Các tướng lĩnh đứng đầu Cảnh sát Biển Việt Nam khai tại một phiên tòa hôm 27/6 rằng họ tham ô 50 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước là do ‘ngân sách khó khăn, các lãnh đạo không có tiền đi công tác’, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, khai nhận trước tòa hôm 27/6
5 sĩ quan cấp tướng và 2 cấp tá, từng là lãnh đạo cao nhất của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng, ra Tòa án Quân sự Thủ đô, trong đó có Tư lệnh là Trung tướng Nguyễn Văn Sơn và Chính ủy là Trung tướng Hoàng Văn Đồng, về tội ‘Tham ô tài sản’.
Các bị cáo ‘thẳng thắn thừa nhận’ đã nhận tiền tham ô nhưng ‘nhưng kịp chưa sử dụng thì đã nộp lại’, theo tờ Công an Nhân dân.
Nguyên nhân tham ô, theo lời Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, khai trước Tòa là do lãnh đạo cơ quan đi công tác nhiều và đối ngoại nhiều mà ‘tiền thì không có’ cho mục đích này.
Sau đó, mỗi lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong số năm vị tướng được nhận 10 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, cựu phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng, được dẫn lời nói trong lời khai trước Tòa.
Ông Hậu và tất cả các tướng lĩnh khác có mặt trong buổi cơm trưa đó đều khai nhận là ‘đã im lặng’ khi nghe ý kiến đề xuất của ông Sơn, cũng theo Công an Nhân dân.
Trước Tòa, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy, cũng khai rằng ‘không ai nói gì’ khi nghe ông Sơn nêu ý kiến biển thủ tiền Nhà nước.
"Sau này tất cả đều nhận thức được đây là việc nghiêm trọng và ân hận vô cùng", ông Đồng được Công an Nhân dân dẫn lời nói.
"Lúc cầm tiền, bị cáo và các bị cáo khác cũng thấy áy náy, nhưng lại không thể đấu tranh nổi với chính mình để phải đứng trước tòa như ngày hôm nay".
Sau khi bàn bạc thống nhất trong bữa cơm trưa, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn lấy quyền tư lệnh lực lượng đã yêu cầu Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật, rút tiền ngân quỹ cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vì ‘các thủ trưởng rất khó khăn’.
"Sau khi nghe bị cáo nói, bị cáo Hưng đã suy nghĩ và trả lời rằng, cái này khó nhưng sẽ làm được", ông Sơn được dẫn lời khai trước tòa.
Các bị cáo Nguyễn Văn Hưng và Thượng tá Bùi Văn Hòe, phó trưởng Phòng Tài chính, những người thực hiện việc rút ruột ngân sách cho các lãnh đạo, đều thừa nhận hành vi phạm tội trước Tòa.
Theo cáo trạng, hồi năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được Nhà nước phân bổ 150 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Do có sự thống nhất của toàn bộ 5 lãnh đạo Cảnh sát Biển trong bữa ăn trưa kể trên mà cấp dưới đã phải thực thi nhiệm vụ rút ra 50 tỷ trong số tiền đó để chi cho các lãnh đạo.
Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - hôm 27/9 cho truyền thông Nhà nước hay trang dự báo Meteostar.com vừa phát cảnh báo đầu tháng 10 sẽ có một vùng áp thấp vượt qua Philippines vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, hướng di chuyển về miền Trung Việt Nam.
Các khu vực miền Bắc và Trung, Tây Nguyên Việt Nam có mưa lớn, gây sạt lở và ngập úng nghiêm trọng, báo hiệu mùa mưa bão đang bắt đầu ập đến - RFA
Liên tục trong ba ngày qua từ 27/9 đến nay các khu vực miền Bắc và Trung, Tây Nguyên Việt Nam có mưa lớn, gây sạt lở và ngập úng nghiêm trọng, báo hiệu mùa mưa bão đang bắt đầu ập đến.
Nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng (không muốn nêu tên) cho biết, họ đã chuẩn bị tinh thần chống bão vì năm nào cũng sẽ có, tuy nhiên năm nay đang giữa cao điểm dập dịch Covid-19 mà lại hứng thêm bão, họ chưa biết ra sao :
"Năm nào tới mùa mưa bão là phải chèn chắn, năm nay đặc biệt có dịch rồi mưa bão thấy cuộc sống khó khăn nhưng riết rồi mình khắc phục chứ nhà nước cũng quan tâm hết sức rồi.
Cuộc sống đương nhiên khó khăn vì dịch bệnh kéo dài năm mấy, hai năm tái đi tái lại hoài, cũng coi như cố gắng sống qua ngày. Giờ bão đến, thiên tai đến mình không biết được thì phải cố gắng.
Chuyện mưa bão đến coi như mình không muốn nó cũng đến, mình cũng lo chằn chống trước chứ sao không lo. Ví dụ nhà mình chắc chắn trước thì đỡ hơn, còn nhà mình tạm bợ thì phải cố gắng".
Theo dự báo, khoảng ngày 5/10 bão sẽ di chuyển tây tây bắc hướng về miền Trung Việt Nam.
Bà Xuân Lan cũng nói thêm do dự báo xa nên chưa thể khẳng định vị trí bão sẽ đổ bộ, nhưng có thể dự báo vào miền Trung.
Nhiều người dân tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam nói với phóng viên RFA rằng thông qua các trang mạng xã hội họ cũng nắm được miền Trung sắp có bão nên hiện giờ, nhiều gia đình đã bắt đầu chuẩn bị chằng chống, đối phó đợt bão sắp tới :
"Mình bỏ cát lên tole, bỏ đồ lên mái nhà, chuẩn bị hết rồi, giờ dân vô thông tin, lên mạng, họ cũng chuẩn bị.
