Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung qua năm điểm
Daniele Palumbo & Ana Nicolaci da Costa, BBC, 10/05/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế trên 200 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc vào thứ Sáu kể cả những hàng hóa mới mới "trong thời gian ngắn". Mặc dù vậy, người Trung Quốc đang bắt đầu hai ngày đàm phán với Mỹ. Đe dọa tăng thuế của tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng đi ngược lại thỏa thuận thương mại.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - có lúc đã tưởng như sắp kết thúc - giờ đây bất ngờ leo thang với mối đe dọa về thuế quan mới.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đôla của nhau.
Tiếp tục leo thang tranh chấp thương mại sẽ càng khiến cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm bất ổn, gây tổn thương cho nền kinh tế thế giới.
Dưới đây là một số vấn đề trọng yếu trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung :
1. Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng trưởng như thế nào ?
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc giao dịch không công bằng, và phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc vào năm ngoái.
Không chỉ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ, mà Hoa Kỳ còn muốn Bắc Kinh thay đổi chính sách kinh tế của mình, điều nước này cho rằng Trung Quốc không công bằng khi hỗ trợ các công ty trong nước qua nhiều trợ cấp.
Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ để kiềm chế thâm hụt thương mại trị giá 419 tỷ đôla với Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại là sự khác biệt giữa lượng nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ với nước khác. Giảm khoảng cách này là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của ông Trump.
2. Thuế quan nào đã được áp đặt ?
Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 250 tỷ đôla vào năm ngoái. Bắc Kinh đã trả đũa bằng thuế đối với các sản phẩm trị giá 110 tỷ đôla của Mỹ.
Thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc lẽ ra sẽ tăng từ 10% lên 25% vào đầu năm nay, nhưng việc tăng này đã bị trì hoãn.
Giờ thì ông Trump nói rằng gia tăng này sẽ bắt đầu vào thứ Sáu vì các cuộc đàm phán với Bắc Kinh đang tiến triển "quá chậm". Thêm vào đó, ông tuyên bố sẽ tăng thuế lên 25% đối với 325 tỷ đôla hàng hóa khác của Trung Quốc.
3. Những sản phẩm có thể bị ảnh hưởng ?
Các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế quan của Mỹ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại có phạm vi rất rộng, từ máy móc đến xe máy.
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ đã áp thuế 10% đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 200 tỷ đôla bao gồm cá, túi xách, quần áo và giày dép.
Những sản phẩm đó sẽ tiếp tục bị tăng thuế lên đến 25%, nếu Mỹ nhất quyết làm thế trong tuần này.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Trung Quốc thì nhắm tới những hàng hóa Mỹ như hóa chất, rau và rượu whisky.
Họ có chiến lược đặc biệt nhắm vào các sản phẩm sản xuất tại các quận của đảng Cộng hòa và hàng hóa có thể mua được ở nơi khác, như đậu nành.
4. Chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng thị trường chưa ?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên do của sự bất ổn lớn cho thị trường tài chính trong năm qua. Sự bất ổn đó đè nặng lên niềm tin của các nhà đầu tư trên toàn thế giới và góp phần gây ra nhiều lỗ lã.
Năm 2018, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm hơn 13% và Shanghai Composite sụt gần 25%.
Cả hai chỉ số đã phục hồi chút ít và tăng lần lượt 12% và 16% trong năm 2019, tính cho đến nay.
Trong khi đó, chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones đã giảm gần 6% trong năm 2018 và tăng khoảng 11% trong năm nay.
Đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 5% so với đồng đô a Mỹ năm ngoái, bắt đầu ổn định vào năm 2019, theo Reuters.
5. Trận chiến thương mại nào khác đang diễn ra ?
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có tác động dây chuyền đối với các quốc gia khác và nền kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là một yếu tố góp phần vào "suy yếu đáng kể trong việc phát triển toàn cầu" vào cuối năm ngoái khi cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019.
Một số quốc gia cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp - đặc biệt là những quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc - hoặc đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng của hai nước này.
Ông Trump đã áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada và Liên minh Châu Âu, để khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm của Mỹ. Tất cả các quốc gia này đã trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa của Mỹ.
Daniele Palumbo & Ana Nicolaci da Costa
******************
Hải quan Mỹ ra thông báo tăng thuế hàng Trung Quốc
VOA, 10/05/2019
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) ngày 9/5 loan báo sẽ bắt đầu thu thuế 25% trên 200 tỷ đô la trị giá hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu từ 12 giờ 01 phút rạng sáng ngày 10/5/2019, thêm một bước kích hoạt kế hoạch tăng thuế do Tổng thống Trump đề nghị.
