Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2019

Phải làm gì khi tàu Hải Dương 8 quay trở lại

Nhiều tác giả

Hiệp Hai ở Bãi Tư Chính bắt đầu : Tàu Hải Dương 8 quay trở lại !

Phương Thảo, VNTB, 14/08/2019

Theo Reutersđưa tin, ngày 13 tháng 8 tàu khảo sát của Trung Quốc đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông hôm thứ ba chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính. 

hiep1

Vị trí 2 tàu Hải cảnh hộ tống tàu Hải Dương 8  (màu đỏ) ngày 13/08/2019n - Hình trendsmap.

Lần xâm nhập này, tàu Hải Dương 8 (HD8) được ít nhất hai tàu hải cảnh hộ tống. Các tàu hộ tống có trọng tải 2.700 tấn hoặc 4.000 tấn trở lên và đều có trang bị súng đại bác 76mm. 

Trên Twitter của Ryan Martinson cũng đưa thêm thông tin về các tàu hải cảnh tối tân nhất của Trung Quốc đang hướng về phía vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và cho biết thêm rằng hai tàu này chưa bao giờ đi vào vùng Biển Đông từ trước cho tới giờ.

Lực lượng hải cảnh của hai bên đã canh nhau từng bước trong hơn một tháng đối đầu ở các lô Riji 03 và Riji 27 kể từ ngày 3 tháng 7 cho đến ngày 7 tháng 8 năm 2019. Tàu HD8 khi đó đã rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đi đến đảo Chữ thập. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê thị Thu Hằng khi đó cho biết nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc đã rút lui vào chiều thứ Năm ( 07/08/2019) ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo công ước của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 sau khi ngưng các hoạt động thăm dò địa chấn.

Trước sự rút lui này của tàu HD8, Greg Poling, thuộc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải có trụ sở ở Washington đã đặt câu hỏi ngày 8 tháng 8 rằng liệu tàu HD8 đã rời đi thật hay chỉ là tạm dừng để tiếp thêm nguyên liệu. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cũng đặt cùng câu hỏi này khi nhận xét tàu HD8 chỉ rút về đảo Chữ Thập nằm trong vùng tranh chấp và dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc. 

Collin Koh, một chuyên gia nghiên cứu Chương trình An Ninh Hàng Hải ở Singapore nghi ngờ khả năng rút lui hẳn của tàu thăm dò HD8 khi nó không quay trở về đất liền hoặc đi xa hơn Đảo Chữ Thập. Cộng với việc tàu thăm dò tuy đã rút đi, nhưng vẫn còn ít nhất hai tàu hộ tống ở lại trong khu vực quanh Bãi Tư Chính, Collin Kok đưa ra khả năng tàu này rút về đảo Chữ Thập để tiếp thêm nguyên vật liệu rồi sẽ quay trở lại và gây ra căng thẳng mới trên Biển Đông.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã không trả lời các câu hỏi của Reuters về diễn biến mới trên Biển Đông. 

Tuy nhiên việc quay trở lại lần này của tàu HD8 cho thấy nỗ lực ngoại giao của Việt Nam không đem lại kết quả bền vững nào. 

Liệu Việt Nam có dám kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài như Philippines đã làm vào năm 2016 ? Chuyên gia về Việt Nam, ông Carlyle Thayer nhận định Việt Nam có khả năng thắng kiện khi yêu cầu tòa trọng tài xác định quyền lợi của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và phán xét liệu Trung Quốc có xâm phạm trái phép khu vực này hay không. 

Ông Thayer nhận định rằng Trung Quốc lại có thể trơ tráo từ chối tuân thủ phán quyết hoặc có các hành động trừng phạt Việt Nam tuy nhiên Việt nam có cơ hội được cộng đồng quốc tế ủng hộ thông qua liên minh do Mỹ dẫn đầu bao gòmm các quốc gia như Úc, Canada, EU, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Vương Quốc Anh. 

