Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2020

Hòa thượng Thích Quảng Độ : Con người và Chánh pháp

Nhiều tác giả

Đâu là di sản lớn nhất của Hòa thượng Thích Quảng Độ ?

BBC, 28/02/2020

Hôm 27/02/2020, nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Xuân Kiên từ London nói với một Hội luận chuyên đề đặc biệt bàn về di sản của cố Đệ ngũ Tăng thống và nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, người viên tịch ngày 22/2 tại Sài Gòn, trụ thế 93 năm :

quangdo5

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Đệ ngũ Tăng thống và nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất

"Tôi rất quan tâm đến vấn đề di sản của thầy Quảng Độ, cũng như thế hệ những Thiền sư Việt Nam ở miền Nam đã tiếp nối sự nghiệp chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930-1940 trước đây - thế hệ các nhà sư rất thông tuệ của Việt Nam, cụ thể là từ miền Trung vào miền Nam đã dẫn đến những phương hướng hoạt động rất là khởi sắc của Phật giáo Việt Nam suốt từ năm 1963.

"Đã có rất nhiều sự hiểu lầm về con đường Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, nhưng tôi nghĩ đọng lại điều lớn nhất mà các thầy suốt từ thời kỳ đấu tranh 1963 trở về sau.

"Các thầy đã để lại một ngọn đuốc lớn như thế này là hiện đại hóa Phật giáo, đưa Phật giáo vào đời sống tâm linh cao thượng cho quần chúng Việt Nam, chứ không phải là thứ Phật giáo mê tín, chú trọng đến các chuyện hoa hòe, lòe loẹt, nhưng mà thật sự không có chiều sâu tâm linh.

"Thì các thầy của thế hệ Thiền sư Việt Nam sau năm 1963 đã xây dựng được nền tảng trong sự phát triển Phật giáo rất là tốt.

"Rồi thì bị cuộc chiến làm cho trở ngại, các thầy phải nhảy vào cuộc đấu tranh cho hòa bình mà chúng ta có thể xem lại điều mà thầy Nhất Hạnh viết trong "Hoa sen trong biển lửa", để thấy sự gian khổ của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong thời chiến tranh như thế nào.

"Đến sau khi hòa bình lập lại, thì tưởng rằng có thể xây dựng lại đất nước trong hòa bình, có một đời sống tâm linh sâu sắc, thì người cộng sản đã có một hành động hơi duy ý trí, đã thúc ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất phải quy phục tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

"Thì điều đó có nhiều uẩn khúc mà sau này lịch sử sẽ phải giải mã, nhưng mà tôi muốn để ý một chuyện là nó trái ngược với tinh thần thoáng đạt, nó trái ngược với tinh thần đa nguyên của các thầy lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong hậu bán thế kỷ XX.

"Vì thế cho nên nó xảy ra những xung đột, những mâu thuẫn, mà rồi nhà nước đã dùng quyền lực toàn trị của mình đem lại cho quần chúng Việt Nam những ấn tượng rất tiêu cực về hình ảnh một số nhà lãnh đạo Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

quangdo6

Tang lễ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

"Cụ thể là những bài báo vớ vẩn, những bài báo rất hỗn láo về thầy Quảng Độ trong suốt thời gian mấy chục năm thầy tù đầy, tù tội, một cách rất là oan khốc.

"Thì mặc dù chúng ta trân trọng sự vô úy của thầy, nhưng mà chúng ta cũng thấy như Tiến sỹ, Giáo sư Thái Kim Lan nói - nó không có công bằng đối với một nhà tu chân chính như thầy Quảng Độ.

"Vì vậy tôi mới nghĩ rằng di sản của thầy Quảng Độ, cũng như thế hệ của những Thiền sư Việt Nam là làm sao chấn hưng lại được đời sống tâm linh mà người Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị phải nói là tha hóa.

"Phải chấn hưng lại đời sống tâm linh đúng theo tinh thần của Phật giáo mà các thầy muốn xiển dương.

Câu hỏi lớn và con đường sắp tới ?

