Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyện cộng sản Việt Nam làm giả thư "quy hàng" của Hòa thượng Thích Quảng Độ

Kỷ niệm ba năm ngày mất của Hòa thượng Thích Quảng Độ (29 tháng Giêng âm lịch), tất cả các chùa và phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều làm lễ tưởng niệm vị Đệ ngũ Tăng thống (1928-2020). Nhân húy nhật của Hòa thượng Thích Quảng Độ, xin được nhắc lại một câu chuyện từng được bàn cãi trong thời kỳ ngài bị giam lỏng, sau khi ra tù năm 1998.

thugia01

Trong giai đoạn gay gắt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khởi đầu từ thập niên 90, trước và sau khi công an kết án Hòa thượng Thích Quảng Độ và thị giả của ngài là Hòa thượng Thích Không Tánh, để tạo sự hoang mang trong dư luận và phá hoại uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, công an nhiều lần cho tung ra các tài liệu giả liên quan đến Hòa thượng Thích Quảng Độ nhằm thao túng đám đông đang âm thầm dõi theo.

Một trong những tài liệu đó, là lá thư có tựa đề là Lời cam kết, trong đó ký tên tục của ngài là Đặng Phúc Tuệ, với nội dung chính là "Tôi xin cam kết chấm dứt vĩnh viễn mọi sự liên hệ cũng như những hành động mà có thể dẫn đến vi phạm luật pháp của Nhà nước một lần nữa". Thư đề ngày 9/2/1995. Nhưng đến năm 2007, lá thư này mới xuất hiện, như một kiểu cho hé lộ tin tức, cùng với một chiến dịch tấn công, bôi nhọ không ngừng.

thugia2

Ngay sau khi lời cam kết này được đưa ra với lối viết chữ giống như của Hòa thượng Thích Quảng Độ được đăng trên báo Công an, một luồng dư luận phản ứng nhiều chiều đã nổi lên về sự kiện này. Những người hiểu chuyện lập tức hiểu ngay được đây là một chiêu trò hết sức bẩn thỉu của Công an cộng sản Việt Nam để nhằm phá hoại hình ảnh của một người lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Còn những người bị hoang mang, rất buồn khổ và nghĩ rằng Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đầu hàng trước bạo quyền. Ngay cả các trang mạng ở hải ngoại cũng có nhiều bản tin buồn bã và bất bình trước lời cam kết này.

Hòa thượng Thích Quảng Độ không có cơ hội minh bạch sự kiện vì truyền thông đều là của nhà nước. Tháng 4/1995, ngài cùng Hòa thượng Thích Không Tánh bị tuyên mỗi người 5 năm tù, và 5 năm quản chế vì đã tổ chức phát gạo cho dân nghèo với danh nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thời gian ra tù sau đó, cả hai vị đều bị cô lập, theo dõi và ngăn chận mọi liên lạc với bên ngoài.

Ngay cả báo Tuổi Trẻ tháng 8/2007, cũng bị ép đăng một bài viết của một công an viên tên Nhật Hòa (báo ghi rõ ngày từ tít đầu bài là chỉ đăng lại từ báo Pháp Luật TP) mạt sát ngài và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thống nhất là bất hợp pháp. Thư có tên Lời Cam Kết này cũng được đăng trên báo Công an trong thời gian đó, để lung lạc tinh thần tăng chúng.

Năm 2008, trong một lần phỏng vấn, khi nhắc về lá thư có lời cam kết này, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã khẳng định ngay mọi thứ đều là không có thật. Một trong những điểm bị vạch trần, là trong thư, Hòa thượng Thích Quảng Độ nói chỗ ký tên, ghi là bị can. Điều này hoàn toàn trái ngược với tôn chỉ của ngài là luôn tuyên bố mình vô tội. Kể cả lúc công an cộng sản Việt Nam vào nhà giam sau khi kết án, gài bẫy ngài là nên xin kháng án để được giảm năm tù, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã từ chối, vì ngài nói phiên tòa bất hợp pháp, âm mưu buộc tội vô nghĩa lý nên ngài không việc gì phải kháng án cả.

Trao đổi với bà Ỷ Lan, phỏng vấn từ đài Á Châu Tự Do vào tháng 11/2008, Hòa thượng Thích Quảng Độ có nhấn mạnh "Tôi ở tù thì cũng nhàn lắm chứ có sao, việc gì đâu phải kháng. Ở đâu thì cũng ăn cũng làm việc thôi. Ở đây thì tôi có việc làm rồi. Trước khi vào tù thì tôi đã vận động, nói khó với họ là để xin đưa theo bộ từ điển Phật Quang mà tôi đang làm dở dang đó để ở trong tù có việc tôi làm, đồng thời để giúp cho các thế hệ tương lai họ tài liệu tra cứu, tham khảo, để học tập. Tôi có nói rõ như thế".

