Tình liên đới giữa các tôn giáo và các sắc dân
Nguyễn Đình Thắng, machsongmedia, 10/08/2019
Trong cuộc tổng vận động do BPSOS tổ chức năm nay ở thủ đô Hoa Kỳ, điểm nổi bật mà nhiều người chú ý là sự kiện 2 nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo ở Việt Nam được Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp kiến ngày 17 tháng 7. Nhưng đó lại không là điểm làm tôi hài lòng và thích thú nhất.
Với tôi, điều hài lòng và thích thú nhất là hình ảnh của đại diện cho 6 tôn giáo cùng khai mạc buổi họp khoáng đại ngày 11 tháng 7 tại hội trường của Quốc Hội Hoa Kỳ. Hình ảnh này đẹp và mang nhiều ý nghĩa.
Từ trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy các giới chức của Bộ Ngoại giao, của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, của các tổ chức nhân quyền quốc tế và cử toạ người Việt đều đứng thẳng tắp và trang nghiêm. Tôi không đọc được ý tưởng của mỗi người nhưng tin rằng họ cảm nghiệm được tinh thần trăm con cùng mẹ cha giữa các tôn giáo và giữa các sắc dân Việt Nam đang diễn ra trước mắt họ.
Lễ cầu nguyện đa tôn giáo, đa sắc dân tại Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2019, ngày 11/07/2019, Quốc Hội Hoa Kỳ (ảnh BPSOS)
Và có thể, cũng như tôi, họ đã để ý thấy những cử chỉ rất nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn.
Vì là người đứng ở đầu cánh phải, LM Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, được ban tổ chức trao micro để mở đầu lễ cầu nguyện chung. LM Thăng với tay trao micro lại và mời Thượng Toạ Thích Vĩnh Phước, vị sư trú trì chùa Phước Bửu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cử hành lễ cầu nguyện. Kế đến, LM Thăng lại mời Ông Đỗ Minh Đức, đại diện Cao Đài đến từ Houston, cầu nguyện theo nghi thức của tôn giáo Cao Đài. Rồi mới đến lượt LM Thăng tiếp lời cầu nguyện.
Sau đó là anh Y Phíc Hdok, một tín đồ Tin Lành người Tây Nguyên còn rất trẻ, đã cầu nguyện bằng tiếng Ê Đê. Tôi không hiểu ngôn ngữ Ê Đê nhưng hình dung được niềm hãnh diện của những người Ê Đê ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới khi xem đoạn video tường thuật. Lời cầu nguyện trong ngôn ngữ của chính họ đã vang lên nơi hội trường của Quốc Hội Hoa Kỳ. Chả bù ở trong nước Việt Nam, nhiều khi họ phải cầu nguyện lén, làm lễ chui.
Kế đến là Mục Sư Tin Lành người Hmong Vàng Chí Mình. Cũng thế, MS Mình cầu nguyện bằng tiếng Hmong, không phải chỉ cho khoảng trên 200 con người đang đứng trang nghiêm trong hội trường mà còn cho tất cả những người Hmong ở Việt Nam và khắp thế giới.
Cuối cùng là anh Nguyễn Hữu Tài, em trai của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn, người đã bị cắt cổ chết trong đồn công an. Anh Tài chấm dứt buổi lễ cầu nguyện chung kéo dài 10 phút.
Mười phút ngắn ngủi ấy đã thể hiện hình ảnh thật tuyệt vời về tình liên đới giữa các tôn giáo và các sắc dân của người Việt chúng ta, cả trong lẫn ngoài Việt Nam, cho các bạn bè quốc tế. Không hiểu có phải vì vậy mà những ngày sau đó, nhiều tổ chức đã hẹn gặp BPSOS để tìm hiểu thêm về tình trạng của các tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam. Và có cả những tổ chức ở các nước khác đã đến nhờ chúng tôi hỗ trợ và tư vấn.
Phái đoàn đa tôn giáo, đa sắc tộc tiếp xúc Bộ Ngoại giao, ngày 11/07/2019 (ảnh HUJ)
Khi vận động quốc tế, chúng tôi luôn tạo cơ hội để các tôn giáo và các sắc tộc người Việt thể hiện tình liên đới. Khi chúng ta còn thờ ơ với nhau thì lẽ nào quốc tế lại vồn vã với mình ?
