Indonesia đề nghị Nhật Bản đầu tư vào quần đảo Natuna để đối phó với Trung Quốc (RFA, 10/01/2020)
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hôm thứ Sáu 10/1 đề nghị Nhật Bản đầu tư vào nghề cá, năng lượng và du lịch ở quần đảo Natuna của Indonesia.
Hình chụp hôm 10/1/2020 từ Phủ Tổng thống Indonesia : cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) - AFP
Reuters loan tin cùng ngày trích thông cáo của Văn phòng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Tổng thống Indonesia đã đưa ra lời mời đầu tư các cơ hội kinh tế với phía Nhật Bản như trên.
Lời đề nghị này được đưa ra vào khi có những căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh vào vùng biển quanh Natuna từ hồi tháng 12 đến nay.
Trong buổi đàm thoại với Tổng thống Joko Widodo, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi không nhắc tới cụ thể tên Trung Quốc, nhưng nói nước Nhật cảnh giác với tình hình Biển Đông.
Năm ngoái Nhật đã đầu tư 7,26 triệu USD để xây một chợ cá ở Natuna được đặt tên là Tsukiji theo tên một chợ nổi tiếng ở Tokyo.
Hôm 8/1, tổng thống Joko Widodo cũng đã có chuyến thăm đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền của Indonesia ở vùng nước này sau vụ việc một số tàu Hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xuất hiện ở đây nhiều lần từ cuối tháng 12/2019.
Trung Quốc không đòi Natuna thuộc về nước này nhưng nói vùng nước gần Natuna là nơi các ngư dân Trung Quốc vẫn đánh bắt cá. Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn tự vẽ ra trên Biển Đông, đi qua vùng nước gần Natuna.
Một người phát ngôn của quân đội Indonesia nói những tàu cá của Trung Quốc đã rời khỏi vùng nước sau chuyến tuần tra của ông Joko Widodo.
*******************
Biển Đông : Trung Quốc giăng đội tầu cá quanh đảo Thị Tứ (RFI, 09/01/2020)
Trong khi Jakarta phải triển khai thêm tầu chiến và bính lính đến vùng biển Natuna, gần Biển Đông, để sẵn sàng đáp trả việc tầu cá Trung Quốc, được tầu hải cảnh hộ tống, thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Indonesia, Philippines cũng phải đối đầu với lực lượng tầu cá hùng hậu của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa.
Ảnh minh họa : Đội tàu cá của Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô chuẩn bị ra khơi hồi tháng 8/2017. STR / AFP
Ngày 08/01/2020, phó đô đốc Rene Medina, người đứng đầu Bộ Chỉ huy miền Tây Philippines, cho biết có đến 38 tầu Trung Quốc neo đậu suốt đêm 07/01 tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa), hiện do Philippines kiểm soát và đá Subi, bị Trung Quốc quân sự hóa.
Trả lời trang Inquirer, phó đô đốc Medina cho biết vẫn tiếp tục theo dõi các tầu nước ngoài hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của Philippines và sẽ phản ánh đến các cơ quan ngoại giao liên quan.
Tầu thuyền Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ thường xuyên hơn kể từ năm 2018 sau khi Philippines xây một dải đất và một cảng biển ở trên đảo. Năm 2019, chính quyền Manila đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của tầu cá, được cho là đội dân quân biển của Trung Quốc. Đội tầu này lầm lũi chiếm ưu thế ở Biển Đông mà không gây đáp trả quân sự, theo một bản báo cáo của Nghị Viện Philippines năm 2019.
Trung Quốc đóng tầu tuần tra lớn nhất
Cũng nhằm mục đích uy hiếp các nước bé trong khu vực, Trung Quốc khởi công đóng tầu tuần tra dân sự lớn nhất, dài 165 mét, rộng 20,6 mét. Theo trang South China Morning Post ngày 08/01, con tầu trị giá 97 triệu đô la là đơn đặt hàng của Cục An Toàn Hàng Hải Quảng Đông, theo dự kiến được hạ thủy vào tháng 09/2021.
Có trọng lượng 10.700 tấn, con tầu mới sẽ nặng gấp đôi tầu lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là Hải Tuần 01 (Haixun 01, 5.418 tấn) và có thể chứa được nhiều loại máy bay trực thăng. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết nhiệm vụ của tầu tuần tra mới sẽ rất đa năng, từ các hoạt động khẩn cấp, thực thi pháp luật đến các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, thậm chí là xử lý ô nhiễm.
Thu Hằng
*******************
Hà Nội ‘xác minh’ tin tàu Trung Quốc ‘kéo về hướng Việt Nam’ (VOA, 09/01/2020)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 lên tiếng sau khi xuất hiện tin "tàu 35111 của Trung Quốc đang kéo về hướng Việt Nam" tiếp sau vụ "đụng chạm với Indonesia".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 lên tiếng xác nhận thông tin tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc đang tiến gần về khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam - AP
"Chúng tôi sẽ xác minh thông tin như bạn hỏi", bà Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước trong cuộc họp báo thường kỳ. "Xin khẳng định các lực lượng chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển Việt Nam được xác định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định có liên quan của Việt Nam và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".
Cùng ngày, Reuters dẫn lời quân đội Indonesia nói rằng các tàu tuần duyên cũng như đánh cá của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh quần đảo Natuna giáp Biển Đông sau khi Tổng thống Joko Widodo tới đó để khẳng định chủ quyền lãnh hải.
Khi được một phóng viên hỏi về quan điểm của Việt Nam về "tình hình Natuna" với việc "Indonesia đưa tàu và máy bay ra khi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền của Indonesia", bà Hằng nói rằng "mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp, tích cực, thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác tại khu vực".
Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, khi được hỏi về phản ứng về việc "Malaysia đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc về bản đồ giới hạn thềm lục địa của nước này ở Biển Đông", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói rằng "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa".
"Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước luật biển. Đồng thời, Việt Nam cũng bảo lưu quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý khu vực giữa Biển Đông như đã nêu tại Công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa năm 2009", bà Hằng nói.