Giờ thiên tai đến thì phải chịu, mình phải cố gắng khả năng của mình đến đâu thì hay đến đó chứ chẳng biết được.
Khi bão đến mình cũng chằng chống, trước mắt là bỏ cát, căng dây, cọc dây vậy thôi, còn khi nó vô thì bay ra sao không biết đường.
Mình tự lo chứ cũng chưa có ai đến nhắc nhở hay hỗ trợ gì, chưa thấy".
Tuy chính quyền Đà Nẵng chưa thông báo cho các hộ dân về tin bão sắp đến nhưng người dân ở đây cho biết, phía chính quyền đã có những động thái chuẩn bị đón bão :
"Mấy bữa nay em thấy hình như bên công ty môi trường đô thị họ đi tỉa cây, tỉa cành, nói chung bắt đầu vô mùa mưa bão rồi đó".
Tuy vậy, vẫn theo lời người phụ nữ không muốn nêu tên vừa nói, do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài vừa qua, nên giờ cô muốn buông xuôi, không chuẩn bị gì hết :
"Dịch cứ ở nhà hoài, không được đi làm mà giờ còn mưa bão thì cũng lo lắng vậy, nhưng cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn.
Như chỗ nhà em bao nhiêu mùa mưa bão ví dụ nếu có chuyện gì thì nhà nước phải di tản, còn không mình tự lo. Ví dụ nếu dự báo thời tiết báo khả năng bão mạnh thì dân tự chằng chống giúp nhau, còn nếu dự báo thời tiết mà nhẹ thì thôi, cũng bình thường".
Còn theo một người dân khác, bão lũ năm nào cũng kéo về nhưng riêng năm nay, người dân đã hoàn toàn kiệt sức khi phải chống chọi với dịch Covid-19 trong thời gian quá dài nên giữa việc lo bão đến đối với họ không lớn bằng việc lo thiếu ăn do đại dịch gây ra :
"Giờ nhờ sự may rủi của trời thôi chứ khi dịch triền miên bà con sống nhờ mạnh thường quân, sống nhờ sự hỗ trợ đây đó nên đã thất thần biết bao nhiêu thời gian dịch, giờ tới bão nói chuẩn bị cũng không biết lấy gì chuẩn bị. Nói chung không còn nguồn lực để chuẩn bị.
Năm nay là ngàn năm có một, chưa năm nào thê lương như năm này, không phải thê lương một thời điểm gì, thê lương triền miên, hai năm liền, kéo tới bây giờ vẫn chưa dứt.
Nói thiệt giờ là lo sợ chứ không thể lo lắng được vì bây giờ không có một tiềm lực, nguồn lực hay sức lực nào lo lắng nữa, chỉ biết lo sợ thôi. Giờ dịch mà dập tới dập lui chỉ có dân chết chứ con vi-rút không chết. Bây giờ dân chỉ biết lo lắng cơn bão chứ chẳng biết làm gì hơn".
Cũng theo chia sẻ của người dân miền Trung, dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm qua khiến họ kiệt sức. Một bức tranh ảm đảm đang hiện ra trước mắt họ khi công việc bị mất, tiền bạc, lương thực cạn dần vì ở nhà hàng tháng trời. Khốn khó, thiếu thốn, đói kém là những cụm từ họ diễn tả về cuộc sống hiện tại.
"Tôi cũng lo dữ lắm. Lo cái ăn thôi, trông cho dịch bệnh qua mau để mình làm mới có chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
Như đợt dịch vừa rồi cũng có hỗ trợ 500 ngàn, trong 20 ngày dừng mọi hoạt động của thành phố bên thôn cho được rau, bắp cải".
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thành phố Đà Nẵng vào ngày 24/9 cho hay thành phố dự kiến sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, thay vì áp dụng Chỉ thị 16 sẽ hạ xuống Chỉ thị 19 vào đầu tháng 10, cụ thể từ ngày 1-15/10.
Vào trung tuần tháng 9, sau khi miền Trung kết thúc đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cao điểm mùa mưa bão năm nay ở miền Trung là vào tháng 10, 11 và có thể kéo dài đến tháng 12.
Dù không hứng chịu liên tiếp 4-5 cơn bão trong một tháng như năm 2020, miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn nối nhau vào Biển Đông trong thời gian tới.
Chiều 23/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 năm 2021. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Dự báo trong 12 giờ tới, bão đi vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và sau đó sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh này.
Hình ảnh dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 6/2021
Hồi 13 giờ ngày 23/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc ; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định khoảng 180km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 260km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 330km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 380km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 01 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc ; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 24/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc ; 107,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) : từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển : Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 ; sóng biển cao từ 2,0-4,0m ; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 ; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động rất mạnh.
Ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Gió mạnh trên đất liền : Từ tối và đêm nay (23/9), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều nay đến ngày 24/9, bão còn tiếp tục gây mưa rất to ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Từ ngày 24-25/9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 06g00 ngày 23/9/2021, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.810 phương tiện/245.233 lao động. Trong đó :
+ Hoạt động trên biển : 4.346 tàu /28.620 người.
+ Neo đậu tại các bến : 40.464 tàu/216.603 người.
- Theo dữ liệu trích xuất từ hệ thống VNDMS, hiện nay trong khu vực nguy hiểm còn 236 tàu (Nghệ An 1 tàu, Hà Tĩnh 8 tàu, Quảng Bình 3 tàu ; Thừa Thiên Huế 2, Đà Nẵng 6 ; Quảng Nam 13 ; Quảng Ngãi 65 ; Bình Định 112 tàu ; Phú Yên 18 ; Khánh Hòa 4 ; Ninh Thuận 3 ; Tiền Giang 1).
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đang cập nhật chi tiết.
Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Bình đến Bình Định
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản :
- Diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển : 11.719 ha (các tỉnh có diện tích lớn : Thừa Thiên-Huế 3.089 ha ; Quảng Nam 3.070 ha, Bình Định 2.359 ha).
- Số lồng bè : 4.912 lồng, bè (các tỉnh có số lượng lớn : Thừa Thiên-Huế : 2.000 ; Quảng Nam 1.100 ; Bình Định 1.118 lồng bè).
+ Khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Bình còn 97.476 ha lúa chưa thu hoạch (Thanh Hóa : 65.300 ha, Nghệ An : 31.000 ha, Hà Tĩnh 677 ha ; Quảng Bình 490 ha).
+ Khu vực từ Thừa Thiên Huế - Bình Định còn 10.487ha lúa chưa thu hoạch (Thừa Thiên Huế 390 ha ; Quảng Nam 412 ha ; Quảng Ngãi 3950 ha ; Bình Định 5.735 ha)
+ Khu vực Tây Nguyên còn 143.346ha lúa chưa thu hoạch (Kon Tum 15.931ha; Gia Lai 48.943ha; ĐakLak 60.147ha; Đak Nông 6.679ha; Lâm Đồng 11.646ha).
Hồ thủy điện các lưu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Hiện nay, dung tích các hồ đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế. Một số hồ thủy điện có dung tích lớn hơn như : Khe Bố : 96,5% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,4m) ; Chi Kê : 100% ; Hố Hô : 96,49% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,04m ; A Lưới : 100% ; Văn Phong : 100% ; An Khê : 92,08% thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,39m) ; Sê San 4 : 95,69% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,23m) ; Srêpôk 4 : 93,42% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,52m) ; Srok Phu Miêng : 100,00%, Buôn Kop : 98,95% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,12m). Các hồ vận hành phát điện theo kế hoạch.
Hồ chứa thủy lợi :
- Khu vực Bắc Bộ có 2.543 hồ đạt từ 40 - 100% dung tích thiết kế, một số hồ ở mức cao như : Suối Chiếu 102%, (Sơn La); Ngòi Là 2 100% (Tuyên Quang) ; Ngòi Vần 103%, Lửa Việt 100% (Phú Thọ) ; Yên Quang 1 100%, Yên Quang 4 100%, Yên Thắng 1 103%, Yên Thắng 2 100%, Thác La 135% (Ninh Bình).
- Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ đạt từ 40-68% dung tích thiết kế, một số hồ chứa đang tích nước cao như : hồ Thung Bằng 100%, Cống Khê 101%, Hao Hao 101% ; hồ Cầu Cau 100%, Quỳnh Tam 101%, Cửa Ông 113%...
- Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có 517 hồ đạt từ 18-69% dung tích thiết kế, một số hồ chứa đang tích nước cao ĐakLong Thượng 100%, Phúc Thọ 102%, Đăk Lé 100%, Đạ Tẻh 132% (Lâm Đồng) ; Đăk Rtang 104%, Đăk Nang 100% (Đắk Nông)…
- Khu vực Nam Bộ có 131 hồ đạt 69% dung tích thiết kế.
Tình hình đê điều
- Đê biển, đê cửa sông khu vực từ Hà Tĩnh – Bình Định có 34 vị trí đê điều xung yếu (Quảng Bình : 11 ; Quảng Trị : 7 ; Huế : 04 ; Quảng Nam : 11; Bình Định : 01).
- Có 14 công trình đang thi công dở dang (Quảng Trị : 06 ; Thừa Thiên Huế : 03 ; Đà Nẵng 01 ; Quảng Nam 01 ; Quảng Ngãi 03).
Tuệ Khanh
Hoa Kỳ bàn giao Trung tâm Huấn luyện cho Cảnh Sát Biển Việt Nam
RFA, 19/04/2021
Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng tư bàn giao một trung tâm huấn luyện, một xưởng duy tu- bảo trì và một cơ sở hạ tầng cảng cho Cảnh Sát Biển Việt Nam. Mạng VnExpress phiên bản tiếng Anh loan tin vừa nêu vào ngày 18 tháng tư.
Tổng Lãnh sự Marie Damour và Tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam Nguyễn Văn Sơn ký biên bản bàn giao ngày 9/4/2021 - FB Đại sứ quán Mỹ
Theo VnExpress, đây là một mốc quan trọng nữa trong mối quan hệ ngày càng thắt chặt hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cả ba hạng mục vừa nêu nằm trong một dự án lớn do phía Mỹ tài trợ.
Buổi lể bàn giao được tiến hành tại tỉnh Khánh Hòa với sự hiện diện của bà Marie C. Damour, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho Chính phủ Mỹ ; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam.
Người đại diện cho phía Việt Nam tại buổi lễ cho rằng những cơ sở mới được bàn giao giúp Cảnh Sát Biển Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Vào năm 2017, Cơ quan Tuần Duyên Hoa Kỳ bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam tàu tuần tra USCGC Morgenthau lớp Hamilton và được đổi thành tàu CSB 8020.
Đến năm 2019, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam bàn giao sáu xuồng Metal Shark cho Cảnh Sát Biển Việt Nam tại Vùng III, tỉnh Khánh Hòa. Sáu xuồng này nằm trong số 24 xuồng tuần tra tốc độc cao mà Mỹ cung cấp cho Việt Nam. Những chiếc Metal Shark cuối cùng được giao cho phía Việt Nam vào tháng 5 năm 2020.
Hiện phía Hoa Kỳ cũng đang cho sơn và tháo gỡ một số vũ khí trên tàu USCGS John Midgett. Đây là một tàu tuần tra lớp Hamilton khác đã loại biên của Mỹ, để sớm bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam.