Một trong những mục đích của công an là muốn Hòa thượng Thích Quảng Độ phải làm đơn xin, và gài bẫy để ép có chứng tích chịu ơn của nhà cầm quyền. Thế nhưng tính khí can trường của ngài khiến đã luôn bác bỏ mọi âm mưu như vậy. Hòa thượng Thích Quảng Độ kể khi ngài đi ra đến trại Ba Sao thì nhanh đến mức bất ngờ, chỉ mấy hôm sau công an đã đưa bộ từ điển Phật Quang vào trại – mà không chỉ có 7 tập từ điển – lại còn có thêm 100 tập vở nữa.

Dù không nhận tội, và cũng không là người tù tư tưởng gương mẫu, nhưng với áp lực quốc tế, đợt đặc xá ngày 2/9/1998, ngài được đưa ra khỏi nhà giam, nhưng công an không cho đem theo gần một trăm cuốn tập đã viết tay chuyển ngữ. Công an nói ngài nếu muốn đem về, thì phải làm đơn xin chính quyền.

Nghe vậy, Hòa thượng Thích Quảng Độ từ chối, và bỏ lại tất cả. Mất hai năm sau thì Hòa thượng Thích Quảng Độ mới làm lại đủ những gì đã viết trong tù. Kể lại lúc đó, khi nghe điều kiện, thoáng bất ngờ, nhưng sau đó ngài đã cười và nói "Nếu như thế thì tôi không xin đâu, các ông để lại mà dùng, tôi về tôi làm lại".

Năm 2008, nói về bức thư xin "đầu hàng" chính quyền, Hòa thượng Thích Quảng Độ khẳng định "Có thể là họ đã nghiên cứu, họ xem nét chữ của tôi trong gần một trăm tập giấy tôi đã viết từ điển, viết cách như thế nào, mà họ giữ lại mười mấy năm nay".

Những ngày cuối đời, ngài bị cô lập ở Thanh Minh Thiền Viện, Phú Nhuận, rồi sau lại dời về Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn, và qua đời trong sự thương tiếc của chư tăng ni chúng, bởi là một biểu tượng của bi-trí-dũng không chịu khuất phục trước nhà cầm quyền cộng sản.

Ý Nguyên

Nguồn : SaigonnhoNews, 18/02/2023

Published in Diễn đàn

Ít ai biết rằng, vào ngày đầu của tang lễ tại Chùa Từ Hiếu, khi giăng băng-rôn có dòng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" trước cửa chùa, chỉ ít giờ sau, một nhóm người của nhà nước, bao gồm an ninh, ban tôn giáo… đã đến yêu cầu các thầy phụ trách tang lễ phải tháo xuống. Đó cũng là một cuộc giằng co dai dẳng, vì chữ "Phật giáo thống nhất" luôn là cái gai trong mắt của nhà cầm quyền. Cuối cùng, khi các thầy nhất quyết không hạ, và chỉ nói là "sẽ hạ khi hết tang lễ" thì phía phái đoàn của nhà nước đành ra về, nhưng lại mở ra chuyện rãi đinh dưới các xe có hoa tang đề chữ Phật giáo thống nhất như đã nói ở phần 1 của bài.

quangdo1

Hòa thượng Thích Ngộ Chánh, trong tang lễ của Đức Tăng Thống

Riêng về hòa thương Thích Thanh Phong, trụ trì của chùa Vĩnh Nghiêm - mà có lời đồn đãi rằng ông vốn là người của "ngành", có những đặc quyền riêng khác với một thầy tu bình thường - thì đã có mặt rất sớm ở chùa Từ Hiếu, ngay khi tang lễ vừa dựng nên. Ông Phong xuất hiện với nhóm người của mình, ghi hình, dò xét mọi thứ và cũng công khai đi đến chỗ các nhân viên mật vụ đang theo dõi ở chùa để bàn bạc. Nguồn tin hàng lang cho biết, ông Phong còn là người đề xuất ý kiến với phía an ninh là phải dè chừng chuyện khi hỏa táng, vẫn còn lại những phần xá lợi (tương tự như với hòa thượng Thích Trí Quang), và điều này là "mối nguy tinh thần" về sau. Sự kiện nhóm người xuất hiện cùng hòa thượng Thích Thanh Phong xông vào hậu điện của Đài hóa thân đòi lấy tro cốt, dường như đã lý giải cho điều này.

Hòa thượng Thích Ngộ Chánh lại nói thêm cho biết về chuyện này :

Trải qua 3 ngày, đám tang của hòa thượng Thích Quảng Độ có vẻ như đã diễn ra rất êm ả. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Những gì được ghi nhận suốt 3 ngày tang lễ tại chùa Từ Hiếu, cho đến tận khi tiễn đưa ngài ở Đài hóa thân tại Đa Phước, Bình Chánh là những điều bất ngờ cần phải được ghi lại. "Mưu hèn kế bẩn" - đó là lời tóm tắt được coi là đầy đủ nhất, từ một Phật tử đã ở bên cạnh kim quan của hòa thượng Thích Quảng Độ, khi chứng kiến tất cả. Nhưng vì mục đích là phải để tang lễ được suôn sẻ, hầu hết mọi người đều nhắc nhau im lặng, hành động im lặng.