Trong thông báo hướng dẫn phát hành trên website của CBP, cơ quan này cho biết sẽ áp dụng thuế 25% lên trên 5700 hạng mục hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn trước đây bị đánh thuế 10%.
Trừ phi bị thay đổi bởi chính quyền Trump, thông báo này là bước cuối cùng cần thiết để Mỹ bắt đầu thu mức thuế cao hơn lên hàng Trung Quốc.
******************
Mỹ áp thuế mới, Trung Quốc "hứa" có biện pháp đáp trả
Thu Hằng, RFI, 10/05/2019
Hoa Kỳ áp dụng, kể từ 0 giờ, (giờ Washington) ngày 10/05/2019, mức thuế mới, tăng từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỉ hàng hóa hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vòng đàm phán lần thứ 11 giữa hai nước vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay. Trung Quốc thông báo sẽ có những biện pháp đáp trả riêng.
Một xưởng may cờ Mỹ tại Phụ Dương (Fuyang), tỉnh An Huy (Anhui), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 24/07/2018 Reuters/Aly Song
Tổng cộng có đến 5.700 loại mặt hàng, từ hóa chất, vật liệu xây dựng, cho đến đồ nội thất và hàng điện tử…
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, nổi bật trong các sản phẩm bị tăng thuế là các loại modem cũng như thiết bị kết nối và truyền mạng internet. Trị giá nhập khẩu của riêng loại mặt hàng này thôi, cũng đã lên đến 20 tỷ đô la hàng năm.
Thuế quan 25% đã được áp dụng trên hàng nhập Trung Quốc đúng vào lúc diễn ra hai ngày đàm phán ở Washington giữa phái đoàn thương mại hai nước. Vào hôm qua, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin đã gặp phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một tiếng rưỡi đồng hồ và đã đồng ý nối lại thương thuyết vào hôm nay, 10/05.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết là ông đã nhận được một "bức thư rất hay" từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kêu gọi hai bên hợp tác. Tuy nhiên, ông Trump đã lên tiếng đả kích thái độ tiền hậu bất nhất của Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ tuyên bố nguyên văn như sau :
Tôi đã nhận được tối qua, một bức thư rất hay từ chủ tịch Tập Cận Bình (nói rằng) chúng ta hãy làm việc cùng nhau, xem liệu chúng ta có thể đạt thỏa thuận hay không... Thế nhưng họ đã đàm phán lại thỏa thuận, ý tôi muốn nói là họ đã nuốt lại rất nhiều cam kết đã đưa ra và đòi thảo luận trở lại về những cam kết đó. Đây là một điều mà không ai làm cả.
Về phần tôi, không giống như nhiều người khác, tôi cho rằng thuế hải quan là một công cụ rất mạnh, vì vậy, chúng ta đã áp đặt các loại thuế mới có hiệu lực vào thứ Sáu (10/05) như đã từng làm cách nay tám tháng. Và trong tám tháng qua, người Trung Quốc đã bắt đầu phải trả tiền cho chúng ta, trả hàng tỷ và hàng tỷ đô la.
Do đó, điều mà chúng ta đang làm là tăng thuế lên mức 25% trên 200 tỷ đô la kể từ thứ Sáu, và sau đó chúng ta sẽ đánh thuế trên 325 tỷ đô la hàng hóa khác ở mức 25%. Thủ tục cho việc này đã bắt đầu khỏi động vào chiều nay, chuyện ra sao thì chúng ta sẽ thấy, nhưng trong tư cách là tổng thống của đất nước này, tôi phải làm một cái gì đó, và chúng ta sẽ thu về nhiều tiền hơn bao giờ hết.
Vài phút sau khi việc áp mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, Bắc Kinh đã có phản ứng :
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde giải thích từ Bắc Kinh :
"Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc về việc Mỹ tăng thuế hải quan. Chỉ 4 phút sau khi thời hạn chót mà Washington ấn định hết hiệu lực, Tân Hoa Xã đã chạy dòng tin khẩn trên. Ngay sau đó, các cơ quan truyền thông chính thức khác cũng lần lượt đưa tin về việc chấm dứt 5 tháng đình chiến thương mại.
Trên website, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo : Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các biện pháp trả đũa, nhưng hiện tại không cung cấp chi tiết về các sản phẩm bị nhắm đến .
