Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/06/2019

Liệu Việt Nam có tiếp tục chính sách "3 không" ?

Trung Khang

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La 2019, được tổ chức ở Singapore từ ngày 31/5-2/6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phát biểu về vấn đề cạnh tranh là một tồn tại khách quan, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu, có thể dẫn đến đối đầu, thậm chí là xung đột. Theo ông Lịch, trước các thách thức an ninh phức tạp thì vai trò của Việt Nam và các nước rất quan trọng, đặc biệt là các nước lớn.

bakhong1

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019, hôm 1/6/2019. AFP

Tuy nhiên, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã không hề nhắc đến chính sách "3 không" của Việt Nam như tại Đối thoại Shangri-La hồi năm 2018.

Chính sách "3 không" của Việt Nam bao gồm : không tham gia các liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có muốn duy trì chính sách "3 không" này không ?

Lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc

Trao đổi với chúng tôi từ Hà Nội về vấn đề này hôm 4/6/2019, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS), nhận định :

"Có một sự thay đổi là lần này Việt Nam không nhấn mạnh lắm đến cái chính sách "3 không". Tôi cho rằng có thể ông Bộ trưởng đã nói trong sách trắng quốc phòng rồi nên không lập lại, nhưng cũng có thể đây là một sự điều chỉnh".

Chính sách "3 không" mới làm liên tưởng đến chính sách "3 không" thời chiến của Việt Nam. Chính sách "3 không" của Việt Nam ngày đó là : không ủng hộ Trung Quốc bỏ Liên Xô trong liên kết, không để Trung Quốc can thiệp quân sự vào Việt Nam, không ủng hộ vị thế không-hòa bình của Trung Quốc.

Còn chính sách "3 không" mới cũng có thể được hiểu là không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc, hai cường quốc của thế giới. Việt Nam từng nhiều lần xung đột với Trung Quốc, và cũng đã từng xung đột với Mỹ.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore nói với đài RFA hôm 4/6/2019 liên quan vấn đề này :

"Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc là hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, nhưng ở trong đấy vẫn có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, do vậy hai bên có những thỏa thuận để trách xảy ra xung đột. Điều này cũng hợp lý, vì so với Trung Quốc thì Việt Nam là nước nhỏ hơn, khó có thể một mình đánh thắng Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam không thể phản ứng mạnh mẽ, thách thức người ta phải xử lý thật nhanh một vấn đề gì đó".

Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Tranh chấp này đôi khi bùng lên thành những xung đột nhỏ. Ví dụ điển hình là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hồi năm 2014. Trong những năm gần đây Trung Quốc cũng đã gây sức ép lên Việt Nam và các công ty nước ngoài khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Trong khi đó, Hoa Kỳ là nước từng nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hoạt động đơn phương và quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump xác định các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác đồng thời gây mất ổn định khu vực.

Trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 4/6, Nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt, đưa ra ý kiến của mình :

"Chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện vẫn đi đúng hướng, một mặt vẫn thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, như việc Mỹ bán cho Việt Nam 6 máy bay không người lái. Trong tương lai có lẽ quan hệ Mỹ Việt Nam sẽ phát triển hơn nhiều vì Việt Nam cần mua vũ khí chất lượng cao hơn, để nâng cấp sức mạnh quân sự trong bối cảnh nguy hiểm này. Đương nhiên Việt Nam vẫn luôn ở cạnh Trung Quốc, ngay cả Hoa Kỳ cũng hiểu điều cái thế của Việt Nam, nên chỉ muốn phát triển quan hệ với Việt Nam chứ không buộc phải chọn ai. Trong tương lai tôi nghĩ Việt Nam một mặt vẫn duy trì quan hệ với Trung Quốc, đó là điều cần thiết. Nhưng Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ nhiều mặt hơn với Hoa Kỳ, về kinh tế và đặc biệt là về quân sự".