Thế nhưng, lựa chọn cuối cùng vẫn là của Hà Nội, và không một ai đoan chắc được rằng Hà Nội sẽ dám quay lưng lại với người anh em đồng ý thức hệ và ngả vào vòng tay của phương Tây để có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 14/08/2019

********************

Biển Đông : Trung Quốc tăng cường Hải cảnh xuống Bãi Tư Chính ?

Trọng Nghĩa, RFI, 14/08/2019

Bên cạnh thông tin được Reuters tiết lộ đầu tiên ngày 13/08/2019 cho biết là tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã trở lại khu vực Bãi Tư Chính, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Trường Sa, các mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, theo dõi vụ việc đã cho biết thêm nhiều chi tiết, đặc biệt là dấu hiệu Bắc Kinh điều tàu hải cảnh từ Biển Hoa Đông xuống khu vực này.

hiep2

Ảnh chụp từ trang Twitter của Giáo sư Ryan Martinson.@twitter>

Trong một tin nhắn Twitter phát đi vào khoảng 5 giờ chiều, giờ Washington vào hôm qua, giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ, ghi nhận : "Giai đoạn 2 cuộc đọ sức Việt-Trung đã bắt đầu".

Giáo sư Martinson đã dẫn lại một tin nhắn Twitter của trang South China Sea News (Tin tức Biển Đông) với sơ đồ vị trí tàu thuyền trong khu vực, cho thấy là cùng với chiếc Hải Dương Địa Chất 8, một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 45111 đã túc trực gần lô khai thác 06.01 của Việt Nam, thay thế cho chiếc 35111.

Trong một tin nhắn tiếp theo khoảng một tiếng đồng hồ sau, giáo sư Martinson nêu bật sự kiện là hai chiếc tàu hải cảnh thuộc loại tiên tiến nhất của Trung Quốc đang trực chỉ hướng Bãi Tư Chính. Đó là hai chiếc 31302 và 33111. Theo ông Martinson : "Tàu 31302 thuộc lớp Zhaoduan (nặng hơn 4.000 tấn). Còn tàu 33111 thuộc lớp Zhaojun (nặng khoảng 2.700 tấn). Cả hai đều được trang bị pháo 76 mm"

Chuyên gia Mỹ này ghi nhận là hai chiếc tàu đó đều đặt căn cứ tại vùng Biển Hoa Đông, và ít ra là trong năm ngoái 2018, chưa hề hoạt động tại Biển Đông.

Chi tiết này phải chăng cho thấy là Trung Quốc đang tăng cường lực lượng tàu hải cảnh xuống khu vực Bãi Tư Chính để sẵn sàng đối phó với cảnh sát biển Việt Nam ?

Dẫu sao thì một thông tin được giáo sư Martinson loan báo vào 3 giờ sáng nay 14/08/2019, cho biết là ảnh vệ tinh đã xác nhận là chiếc Hải Cảnh 31302 đã đến Trường Sa, và neo đậu ở Đá Chữ Thập, gần khu vực Bãi Tư Chính.

Trọng Nghĩa

******************

Hải Dương 8 phải rút do sức ép của USS Ronald Reagan ?

Thường Sơn, VNTB, 14/08/2019

Không còn nhiều bài báo ‘tự sướng’ cho rằng nhờ công tác đấu tranh quốc tế đầy khôn khéo và sáng tạo của đảng và nhà nước ta nên đã đẩy đuổi được tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc khỏi Bãi Tư Chính.

hiep3

Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Thay vào đó là một bầu không khí trĩu nặng và lo âu chờ đợi một biến cố tiếp theo, rất có thể sẽ xảy ra.

Hoặc tàu Hải Dương 8, sau ít ngày ‘đi chơi’, sẽ quay trở lại Bãi Tư Chính. Hoặc thay thế cho tàu này là một tai họa lớn hơn nhiều : có thể là một giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc - Hải Dương 981 hoặc Đông Phương.