Từ đầu cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 5.200 sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Xuất khẩu của các nhà sản xuất sữa của Mỹ đã bị giảm hơn 48%. Trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post, phó chủ tịch Hội đồng các ngành công nghiệp sữa Mỹ cho rằng quyết định tăng thuế mới của Trung Quốc sẽ đóng chặt thêm chiếc quan tài đối với ngành này. Các nhà sản xuất đậu nành, quả việt quất đen, vang Calif ornia, phụ tùng ô tô, pin mặt trời cũng có chung quan ngại.
Phía Trung Quốc thì ngược lại, hiện chưa có bất kỳ bình luận gì từ các doanh nghiệp sẽ bị tác động từ biểu thuế mới của Mỹ. Từ đầu tuần, các cơ quan truyền thông Nhà nước đăng tải cùng một thông điệp : Giữ bình tĩnh, mọi việc đều nằm trong vòng kiểm soát".
Thu Hằng
******************
Trung Quốc cứng giọng trước khi bước vào đàm phán với Mỹ
Thụy My, RFI, 09/05/2019
Trước tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump là Trung Quốc đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận về thương mại, hôm nay 09/05/2019 Bắc Kinh lại đổ lỗi cho phía Washington. Đồng thời bộ Thương Mại Trung Quốc cảnh báo "sẽ không đầu hàng trước áp lực", vài giờ trước khi bước vào vòng đàm phán được cho là cuối cùng trước cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập sắp tới.
Ảnh minh họa : Cờ Mỹ và Trung Quốc nhân phát biểu của ông Trump tại Bắc Kinh, ngày 9/11/2017. Reuters/Damir Sagolj
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết các phản ứng từ phía Trung Quốc :
"Bắc Kinh tỏ ý tiếc, đồng thời đe dọa trả đũa. Nếu Hoa Kỳ tăng thuế hải quan lên 25%, thì sẽ là leo thang chiến tranh thương mại, và Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc có những biện pháp chống lại, đó là nội dung chính của bản thông cáo hết sức ngắn, vỏn vẹn 80 từ, được công bố tối thứ Tư, vào lúc 23 giờ 23 phút trên trang web của bộ Thương Mại Trung Quốc.
Còn báo chí Nhà nước, cũng như vào đầu tuần, chỉ đưa lại các thông báo chính thức của một Trung Quốc điềm tĩnh trước một Donald Trump được mô tả là chộn rộn, gây sự vào phút chót ; một nền kinh tế Trung Quốc bền vững, có thể đối phó với khả năng đàm phán thất bại.
Trang web báo Nhà nước The Paper so sánh tình hình hiện nay với cuộc chiến tranh Triều Tiên, phải thương lượng đồng thời chiến đấu trong ba năm trời. Tờ Global Times bản tiếng Hoa ví vòng đàm phán thứ 11 này như những dạ tiệc của Thiên Địa Hội vào cuối thời nhà Thanh, nói cách khác, là bẫy rập và phản trắc.
Ngược lại, không có một dòng nào về văn bản của Bắc Kinh tối thứ Sáu tuần trước, được hãng tin Reuters tiết lộ, trong đó phía Trung Quốc quay ngược lại, hủy bỏ những nhượng bộ chính ghi trong bản dự thảo dày 150 trang, được đàm phán từ nhiều tháng qua".
Thụy My
******************
Đàm phán thương mại : Trump cáo buộc Bắc Kinh "phá vỡ thỏa thuận"
Thanh Phương, RFI, 09/05/2019
Hôm 09/05/2019, tại Washington, Hoa Kỳ và Trung Quốc mở đợt đàm phán mới về thương mại trong hai ngày, mà không chắc đạt được kết quả, do hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đe dọa lẫn nhau là sẽ thi hành các biện pháp bảo hộ mậu dịch mới.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải), bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và đại diện Thương Mại Robert Lighthizer (trái), nhân cuộc tại Bắc Kinh ngày 01/05/2019. Andy Wong/Pool via Reuters
Tối hôm qua, tại một cuộc họp ở bang Florida, tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố : "Chúng ta sẽ tăng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc cho đến khi họ ngưng đánh cắp các việc làm của chúng ta". Ông Trump khẳng định là Bắc Kinh đã "không tôn trọng thỏa thuận".