**********************
Mỹ hỗ trợ Việt Nam phần mềm SeaVision để bảo vệ chủ quyền quốc gia
VOA, 16/04/2021
Hoa Kỳ vừa hoàn tất khóa huấn luyện cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để sử dụng công cụ SeaVision giúp nhận biết tình hình trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 12-16/4 tại thành phố Quy Nhơn.
Hoa Kỳ tổ chức khóa tập huấn sử dụng phần mềm Seavision tại Quy nhơn, ngày 12-16/4/2021. Photo US Embassy Hanoi.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thông báo : "Trong tuần này tại thành phố Quy Nhơn, Văn phòng Hợp tác quốc phòng và Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tài trợ khóa tập huấn trực tuyến về sử dụng SeaVision cho các cơ quan hàng hải khác nhau gồm Cục Hàng hải Việt Nam (VINAMARINE), Cảng vụ các tỉnh, thành phố, các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư".
"SeaVision là một công cụ dựa trên trang web về nhận biết tình hình trên biển nhằm giúp các cơ quan hàng hải tạo thuận lợi cho thương mại, đấu tranh chống buôn lậu, chống đánh bắt cá trái phép, thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, gìn giữ môi trường và bảo vệ chủ quyền quốc gia", Đại sứ quán cho biết.
Khóa tập huấn SeaVision. Photo US Embassy Hanoi
SeaVision do Bộ Giao thông Hoa Kỳ phát triển và hiện đang được sử dụng bởi nhiều quốc gia, trong đó có các nước thành viên ASEAN như Philippines, Malaysia và Indonesia.
"Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh và an toàn hàng hải của Việt Nam qua việc cung cấp đào tạo, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng", Đại sứ quán cho biết thêm.
Vào tháng 11/2019, một khóa tập huấn tương tự tại Hà Nội đã được các giảng viên của Trung tâm Tác chiến thông tin Hải quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương (U.S. Naval Information Warfare Center Pacific - NIWC) thực hiện cho 16 học viên đến từ các cơ quan hàng hải khác nhau của Việt Nam, trong nỗ lực "thể hiện cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ một nước Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng".
Việt Nam áp dụng luật cho phép cảnh sát biển hoạt động bên ngoài lãnh hải (VOA, 02/07/2019)
Luật Cảnh sát biển vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 cho phép lực lượng chấp pháp của Việt Nam "truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển" và được quyền hoạt động "ngoài vùng biển Việt Nam".
Luật mới cho phép cảnh sát biển Việt Nam truy đuổi tàu thuyền trên biển trong trường hợp vi phạm chủ quyền.
Trả lời TTXVN, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết đây là quy định mới, khắc phục được những bất cập của hệ thống luật pháp hiện hành và rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008.
Theo đó, khoản 2, Điều 11 của luật mới quy định "Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam".
Luật cũng cho phép cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong trường hợp tàu thuyền vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của cảnh sát biển; hay khi thực hiện hợp tác quốc tế trong việc truy đuổi.
Ngoài ra, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam còn có quyền huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật quân sự trong các trường hợp khẩn cấp, trong đó có tình huống khẩn cấp cần bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật.
Với tình hình tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng trên Biển Đông, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, vốn đã được áp dụng 20 năm qua, được xem là có quá nhiều bất cập khi không quy định chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cho lực lượng cảnh sát biển, cũng không có quy định về việc phối hợp giữa lực lượng này với các lực lượng khác như hải quân, kiểm ngư, biên phòng, dân quân tự vệ… khi cần thiết, không quy định về phạm vi hoạt động của cảnh sát biển bên ngoài vùng biển Việt Nam.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, Việt Nam hiện đang âm thầm thúc đẩy tăng cường lực lượng "dân quân" trong ngư dân bằng các sử dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước nằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc, mặc dù trên bình diện ngoại giao chính thức, cả hai phía đều đề cập đến việc hạ giảm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền.
Tin cho hay lực lượng "dân quân hàng hải" của Việt Nam đã bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2009, khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Dân quân tự vệ cho phép lực lượng này hộ tống các đội tàu đánh cá của Việt Nam.
Theo một nghiên cứu của các học giả Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, hiện có 13 trung đội dân quân hàng hải đang giúp đỡ cho hơn 3.000 ngư dân ở Đà Nẵng trong các hoạt động đánh bắt cá ở Hoàng Sa, và hơn 10.000 ngư dân với khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa đã được trang bị máy bộ đàm, ống nhòm nhìn xuyên đêm bằng tia hồng ngoại...
********************
Campuchia bắn ngư dân Việt đánh bắt bất hợp pháp (VOA, 02/07/2019)
Cảnh sát tỉnh Prey Veng của Campuchia cho biết đã nổ súng vào một nhóm 6 ngư dân Việt Nam đang đánh bắt bất hợp pháp, làm một người bị thương, khi những người này cố đâm vào tàu tuần tra của cảnh sát.
Cuộc sống của nhiều người Việt tại Campuchia rất bấp bênh vì trở ngại pháp lý và kinh tế.
Khmer Times dẫn lời Đại tá Kim Salouth, Cảnh sát trưởng chống tội phạm kinh tế của tỉnh Prey Veng, cho biết trong lúc đi tuần tra trong đợt trấn áp tội phạm đánh bắt cá bất hợp pháp vào tối 28/6, cảnh sát tỉnh đã phát hiện nhóm người Việt trên 3 chiếc tàu đang đánh bắt cá trong khu vực cấm dọc theo sông Mê Kông.
Theo lời Cảnh sát trưởng Salouth, khi cảnh sát xông tới, nhóm ngư dân đã tìm cách thoát thân bằng cách cố đâm vào tàu của cảnh sát và dùng dao, búa tấn công họ.
"Chúng tôi buộc phải bắn chỉ thiên và bắn xuống nước, nhưng không may trúng họ", Cảnh sát trưởng Salouth nói với Khmer Times.