- Nhưng rồi, những gì cần nói, vẫn phải nói. Đầu tiên là những chuyện liên quan đến ngày di quan của Đức Tăng Thống đến đài hóa thân. Hòa thượng Thích Ngộ Chánh, chứng nhân trực tiếp của những điều xảy ra, kể lại cho biết.

- Dạ, điều đáng nói nhất là lúc di quan, đưa hòa thượng Thích Quảng Độ về đài hóa thân. Khi bắt đầu đi thì có công an dọn đường cho đoàn xe tang. Đến các ngã ba, ngã tư thì đoàn xe tang luôn được ưu tiên. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi, thì thấy đám tang diễn ra rất thuận lợi. Nhưng trước đó, một số anh em trong gia đình Phật tử xin giấu tên, nói cho biết rằng những chiếc xe hoa và xe tang, chủ yếu là những xe có để băng-rôn tiễn đưa hòa thượng Thích Quảng Độ có ghi chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đều bị thả đinh dưới bánh xe. Do từ đầu mọi người đã tính đến chuyện này, nên các anh em gia đình Phật tử im lặng nhắc nhau kiểm tra và gỡ ra. Đến sáng sớm khi đoàn xe chuẩn bị di chuyển thì anh em vẫn phải kiểm tra một lần nữa, vì nếu không, những xe có băng-rôn đó sẽ bị xẹp bánh dọc đường, không theo đoàn được.

Nhưng chuyện chỉ là khởi đầu. Khi đến đài hóa thân, lúc đang làm lễ tiễn, đột nhiên có ai đó, xưng là người thân của thầy Thích Nguyên Lý, mời thầy ra nói chuyện gấp. Lời yêu cầu này quấy rầy đến mức thầy Thích Nguyên Lý phải bỏ lễ đi ra, để lại cho các thầy khác phụ trách. Nhưng dường như đó là kế nghi binh, tôi nghĩ vậy. Ngay sau đó, khi kim quan được đưa vào nơi thiêu, đã có khoảng 20 người tự xưng là gia đình của hòa thượng Thích Quảng Độ, tự đeo khăn tang trắng, lao vào và đòi sau khi thiêu, sẽ mang tro cốt về Bắc để thờ cúng. Một cuộc giằng co rất dữ dội đã diễn ra. Các quý thầy phụ trách tang lễ đã rất khó khăn để ôn hòa giữ vững lập trường và di nguyện của Đức Tăng Thống là sau khi hỏa táng, sẽ mang về chùa giữ trong 49 ngày, sau đó mang đi thủy táng.

- Nhưng những người "bà con" đó, có ai biết gì về họ hay không ? Và mục đích của họ là gì khi kéo đến vào giờ cuối với ý định cướp tro cốt của Đức Tăng Thống ?

- Dạ, gia đình bà con đó, co khoảng 20 người xưng là bà con có họ và xa, chứ không ai là gần gũi thật sự. Kể cả khi lúc Đức Tăng Thống sinh thời, cũng chẳng thấy họ lai vãng bao giờ. Những người đó vào giờ đợi lấy tro cốt mới xuất hiện, tự đội khăn tang trắng và đòi giành lấy tro cốt mang đi. Sự việc diễn ra rất lâu. Sau khi không tranh luận được với quý thầy phụ trách tang lễ, những người này đột nhiên thay đổi thái độ, yêu cầu phải mang đi thủy táng ngay lập tức trước mắt họ, chứ không được mang về chùa, qua 49 ngày.

Mọi thứ đã giằng co quyết liệt cho đến tận 4g chiều mới kết thúc. Các thầy dứt khoát với quyết tâm thực hiện di nguyện của Đức Tăng Thống như đã bàn tính. Vào lúc đó, các anh em gia đình Phật tử được lệnh tập trung đến, bảo vệ đến cùng tro cốt của Đức Tăng Thống, vì sợ có thể bị cướp đi. Bởi lúc tranh cãi, có những người trong "gia đình" có vẻ như muốn khống chế quý thầy để lấy tro cốt đi. Sự kiện này được ghi nhận trong văn bản của Ban hướng dẫn Gia đình Phật Tử Quảng Đức - Sài Gòn về công đức của các anh em đã tận lực bảo vệ an toàn tro cốt của Đức Tăng Thống về lại Chùa Từ Hiếu.

quangdo2

Những người tự xưng là bà con, muốn giành lấy tro cốt

- Có một vài anh em bên gia đình Phật tử kể lại rằng, sự kiện đó cho thấy những người gọi là "bà con" của Đức Tăng Thống không có vẻ bình thường, như kiểu được sắp đặt. Về phần Thầy, thì có nhận xét gì ?

