Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/08/2019

Việt Nam mong muốn hợp tác với Mỹ và Châu Âu trên Biển Đông ?

Nhiều tác giả

Vì sao chính thể Việt Nam hớn hở ‘tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông’ ?

Thường Sơn, VNTB, 11/08/2019

Chỉ ít ngày sau khi Washington điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan - tới Biển Đông vào ngày 6/8/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mau mắn và như thể hớn hở ra tuyên bố ‘tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông’.

eu1

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan

Nguồn cơn của động thái Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Biển Đông là có thể đã có một lời cầu cứu khẩn cấp từ Bộ Chính trị Việt Nam với Washington trong bối cảnh hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính như chốn vô chủ quyền, trong khi toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam bất lực - tương tự việc Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã phải gấp rút sang Mỹ gặp Bộ trưởng quốc phòng James Mattis để cầu cứu, ngay sau vụ Trung Quốc bao vây khu vực Bãi Tư Chính vào tháng 7/2017.

Một cách ‘nhẹ nhàng’ nhất, cho dù tuyên bố rút Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính, Trung Quốc vẫn có thể cho tàu địa chất này xuất hiện trở lại vào bất kỳ lúc nào, hoặc thay thế Hải Dương 8 bằng những tàu Hải Dương khác, cho đến khi nào chán thì thôi. Trong lúc đó, các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu thương mại dân sự vẫn thả sức chơi trò ‘vờn tàu’ với phía hải quân và ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ được trang bị hàng chục ngàn lá cờ của Việt Nam, và nếu hứng thú thì tổ chức xịt vòi rồng hoặc đâm va…

Đó là một kiểu hành hạ tinh thần giới chóp bu Việt Nam, hệt như cái cách chính quyền và công an Việt Nam đã hành hạ tinh thần và thân xác nhiều người dân bất đồng chính kiến lên tiếng phản đối vô số bất công của chế độ cầm quyền và dám xuống đường chống Trung cộng.

Một khi bộ phim Bãi Tư Chính đã được Trung Quốc công diễn đến 3 lần trong ba năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu cuốn phim này sẽ được tái diễn vào những năm sau, đều đặn mỗi năm một lần hoặc có thể đến hai lần.

Còn nếu Trung Quốc liều lĩnh điều cả một giàn khoan vào Bãi Tư Chính để ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’ - như cái cách mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trịch thượng yêu sách với giới chóp bu Hà Nội khi đến Việt Nam vào đầu năm 2018, đó sẽ là một thảm họa với Bộ Chính trị đảng Việt Nam. Đánh thì sợ mà không đánh thì chẳng còn ra thể thống gì.

Chỗ dựa dẫm duy nhất giờ đây của Hà Nội chỉ còn là Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có ít nhất 3 lần chính thể Việt Nam mau mắn tuyên bố ‘tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông’ - ứng với động thái tàu hải quân Mỹ vừa đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vào tháng 2/2019, thậm chí Việt Nam không chỉ ‘tôn trọng tự do hàng hải’ mà còn ‘tôn trọng tự do hàng không’. Đây cũng là một chỉ dấu mới và đáng được mổ xẻ và phân tích, đặc biệt liên quan đến một Biển Đông cùng hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ngày càng nóng lên bởi nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung, và nếu cuộc chiến này xảy ra, dù chỉ với quy mô nhỏ và phạm vi hẹp, Việt Nam sẽ không thể ‘vô can’, thậm chí còn phải đưa đầu chịu báng trong tư thế ‘trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết’.

Cách phát ngôn ‘tôn trọng tự do hàng không’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam rất có thể đã mở đường cho máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trên không phận Biển Đông như một hàm ý ‘máy bay Mỹ bay qua vô hại ở Biển Đông’, tiếp nối khẩu ngữ ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ bật ra lần đầu tiên vào đầu năm 2016.
Vào tháng 10/2018, hai máy bay B-52 của Mỹ đã áp sát các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Sau hải quân là không quân, và chỉ còn thiếu lục quân.