****************
Bộ Ngoại giao lên tiếng về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc quay lại vùng biển Việt Nam (RFA, 09/01/2020)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 lên tiếng xác nhận thông tin tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã vào Biển Đông và hiện Việt Nam đang theo dõi sát tình hình.
Indonesia điều 8 tàu chiến cùng 4 máy bay chiến đấu ra khu vực có tàu Trung Quốc đi vào vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Trước đó vài ngày, trên mạng xã hội đã loan truyền thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đang tiến gần về khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Hôm 8/1, chuyên gia hàng hải Ryan Martinson đã đăng trên Twitter hình ảnh đường đi của tàu hải cảnh Trung Quốc gần Bãi Tư Chính.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới tại cuộc họp báo ở Hà Nội rằng : "Các lực lượng chức năng của Việt Nam bám sát Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ quy định của Việt Nam và UNCLOS 1982".
Trước đó tàu hải cảnh 35111 cũng đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna, phía tây nam quần đảo Trường Sa. Vụ việc đã khiến Indonesia phản đối và điều thêm tàu chiến, máy bay cùng dân quân biển ra đối phó.
Tàu 35111 cũng đã vào vùng biển của Việt Nam gần Bãi Tư Chính hồi năm ngoái để quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Mỹ quan ngại vì tàu Trung Quốc dày đặc trên Biển Đông (RFI, 06/04/2019)
Sự hiện diện của một số lượng lớn các tàu Trung Quốc gần các đảo đang do Philippines quản lý tại Biển Đông là mối quan ngại đối với Hoa Kỳ. Hãng tin AP hôm 05/04/2019 dẫn tuyên bố của trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Felter cho biết như trên.
Đảo Thị Tứ, ảnh năm 2015. Chính quyền Philippines hôm 04/04/2019 tố cáo có khoảng 200 tàu Trung Quốc ở gần đảo. AFP
Ông Felter, phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á ở Lầu Năm Góc, đến Thái Lan để tham dự hội nghị các viên chức quốc phòng ASEAN. Khi được hỏi về tình hình Biển Đông, ông nhận định : "Hoa Kỳ quan ngại về các hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào trên Biển Đông, và trong trường hợp này là Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, khiêu khích, chúng tôi thấy rằng đó là vô ích và không chính đáng".
Quan chức cao cấp Mỹ nói thêm, Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, những cam kết tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương buộc Washington phải làm việc với các đồng minh và đối tác, nhằm bảo đảm không có quốc gia nào bị xâm hại chủ quyền. Ông Joseph Felter nhấn mạnh : "Chúng tôi hy vọng tất cả các nước đều có thể tự do lưu thông trên những vùng biển và không phận được luật pháp quốc tế cho phép".
Hôm thứ Năm 4/4, chính quyền Philippines đã lên tiếng phản đối sau khi quân đội nước này phát hiện trong ba tháng đầu năm nay có đến trên 200 tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ (Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, nhưng Philippines đang kiểm soát). Tổng thống Rodrigo Duterte lâu nay ve vãn Bắc Kinh và tránh đụng chạm, đã phải đe dọa "tử chiến".
Thụy My
*****************
Đặc sứ Mỹ : Hoạt động của Trung Quốc gần Philippines ‘đáng quan ngại’ (VOA, 06/04/2019)
Sự hiện diện của nhiều tàu Trung Quốc gần các đảo và các tiểu đảo do Philippines chiếm đóng là một điều đáng quan ngại, một giới chức quốc phòng cao cấp của Mỹ tuyên bố ngày 5/4.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Joseph Felter.
Chính phủ Manila một ngày trước, hôm 4/4 đã phản đối các động thái của tàu Trung Quốc sau khi quân đội Philippines ghi nhận trong khoảng thời gian từ đầu năm tới tháng Ba có hơn 200 tàu Trung Quốc tại ku vực tranh chấp gọi là đảo Sandy Cay, gần đảo Pag-asa do Philippines chiếm đóng.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Joseph Felter nói với báo giới rằng Hoa Kỳ quan ngại ‘trước bất kỳ hoạt động gây hấn nào của bất kỳ quốc gia nào tại Biển Đông, mà trong trường hợp này là Trung Quốc. Chúng tôi xem đó là điều đáng quan tâm.’
Phát biểu được đưa ra nhân dịp ông Felter tới Thái Lan tham dự cuộc họp của các giới chức quốc phòng ASEAN.
Ông nhắc lại lập trường nhất quán của Mỹ rằng ‘Chúng tôi kỳ vọng mỗi nước đều có thể cho thuyền bè và máy bay vận hành ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép.’ Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn độ dương-Thái bình dương rộng mở-tự do và bảo đảm rằng ‘chủ quyền của các nước không bị xâm hại.’
Trong vài năm qua, Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách biến 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh kiểm soát thành các cơ sở thiết đặt quân sự, gây bão chỉ trích từ các bên có tuyên bố chủ quyền cũng như từ Mỹ.
****************
Biển Đông : Tổng thống Philippines cảnh cáo Bắc Kinh đừng đụng vào đảo Thị Tứ (RFI, 05/04/2019)
Sau những lời báo động và tố cáo liên tiếp của giới chức quân sự và ngoại giao Philippines về sự hiện diện của gần 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ đang do Manila kiểm soát tại vùng Trường Sa ở Biển Đông, ngày hôm qua, 05/04/2019, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh.
Binh sĩ Philippines tuần tra tại đảo Pag Asa (tức đảo Thị Tứ), Biển Đông, ngày 11/05/2015. Reuters/Ritchie B. Tongo
Phát biểu vào cuối ngày hôm qua trước các công tố viên Philippines, về khả năng nổ ra xung đột võ trang nếu Trung Quốc "đụng" vào đảo mà người Philippines gọi là Pag Asa (mà Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền), ông Duterte đã nói nguyên văn như sau : "Tôi sẽ không nài nỉ hay cầu xin mà tôi chỉ nói với quý vị (tức là Trung Quốc) rằng hãy buông Pag Asa ra vì tôi có binh lính ở đó".
Thông điệp của tổng thống Philippines với Bắc Kinh rất rõ : "Nếu quý vị đụng đến (Pag Asa) thì đó sẽ là chuyện khác. Lúc đó, tôi sẽ nói với binh sĩ của tôi chuẩn bị cho các nhiệm vụ cảm tử".
