Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2019

Tại sao kinh tế thị trường cứ phải định hướng xã hội chủ nghĩa ?

JB Nguyễn Hữu Vinh

Sở dĩ đảng không thể buông tha cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" đó chỉ đơn giản là vì nếu có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người dân có quyền làm giàu và có quyền bảo vệ thành quả lao động của chính mình, tài sản đất đai và những giá trị họ tạo ra được pháp luật và xã hội bảo vệ.

kinhte0

Nếu có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người dân có quyền làm giàu và có quyền bảo vệ thành quả lao động của chính mình - Thực tế đời sống khó khăn của người dân khó có thể làm giàu như mong muốn - Ảnh minh họa 

Trong tất cả văn bản của Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra và sau đó, cái gọi là "Quốc hội" thực thi việc dán nhãn thành những cái gọi là Hiến pháp, Pháp luật… của Việt Nam đều khẳng định rằng Việt Nam là "Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". 

Thế nhưng, nhà nước Việt Nam luôn đề nghị, van xin trước cộng đồng quốc tế và các nước văn minh, dân chủ công nhận nền kinh tế Việt Nam là "Nền Kinh tế thị trường". 

Ngày 13/11/2011, khi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường. Đến đầu tháng 9/2017, Trưởng ban Đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân sang thăm Hoa Kỳ, và đề nghị Washington công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường là gì ? Thì cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam, nơi đã đề ra cái mô hình này vẫn không thể hình dung ra được nó đầu đuôi nó ra sao. 

Tờ Thời báo Sài Gòn ngày 3/5/2014 viết : Nhiều người hỏi Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đáp : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm".

Đến một bộ trưởng của một Bộ đề ra kế hoạch, đầu tư, nghĩa là nắm đống tiền tiêu cho những việc hoạch định nền kinh tế, đầu tư cho tương lai mà cũng không biết được cái mình định làm, cái đang đi đến là cái gì.

Không chỉ có thế, ngay cả Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh khi được hỏi về xã hội chủ nghĩa là gì thì vẫn cứ ấm ớ ngắc ngứ trả lời huề vốn rằng : "Dần dần sẽ được làm sáng tỏ mô hình chủ nghĩa xã hội là gì". Còn Nguyễn Phú Trọng, đương kim Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nói rằng : "Cho đến cuối thế kỷ này, cũng chưa có thể có mô hình của chủ nghĩa xã hội".

Nghĩa là cũng như cái "lý tưởng cộng sản, mô hình xã hội chủ nghĩa" mà Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa cả đất nước, dân tộc này đi theo đến gần hết một thế kỷ mà vẫn chưa định hình nó là cái gì. Nó to nhỏ, lớn bé, méo tròn, xanh trắng đỏ đen ra sao. Cái mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cũng chỉ là một thứ sản phẩm của những bộ óc hoang tưởng mà không có thực tế.

Điều oái oăm và đau khổ nhất cho đất nước và dân tộc này, là cả dân tộc với cả trăm triệu người vẫn bị đám người mù lòa với thứ lý thuyết hoang tưởng dẫn đi trên một con đường vô định với chiếc bánh vẽ khổng lồ treo phía trước và càng ngày càng thấy nó tả tơi xa vời với thực tế.

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích rất rõ rằng : Nền kinh tế thị trường và kinh tế xã hội chủ nghĩa là hai lĩnh vực như nước với lửa. Nghĩa là không thể và không bao giờ có thể đi với nhau chứ chưa nói rằng nó hòa vào nhau làm một. 

Thực chất, ai cũng hiểu rằng, cái sản phẩm được đưa ra rao bán mang cái tên "kinh tế thị trưởng theo định hướng xã hội chủ nghĩa" đó chỉ là sản phẩm nhập khẩu, của Đảng cộng sản Việt Nam sao chép từ đàn anh quan thầy Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong đó các mô hình kinh tế tập thể, nhà nước, tư nhân cùng tồn tại, và khu vực nhà nước đóng vai trò chủ đạo. 

Và sau khi nhập khẩu về Việt Nam để thực hiện, thì hậu quả nhãn tiền là nền kinh tế khu vực nhà nước được thực hiện bằng các tập đoàn kinh tế nhà nước được gọi là các "quả đấm thép của nhà nước" đã liên tục thoi những quả thôi sơn vào mặt người dân và đánh gục nền kinh tế Việt Nam. 

Các tập đoàn kinh tế nhà nước thi nhau báo lỗ, mà con số lỗ không phải là tiền trăm, tiền triệu, không chỉ là tiền tỷ mà là ngàn tỷ, chục ngàn tỷ… Những con số mà chỉ nghe qua, người ta cảm giác như Đảng cộng sản Việt Nam đang thi nhau đốt tiền dân như giấy lộn hoặc lá rừng.