- Một người xuất gia thì đã dứt bỏ tất cả, đời sống ngày thường đã vậy, khi viên tịch là chấm dứt, không như một người qua đời bình thường. Tôi cũng nói thêm cho anh được rõ, là đối với một người tu hành khi qua đời, thì khăn tang là màu vàng chứ không là màu trắng. Những người "bà con" này không hiểu biết gì về ý nghĩa này là một điều đáng suy nghĩ - có thể họ được tư vấn để hành động - nhưng lại không hiểu sâu về cách thức nên lạc lõng.

Ngoài ra, về sự kiện giành tro cốt, tôi được biết có sự có mặt của hòa thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, trường ban kinh tế trung ương của giáo hội Việt Nam do nhà nước lập ra - tức dân gian hay gọi là Phật giáo quốc doanh - ông ta cũng can thiệp vào chuyện này. Khi thầy Thích Thanh Phong cũng lên tiếng đòi mang tro cốt của Đức Tăng Thống ra, tôi mới thấy làm lạ. Vì ông ta không là gia quyến cũng không liên quan gì đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cả. Và việc ông ta chen vào tận trong đó thì tôi không rõ được. Tôi xin thưa lại như vậy.

quangdo3

Lễ bái giác linh của Đức Tăng Thống, sau khi đem về từ Đài hóa thân Đa Phước

- Theo sự quan sát của nhiều anh em gia đình Phật Tử, về hòa thượng Thích Thanh Phong, thì có kể lại rằng, không giống với những hòa thượng khác cũng từ giới Phật giáo quốc doanh đến viếng, dù khác biệt chỗ đứng nhưng trân trọng với tâm tang rồi về, mà hòa thượng Thích Thanh Phong rất công khai hành động theo mục đích rất riêng ?

- Dạ, chuyện này thì tôi có biết rõ. Và tôi còn biết là thầy Thanh Phong đến, mang theo cả người chụp ảnh, quay hình riêng cho ông. Dĩ nhiên, cho mục đích riêng chứ không liên quan gì đến ban tang lễ của chùa Từ Hiếu.

- Dẫu sao, vẫn có những điều ghi nhận là về phía an ninh, dường như đã có một sự hòa hoãn nhất định, chứ không căng thẳng như dự đoán, dù số lượng công an, dân phòng và an ninh thường phục trực chung quanh chùa Từ Hiếu vẫn rất đông…

- Dạ, tôi nhận thấy là an ninh thường phục rất nhiều, đặc biệt là vào ngày đưa kim quan đến Đài hóa thân. Họ quay camera, quay bằng điện thoại hết diễn biến tang lễ, người dự tang lễ… Điều dễ nhận ra họ là tất cả đều đeo khẩu trang với kiểu giấu mặt, và khẩu trang cũng giống nhau. Cách thức của họ cũng rất khác biệt với những người đến viếng.

Tại tang lễ, thì không có ai bị công an, an ninh gây khó dễ. Nhưng tôi biết là có một trường hợp là một thầy ngụ ở Đồng Nai, bị công an đến tận chùa và chận không cho thầy đi dự lễ tang. Nên hòa thượng đó không thể đến dự lễ tiễn, mà đến tận ngày chung thất (cúng thất đầu tiên, 29/2/2020) thì thầy ấy mới lẻn đi đến chùa Từ Hiếu được. Chính hòa thượng Thích Vĩnh Phước là người đưa thầy ấy từ Đồng Nai lên Sài Gòn để viếng.

- Sự việc muốn cướp đi tro cốt của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã diễn ra rất chi tiết và bài bản tổ chức, nhưng không thành công. Liệu việc giữ ở chùa Từ Hiếu suốt 49 ngày để mang ra biển, có an toàn trong bối cảnh này không, thưa Thầy ?

- Dạ xin thưa với anh, là những điều như vậy, cũng không nằm ngoài suy tính của các thầy trong ban tổ chức tang lễ. Theo tôi được biết, thì từ lúc bảo vệ tro cốt của Đức Tăng Thống mang về chùa Tứ Hiếu, để trong phòng ngài ngự ngày trước để thờ cúng, cho khách đến viếng, thì cũng là lúc mọi thứ đã được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các nhóm Gia đình Phật tử thay phiên nhau.

Ngay từ ngày đầu, sau khi đã làm lễ cúng giác linh, thì chùa cũng đã đón khách đến viếng nhưng từ cửa ngoài đến trong phòng, luôn có những nhóm Gia đình Phật Tử cắt cử trực và bảo vệ ngày đêm. Ngay cả tôi cũng cảm nhận được sự căng thẳng, và cũng có cảm giác rằng việc đánh tráo hay cướp tro cốt của Đức Tăng Thống như là điều có thể.

quangdo4

Văn bản tán dương công đức của Gia đình Phật tử đã bảo vệ tro cốt của Đứng Tăng Thống tại Đài hóa thân.