Lục quân và thủy quân lục chiến - đó sẽ là vấn đề Cam Ranh - một quân cảng khống chế đến 2/3 Biển Đông mà một cách tối thiểu, nó sẽ được dùng để làm căn cứ hậu cần cho một quốc gia nào đó đang giúp Việt Nam kháng Tàu. Vào lúc này, Mỹ là quốc gia duy nhất làm điều đó.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 11/08/2019

******************

Việt Nam và EU ‘tăng cường đảm bảo tự do hàng hải’

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam và một đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh mới đây đi tới cam kết "tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không", trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông, quanh Bãi Tư Chính, giữa tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc.

eu2

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, tại Hà Nội hôm 5/8.

Ngoài cam kết trên, tuyên bố chung giữa ông Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, còn nói rằng hai bên cũng sẽ tăng cường "đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".

Tin cho hay, trong cuộc gặp tại Hà Nội hôm 5/8, quan chức chủ nhà và bà Mogherini đã "trao đổi về việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết chung".

"Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh cũng nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt và các hình thức hợp tác an ninh đa phương khác tại Châu Á, và hỗ trợ xây dựng năng lực, các chương trình đào tạo và hợp tác về quản lý khủng hoảng hiện nay trong khu vực", tuyên bố chung đăng trên trang web của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam có đoạn.

Bộ Quốc phòng Việt Nam được cho là "ủng hộ mong muốn của Liên minh Châu Âu về việc tham gia vào các cấu trúc quốc phòng an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương", trong khi "Liên minh Châu Âu mong đợi Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020".

Trang Facebook của chính phủ Việt Nam hôm 5/8 dẫn lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, nói tại cuộc họp báo sau khi đôi bên thảo luận rằng Hà Nội "hoan nghênh lập trường của EU, ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông".

Ông Minh được dẫn lời nói tiếp rằng "việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đã và đang gia tăng căng thẳng, làm xói mòn lòng tin và làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực".

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Việt Nam không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc, nhưng lâu nay, chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới đã bị phương Tây chỉ trích "vì quân sự hóa Biển Đông".

Cuộc họp giữa quan chức EU và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục "đối đầu" ở Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tin cho hay, ông Minh đã "đề nghị phía EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ở Biển Đông".

Trong cuộc họp báo chung với ông Minh, bà Mogherini được cho là đã "trấn an" nhà ngoại giao hàng đầu Việt Nam rằng "Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn chia sẻ quan điểm và quan ngại của ngài về tình hình gia tăng căng thẳng trên Biển Đông".

"Chúng tôi tin rằng sự căng thẳng cũng như quân sự hóa này hoàn toàn không có lợi cho môi trường hòa bình. Liên Hiệp Châu Âu luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải và bay ngang, vốn là mối quan tâm của mọi quốc gia. Chúng tôi ủng hộ sự minh bạch cũng như sự hoàn tất mau chóng của các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN", Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu nói.

"Ngài có thể tin vào việc EU sẽ luôn bảo vệ không những sự cần thiết phải giảm căng thẳng mà còn trên hết là sự cần thiết phải tôn trọng hoàn toàn luật lệ quốc tế, trong đó có UNCLOS".

Theo chính phủ Việt Nam, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho VN với 400 triệu euro giai đoạn 2014 - 2020.

Viễn Đông

Nguồn : VOA, 11/08/2019

*****************

"Việt Nam đã phải thất vọng về phản ứng của cộng đồng quốc tế, trừ Hoa Kỳ"

Thường Sơn, VNTB, 10/08/2019

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã phải thất vọng về phản ứng của cộng đồng quốc tế trừ Hoa Kỳ", trả lời đài VOA, Giáo sư Carl Thayer của Học Viện Quốc phòng Úc nhận định và cho biết rằng đại sứ Việt Nam tại Úc đã bày tỏ lo ngại về việc báo chí ở Úc không đăng tải thông tin về sự việc và không có bình luận gì từ phía chính phủ Úc…

eu3

Giáo sư Carl Thayer

Úc lại là một đồng minh quân sự của Mỹ trong ‘bộ tứ’ ở vòng cung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc).

