Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2018

Đảng Cộng sản Việt Nam tự diễn biến, tự chuyển hóa như thế nào ?

Nguyễn Tường Thụy

Hai mươi ngày sau khi Giáo sư Chu Hảo tuyên bố ra khỏi đảng, Đảng cộng sản Việt Nam còn chạy theo để khai trừ vuốt đuôi. Việc khai trừ một người không còn là đảng viên nữa là chủ đề của những câu chuyện đàm tiếu ngoài vỉa hè và cả trên báo chí. "Tội" của Giáo sư Chu Hảo, theo Ủy ban Kiểm tra trung ương là "suy thoái về tư tưởng chính trị", "tự diễn biến, tự chuyển hóa".

chuyen0

Theo phép duy vật biện chứng của Marx thì mỗi sự vật hiện tượng đều có sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập… Chuyển hóa và diễn biến là biểu hiện của sự vận động thúc đẩy các sự vật hiện tượng phát triển.

Ai cũng biết ông Nguyễn Phú Trọng có bằng Tiến sĩ xây dựng Đảng. Có vẻ như ông rất tự hào về trình độ lý luận của mình. Ông thường đề cao lý luận và những người có lý luận. Nghe đâu, người đặt ra tiêu chuẩn bí thư "phải là người có lý luận và phải là người miền bắc" là do ông đưa ra và người đủ tiêu chuẩn ấy còn ai xứng ngoài ông.

Có thể nói ông Nguyễn Phú Trọng luôn tỏ ra là người kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin nhất Việt Nam. Lúc nào ông cũng lo đảng viên đi chệch hướng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, những cụm từ như "suy thoái", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần kể cả những lúc họp hành, xuống cơ sở hay tiếp xúc với cử tri.

Có điều lạ là mặc dù bằng cấp chính trị cao như vậy nhưng ông nói và đảng của ông làm nhiều khi lại mâu thuẫn với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Ở đây nói về việc ông chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Theo phép duy vật biện chứng thì mỗi sự vật hiện tượng đều có sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Sự thống nhất và đấu tranh đó là nguồn gốc của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi cái mới ra đời. Chuyển hóa và diễn biến là biểu hiện của sự vận động thúc đẩy các sự vật hiện tượng phát triển.

Vì vậy, không thể hiểu được Đảng cộng sản Việt Nam vừa lấy chủ nghĩa Mác -Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, lại vừa chống chuyển hóa, chống diễn biến.

Nói thì vậy nhưng thực tế họ chống là chống đảng viên xa rời đảng, đưa ra những luận điểm, ủng hộ những nhân tố phù hợp với sự phát triển. Còn đảng vẫn tự cho mình quyền diễn biến, chuyển hóa. Mà đảng là ai khác, nếu không phải là những đảng viên cụ thể ? Có điều, những đảng viên cụ thể ấy là những đảng viên có quyền và có thể lái đất nước theo con đường phù hợp với lợi ích cá nhân của họ.

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không diễn biến, không chuyển hóa chắc chắn đã không thể tồn tại.

Vậy Đảng cộng sản Việt Nam đã tự diễn biến, chuyển hóa như thế nào ?

Thời kỳ 1986 trở về trước, Đảng cộng sản Việt Nam trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin tới mức mù quáng. Họ kịch liệt lên án chủ nghĩa xét lại, đứng về phía Trung Quốc phê phán Liên Xô, mặc dù họ coi Liên Xô là trung tâm phe xã hội chủ nghĩa, coi Đảng cộng sản Liên Xô là cầm đầu phong trào cộng sản quốc tế. Họ lên án chủ trương chung sống hòa bình của Khrushchyov, cho Liên Xô là mơ hồ về lập trường giai cấp, là phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin. Vụ án xét lại chống đảng năm 1967 là một vụ án bi thảm trong lịch sử Đảng, bắt giam không xét xử nhiều đảng viên cộng sản mà chủ yếu là đảng viên cao cấp.