- Điều đáng ngạc nhiên, là việc đến viếng Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, cho đến hôm nay cũng có rất nhiều hòa thượng từ các chùa thuộc giáo hội nhà nước. Điều này, có thể nhận định là đáng lo hay đáng mừng, thưa Thầy ?

- Dạ, tôi nhận ra rất nhiều thầy từ các chùa khác đến viếng. Nhưng xin phép không nói tên các thầy trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Vì là để giữ cho các thầy, mà cũng là giữ cho chùa Từ Hiếu trước mọi suy diễn từ mọi hướng, mà vốn không phải ai cũng hiểu tường tận.

Tôi cũng có trao đổi việc này với Thầy Thích Thiện Minh, là thành viên của ban tổ chức tang lễ. Thầy cũng có nói rằng các quý thầy trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến dự tang lễ là một điều đáng mừng. Đó chính là hình ảnh của sự hòa hợp và đoàn kết.

Riêng chuyện ai đến vì mục đích khác, đó là việc trong tâm của họ, mình không biết được. Nhưng hoan hỉ đón nhận là việc mình phải làm. Tôi cũng nhìn thấy người đến để dò xét, nhưng tôi cũng nhìn thấy những người đến bằng lòng thành để tưởng niệm một bậc chân tu. Là một người đi tu, tôi cũng như các thầy khác, cũng đón nhận với sự bao dung ở cửa Phật.

Tuấn Khanh (ghi)

Nguồn : RFA, 28/02/2020 (tuankhanh's blog)

Published in Văn hóa

Đâu là di sản lớn nhất của Hòa thượng Thích Quảng Độ ?

BBC, 28/02/2020

Hôm 27/02/2020, nhà nghiên cứu văn hóa Đoàn Xuân Kiên từ London nói với một Hội luận chuyên đề đặc biệt bàn về di sản của cố Đệ ngũ Tăng thống và nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, người viên tịch ngày 22/2 tại Sài Gòn, trụ thế 93 năm :

quangdo5

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Đệ ngũ Tăng thống và nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất

"Tôi rất quan tâm đến vấn đề di sản của thầy Quảng Độ, cũng như thế hệ những Thiền sư Việt Nam ở miền Nam đã tiếp nối sự nghiệp chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930-1940 trước đây - thế hệ các nhà sư rất thông tuệ của Việt Nam, cụ thể là từ miền Trung vào miền Nam đã dẫn đến những phương hướng hoạt động rất là khởi sắc của Phật giáo Việt Nam suốt từ năm 1963.

"Đã có rất nhiều sự hiểu lầm về con đường Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, nhưng tôi nghĩ đọng lại điều lớn nhất mà các thầy suốt từ thời kỳ đấu tranh 1963 trở về sau.

"Các thầy đã để lại một ngọn đuốc lớn như thế này là hiện đại hóa Phật giáo, đưa Phật giáo vào đời sống tâm linh cao thượng cho quần chúng Việt Nam, chứ không phải là thứ Phật giáo mê tín, chú trọng đến các chuyện hoa hòe, lòe loẹt, nhưng mà thật sự không có chiều sâu tâm linh.

"Thì các thầy của thế hệ Thiền sư Việt Nam sau năm 1963 đã xây dựng được nền tảng trong sự phát triển Phật giáo rất là tốt.

"Rồi thì bị cuộc chiến làm cho trở ngại, các thầy phải nhảy vào cuộc đấu tranh cho hòa bình mà chúng ta có thể xem lại điều mà thầy Nhất Hạnh viết trong "Hoa sen trong biển lửa", để thấy sự gian khổ của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong thời chiến tranh như thế nào.

"Đến sau khi hòa bình lập lại, thì tưởng rằng có thể xây dựng lại đất nước trong hòa bình, có một đời sống tâm linh sâu sắc, thì người cộng sản đã có một hành động hơi duy ý trí, đã thúc ép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất phải quy phục tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

"Thì điều đó có nhiều uẩn khúc mà sau này lịch sử sẽ phải giải mã, nhưng mà tôi muốn để ý một chuyện là nó trái ngược với tinh thần thoáng đạt, nó trái ngược với tinh thần đa nguyên của các thầy lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong hậu bán thế kỷ XX.

"Vì thế cho nên nó xảy ra những xung đột, những mâu thuẫn, mà rồi nhà nước đã dùng quyền lực toàn trị của mình đem lại cho quần chúng Việt Nam những ấn tượng rất tiêu cực về hình ảnh một số nhà lãnh đạo Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

quangdo6

Tang lễ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

"Cụ thể là những bài báo vớ vẩn, những bài báo rất hỗn láo về thầy Quảng Độ trong suốt thời gian mấy chục năm thầy tù đầy, tù tội, một cách rất là oan khốc.

