Khi cánh cửa khai dân trí ‘bị khép lại’
Hoa Nghi, VNTB, 27/02/2019
Một thông báo được ký vào ngày 20 tháng 2 năm 2019, do bà Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh ký, xác nhận việc "chấm dứt mọi hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh", mặc dù trong bản thông báo bà cũng nhấn mạnh rằng, 11 năm hoạt động của Quỹ đã trung thành với sứ mệnh góp phần phục hung, du nhập, khưởi phát, giữ gìn và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.
Lễ trao giải Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 11, ngày 24/03/2018 - Ảnh minh họa
Thông báo này được một vài Facebooker đăng tải trên trang cá nhân, nhưng không nhận được quá nhiều sự chú ý.
Facebooker Dao Tuan Anh bày tỏ về sự kiện : Khổ thế chứ, nước mình nó làm sao ấy nhỉ, cứ cái gì tử tế, đứng đắn chuyên nghiệp, thì bị đình bản, đóng cửa. Hỏi biết đến bao giờ mới khá lên được đây.
Lý do nào khiến Quỹ bị ngừng hoạt động ?. Trong thông báo dẫn "điều kiện khách quan", nghĩa là những người trong Quỹ vẫn tâm huyết với "hung dân trí, chấn dân khí", nhưng không nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài.
Quỹ Phan Châu Trinh, ở góc độ nào đó tôn trọng quyền tự do học thuật và tổ chức này bị "đánh" nhiều lần bởi các trang báo Nhà nước. Vào tháng 6 năm 2017, Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh – một trang tuần báo bị giới văn nghệ sĩ đánh giá là "hồng hơn chuyên" đã đăng tải một bài viết đả kích kịch liệt Quỹ Phan Châu Trinh, coi đây là "một trò về buôn bán tên tuổi nhà yêu nước", và chỉ thẳng ra rằng, công cuộc khai trí thực chất là "thúc đẩy đi theo mô hình dân chủ phương Tây" và "hợp lý hóa ngân sách để nuôi một đội ngũ trí thức chống đối chính quyền".
Những người đứng trong vai trò quản trị Quỹ Phan Châu Trinh, hay thậm chí những người nhận được giải thưởng này hầu như chính quyền Hà Nội đều ít nhiều thiếu sự thiện cảm, vì sự phê bình của họ đối với các chính sách – chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam, và thứ hai là họ cổ vũ – khuyến khích các giá trị nhân quyền, dân chủ Tây phương, trong đó đề cao sự tự do học thuật. Ở góc độ nào đó, họ có phần hao giống những gì mà nhóm Nhân văn – Giai phẩm thực hiện ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ vào thập niên 50 – 60.
Sự kiện chấm dứt hoạt động của Quỹ khiến không ít người liên đới đến việc kỷ luật Giáo sư hu Hảo cũng như Nhà xuất bản Tri Thức trước đây, hay quan điểm "không để muốn nói gì thì nói" của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Trong một bài dịch thuật gần đây được đăng tải trên Việt Nam Thời Báo, có nội dung phản ánh một tư duy quản trị của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam hiện nay – ông Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng tập trung quyền lực để tìm cách giải quyết bài toán tham nhũng trong Đảng, nhưng đồng thời ông cũng tìm cách siết chặt cái gọi là "tự do, nhân quyền, dân chủ". Trong mắt ông Trọng, cả hai yếu tố (tham nhũng và nhân quyền) đều là những yếu tố "tự diễn biến, tự chuyển hóa", và gây ra sự thách thức với khả năng trường tồn trong lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Việc Quỹ chấm dứt hoạt động vì điều kiện khách quan có thể đến từ sức ép trong Đảng đối với những thành phần mà Đảng cho rằng là "bất hảo", và xu hướng này có thể được ủng hộ và bảo trợ bởi tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng.
Trở lại với vấn đề, văn hóa Việt Nam hiện nay đang trở thành một nồi thập cẩm, và trong nồi đó – nó có những thứ lố lăng, bệnh hoạn, lệch pha. Và một đất nước mà nền văn hóa lạc hậu, lố lăng thì là một đất nước kém phát triển, cũng như một đất nước mà nền văn hóa bị chuyên chính, thì nền văn hóa đó là nền văn hóa máu lạnh. Đáng tiếc, nền văn hóa Việt Nam đang bị bỏ rơi, và phương diện duy nhất làm tốt là đánh đồng văn hóa với chính trị và ngược lại.