Vào tháng 7 năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Mỹ, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao, tiếp xúc ở tất cả các cấp và ủng hộ việc tăng cường các cơ chế đối thoại và hợp tác…

Vào tháng 5 năm 2016, Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam sau 41 năm dựng rào chắn. Sau đó Mỹ cũng nhiều lần cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam như tàu tuần tra biển. Mới đây nhất, vào ngày 1/6/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết công ty Insitu của hãng máy bay Boeing đã nhận được một đơn đặt hàng 6 chiếc máy bay trinh thám không người lái của Việt Nam trị giá gần 10 triệu đô la.

bakhong2

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019, hôm 1/6/2019. AFP

Theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, căn cứ vào tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hồi tháng 5 và tháng 11 năm 2017, Việt Nam rõ ràng được xem là đối tác mà Hoa Kỳ có thể làm việc về các vấn đề an ninh khu vực. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đề cập rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi cam kết với các đồng minh và thiết lập quan hệ đối tác như là hành động ưu tiên hàng đầu của họ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cũng đề cập đến Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore là các đối tác kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Hoa Kỳ.

Vào ngày 1/6/2019 tại Singapore, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng cho công bố bản báo cáo về chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam cũng được đặt vị trí rất quan trọng, có ba quốc gia Đông Nam Á được nhắc đến không tính Singapore là Indonesia, Malaysia và Việt Nam, trong đó Việt Nam được đặt lên hàng đầu.

Xích lại gần hơn với Mỹ ?

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, vai trò của Việt Nam trong Shangri-La thì cũng như mọi lần, nhưng trong bối cảnh này, vai trò của Việt Nam nổi trội hơn, đặc biệt là vào khi Hoa Kỳ đang muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới đó là ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Bên cạnh đó Trung Quốc vẫn muốn giữ Việt Nam trong tầm ảnh hưởng của mình.

Vào năm 2010, tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN ARF, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã lên tiếng xác định "lợi ích quốc gia" của Mỹ trên biển Đông bao gồm : "Quyền tự do hàng hải, quyền tiến vào các vùng biển chung của Châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông". Đây được coi là một thành công của Việt Nam khi đã khiến Mỹ tuyên bố có quyền lợi thiết thực tại biển Đông.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định :

"Trong quan hệ với Hoa Kỳ thì trong các tuyên bố gần đây, Hoa Kỳ luôn nói tôn trọng thể chế của Việt Nam. Vì vậy Việt Nam không chỉ đi dây mà đã tạo ra được thế cân bằng động giữa các nước lớn. Theo tôi Việt Nam đã làm tốt vấn đề này. Nhưng gần đây Trung Quốc có những hành động hơi quá trên biển Đông nên Việt Nam cũng có biểu hiệu là dãn Trung và xích lại gần Mỹ hơn. Và trong đối tác toàn diện Việt Mỹ thì các yếu tố hợp tác chiến lược ngày càng nổi trội".

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, thật ra trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ luôn luôn có cái bóng của Trung Quốc đằng sau, nếu không có cái bóng đe dọa của Trung Quốc thì Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện từ lâu. Ông nói tiếp :

"Việt Nam luôn phải hết sức khéo léo bởi vì điều Trung Quốc luôn e ngại là Việt Nam theo Mỹ để chống lại Trung Quốc. Thành ra Việt Nam luôn phải nói với Trung Quốc là việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ là bình thường, và không nhằm chống lại Trung Quốc. Một phần vì Việt Nam có cái di sản của ngoại giao ý thức hệ".

Vào tháng 5 năm 2008, Việt Nam – Trung Quốc đã thiết lập "Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trên cơ sở phương châm 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Ngay trước Đối thoại Shangri-La 2019, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Thượng Tướng Ngụy Phượng Hòa, dẫn đầu đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Trung Quốc sang thăm Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 5 năm 2019. Chuyến thăm diễn ra ngay trong lúc Trung Quốc và Mỹ đang có mối quan hệ rất căng thẳng.

Ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng thì Trung Quốc cần sự ủng hộ hay ít nhất là thái độ trung lập của các quốc gia khác để họ không ngả về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc. Ông nói :

"Tôi nghĩ từ quan điểm của Bắc Kinh thì Việt Nam có thể là đối tác tương đối quan trọng trong tính toán này của họ. Chính vì vậy Trung Quốc vẫn muốn duy trì và phát triển các mối quan hệ với Việt Nam, trong đó có các quan hệ quốc phòng. Từ góc nhìn của Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao thì Việt Nam cũng muốn duy trì vị thế độc lập và không muốn bị cuốn theo cuộc cạnh tranh đó. Việt Nam cũng muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc để giữ hòa bình, ổn định, nhất là trên Biển Đông, để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế".

Trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, các nước ở khu vực không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng nếu phải lựa chọn, đây chắc chắn cũng là một lựa chọn khó đối với Việt Nam.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 05/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)