Hôm Chủ nhật vừa qua, chính quyền Trump đã báo trước là, do Bắc Kinh đã từ bỏ những cam kết chủ yếu, việc tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đôla hàng nhập từ Trung Quốc, tạm hoãn từ đầu tháng Giêng, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ thứ Sáu, ngay giữa lúc hai phái đoàn thương mại Mỹ-Trung còn đang đàm phán.
Hôm qua, phát ngôn viên của bộ Thương Mại Trung Quốc đã tuyên bố là trong trường hợp đó, nước này sẽ buộc phải thi hành các biện pháp trả đũa "cần thiết". Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn cử phó thủ tướng Lưu Hạc, được xem là nhân vật thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình, dẫn đầu phái đoàn đàm phán sang Washington.
Theo hãng tin Reuters, tổng thống Trump đã dọa tăng thuế hải quan đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi vào tối thứ Sáu tuần trước nhận được một công điện ngoại giao từ Bắc Kinh, trình bày một bản dự thảo thỏa thuận thương mại. Trong toàn bộ 7 chương của bản dự thảo này, Trung Quốc đã xóa bỏ những cam kết của họ về việc sửa đổi các luật nhằm giải quyết những vấn đề đã khiến Washington phát động cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh : ăn cắp bản quyền và bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, thao túng tiền tệ và tiếp cận các dịch vụ thương mại. Bản dự thảo mà Bắc Kinh đề nghị như vậy sẽ phá hỏng hàng mấy tháng trời thương lượng giữa hai nước.
Cũng theo Reuter, vào tuần trước, phó thủ tướng Lưu Hạc đã nói với đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin rằng phải tin tưởng là Trung Quốc sẽ thực hiện toàn bộ các cam kết của họ thông qua các sửa đổi về luật lệ và hành chính. Nhưng hai lãnh đạo thương mại và tài chính của Hoa Kỳ đáp lại rằng nói như thế là không thể chấp nhận được, bởi vì trong quá khứ, Bắc Kinh vẫn thường không tuân thủ các cam kết cải tổ.
Các nhà đầu tư và các nhà phân tích đã tự hỏi không biết những tuyên bố của tổng thống Trump về tăng thuế hải quan có phải là một đòn để buộc Trung Quốc nhân nhượng hơn nữa hay không. Nhưng các nguồn tin của Reuters khẳng định rằng những bước lùi thể hiện qua bản dự thảo thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh đề nghị là "nghiêm trọng" và câu trả lời của tổng thống Trump không chỉ là một chiến lược đàm phán.
Thanh Phương
********************
Trump-Tập công khai thách đấu
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 07/05/2019
Ngày Chủ Nhật, 5/5/2019, Tổng thống Donald Trump dọa nếu Bắc Kinh không nhượng bộ ông sẽ tăng thuế nhập cảng từ 10% lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa mua của Trung Quốc, bắt đầu từ thứ Sáu. Ông dọa thêm, sẽ còn đánh thuế 25% trên hơn 300 tỷ USD hàng hóa khác.
Một nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu qua điện thoại tại thị thường chứng khoán Thượng Hải hôm thứ Hai, 6 tháng Năm, 2019. Các thị trường chứng khoán bên Tàu tụt xuống, các cổ phiếu mất đến 6% giá trị. (Hình : AP Photo)
Trong ngày thứ Hai, các thị trường chứng khoán bên Tàu tụt xuống, các cổ phiếu mất đến 6% giá trị, số tụt giảm nặng nhất trong ba năm qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng xuống, nhưng nhẹ hơn vì nước Mỹ xuất cảng sang Tàu ít hơn Tàu bán sang Mỹ. Trong hai ngày cổ phiếu 500 công ty Mỹ trong chỉ số S&P500 mất tổng cộng 500 tỷ USD. Ngày thứ Ba, Chỉ số DJ trên thị trường chứng khoán New York tụt 473 điểm, mất 1,8%, xuống nhiều nhất kể từ đầu tháng Giêng năm nay.
Với gần 100 chữ viết trong thông điệp Twitter, ông Donald Trump đã thách thức ông Tập Cận Bình, trước mắt bàn dân thiên hạ.
Trong hai ngày, báo, đài của Trung Quốc không đả động gì đến lời đe dọa của ông Trump. Tới ngày thứ Ba, ông Tập Cận Bình mới trả lời, qua một bài ý kiến của nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh. Họ viết trên WeChat, một thứ giống như Tweeter ở bên Tàu, "Làm việc gì có ích lợi, không ai đòi hỏi chúng tôi cũng làm. Cái gì không thuận lợi, thì dù anh đòi hỏi cách nào, chúng tôi cũng không lùi bước". Và kết luận bằng giọng điệu thách thức : "Đừng ai nghĩ đến chuyện đó !"