Tôi mong rằng buổi lễ cầu nguyện chung ngày hôm ấy không chỉ là hình ảnh biểu tượng một lần rồi thôi, mà là sự thể hiện truyền thống ăn sâu trong tâm khảm mỗi người Việt chúng ta về tình liên đới bất luận tôn giáo, sắc dân, vùng miền. Chúng ta phải sống thực như vậy từng giờ, từng phút.
Trong tinh thần đó, tôi nhắc những người đã từng sinh hoạt với BPSOS từ bấy lâu nay, bất luận thuộc tôn giáo nào hoặc sắc dân nào, có bận lắm thì cũng đừng quên gửi đến các anh chị em của mình theo Đạo Cao Đài lời chúc mừng, mừng họ đã bảo vệ thành công danh hiệu của tôn giáo trước âm mưu chiếm hữu bởi một tổ chức quốc doanh.
Lời chúc mừng đến từ quý vị có khi còn ý nghĩa hơn là những lời chúc tụng giữa các tín đồ Cao Đài với nhau trong lúc này.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS
Nguồn : machsongmedia, 10/08/2019
****************
Đạo Cao Đài : thắng lợi pháp lý về danh hiệu tôn giáo
Nguyễn Đình Thắng, machsongmedia, 09/08/2019
Chúc mừng thắng lợi pháp lý để bảo vệ danh hiệu của tôn giáo mình
Tôi chúc mừng tất cả các tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài Việt Nam về quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hủy giấy phép đã cấp cho Chi Phái 1997 độc quyền sở hữu danh hiệu chung của đạo Cao Đài. Thành quả này có được là do một số tín đồ Cao Đài đã đổ nhiều công sức, tài chính, và tâm huyết trong hơn một năm qua, bất chấp những điều tiếng và sự đánh phá đến từ nhiều phía.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hủy giấy phép đã cấp cho Chi Phái 1997 (Cao Đài giả) độc quyền sở hữu danh hiệu chung của đạo Cao Đài.
Trước hết và trên hết, thành quả này mang ý nghĩa lịch sử. Qua vụ kiện, nay toàn bộ hồ sơ chứng minh danh hiệu chung của toàn đạo Cao Đài được lưu trữ vĩnh viễn trong văn khố của Phòng Quản lý các Phát minh và Thương hiệu thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Nghĩa là sẽ không bất kỳ ai có thể cầu chứng tên chung của đạo Cao Đài làm thương hiệu riêng được nữa. Đây là một kỳ tích trong nỗ lực bảo vệ cơ đạo của quý vị.
Một ý nghĩa không kém quan trọng là, cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ đã phán quyết rằng tổ chức do Đảng cộng sản Việt Nam dựng lên năm 1997 không là đạo Cao Đài, dù nó đã đổi tên cho gần giống với đạo Cao Đài để rồi mạo nhận là đạo Cao Đài. Phán quyết có hiệu lực quốc tế này là căn cứ pháp lý để phân định sự khác biệt giữa Chi Phái 1997 và đạo Cao Đài.
Ý nghĩa thứ ba là, văn bản phán quyết này sẽ giúp quốc tế hiểu rằng Chi Phái 1997 được Đảng cộng sản Việt Nam dựng lên để diệt đạo Cao Đài qua kế sách mạo nhận là đạo Cao Đài để rồi chiếm đóng Tòa Thánh Cao Đài, đánh chiếm hầu hết các Thánh Thất Cao Đài, và ép các tín đồ Cao Đài phải tùng phục.
Với các ý nghĩa trên, vụ kiện thành công vừa rồi là một khúc ngoặt trên con đường mà quý vị đang dấn bước để bảo vệ tôn giáo của mình. Đây là lúc mọi tín đồ Cao Đài chân chính cần vượt qua những khác biệt đang có để dốc sức nhằm đạt cho kỳ được các mục tiêu chung sau đây :
1. Củng cố niềm tin và quyết tâm của các tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài nước ;
2. Ở trong nước, nhanh chóng tập hợp và tổ chức các đồng đạo thành từng đơn vị đủ vững chãi để đẩy lùi áp lực từ Chi Phái 1997 ;
3. Ở trong nước, làm sáng tỏ bản chất của Chi Phái 1997 đối với các tín đồ còn mù mờ ;
4. Ở ngoài ngước, vận động thêm sự hậu thuẫn của quốc tế.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ mọi nhóm tín đồ Cao Đài với thực tâm bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo của chính mình và của đồng đạo, kể cả những nhóm có thể đang không hợp tác hoặc đang mâu thuẫn với nhau.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS
Nguồn : machsongmedia, 09/08/2019