Nhưng vì sao Úc - cũng được giới chóp bu Việt Nam xem là ‘đối tác quan trọng’ - lại quá thờ ơ với vụ tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, nguồn lợi và danh thể của ‘Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ ?

Không thể cho rằng nước Úc bàng quan vụ Bãi Tư Chính vì không ‘dính’ gì Biển Đông. Bởi cũng như Nhật bản, Úc có một phần quyền lợi trong giao thương qua Biển Đông, với khoảng 50% lượng giao thương thông qua vùng biển này. Nếu Trung Quốc khống chế được khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và hơn thế nữa là ‘nuốt’ hẳn Bãi Tư Chính, Úc đương nhiên sẽ bị khó khăn và thách thức lớn trong giao thương do các tàu Trung Quốc ‘làm luật’.

Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng tàu chiến Trung Quốc lại khiêu khích tàu Úc.

Tuy thế, sách lược của ‘bộ tứ’ dường như chẳng có gì phải vội vã với Việt Nam - quốc gia vẫn còn nằm nguyên trạng trong ‘chủ nghĩa xã hội anh em’ với Trung Quốc và luôn bị ‘đảng anh’ hiếp đáp. Khả năng Úc điều tàu chiến đến Biển Đông để hỗ trợ hải quân Việt Nam là gần như không có.

Còn Hoa Kỳ - đồng minh của Úc - thì sao ?

Tháng 7 năm 2019, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính, dù quốc gia này vẫn chưa phải là ‘đối tác chiến lược’ trong bộ sưu tầm chẵn một tá đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, trong đó nổi bật là ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ Trung Quốc - như lối ngợi ca rất thiếu máu não của giới chóp bu Việt Nam.

Nhưng từ đó đến nay, người Mỹ vẫn không có động thái quân sự thực chất nào để ‘dằn mặt’ Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính. Hành động mới nhất của Washington là điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tới Biển Đông vào ngày 6/8/2019.

Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn là hàng không mẫu hạm này sẽ trực tiếp can thiệp hay có một tác động nào đó tới Bãi Tư Chính nếu đối chiếu với yêu cầu can thiệp sâu hơn nhiều của chế độ bị xem là ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Vì sao vào lần này Mỹ có vẻ thay đổi thái độ mà không hoặc chưa có những hành động cụ thể hỗ trợ Việt Nam ?

Chung quy cũng tại thói du dây trả treo của Hà Nội.

Vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Hà Nội, hầu hết các "đối tác chiến lược" của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Khi đó, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách "đu dây" nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn "bốn tốt – mười sáu chữ vàng".

Đã 5 năm trời qua kể từ vụ Hải Dương 981 năm 2014, nhưng sự thể tồi tệ là não trạng ngả ngớn đu lắc và õng ẹo đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc của giới chóp bu Việt Nam.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 10/08/2019

********************

EU nên mở rộng hoạt động hàng hải vì Trung Quốc đang đe dọa Đông Nam Á

Richard Heydariann, VNTB, 10/08/2018

Hiệp ước quốc phòng của EU với Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu

eu4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đón chào người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, tại Hà Nội vào ngày 8/8/2019. (Ảnh từ thông cáo báo chí của chính phủ Việt Nam)

Vào ngày 5 tháng 8 có một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ quốc tế đang nở rộ ngay cả khi sự thù địch toàn cầu về thương mại, tiền tệ và ngoại giao gia tăng : EU và Việt Nam đã ký một thỏa thuận quốc phòng lịch sử đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thỏa thuận mở đường cho sự tham gia của Việt Nam vào các nhiệm vụ quân sự Châu Âu, hoạt động gìn giữ hòa bình và hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, và khi Châu Âu mở rộng tham vọng chiến lược sang Đông Á, ngay khi Trung Quốc đang thách thức trật tự hiện có.

