Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/12/2018

Kinh tế Việt Nam sẽ vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Thảo Vy

Trong 11 nước CPTPP chỉ có Việt Nam là phát triển theo hướng "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", các nước còn lại đều theo chủ nghĩa tư bản.

xhcn1

Kinh tế Việt Nam sẽ vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa ? Ảnh minh họa

Ngày 5/12, tại kỳ họp thứ 12, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khoá IX đã bỏ phiếu tín nhiệm 30 chức danh do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bầu theo hình thức bỏ phiếu kín với ba mức độ "Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm" và "Tín nhiệm thấp". Với CPTPP thì không có kiểu tín nhiệm nước đôi trớt quớt như vậy, mà chỉ có ‘cùng thắng’, hoặc ‘thua một mình’.

‘Cùng thắng’ là Việt Nam bán được hàng hóa do mình sản xuất cho 10 quốc gia trong CPTPP. Còn ‘thua một mình’ là chuyện hàng hóa từ 10 quốc gia đó ồ ạt vào Việt Nam, còn Việt Nam thì bán không ai mua, vì không chỉ chuyện chất lượng món hàng, mà còn là những rào cản hệ lụy từ thể chế của nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Theo tác giả Hoa Nghi ở bài báo "Ông Nguyễn Phú Trọng nên ‘học tập’ ông Tập Cận Bình về kinh tế ?" (1), thì một khi đã mặc định rằng "Về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế" của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản, chủ tịch nước, xem ra khó thể dứt ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Câu hỏi quen thuộc : "định hướng xã hội chủ nghĩa" là gì ? Có phiên bản nào hoàn chỉnh về "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" để Việt Nam tham khảo, học hỏi ?

20 năm nữa Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới ?

Đây là câu hỏi được đặt ra từ đầu năm 2016. Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh trong bài tham luận của mình đọc tại Đại hội Đảng XII vào ngày 22/01/2016, có tựa đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", đã so sánh :

"Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan".

Đúng là mọi so sánh đều là khập khiễng, thế nhưng phải trả lời như thế nào đây trước thắc mắc của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh :

"Chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm Đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển. Vậy đến năm 2035, tức sau 2 thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới ?".

Hoàn thiện thể chế bằng… nghị quyết đảng ?

Ngày 3/6/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (2).

"Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình phát triển liên tục ; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta ; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội". Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, phần "Quan điểm chỉ đạo" đã viết như vậy.

Nghị quyết này khá lúng túng khi viết rằng : "Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 : Phấn đấu hoàn thiện một bước đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường ; sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ".

Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho biết có định nghĩa thế này : "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế ; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Ông Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính thuộc trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói thẳng rằng có lẽ trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà các học giả Việt Nam miệt mài nghiên cứu ròng rã trong suốt 30 năm qua. Kết quả nghiên cứu nhiều đến mức không chỉ người bình thường, mà ngay cả người trong cuộc cũng khó có thể nói được ngắn gọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào.

"Có lẽ ít người quên nhận xét của ông Bùi Quang Vinh, về thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhân dịp ông được mời đến nói chuyện tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ông nói : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm". Về thời gian chính thức để Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận định : "Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". Ông Trần Ngọc Thơ nhận xét.

Thử nhìn qua lăng kính của nghề Y

"Tôi đồng ý với định nghĩa ‘nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế ; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’. Và tôi cũng đồng ý rằng từ năm 1975 đến nay, sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, còn bao trùm tất cả các lãnh vực ở Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì Đảng cộng sản xem ra đã chưa thành công trong chăm lo sức khỏe người dân". Một phóng viên mảng y tế chia sẻ với người viết.

Theo phóng viên này phân tích, phải chăng là vì y tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên sinh viên ngành Y ở Việt Nam vẫn khó khăn trong hội nhập với quốc tế ?

Thế giới thì tất cả sinh viên phải thực hành lâu hơn, có nghĩa là tất cả phải làm nội trú bệnh viện. Ở Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì câu hỏi tiếp tục chưa có lời giải : Liệu các bệnh viện có đủ chỗ và nhân lực để tất cả sinh viên Y học tiếp nội trú không (hẳn là không rồi !), họ có trả tiền lương cho sinh viên nội trú (rất đông) không, nếu không thì sống kiểu gì, đi vay tiền à (vì làm thêm là quá khó với 2 chữ nội trú) ?

