Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/11/2019

Nguyễn Phú Trọng có trụ nổi cho tới Đại hội 13 ?

Phạm Chí Dũng

Trước tháng 9/2018, thời điểm mà Nguyễn Phú Trọng chưa trở thành "tổng tịch" với việc soán cả hai ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, kịch bản biến động trong chính giới Việt Nam đã tính tới phương án "Trọng nghỉ giữa nhiệm kỳ" mà do đó sẽ để lộ ra một khoảng trống quyền lực, để sau đó sẽ là cuộc đua tranh chủ yếu giữa ba nhân vật Trần Quốc Vượng (thường trực Ban bí thư), Trần Đại Quang (chủ tịch nước) và Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng). Trong đó, ứng cử viên số một và được Nguyễn Phú Trọng tin dùng hơn cả, kèm nhận lời ngợi khen "làm việc gì ra việc đó", vẫn là Trần Quốc Vượng.

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trong kỳ họp Quốc Hội hôm 21/10/2019. (Hình : Getty Images)

Đường một chiều mang tên Nguyễn Phú Trọng 

Nhưng cho đến giữa năm 2018, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng thực hiện "lời cam kết" tại Đại hội 12 là sẽ từ giã chính trường vào giữa nhiệm kỳ khóa 12. Sau đó ít lâu, tháng 9/2018, Trần Đại Quang thình lình đột tử. Ngay khi đó, không phải Trọng mà là Quang đã để lộ một khoảng trống quyền lực khá hấp dẫn, cho dù cương vị chủ tịch nước vẫn thường bị xem là hữu danh vô thực.

Ngã rẽ bất ngờ khi Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành "tổng tịch" vào tháng 10/2019, với độ tập trung quyền lực cao độ chưa từng có kể từ thời Lê Duẩn vào những năm 60 của thế kỷ 20, cũng tạm thời chấm dứt hy vọng ngoi lên của những quan chức cao cấp khác.

Nó cũng tạm thời chấm dứt cuộc tranh giành quyền lực cho ghế cao nhất trong đảng và đưa cuộc đua giành ghế tổng bí thư vào đường một chiều, với biển báo chỉ đường duy nhất mang tên Nguyễn Phú Trọng chứ không phải ai khác.

Hiện tượng bề mặt mô phỏng cho tình thế một chiều như thế là sau vào thời hậu Trần Đại Quang, hàng loạt quân tướng của Quang bị tróc nã, trong khi các bài viết "thông tin không chính thức" đấu đá nhau thưa hẳn trên mạng xã hội.

Cần nói thêm là, "thông tin không chính thức" là một khái niệm mới của đảng cầm quyền nhằm ám chỉ những tin tức từ nội bộ đảng tuồn ra ngoài và được đưa lên mạng xã hội, hoặc truyền khẩu để định hướng dư luận, nhưng chưa bao giờ được bất kỳ cơ quan nào của đảng hay chính quyền thừa nhận.

Nhưng bầu không khí đầy kích động của thời tiền Đại hội 12 đã trở lại với chính trường Việt Nam sau tháng 4/2019, tức sau thời điểm mà Nguyễn Phú Trọng thình lình bị một cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang "nhà Ba Dũng".

"Âm binh" nổi lên

Cơn bạo bệnh trên có vẻ cấp tính và nguy hiểm đến mức chẳng bao lâu sau đó đã xuất hiện kịch bản về chuyển giao quyền lực của Nguyễn Phú Trọng cho người khác. Rõ là khoảng trống quyền lực mà Trọng có thể phải từ bỏ là miếng bánh hấp dẫn hơn nhiều so với thời ông ta chỉ là tổng bí thư, tạo sức hút thơm ngậy và mê dại đối với các quan chức khác trong Bộ chính trị. Trong dư luận nội bộ cũng ngày càng phổ biến câu cửa miệng "lực bất tòng tâm" nhằm ám chỉ một Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ không còn với tới Đại hội 13, tuy chẳng ai dám công khai nói về tương lai "nhắm mắt xuôi tay" của ông ta.

"Âm binh" bắt đầu nổi lên ngay dưới ghế của Nguyễn Phú Trọng.

Sau lần Nguyễn Phú Trọng phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9/2019, hầu như chắc chắn vấn đề sức khỏe suy sụp đang là thách thức lớn nhất đối với ông ta, chứ không phải là cú vỗ mặt nổ đom đóm của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính.