Mặc dù các cường quốc Châu Âu rất muốn duy trì mối quan hệ mạnh mẽ và hiệu quả với Bắc Kinh, nhưng họ đã thể hiện một cách đúng đắn khi sẵn sàng duy trì trật tự trong khu vực dựa trên luật lệ. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Pháp đã tăng cường sự hiện diện hải quân ở vùng biển lân cận Trung Quốc, trong khi EU và các thành viên chủ chốt đã củng cố quan hệ kinh tế và chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn.

Có nhiều lý do để Châu Âu tham gia vào Đông Á.

Đầu tiên, điều này phù hợp với các nguyên tắc và học thuyết chiến lược của EU. Mặc dù vẫn trung lập về các vấn đề lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, Chiến lược toàn cầu năm 2016 của EU kêu gọi các quốc gia thành viên "giữ vững tự do hàng hải", tôn trọng Luật Biển và "khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển".

Hơn nữa, Chiến lược an ninh hàng hải năm 2014 của EU hy vọng các lực lượng vũ trang của các thành viên EU sẽ "đóng vai trò chiến lược trên biển và từ ngoài biển", đảm nhận "toàn bộ trách nhiệm hàng hải". Điều này chủ yếu bao gồm hỗ trợ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế và ngăn chặn "các hoạt động bất hợp pháp".

Với cam kết bổ sung để duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đông, dường như việc quân sự hóa không ngừng của Trung Quốc đối với các tranh chấp này là mối đe dọa trực tiếp đối với các giá trị cơ bản này.

Do đó, thỏa thuận quốc phòng của EU với Việt Nam nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, cũng như "bảo vệ trật tự đa phương dựa trên luật lệ", như một quan chức EU nói.

Thời điểm ký kết vô cùng quan trọng. Trong tháng qua, Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu ở Bãi Tư Chính, một khu vực giàu năng lượng đang có tranh chấp ở Biển Đông và thuộc thềm lục địa của Hà Nội.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã củng cố các nỗ lực ngoại giao và quân sự của mình để ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập của vào vùng biển và quấy rối các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.

EU đã ký các thỏa thuận quốc phòng tương tự với các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ như Úc, hiện cũng đang lo ngại về "sự hung hăng" của Trung Quốc trong khu vực của họ.

Thỏa thuận quốc phòng sẽ là khởi đầu cho hoạt động mở rộng của EU ở Đông Nam Á. Trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lực lượng Cảnh sát biển mạnh mẽ giữa các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn trong một thập kỷ nay, EU nên đi theo hướng tương tự.

Cùng với Vương quốc Anh, Pháp và Đức, EU nên tiếp tục nâng cấp quan hệ chiến lược với các nước láng giềng đang bị Trung Quốc làm xáo trộn như Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore. Điều đó có nghĩa là nhiều thỏa thuận quốc phòng nên được đưa ra.

Châu Âu có thể và nên cung cấp hỗ trợ, dù thông qua các khoản tài trợ quốc phòng, tập trận và huấn luyện quân sự chung hoặc chuyển giao công nghệ, để cải thiện năng lực giám sát và an ninh hàng hải giữa các quốc gia này.

Các quốc gia Châu Âu cá nhân đã đang đối đầu với chủ nghĩa bành trướng hàng hải của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Vẫn sở hữu các lãnh thổ hậu thuộc địa trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cả Anh và Pháp đã thường xuyên triển khai lực lượng hải quân đến vùng biển gần Trung Quốc.