Đúng là Trump và Tập đang gườm nhau trên võ đài mậu dịch.
Chuyện gì đã gây nên tình trạng căng thẳng này ?
Donald Trump bắt đầu tăng thuế đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc với mục đích giảm bớt thâm thủng mậu dịch của Mỹ, hàng 400 tỷ USD mỗi năm đối với nước Tàu. Trung Quốc đã trả đũa, đánh thuế trên hàng do Mỹ xuất cảng sang Tàu. Trong hai năm qua, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ vẫn tăng thêm, không giảm.
Kể từ tháng Mười năm ngoái, các cuộc thương thuyết giữa hai nước diễn ra trên hai vấn đề chính. Trên một mặt trận, Mỹ tiếp tục đòi Bắc Kinh phải nhập cảng hàng của Mỹ nhiều hơn để chấm dứt cuộc đấu võ bằng quan thuế. Mặt trận thứ hai quan trọng hơn. Mỹ yêu cầu Tàu phải thay đổi chính sách kinh tế. Phải mở cửa cho các công ty Mỹ làm ăn dễ dàng hơn, chấm dứt việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước giúp họ cạnh tranh với các công ty Mỹ, chấm dứt việc lấy trộm các "sản phẩm trí tuệ" như các kỹ thuật tân tiến của xí nghiệp Mỹ.
Cuộc thương thuyết gần đây đã tiến bộ trên cả hai mặt đó. Nhưng cho đến cuối tuần qua, hai bên bước đến một vấn đề mấu chốt : Làm cách nào để kiểm chứng các hứa hẹn của chính quyền Trung Quốc, bắt buộc họ phải thi hành nghiêm chỉnh ?
Phía Mỹ muốn các biện pháp "trừng phạt" nếu Bắc Kinh không giữ lòi. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục vi phạm tác quyền kỹ thuật của Mỹ, hay đối xử bất công với các công ty Mỹ, thì chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng trên hàng mua từ nước Tàu để trừng phạt, mà phía Tàu không được phép đánh thuế trả đũa. Mỹ cũng muốn nước Tàu phải đặt ra những luật lệ mới bảo vệ quyền sở hữu trên các "sản phẩm trí tuệ" thay vì chỉ thi hành các đạo luật đang có, mà Mỹ đòi là không đủ mạnh. Đặc biệt, phía Mỹ yêu cầu phải ghi rõ các điều này trong bản thỏa hiệp hai bên sẽ ký kết.
Đến chỗ đó thì Bắc Kinh không nhượng bộ.
Theo nhật báo South China Morning Post, ông Tập Cận Bình không chấp nhận yêu cầu của Mỹ, Ông nói rằng : "Tôi sẽ là người gánh tất cả hậu quả !".
Khi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc báo tin cho các bộ trưởng trong chính phủ Mỹ biết, ông Trump nổi giận.
Nếu nhượng bộ, ông Tập Cận Bình lo sẽ có những hậu quả nào ?
Trước hết, Tập sẽ mất mặt. Người dân nước Tàu sẽ hỏi tại sao nhượng bộ nhiều quá như thế ? Trong bản thỏa hiệp, Mỹ chỉ nhượng bộ một điều, là bãi bỏ thuế quan mới đánh. Còn Trung Quốc vừa phải xóa bỏ thuế, lại vừa phải chịu thêm các điều kiện khác !
Giấc Mộng Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình vẫn hô làm khẩu hiệu từ dăm năm nay đã kích thích tự ái dân tộc của người Trung Hoa trong lục địa. Người dân đã nuôi dưỡng hình ảnh một Trung Quốc vĩ đại, sắp vượt qua Mỹ quốc đến nơi rồi. Họ không nhìn thấy những yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Ngay cả Bộ Chính Trị đảng cũng vậy.
Trong phiên họp thường lệ vào tháng Hai vừa qua, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc không bàn gì đến vấn đề kinh tế, dù cuộc chiến tranh mậu dịch đang tới hồi gay cấn. Người dân cũng không thấy cuộc chạy đua tăng quan thuế với Mỹ ảnh hường đến đời sống hằng ngày của họ như thế nào. Vì các báo, đài không được loan báo tin tức về số xuất cảng sang Mỹ tụt giảm. Ngược lại, ở Mỹ thì ai cũng được nghe tin về hàng mua từ bên Tàu đã lên giá.
