Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/09/2019

Tập trung quyền lực Trung Quốc là bài học cho Việt Nam ?

An Viên

Có phải câu chuyện tập trung quyền lực Trung Quốc là bài học cho Việt Nam ?

Đến nay, chính trường Việt Nam đặt ra một câu hỏi mang tính thực tiễn đối với chính Đảng cộng sản Việt Nam và bản thân nền xã hội : tập trung quyền lực cá nhân là lâu dài hay ngắn hạn ?

npt1

Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng tình đồng chí giữa hai Đảng cộng sản - Ảnh minh họa

Khi là lâu dài, thì hệ quả sẽ như thế nào ? Và nếu ngắn hạn thì tương lai chính trị Việt Nam có thể diễn biến ra sao ? Vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thế nào ?

Câu hỏi trên sẽ giải quyết luôn câu hỏi về việc, có hai không việc tách hai chức danh (Chủ tịch nước, Tổng bí thư) sau kỳ Đại hội Đảng vào năm 2021 ?

Trong câu chuyện của CNBC vào ngày 28/9 bàn về quyền lực của Tập Cận Bình đã diễn đạt rằng : Trung Quốc đạt những cơ hội và thách thức thông qua tập trung quyền lực tối đa vào tay một người.

Vào tháng 3/2018, Hiến pháp Trung Quốc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho Chủ tịch nước, và kết quả, Tập Cận Bình có thể nắm giữa ba vai trò quan trọng ở đất nước này, ít nhất cho đến năm 2027, bao gồm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc, và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giải phóng Quân Trung Quốc.

Tập Cận Bình về mặt lý thuyết lẫn thực tế đã trở thành một ông vua, ngồi cạnh Mao Chủ tịch.

Điều tích cực mà tập trung quyền lực mang lại cho Tập Cận Bình là chiến dịch chống tham nhũng đã tăng tốc và thu được những thăng lợi đáng kể. 1,5 triệu quan chức Trung Quốc bị trừng phạt.

Vào ngày 1/10 tới, Trung Quốc sẽ có quyền tự hào về thành quả chấn chỉnh Đảng dưới bàn tay quyền lực của ‘Tập Cận Bình vĩ đại’, và các biểu ngữ lẫn chương trình kỷ niệm 70 năm ra đời của nhà nước Cộng sản Trung Quốc được CNBC diễn giải là, ‘vừa vừa thể hiện sức mạnh quốc gia vừa là phương tiện để nhấn mạnh sự lãnh đạo cá nhân vô song, quyết đoán của Tập’.

Trong ngày diễn ra kỷ niệm thành lập nước, các nhân vật nhạy cảm bị gác cửa hoặc dẫn đi nơi khác ; máy bay, bóng bay, chim bay sẽ ‘tạm dừng hoạt động’. Và một số thành phố của Trung Quốc đang cấm các quan chức tiêu thụ rượu trong thời gian diễn ra cuộc diễu bình.

Tuy nhiên, Trung Quốc dưới bàn tay của ‘Tập đại đế’ lại đối mặt với những vấn đề khó khăn : già hóa dân số, nền kinh tế chậm lại, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông tiếp tục, Mỹ tăng cường hỗ trợ cho chủ quyền của Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2020 và sự thiếu hiệu quả không thể tránh khỏi trong kiểm soát của đảng.

Tập quyền lực, nhưng lại trở thành người dễ bị tổn thương, khi những vấn đề không thể lường trước được đang ập tới Trung Quốc.

Elizabeth cho CNBC biết : sự kiểm soát đảng quá nhiều với bàn tay quyền lực của Tập đã góp phần trì trệ kinh tế Trung Quốc. Hay củng cố kiểm soát nhà nước trong nền kinh tế khiến khu vực kinh tế tư nhân trở nên kém năng động hơn, làm gia tăng các mối nghi ngờ ở khối doanh nghiệp FDI, khi mà sự thâm nhập sâu rộng của đảng vào hoạt động kinh doanh của Trung Quốc đã khiến cho tất cả các công ty Trung Quốc trở thành vũ khí mở rộng của Đảng Cộng sản.

Đó là câu chuyện của Trung Quốc, còn Việt Nam thì sao ?

Mới đây, The Diplomat đăng tải một nhận định của David Hutt về sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bài viết mô tả vai trò đáng kinh ngạc của sức khỏe nhà lãnh đạo này, trong hoạt động nâng cấp quan hệ với Mỹ, và trong giữ trật tự nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam không rơi vào tình trạng bất ổn định.