Bắc Kinh đã phản đối kịch liệt những hoạt động này, thậm chí là còn không cho Pháp tham gia một cuộc tập trận hải quân quốc tế trong năm nay, đồng thời đe dọa những tác động tiêu cực đối với các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit với U.K.

eu5

Vương quốc Anh tuyên bố ý định triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth tới Biển Đông. © Hình ảnh của Getty

Tuy nhiên, cả hai cường quốc đã báo hiệu cam kết sâu sắc trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở sân sau của Trung Quốc. Trên thực tế, Anh đã tuyên bố ý định điều hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth tới Biển Đông, đồng thời hợp tác với Pháp trong các cuộc tập trận hàng hải chung và tăng cường khả năng phối hợp trong các tình huống quân sự với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thông qua việc triển khai hải quân tới các vùng biển tranh chấp và thỏa thuận quốc phòng với các nước Châu Á nhỏ hơn, Châu Âu thừa nhận tính hợp pháp đối với các hoạt động tự do hàng hải của Washington. Trên thực tế, Châu Âu và Hoa Kỳ, cùng với các cường quốc hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, hiện đang cùng nhau bảo vệ quyền tự do hàng hải.

EU cũng nhận ra rằng quốc phòng và thương mại có thể song hành với nhau như là một phần của lợi ích chiến lược lớn hơn. Thỏa thuận quốc phòng với Việt Nam diễn ra sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam hồi tháng 6, mà Brussels đã mô tả là "thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất giữa EU và một nền kinh tế mới nổi trội cho đến nay".

Vào tháng 10 năm 2018, EU đã ký một thoả thuận thương mại khác với Singapore, thể hiện sự phát triển của mối quan hệ chiến lược giữa EU và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. EU đang xem xét các thoả thuận thương mại với các nước ASEAN lớn khác là Philippines và Thái Lan, mặc dù cả hai nước này đều bị đình trệ vì bất ổn chính trị.

Sự đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định trong khu vực của Châu Âu cho thấy rõ rằng căng thẳng gia tăng ở Đông Á sẽ không chỉ còn là giữa đối thủ Trung-Mỹ nữa.

Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực đa phương giữa các cường quốc cùng chí hướng để bảo vệ công cộng quốc tế và kìm hãm tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Châu Âu nên tham gia nhiều hơn xu hướng này để duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Châu Á.

Richard Heydarian

Nguồn : EU should expand maritime activity in Southeast Asia as China looms, Nikkei Asian Review, 09/08/2019

Khánh Anh dịch

Nguồn : VNTB, 10/08/2019

Richard Heydarian là một học giả, chuyên mục và tác giả của "Sự trỗi dậy của Duterte : Một cuộc nổi dậy dân túy chống lại nền dân chủ ưu tú" và sắp tới là "Ấn Độ-Thái Bình Dương : Trump, Trung Quốc và cuộc đấu tranh mới để làm chủ toàn cầu".

*****************

Liên Hiệp Châu Âu gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Anh Vũ, RFI, 09/08/2019

Giữa lúc tình hình Biển Đông đang nóng lên do những hành động gây hấn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đón bà Federica Mogherini, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đồng thời là đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu EU về chính sách đối ngoại-an ninh.

eu6

Bà Federica Mogherini, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh họp báo tại Hà Nội, ngày 05/08/2019. Reuters/Kham

Trong chuyến công du Hà Nội từ ngày 03 đến 05/08, bà Mogherini đã gặp gỡ và làm việc với ngoại trưởng Phạm Bình Minh rồi bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch và đặc biệt gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 05/08. Trước khi quan chức cao cấp Liên Hiệp Châu Âu tới Hà Nội, một số trang báo của khu vực như Asia Times đã loan tin bà Federica Mogherini sẽ ký một thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng FPA (Framework Participation Agreement), thỏa thuận an ninh đầu tiên giữa Bruxelles với một nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hiệp định khung này vẫn chưa được được ký ngay trong chuyến công du của bà Mogherini, tuy vậy báo chí Việt Nam dẫn thông cáo chung hai bên cho biết : 

"Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Namvào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (Hiệp định FPA). Hiện nay, lộ trình đã rõ ràng theo hướng hoàn thiện các thủ tục nội bộ dẫn tới việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện đầy đủ hiệp định trên".