Tuyên bố có vẻ mạnh bạo trên đây được chú ý vì cho đến nay, vì lợi ích kinh tế, ông Duterte vốn luôn luôn tránh đụng chạm đến Trung Quốc, kể cả trên vấn đề Biển Đông. Mặt khác ông nhiều lần cho rằng gây chiến với Bắc Kinh đồng nghĩa với hành động "tự sát", điều mà ông cố tránh.
Nguy cơ Trung Quốc dùng võ lực chiếm Thị Tứ phải chăng đã cấp bách đến mức mà tổng thống Philippines phải nói mạnh ? Dẫu sao thì ông Duterte không thể im tiếng sau khi bộ Ngoại Giao Philippines cũng hôm qua, đã lên tiếng tố cáo sự hiện diện của khoảng 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, và đặt câu hỏi về mục đích thực sự của Bắc Kinh.
Trước đó quân đội Philippines đã cảnh báo về số tầu thuyền hùng hậu mà Bắc Kinh cho áp sát Thị Tứ, bao gồm cả tàu hải cảnh lẫn tàu cá, bị nghi là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Trước những phản đối mạnh của Manila, Bắc Kinh đã tìm cách hạ nhiệt.
Theo hãng tin Anh Reuters, đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã cho biết là vấn đề đang được xử lý thông qua "các kênh ngoại giao thân thiện". Còn tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông tổ chức tại Philippines hôm 03/04 vừa qua đã diễn ra một cách "thẳng thắn, thân thiện và mang tính chất xây dựng".
Trọng Nghĩa
*****************
Tổng thống Philippines dọa ‘cảm tử' nếu Bắc Kinh vượt qua lằn ranh đỏ ở Biển Đông (VOA, 05/04/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong một bài phát biểu hôm thứ Năm, 4/4, rằng ông không có nhiều lựa chọn ngoài việc ra lệnh cho quân đội ‘chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ cảm tử’, nếu một hòn đảo do Philippines kiểm soát bị đe dọa.
Lính Philippines trên đảo Thị Tứ ở Biển Đông (ảnh tư liệu, tháng 4/2017)
Trong một động thái hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Philippines hôm 4/4 chỉ trích sự hiện diện của một số lượng lớn tàu Trung Quốc ở gần các đảo và bãi đá thuộc quyền kiểm soát của Philippines trong Biển Đông. Bộ Ngoại giao nói sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại đó là bất hợp pháp.
Từ tháng 1 cho đến tháng 3 năm nay, quân đội Philippines theo dõi hơn 200 tàu Trung Quốc tại khu vực tranh chấp có tên Sandy Cay- Việt Nam gọi là đảo Sơn Ca, gần một hòn đảo do Philippines chiếm đóng có tên là Pag-asa theo cách gọi của Philippines, Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ.
"Tôi đang cố nói với Trung Quốc rằng Pag-asa là của chúng tôi, vì vậy chúng ta hãy duy trì tình bạn, nhưng đừng đụng đến đảo Pag-asa và các đảo còn lại. Nếu không, mọi thứ sẽ khác đi". Ông Duterte nói : "Đây không phải là một lời cảnh cáo, đây chỉ là một lời khuyên đối với bạn bè, bởi vì Trung Quốc là bạn của chúng tôi".
Tổng thống Philippines nói thêm : "Tôi sẽ không nài nỉ hay van xin, nhưng tôi xin nói với các bạn rằng, hãy buông Pag-asa ra, chớ đụng tới nó vì tôi có lính ở đó. Nếu các bạn đụng đến hòn đảo, thì đó là một chuyện khác. Tôi sẽ ra lệnh cho các binh sĩ của chúng tôi ‘sẵn sàng thực hiện các sứ mạng cảm tử'".
Ông Duterte lâu nay áp dụng cách tiếp cận không đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong khi kêu gọi Trung Quốc làm ăn, đầu tư và cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông thường xuyên đả kích các chính sách an ninh của Hoa Kỳ, đồng minh đã ký hiệp ước với Philippines, trong khi ca ngợi Trung Quốc và Nga.
Ông Duterte trong thời gian qua thường phải rất thận trọng khi nói về những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, nơi Manila và Bắc Kinh, cùng với chính phủ bốn nước khác trong đó có Việt Nam, tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
*******************
Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép gần đảo Thị Tứ (RFA, 04/04/2019)
Philippines, vào ngày 4 tháng 4 lên tiếng cho rằng sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực đảo Thị Tứ đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông là "bất hợp pháp".
Ảnh minh họa : Tàu tuần duyên Trung Quốc (trái và phải) ngăn cản tàu của Philippines (ở giữa) tiếp cận Bãi Cỏ Mây, bãi đá tranh chấp ở Biển Đông giữa Phi và Trung Quốc. Hình chụp ngày 29/03/14. AFP
Cáo buộc vừa nêu của Manila được cho là hiếm hoi vì Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương hợp tác với Bắc Kinh trong thương mại và đầu tư, thay vì tiếp tục lập trường đối đầu như trước đây dưới thời Tổng thống Benigno Aquino tiền nhiệm.
Quân đội Philippines cho biết trong 3 tháng đầu năm 2019 có ít nhất 275 tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại đảo Pag-asa (hay còn gọi là đảo Thị Tứ) do Philippines kiểm soát. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Phi cho rằng động thái này của Trung Quốc là bất hợp pháp và rõ ràng vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Phi.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên Philippines, nước đang có các hoạt động xây dựng tại đảo.
Phát ngôn nhân Salvador Panelo của Tổng thống Duterte cho biết Philippines vào ngày 1 tháng 4 đã đệ đơn phản đối ngoại giao về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pag-asa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho báo giới biết Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau vào hôm thứ Tư, ngày 3 tháng 4 và đã "trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng" về vấn đề này.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, là khu vực đang tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
********************
Philippines : Tàu cá Trung Quốc tại các đảo tranh chấp là "phi pháp" (RFI, 04/04/2019)
Chính quyền Manila ngày 04/04/2019 đã lên án sự hiện diện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc tại khu vực đảo có tranh chấp ở Biển Đông là "phi pháp".