Cũng giống như Tập, ông Trọng nhận trong tay ‘quyền lực tối đa’ với ba chức vụ tương đương, và hàng loạt quan chức cao cấp phải hầu tòa và vào tù vì những hành vi tham nhũng trước đó. Ông Trọng cũng tăng cường vai trò đảng trong nền kinh tế, bao gồm khuyến khích thành lập chi bộ đảng trong các cơ sở kinh tế tư nhân.

Điểm khác, có vẻ như là cách nhìn của ông Trọng đối với nền kinh tế tư nhân, khi vào tháng 5, trong phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 10 (khóa XII), ông đã tuyên bố, 'đừng kỳ thị kinh tế tư nhân, và nơi nào làm tốt thì phải phong danh hiệu anh hùng.' Và thời kỳ hiện nay, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt so với thời kỳ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Chiến lược ôm ấp ‘kinh tế tư nhân’ được hiểu như sắp xếp lại vai trò trọng yếu của các thành phần kinh tế theo thời cuộc, và đảm bảo một nền kinh tế hiệu quả, nhằm nạp thêm ngân khố trong tình trạng kiệt quỹ sau năm 2016.

Việt Nam cũng không có vấn đề mà Trung Quốc gặp phải, thậm chí thương chiến Trung – Mỹ còn góp phần đẩy khối doanh nghiệp FDI sang Việt Nam. Đối với các cảnh báo của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam linh động giải quyết bằng 5 tỷ USD để mua hàng hóa của Mỹ nhằm xóa gánh nặng thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia.

Thế nhưng, dưới bàn tay chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là sự cân đối hài hòa các lợi ích trong tổng thể nhóm người cầm quyền, và việc tranh giành quyền lực không diễn ra. Tuy nhiên, đúng như David Hutt nhận định, sức khỏe yếu đi của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ khiến chính trị Việt Nam mất tính ổn định lẫn cơ hội cho quốc gia.

Một là, nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt thiếu vắng người đứng đầu. Và hai là, phát sinh nhu cầu chiếm giữ quyền Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư trong nhóm nhân vật chính trị hàng đầu của Việt Nam, vì ai cũng thể hiện nhu cầu được ‘thăng cấp’ trong chính trị.

Nền chính trị Việt Nam ổn định ở quyền lực cá nhân tuyệt đối sẽ trở nên tổn thương bởi sức khỏe của người nắm quyền lực đó.

Bản thân một nền chính trị từ chối ‘cá nhân hóa quyền lực’ cũng sẽ lúng túng trước câu chuyện liên quan đến tách hay vẫn giữ kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư ? Bởi lẽ, sự kiêm nhiệm đem lại quyền lực theo quy trình để giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến tham nhũng, nhưng kéo đi lâu dài là điều mà bản thân các chính trị gia nằm trong Bộ chính trị khó chấp nhận được. Một ‘lãnh tụ Hồ Chí Minh’, hay ‘nhà lãnh đạo Lê Duẩn’ dường như là quá đủ, đặc biệt ông Lê Duẩn và quyền lực tối đa nắm trong tay với những hệ lụy kinh tế là một bài học không nhỏ đối với Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong ngắn hạn, nền chính trị Việt Nam vẫn bất ổn trong màng phủ ổn định, và ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải ‘gồng gánh’ và kéo dài sức khỏe ‘ổn định’ cho đến khi Đại hội sắp tới (2021) diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng thời từ đây đến khi Đại hội diễn ra, ông Nguyễn Phú Trọng phải quyết định chính chức danh kiêm nhiệm, hoặc tách ra để cuộc chiến chống tham nhũng giảm bớt sức răn đe, hoặc tiếp tục nhập vào và kỳ vọng một nhà lãnh đạo kế nhiệm ‘tài và đức’. Nhưng ở vế hai, để tìm ra một người ‘tài đức’ trong hệ thống bầu bán theo mô hình ủy nhiệm trong đảng (thay vì trong dân), thì rất khó để tìm ra một người có tầm nhìn và định hướng như thế.

Việc duy trì thành tựu chống tham nhũng nếu tách lại hai chức danh như cũ, nếu dựa trên Bộ quy tắc mới được cung bố gần đây (Quy định 2015/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền), thì tính răn đe có giới hạn, bởi từng có nhiều bộ quy tắc được ban ra bởi Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, nhưng hầu hết, bằng cách này hay cách khác, trở nên vô hiệu với đội ngũ cán bộ sơ-trung-và cao cấp.

Hệ thống quyền lực độc tôn đưa đến suy thoái độc tôn.

Trong khi đó, những thụ hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, nguồn dân số ‘vàng’… có thể dễ dàng bị đánh mất nếu như chính trị Việt Nam không nhạy bén theo thời cuộc.

An Viên

Nguồn : VNTB, 30/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 657 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)