Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/10/2019

Trần Quốc Vượng đi Séc để làm gì ?

Thường Sơn

Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - vừa có một chuyến công du khá lặng lẽ và chứa đựng một hàm ý nào đó đến Cộng hòa Czech từ ngày 22 đến 24 tháng 10, được báo đảng mô tả là "theo lời mời của Phó chủ tịch Thứ nhất Hạ viện Czech, Chủ tịch Đảng Cộng sản Czech và Morava (KSCM) Vojtech Filip".

tqv1

Trần Quốc Vượng (thứ ba từ phải) tại Czech 

Tại Czech, Trần Quốc Vượng đã có những cuộc gặp với một số quan chức bậc trung cao của Czech như Phó Thủ tướng Thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Czech, đồng thời là Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) Jan Hamacek ; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Karel Havlicek, hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Czech và Morava (KSCM) "nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech thực chất, hiệu quả và sâu sắc hơn".

Tuy nhiên, đã không có tin tức nào về việc Trần Quốc Vượng tiếp xúc với cấp cao hơn cấp phó thủ tướng. Với nhân vật có quyền lực đứng thứ hai trong Đảng cộng sản Việt Nam, kết quả như vậy là hơi đáng thất vọng.

Kể từ khi Trần Quốc Vượng được Nguyễn Phú Trọng bố trí vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương và sau đó được đôn lên chức Thường trực Ban bí thư để trở thành nhân vật số 2 trong đảng, đây là một trong hiếm hoi lần ông ta xuất hiện ở nước ngoài trên danh nghĩa ‘quan hệ kênh đảng’.

Nhưng mục đích chuyến thăm Czech vào lần này của Trần Quốc Vượng là khá chung chung và trừu tượng. Phải chăng bên cạnh đó còn là một mục đích nào khác ?

Rõ ràng là việc Trần Quốc Vượng được cho ‘xuất cảnh’ phải nhận được sự chuẩn y của Nguễn Phú Trọng, hoặc do chính Trọng có chủ ý như vậy.

Chuyến ‘xuất khẩu hình ảnh’ của Trần Quốc Vượng tại Cộng hòa Czech diễn ra trong bối cảnh đảng cầm quyền ở Việt Nam đang chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 12 vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, mà nhiều khả năng sẽ chốt danh sách sơ bộ các ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Chuyến đi này cũng nằm trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đang có những dấu hiệu suy yếu sức khỏe khá rõ, không thể đi Mỹ gặp Trump và thậm chí khó lòng trụ nổi đến Đại hội 13.

Cần nhắc lại, đa phần những luồng dư luận từ "thông tin không chính thức" sát Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 10 năm 2019 đều xác nhận về vị thế ứng cử viên số một không mấy suy suyển cho ghế tổng bí thư của Trần Quốc Vượng – hiện là thường trực Ban bí thư và được xem là người được Nguyễn Phú Trọng sủng ái nhất, thậm chí còn được cho là "bản sao" của Trọng về mặt tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đường lối đu dây không mệt mỏi giữa Trung Quốc và Mỹ và tính cách thâm trầm, dạn dày kinh nghiệm cùng thủ đoạn chính trị.

("Thông tin không chính thức" là một khái niệm mới của đảng cầm quyền nhằm ám chỉ những tin tức từ nội bộ đảng tuồn ra ngoài và được đưa lên mạng xã hội, hoặc truyền khẩu để định hướng dư luận, nhưng chưa bao giờ được bất kỳ cơ quan chức năng nào của đảng hay chính quyền thừa nhận).

tqv0000

Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Phú Trọng chọn ai ?

Ngoài Trần Quốc Vượng, hai ứng cử viên tổng bí thư còn lại là Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội, và Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng chính phủ.

Từ năm 2017 đến nay, Ngân và Phúc đã dồn dập đi Châu Âu, đặc biệt là các nước Tây Âu, nhằm vận động cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA). Sau những hình ảnh về nhiều bộ áo cánh diêm dúa của Nguyễn Thị Kim Ngân được phô bày lả lướt, hay tiếng nổ vang trời của Thủ tướng Phúc ‘cho bọn phản động rã rời chân tay luôn’ ở vùng Đông Âu, cả hai nhân vật này đều thu lượm kết quả đánh bóng không quá tệ trên mặt báo đảng về ‘vận động EVFTA thắng lợi’. Mà loại thành tích như thế lại đặc biệt có ích khi cần vận động tranh cử tổng bí thư.

Trong trường hợp Nguyễn Phú Trọng ‘đứt gánh giữa đường’ và nếu Đại hội 13 xếp cả ba trường hợp Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân – dù quá tuổi quy định là 65 – vào "trường hợp đặc biệt" và do đó được "ở lại", việc phân cao thấp trong cơ chế "tam trụ" (tổng bí thư kiêm chủ tịch nước – thủ tướng – chủ tịch quốc hội) hoặc "tứ trụ" (tổng bí thư – chủ tịch nước – thủ tướng – chủ tịch quốc hội) sẽ khá phức tạp giữa những người này.

Cơ chế "tứ trụ" chỉ hình thành với điều kiện phải có thêm một nhân vật nữa trong Bộ chính trị ngoi lên. Người đó có thể là Trương Hòa Bình – hiện thời là Phó thủ tướng thường trực. Bình cũng có thể được xếp vào "trường hợp đặc biệt".

Khi đó, nếu Vượng là tổng bí thư, Ngân làm chủ tịch nước, hai cái ghế còn lại là thủ tướng và chủ tịch quốc hội sẽ do Phúc và Bình chia nhau.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 30/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 846 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)