Đội tàu cá Trung Quốc ở cảng Đàm Môn (Tanmen), Hải Nam. Ảnh chụp ngày 05/04/2016. Reuters
Bộ Ngoại Giao Philippines trong một thông cáo ghi rằng "Sự hiện diện của tàu đánh cá Trung Quốc tại khu vực đảo Pagasa (tức đảo Thị Tứ thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa cũ, bị Philippines chiếm đóng vào đầu thập niên 70) là bất hợp pháp. Những hành động như thế rõ ràng là một sự vi phạm chủ quyền của Philippines".
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Philippines còn cho rằng "chiến thuật bầy đàn" này khiến người ta không khỏi lo ngại về ý đồ của những chiếc tàu cá đó, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một hình thức gây áp lực với Philippines, nhằm ngăn chận nước này tiến hành một số công trình cải tạo cơ sở hạ tầng ở đảo Thị Tứ. Theo bộ Ngoại Giao Philippines, "những hành động này, tuy là chính phủ Trung Quốc phủ nhận, nhưng đã được Bắc Kinh ngầm thông qua".
Những lời chỉ trích này được đưa ra sau vụ 275 tàu đánh cá và tuần duyên Trung Quốc ùa sang khu vực đảo Thị Tứ, mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Theo AFP, hiếm khi nào chính quyền Manila có những lời lẽ chỉ trích công khai như vậy nhắm vào Bắc Kinh, kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống Philippines. Ông Duterte luôn tìm cách gạt sang một bên các cuộc đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo.
Minh Anh
Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc (RFI, 03/04/2019)
Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 02/04/2019, Washington và Manila, gần đây, đã bàn bạc về khả năng Mỹ cho triển khai tại Philippines một loại pháo phản lực được nâng cấp để răn đe Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.
Pháo HIMARS của quân đội Hoa Kỳ(@wikipedia.org)
Theo tờ báo, đây là loại pháo phản lực cơ động cao gọi là tắt là HIMARS, nếu được triển khai ở Philippines, sẽ đặt các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát ở vùng Trường Sa (Biển Đông) trong tầm ngắm.
Chuyên gia an ninh hàng hải tại Singapore Collin Koh Swee Lean cho rằng nếu được bố trí ở tỉnh Palawan của Philippines, tầm bắn của dàn pháo HIMARS có thể bao trùm một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo Trung Quốc đã quân sự hóa ở Trường Sa.
Một số chuyên gia quân sự, được South China Morning Post trích dẫn, cho biết là hai bên đã có thảo luận, nhưng đàm phán thất bại vì hệ thống HIMARS quá đắt so với ngân sách quân sự hạn hẹp của Philippines.
Thông tin về ý định của Mỹ liên quan đến hệ thống pháo phản lực HIMARS được đưa ra sau khi Trung Tâm về Một Nền An Ninh Mới của Mỹ CNAS công bố một bản báo cáo (ngày 21/03), kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai hệ thống này tới các nước Đông Nam Á, nhằm thể hiện sự linh hoạt và đa dạng trong chiến lược cho quân đội Mỹ luân phiên hiện diện tại khu vực
Nhật báo Hồng Kông tiết lộ rằng bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc gặp quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan ở Washington hôm 01/04, đã khẳng định trở lại quan hệ "đồng minh bền vững" giữa hai nước, nhất trí tăng cường năng lực tương tác giữa hai quân đội. Mỹ cũng xác định tiếp tục ủng hộ quá trình hiện đại hóa lực lượng võ trang Philippines.
Trọng Nghĩa
********************
Mỹ-Philippines thảo luận triển khai tên lửa Biển Đông ngừa Trung Quốc (VOA, 03/04/2019)
Hoa Kỳ và Philippines đang thảo luận về việc đặt một hệ thống tên lửa được nâng cấp ở Biển Đông để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết hôm 3/4.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ được đưa ra trong cuộc tập trận chung "Balikatan 2016" giữa Mỹ và Philippines vào ngày 14/4/2016 ở Philippines.
Hệ thống rocket của Lockheed Martin có khả năng phóng các tên lửa dẫn đường tầm xa chính xác, có thể tấn công bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, một chuyên gia nói với SCMP.
Theo lời các chuyên gia an ninh khu vực nói với SCMP, mặc dù Washington và Manila đang hợp tác để ngăn chặn đà "quân sự hóa" ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên các đảo ở Biển Đông, nhưng hai bên đã không thể kết thúc được thỏa thuận vì Hệ thống pháo phản lực HIMARS có thể quá đắt đỏ đối với ngân sách của Manila.
Bộ quốc phòng Philippines đã được phân bổ ngân sách 3,6 tỷ đôla cho năm 2019, tăng 34% so với năm trước, nhưng vẫn không là gì so với ngân sách quốc phòng khổng lồ năm 2019 của Mỹ là 686 tỷ đôla.
Tiết lộ trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia về quốc phòng có ảnh hưởng thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington cảnh báo trong một báo cáo mới rằng các hoạt động "tự do hàng hải" của Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông .
Trung Quốc đã cài đặt các hệ thống tên lửa chống hạm địa đối không trên 3 đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong chuỗi đảo Trường Sa, tạo ra một rào cản tiềm năng cho quân đội Hoa Kỳ trong khu vực tranh chấp. Trong các cuộc đàm phán an ninh và ngoại giao cấp cao vào tháng 11, Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi phải gỡ bỏ các tên lửa này.
Báo cáo được công bố vào ngày 21/3 của CNAS thúc giục Hoa Kỳ phải triển khai hệ thống HIMARS ở các nước Đông Nam Á để "chứng minh tính linh hoạt và khả biến trong hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ".
Hệ thống tên lửa đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong cuộc tập trận quân sự chung hàng năm của Mỹ và Philippines có tên Balikatan vào năm 2016.
Năm ngoái, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có khả năng thổi bay các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Hôm 1/4, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng đảm bảo "liên minh bền vững" giữa Mỹ và Philippines, và đồng ý về nhu cầu "tăng khả năng tương tác" giữa hai quân đội.
Hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhắm vào máy bay hay tàu của Philippines ở Biển Đông đều sẽ nhận phản ứng từ Mỹ.
"Việc xây đảo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines, cũng như của Hoa Kỳ", ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung ở Manila vào tháng Hai.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang tăng dần sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, một trong những thủy lộ bận rộn nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã khai phá hơn 2.900 mẫu đất kể từ năm 2013.
Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động ngày càng tăng trên một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa, bao gồm việc xây dựng các sân bay trực thăng, phi đạo và các cấu trúc radar, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ.
Hôm 1/4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ gửi kháng thư để phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ mà Manila tuyên bố chủ quyền.
********************
Biển Đông : Philippines phản đối Trung Quốc đưa nhiều tàu áp sát đảo Thị Tứ (RFI, 01/04/2019)
Trả lời báo chí, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines hôm 01/04/2019, cho biết chính quyền Philippines sẽ có công hàm phản đối Trung Quốc đưa nhiều tàu đến sát khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa Island), như thông báo của quân đội Philippines mới đây.
Ảnh vệ tinh chụh ngày 13/08/2017 cho thấy nhiều tàu cá Trung Quốc (số màu đỏ) và ít nhất 2 tàu "chấp pháp" Trung Quốc (số màu vàng), sát đảo Thị Tứ (Trường Sa) ở Biển Đông.AMTI - CSIS
Báo Philippines Philstar cho hay, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, khẳng định bộ Ngoại Giao sẽ có phản đối chính thức gửi đến Bắc Kinh, thể theo yêu cầu của bộ Tư lệnh miền Tây quân đội Philippines. Người phát ngôn phủ tổng thống Philippines cho biết sẽ nêu vấn đề này trong cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại phủ tổng thống chiều hôm nay.
Thứ Sáu tuần trước, 29/03/2019, báo chí Philippines loan tải thông tin từ báo cáo của quân đội, theo đó tổng cộng hơn 600 tàu thuyền Trung Quốc đã áp sát, "bao vây" đảo Thị Tứ, một trong các thực thể địa lý lớn nhất của quần đảo Trường Sa, do Manila kiểm soát, kể từ đầu năm đến nay.
ABS-CBN News cho biết cụ thể là thời gian tàu Trung Quốc có mặt đông đảo nhất là vào ngày 10/02/2019, khi quân đội Philippines vận chuyển các phương tiện đến đảo Thị Tứ để chuẩn bị cho một số công trình xây dựng, tôn tạo, trong đó một đường băng máy bay trên đảo này.
Theo trung tá Elpidio Factor, một sĩ quan bộ Tư lệnh miền Tây, các tàu Trung Quốc thuộc lực lượng dân quân biển - thường được tuần duyên hỗ trợ - đã áp rất gần đảo Thị Tứ, sát với khu vực bãi cát bao quanh hòn đảo. Cùng với đảo Thị Tứ, thuyền Trung Quốc cũng "bao vây" hai đảo Kota (đá Loại Ta/Loaita Island) và Panata (đảo An Nhơn/Lankiam Cay), do Philippines kiểm soát.
Trả ABS-CBN, giáo sư Jay Batonbacal, giám đốc Viện An ninh Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines College of Law, nhận định là Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng biện pháp dùng tàu dân sự lấn dần, dễ gây mất cảnh giác này, để xâm nhập vào các nhiều khu vực mà họ vốn không có cơ hội xâm nhập trước đó. Có thể bây giờ đã đến giai đoạn họ trực tiếp tiếp cận với khu vực đất liền của các đảo.
Trọng Thành
********************
Philippines đã gửi công hàm phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc gần một hòn đảo Manila kiểm soát ở Biển Đông.
Reuters đưa tin, dẫn phát ngôn viên của tổng thống Salvador Panelo cho biết hôm 1/4.
Ông cho hay rằng các tàu hiện diện gần đảo Thị Thứ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines, nhưng không miêu tả các tàu thuyền đó.
Đại sứ Trung Quốc nói rằng đó là các tàu đánh bắt cá. Theo Reuters, chưa rõ Philippines gửi công hàm phản đối khi nào.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nói với các phóng viên rằng cả ngư dân Philippines và Trung Quốc đều hiện diện tại khu vực tranh chấp.
Ông cũng bác bỏ các tin tức nói rằng các ngư dân Trung Quốc có mang theo vũ khí.
Ông cũng nói tiếp rằng Bắc Kinh và Manila đang xử lý các vấn đề liên quan tới hàng hải thông qua các kênh ngoại giao.
Theo Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2016 để đổi lấy hàng tỷ đôla đầu tư và các khoản vay.
**********************
Tàu hải quân Ấn Độ lại cập cảng Tiên Sa (VOA, 02/04/2019)
Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ hôm 1/4 đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tăng cường hợp tác quốc phòng và hàng hải.
Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, từ 1/4 và sẽ có cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam trước khi rời đi ngày 4/4. (Ảnh chụp màn hình Tiền Phong)
Báo điện tử Đảng Cộng Sản cho biết tàu tuần tra ICGS VIJIT số hiệu 31 do thuyền trưởng đại tá T Ashish chỉ huy đang có chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng trong 4 bốn ngày với kế hoạch tập trận cùng hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Hãng tin Reuters cũng xác nhận tin này.
Trước khi rời đi vào ngày 4/4, cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ sẽ có buổi diễn tập tìm kiếm và cứu hộ trên biển.
Theo Dân Trí, chuyến thăm lần này của tàu VIJIT nhằm "thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ" và "đóng góp tích cực vào an ninh và ổn định trong khu vực và thế giới".
Tháng 5/2018, ba tàu của hải quân của Ấn Độ cũng đã cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm 5 ngày như một phần của việc triển khai hoạt động của hạm đội tàu phía Đông của nước này tới các khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương, theo The Hindu.
Tờ nhật báo của Ấn Độ nói rằng hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Vào tháng 1 năm ngoái, lần đầu tiên quân đội của hai nước đã cùng tập trận xong phương ở Jabalpur, cho thấy mối quan hệ quốc phòng của nước này với khu vực ngày càng sâu đậm hơn, vẫn theo The Hindu.