Theo Phnom Penh Post, cảnh sát Campuchia đã bắn tổng cộng 27 phát đạn, và 1 trong 6 ngư dân bị trúng đạn vào chân.
Đại tá Kim Salouth xác nhận người bị thương là Nguyễn Van Oc, 34 tuổi, nhưng ông không nêu tên 5 người Việt còn lại.
Báo Pnom Penh Post cho hay ngư dân bị thương là người Việt cư ngụ tại làng Kampong Chamlong, đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh.
5 ngư dân Việt còn lại, trong đó có một trẻ vị thành niên, đang bị thẩm vấn về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
******************
Cảnh sát Campuchia bắn ngư dân Việt Nam bị cho là đánh cá bất hợp pháp (RFA, 01/07/2019)
Một ngư dân Việt Nam bị thương ở chân và bị bắt giữ cùng với 5 ngư dân khác khi bị phát hiện đánh bắt cá bất hợp pháp trên lưu vực sông Mekong, ở tỉnh Prey Veng, Campuchia.
Cảnh sát tỉnh Prey Veng, Campuchia bắt giữ nhóm 6 ngư dân Việt Nam cùng 3 chiếc ghe khi đang đánh bắt tại khu vực được bảo vệ trên sông Mekong ngày 28/06/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình phnompenhpost.com
Tờ Phnompenh Post, vào ngày 1 tháng 7 loan tin vừa nêu, cho biết vụ việc xảy ra tại xã Peam Chor, quận Svay Phlos vào hôm thứ Sáu, ngày 28 tháng 6. Cảnh sát tỉnh Prey Veng được nói rằng đã bắn gần 30 phát đạn để ngăn chặn một nhóm 6 ngư dân Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp và một ngư dân đã bị trúng đạn vào đùi phải.
Giám đốc Sở Nông-Lâm-Ngư nghiệp tỉnh Prey Veng, ông Ouk Samnang vào ngày 30 tháng 6 nói với Phnompenh Post rằng người ngư dân bị trúng đạn đang đang được chữa trị ở bệnh viện và 5 ngư dân Việt Nam còn lại đang bị cảnh sát tỉnh Prey Veng thẩm vấn liên quan hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Ông Ouk Samnang nói thêm rằng ông không rõ khi nào cảnh sát tỉnh Prey Veng sẽ đưa nhóm ngư dân này ra tòa.
Trước đó vào tối ngày 28 tháng 6, ông Ouk Samnang cho Phnompenh Post biết một lực lượng chức năng liên ngành tiến hành cuộc bố ráp đánh bắt bất hợp pháp tại khu vực được bảo vệ và đã bắn 27 phát đạn vào nhóm 6 ngư dân trên 3 chiếc ghe khi những người này từ chối trả lời cảnh sát và cố tìm cách đâm tàu vào tàu của cảnh sát để thoát thân.
Ngư dân bị trúng đạn được xác định là người Việt Nam, 34 tuổi, ở làng Kampong Chamlong, quận Loeuk Dek, tỉnh Kandal.
Phải mất đến chẵn hai chục năm kể từ năm 1998 khi Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập, mất 5 năm kể từ năm 2013 khi Cục cảnh sát biển này đôn lên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trở thành cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ, câu tục ngữ đương đại "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ" mới có chút cơ hội tự sửa mình khi dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên xem xét "quyền được nổ súng bảo vệ chủ quyền" của lực lượng cảnh sát biển.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Cái bóng lờ mờ và vật vờ
Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" - theo bản dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Cũng theo bản dự thảo trên, Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp. Cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa…
Nhưng một câu hỏi mang tính tồn vong dân tộc và quá nhức nhối là vì sao trong suốt hai chục năm qua và kể cả trong 5 năm gần đây, dù đã được nâng cấp thành "bộ tư lệnh" tức tương đương với cấp quân khu và quân đoàn của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lại chẳng hề chứng minh được tác dụng hay chí ít về sự tồn tại của nó trong các hành động bảo vệ ngư dân Việt trước vô số hành động khủng bố của "đồng chí tốt" ?
Vào năm 2011 khi tàu hải giám Trung Quốc hành xử lưu manh khi thẳng tay cắt cáp tàu Bình Minh II của Việt Nam, người dân thậm chí còn không nhận ra được hình ảnh tồn tại của Cục Cảnh sát biển, cho dù các tàu của lực lượng này vẫn thường xuyên tuần tra và không ít lần để lại trong tiềm thức ngư dân một vệt nước đen đúa về tinh thần "đòi hỏi" - như một kiểu thu phí BOT đường thủy đang manh nha nổi lên và bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội.
Nhưng vào thời gian 2011, một số ý kiến quan chức vẫn nại ra ý do rằng cảnh sát biển sở dĩ chưa làm hiệu quả là do chưa có đầy đủ chức năng bảo vệ chủ quyền, và vì chưa trở thành… Bộ tư lệnh.
Thế còn từ năm 2013 đến nay và khi đã được phong hàm "tướng", Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì ?
Ba năm sau vụ Bình Minh II, nổ ra cuộc khủng hoảng Hải Dương 981 khi giàn khoan này từ Trung Quốc lao thẳng vào Biển Đông để giống như một cái tát nổ đom đóm vào thói bạc nhược chưa đánh đã chạy của điều được giới tuyên giáo xưng là "bản lĩnh Việt Nam". Nhưng một lần nữa, người ta chỉ thoáng cái bóng lờ mờ và vật vờ của cảnh sát biển Việt Nam trong sự đối sánh với dày đặc và ngạo nghễ cảnh sát biển của Bắc Kinh.
