với Mỹ, vì nước này là thị trường hàng đầu chiếm 80% hàng xuất khẩu giày dép, may mặc của đất nước Chùa Tháp.
Nhưng một khi căng thẳng Trung - Mỹ leo thang buộc Phnom Penh phải chọn bên, nhiều khả năng Thủ tướng Hun Sen sẽ chọn Trung Quốc để đảm bảo vị thế của mình ở trong nước.
Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự nhiều hơn cho Campuchia. Để đáp lại, Phnom Penh sẽ hỗ trợ tối đa Bắc Kinh trong các diễn đàn quốc tế, thậm chí mở cửa căn cứ hải quân ở Kampong Sam cho Trung Quốc [1].
Tổng thống Philippines Duterte sẵn sàng lật ngược thế cờ "thân Trung xa Mỹ" ?
Asia Times ngày 23/1 bình luận, chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama có thể khó sống sót dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Cách tiếp cận ông Trump của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ cho thấy những dấu hiệu rõ ràng ban đầu về khả năng, liệu Nhà Trắng có loại bỏ chính sách này hay tiếp tục nó một cách rộng rãi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh : Youtube.
Theo các nguồn tin chính thức từ Philippines, hai nước đang tận dụng các kênh liên lạc được cải thiện, cách tiếp cận thực dụng về nhân quyền và mối quan hệ cá nhân giữa Trump và Duterte để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Duterte với Obama.
Từ khi nhậm chức, ông chủ Điện Manacanang đã liên tục chỉ trích Tổng thống Obama, nhiều lần tuyên bố "chia tay" Washington và khởi động các chương trình hợp tác với Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, ngay sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, ông Duterte đã lập tức hiệu chỉnh "giai điệu ngoại giao" :
"Tôi không muốn đối đầu với nước Mỹ lúc này, khi Trump đang ở đó. Tôi xin chúc mừng Tổng thống Trump. Ngài Donald Trump và tôi đều giống nhau..."
Kể từ đó ông Duterte luôn bày tỏ mong muốn làm thế nào phục hồi quan hệ Philippines - Hoa Kỳ dưới thời Trump.
Ông hy vọng tân chủ nhân Nhà Trắng tiếp cận thực dụng hơn vấn đề quyền con người, tranh cãi cơ bản giữa Manacanang với chính quyền Obama.
Trong thực tế, nhà lãnh đạo Philippines đã có cuộc điện đàm ngắn nhưng "ấm áp" với Trump, trong đó vị tỉ phủ đắc cử Tổng thống ủng hộ chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của ông Duterte.
Bất đắc dĩ phải thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, ông Duterte tỏ vẻ hoan nghênh một cách lặng lẽ cam kết ban đầu của Trump yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải ở khu vực.
Tổng thống Philippines đã công khai nói rằng, ông có thể đảo ngược chính sách của Manila hiện nay, tăng gấp đôi (quy mô, mức độ, tần suất ?) hoạt động hợp tác quân sự với Mỹ, kể cả trong vùng biển tranh chấp, nếu Trung Quốc leo thang và đơn phương khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines.
Tiếp theo, ông Duterte quyết định bổ nhiệm chủ sở hữu tòa tháp Trump tại Manila, Jose Antonio làm Đại sứ tại Washington.
Động thái này dường như nhằm mục đích kết hợp các mối quan hệ kinh doanh sẵn có giữa Antonio với gia đình Trump và công việc ngoại giao [2].
Malaysia hy vọng Donald Trump duy trì hiện diện ởi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Hãng thông tấn Bernama ngày 23/1 cho biết, cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin bình luận, các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết qua con đường ngoại giao và thông qua các tổ chức đa phương như ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin. Ảnh : The Malaysia Times.