Vào tháng 10 năm ngoái, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CBS 8001 cũng có chuyến thăm tới Ấn Độ trong 5 ngày, theo Dân Trí. Đó là lần đầu tiên một tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chuyến thăm bên ngoài khu vực láng giềng.
Dân Trí nhận định Ấn Độ và Việt Nam có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng cả hai quốc gia cam kết xây dựng một khu vực Châu Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại không bị cản trở.
Nếu hiểu chiến tranh là để hủy diệt nhằm thôn tính đất đai, tài nguyên, thì xứ mình vẫn chiến tranh suốt mấy mươi năm quá đó chứ. Giặc là ai à ? Trung Quốc đó. Họ cướp tài nguyên dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Họ gieo rắc cái chết dần mòn trong dân chúng do ô nhiễm bởi công nghệ lạc hậu từ phương Bắc thi nhau trút vào Việt Nam. Và họ cũng từng dùng súng đạn để xâm lược Việt Nam...
Tàu cá Trung Quốc, Philippines căng thẳng gần đảo Thị Tứ ở Biển Đông 6/3/2019
Chiều ngày 5/3, nhiều bản tin trên báo chí Việt Nam bắt đầu nhuốm mùi thuốc súng, khi diễn tả lại một bản tin nước ngoài nói rằng lính Trung Quốc dưới màu áo dân sự là ngư dân, đã vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines khai thác ngư trường. Phía Trung Quốc cấm mọi tàu cá của các quốc gia khác bén mảng ở đảo Thị Tứ.
Trong một diễn biến khác, báo chí Việt Nam cũng rút tít đầy mạnh mẽ "Đài Loan tuyên bố 'sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào'" trong bản tin được trích dẫn từ Reuters, mà bản tin gốc tiếng Anh vốn có tít rất hiền lành : "Rise in China's defense budget to outpace economic growth target".
"Trung Quốc đã liên tục tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, do đó chúng tôi luôn phải thận trọng" - ông Tô Trinh Xương nhấn mạnh trong ngày 5/3 khi được hỏi về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
"Chúng tôi không ngán chiến tranh và sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào" - hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan khẳng định [*].
Ba năm về trước, trong bản tin phát hành nội bộ đầu tháng 1 năm 2016 của nhóm nghiên cứu thị trường chứng khoán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra cảnh báo với sự giảm tốc ngày càng rõ rệt của kinh tế Trung Quốc, quốc gia này có thể "xuất khẩu khủng hoảng" sang các nước khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.
Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ có 4 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tiền tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất không phải là nông sản, mà là máy tính và sản phẩm điện tử (dĩ nhiên là gia công) với giá trị 2,6 tỷ USD, tiếp đến là xơ và sợi dệt với 1,4 tỷ USD.
Phía nhóm nghiên cứu của Vietcombank đã viết trong báo cáo của mình, khuyến cáo rằng cần theo dõi sát sao những rủi ro từ Trung Quốc. Tuy nhiên tính từ đó đến nay, dường như Trung Quốc đã ‘khống chế’ phần lớn các hoạt động kinh tế, bao gồm lãnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ cần mới đây họ cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam, lập tức giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rớt thảm hại.
Trung tuần tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 6 cảnh báo về chuyện làm ăn giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Có thể tóm tắt như sau :
Thứ nhất, Việt Nam vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thâm hụt dù đã giảm trong thời gian gần đây, song đà giảm chưa có tính bền vững.
Thứ hai, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc.
Thứ ba, thống kê thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không đầy đủ, thiếu kịp thời và chi tiết. Hạn chế về thống kê đã hạn chế đáng kể khả năng đánh giá, điều chỉnh chính sách thương mại kịp thời của Việt Nam với Trung Quốc.
Thứ tư, phương thức thu mua của đối tác Trung Quốc có biến động đáng kể và đảo chiều tương đối nhanh tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến cung - cầu và khai thác bền vững một số mặt hàng và/hoặc tại một số địa phương.
Thứ năm, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Thứ sáu, các dự án sử dụng ODA và vốn chính thức khác từ Trung Quốc chưa giúp cải thiện đáng kể năng lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác Việt Nam nói riêng.
Vốn vay ODA Trung Quốc tại Việt Nam thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản (0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay) ; Hàn Quốc (0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu) hay Ấn Độ (1,75%/ năm). Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%. Đối với vay thương mại, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) với mức đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ, phải vay vốn Trung Quốc với mức lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86%/năm.
Theo các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ít nhất 5 vấn đề sau đây cần phải được các quan chức 'chóp bu' lưu ý để làm tốt trọng trách của mình :
Một, hãy quan tâm đến hiệu quả kinh tế thực sự của các dự án lớn ;
Hai, nên chú trọng vòng đời vận hành của các dự án, hơn là chăm chăm vào chi phí bỏ thầu thấp của Trung Quốc ;
Ba, tránh việc trở thành con nợ chung thân của Trung Quốc với các điều khoản vay nặng nề như lâu nay ;
Bốn, hãy vì tương lai giống nòi để chú trọng vấn đề môi trường ;
Năm, ‘giọt máu đào hơn ao nước lã’, hãy đảm bảo sinh kế của người dân tại những nơi có dự án Trung Quốc.
Tuy nhiên đến nay phía những nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn thờ ơ các nội dung cảnh báo đó. Người ta chưa thấy báo chí đăng tải một phát biểu nào về mối nguy Bắc thuộc đang hiện diện tại Việt Nam từ các quan chức hàng VIP ấy.