Nhưng ngay cả vụ Hải Dương 981 cũng không thể khiến "đảng và nhà nước ta" thoát khỏi cơn "ngủ ngày". Bằng chứng rõ ràng nhất là bất chấp nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc do giới đấu tranh nhân quyền và dân chúng tổ chức nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn kiên định tâm thế nín lặng. Từ năm 2014 đến nay, đã không có tối thiểu một bản nghị quyết nào của Bộ Chính trị hay của Quốc hội lên án về vụ Hải Dương 981 hay chí ít để "rửa mặt" trước những câu chuyện "nhục quốc thể" tương tự ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Đó cũng là nguồn cơn khiến căn bệnh "hải quân bám bờ" ngày càng nan y, còn lực lượng cảnh sát biển thì gần như… biến mất.
Trong tình cảnh "văn dốt võ dát" và giới quan chức Việt thân ai kẻ đó lo như thế, hải quân và tàu cá Trung Quốc có vẻ muốn làm gì thì làm.
Mất ngủ lẫn mất ăn
Các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đã đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 - thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol - liên doanh với Tây Ban Nha - ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí.
Vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam".
Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh - dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Ngãi, Quảng Nam là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách đang cạn kiệt. Nếu Repsol và Exxonmobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ.
Nhưng ngay cả sự hiện diện của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba đó đã chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc. Chiến thuật của Hà Nội mượn tàu chiến Mỹ để "hù" Trung Quốc thậm chí còn dẫn đến tác dụng ngược khi Bắc Kinh hạ lệnh cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và vài chục tàu chiến ồ ạt kéo vào Biển Đông tập trận với đích thân Tập Cận Bình làm tổng chỉ huy.
Cùng lúc, một mặt trận ngoại giao - thương mại được Trung Quốc tung ra. Cuối tháng Ba năm 2018, Ngoại trưởng Vương Nghị đến Hà Nội, gặp 3/4 "tứ trụ" của Việt Nam và nói trắng ra : "Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển".
Về thực chất, đó là tối hậu thư của Trung Quốc.
Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận "hợp tác cùng khai thác dầu khí" với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của "Hoàng đế Tập Cận Bình".
Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.
Cô đơn tuyệt đối
Tình thế của chính thể Việt Nam giờ đây là hầu như cô đơn, trái ngược với sở đoản "đa dạng hóa, đa phương hóa" mà các cơ quan tuyên giáo và giới chóp bu ra rả bất tận ở mọi nơi và vào mọi lúc.
Sự cô đơn đó thực ra đã trở thành tuyệt đối vào năm 2014 trong vụ Hải Dương 981. Khi đó, đã không một nước nào trong số một chục "đối tác chiến lược" của Việt Nam thèm quan tâm hay tiếp ứng cho giới chóp bu Hà Nội, để mặc tinh thần kiêu ngạo cộng sản phải đối diện với một tinh thần cộng sản kiêu ngạo hơn hẳn là "đối tác chiến lược lớn nhất và quan trọng của Việt Nam" - Trung Quốc.
Còn đến đầu năm 2018, Việt Nam thậm chí còn nâng số lượng "đối tác chiến lược" lên chẵn một tá - bao gồm cả hai "tân binh" là Úc và Ấn Độ. Nhưng như tục ngữ "mèo vẫn hoàn mèo", vẫn chẳng có gì đổi dời về tâm thế cô đơn chính trị và quân sự.
Để đến lúc này, trong tình cảnh đã "ngửi" thấy cái hơi của một cuộc "chiến tranh dầu khí" trong tương lai giữa "hai đảng anh em", giới chóp bu Hà nội mới bắt buộc phải suy tính về "quyền được nổ súng" dành cho đội quân có vẻ chưa bao giờ biết bắn súng - lực lượng cảnh sát biển.
Nhưng cho dù vào cuối năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có được chính thức thông qua chăng nữa, chẳng mấy người dân dám tin rằng với "truyền thống bám bờ" trong quá nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát biển sẽ có một hành động thực chất nào để cứu vớt cảnh bị hành hung và bị bắn giết của ngư dân Việt. Thậm chí, ngay cả khi nhiệm vụ duy nhất của cảnh sát biển là bảo vệ các lô dầu khí được Việt Nam phải lao vào khai thác theo cách không còn cách nào khác, cũng chẳng có hy vọng gì để lực lượng này dám "nổ súng" khi bị tàu Trung Quốc vây bọc và đe dọa - điều mà một "nước nhỏ" là Hải quân Philippines đã làm nhiều lần từ năm 2014, thậm chí còn bắt giữ hàng trăm ngư dân Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt cá trái phép và đưa ra xử tù mà Bắc Kinh chẳng dám có phản ứng mạnh nào.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/04/2018
"Cảnh sát biển Việt Nam sẽ chiến đấu bảo vệ ngư dân" là tựa đề được đặt trong trạng thái có vẻ quá hưng phấn và mang tính cường điệu cao của một tờ báo nhà nước khi xuất hiện dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Namvào tháng Tư năm 2018.
Tàu vỏ sắt Trung Quốc to lớn đang cố tình đâm tàu cá ngư dân Việt Nam, còn Cảnh sát biển Việt Nam… biến mất (Ảnh do ngư dân cung cấp-RFA)
Theo bản dự thảo này, "Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Cũng theo bản dự thảo trên, Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp. Cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa…
Vậy từ năm 2013 đến nay và khi đã được phong hàm "tướng" ngang với cấp quân khu và quân đoàn, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân Việt trước vô số hành động khủng bố của "đồng chí tốt" ?