Chính trị gia lâu đời của Mỹ Jim Leach khái quát nền văn hóa hòa nhập nhưng không hòa tan của nước này bằng quan điểm : Văn hóa của chúng ta định hình bởi nghệ thuật và khoa học nhân văn hơn là bởi chính trị. Cả hai yếu tố định hình văn hóa đó của nước Mỹ ở Việt Nam đều không có. Nền văn hóa Việt Nam trở thành một nền văn hóa thừa lai căng, nhưng lại thiếu tính sáng tạo và nhân văn là vì vậy.
Quỹ Phan Châu Trinh ra đời, cũng chỉ là tìm cách "cứu rỗi" cái nền văn hóa bệ rạc và mất đi tính người này. Và 11 năm trôi qua, nó đã cố gắng mở được cánh cửa giáo điều, chuyên chế,… để văn hóa thực sự trở về với đúng nghĩa của nó. Nhưng chừng đó là chưa đủ, 11 năm quá nhỏ bé so với chu trình 100 năm cho sự cải tạo một nền văn hóa trở lại. Thế nhưng, cánh cửa khai dân trí, giải phóng dân trí này đã tiếp tục bị "khép lại", và chu trình 100 năm bạo lực của thời Phan Châu Trinh tiếp tục được tái hiện vào thời điểm năm 2019.
Sự kiện chấm dứt hoạt động là một tin buồn của không ít người, và là điểm dừng cho cả một sự thúc đẩy văn hóa quốc gia – dân tộc của giới văn nghệ sĩ có tâm.
Hoa Nghi
Nguồn : VNTB, 27/02/2019
***********************
'Buồn và tiếc' khi Quỹ Phan Châu Trinh tự thôi hoạt động
Nguyễn Viện, BBC, 27/02/2019
Trong một thông báo được ký ngày 20/2/2019, bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cho biết, Quỹ này chính thức chấm dứt hoạt động sau 11 năm tồn tại.
Giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và là thành viên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, gần đây bị Đảng kỷ luật
Nếu nhìn một cách xuyên suốt quá trình phát triển các tổ chức xã hội dân sự trong những năm gần đây và phản ứng của chính quyền đối với các tổ chức này, đặc biệt sau vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và là thành viên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự kiện đáng tiếc này.
Trước hết, điều không nên quên là bà Nguyễn Thị Bình cũng như các thành viên khác của Quỹ đều là đảng viên Cộng sản, không những thế, nhiều người trong số họ từng đã và đang giữ những trọng trách trong hệ thống nhà nước. Nói một cách khác, tất cả họ đều nằm trong guồng máy của chế độ.
Trong guồng máy ấy hay tính kỷ luật của Đảng, họ không thể hoạt động độc lập theo ý chí riêng của họ, cho dù bất cứ mục đích gì. Huống hồ, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã có những hoạt động mang tính khai dân trí như tinh thần của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, những hoạt động ngoài khuôn khổ và định hướng của chế độ.
Nhìn vào bảng thành tích Quỹ này đã làm được trong vòng 11 năm như vinh danh những hoạt động hay cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp khai dân trí.
Đặc biệt, "Dự án tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại" đã vinh danh Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, hầu như đều là những nhân vật đã từng bị chế độ lên án. Chúng ta không thể không nhận ra cái "ý đồ" thoát ách nô lệ tinh thần, tư tưởng… của những người sáng lập.
Quy trình của sự giải thể này bắt đầu từ việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nơi đã phổ biến những tác phẩm "có vấn đề".
Không thể không liên hệ kết nối cái "vấn đề" này trong mối xung đột giữa tri thức của việc khai dân trí với chính sách của nhà cầm quyền.
Có thể bà Nguyễn Thị Bình, trong cương vị của mình, đã nhìn vấn đề một cách khác.
Tuy nhiên, cá nhân tôi không tin vào những điều giải thích của bà Bình như "do một số điều khách quan", mà tôi nghĩ bà Bình đã chịu áp lực của chính quyền.
Mở đầu năm 2019, với một chỉ dấu bằng sự chấm dứt hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, như một điềm báo không lành với các tổ chức xã hội dân sự còn lại.
Song song với việc chống tham nhũng, Đảng Cộng sản mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc vẫn sẽ mạnh tay hơn với các tổ chức ngoài hệ thống chính quyền.
