Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2019

Hà Nội cần cứng rắn thực tế trước ‘lát cắt salami’ của Bắc Kinh ?

Nguyễn Hiền

Trong một cập nhật vào ngày 9/9/2019, Twitter Martinson cho thấy mô hình di chuyển của tài khảo sát Hải Dương 8 (Trung Quốc), theo đó, ngày càng tiến sát vào vùng biển Phan Thiết. Chính xác, chiến thuật ‘tằm ăn dâu’ (lát cắt salami) đang được nhà cầm quyền Bắc Kinh tiến hành một cách ngang nhiên và trắng trợn trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

cung0

Khu vực Bãi Tư Chính (khoanh tròn màu đỏ). Hình : Wikimedia Commons

Việt Nam đang đối diện trước những bất lợi mang tính thường trực từ Biển Đông. Một là Trung Quốc vẫn tăng cường tiếp diễn các hành động phi pháp đến mức báo Tuổi Trẻ ngày 10/9 gọi đó là ‘sự bình thường mới’ của Bắc Kinh. Thứ hai, những hệ lụy về chủ quyền biển đảo kéo theo những áp lực về mặt kinh tế, khi mới đây, một thông tin chưa được chính quyền Việt Nam xác nhận cho biết, Exxon Mobil rút khỏi mỏ khí đốt Cá Voi xanh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trong một thông tin đăng vào lúc chiều muộn ngày 9/9/2019 trên Zing cho biết, Phó bí thư Đảng ủy PVN Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh, Lô B vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước.

‘Các dự án như Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách’, Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy PVN.

‘Vướng cơ chế không hiệu quả’ được đặt ra trong bối cảnh thông tin Trung Quốc tăng cường gây sức ép đến mức, buộc các tập đoàn dầu khí nước ngoài ngưng hợp tác trong khai thác mỏ năng lượng trên vùng Biển Đông, thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Việt Nam đang cạn kiệt sự lựa chọn, chính sách không lựa chọn đồng minh đang gây khó dễ cho đối sách của nhà cầm quyền. Nhưng dường như, đã có những dấu hiệu cho thấy, Hà Nội đang hướng đến một lựa chọn tất yếu hơn, nghiêng về phía Mỹ.

VOA ngày 9/9 dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ cho biết, Hà Nội đã ‘cung cấp tàu chiến’ cho cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN. Chuẩn đô đốc Murray Joe Tynch, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương khẳng định, giữa Việt – Mỹ đang có ‘kế hoạch lớn trên biển để cùng nhau làm việc về an ninh hàng hải, nhận thức chung’.

Báo Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong một bài báo sáng ngày 10/9 cũng dẫn lại quan điểm của ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (Mỹ). Theo đó, ‘Washington muốn cho các nước thấy họ nghiêm túc với những cam kết đảm bảo tự do hàng hải, họ sẽ cần tiến hành ngay một chiến lược ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ cùng với các nước đối tác khác’.

Có vẻ như, Việt Nam cũng đang chờ đợi một sự nghiêm túc thực tiễn của Mỹ trong vấn đề tự do hàng hải, và Hà Nội sẵn sàng hơn cho sự nghiêm túc đó. Vận động hành lang cho chuyến thăm Mỹ vào tháng 10 sắp tới của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý nghĩa về mặt tìm kiếm niềm tin bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải quốc gia, mà cả đối với ngân sách quốc gia, trong bối cảnh, khai thác năng lượng ở Biển Đông vẫn là nguồn thu đáng kể trong ngân sách nhà nước.

Vấn đề giữa Mỹ - Việt không còn là hệ thống chính trị, mà đó là niềm tin thực tế dựa trên xu hướng thực tâm trong quan hệ chính trị. Việt Nam có thể cùng ‘chí hướng’ trong an ninh hàng hải với các quốc gia dân chủ, thậm chí nằm trong Đối thoại an ninh tứ giác (Qua, Mỹ, Ấn Độ, và Nhật Bản) nếu như xác định chắc chắn hơn về một liên minh có thật, trong bảo đảm tự do an ninh hàng hải. Đồng nghĩa, Hà Nội có thể ‘bỏ mặt’ sự giận dữ của Bắc Kinh, trong tiến hành cuộc tập trận với Mỹ.

Hà Nội cũng có thể hướng tới Ấn Độ, quốc gia có chiến lược ‘Hành động hướng Đông’ (Act East East), vốn được thiết kế để làm sâu sắc thêm mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa nước này với các quốc gia ASEAN. Và điều này càng trở nên rõ ràng hơn, khi mới đây, một quan chức của ONGC Videsh (Ấn Độ), chia sẻ với Press Trust [1], rằng tập đoàn dầu khí đã gia hạn giấy phép để thăm dò khối dầu của Việt Nam ở vùng Biển Đông trong 2 năm sắp tới (2021). Và giấy phép này sớm được Hà Nội chấp thuận, bởi ‘trong khi Ấn Độ muốn duy trì mối quan tâm chiến lược ở Biển Đông, thì Việt Nam muốn một công ty Ấn Độ chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển bị tranh chấp’.

Hà Nội cần rõ ràng, mạnh dạn và kiên quyết lựa chọn một ưu tiên quan hệ mà Mỹ và Ấn Độ đang đặt ra. Để trở thành trung tâm và điển hình hóa của sự phản hồi trước những nỗ lực của Washington và New Delhi trong đảm bảo hòa bình và củng cố sự thịnh vượng’ Thái Bình Dương, trực tiếp qua con đường tự do hàng hải Biển Đông, gián tiếp thông qua phản ứng cứng rắn đến mức đối đầu với chiến lược gia tăng không ngừng của Trung Quốc trong khu vực. Bởi nếu không, Hà Nội sẽ mất mát nhiều thứ, từ chủ quyền cho đến nguồn thu ngân sách, và trên cả là niềm tin của người dân đến với đối sách trong bảo vệ lãnh hải quốc gia.

Tập Cận Bình từng lên tiếng cảnh báo quân đội nước này về ‘căn bệnh hòa bình’, ám chỉ lực lượng vũ trang nước này chưa từng thực chiến trong nhiều thập kỷ, kể từ năm 1979. Và theo Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của tập đoàn RAND, lập luận rằng nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, thì lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam [2].

Từ bỏ chính sách ba không, thiết lập đồng minh với Mỹ và Ấn Độ là điều cần thiết trong hoàn cảnh lúc này. Tiếp tục một mối quan hệ bị bỏ lỡ gần 1 thế kỷ qua [3].

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 12/09/2019

Tham khảo :

[1] https://www.hindustantimes.com/business-news/ovl-seeks-2-yr-extension-for-exploring-vietnamese-oil-block-in-south-china-sea/story-JrzUhxkfbKEyEeV4hlk5eP.html

[2] https://www.asiatimes.com/2019/09/article/why-china-is-picking-a-fight-with-vietnam/

[3] Vào năm 1945, ‘Hồ Chí Minh là một người cộng sản nhưng ông và Hoa Kỳ lúc đó (1945) là đồng minh, không phải là kẻ thù như hôm nay’

Quay lại trang chủ
Read 501 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)