Trong vụ Hải Dương 981, bằng chứng rõ ràng nhất là bất chấp nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc do giới đấu tranh nhân quyền và dân chúng tổ chức nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn kiên định tâm thế nín lặng. Từ năm 2014 đến nay, đã không có tối thiểu một bản nghị quyết nào của Bộ Chính trị hay của Quốc hội lên án về vụ Hải Dương 981 hay chí ít để "rửa mặt" trước những câu chuyện "nhục quốc thể" tương tự ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Đó cũng là nguồn cơn khiến căn bệnh "hải quân bám bờ" ngày càng nan y, còn lực lượng cảnh sát biển thì gần như… biến mất.
Trong tình cảnh "văn dốt võ dát" và giới quan chức Việt thân ai kẻ đó lo như thế, hải quân và tàu cá Trung Quốc có vẻ muốn làm gì thì làm.
Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì từ cuối năm 2015, "đám người lạ" đã nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết ngư dân. Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị "tàu lạ" dùng súng AK bắn chết vào tháng 11/2015 là một minh chứng quá đau đớn.
Đến năm 2017, quan hệ Việt - Trung được "cải thiện" thấy rõ. Ngư dân nhiều địa phương lâm vào cảnh "tuẫn tiết". Trong đó, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.
Từ năm 2011, 2012 đến nay, đã chẳng có một cái chết nào của ngư dân Việt được nhà chức trách Việt Nam điều tra làm rõ và công bố cho người dân biết. Hầu hết đều "chìm xuồng".
Vào đầu tháng Tư năm 2018, thêm một tàu ngư dân ở Nghệ An đã bị "tàu lạ" đâm chìm khiến 21 thuyền viên suýt chết. Nhưng một lần nữa trong vô số lần, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã không có một động tác rõ ràng và minh bạch nào để điều tra thủ phạm bách hại ngư dân nước mình.
Một phóng sự của đài RFA Việt ngữ vào tháng Tư năm 2018 cho biết không ít ngư dân nói rằng họ cứ mặc cho sự may rủi trong mỗi lần ra khơi kiếm sống, do hiện tại họ phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", vì ngư dân Việt bị uy hiếp, bị cướp bóc và đánh đập trên ngư trường Việt Nam là chuyện xảy ra như cơm bữa, nhưng Cảnh sát biển Việt Nam chẳng làm gì để bảo vệ được cho họ ; còn tàu Hải cảnh Việt Nam thì thỉnh thoảng cặp theo tàu cá để xin tiền và hải sản ăn nhậu, chứ hiếm khi xuất hiện vào lúc tàu cá đánh tín hiệu cầu cứu, như một ngư dân chia sẻ : "Ảnh hưởng nói chung là mọi mặt. Bây giờ dân không biết nói sao hết. Đường nào ngư dân cũng phải gánh hết"…
Còn "Hải quân nhân dân Việt Nam" của một quan đội tiêu xài đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đóng thuế hàng năm của dân thì sao ?
Về mặt lực lượng, Hải quân Việt Nam không phải là "nghèo". Trong vài năm qua, Mỹ đã trao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra để giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát và bảo vệ hàng hải của mình. Nhật Bản cũng đã cung cấp sáu tàu tuần tra đã qua sử dụng và hứa cấp thêm sáu tàu mới.
Nhưng vào năm 2015, một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải Đội hai - Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị còn được "nổi tiếng" trên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được "rút kinh nghiệm", nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.
Vậy vì sao trong tình cảnh rệu rã quân sự như thế, chính thể Việt Nam lại muốn cho cảnh sát biển có "quyền được nổ súng bảo vệ chủ quyền" ?
Vì ngư dân chăng ?
Thực trạng từ nhiều năm qua đã không một cái chết nào của ngư dân, cũng không một vụ ngư dân bị hành hung nào được "điều tra làm rõ" đã cho thấy Bộ Quốc phòng, Hải quân và lực lượng cảnh sát biển đã cực kỳ vô trách nhiệm trước đồng bào mình.
Cho dù vào cuối năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có được chính thức thông qua chăng nữa, chẳng mấy người dân dám tin rằng với "truyền thống bám bờ" trong quá nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát biển sẽ có một hành động thực chất nào để cứu vớt cảnh bị hành hung và bị bắn giết của ngư dân Việt.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 12/04/2018
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì về gần 700 ngư dân được trả về ? (BBC, 11/06/2017)
Trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ "có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp" và "không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác".
Hàng trăm ngư dân Việt Nam chờ được hồi hương tại Batam, quần đảo Riau, Indonesia, hôm 9/6
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay dự kiến số ngư dân nêu trên sẽ về đến Việt Nam ngày 12/6.
Trước đó, truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
Tờ Jakarta Post hôm 9/6 cho hay, Chính phủ Indonesia bác việc hồi hương này là một phần của trao đổi với Việt Nam, nhằm thả các thuyền viên của một tàu tuần tra hàng hải của Indonesia mà báo này nói rằng đã bị Việt Nam "giữ làm con tin" sau vụ đụng độ trên biển hôm 21/5.
Eko Djalmo Asmadi, Tổng giám đốc Cơ quan Giám sát Ngư nghiệp và Tài nguyên Biển Indonesia (PSDKP) được báo này dẫn lời : "Việc hồi hương ngư dân Việt Nam hoàn toàn là sáng kiến của Indonesia vì chi phí ăn ở cho những người bị giam giữ quá lớn".
Quan chức này cũng cho hay sau đợt trao trả này vẫn còn 198 ngư dân Việt Nam đang bị giam ở Batam vì họ phải trải qua quá trình pháp lý sau khi bị buộc tội đánh bắt cá bất hợp pháp.
Một số ngư dân đã bị giam giữ trong hai năm.
Báo Indonesia cáo buộc tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8005 đâm chìm tàu cá Việt Nam đang bị nhà chức trách Indonesia lai dắt về căn cứ
'Đối xử nhân đạo'
Hôm 11/6, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời BBC qua email : "Liên quan đến vấn đề ngư dân bị các nước, trong đó có Indonesia bắt giữ, qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại xác minh rõ những thông tin liên quan, có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp".
