Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/01/2019

EVFTA sẽ không được Hội đồng Châu Âu thông qua trong tuần này ?

Minh Quân

Trong khi Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu có một cuộc họp để bỏ phiếu liên quan những thủ tục về số phận của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), đã có một xác nhận đầu tiên mang tính gián tiếp của Tiến sĩ Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tại Việt Nam về khả năng Hiệp định EVFTA có thể sẽ không được thông qua khi Việt Nam chưa chứng minh được cho Nghị viện Châu Âu những cải tiến trong vấn đề lao động.

vneu1

Tiến sĩ Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tại Việt Nam

Ông Chang Hee Lee - người có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan của Liên minh Châu Âu - đưa ra nhận định ‘nguy hiểm’ trên tại buổi gặp gỡ với phóng viên khu vực phía Nam tại Sài Gòn ngày 14/01/2019.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời Tiến sĩ Lee cho biết EVFTA sẽ được Ủy ban Thương mại Châu Âu xem xét vào tháng Hai năm 2019. Tiếp đó, vào tháng Ba, hiệp định này sẽ được đưa ra Nghị viện Châu Âu.

Và từ giờ đến lúc đó, nếu Việt Nam không tiến triển gì trong việc đáp ứng các yêu cầu về lao động, dựa trên những tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động thì hiệp định này có thể sẽ không được thông qua và đây sẽ là một tổn thất của Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa phê chuẩn 3/8 công ước cơ bản, gồm công ước về thương lượng tập thể (98) ; công ước về tự do hiệp hội (87) và công ước về lao động cưỡng bức (105).

Theo Tiến sĩ Lee, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã có kế hoạch phê chuẩn công ước 98 vào tháng 5/2019 ; công ước 105 vào năm 2020 và công ước 87 vào năm 2023. "Kế hoạch này là tốt nhưng như thế là chưa đủ với Nghị viện Châu Âu. Đó như tờ séc rỗng trong khi họ cần tiền mặt. Vấn đề là nhiệm kỳ của Nghị viện Châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 5 tới. Từ giờ đến thời điểm bầu cử, không có tiến bộ mới nào thì họ không biết lấy gì để chứng minh", tiến sĩ Lee nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một trong những điểm được nhìn vào là sửa đổi Bộ luật Lao động. Nhiệm vụ của việc sửa đổi là đưa bộ luật này tiệm cận nhiều hơn với tiêu chuẩn quốc tế của ILO, nhất là điều khoản thương lượng tập thể và tự do hiệp hội. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 cũng để đáp ứng yêu cầu của hiệp định CPTPP, bên cạnh nhu cầu tự thân của Việt Nam.

Nhưng lao động có phải là khó khăn duy nhất mà chính thể độc đảng ở Việt Nam phải đối mặt để khó ‘nuốt’ được EVFTA ?

Trên tất cả là nhân quyền - rất nhiều vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam mà cho tới nay vẫn không hề được cải thiện theo khuyến nghị và khuyến cáo của các thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và Liên minh Châu Âu.

Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện Châu Âu bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền mà đã nhấn kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất cao xuống mốc 50/50.

Khác nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban Châu Âu, ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định : "Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này".

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về các quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí và Internet, bắt bớ người hoạt động nhân quyền, đàn áp người biểu tình, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện Châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng Châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có thông qua EVFTA với Việt Nam hay không.

Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện Châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng Châu Âu thông qua, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa Châu Âu và Việt Nam về cái thời mà bản hiệp định này mới chỉ là ý tưởng.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến kỳ bầu lại Nghị viện Châu Âu. Đã quá rõ là từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến cuối năm đó, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền. Cũng đã quá rõ là chính vì nguyên do rất chính yếu ấy mà Cộng đồng Châu Âu đã chưa thể thông qua EVFTA với Việt Nam, cho dù bản thảo của hiệp định này đã khá đầy đủ và nằm sẵn trên bàn chỉ chờ ký.

Cách nói rất thận trọng trước báo giới Việt Nam của Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tại Việt Nam - ông Chang Hee Lee - về tương lai Hiệp định EVFTA là một cảnh báo gián tiếp đối với chính quyền Việt Nam : không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 18/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)