"Thì mặc dù chúng ta trân trọng sự vô úy của thầy, nhưng mà chúng ta cũng thấy như Tiến sỹ, Giáo sư Thái Kim Lan nói - nó không có công bằng đối với một nhà tu chân chính như thầy Quảng Độ.

"Vì vậy tôi mới nghĩ rằng di sản của thầy Quảng Độ, cũng như thế hệ của những Thiền sư Việt Nam là làm sao chấn hưng lại được đời sống tâm linh mà người Việt Nam trong thời gian gần đây đã bị phải nói là tha hóa.

"Phải chấn hưng lại đời sống tâm linh đúng theo tinh thần của Phật giáo mà các thầy muốn xiển dương.

Câu hỏi lớn và con đường sắp tới ?

Cho rằng vấn đề trên vừa là di sản, đồng thời là câu hỏi lớn cho Phật giáo Việt Nam các thế hệ tiếp nối tương lai phải tìm câu trả lời, tìm đường, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ London nói tiếp :

"Thì đây là một câu hỏi rất lớn đặt ra cho các thế hệ Phật tử, thế hệ trí thức sắp tới và cũng là vấn đề đặt ra cho các thầy của hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

"Nó là một câu hỏi rất lớn mà tôi cũng xin trình bày ý kiến của tôi ở đây về vấn đề đường hướng sắp tới cho Phật Giáo Việt Nam.

"Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói rất chính xác là "con đường nào cũng là con đường Như Lai", nhưng mà con đường Như Lai phải là một con đường tự tại, chứ không phải là một con đường do sự sai khiến, sự ép buộc, sự ép uổng.

"Cho nên tôi nghĩ là trong thời gian sắp tới, các thầy trong hai Giáo hội nên có điều kiện để ngồi lại, có cái tinh tấn để nhìn lại hành trình của Phật giáo Việt Nam để mà khôi phục con đường Phật giáo.

"Chú trọng đến con đường tâm linh sâu sắc, chứ không phải là một thứ phẩm tôn giáo rất nặng phần mê tín mà chúng ta thấy nhan nhản từ Nam ra Bắc hiện nay", ông Đoàn Xuân Kiên nêu quan điểm.

Bình luận về ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với cuộc Hội luận.

"Tôi nhất trí ý này với ông Đoàn Xuân Kiên. Tức là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch trong một bối cảnh mà Phật giáo Việt Nam và giới tu hành Việt Nam, cũng như là chùa chiền Việt Nam đang có những điều rất đáng buồn và đáng xấu hổ nữa.

quangdo7

Đại diện sứ quán Mỹ tới viếng cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

"Chúng tôi nghĩ rằng sự viên tịch của ngài Thích Quảng Độ để lại một di sản như vậy, đồng thời cũng sẽ là một lời nhắc đối với những người nào còn nghĩ tới Phật pháp, còn nghĩ tới Đạo pháp, đến dân tộc và đến đất nước, thì cũng sẽ có những giây phút và sẽ suy ngẫm.

"Để rồi có thể cùng nhau gây dựng lại Phật giáo Việt Nam và chấn hưng nó theo con đường thời Lý - Trần của tổ tiên chúng ta".

Từ Huế, nhà nghiên cứu triết học và Phật giáo, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan, đưa ra bình luận của mình sau khi các ý kiến trước đó, bà nói :

"Những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và nhà nghiên cứu Đoàn Xuân Kiên, tôi nghĩ là rất quý báu. Có lẽ tôi chỉ thêm một chút về tính cách thống nhất Phật giáo, mà có lẽ qua thầy Thích Quảng Độ, đối với chúng tôi, sự xuất hiện của thầy Thích Quảng Độ trong thời gian những thập nhiên ở thế kỷ XX hay và đẹp lắm.

"Ở chỗ đây là một vị tu sĩ người Bắc vào trong Nam và tinh thần Phật Giáo Việt Nam ở Bắc, đó là nguồn, là cái gốc và chính các vị đại lão ở miền Trung, cũng như ở trong Nam đều nhìn hình ảnh Phật giáo ngoài Bắc giống như là cái gốc của mình.

"Thì tôi nghĩ sự có mặt của cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở trong không gian Việt Nam này là một tiêu biểu để cho sự thống nhất việc Phật giáo Nam - Trung - Bắc có đầy sức sống và mãnh lực.

"Bởi vì chúng ta phải nhớ là đời Trần, đời Lý, Phật giáo là biểu tượng và sức mạnh giành lại độc lập, giữ lại độc lập cho Việt Nam, bởi vậy thành thử hình ảnh của thầy rất đẹp ở trong tâm tưởng của chúng tôi.

