Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/07/2019

Sự thật sau thành tích ‘VAMC đã xử lý nợ xấu thành công’

Minh Quân

Bất chấp việc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cùng Ngân hàng nhà nước đã luôn khoe khoang thành tích đã xử lý thành công nợ xấu và kéo nợ xấu xuống dưới 3% trong năm 2018, vừa xuất hiện một bằng chứng chứng minh thực tế ngược lại.

vamc1

VAMC đã xử lý thành công nợ xấu và kéo nợ xấu xuống dưới 3% trong năm 2018 - Ảnh minh họa

Trong một cuộc họp báo công bố kết quả và báo cáo kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đãnhận định VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu như không thực hiện thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định) ; không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ…

Bên cạnh đó, VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ.

Nhận định trên đã củng cố một cách chắc chắn cho một nhận định trước đó từ giới chuyên gia độc lập : sau 5 năm hoạt động kể từ năm 2013, VAMC đã hầu như không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.

Vào năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC đã trần tình với gương mặt có vẻ nhăn nhúm khổ sở : "VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này".

Dù chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định một sự thật như đinh đóng cột : Trong thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.

Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ như trên đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.

Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.

Đến nay, các phương án "xử lý nợ xấu" của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu "giảm nợ xấu về 3%" vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.

Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.

Tình trạng một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Với các ngân hàng này, rõ ràng quan niệm về lợi nhuận và hậu quả về nợ xấu là hai phạm trù tách rời mà chẳng dính dáng với nhau về mặt nhân quả và trách nhiệm.

Lãi ngân hàng nhiều khả năng sẽ ít hẳn, trong khi nợ xấu tăng vọt. Những ngân hàng đã cố che giấu nợ xấu trầm trọng trong những năm trước sẽ lao đến ngưỡng vỡ nợ và phá sản vào những năm sau đó.

Vào năm 2018, một chuey6n gia tài chính nhà nước đã ‘bật mí’ cho phóng viên : "Nợ xấu ở Việt Nam kéo dài gần hết một thế hệ làm ngân hàng mà chưa xử lý được. Mặc dù cũng đã xóa được 3-4 tỷ USD nợ xấu (trên giấy tờ), nhưng nợ xấu mới lại gia tăng. Nợ xấu cũ chưa xử lý được tiếp tục đắp chiếu, đưa lên hồi sức cấp cứu lại đưa về phòng điều trị rồi lại đắp chiếu vì không có cơ chế xử lý…".

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 15/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 689 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)