Giả dụ thần Kim Quy là có thật, hôm nào đó vì ngộp thở quá do hồ Gươm ô nhiễm, Kim Quy trồi lên thoi thóp rồi nói rằng : "Giặc không còn sau lưng nữa, mà đang chung giường với bệ hạ đó !"…
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 07/03/2019
Chú thích :
AMTI : Trung Quốc điều dân quân tới đảo Thị Tứ Biển Đông (RFI, 07/02/2019)
Hôm 06/02/2019, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) dựa trên các hình ảnh vệ tinh, tiết lộ rằng "một số tàu Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực giữa bãi đá Subi và đảo Thị Tứ, Biển Đông, ít nhất kể từ tháng 7 năm 2018"
Binh sĩ Philippines trên đảo Thị Tứ, Trường Sa , nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan. Ảnh chụp ngày 11/05/2015. AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho biết hành động nói trên của Trung Quốc có thể là nhằm "đáp trả nỗ lực ban đầu của Philippines về việc tu sửa đường băng" trên đảo Thị Tứ vào tháng 5 năm 2018.
Thị Tứ là đảo tự nhiên lớn thứ 2 tại quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, hiện do Philippines kiểm soát, nhưng Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng đòi chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 04/02 cho biết Manila đặt mục tiêu hoàn thành một đoạn đường dốc trên đảo Thị Tứ "trong đầu năm 2019", theo tin của tờ Philippine Daily Inquirer.
Theo AMTI, đoạn đường này "sẽ tạo thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng cho hòn đảo để phục vụ các hoạt động nâng cấp đã được dự trù", đặc biệt là nâng cấp đường băng trên đảo. Và Trung Quốc đã đáp trả công trình mới của Philippines này "bằng cách triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía tây nam". Đội tàu này gồm một số tàu của hải quân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá lớn, có kích thước từ 30 đến 70 mét.
Các chuyên gia của AMTI cho rằng các tàu cá này "có những dấu hiệu thuộc về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc", có trang bị hệ thống vô hiệu hóa máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động của họ.
Thanh Phương
*******************
Nhật Bản hôm 07/02/2019 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu khoan dầu đến một mỏ khí đốt tại vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Dàn khoan khai thác khí tại vùng mà Trung Quốc gọi là Xuân Hiểu (Chunxiao), còn đối với Nhật là Sirakaba - Reuters/Kyodo
Phản kháng của Nhật thông qua con đường ngoại giao được đưa ra sau khi Tokyo khẳng định chiếc tàu này vào tháng Giêng đã di chuyển đến gần đường phân cách giữa hai nước trên biển Hoa Đông, dường như đang thăm dò tài nguyên. Trước đó vào tháng 9/2018, Nhật đã phát hiện chiếc tàu đang khoan dầu khí, sau đó tàu này dời đi nơi khác.
Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, tuyên bố : "Thật vô cùng đáng tiếc là Trung Quốc vẫn tiếp tục đơn phương triển khai các hoạt động này".
Bắc Kinh hiện có 16 dàn dầu khí bên phía Trung Quốc, ở gần đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Tokyo lo sợ Trung Quốc âm thầm hút đi tài nguyên dầu khí bên phía Nhật.
Phát hiện trên đây diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang có tiến triển. Hôm thứ Bảy, đôi bên đã thỏa thuận đẩy nhanh việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, thứ trưởng ngoại giao Nhật Takeo Mori và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định đó là "sự kiện quan trọng nhất trong năm nay" của cả hai nước.
Thụy My
********************
Năm 2019 Trung Quốc có thể tăng cường "tuần tra hàng hải" ở Biển Đông (GDVN, 04/02/2019)
Về các cuộc tuần tra đang diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hứa Kỳ Lượng chỉ thị cảnh sát biển Trung Quốc phải "chuẩn bị tốt cho các kịch bản".
Tướng Hứa Kỳ Lượng, ảnh : Reuters.
Tân Hoa Xã ngày 3/2 đưa tin, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng cùng ngày nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một lực lượng thực thi pháp luật hàng hải mạnh mẽ và hiện đại.
Ông Lượng cũng là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nêu yêu cầu này khi tới chúc Tết các sĩ quan, binh lính cảnh sát biển Trung Quốc.
Về các cuộc tuần tra đang diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hứa Kỳ Lượng chỉ thị cho lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc phải "chuẩn bị tốt cho các kịch bản khác nhau", khuyến khích họ kiên quyết bảo vệ (cái gọi là) quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Hứa Kỳ Lượng kêu gọi phát triển lực lượng cảnh sát biển vững chắc hơn và gắn liền với chiến lược phát triển Trung Quốc thành một cường quốc biển.
Ông Lượng cũng nhấn mạnh việc cần phải tăng cường đều đặn sự sẵn sàng của cảnh sát biển Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền lợi hàng hải và thực thi luật pháp trên biển, cải thiện khả năng đối phó với các rủi ro và thách thức liên quan [1].
Trong một động thái khác có liên quan, ngày 30/1 South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm cứu hộ (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam ; 7 cấu trúc hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, đảo hóa và quân sự hóa trái phép).
Thông báo này được Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đưa ra 6 tháng sau khi Trung Quốc điều tàu cứu hộ Nanhaijiu 115 đến Su Bi.
Đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập có doanh trại cho hơn 1000 quân với nguồn cung cấp nước ngọt, năng lượng pin mặt trời và các nhà kính trồng rau, bên cạnh hệ thống vũ khí, công sự [2]
Hồng Thủy
Chú thích :
[1] http://www.xinhuanet.com/english/2019-02/03/c_137797573.htm
[2] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2184351
Tàu chiến và dân quân biển Trung Quốc đến sát đảo Thị Tứ (RFI, 15/08/2017)
Một dân biểu Philippines ngày 14/08/2017 đã lên tiếng báo động về các hành vi "bất thường" của Trung Quốc sát đảo Thị Tứ - mà Philippines đang kiểm soát và đặt tên là Pag-asa - tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trả lời báo chí Philippines, dân biểu này lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc tìm cách chiếm đóng các cồn cát gần đảo Thị Tứ.
Binh sĩ Philippines trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 11/05/2015. AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
Theo dân biểu Gary Alejano, các nguồn tin từ quân đội Philippines cho biết là đã có đến 5 tàu Trung Quốc, bao gồm hai hộ tống hạm, một tàu hải cảnh và hai tàu cá lớn, bên trên có chở vố số dân quân biển, xuất hiện tại khu vực sát đảo Thị Tứ từ hôm 12/08 vừa qua.