Nhưng sẽ sai lầm khi đồng hóa các tổ chức xã hội như một nguy cơ tiềm ẩn cho sự tồn tại của chế độ.
Bởi bản thân các tổ chức xã hội dân sự không bao giờ là "thế lực thù địch", thậm chí ngược lại, họ là động lực cho sự phát triển lành mạnh và sự cân bằng xã hội cần thiết, nếu chính quyền có thiện chí.
Dù sao, tôi vẫn tin vào mạch ngầm tốt đẹp của cuộc sống vẫn âm thầm được vận động nơi những người trẻ.
Nguyễn Viện
Nguồn : BBC, 27/02/2019
*********************
Cái chết của một tổ chức văn hóa
Mặc Lâm, VOA, 25/02/2019
Đối với những ai quan tâm tới lĩnh vực văn hóa học thuật Việt Nam chắc không khỏi buồn lòng khi nghe tin Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã chính thức ngưng hoạt động. Bản thông báo được bà Chủ tịch Nguyễn Thị Bình ký ngày 20 tháng 2 năm 2019 và phát hành rộng rãi vào ngày 23 tháng này.
Giải thưởng Phan Châu Trinh tuy chưa mang một tầm vóc đủ lớn nhưng so với các giải thưởng do nhà nước chủ đạo thì thật không thể so sánh với nó.
Một trong những nội dung cho biết "11 năm hoạt động cho phép Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vui mừng trước những thành quả bước đầu ấy trong việc khởi phát tinh thần 'Hưng dân trí, chấn dân khí'. Nay do một số điều kiện khách quan, chúng tôi xin trân trọng Thông báo chấm dứt mọi hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh kể từ ngày công bố Thông báo này".
Phải công nhận rằng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức được hình thành và hoạt động rất bài bản chuyên nghiệp, tập trung một số nhân sĩ trí thức cùng mục tiêu khai sáng tầm nhìn của người dân qua Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh một giải thưởng được Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu văn hóa, Việt Nam học và dịch thuật.
Bên cạnh giải thưởng là sinh hoạt xuất bản sách do nhà xuất bản Tri Thức cộng tác với Quỹ cho ra đời các loại sách nghiên cứu, văn học, chính trị, giáo dục giá trị được giới trí thức đánh giá cao và người đọc tuy có sự tuyển chọn nhất định nhưng đa số đều chấp nhận hướng đi của nhà xuất bản.
Sau 11 năm duy trì hoạt động có lúc khó khăn cùng nhiều khi thuận tiện nhưng hôm nay đã chấp nhận việc đóng cửa thật là một mất mát cho những ai quan tâm tới việc khai dân trí, chấn dân khí như Phan Châu Trinh từng tha thiết. Tuy nhiên có một điều lạ là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chưa thật sự chiếm lĩnh mảnh đất mà nó nhắm tới : Những con người Việt Nam đang cần khai hóa. Họ là lớp dân nghèo chiếm đại đa số trong xã hội Việt Nam. Họ là nam, nữ thanh niên lứa tuổi cần bồi dưỡng tri thức trước khi bước chân vào đời sống. Họ là những tầng lớp khác học hành dang dở muốn bổ xung kiến thức bằng các tác phẩm bù đắp vào thiếu thốn cũng như giải thích những câu hỏi có tính học thuật. Những lớp người ấy lại không đứng chung hay chí ít không tiếp cận được với một tổ chức xã hội dân sự rất hữu ích cho tới khi nó không còn hoạt động nữa.
Vì không màng tới nó nên đại đa số dân chúng không cảm thấy mất mát để mà tiếc nuối. Xã hội dửng dưng và cái thông báo hết sức quan trọng trôi theo từng cái nhấp chuột trên những trang facebook.
Tuy nhiên có một bộ phận khác trong đám đông xô bồ ấy đã hụt hẫng và cay đắng khi đọc được tin này. Tuy ít ỏi và có thái độ im lặng, họ vẫn là nhóm người có tấm lòng với những sinh hoạt văn hóa như Quỹ Phan Châu Trinh, bởi đã quá lâu xã hội thiếu vắng một không khí học thuật đúng nghĩa cộng với một giải thưởng thật sự cần thiết cho những người còn thiết tha với nền văn hóa nước nhà. Giải thưởng Phan Châu Trinh tuy chưa mang một tầm vóc đủ lớn nhưng so với các giải thưởng do nhà nước chủ đạo thì thật không thể so sánh với nó. Mỗi một giải thưởng được cấp người ta thấy cả một công trình xem xét và đánh giá. Nó làm người trúng giải hãnh diện đã đành nó còn làm cho các tác giả quốc tế biết thêm về Việt Nam sau chiến tranh và sau những chủ thuyết khó thuyết phục.