"Đồng thời, chúng tôi luôn đề nghị các nước khi xử lý ngư dân Việt Nam được xác định là vi phạm cần dựa trên tinh thần đối xử nhân đạo".
"Việt Nam không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác được xác lập phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác phối hợp với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này".
Bà Hằng không trả lời câu hỏi của BBC : "Phải chăng do ngư trường truyền thống cạn kiệt và do lệnh cấm đánh cá hàng năm của Trung Quốc nên khiến ngư dân Việt Nam phải tìm cách vào ngư trường các nước khác ?"
Trước đó, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia nói các tàu cá Việt Nam bị chặn ở khu vực gần quần đảo Natuna của Indonesia, trong lúc Hà Nội nói các ngư dân đang trong vùng biển Việt Nam vào thời điểm xảy ra đụng độ hôm 21/5, Straits Times tường thuật.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia tuyên bố Việt Nam cầm giữ một viên chức Indonesia trong khi phía Indonesia bắt giữ 11 ngư dân người Việt mà họ nói là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh đã tuyên bố lệnh cấm đánh bắt kéo dài ba tháng, từ ngày 1/5, dài hơn 30 ngày so với năm trước, đồng thời hạn chế nhiều phương cách đánh bắt cá.
Lệnh cấm áp dụng ở Biển Đông, khu vực trên vĩ tuyến 12 dọc theo phía bắc đường xích đạo. Việt Nam, Đài Loan và Philippines tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực cấm đánh bắt.
Hồi tháng 5/2017, truyền thông Việt Nam đưa tin Bộ Nông nghiệp Việt Nam "đã gửi văn bản động viên ngư dân bám biển".
"Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị", theo báo Zing hôm 10/5.
*********************
Tàu cảnh sát biển đưa ngư phủ Việt về nước (VOA, 11/06/2017)
Hai tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hôm 11/6 đã đưa 695 ngư dân Việt Nam cập cảng ở thành phố Vũng Tàu.
Một tàu của cảnh sát biển Việt Nam trong một cuộc "vờn nhau" với tàu Trung Quốc năm 2014.
Nhiều cơ quan của Việt Nam, trong đó có đại diện Bộ Ngoại giao, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, đón gần 700 ngư phủ mới được Indonesia phóng thích trong đợt trao trả những người đánh bắt trái phép lớn nhất từ trước tới nay của nước này.
Theo VNA, hai tàu của cảnh sát biển Vùng 3 ở Vũng Tàu đã đưa hai tàu CSB 8001 và CSB 8005 sang quốc gia có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất Đông Nam Á để đón các ngư dân Việt, và hai tàu đã khởi hành từ trưa ngày 9/6.
695 ngư dân trên đi đánh bắt trên 100 tàu từng bị Indonesia bắt tại vùng mà cơ quan chấp pháp nước này nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Họ là ngư phủ của 9 tỉnh Bà Rịa - VũngTàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Một tàu cá đánh bắt trái phép bị Indonesia phá hủy.
Jakarta Post dẫn lời một quan chức địa phương cho biết rằng việc trao trả ngày 9/6 là "sáng kiến" của Indonesia vì "chi phí ăn ở cho những người bị bắt quá lớn".
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn một nghìn ngư dân Việt Nam được đưa về nước.
Indonesia từng đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có nhiều tàu Việt Nam, để cảnh cáo, nhưng theo chính quyền Jakarta, vẫn có nhiều tàu của ngư dân Việt Nam tới đánh bắt trái phép.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ trước đây, đại diện Hội nghề cá Việt Nam từng phản bác quan điểm cho rằng ngư dân Việt Nam phải "dạt" khỏi ngư trường truyền thống ở Biển Đông vì Trung Quốc.
*****************
Indonesia phóng thích hàng trăm ngư dân Việt (VOA, 10/06/2017)
Tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hôm 9/6 đã có mặt ở Indonesia để đón về nước 695 ngư dân bị bắt và kết án nhiều năm qua vì đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải nước này.
Nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có của ngư dân Việt Nam, bị phá hủy vì bị cáo buộc đánh bắt trái phép ở Indonesia.
Theo Jakarta Post, đây là đợt trao trả ngư dân nước ngoài lớn nhất mà Indonesia từng thực hiện, theo một thỏa thuận đã ký trước đó với Việt Nam.
Tờ này đưa tin rằng chính phủ Indonesia bác bỏ thông tin cho rằng việc hồi hương quy mô lớn này là một phần của cuộc trao đổi với Việt Nam, theo đó Hà Nội sẽ thả các thuyền viên của một tàu tuần tra hàng hải của Indonesia mà tờ báo nói đã bị Việt Nam "bắt cóc" sau cuộc đụng độ với một tàu tuần duyên Việt Nam hôm 21/5.
Jakarta Post dẫn lời một quan chức cho biết rằng việc trao trả này là "sáng kiến" của Indonesia vì "chi phí ăn ở cho những người bị bắt quá lớn".
Ngư dân Việt Nam được Philippines thả cuối năm 2016.
Tin cho hay, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đã tới tham dự buổi lễ trả người.
Theo báo Dân Trí, trước đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Jakarta đã "đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt, trao trả tài sản và sớm thả họ vì lý do nhân đạo, đồng thời phối hợp và đề nghị cơ quan chức năng trong nước sớm hoàn tất các thủ tục để đưa ngư dân về nước".
Hai, ba năm trở lại đây, Indonesia đã đánh chìm nhiều tàu cá nước ngoài, trong đó có tàu của Việt Nam, với tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng tài nguyên biển của nước này.
Không chỉ Indonesia, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.