Cho rằng vấn đề trên vừa là di sản, đồng thời là câu hỏi lớn cho Phật giáo Việt Nam các thế hệ tiếp nối tương lai phải tìm câu trả lời, tìm đường, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ London nói tiếp :

"Thì đây là một câu hỏi rất lớn đặt ra cho các thế hệ Phật tử, thế hệ trí thức sắp tới và cũng là vấn đề đặt ra cho các thầy của hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

"Nó là một câu hỏi rất lớn mà tôi cũng xin trình bày ý kiến của tôi ở đây về vấn đề đường hướng sắp tới cho Phật Giáo Việt Nam.

"Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói rất chính xác là "con đường nào cũng là con đường Như Lai", nhưng mà con đường Như Lai phải là một con đường tự tại, chứ không phải là một con đường do sự sai khiến, sự ép buộc, sự ép uổng.

"Cho nên tôi nghĩ là trong thời gian sắp tới, các thầy trong hai Giáo hội nên có điều kiện để ngồi lại, có cái tinh tấn để nhìn lại hành trình của Phật giáo Việt Nam để mà khôi phục con đường Phật giáo.

"Chú trọng đến con đường tâm linh sâu sắc, chứ không phải là một thứ phẩm tôn giáo rất nặng phần mê tín mà chúng ta thấy nhan nhản từ Nam ra Bắc hiện nay", ông Đoàn Xuân Kiên nêu quan điểm.

Bình luận về ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với cuộc Hội luận.

"Tôi nhất trí ý này với ông Đoàn Xuân Kiên. Tức là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch trong một bối cảnh mà Phật giáo Việt Nam và giới tu hành Việt Nam, cũng như là chùa chiền Việt Nam đang có những điều rất đáng buồn và đáng xấu hổ nữa.

quangdo7

Đại diện sứ quán Mỹ tới viếng cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

"Chúng tôi nghĩ rằng sự viên tịch của ngài Thích Quảng Độ để lại một di sản như vậy, đồng thời cũng sẽ là một lời nhắc đối với những người nào còn nghĩ tới Phật pháp, còn nghĩ tới Đạo pháp, đến dân tộc và đến đất nước, thì cũng sẽ có những giây phút và sẽ suy ngẫm.

"Để rồi có thể cùng nhau gây dựng lại Phật giáo Việt Nam và chấn hưng nó theo con đường thời Lý - Trần của tổ tiên chúng ta".

Từ Huế, nhà nghiên cứu triết học và Phật giáo, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan, đưa ra bình luận của mình sau khi các ý kiến trước đó, bà nói :

"Những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và nhà nghiên cứu Đoàn Xuân Kiên, tôi nghĩ là rất quý báu. Có lẽ tôi chỉ thêm một chút về tính cách thống nhất Phật giáo, mà có lẽ qua thầy Thích Quảng Độ, đối với chúng tôi, sự xuất hiện của thầy Thích Quảng Độ trong thời gian những thập nhiên ở thế kỷ XX hay và đẹp lắm.

"Ở chỗ đây là một vị tu sĩ người Bắc vào trong Nam và tinh thần Phật Giáo Việt Nam ở Bắc, đó là nguồn, là cái gốc và chính các vị đại lão ở miền Trung, cũng như ở trong Nam đều nhìn hình ảnh Phật giáo ngoài Bắc giống như là cái gốc của mình.

"Thì tôi nghĩ sự có mặt của cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở trong không gian Việt Nam này là một tiêu biểu để cho sự thống nhất việc Phật giáo Nam - Trung - Bắc có đầy sức sống và mãnh lực.

"Bởi vì chúng ta phải nhớ là đời Trần, đời Lý, Phật giáo là biểu tượng và sức mạnh giành lại độc lập, giữ lại độc lập cho Việt Nam, bởi vậy thành thử hình ảnh của thầy rất đẹp ở trong tâm tưởng của chúng tôi.

"Và tôi nghĩ rằng việc này, Phật tử cũng như mọi người nếu khác ý kiến cũng nên suy nghĩ lại để chúng ta thấy là Phật giáo Việt Nam nên là một, để nó có sức mạnh hơn", bà Thái Kim Lan nói với BBC.