"Và tôi nghĩ rằng việc này, Phật tử cũng như mọi người nếu khác ý kiến cũng nên suy nghĩ lại để chúng ta thấy là Phật giáo Việt Nam nên là một, để nó có sức mạnh hơn", bà Thái Kim Lan nói với BBC.

******************

Rẽ ngôi sợ hãi, lướt thuyền Chánh pháp

Văn Lang, VNTB, 25/02/2020

Thầy Thích Quảng Độ từ trần, ở độ tuổi xưa nay hiếm. Tin về Thầy gây xúc động mạnh, bùi ngùi với nhiều người, học giả, trí thức, và nhà bất đồng chính kiến.

quangdo1

Nguyên lý sống của Thầy có lẽ là chánh pháp lướt sóng rẽ qua sự sợ hãi. Với cả cuộc đời cống hiến hết mình cho quyền tự do tôn giáo, tri thức Phật giáo.

Chính quyền ứng xử hẹp hòi với Thầy, ngay cả khi Thầy tạ thế. Bài đăng tin Thầy viên tịch trên báo Tuổi Trẻ trực tuyến không tồn tại quá 24 giờ.

Nhưng điều đó không còn quá quan trọng, tinh thần tự do của Thầy và một lòng với Chánh pháp đã đưa Thầy trở thành một tấm gương về đạo đức, thực học, và hiến thân. Sự ra đi của Thầy không phải dấu chấm hết như nhiều ‘lãnh đạo tôn giáo’, ‘đồng chí sư’ quốc doanh, mà đó mở ra thời điểm kế tục, phát huy tinh thần của Thầy.

Đất nước Việt Nam ngày nay choáng ngợp với hàng trăm nghìn câu chuyện về Phật giáo. Những mái chùa cong vút, to cao, bề thế ; những vị sư tăng được kết nạp đảng viên và nhận giải thưởng cao quý nhà nước ; những lễ hội hoành tráng ; những con nhang xì sụp khấn trời phật bình an ngay trong tâm dịch bệnh corona ; những sư trụ trì ngang nhiên truyền bá mê tín dị đoan dưới lớp bọc Đại đức, thượng tọa.

Những ai có tâm với Phật giáo coi đó là phản ánh thời kỳ suy đồi, mạt pháp.

Những ai vô tâm, coi Phật giáo là nơi thoả mãn tâm linh và thị hiếu cá nhân, mỏ vàng trục lợi trên sự bất an ngày càng tăng của chúng sinh coi đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo nước nhà.

Tôi nghĩ, Thầy Thích Quảng Độ đau với hiện tình đất nước, và càng đau với độ trượt dốc không phanh của Phật giáo ngày nay. Một thời kỳ ‘sùng bái thú vật trong con người’.

‘Thời nó thế, nó buộc phải thế’, một Phật tử bày tỏ với tôi.

Trước mắt cả hai chúng tôi, lư hương ngập đầy nhang, thỉnh thoảng lắm mới thấy một người cắm một nén hương. Còn đâu thì là một nhóm hương, hoặc một cây hương to.

Một góc khuất đằng xa, là hàng ngàn nén hương lớn nhỏ bị vùi trong nước khi nó còn chưa cháy hết 1/2 chân hương.

Một quốc gia được điều hành bởi thuyết vô thần lại là một quốc gia mà chủ nghĩa phồn thực, chuộng vật chất leo cao đến mức ngất ngưởng. Buôn thần, bán thánh Phật lan tràn trong mỗi đình chiều miếu mạo, đến cả mạng xã hội Facebook.

Thời kỳ Công giáo bán ‘suất lên thiên đường’ cách đây hàng trăm năm ở Âu châu lại hiện diện tại Việt Nam ở hình thức mới mẻ hơn, ‘giải nghiệp bằng tiền cúng’, ‘thỉnh oan gia trái chủ’.

Làm thế nào để Chánh pháp trở lại đúng con đường ? Bà Phật tử già lảng tránh câu trả lời, vì bà nhận ra có vẻ câu hỏi đó là ‘nhạy cảm’ và bà sợ điều gì đó.

Nhiều người đề ra chấn hưng Phật giáo, nhưng bắt đầu từ đâu ?

Không cần phải đi quá xa, quá dài với ngôn từ đao to búa lớn. Chỉ cần nhìn vào Nỗi sợ hãi bao trùm xã hội, ngay cả trong giới phật tử để tìm thấy câu trả lời. Bởi có triệt tiêu sự sợ hãi thì khi đó, con người mới thoát ra sự ‘thoả mãn thú tính’, và ‘Đạo Trí Tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc’.

"Đừng sợ nữa, thì mới đưa con thuyền Chánh Pháp vượt lướt qua mọi cuồng phong bão táp. Phải có tinh thần vô uý thí để sử dụng tất cả phương tiện bố thí làm cho chúng sanh hết lo sợ trước mọi hiểm nguy và biến cố, giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi truyền kiếp, thì Đạo Trí Tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc". (Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ)

Văn Lang

Nguồn : VNTB, 25/02/2020

*******************

Báo chí nhà nước ‘răm rắp thực hiện theo di huấn’ của Hòa thượng Thích Quảng Độ ?