Tuy nhiên, việc áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng bộc lộ những khiếm khuyết và sai lầm. Trong lĩnh vực kinh tế, mô hình quản lý chủ nghĩa xã hội đã triệt tiêu động lực sản xuất và làm lực lượng sản xuất không thể phát triển. Tại Việt Nam cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1986 đã đưa đất nước đến bờ vực thẳm. Để cứu nguy, Đảng cộng sản Việt Nam đã có những diễn biến, chuyển hóa, ngược lại với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Cụ thể là :

- Xóa bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, tuy vẫn gắn cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, cho hàng hóa lưu thông.

- Giải tán hợp tác xã, chia ruộng đất cho nông dân.

- Giảm hẳn tỉ trọng doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân, để kinh tế tư nhân phát triển lấn át kinh tế quốc doanh.

- Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp tự túc, chuyển hóa thành chấp nhận đầu tư nước ngoài.

- Chấp nhận kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí cho phép đảng viên kinh doanh. Điều này có nghĩa là không có cái gọi là bóc lột giá trị thặng dư, trong khi các nhà lý luận coi giá trị thặng dư là phát hiện thiên tài của Mác.

- Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ về chính sách đối ngoại. Hội nghị Thành Đô đã khiến cho Việt Nam lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Đó là một sự chuyển hóa, diễn biến tiêu cực, có hại cho toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và tương lai của dân tộc. Từ chỗ coi Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất, "chuyển hóa" thành láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.

Nêu ra vài ví dụ để thấy rằng, Đảng cộng sản Việt Nam miệng thì hô hào chống chuyển hóa, chống diễn biến nhưng thực chất họ đã tự chuyển hóa, tự diễn biến. Những gì họ giữ lại là nhằm đảm bảo cho sự thống trị của họ mà thôi. Đó là độc quyền lãnh đạo, sử dụng chuyên chính để đàn áp nhân quyền. Về kinh tế thì giữ lại cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa để dễ bề thao túng nền kinh tế.

Mọi sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm kéo dài sự tồn tại của họ chứ không hẳn theo xu hướng phát triển chung của nhân loại. Nếu vì lợi ích của đất nước, của dân tộc thì họ đã vứt hẳn chủ nghĩa Mác-Lênin vào sọt rác.

Nhìn vào quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa, thấy có những vấn đề được đặt ra từ lâu nhưng bị coi là sai lầm, tự diễn biến, tự chuyển hóa và người nêu ra và phổ biến bị kỷ luật hoặc không được tin dùng. Ví dụ Kim Ngọc và vấn đề sửa sai trong hợp tác hóa nông nghiệp. Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ai mà đứng ra đường hô Trung Quốc là đồng chí tốt, bạn bè tốt chắc chắn sẽ bị lôi vào đồn thẩm vấn. Cũng thời gian đó, ai hô Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì không sao nhưng sau này, các bạn trẻ viết, dán chữ "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam" ở nơi công cộng xong phải bỏ chạy vì sợ bị truy lùng. Dựng bia chiến thắng khi đó thì không sao nhưng sau này phải đục bỏ.

Vì vậy, trong dân gian mới có câu "sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng". Câu đúc kết ấy rất chính xác khi nói về những thay đổi bất thường của Đảng cộng sản Việt Nam.

Bây giờ, những phát ngôn và việc làm của Giáo sư Chu Hảo bị coi là tự chuyển hóa, tự diễn biến, nhưng rồi sẽ có lúc họ sẽ phải thừa nhận, như ông Kim Ngọc với tội khoán nông nghiệp trước đây. Tư tưởng, quan điểm của những người bị coi là suy thoái như Giáo sư Chu Hảo, trước nữa là các ông Trần Xuân Bách, Trần Độ, Võ Văn Kiệt... và ngày nay là những tù nhân lương tâm, những người hoạt động dân chủ, nhân quyền bị coi là phản động, tất cả là vì sự phát triển của đất nước. Nó khác với sự tự chuyển hóa, tự diễn biến của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vì lợi ích của họ.

Bây giờ, nói đến đa nguyên, tam quyền phân lập, dân chủ, nhân quyền là những điều húy kỵ, nhưng rồi sẽ đến lúc xã hội coi đó là điều đương nhiên. Biết làm sao, khi đó là sự phát triển tự nhiên và tất yếu của loài người văn minh mà thế lực nào muốn kéo lùi xã hội trở về thời kỳ mông muội chỉ là sự cố gắng trong tuyệt vọng.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 06/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 858 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)