******************

Rẽ ngôi sợ hãi, lướt thuyền Chánh pháp

Văn Lang, VNTB, 25/02/2020

Thầy Thích Quảng Độ từ trần, ở độ tuổi xưa nay hiếm. Tin về Thầy gây xúc động mạnh, bùi ngùi với nhiều người, học giả, trí thức, và nhà bất đồng chính kiến.

quangdo1

Nguyên lý sống của Thầy có lẽ là chánh pháp lướt sóng rẽ qua sự sợ hãi. Với cả cuộc đời cống hiến hết mình cho quyền tự do tôn giáo, tri thức Phật giáo.

Chính quyền ứng xử hẹp hòi với Thầy, ngay cả khi Thầy tạ thế. Bài đăng tin Thầy viên tịch trên báo Tuổi Trẻ trực tuyến không tồn tại quá 24 giờ.

Nhưng điều đó không còn quá quan trọng, tinh thần tự do của Thầy và một lòng với Chánh pháp đã đưa Thầy trở thành một tấm gương về đạo đức, thực học, và hiến thân. Sự ra đi của Thầy không phải dấu chấm hết như nhiều ‘lãnh đạo tôn giáo’, ‘đồng chí sư’ quốc doanh, mà đó mở ra thời điểm kế tục, phát huy tinh thần của Thầy.

Đất nước Việt Nam ngày nay choáng ngợp với hàng trăm nghìn câu chuyện về Phật giáo. Những mái chùa cong vút, to cao, bề thế ; những vị sư tăng được kết nạp đảng viên và nhận giải thưởng cao quý nhà nước ; những lễ hội hoành tráng ; những con nhang xì sụp khấn trời phật bình an ngay trong tâm dịch bệnh corona ; những sư trụ trì ngang nhiên truyền bá mê tín dị đoan dưới lớp bọc Đại đức, thượng tọa.

Những ai có tâm với Phật giáo coi đó là phản ánh thời kỳ suy đồi, mạt pháp.

Những ai vô tâm, coi Phật giáo là nơi thoả mãn tâm linh và thị hiếu cá nhân, mỏ vàng trục lợi trên sự bất an ngày càng tăng của chúng sinh coi đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo nước nhà.

Tôi nghĩ, Thầy Thích Quảng Độ đau với hiện tình đất nước, và càng đau với độ trượt dốc không phanh của Phật giáo ngày nay. Một thời kỳ ‘sùng bái thú vật trong con người’.

‘Thời nó thế, nó buộc phải thế’, một Phật tử bày tỏ với tôi.

Trước mắt cả hai chúng tôi, lư hương ngập đầy nhang, thỉnh thoảng lắm mới thấy một người cắm một nén hương. Còn đâu thì là một nhóm hương, hoặc một cây hương to.

Một góc khuất đằng xa, là hàng ngàn nén hương lớn nhỏ bị vùi trong nước khi nó còn chưa cháy hết 1/2 chân hương.

Một quốc gia được điều hành bởi thuyết vô thần lại là một quốc gia mà chủ nghĩa phồn thực, chuộng vật chất leo cao đến mức ngất ngưởng. Buôn thần, bán thánh Phật lan tràn trong mỗi đình chiều miếu mạo, đến cả mạng xã hội Facebook.

Thời kỳ Công giáo bán ‘suất lên thiên đường’ cách đây hàng trăm năm ở Âu châu lại hiện diện tại Việt Nam ở hình thức mới mẻ hơn, ‘giải nghiệp bằng tiền cúng’, ‘thỉnh oan gia trái chủ’.

Làm thế nào để Chánh pháp trở lại đúng con đường ? Bà Phật tử già lảng tránh câu trả lời, vì bà nhận ra có vẻ câu hỏi đó là ‘nhạy cảm’ và bà sợ điều gì đó.

Nhiều người đề ra chấn hưng Phật giáo, nhưng bắt đầu từ đâu ?

Không cần phải đi quá xa, quá dài với ngôn từ đao to búa lớn. Chỉ cần nhìn vào Nỗi sợ hãi bao trùm xã hội, ngay cả trong giới phật tử để tìm thấy câu trả lời. Bởi có triệt tiêu sự sợ hãi thì khi đó, con người mới thoát ra sự ‘thoả mãn thú tính’, và ‘Đạo Trí Tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc’.