Tập Cận Bình đang sa chân vào cái bẫy do chính mình dựng lên. Năm 2019 lại là một năm đặc biệt, đánh dấu nhiều biến cố trong lịch sử Trung Quốc. tháng Năm, ngày bốn là 100 năm Ngũ Tứ Vận Động. tháng Muời sẽ là lễ hội lớn, 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tình tự dân tộc được khích động, đến ngày 4 tháng Sáu người ta sẽ nhớ đến cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, đúng 30 năm, nếu trong lòng bất mãn với chế độ. Tập Cận Bình không rút chân ra khỏi cái bẫy này được.
Đúng lúc đó thì Donald Trump "tuýt" những lời đe dọa "quyết chiến" và đặt ra những điều kiện phũ phàng !
Vì vậy Tập Cận Bình càng phải tỏ ra cứng rắn !
Cả hai người, Trump và Tập Cận Bình đều được lợi nếu ký kết một "thỏa ước đình chiến" trong cuộc chiến tranh mậu dịch này. Nhưng hai người đang khóa tay khóa chân nhau, đẩy nhau tới bờ vực. Cả hai không thể cho dân chúng thấy mình đã nhượng bộ đối thủ. Cả hai đều được phấn khích về nền kinh tế nước mình, vẫn tăng trưởng dù đang tranh chấp. Cứ như vậy, tại sao phải nhượng bộ, mất mặt.
Nếu nhìn thuần túy về kinh tế, Tập Cận Bình cần một thỏa hiệp nhiều hơn Trump. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu vẫn vững mạnh. Kinh tế Trung Quốc khá hơn trong mấy tháng vừa qua nhưng trên đường dài thì sẽ bất lợi hơn nếu cuộc chiến tiếp diễn.
Nhưng đó là cách nhìn khách quan và trường kỳ. Trong ngắn hạn, câu chuyện có thể khác.
Ông Trump sẽ phải tranh cử trong năm tới. Ông Tập Cận Bình thì không. Nếu kinh tế mỗi nước đều xuống, thì dân Mỹ sẽ kêu trời. Còn dân Tàu có muốn kêu cũng không được mở miệng.
Tổng thống Donald Trump rất quan tâm đến thị trường chứng khoán, ông vẫn coi thị trường lên là một thành quả nhờ ông mới có. Nhưng người ta tiên đoán, nếu ông thực sự tăng thuế quan lên 25% như lời đe dọa, chỉ số S&P500 sẽ tụt mất 2% ; và nếu chiến tranh mậu dịch tiến đến hơn nữa, S&P500 có thể mất 7% giá trị. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ tìm cách can ngăn ông tổng thống.
Ngày thứ Ba nhật báo The Wall Street Journal mới viết trong bài quan điểm, nhắc nhở Tổng thống Trump : "Ngày Chủ Nhật, tổng thống mới viết trên Twitter rằng đánh thuế quan (trên hàng hóa Trung Quốc) là một lý do khiến kinh tế Mỹ vững mạnh". Nhưng tờ báo có khuynh hướng Cộng Hòa viết tiếp, "điều này trái ngược với sự thật. Kinh tế vẫn tăng trưởng mặc dù tăng thuế quan, nhưng số công việc làm trong các ngành chế tạo năm nay đã giảm bớt một phần vì kinh tế nước Tàu tiến chậm hơn".
Ngô Nhân Dụng
*******************
Thương chiến chưa dứt
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA, 08/05/2019
Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là một diện trong mâu thuẫn đa diện giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất địa cầu ở hai bờ Thái Bình Dương vì vậy, hai xứ này khó dàn xếp được những thỏa thuận có thể kiểm chứng được. Nhưng hậu quả cho các nước khác như Việt Nam thì sao ? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hậu quả này…
Thương chiến Mỹ-Trung chưa dứt (Ảnh minh họa) AFP
Hậu quả của thương chiến Mỹ-Trung
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, dư luận quốc tế đã tưởng đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể ngã ngũ sau 10 vòng thương thảo suốt 10 tháng vừa qua. Nào ngờ, phía Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Kinh là bội tín vì phủ nhận những cam kết trong các hội nghị trước và ra tối hậu thư sẽ tăng thuế nhập nội trên hàng hóa xuất phát từ Trung Quốc, kể từ Thứ Sáu mùng 10 này. Biến cố ấy làm các thị trường chấn động, từ Á Châu qua Âu Châu về tới Hoa Kỳ. Theo dõi chuyện này, ông nhận xét thế nào và rút tỉa bài học gì cho Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ nhiều người đã lầm khi cho là mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thu gọn vào số nhập siêu của Mỹ khi buôn bán với Bắc Kinh. Một trong các lý do giải thích sự hiểu lầm đó xuất phát từ phía Hoa Kỳ khi Chính quyền Donald Trump áp thuế nhập nội trên hàng Trung Quốc để tái cân bằng quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong tinh thần gọi là công bằng và hai chiều, có đi có lại. Thật ra, mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước gồm có nhiều vế khác nhau, như thương mại, chế độ đầu tư và bảo hộ kín đáo của Bắc Kinh nhằm tiếp thu công nghệ cao cấp của thiên hạ mà không tôn trọng luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ, v.v....
