Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/03/2019

Chiến tranh đang đến gần ?

Trúc Giang

Nếu hiểu chiến tranh là để hủy diệt nhằm thôn tính đất đai, tài nguyên, thì xứ mình vẫn chiến tranh suốt mấy mươi năm quá đó chứ. Giặc là ai à ? Trung Quốc đó. Họ cướp tài nguyên dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Họ gieo rắc cái chết dần mòn trong dân chúng do ô nhiễm bởi công nghệ lạc hậu từ phương Bắc thi nhau trút vào Việt Nam. Và họ cũng từng dùng súng đạn để xâm lược Việt Nam...

chientranh1

Tàu cá Trung Quốc, Philippines căng thẳng gần đảo Thị Tứ ở Biển Đông 6/3/2019

Chiều ngày 5/3, nhiều bản tin trên báo chí Việt Nam bắt đầu nhuốm mùi thuốc súng, khi diễn tả lại một bản tin nước ngoài nói rằng lính Trung Quốc dưới màu áo dân sự là ngư dân, đã vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines khai thác ngư trường. Phía Trung Quốc cấm mọi tàu cá của các quốc gia khác bén mảng ở đảo Thị Tứ.

Trong một diễn biến khác, báo chí Việt Nam cũng rút tít đầy mạnh mẽ "Đài Loan tuyên bố 'sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào'" trong bản tin được trích dẫn từ Reuters, mà bản tin gốc tiếng Anh vốn có tít rất hiền lành : "Rise in China's defense budget to outpace economic growth target". 

"Trung Quốc đã liên tục tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, do đó chúng tôi luôn phải thận trọng" - ông Tô Trinh Xương nhấn mạnh trong ngày 5/3 khi được hỏi về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

"Chúng tôi không ngán chiến tranh và sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào" - hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan khẳng định [*].

Ba năm về trước, trong bản tin phát hành nội bộ đầu tháng 1 năm 2016 của nhóm nghiên cứu thị trường chứng khoán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra cảnh báo với sự giảm tốc ngày càng rõ rệt của kinh tế Trung Quốc, quốc gia này có thể "xuất khẩu khủng hoảng" sang các nước khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.

Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ có 4 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tiền tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất không phải là nông sản, mà là máy tính và sản phẩm điện tử (dĩ nhiên là gia công) với giá trị 2,6 tỷ USD, tiếp đến là xơ và sợi dệt với 1,4 tỷ USD.

Phía nhóm nghiên cứu của Vietcombank đã viết trong báo cáo của mình, khuyến cáo rằng cần theo dõi sát sao những rủi ro từ Trung Quốc. Tuy nhiên tính từ đó đến nay, dường như Trung Quốc đã ‘khống chế’ phần lớn các hoạt động kinh tế, bao gồm lãnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ cần mới đây họ cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam, lập tức giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rớt thảm hại.

Trung tuần tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 6 cảnh báo về chuyện làm ăn giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Có thể tóm tắt như sau : 

Thứ nhất, Việt Nam vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thâm hụt dù đã giảm trong thời gian gần đây, song đà giảm chưa có tính bền vững.

Thứ hai, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc. 

Thứ ba, thống kê thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không đầy đủ, thiếu kịp thời và chi tiết. Hạn chế về thống kê đã hạn chế đáng kể khả năng đánh giá, điều chỉnh chính sách thương mại kịp thời của Việt Nam với Trung Quốc.

Thứ tư, phương thức thu mua của đối tác Trung Quốc có biến động đáng kể và đảo chiều tương đối nhanh tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến cung - cầu và khai thác bền vững một số mặt hàng và/hoặc tại một số địa phương.

Thứ năm, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Thứ sáu, các dự án sử dụng ODA và vốn chính thức khác từ Trung Quốc chưa giúp cải thiện đáng kể năng lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác Việt Nam nói riêng. 

Vốn vay ODA Trung Quốc tại Việt Nam thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản (0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay) ; Hàn Quốc (0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu) hay Ấn Độ (1,75%/ năm). Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%. Đối với vay thương mại, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) với mức đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ, phải vay vốn Trung Quốc với mức lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86%/năm.

Theo các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ít nhất 5 vấn đề sau đây cần phải được các quan chức 'chóp bu' lưu ý để làm tốt trọng trách của mình : 

Một, hãy quan tâm đến hiệu quả kinh tế thực sự của các dự án lớn ; 

Hai, nên chú trọng vòng đời vận hành của các dự án, hơn là chăm chăm vào chi phí bỏ thầu thấp của Trung Quốc ; 

Ba, tránh việc trở thành con nợ chung thân của Trung Quốc với các điều khoản vay nặng nề như lâu nay ; 

Bốn, hãy vì tương lai giống nòi để chú trọng vấn đề môi trường ; 

Năm, ‘giọt máu đào hơn ao nước lã’, hãy đảm bảo sinh kế của người dân tại những nơi có dự án Trung Quốc.

Tuy nhiên đến nay phía những nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn thờ ơ các nội dung cảnh báo đó. Người ta chưa thấy báo chí đăng tải một phát biểu nào về mối nguy Bắc thuộc đang hiện diện tại Việt Nam từ các quan chức hàng VIP ấy.

Giả dụ thần Kim Quy là có thật, hôm nào đó vì ngộp thở quá do hồ Gươm ô nhiễm, Kim Quy trồi lên thoi thóp rồi nói rằng : "Giặc không còn sau lưng nữa, mà đang chung giường với bệ hạ đó !"…

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 07/03/2019

Chú thích :

[*] https://www.reuters.com/article/us-china-parliament-defence/rise-in-chinas-defense-budget-to-outpace-economic-growth-target-idUSKCN1QM03Y

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)