"Đừng sợ nữa, thì mới đưa con thuyền Chánh Pháp vượt lướt qua mọi cuồng phong bão táp. Phải có tinh thần vô uý thí để sử dụng tất cả phương tiện bố thí làm cho chúng sanh hết lo sợ trước mọi hiểm nguy và biến cố, giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi truyền kiếp, thì Đạo Trí Tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc". (Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ)

Văn Lang

Nguồn : VNTB, 25/02/2020

*******************

Báo chí nhà nước ‘răm rắp thực hiện theo di huấn’ của Hòa thượng Thích Quảng Độ ?

Mai Lan, VNTB, 25/02/2020

Lễ cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà-tỳ vào 8 giờ sáng ngày 25/02/2020, nhằm ngày 3/02/Canh Tý. Tro cốt của ngài được thờ cúng tại chùa Từ Hiếu, Sài Gòn trong 49 ngày, sau đó là thủy táng theo di huấn.

quangdo2

Di huấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, là tang sự của ngài được tổ chức đơn giản. Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.

Không đăng vì tuân thủ di huấn ?

Báo chí nhà nước Việt Nam đang răm rắp thực hiện theo di huấn này. Ngoại trừ báo Giác Ngộ của Thành Hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, thì không có bất kỳ một tờ báo nào trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin, theo đúng di huấn là "không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác" (!?).

Nhiều nguồn tin cho biết, báo Tuổi Trẻ, cơ quan thuộc Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, trên phiên bản điện tử có dẫn lại tin trên tờ Giác Ngộ về lễ nhập kim quang của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, song chỉ thời gian ngắn sau đó, tin tức đó đã được ‘tháo xuống’ trên trang báo điện tử.

Là tờ báo chuyên về Phật giáo, bài viết trên tờ Giác Ngộ cũng không giới thiệu thân thế của Hòa thượng Thích Quảng Độ dưới góc nhìn là một nhân vật lịch sử, gắn liền với biến động tôn giáo – chính trị ở miền Nam từ năm 1963 đến nay.

Trong lễ tang Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, quan sát danh sách ban tổ chức lễ tang, và những người đến viếng ngài, sẽ dễ dàng nhận ra có rất nhiều tên tuổi đang là cái gai một thời trong mắt chính quyền : Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Hòa thượng Thích Không Tánh, Hòa thượng Thích Nhật Ban, Hòa thượng Thích Thiện Minh, cư sĩ Lê Mạnh Thát…

Sở dĩ gọi là ‘cái gai’, vì sau khi đồng ý gia nhập một tổ chức mới mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc, thì những người đứng đầu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nhận ra tổ chức mới này lại phụ thuộc vào tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội". Không chấp nhận sự áp đặt về quyền lựa chọn chính trị, những lãnh tụ tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên bố rời bỏ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một câu chuyện cũ

Trong tham luận "Văn minh tiểu phẩm" của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết tại chùa Già Lam, Gò Vấp, Sài Gòn, đề ngày 10-11-2003, có phần biện giải như sau về phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam :

"Năm 1982 là cột mốc lớn cho Phật giáo Việt nam, với lời tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đảng không dại gì mà dựa lưng vào chỗ mình chưa nắm chắc. Do đó, bằng mọi giá phải cải tạo Phât giáo miền Nam, giống như cải tạo xã hội chủ nghĩa theo phương thức tịch thu tư liệu sản xuất và đưa các chủ tư bản đi lao động cải tạo.

Đảng biết chắc, tuy gặp phải chống đối quyết liệt của lãnh đạo Phật giáo, nhưng với bạo lực chuyên chính trong tay, sẽ phải cải tạo thành công. Trước hết, sự bức tử đối với Thượng tọa Tâm Hoàn, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình định, năm 1975, gây kinh sợ không ít cho những ai cưỡng lại ý chí của Đảng.