Ngoài hồ sơ kinh tế vốn đã rắc rối, hai quốc gia còn có nhiều mâu thuẫn về an ninh và chính trị trong khu vực Đông Á, là điều có thể hiểu được khi Trung Quốc muốn tiến lên vị trí siêu cường có khả năng cạnh tranh và đe dọa quyền lợi lẫn ảnh hưởng của nước Mỹ. Các mâu thuẫn an ninh chính trị ấy tiềm ẩn bên dưới nhưng vẫn chi phối các vòng đàm phán thương mại. Khi Tổng thống Trump rồi ban tham mưu thương mại của Mỹ tố cáo việc Bắc Kinh đảo ngược cam kết trước đó về chế độ cưỡng hành những điều đã thỏa thuận nên dọa áp giá từ 10% lên 25% trên lượng hàng Trung Quốc trị giá tương đương với 200 tỷ đô la kể từ mờ sáng Thứ Sáu này, rồi trên một lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ khác, chúng ta trở về với thực tại phũ phàng….
Thực tại phũ phàng
Nguyên Lam : Thưa ông, thực tại đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thực tại đó có nhiều mặt. Một là lãnh đạo đôi bên đều nghĩ mình giữ thế mạnh nên không nhượng bộ. Phía Hoa Kỳ là tình hình kinh tế và nhân dụng khả quan hơn với thất nghiệp thấp. Phía Trung Quốc cũng vậy sau biện pháp kích thích kinh tế và sự thành công của hội nghị quốc tế về Con Đường Tơ Lụa tại Bắc Kinh. Hai là chính quyền đôi bên đều không có đất lùi vì áp lực từ trong nội bộ. Chính quyền Trump nghĩ tới cuộc bầu cử năm tới và duy nhất có sự đồng thuận với đối lập Dân Chủ và các công đoàn là chính sách cứng rắn với Bắc Kinh. Chính quyền Tập Cận Bình cũng bị sức ép của phe thủ cựu theo chủ nghĩa Đại Hán khi năm nay có nhiều sinh hoạt tưởng niệm lịch sử. Chuyện thứ ba là sau khi ông Trump đưa ra tối hậu thư qua hai Twitter vào ngày Chủ Nhật thì các thị trường cổ phiếu tuột giá thê thảm vào phiên chợ ngày Thứ Hai.
Tuột mạnh nhất là Chỉ số Phức hợp Thượng Hải mất gần 6% và Chỉ số Thâm Quyến mất 7,4%, coi như tuột giá nặng nhất kể từ tháng Hai năm 2016. Tính ra tiền thì hai thị trường đó mất khoảng 420 tỷ Mỹ kim trong có một ngày ! Vì vậy, sau khi nín thinh không cho dân chúng biết về vụ này, Bắc Kinh vẫn phải quyết định là để Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế và là đại diện cho Tổng bí thư Tập Cận Bình cầm đầu một phái bộ qua thủ đô Mỹ đàm phán trong hai ngày mùng chín mùng 10. Nhưng tôi không tin đôi bên sẽ đạt thỏa thuận trước kỳ hạn áp thuế của Mỹ vào mùng 10 và trận chiến sẽ còn leo thang. Qua Thứ Ba mùng bảy thì thị trường cổ phiếu Trung Quốc còn nhen nhúm hy vọng chứ thị trường Mỹ lại tuột giá thê thảm, bình quân mất 2% vì nỗi lo leo thang. Thành thử đôi bên đang dàn trận và các thị trường hàng ngày tính điểm được thua. Mà mọi trận chiến đều có tổn thất nên vấn đề là ai chịu được tổn thất nhiều hơn thì có hy vọng thắng.