Vẫn theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp với bà Federica Mogherini hôm 05/08, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ hi vọng hai bên sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA).

Một khi được ký, Hiệp định FPA sẽ mở ra cho Việt Nam khả năng tham gia đóng góp vào các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của Châu Âu và mang lại lợi ích nhiều mặt hơn ở phía sau. Hiện tại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mới chỉ có Úc , New Zealand và Hàn Quốc ký hiệp định này với EU.

Chuyến thăm và kết quả làm việc của lãnh đạo cao cấp EU tại Hà Nội vừa rồi vẫn còn giới hạn trong những tuyên bố ủng hộ lập trường lẫn nhau mang tính biểu tượng, nhưng giới quan sát chính trị trong khu vực nhận thấy rõ Liên Hiệp Châu Âu đang cố gắng xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với khu vực và đặc biệt là với Việt Nam.

Châu Âu đang có tham vọng tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, với mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù các nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn muốn duy trì mối quan hệ lâu dài và có hiệu quả với Bắc Kinh, họ không chấp nhận để Bắc Kinh kiểm soát ảnh hưởng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là độc chiếm Biển Đông, huyết mạch hàng hải thế giới.

Chuyên gia Richer Heydarian, giáo sư đại học Manila, tác giả nhiều cuốn sách về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và về chính sách bá quyền Trung Quốc, trong bài viết trên trang mạng Nikkei Asian Rewiew đăng ngày 09/08 liên quan đến chuyến đi của bà Federica Mogherini tới Hà Nội, nhận định : 

"Liên Hiệp Châu Âu có nhiều lý do để cắm chân ở Đông Nam Á. Thứ nhất, điều đó phù hợp với chủ trương chiến lược của Liên Âu. Không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, EU luôn kêu gọi bảo vệ tự do hàng hải trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, dường như những hành động quân sự hóa, những hành vi gây hấn ngày càng hung hăng và những đòi hỏi chủ quyền ngày quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông đang trở thành một mối đe dọa trực tiếp đối với các giá trị căn bản mà Châu Âu bảo vệ".

Việt Nam đang phải đối mặt với đe dọa ngày càng lớn do chính sách bành trướng của nước láng giềng lớn Trung Quốc, chỉ có sự ủng hộ ngoại giao quốc tế, bên cạnh việc tăng cường khả năng quân sự, mới mong ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh và giữ được chủ quyền biển đảo không để bị mất thêm hay tránh bị quấy nhiễu hăm dọa như trường hợp ở bãi Tư Chính.

Một thỏa thuận quốc phòng với Liên Hiệp Châu Âu sẽ giúp Việt Nam thêm bạn bớt thù, vì thỏa thuận cho phép EU giúp đỡ các quốc gia nhỏ bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng, cũng như "giữ gìn trật tự đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế" như tuyên bố của bà Federica Mogherini tại Hà Nội.

Ký được một thỏa thuận quốc phòng với EU dù thế nào vẫn là thắng lợi về mặt ngoại giao của Hà Nội, trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông như hiện nay.

Sự quan tâm của Liên Hiệp Châu Âu đến an ninh của khu vực Đông Nam Á cho thấy các cường quốc đang chia sẻ những lo ngại để bảo vệ tài sản chung của quốc tế và để ngăn chặn tham vọng bá chủ trên biển của Trung Quốc. Theo chuyên gia Heydarian, được trích dẫn ở trên, "Châu Âu sẽ phải trở thành nhân tố quan trọng hơn trong những hành động tập thể nhằm duy trì trật tự trên cơ sở luật pháp tại Châu Á".

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 09/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 733 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)