Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/04/2019

Thỏa thuận Thành Đô ngày càng rõ nét

BBC tiếng Việt

Lê Đức Anh - Giang Trạch Dân và cuộc họp 'kiên định con đường xã hội chủ nghĩa (BBC, 26/04/2019)

Báo Việt Nam vừa giới thiệu lại lời cố Đại tướng Lê Đức Anh và lãnh đạo Giang Trạch Dân của Trung Quốc hồi 1991 cùng đồng ý 'bảo vệ chủ nghĩa cã hội' và sự lãnh đạo của hai đảng cộng sản trong bối cảnh Liên Xô tan rã.

thanhdo1

Tổng bí thư Giang Trạch Dân của Trung Quốc ký hiệp định biên giới với những lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô tại Moscow năm 1991. Sau đó, Liên Xô tan rã, gây choáng cho ban lãnh đạo Trung Quốc.

Trang VietnamNet (24/04/2019) có bài "Phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân" trích lại nhiều đoạn trao đổi giữa hai người mà ông Lê Đức Anh ghi lại trong hồi ký.

Tại cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 7/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh với tư cách là đặc phái viên của Tổng bí thư Đỗ Mười, đã cùng ông Hồng Hà, trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, được các quan chức cao cấp Trung Quốc đón tiếp.

Cùng nhau vì chủ nghĩa xã hội

Đây là thời điểm mà như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân nói với khách Việt Nam, người Trung Quốc "giật mình" (xúc mục kim tâm) trước sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô.

Giới quan sát cho rằng đây là lý do khiến hai Đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam "tìm đến nhau" sau nhiều năm thù địch, kể từ Cuộc chiến Biên giới 1979.

Những gì đoàn Việt Nam và phía chủ nhà phát biểu xác nhận điều này.

Đại tướng Lê Đức Anh đã cảm ơn viện trợ của Bắc Kinh cho Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến và ca ngợi Trung Quốc trong hoàn cảnh mới, làm chỗ dựa cho Việt Nam :

"Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được".

Đáp lời, Tổng bí thư Giang Trạch Dân nói :

"Tôi nghe thông báo về Đại hội 7, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi".

Ông Lê Đức Anh nói thêm, khẳng định "sự phấn khởi trước lập trường quan điểm" của lãnh đạo Trung Quốc, và "niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa".

thanhdo2

Hai ông Lê Đức Anh và Giang Trạch Dân gặp nhau trong tình đồng chí hồi tháng 7/1991

"Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi.

"Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế".

Cũng tại cuộc gặp, ông Giang Trạch Dân nêu ra các nguy cơ và cho đoàn Việt Nam biết sự kiên định bảo vệ Đảng cộng sản và đường lối xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc là gì.

- Đó là chống mọi âm mưu lật đổ, chống cách dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng cộng sản.

- Ngoài ra là việc coi các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện "diễn biến hòa bình".

- Trung Quốc kiên quyết bác bỏ con đường nghị viện kiểu phương Tây, không cho phép có đảng đối lập, cảnh giá với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền.

- Thêm nữa, quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Và tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến, đi sâu vào lòng người... Về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật, dùng truyền thông hiện đại cho tuyên truyền.

- Trung Quốc cũng nói họ chống cả tự do hóa tư sản nhưng học tập kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản.

- Cuối cùng là quan điểm chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật.

Một kết quả ngay lập tức của cuộc gặp Giang Trạch Dân - Lê Đức Anh là vào tháng 11/1991, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm chính thức Trung Quốc.

Hai bên đã ra bản thông cáo chung và ký hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ .

thanhdo3

Cho đến nay, giống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên định theo con đường 'chủ nghĩa xã hội'

Đặc biệt họ cũng ký kết "quan hệ bình thường giữa hai đảng sau hơn 10 năm trắc trở", theo báo Việt Nam.

