Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/03/2017

Áp lực "nhân quyền" không còn tác dụng ?

Mặc Lâm

Sau nhiều năm hứa hẹn cải thiện "nhân quyền", Hà Nội vẫn không có một chuyển biến gì khá hơn ngoại trừ tiếp tục hứa với các định chế quốc tế khi bị áp lực.

apluc1

Chủ tịch Tiểu ban của Nghị viện Châu Âu về Nhân Quyền Antonio Panzeri nói trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 23 tháng hai năm 2017. AFP photo

Sau khi Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu gặp mặt một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam vào ngày 23 tháng Hai để tìm hiểu về nhân quyền thì Hà Nội phản ứng bằng cách sử dụng bạo lực với một số người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền khắp nơi.

Liên kết nhân quyền vào thương mại

Vào ngày 23 tháng Hai, đại diện cho 11 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam trong khi trao đổi với phái đoàn EU thì vấn đề nhân quyền là ưu tiên hàng đầu, trong đó nhấn mạnh tới các hành vi trấn áp, đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ hay ngăn cản mà nhà cầm quyền đang vi phạm khi áp dụng với các nhóm xã hội dân sự hay cá nhân trên khắp đất nước Việt Nam.

Anh Nguyễn Chí Tuyến, người tham gia cuộc gặp mặt phái đoàn EU cho biết thái độ của Tiểu ban Nhân quyền của Nghị Viện EU như sau :

Một là họ lắng nghe những ý kiến và đặc biệt là những khuyến nghị của các nhà hoạt động xã hội dân sự, những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, tức là những tiếng nói khác với nhà cầm quyền, họ rất chú ý những khuyến nghị đó và họ nói là sẽ mang những tài liệu của chúng tôi trao cho họ và họ sẽ làm việc với chính quyền Việt Nam cũng như với Nghị viện EU để trước khi hiệp định thương mại song phương này được phê chuẩn.

Đây là chuyến đi thực tế trước khi Nghị viện Châu Âu có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (FTA) và vì vậy những biến chuyển về nhân quyền có yếu tố quyết định rất rõ ràng, tuy nhiên chính quyền Việt Nam càm thấy không cần thiết để tôn trọng, dù chỉ là đóng kịch như mọi lần trước đây sau khi phái đoàn trở về nước.

Bản tuyên bố đánh giá về nhân quyền trong 5 năm qua vừa được gửi đi thì chính quyền gần như lập tức có phản hồi một cách "tích cực" qua việc hành hung và giam lỏng những người hoạt động cho nhân quyền Việt Nam.

Chỉ bốn ngày sau khi EU gặp gỡ các tổ chức xã hội dân sự, tối 27 tháng 2 Mục sư Nguyễn Trung Tôn và anh Nguyễn Viết Tứ bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc tại ngã tư Ba Đồn-Quảng Bình đưa lên núi Hương Khê và đánh đập họ một cách dã man. Sau đó bọn chúng bỏ hai người lại tại bìa rừng thuộc khu vực Hương Khê.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho chúng tôi biết sự việc như sau :

"Chiều hôm qua (27/02) tôi cùng với hai người bạn đi đến Ba Đồn gần giáo xứ Cồn Sẻ. Chúng tôi xuống xe định bắt xe ôm vào Cồn Sẻ thì có một chiếc xe 7 chỗ họ tắp vào, họ mở cửa sẵn họ đấm vào mặt vào người chúng tôi. Họ lấy đồ họ trùm mặt và lôi chúng tôi lên xe. Họ đánh chúng tôi suốt từ 9 giờ 30 tối cho tới 1 giờ sáng ngày hôm nay. Họ đem chúng tôi vào một khu rừng vắng thuộc Thanh Hà, Hà Tĩnh họ vất chúng tôi trần truồng trong đấy họ lột hết nhẫn đồng hồ, quần áo tư trang tiền bạc. Họ lột chúng tôi lõa lồ họ trói chúng tôi và bỏ ngoài đường.

Lúc ấy người đi làm cao su gia đình họ ở đấy họ nghe được họ giúp dìu chúng tôi vào một căn nhà hoang, họ cũng giúp tiền thuê một chiếc taxi chở về. Tôi và người bạn đi chiếu chụp thì không gãy xương nhưng cơ thì bị dập. Cả chân tay phải của tôi đều không cử động được".

Sách nhiễu người bất đồng chính kiến

apluc2

Đại diện các tổ chức xã hội dân sự gặp phái đoàn EU. Photo courtesy of basamnews.info

Trong khi đó người nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải, cũng không thoát sự sách nhiễu khó hiểu của an ninh Việt Nam, kể với chúng tôi về việc cụ bị giam trong nhà của mình vào ngày 27 tháng Hai như sau :

"Hôm kia khi tôi xuống nhà thì có bảo vệ đứng chặn tôi lại. Tôi mới hỏi bây giờ chúng mày chặn tao vì lý do gì thì chúng bảo thôi ông lên nhà đi ! Tôi điên tiết tôi vẫn xuống tận tầng trệt mở khóa ra thì mới biết là chúng đã khóa cửa của tôi ở bên ngoài không cho tôi ra. Tôi hét lên và tìm mọi cách đứng ở balcon cố nhìn ra thì thấy 4-5 an ninh quen mặt đang lố nhố ở đấy. Vì chúng khóa cửa không còn cách nào cả tôi gọi điện cho công an khu vực thì công an khu vực không nhận điện.

Xã hội này nó quá chừng độc tài phát xít, quá chừng là thối nát, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn như thế này. Tôi có tội gì thì chúng đến đọc lệnh bắt đi, bỏ tao vào tù hay ra tòa tại sao chúng mày trắng trợn ngăn cản tao thế này ?".

Một ngày sau khi hành hung mục sư Nguyễn Trung Tôn, mục tiêu kế tiếp là vợ chồng anh chị Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên, lúc 18 giờ 30 phút ngày 28 tháng Hai, an ninh Hải Phòng đã tấn công hai vợ chồng anh Tú trước nhà của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Phạm Thanh Nghiên kể lại :

"Khi tôi từ Sài Gòn về Hải Phòng để lo chuyện gia đình thì có ghé thăm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau đó chúng tôi ra về và trong khi đón taxi về nhà, chồng tôi ra xe trước thì lúc ấy có một tên lạ mặt, đeo khẩu trang bịt kín mặt, thân hình khá cao lớn từ bên kia đường cầm cây gậy rất dài đi qua vụt cây gậy thẳng vào đầu chồng tôi. Rất là may chồng tôi bước vào xe nên cây gậy vụt trượt vào thành xe và vướng vào vai chồng tôi. Ngay lúc đó, đang mãi định hình sự việc, chồng tôi không thấy đau nhưng khi về nhà thì vết thương đỏ lên bên vai và chồng tôi thấy rất đau".

Những động thái hành hung, sách nhiễu người bất đồng chính kiến sau khi một phái đoàn nhân quyền quan trọng của EU sang thăm Việt Nam đã gây bất ngờ cho nhiều người. Nhiều nhà bất đồng chính kiến cho rằng Việt Nam không còn xem nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong những hiệp ước thương mại hay các trợ giúp nhân đạo nữa. Và có lẽ sức ép nhân quyền không còn đủ lớn để gây áp lực cho Hà Nội trong các chuẩn mực mà Việt Nam cần theo để đánh đổi quyền lợi cụ thể cho quốc gia.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nguồn : RFA, 02/03/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mặc Lâm
Read 806 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)