Thế rồi còn một yếu tố bất ngờ khác là nạn dịch tả heo lợn do vi khuẩn xuất phát từ Châu Phi lại hoành hành dữ dội tại Trung Quốc kể từ tháng Tám năm ngoái và lan tại Việt Nam thì từ các tỉnh miền Bắc đã vào Đồng Nai với ảnh hưởng là giá thịt heo sẽ tăng và giá ngô bắp đậu nuôi heo sẽ sụt. Loại ảnh hưởng đó tác động vào Trung Quốc và Việt Nam là hai xứ ăn nhiều thịt heo nhất Châu Á tính theo đầu người, mà cũng chi phối trận thương chiến Mỹ-Hoa vì Trung Quốc nhập khẩu ngô đậu từ Mỹ và áp giá trên loại nông sản này để trả đũa. Chúng ta đừng quên Việt Nam là nước sản xuất thịt heo đứng hàng thứ sáu của thế giới với một bày heo lên tới 27 triệu con so với hơn 400 triệu con của Trung Quốc.
Việt Nam là nước sản xuất thịt heo đứng hàng thứ sáu trên thế giới (Ảnh minh họa). AFP
Nguyên Lam : Câu chuyện quả thật phức tạp rắc rối tới mức bất ngờ. Trong viễn ảnh trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa thể dàn xếp được một thỏa thuận tạm và còn lây lan thì thưa ông, ảnh hưởng cho kinh tế Việt Nam sẽ là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như chúng ta đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này, Việt Nam có lợi vì là bãi đáp cho giới đầu tư trực tiếp từ các nước khác khi mà thị trường Trung Quốc hết còn ưu thế nhân công đông và lương bổng thấp. Nhưng khi trận thương chiến Mỹ-Hoa leo thang với viễn ảnh bị áp thuế tới 25% trên 325 tỷ hàng hóa thì chính nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc bị thiệt hại nên cũng tìm cách đầu tư ra khu vực Đông Nam Á để bù lỗ dù có tốn kém hơn. Nơi đó có thể là Việt Nam nên Việt Nam có cơ hội hơn trước mà cũng dễ bị rủi ro.
Rủi ro cho Việt Nam
Nguyên Lam : Thưa ông, những rủi ro đó là gì cho Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có các bài toán chủ quan nội tại của Việt Nam là nạn ô nhiễm môi sinh và khả năng kiểm soát vệ sinh và dịch tễ. Bài toán khác là hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất phù trợ cho sản xuất và xuất khẩu trong khi lại lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Nếu ngoại quốc đây lại là từ Trung Quốc với quá nhiều dự án gây tai tiếng và tai họa cho Việt Nam, khi họ lánh nạn thương chiến và đầu tư vào Việt Nam thì ta chớ vội mừng mà nên nghĩ đến chuyện cháy nhà hàng xóm lan qua nhà mình !
Nguyên Lam : Chúng ta đang chứng kiến một mâu thuẫn thuộc cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị giữa hai quốc gia, với hậu qủa dồn dập gần như hàng ngày hàng giờ tràn lan qua các nước khác. Theo như ông nghĩ thì Việt Nam nên tự chuẩn bị ra sao với tình huống đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ là nên nhìn từ xa tới gần thay vì phản ứng với chuyện trước mắt. Chuyện trước mắt là sự trồi sụt của thị trường, chuyện sâu xa lâu dài là chính sách kinh tế trong nhiều năm sắp tới vì đã quyết định rồi thì mất dăm ba năm mới thực hiện và hoàn thành. Khi đã quyết định thì nên thường xuyên kiểm chứng tiến độ thi hành đối chiếu với các thay đổi dồn dập ở bên ngoài.
Sở dĩ như vậy vì Việt Nam ở bên Trung Quốc với lãnh đạo Bắc Kinh có tham vọng trường kỳ và toan tính lâu dài. Lần này, họ lúng túng vì Hoa Kỳ có một tổng thống là ông Donald Trump không muốn đi vào vết xe đổ của các vị tiền nhiệm nên gây áp lực dữ dội. Nhưng Bắc Kinh có thể nghĩ Tổng thống Mỹ chẳng tồn tại mãi mà cứ hai năm lại bị tấm lịch bầu cử chi phối nên họ đối phó theo hướng đó như đã từng làm như vậy và thành công trong mấy chục năm qua với Hoa Kỳ. Việt Nam nên thức tỉnh với thực tế khá phũ phàng này và tự hỏi là vài chục năm tới thì mình sẽ là gì, làm gì…
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 08/05/2019