Sau nhiều năm nhìn lại, hiện có hai dòng quan điểm về việc bình thường hóa quan hệ Trung - Việt những ngày cuối của Chiến tranh Lạnh.

Một quan điểm cho rằng đây là điều tích cực cho môi trường địa chính trị chung tại Đông Nam Á, sau nhiều 'cuộc chiến Đông Dương' liên tiếp và tạo cơ hội cho Việt Nam có hòa bình để đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Một quan điểm khác, phổ biến trong một số giới ở Việt Nam và hải ngoại, cho rằng để đổi lấy bình thường hóa, Đảng cộng sản Việt Nam đã nghiêng về phía Trung Quốc trong nhiều năm sau đó.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời ở Hà Nội hôm 22/04, hưởng thọ 99 tuổi.

Ông cũng từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian có các cuộc pháo kích xuyên biên giới Việt - Trung của cả hai bên, và khi xảy ra trận Gạc Ma 14/3/1988, với ít nhất 64 bộ đội Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết hết và chiếm đảo.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 26/04/2019

***********************

'Đã đến lúc công bố mật ước Thành Đô ?' (BBC, 17/10/2014)

Tuy nhiên, sự kiện cuộc gặp cấp cao đó đã diễn ra 'quá lâu' và nay giới nghiên cứu 'không còn quan tâm' nữa, theo một chuyên gia khác về lịch sử Đảng từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

thanhdo4

Hội nghị Thành Đô được nhóm họp vào ngày 3-4/9/1990 tại Trung Quốc.

Song nếu cần tìm hiểu về hội nghị này, thì những ai quan tâm nên tiếp cận với Văn phòng Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, vẫn theo chuyên gia này.

Trong khi đó, Hội nghị Thành đô là một sự kiện vẫn còn tác động tới đường lối và cán bộ của bộ máy lãnh đạo của Việt Nam ngày nay, điều được gọi là 'Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch', theo một cựu lãnh đạo cấp Vụ ngành ngoại giao Việt Nam.

Trước hết, trao đổi với BBC hôm 17/10/2014, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu quan điểm về mức độ quan tâm của giới nghiên cứu tới cuộc gặp cấp cao từng xảy ra từ năm 1990 vốn đang được dư luận Việt Nam 'quan tâm' trở lại gần đây :

"Quan tâm là quan tâm từ cái thời ấy thôi, chứ bây giờ giới nghiên cứu cũng không quan tâm nhiều lắm, chủ yếu là bên chính trị thôi", Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.

'Hỏi Văn phòng Trung ương Đảng'

Khi được hỏi Hội nghị được cho là có vai trò mở ra bình thường hóa quan hệ giữa Việt - Trung sau nhiều năm xung đột, chiến tranh căng thẳng, tại sao lại không được giới nghiên cứu quan tâm, giáo sư Phúc đáp :

"Bởi vì đấy là thuộc về lĩnh vực quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước, còn chúng tôi về lịch sử không được am tường những vấn đề đó.

"Cứ liên lạc với chỗ Văn phòng Trung ương Đảng thì may ra người ta biết".

Hôm thứ Sáu, khi được hỏi về việc có nên giải mật để công bố hay bạch hóa trước công luận và tại Quốc hội các văn kiện liên quan 'mật nghị', hay 'mật ước Thành Đô 1990 hay không, kể cả các văn bản, văn kiện chỉ đạo đường lối, sách lược, chính sách liên quan 'chịu tác động' từ Hội nghị này, một sử gia khác về lịch sử Đảng nói :

thanhdo5

Các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng dự Hội nghị Thành Đô.

"Tôi nghĩ rằng văn bản nào chăng nữa thì độ mật, độ bí mật gì đó, nếu có, thì nó chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định.

"Và nếu có những văn bản như thế, thì tôi nghĩ cũng nên hoàn toàn công khai. Hoàn toàn nên công khai, chứ không có gì phải giữ bí mật quá lâu", Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

"Nhưng chỉ có điều Việt Nam cầm văn bản đó, thì Việt Nam công khai đến đâu, đến cấp nào, đấy là một câu chuyện.