Kinh hoàng nhất là cái chết của Hòa thượng Thiện Minh năm 1978, trong trại giam K4, Bộ Nội vụ. Đó là thời gian tôi được giam cùng trại với Hòa thượng Thiện Minh, nhưng hoàn toàn cách ly. Chỉ biết rõ, khi nghe tiếng Hòa thượng trả lời thẩm vấn ở phòng hỏi cung kế cận. Tất cả điều đó củng cố cho tuyên bố của ông Mai Chí Thọ, bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nói thẳng với Hòa thượng Trí Thủ, bấy giờ là Viện trưởng Viện hóa đạo : "Các thầy chỉ có hai con đường, theo hoặc chống. Các thầy theo, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh hoạt. Các thầy chống, chúng tôi còn đủ xe tăng thiết giáp đó".

Hòa thượng trả lời : Không theo cũng không chống. Nhưng, đối với Đảng, không có con đưòng thứ ba".

Trong lễ tang Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được tín nhiệm trong vị trí Trưởng ban.

Hy vọng rằng với những gì mà Việt Nam đã cam kết trong thỏa thuận EVFTA về nhân quyền, mai này quyền tự do tôn giáo thực thi với việc bãi bỏ ràng buộc quy về dưới trướng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cũng chấm dứt luôn việc tôn giáo phải trong tổ chức hành chính Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đòi hỏi này không hề ‘phản động’.

Vì sao lại không ‘phản động’ ?

‘Phản động’ là chiếc mũ chính trị quen thuộc được áp dụng mỗi khi có ai đó cứ mãi làm trái ý của đảng cộng sản Việt Nam.

Trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của lịch sử, Phật giáo luôn song hành cùng dân tộc. Giáo lý từ bi, trí tuệ, vô ngã vị tha của đạo Phật đã hòa quyện với tinh thần nhân bản, nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam và đã tạo nên một sức sống mới cho dân tộc Việt Nam. Trong quá trình giao thoa tương tác, văn hóa Việt Nam đã bản địa hóa Phật giáo thành Phật giáo Việt Nam. Theo ý kiến của một số sử gia, thật khó hình dung được văn hóa Việt Nam nếu tách rời Phật giáo Việt Nam ; ngược lại, sẽ không có nhiều ý nghĩa cho sự tồn tại của mình khi Phật giáo đứng ngoài dòng chảy của dân tộc Việt.

Với tất cả hệ quả ấy, sẽ là vô nghĩa nếu như cứ duy ý chí bắt buộc Phật giáo phải đi theo cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa – điều mà như báo chí từng đăng tải lúc góp ý sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là không rõ khi nào Việt Nam có chủ nghĩa xã hội (1).

Cụ thể hơn, bài báo "Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải" trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đầu tháng 5-2014, có đoạn mở đầu như sau : "Một ngày cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông đáp : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm". Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông" (2).

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 25/02/2020

Chú thích :

(1)https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html

(2)https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html.

*******************

Học giả uyên thâm Phật học Thích Quảng Độ

Nguyễn Nam, VNTB, 24/02/2020

Hòa thượng Thích Quảng Độ được nhắc đến nhiều như một nhân vật chính trị, nhưng ít người để ý rằng ông cũng là một nhà nghiên cứu Phật học xuất sắc, như những người cùng thời với ông – thế hệ vàng của Phật học với những tên tuổi có thể vĩnh viễn nằm trên bảng vàng được xác chứng qua những tác phẩm họ để lại hậu thế.

quangdo3

Những tác phẩm đã xuất bản của tác giả Thích Quảng Độ (27/11/1928 – 22/02/2020), cựu giảng sư Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn :

- Kinh Mục Liên sám Pháp ;

- Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân ;

- Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân) ;

- Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện) ;

- Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964 ;

- Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận ;

- Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập) ;

- Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) ;

- Chiến tranh và bất bạo động ;

- Thơ trong tù 06/04/1977 – 10/12/1978 (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 năm Mậu Ngọ) ;

- Thơ lưu đày 25/02/1982 – 22/03/1992 (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…

Hiện tại, trên trang Thư viện Hoa Sen (1), có đưa lên mạng một số tác phẩm của Hòa thượng Thích Quảng Độ :

- Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Tiểu Thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân ;

- Phật Quang Đại từ điển ;

- Chân Như Quang của Phật giáo ;

- Chiến tranh và bất bạo động ;

- Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận…

Đa số tác phẩm đều do Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản.