Vào tháng 10/2019, Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên phải thú nhận ông ta "cũng đang là bệnh nhân" trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội. Sự thú nhận này cho thấy quả thật sức khỏe của Trọng đã trở nên nan giải đến mức ông ta không những không thể thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ trong năm 2019 theo kế hoạch, mà còn chưa biết sẽ "xuôi tay" vào lúc nào.

Quy luật thường thấy trong chính trường là độc tôn quyền lực cá nhân đủ lâu hoặc quá lâu sẽ càng sinh biến loạn nội bộ một khi cá nhân đó phải chấm dứt quyền lực. Trường hợp Nguyễn Phú Trọng cũng rất có thể đang và sẽ là như vậy.

Kịch bản xung đột quyền lực trong chính trường Việt Nam đang diễn tiến theo hướng mức độ xung đột quyền lực tỷ lệ nghịch với tình hình sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng. Tức nếu Trọng còn khỏe hoặc tạm thời còn nắm quyền chỉ đạo toàn diện cho dù bị hạn chế đáng kể khả năng vận động tứ chi, xung đột quyền lực dưới chân ghế của Trọng vẫn chỉ ngấm ngầm với mức độ bình thường. Nhưng nếu ngược lại, sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng xuống nhanh thì cuộc tranh giành khoảng trống quyền lực sẽ càng có khuynh hướng lộ thiên và sống mái.

Sau khi Nguyễn Phú Trọng phải thú nhận là bệnh nhân, cùng cảnh tượng Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) "vô tình" phát đi hình ảnh Trọng đi đứng loạng choạng trong cuộc tiếp những người anh em xã hội chủ nghĩa Lào, không nghi ngờ gì nữa về lời giã từ chính trường được ông ta nêu ra một cách không chính thức, tương ứng với việc Trọng không thể chạy đua đến Đại hội 13 mà sẽ "nửa đường gãy gánh".

Nhưng sự ra đi của người này lại là nỗi vui sướng và niềm hy vọng cho kẻ khác.

Cuộc chiến của những kẻ được xem là ngang cơ cũng bởi thế sẽ tưng bừng và khắp nơi sẽ "nổi lửa lên em", cho đến khi Đại hội 13 kết thúc.

Kịch bản "vua" của chính giới Việt Nam giờ đây rõ ràng đang nghiêng về khả năng "minh quân" Nguyễn Phú Trọng không còn trụ nổi cho tới Đại hội 13. Đồng thời, danh sách các ứng cử viên thay Trọng đã trở nên dài hơn, mà ngoài Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc, còn có "quân hậu" Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội.

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt đơn thư tố cáo nội bộ và bài viết đấu đá lẫn nhau tung ra như bươm bướm trên mạng xã hội trong bối cảnh trên, dày đặc hơn hẳn khi Nguyễn Phú Trọng còn chưa bị bạo bệnh. Những bài viết này cũng được xem là "thông tin không chính thức".

Cho tới nay, đã có hai con sóng "thông tin không chính thức" lan tràn trên mạng xã hội và tác động mạnh đến dư luận nội bộ lẫn dư luận xã hội : một lần trước Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019, và lần kế tiếp trước Hội nghị Trung ương 11 vào tháng 10/2019.

Thậm chí cái bóng ma quái dữ dội của trang mạng Chân Dung Quyền Lực, từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội, thu hút ghê gớm dư luận xã hội và tác động kinh khủng vào nội bộ vào khoảng thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015, đang trở lại với chính trường Việt Nam, nhưng đã biến thể sang những bút danh khác và nội dung, đối tượng công kích cũng khác.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thị Kim Ngân đột nhiên bị "đánh tơi tả" vào thời gian ngay trước Hội nghị Trung ương 11, khi nổ ra vụ báo Nam Hàn bỗng dưng có được tin tức 9 người trong đoàn quốc hội của Nguyễn Thị Kim Ngân đi Nam Hàn vào cuối năm 2018 đã bỏ trốn ở lại quốc gia này, đến nay vẫn chưa phát hiện số người đó ở đâu.

Cứ với đà này, con sóng "thông tin không chính thức" lần thứ ba sẽ trào lên vào khoảng thời gian trước Hội nghị Trung ương 12, có thể diễn ra vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, và hẳn sẽ dữ dội hơn cả hai con sóng trước đó. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 17/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Chí Dũng
Read 733 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)