"Phía Trung Quốc thì nói thật là có những tài liệu đến nay đã hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ người ta cũng chẳng công khai. Phía Trung Quốc thì rõ ràng rất khó lấy được tài liệu chính thức từ phía họ.

"Còn phía Việt Nam, các tài liệu đã công khai rất nhiều, nhưng tôi nghĩ không phải là đã hết. Mà chắc chắn là vẫn còn những điều gì đó mà chưa công khai, thì văn bản đó tôi nghĩ, nếu có, thì nên công khai.

"Để cho nhân dân, để cho cán bộ, để cho tất cả mọi người có thể hiểu được thực sự, thực hư lúc bấy giờ, trong bối cảnh như vậy, với tư cách là những cá nhân, không phải với tư cách là một tập thể, đương nhiên những cá nhân có trọng trách và trách nhiệm, thì đã có những thỏa hiệp như thế nào với phía Trung Quốc về câu chuyện này. Đấy tôi nghĩ là điều nên làm".

'Thất thố ngoại giao ?'

Hôm 15/10/2014, một cựu cán bộ ngoại giao của Việt Nam, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói với BBC một số nguyên tắc về ngoại giao và thể thức (protocol) ngoại giao có thể đã bị Trung Quốc vượt qua và đem lại lợi thế cho mình trong cuộc mật đàm.

Ông Dương Danh Dy nói : "Phê phán tại sao Hội nghị đó có những kết quả như thế này, như thế kia, nói thế thì nó đụng nhiều người".

"Tôi biết chuyện này khá rõ nhưng chưa tiện nói bây giờ, bởi vì Trung Quốc rõ ràng có ý định trong chuyện đưa một số nhà lãnh đạo Việt Nam vào bẫy, mắc bẫy của họ.

"Chẳng hạn như chuyện phía Trung Quốc họ bảo rằng để rất kính trọng ba đồng chí lão thành của Đảng cộng sản Việt Nam, thì họ để ba ông ở ba biệt thự khác nhau, thế thì những ông đã già bảy mươi, tám mưới như ông Phạm Văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Văn Linh lúc đó thì làm sao mà hội ý được với nhau... ?"

Cũng hôm thứ Tư, một cựu quan chức khác ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, người không muốn tiết lộ danh tính, nói với BBC :

thanhdo6

Có ý kiến nói sự 'thôi chức vụ' của ông Nguyễn Cơ Thạch là điều kiện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.

"Một số cán bộ ngoại giao cấp cao có thể đã tiếp cận được văn bản và các tài liệu, nhưng việc được phép phổ biến, công bố tới đâu, có những nguyên tắc hạn chế".

Theo cựu nhân viên ngoại giao này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ các nội dung đàm phán, ký kết, kể cả những điều được cho là 'phụ lục' nhưng lại có vai trò như những nguyên tắc chỉ đạo cho bình thường hóa và cả 'hậu bình thường hóa' lẫn 'tái cấu trúc' quan hệ và chiến lược 'quan hệ, hợp tác' giữa hai nước dài hạn, điều mà Việt Nam lâu nay vẫn gọi là 'các thỏa thuận cấp cao' và 'sự kế tục'.

Trong đó cụ thể có các nguyên tắc 'chỉ đạo' đàm phán không chỉ liên quan tình hình chính trị và điều kiện tái lập quan hệ nhất thời mà còn các phương châm 'chỉ đạo chiến lược và lâu dài' về giải quyết tranh chấp, xung đột trong quá khứ và thực tế khi đó để lại và một số ràng buộc chính trị dưới danh nghĩa 'quan hệ về ý thức hệ' liên Đảng v.v...

'Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch'

Hôm 17/10, một cựu lãnh đạo cấp Vụ phó ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng hậu quả của Hội nghị Thành Đô vẫn còn 'đang tác động' tới tâm lý của lãnh đạo, cán bộ và đường lối của Việt Nam hiện nay trong quan hệ liên quan Trung Quốc.

Theo ý kiến này, việc ông Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao, bị Trung Quốc 'gây áp lực' với Việt Nam và đặt điều kiện phải 'loại bỏ' để bình thường hóa quan hệ, đã gây ra một 'nỗi sợ' với giới chức không chỉ trong ngạch ngoại giao của Việt Nam, suốt từ đó đến nay, trong các quan hệ, công việc của nhà nước liên quan Trung Quốc.

"Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam", cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Vụ Phó Bộ Ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng nói.

"Trong đó không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc".

Theo cựu quan chức ngoại giao nay đang tị nạn chính trị ở Thụy Sỹ, việc này tạo thành một hội chứng đáng kể mà theo ông :

"Bất cứ nhân vật nào lên đều không dám đụng tới Trung Quốc và không dám nói nhiều, không dám đứng ra như dạng ông Nguyễn Cơ Thạch đã đứng ra công khai chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (đặt dưới các điều kiện bất lợi cho Việt Nam) thì sẽ bị 'xử lý'.

"Nhiều nhân vật sau này, khi đụng chạm đến vấn đề Trung Quốc, khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như vấn đề biên giới, cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.

"Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc... rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước".

'Can thiệp nhân sự ?'

thanhdo7

Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh đón ông Giang Trạch Dân.

Cũng hôm 17/10, khi được hỏi có thể có một khả năng tác động sâu và cao như vậy từ phía Trung Quốc vào nhân sự lãnh đạo của Việt Nam hay không, thông qua trường hợp được cho là đã xảy ra với cố Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận thêm :

"Cách gây sức ép của Trung Quốc trên tất cả các mặt, kể cả về mặt nhân sự nếu như Trung Quốc có thủ đoạn như vậy, tôi nghĩ là hoàn toàn có thể có.

"Nhưng vấn đề đặt ra là ví dụ nhân sự như ông Nguyễn Cơ Thạch mà Trung Quốc không thích bởi vì sao ? Nguyễn Cơ Thạch có thể có quan niệm đối ngoại khác, nó rộng mở hơn, nó thoáng hơn, mà người Trung Quốc không muốn Việt Nam có một nhân vật như vậy ở trong giới lãnh đạo cao cấp.

"Có thể họ gây sức ép đòi hỏi không nên như vậy, không nên thế nọ, không nên thế kia, cái điều đó người Trung Quốc có thể làm lắm, tôi cũng tin là người Trung Quốc có thể làm các điều này.

"Tức là về mặt nào đấy có thể nói là họ muốn can thiệp vào vấn đề nhân sự của riêng Việt Nam.

"Nhưng về phía Việt Nam, ai là người thay ông Nguyễn Cơ Thạch, và người đó có làm theo ý đồ của Trung Quốc hay không ?

"Đấy lại là một việc khác và người Trung Quốc không thể lãnh đạo, không thể chỉ đạo việc đó được", sử gia chuyên về lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm.

Hôm 15/10, một quan chức Vụ trưởng, thuộc Ban Dân vận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nói đang có yêu cầu công khai ra Quốc hội Việt Nam về Hội nghị Thành Đô, ngay cả trước khi có một tài liệu được cho là của Ban tuyên huấn Trung ương của Đảng về Hội nghị được loan truyền trên mạng Internet.

"Văn bản của Ban Tuyên giáo... thì nó có thật đấy. Họ đưa ra để giải thích vấn đề Thành Đô.

"Nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích đấy ở chỗ không biết là có đến nơi, đến chốn không.

"Và chúng tôi đang muốn là Quốc hội phải thành lập một Ủy ban nghiên cứu và bạch hóa vấn đề này", ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC từ Hà Nội.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 17/10/2014

Quay lại trang chủ
Read 740 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)