Đến nay, người ta đã tổng kết rằng : Cả đất nước với gần trăm triệu dân, làm cả năm cũng không đủ để cho những tập đoàn nhà nước, những "quả đấm thép" này trả nợ bù lỗ.

Điều người ta đặt ra là : Tại sao sau bao năm thực hiện cái gọi là "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà hậu quả của nó thì đã rõ, tác hại của nó là khôn lường và nguy cơ của đất nước do nó sinh ra là hết sức tai hại mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn quyết không buông ra khỏi đời sống xã hội ?

Câu hỏi có vẻ khó về lý luận, nhưng rất dễ trả lời bằng thực tế cuộc sống.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Còn kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế tập trung và nhất nhất theo những kế hoạch, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam để có một nền kinh tế theo chế độ công hữu. Ở đó phủ nhận vai trò của tư hữu, nền sản xuất tư nhân và thực hiện trao đổi hàng hóa theo cách "Mua như cướp, bán như cho". Hẳn nhiên đối tượng bán là dân và được ưu tiên mua, vẫn là đảng. 

Cũng chính vì cơ sở của nó là chế độ công hữu, phủ nhận tư hữu nên bất cứ lúc nào, đảng và nhà nước cũng có thể sử dụng bất cứ biện pháp nào đó từ "Cải cách", "Cải tạo" "Quốc hữu hóa"… nhằm chiếm đoạt tài sản của tư nhân, của xã hội về tay đảng.

Đất đai là tài sản từ ngàn đời của người dân khai khẩn, gây dựng và chiếm hữu. Nhưng để cướp đoạt đất đai của họ, nhà nước xã hội chủ nghĩa đã ngang nhiên tự giao cho mình quyền định đoạt các tài sản đó theo ý mình. Có như vậy thì những nguồn lực, tài nguyên và thành quả của người dân mới vào tay đảng.

Nguyễn Phú Trọng đã từng tuyên bố rằng : "Nhất định không để các nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người dân khi thu hồi đất đai" – nghĩa là đất đai của người dân, nhà đầu tư muốn có đất đai của họ đều phải qua tay Đảng. Đảng sẽ dùng súng đạn, quân đội, công an và đủ loại thiết bị ngang nhiên đến trấn cướp và giao cho nhà đầu tư. 

Thời gian gần đây, ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều các "đại gia" giàu có nhanh chóng không ngờ, thậm chí bước vào hàng tỷ phú thế giới được đảng ca ngợi tận mây xanh. Đó là những Nguyễn Đức Kiên, Trầm Bê, Hà Văn Thắm, Đoàn Văn An, Vũ "nhôm", Trần Bắc Hà… và gần đây như Đại gia Điếu Cày Nguyễn Thanh Thản đang được nhắm đến. Bỗng nhiên một ngày được đảng dòm tới, và sau đó là con đường dẫn đến tan cơ bại sản, và nhà tù, cái chết là đích cuối cùng họ phải đến. 

Các đại gia làm ăn bằng nhiều cách, trong đó không loại trừ những cách ám muội như hùa với phe nhóm trong đảng, trong chính quyền để cướp đất đai, tài sản của người dân để giàu có nhanh chóng. Nhưng đến một lúc nào đó, khi đảng thấy đã đủ béo, thì hẳn nhiên là được đưa vào tù. Và tất cả tài sản lại được đảng đem ra chia chác, thâu tóm.

Đó là cách thể hiện cái "Định hướng xã hội chủ nghĩa" trong đất nước.

Có thể rất nhiều lý luận khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là mục đích để Đảng cộng sản có thể chiếm đoạt tài sản và công sức của người dân, của đất nước bất cứ lúc nào. Sự chiếm đoạt này dựa trên sức mạnh của nòng súng và được thực hiện bởi những cuộc cướp đoạt tập thể với công cụ là nhà tù và bạo lực.

Sở dĩ đảng không thể buông tha cái "Định hướng xã hội chủ nghĩa" đó chỉ đơn giản là vì nếu có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, người dân có quyền làm giàu và có quyền bảo vệ thành quả lao động của chính mình, tài sản đất đai và những giá trị họ tạo ra được pháp luật và xã hội bảo vệ. 

Và nếu vậy, thì đảng lấy đâu ra sức mạnh, lấy đâu ra nguồn sống để tồn tại như những cục u bướu đang di căn trên cơ thể đất nước ?

Ngày 6/8/2019

JB Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 07/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)