Các tác giả trúng giải trong chuyên đề Việt Nam học đều là người ngoại quốc. Qua 11 năm những học giả đoạt giải tăng thêm và sức lan tỏa của giải đã thấy trên nhiều trang báo nghiên cứu quốc tế.
Thông báo ngưng hoạt động chỉ có mấy chữ nói lên nguyên do làm cho người đọc cảm thấy như chính mình đang bị sách nhiễu. " Do một số điều kiện khách quan" là nhóm chữ cách điệu hóa những khó khăn mà tổ chức xã hội dân sự này gặp phải. Tuy không cần nêu rõ nhưng ai cũng biết những điều kiện khách quan ấy là gì.
Đó là chế độ này cảm thấy cái gai Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đến lúc cần phải nhổ sau bao nhiêu năm im lặng theo dõi.
Bởi Chủ tịch của nó là bà Nguyễn Thị Bình, một khuôn mặt khó thể áp chế hay thỏa hiệp. Bà Bình là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ký vào Hiệp Định Ba Lê, nguyên Phó Chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ. Bà cũng là cháu ngoại của Phan Châu Trinh.
Hai thành viên chủ chốt khác là Giáo sư Chu Hảo và nhà văn hóa Nguyên Ngọc, những người đang tạo cho chế độ những buổi họp liên miên để tìm cách đối phó và một trong hai người, Giáo sư Chu Hảo đã bị thể chế chấp nhận tai tiếng để đạp ông ra khỏi môi trường sách vở mà ông và nhóm Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh hết lòng theo đuổi.
Giáo sư Chu Hảo từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 1996 đến 2005. Sau khi về hưu ông là giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và là phó hiệu trưởng trường Đại học Phan Châu Trinh. Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật ông bằng hình thức khai trừ Đảng. Hành động này đã châm dầu vào ngọn lửa bỏ đảng trên toàn quốc và hàng triệu người đã lên án hành động được cho là hèn nhược của Hà Nội.
Nguyên Ngọc là một nhà văn, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng. Tác phẩm văn học của ông được mang vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh. Ông là linh hồn của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh sau khi thành lập Đại học Phan Châu Trinh tại Hội an, ngôi trường tư có hướng đi rõ rệt nhắm vào cốt lõi văn hóa Việt Nam.
Trong những năm nổi lên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược người dân Hà Nội luôn thấy ông xuất hiện bên cạnh dân chúng biểu tình đến nỗi đài truyền hình Hà Nội cho ông là một phần tử phản động.
Ông đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011, một giải thưởng được cho là cao quý của Việt Nam. Ông là một trong những thành viên thành lập "Văn Đoàn Độc Lập" và có lẽ vì vậy vào ngày 13 tháng 3 năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ giáo dục và đào tạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.
Đó là những khuôn mặt sống chết với Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh và "lý do khách quan" khiến tổ chức này phải tự đóng cửa không làm cho người ta ngạc nhiên. Nếu công tâm mà suy xét thì việc đóng cánh cửa bước vào căn nhà này đối tượng thiệt thòi không những chỉ là người dân, mà nhà nước cũng chịu thiệt một phần. Đó là hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trước mắt các học giả quốc tế đã không còn đẹp nữa.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh dù sao cũng làm cho hình ảnh Việt Nam bớt cằn cỗi trong vấn đề học thuật và các sinh hoạt văn hóa thuộc sách vở, tri thức. Nó tự đóng cửa dù với lý do gì thì nhà nước này cũng mang tiếng là áp lực nó đi đến chỗ không còn đường hoạt động. Bởi Quỹ này không cần một ngân sách lớn để vận hành vì nó không nuôi ai trong hội đồng chấm giải. Nó đóng cửa vì áp lực chính trị của nhà nước là thêm một vết nhơ cho chế độ khi hành xử thiếu văn hóa đối với một tổ chức lấy văn hóa làm đầu.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 25/02/2019