Như thế giới, nếu sinh viên ngành Y ở Việt Nam cũng theo học 9 năm xong, rồi sau đó tiền lương sẽ được bao nhiêu ?. Lại một câu hỏi chưa có lời giải. Không thể trả lương một người học miệt mài suốt 9 năm với mức khởi điểm 2,34 triệu đồng/ tháng như hiện nay được.

"Nhưng bản chất cái cần thiết không phải là số năm đào tạo, mà là chất lượng đào tạo. Chúng ta còn tồn tại vô số vấn đề trong chất lượng, đó là kỹ năng lâm sàng chưa đảm bảo. Chúng ta đưa ra cả trăm kỹ năng cần đạt, nhưng không ai chứng nhận 100 kỹ năng đó cả, mà không chắc có dạy 100 kỹ năng đó không nữa ?

Kiến thức y khoa rời rạc học trước quên sau, chẳng biết học môn X nào đó để làm gì (do chính trị học rời rạc, không logic và tích hợp, không có định hướng rõ ràng), kỹ năng làm việc nhóm và chuyên nghiệp trong làm việc cực thấp, các kỹ năng mềm cũng không được chú trọng.

Tiếng Anh chưa phải là ngôn ngữ để học và giảng dạy thì sinh viên ra trường khó mà giỏi tiếng Anh chuyên ngành được... Ngoài ra chưa kể trình độ giảng viên, phương pháp đào tạo lạc hậu không sâu sát, đánh giá và lượng giá đào tạo, thi cử còn rất nhiều bất cập, khó khăn. Chúng ta cũng chưa có những môi trường học thuật chuyên nghiệp và đúng nghĩa ngay từ những thứ nhỏ bé nhất.

Song mọi chuyện dường như không còn nhiều ý nghĩa khi được gắn thêm từ tố định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó giống như chuyện khuyên nhủ người dân ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’, mỗi khi các cơ quan công vụ giải tán người dân thực hiện quyền biểu tình". Ông bạn phóng viên y tế biện giải.

Những chênh vênh thể chế

Trong 11 nước CPTPP chỉ có Việt Nam là phát triển theo hướng "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", các nước còn lại đều theo chủ nghĩa tư bản. Điều này khiến kinh tế Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch lớn so với nền kinh tế thị trường của các nước thành viên CPTPP.

Do đó, làm thế nào để tạo được thế cân bằng, giảm thiểu rủi ro, mà vẫn giữ được định hướng kinh tế chính trị của Việt Nam là vấn đề cần đưa dự thảo luật rộng rãi, lấy ý kiến toàn dân cũng như tất cả bộ ngành để có định hướng chắc chắn.

Nên nhớ là sẽ rất vô lý khi buộc khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp FDI làm ăn ở Việt Nam phải phụ thuộc vào tổ chức Đảng trong vai trò lãnh đạo khuôn phép định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Ai đời đã vào cuộc chơi CPTPP rồi mà hôm 6/12, phóng viên ban thời sự của tụi tôi phải đi làm bản tin đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, với sự tham dự của gần 25.000 cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp tham dự. Làm công đoàn là để bảo vệ quyền lợi của người lao động, chứ đâu phải bảo vệ nghị quyết đâu mà bắt họ quán triệt kia chứ ?", ông N.H.P, trưởng ban của một nhật báo có tòa soạn ở Sài Gòn, lắc đầu nói.

Quyết sách thì phải luôn được điều chỉnh, sửa sai nếu thực tế cuộc sống không chấp nhận. Đó mới là yếu tố quan trọng. "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", cũng không nằm ngoài ý nghĩa ấy.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 08/12/2018

(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/10443-ong-nguy-n-phu-tr-ng-nen-h-c-t-p-ong-t-p-c-n-binh-v-kinh-t

(2) http://bit.ly/2AVeZDY

Quay lại trang chủ
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)