Trả lời báo mạng Rappler của Philippines, ông Alejano lo ngại rằng Trung Quốc "có thể đang có một kế hoạch thâm hiểm nhằm chiếm đóng những cồn cát nằm ngay ở phía tây đảo Thị Tứ", thường được người Philippines đang sống trên đảo Thị Tứ dùng làm nơi câu cá hay ăn picnic.
Theo chính khách Philippines này, còn có tin cho biết là tàu cá Trung Quốc đã xông ra ngăn chận, không cho tàu ngư chính của Philippines tiến vào khu vực.
Cho dù tàu Trung Quốc thường xuất hiện gần đảo Thị Tứ, vốn chỉ cách Đá Xu Bi, một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa và bồi đắp thành tiền đồn, khoảng 20 hải lý, đây là lần đầu tiên mà tàu Trung Quốc áp sát những bãi cạn chỉ cách đảo Thị Tứ không đầy 3 hải lý.
Thị Tứ là một trong những đảo đá lớn nhất tại vùng quần đảo Trường Sa, do Philippines kiểm soát, nhưng cũng bị Trung Quốc, Việt Nam đòi chủ quyền. Trên đảo Thị Tứ có một phi đạo ngắn, đủ cho vận tải cơ C.130 đáp xuống, với khoảng 100 người thường xuyên cư ngụ, bao gồm cả binh lính, công chức lẫn dân thường.
Theo báo Philippine Inquirer, trong một cuộc họp báo hôm nay, dân biểu Alejano đã không ngần ngại tố cáo ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc và kêu gọi chính quyền Manila đề cao cảnh giác, rút kinh nghiệm từ chiến thuật Bắc Kinh dùng vào năm 1995 để chiếm đóng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) từ tay Philippines :
"Các sự kiện này rất khả nghi và đáng ngại căn cứ vào việc Trung Quốc luôn nói công khai một đằng, nhưng trong thực tế lại làm một nẻo khác. Ví dụ như việc ngư dân Philippines vẫn tiếp tục bị Hải Quân hay Hải Cảnh Trung Quốc sách nhiễu ở Biển Tây Philippine (tên Manila đặt cho Biển Đông). Đừng quên những gì đã xảy ra vào năm 1995 khi họ chiếm lấy Mischief Reef".
Đối với dân biểu Alejano, chính quyền Philippines phải xử lý vụ việc này một cách nghiêm túc và đòi Trung Quốc rút tàu ra khỏi khu vực đảo Pag-asa, và gởi công hàm phản đối ngoại giao một cách thích đáng.
Trọng Nghĩa
**********************
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa (RFA, 15/08/2017)
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị sĩ Philippines Gary Alejano ngày 14 tháng 8 dẫn nguồn tin quân đội cho biết 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía Tây đảo Thị Tứ kể từ hôm 12 tháng 8.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa AFP
Trang mạng Rappler loan tin nói rõ trong số 5 con tàu này có 2 tàu hộ vệ, 1 tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong phiên họp Hạ viện Philippines, ông Alejano cho biết đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tiến gần đến những bãi cạn thuộc hòn đảo ở khoảng cách chưa đầy 5 kilomet rưỡi. Đồng thời ông cũng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có thể xâm chiếm các bãi cạn ngay phía Tây Thị Tứ, và có thể sử dụng các ngư dân để tấn công hòn đảo này bằng cách ngăn chặn, gây rối ngư dân và tàu công vụ.
Hiện Trung Quốc chưa bình luận gì về phát biểu của ông Alejano.
Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa và hiện đang do Philippines quản lý ; và Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
******************
Tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ, Phi lo ngại ý đồ Bắc Kinh (VOA, 15/08/2017)
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, hôm 15/8 cho biết chính quyền Philippines đang tìm cách xác minh các bản tin tường trình về những hoạt động khả nghị của nhiều chiếc tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứở Biển Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông.
Đảo Thị Tứ (còn gọi là đảo Pagasa) là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, gần Philippines.
Theo trang tin tức Rappler.com, dân biểu Hạ viện Philippines Gary Alejano dẫn các nguồn tin từ quân đội, báo cáo về "các hoạt động bất thường rất khả nghi của tàu chiến và tàu tuần duyên Trung Quốc cùng ‘một lực lượng dân quân biển’ gần đảo Thị Tứ. Dân biểu Alejano cho biết trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Dân biểu đối lập này của Philippines còn tiết lộ rằng cách đây hai ngày, ông nhận được tin rằng một chiếc tàu của chính phủ Philippines, thuộc Phòng Sinh thái Nghề Cá và Tài nguyên Thủy sinh vật, đã bị chặn, không cho tới gần các bãi cạn nằm về hướng Bắc đảo Thị Tứ.
Bản tin nói dân biểu Alejano đã nêu lên sự cố này với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tại Hạ viện Philippines tối hôm 14/8 trong các cuộc thảo luận về ngân sách Bộ Quốc phòng.
Dân biểu Alejano cảnh báo Trung Quốc có thể có kế hoạch nhằm xâm chiếm các bãi cạn ở phía tây Thị Tứ. Ông nói ông lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng "lực lượng dân quân biển" tức là ngư dân, dể tấn công đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ, Philippines gọi là đảo Pag-asa, là đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng là nơi Việt Nam cũng tuyên bốthuộc chủ quyền của mình.
Tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần đảo Thị Tứ nhưng hình như đây là lần đầu tiên các tàu này tiến gần đến cách các bãi cạn của hòn đảo này chưa đầy 5,5 km.
Đại tá Thuỷ quân Lục chiến Arevalo nói sẽ cần vài ngày trước khi có thể kiểm chứng thông tin này. Ông nói :
"Tôi tin rằng vấn đề này giờ thuộc thẩm quyền của Toán đặc nhiệm Biển Tây Philippines".
Người phát ngôn quân đội Philippines nói ông sẽ không bình luận thêm về vấn đề này cho tới khi đã thấy được toàn cảnh tình hình hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói ông tin tưởng Trung Quốc sẽ không chiếm đóng thêm lãnh thổ, lãnh hải nào khác trong Biển Đông, dựa trên một "thỏa thuận sống chung hòa bình" mà ông nói đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano điều giải.