Năm 2011 đầy tớ vay 553 triệu Mỹ kim để xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Nhà thầu cam kết sẽ hoàn tất tuyến metro có chiều dài 13 cây số này vào năm 2013.
Chưa khai trương, một số công trình phụ trợ của tuyến Cát linh-Hà đông đã xuống cấp, tháng 3/2019.
Đến 2014, nhà thầu thề sẽ hoàn tất công trình vào tháng 6 năm 2015. Quan hệ giữa chủ đầu tư với nhà thầu vốn bị chi phối bởi hợp đồng nhưng chủ đầu tư không cậy tới tòa.
Tháng 6 năm 2015, thời điểm khánh thành metro Cát Linh - Hà Đông được dời lại tới cuối năm 2015.
Cuối năm 2015, đầy tớ long trọng thông báo, phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử.
Trong năm 2016, sự kiện duy nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh - Hà Đông là đầy tớ vay thêm 250 triệu Mỹ kim để nhà thầu tiếp tục xây dựng metro Cát Linh - Hà Đông.
Trung Quốc là phía cho vay, nhà thầu cũng của Trung Quốc. Nhà thầu thực hiện công trình như "mèo mửa" nhưng nửa chừng không thèm "mửa" nữa để đòi thêm tiền.
Thật ra nhà thầu đòi tới 339 triệu Mỹ kim. Thương lượng tới lui, khoản phải đưa thêm cho nhà thầu "mửa" tiếp giảm xuống còn 250 triệu Mỹ kim.
Tuyến đường sắt nội đô chỉ 13 cây số nhưng đầy tớ tạo ra cho chủ khoản nợ lên tới hơn 800 triệu Mỹ kim.
Có lần, vui miệng, đầy tớ tiết lộ, chỉ riêng khoản 250 triệu mới vay thêm hồi 2016, từ 2018, mỗi năm chủ phải trả 650 tỉ cả vốn lẫn lãi (1).
Giả sử mức độ… "ưu đãi" mà Trung Quốc dành cho cả hai khối nợ (553 triệu Mỹ kim và 250 triệu Mỹ kim) giống nhau, mỗi năm, chủ phải trả chừng… 2.000 tỉ đồng.
Đầy tớ đã cắt giảm phúc lợi, rồi qua thuế, phí, chủ còn góp thêm mồ hôi, nước mắt để trả cả vốn lẫn lãi nhưng metro Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa vận hành.
Lời hứa hoàn tất công trình vào cuối năm 2016 được sửa lại thành giữa năm 2017, sau đó được đổi thành cuối quý 1 năm 2018, rồi đổi nữa thành cuối tháng 4 năm nay…
***
Năm ngoái, sau khi được nhà thầu Trung Quốc tạo điều kiện để "kiểm tra và đi thử" trên tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Văn Thể - đầy tớ được các đầy tớ khác tín nhiệm, cắt cử "đứng mũi chịu sào" đối với công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, khen rằng "êm hơn tuyến đường sắt quốc gia".
Chỉ sau một chuyến "kiểm tra và đi thử", đầy tớ Thể quên hết những cay đắng mà cả giới đầy tớ lẫn chủ của họ ở Việt Nam từng phải nuốt khi vay tiền Trung Quốc, phải dùng nhà thầu Trung Quốc để thực hiện tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, cho nên mới hồn nhiên khẳng định : "Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông không chỉ mang lại ý nghĩa về giao thông mà còn tạo đột phá về kinh tế xã hội, đặc biệt thắt chặt tình nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc". Cũng vì vậy, các đầy tớ : Đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp những thiết bị tốt nhất để có sự cạnh tranh với những nhà đầu tư khác, tạo dựng niềm tin để còn thực hiện những dự án đường sắt đô thị khác (2) !
Vào thời điểm đó (tháng 5 năm 2018), đầy tớ Thể cao hứng nhắn nhủ dân chúng Hà Nội rằng họ… sắp có "một tuyến đường sắt rất tốt và hiện đại" sẽ vận hành vào cuối năm.
Cuối năm rồi, may là tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể khai thác thương mại nên các ông chủ, bà chủ không phải nghe đầy tớ Thể nói thêm gì nữa.
***
Dân chúng Việt Nam chỉ ồ lên vì thất vọng, một số chỉ rủa vài câu trước sự kiện tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành thương mại vào cuối tháng 4 như đã cam kết rồi… thôi !
Giới đầy tớ ở Việt Nam quả là may mắn. Có được những ông chủ, bà chủ bao dung, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó như thế thì dại gì không vay, không tiêu, không "giật" phúc lợi "vá" cho các chủ trương, dự án !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/05/2019
Chú thích :