Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/05/2019

"Lò nóng, củi gộc"

An Viên

Sự xuất hiện trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy, công cuộc "đốt lò" sẽ tiếp tục, và nếu như theo cam kết của ông Trọng về một chiến dịch "làm mạnh hơn nữa", thì có thể chạm đến những "củi gộc", giải quyết những di sản thời ông Nguyễn Tấn Dũng và những vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội hiện giờ (bao gồm vấn đề đất đai tại Thủ Thiêm).

lo00

"Lò nóng, củi gộc" - Ảnh minh họa

Bỏ qua những thuyết âm mưa và tin đồn vô căn cứ, sự xuất hiện trở lại của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chiều tối 14/5 đã gây một "cảm xúc xã hội" trên Facebook, hầu như cư dân mạng phản ứng đều là một cảm giác tích cực, vì công cuộc "đốt lò" được tiếp tục.

Trong một bức ảnh được chú thích là "tham dự cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt", có thể thấy bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành T.Ư ĐCSVN, và cuối cùng là Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên.

Trong bản tin của tác giả Hoài Thu trên trang tin tức Zing, đã đặt tiêu đề : Tổng bí thư trở lại làm việc và kỳ vọng 'lò nóng, củi gộc'.

"Củi gộc" được tăng tốc đưa vào "lò nóng"

"Củi gộc" được hiểu là những củi mang tính chủ chốt và quyết định trong tham nhũng.

Trùng thời điểm trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Cty THHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC), và bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc IPC) người có dính líu đến sự kiện chuyển nhượng không đúng quy định khu đất hơn 30 ha tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho tập đoàn Quốc Cường Gia Lai bị Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở. Nhưng lớn hơn cả là, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh trước đó cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC, trong đó có việc công ty này thực hiện theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang khi là Phó bí thư Thường trực Thành ủy thành phố, đặc biệt trong vấn đề tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ. Nói cách khác, "khởi tố bị can" Tề Trí Dũng càng củng cố quan điểm, ông Tất Thành Cang sắp phải rời khỏi "ga xép" để đối mặt với việc bị truy tố.

Như lệ thường, Facebooker Phạm Việt Thắng tiếp tục tiết lộ thông tin vào sáng ngày 15/5, theo đó, ông Hiệp và ông Vũ (hai trợ lý cũ của anh Ba - tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) có khả năng "hầu cảnh sát".

Ông Hiệp, hay Nguyễn Sỹ Hiệp được coi là một trong 8 Thứ trưởng 7x của chính trường Việt Nam, và hiện thời ông đang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Hiệp cũng đang được đồn đoán là con của nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa X Nguyễn Văn An.

Trong khi đó, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương hai nhiệm kỳ trong thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sắp đối diện với việc "hầu cảnh sát".

Sự xuất hiện trở lại cho thấy, công cuộc "đốt lò" sẽ tiếp tục, và nếu như theo cam kết của ông Nguyễn Phú Trọng về một chiến dịch "làm mạnh hơn nữa", thì có thể chạm đến những "củi gộc", giải quyết những di sản thời ông Nguyễn Tấn Dũng và những vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội hiện giờ (bao gồm vấn đề đất đai tại Thủ Thiêm).

"Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vừa qua ta đã làm tốt. Phải làm tiếp, không được nghỉ. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".

"Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt" là câu nói mang tính dự liệu, nhưng cũng nhấn mạnh yếu tố "răn đe", quan điểm này gợi nhớ lại cách ông Nguyễn Phú Trọng bày tỏ về đường hướng của chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2018, "ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi, không phải cứ xử tử hay chung thân mới là tốt". Hàm nghĩa, ông Nguyễn Phú Trọng đang đề cao tính "thành khẩn khai báo", và từ đây có thể giải quyết cả một đường dây lợi ích có liên quan, tìm đến đúng những thanh "củi gộc". Và từ đây đến khai mạc ĐH XIII, là thời kỳ mà những di sản của ông Nguyễn Tấn Dũng phải cơ bản được giải quyết.

Đốt lò : không phải ai cũng phấn khởi ?

Sự "phấn khởi" về chiến dịch đốt lò và uy tín đang lên của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn làm hài lòng nhiều người.

Nhà báo Mai Quốc Ấn chia sẻ công khai trên Facebook cá nhân : Khi đám đông vẫn còn hóng "đốt lò" thay vì nghiền ngẫm để hiểu và lên tiếng để thay đổi thể chế bất cập ; thì sẽ vẫn là những người muốn tự do kiểu ban phát và trông cậy cá nhân quyền lực. Đó là một tâm thức nô lệ hay hội chức Stockholm diện rộng !

Quan điểm của nhà báo Mai Quốc Ấn cơ bản giống quan điểm nhà báo, nhà vận động nhân quyền Phạm Đoan Trang. Cái họ cần là sự giải quyết gốc rễ của nạn tham nhũng thông qua cải cách tối đa thể chế theo hướng dân chủ và phân quyền hơn là sự trông cậy vào xây dựng quyền lực một cá nhân để giải quyết tham nhũng. Bởi nếu tập trung quyền lực cá nhân để chống tham nhũng thì, hoặc quyền lực đó sẽ không được duy trì lâu qua yếu tố "nhiệm kỳ" - nhất là khi ông Nguyễn Phú Trọng ở tuổi xưa nay hiếm, hoặc nó sẽ tiếp tục vòng lặp "tha hóa quyền lực" như cách mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang thể hiện tại Trung Quốc.

Yếu tố "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự" vẫn là hai yếu tố then chốt, nền tảng để thay đổi thể chế bất cập đó. Nhưng xét trên cơ sở những quy định trong thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Tổng bí thư, thì cả hai yếu tố trên đều bị xóa bỏ, ngay cả trong tư tưởng của đảng viên.

Vậy, chúng ta có thể kỳ vọng được gì trong chiến dịch đốt lò, và liệu rằng có sự thay đổi trong tư duy ông Nguyễn Phú Trọng ?

Chiến dịch đốt lò đang bắt đầu có kết quả, nhưng nó sẽ mang tính "nhiệm kỳ, dấu ấn" hơn là một tiến trình lâu dài, bởi suy cho cùng, chiến dịch nào cũng có giới hạn thời gian của nó. Chỉ trừ khi, chiến dịch đó được thay đổi thành quy trình thông qua sự đổi mới tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng. Điều này, có viển vông không ?

Có một khe cửa hẹp cho sự kỳ vọng đổi mới tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng vào những năm cuối đời thông qua biến cố (khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị trả thù nội tại). Bởi nếu ông không chuẩn bị, thì tương lai, chính gia đình ông phải trả giá vì đấu đá chính trị nhiệm kỳ mới. 

Một viễn cảnh đặt ra dưới thời kỳ Nguyễn Phú Trọng là dù không thoát khỏi chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng đi đến một biến thể của chủ nghĩa xã hội, như cách mà Tổng bí thư Nam Tư đã từng tiến hành, đó là tiến hành tự do hóa kinh tế với tự do hóa chính trị, mà một trong những quyền tự do được ghi nhận là "các đoàn thể tự do và người dân lao động […] tự do cá nhân và quyền con người".

An Viên

Nguồn : VNTB, 16/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 863 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)