Nhà văn Trần Trung Đạo, cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh, hồi tưởng :

"Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30/04/1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại.

Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật giáo cho sinh viên các khoa Khoa học Nhân văn và Phật Khọa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm.

Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác".

Thời gian Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chốn lao tù, ngài đã có nhiều thi phẩm được gọi là dòng thơ lưu đày, qua đó dân chúng phần nào hình dung ra những người ‘tù nhân lương tâm’/‘tù nhân chính trị’ như ngài ở quá khứ, và có thể là cả ở nhiều người hôm nay, mà người ta hay nhắc tới hai chữ "nhân quyền" :

Có nói rằng không, không : khỏi đấm

Đen làm ra trắng, trắng : ngon xôi

Cú kêu ta bảo là oanh hót

Cuội gọi thì thưa : "Dạ, Bố đòi !"

Như thế mới là người khôn đó

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi

Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời

Thấy kẻ phá chùa : khoanh tay đứng

Nhìn người đập tượng : nhắm mắt ngồi

Bắt bớ Tăng Ni : thây mẹ nó

Giam cầm Phật tử : mặc cha đời

Miễn được yên thân là khôn đấy

Can chi ậm oẹ để thiệt thòi

(…)

Võ vẽ làm thơ cho nhớ chữ

Tập tò ngâm vịnh để quên đời

(trích Liên ngâm dại khôn, Thơ lưu đày)

***

Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22/02/2020 (nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý), tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, trụ thế 93 năm.

Theo di huấn để lại, tang sự của ngài được tổ chức đơn giản. Tăng ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.

Lễ cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà-tỳ vào 8 giờ sáng ngày 25/02/2020 (nhằm ngày 3 tháng Hai Canh Tý), tro cốt sau khi hỏa thiêu được quàn tại chùa Từ Hiếu trong 49 ngày, sau đó sẽ được rải xuống biển theo di huấn của ngài.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 24/02/2020

(1)https://thuvienhoasen.org/

************************

Đại sứ quán Mỹ ca ngợi Hòa thượng Thích Quảng Độ

RFA, 25/02/2020

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 24/2 ra thông cáo báo chí ca ngợi những cống hiến của Hòa thượng Thích Quảng Độ cho tự do tôn giáo và nhân quyền.

quangdo4

Hình minh họa. Hòa thượng Thích Quảng Độ AFP

Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa qua đời hôm 22/2/2020 tại Chùa Từ Hiếu, phường 1, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 92 tuổi. Giáo hội mà ông đứng đầu là một giáo hội không được Chính phủ Việt Nam thừa nhận và bản thân ông cũng bị đàn áp, lưu đầy, bắt bỏ tù, và giam tại chùa trong nhiều năm từ sau cuộc chiến Việt Nam năm 1975.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, đại diện cho Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã "gửi lời chia buồn chân thành về việc Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất qua đời".

"Hòa thượng Thích Quảng Độ là người ủng hộ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, và ông luôn tận tâm theo đuổi công lý bằng các hình thức phi bạo lực. Những nỗ lực hòa bình này đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng quốc tế và ông đã nhiều lần được đề cử giả Nobel Hòa bình", thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ viết.

Video tại lễ tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Chùa Từ Hiếu hôm 24/2 được lan truyền trên Facebook cho thấy đại diện Đại sứ quán Mỹ đã đến thắp hương tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Truyền thông trong nước sau cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Độ gần như không đưa một dòng tin nào về ông. Chỉ có báo Tuổi Trẻ đăng một tin ngắn nhưng đã đột ngột rút tin vài giờ sau đó mà không nêu rõ lý do.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 25/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Văn Lang, Mai Lan, Nguyễn Nam, RFA tiếng Việt
Read 735 times

1 comment

  • Comment Link Paul mercredi, 26 février 2020 22:16 posted by Paul

    NAM MÔ VÔ ÚY BỒ TÁT MA HA TÁT

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)