Ông phát biểu tại Diễn đàn Fullerton 2017 : cần phải nhìn xa hơn khái niệm kẻ thắng người thua một cách trẻ con, đầy mệt mỏi, bởi đơn giản rằng hòa bình là giá trị tốt đẹp phổ quát chứ không phải trò chơi có tổng bằng không.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia bình luận : "Chúng tôi dường như đang buộc phải lựa chọn giữa phương Đông hay phương Tây, giữa Trung Quốc hay Hoa Kỳ, giữa chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa dân túy".
Tuy nhiên ông lưu ý, điều này đi ngược với truyền thống độc đáo ở Châu Á, nơi các nền văn hóa khác nhau, các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau có thể cùng chung sống và phát triển hòa bình, lành mạnh trong nhiều thế kỷ.
Ông Hishammuddin nói rằng, cần có một cam kết mới cho các quy trình an ninh đa phương khác nhau, bất kể những thay đổi nào sẽ xảy ra ở một số nước, ám chỉ Hoa Kỳ :
"Tổng thống Donald Trump đã một số lần nhấn mạnh khả năng sẽ giảm các cam kết nhất định của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Trong khi chúng tôi hy vọng rằng ông sẽ xem xét lại điều đó, giá trị cốt lõi của Châu Á - Thái Bình Dương đối vơi an ninh và nền kinh tế Mỹ, có lẽ đã đến lúc ASEAN cần thay đổi, lấp đầy khoảng trống là hệ quả của những thay đổi chính sách có liên quan đến các siêu cường" [3].
Chính sách của tân Tổng thống Mỹ với Biển Đông dần hé lộ
Qua bình luận, nhận định của giới phân tích và truyền thông khu vực, quốc tế trích dẫn trên đây về Biển Đông, người viết cho rằng xu hướng chính sách của tân chính phủ Hoa Kỳ thời Tổng thống Donald Trump đang sáng rõ dần.
Nếu nhìn qua lăng kính Campuchia, một mặt có thể thấy rõ tính "thực tế" mang đậm tố chất doanh nhân của con người Trump, mặt khác củng cố thêm nhận định về vai trò quan trọng của nước cờ Đài Loan mà ông sẽ đi trên bàn cờ Biển Đông để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Nước cờ này sẽ hóa giải hành vi "thao túng ASEAN" từ Bắc Kinh, thông qua một hoặc một số nước được xem là cánh tay nối dài của họ trong cộng đồng các nước Đông Nam Á.
Đặc biệt là khi Philippines làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, Trung Quốc sẽ vừa dụ dỗ bằng "món quà 15 tỉ USD" viện trợ - đầu tư, vừa gây sức ép về mặt chính trị để hạn chế sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Nhưng khi ông Donald Trump không đi nước cờ ASEAN, mà đi nước cờ Đài Loan thì âm mưu của Trung Quốc không cần chống, tự nó tan và khó mang lại giá trị.
Ở đây chỉ xin lưu ý một điều, dư luận cần tỉnh táo và đánh giá đúng vai trò, cục diện và bối cảnh thực tế của ASEAN để không đưa ra những đòi hỏi phi thực tế với tổ chức này.
Vai trò duy trì hòa bình, ổn định khu vực của ASEAN dựa trên lập trường trung lập và nguyên tắc đồng thuận.
Nhưng trình độ phát triển, thể chế chính trị - kinh tế - văn hóa - sắc tộc...của 10 nước thành viên không giống nhau, quyền lợi mỗi nước khác nhau nên khó đòi hỏi ASEAN có thể làm nhiều hơn những gì đã làm hiện nay.
Philippines đã thắng gần như tuyệt đối vụ kiện trọng tài Biển Đông, nêu hay không nêu Phán quyết Trọng tài tại các phiên họp của ASEAN và các diễn đàn do ASEAN tổ chức không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của nó.
Trong khi cục diện Biển Đông là cuộc chơi của 2 siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc, vì vậy ASEAN chỉ cần duy trì được thực trạng hiện nay, nếu tốt hơn nữa thì đàm phán xong COC với Trung Quốc là khá rồi.