Vậy Việt Nam sẽ phải đối phó ra sao ?

Trong suốt thời gian tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 ngự trị ở Bãi Tư Chính, lực lượng hải quân Việt Nam đã chẳng thể làm gì, thậm chí còn chẳng dám nói gì trước một kẻ cướp táo tợn lao vào nhà mình.

"Thế 6 cái tàu ngầm lớp Kilo mà Bộ Quốc phòng Việt Nam mua của Nga đi đâu mất mà không ra Bãi Tư Chính ứng chiến với tàu địch ?" - một số người dân cắc cớ hỏi.

Trong lúc viên tướng có tới bốn sao trên cầu vai là Ngô Xuân Lịch vẫn im như thóc, một số người dân khác lại hỏi dồn : "Đừng có nói là mấy cái tàu ngầm lớp Kilo còn phải tác chiến ở Hà Nội, Sài Gòn, Phú Quốc, Đà Lạt… - những nơi đang ngập lụt đến lút đầu !".

Chẳng khác gì Bộ Quốc phòng, cả chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc và quốc hội của ‘tỷ phú áo dài’ Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không thốt nổi từ nào để phản đối Trung Quốc - một hiện tượng rất đồng điệu với tinh thần câm nín triệt để vào năm 2014 khi nổ ra vụ Hải Dương 981.

Vào năm 2019, không phải ‘nghị gật’ Việt Nam mà chính là một số nghị sĩ Mỹ tiếp tục chỉ trích và tố cáo Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS 1982).

Quả báo nhãn tiền rốt cuộc đã chính danh đến mức trong cả ba vụ Bãi Tư Chính vào các năm 2017, 2018 và 2019, hầu hết các ‘đối tác chiến lược’ - mà giới chóp bu Việt Nam thường tự hào lên đến cả tá - đã chẳng đếm xỉa gì đến cử chỉ cầu cứu của Hà Nội. Cay đắng nhất là ‘đối tác chiến lược’ Tây Ban Nha - nước có Tập đoàn dầu khí Repsol liên doanh với Việt Nam ở mỏ cá Rồng Đỏ, và Cộng hòa liên bang Nga - quốc gia có Tập đoàn dầu khí Rosneft liên doanh với Việt Nam khai thác mỏ Lan Đỏ, đều lặng tăm. Trái ngược hoàn toàn, ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất Trung Quốc’ - như cái cách ca tụng tận mây xanh của Bộ Chính trị Việt Nam - lại trở thành con cá mập hung dữ muốn nuốt trọn Bãi Tư Chính và Biển Đông.

Rốt cuộc, tính ‘chính danh’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam đã được tôn vinh trọn vẹn đến mức nếu không phải là hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ tiến thẳng vào Biển Đông vào ngày 6/8 thì còn lâu, chứ không phải chỉ một ngày sau đó - 7/8, Trung Quốc mới chịu rút tàu Hải Dương 8 ra khỏi Bãi Tư Chính.

Bởi chẳng có một lý do đủ thuyết phục nào thuộc về phía chủ quan của chính thể Việt Nam mà có thể đẩy đuổi được tàu Hải Dương 8, nguyên do còn lại chỉ là từ hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

hiep4

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

Điều đó cũng có nghĩa là vụ Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 gây khủng hoảng ở Bãi Tư Chính không chỉ nhằm mục đích muốn chia bôi dầu khí và răn đe chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, mà còn là một phép thử xem phản ứng của Hoa Kỳ ra sao trong việc có hỗ trợ Việt Nam hay không, và nếu hỗ trợ thì sẽ đến mức độ nào.

Và phép thử đó đã cho ra kết quả ban đầu : ngay khi USS Ronald Reagan tiến vào vùng biển của Philippines mà chưa cần thực sự tiến hành nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, Hải Dương 8 đã ‘biến’ khỏi Bãi Tư Chính. 

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 14/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)