Dư luận các bên liên quan, đặc biệt là Việt Nam không nên đặt kỳ vọng cao quá thực tế vào ASEAN và Chủ tịch luân phiên của khối. Chúng ta nên phối hợp với Philippines thay vì trách cứ bạn như một số quan điểm
Không phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ có bình luận về khả năng Việt Nam nêu bật vấn đề Biển Đông ra ASEAN.
Chúng ta cũng không cần nhắc lại chuyện cũ năm 2012 để khó xử cho Thủ tướng Hun Sen.
Một nước cờ của Hoa Kỳ thay đổi, quan tâm của người Mỹ nay đã khác trước, bối cảnh khác trước, thì tính toán và con bài của Trung Quốc tự nó mất thiêng.
Thứ hai là qua góc nhìn của Tổng thống Rodrigo Duterte về tân Tổng thống Donald Trump, có thể thấy ông chủ Điện Manacanang là người thực tế, mẫn tiệp với thời cuộc và quyết đoán không khác gì Trump.
Ngoài những gì đã nêu trong bài viết này, cá nhân tôi được biết ông Duterte đã phái một nhóm học giả qua Mỹ theo dõi trực tiếp quá trình bầu cử Tổng thống và nghiên cứu chính sách của các ứng viên, chứ không ngồi chờ Trump thắng rồi mới ngỡ ngàng.
Vừa kết thúc bầu cử Tổng thống Mỹ, họ về nước, trong đó một số học giả ghé qua Việt Nam tham dự hội thảo về Biển Đông tại Nha Trang.
Tôi không tin ông Duterte nói đùa trong trường hợp Trung Quốc leo thang ở Scarborough, Philippines sẽ đảo ngược chính sách, tăng gấp đôi hợp tác với Hoa Kỳ.
Donald Trump và Rodrigo Duterte đều là những nhà đàm phán tầm cỡ.
Ông Duterte hiểu rõ vai trò quan trọng khó có nước nào thay thế được Mỹ ở Biển Đông, đồng thời cũng thấy rõ hạn chế của chính quyền Obama trong việc theo đuổi chiến lược tái cân bằng ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi Trung Quốc "xuất khẩu ảnh hưởng" sang các nước nhỏ ở Đông Nam Á thông qua củ cà rốt kinh tế, chính quyền Tổng thống Obama vẫn tiếp tục chính sách cũ : "xuất khẩu giá trị" bằng sức ép chính trị.
Chính điều này buộc ông Duterte phải tương kế tựu kế, một mặt hòa hoãn với Trung Quốc để tìm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, một mặt hạn chế sự áp đặt, "xuất khẩu giá trị" của chính phủ tiền nhiệm Hoa Kỳ.
Ông có nhiều cơ hội khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng.
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nhấn mạnh thêm vai trò không thể thiếu của Hoa Kỳ với cấu trúc an ninh khu vực, cũng như hy vọng các nước nhỏ không bị ép chọn bên.
Hy vọng ấy có khả năng trở thành hiện thực khi Tổng thống Donald Trump và đội ngũ tham mưu Nhà Trắng sử dụng nước cờ chiến lược mới - Đài Loan.
Chỉ có điều người viết cho rằng, chúng ta và các nước ASEAN cần lưu ý, Trump làm mọi việc là vì nước Mỹ, để nước Mỹ mạnh lên, chứ không phải cho chúng ta, vì chúng ta.
Nhưng xu hướng quyết sách của ông ấy có lợi cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, các bên cần nắm lấy thời cơ và có sự chuẩn bị phối hợp chính sách một cách trôi chảy.
Ts Trần Công Trục
Tài liệu tham khảo :
[1] https://www.cambodiadaily.com/news/post-obama-hun-sen-faces-uncertain-us-policy-123860/
[2] http://www.atimes.com/article/duterte-aims-see-eye-eye-trump/
[3] http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/look-beyond-childish-notions-to-resolve-south-china-sea-disputes-says-malaysian-defence