Mai Lan, VNTB, 25/02/2020

Lễ cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà-tỳ vào 8 giờ sáng ngày 25/02/2020, nhằm ngày 3/02/Canh Tý. Tro cốt của ngài được thờ cúng tại chùa Từ Hiếu, Sài Gòn trong 49 ngày, sau đó là thủy táng theo di huấn.

quangdo2

Di huấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, là tang sự của ngài được tổ chức đơn giản. Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.

Không đăng vì tuân thủ di huấn ?

Báo chí nhà nước Việt Nam đang răm rắp thực hiện theo di huấn này. Ngoại trừ báo Giác Ngộ của Thành Hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, thì không có bất kỳ một tờ báo nào trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin, theo đúng di huấn là "không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác" (!?).

Nhiều nguồn tin cho biết, báo Tuổi Trẻ, cơ quan thuộc Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, trên phiên bản điện tử có dẫn lại tin trên tờ Giác Ngộ về lễ nhập kim quang của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, song chỉ thời gian ngắn sau đó, tin tức đó đã được ‘tháo xuống’ trên trang báo điện tử.

Là tờ báo chuyên về Phật giáo, bài viết trên tờ Giác Ngộ cũng không giới thiệu thân thế của Hòa thượng Thích Quảng Độ dưới góc nhìn là một nhân vật lịch sử, gắn liền với biến động tôn giáo – chính trị ở miền Nam từ năm 1963 đến nay.

Trong lễ tang Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, quan sát danh sách ban tổ chức lễ tang, và những người đến viếng ngài, sẽ dễ dàng nhận ra có rất nhiều tên tuổi đang là cái gai một thời trong mắt chính quyền : Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Hòa thượng Thích Không Tánh, Hòa thượng Thích Nhật Ban, Hòa thượng Thích Thiện Minh, cư sĩ Lê Mạnh Thát…

Sở dĩ gọi là ‘cái gai’, vì sau khi đồng ý gia nhập một tổ chức mới mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc, thì những người đứng đầu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nhận ra tổ chức mới này lại phụ thuộc vào tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội". Không chấp nhận sự áp đặt về quyền lựa chọn chính trị, những lãnh tụ tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên bố rời bỏ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một câu chuyện cũ

Trong tham luận "Văn minh tiểu phẩm" của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết tại chùa Già Lam, Gò Vấp, Sài Gòn, đề ngày 10-11-2003, có phần biện giải như sau về phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam :

"Năm 1982 là cột mốc lớn cho Phật giáo Việt nam, với lời tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đảng không dại gì mà dựa lưng vào chỗ mình chưa nắm chắc. Do đó, bằng mọi giá phải cải tạo Phât giáo miền Nam, giống như cải tạo xã hội chủ nghĩa theo phương thức tịch thu tư liệu sản xuất và đưa các chủ tư bản đi lao động cải tạo.

Đảng biết chắc, tuy gặp phải chống đối quyết liệt của lãnh đạo Phật giáo, nhưng với bạo lực chuyên chính trong tay, sẽ phải cải tạo thành công. Trước hết, sự bức tử đối với Thượng tọa Tâm Hoàn, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình định, năm 1975, gây kinh sợ không ít cho những ai cưỡng lại ý chí của Đảng.

Kinh hoàng nhất là cái chết của Hòa thượng Thiện Minh năm 1978, trong trại giam K4, Bộ Nội vụ. Đó là thời gian tôi được giam cùng trại với Hòa thượng Thiện Minh, nhưng hoàn toàn cách ly. Chỉ biết rõ, khi nghe tiếng Hòa thượng trả lời thẩm vấn ở phòng hỏi cung kế cận. Tất cả điều đó củng cố cho tuyên bố của ông Mai Chí Thọ, bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nói thẳng với Hòa thượng Trí Thủ, bấy giờ là Viện trưởng Viện hóa đạo : "Các thầy chỉ có hai con đường, theo hoặc chống. Các thầy theo, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh hoạt. Các thầy chống, chúng tôi còn đủ xe tăng thiết giáp đó".

Hòa thượng trả lời : Không theo cũng không chống. Nhưng, đối với Đảng, không có con đưòng thứ ba".

Trong lễ tang Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được tín nhiệm trong vị trí Trưởng ban.

Hy vọng rằng với những gì mà Việt Nam đã cam kết trong thỏa thuận EVFTA về nhân quyền, mai này quyền tự do tôn giáo thực thi với việc bãi bỏ ràng buộc quy về dưới trướng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cũng chấm dứt luôn việc tôn giáo phải trong tổ chức hành chính Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đòi hỏi này không hề ‘phản động’.

Vì sao lại không ‘phản động’ ?

‘Phản động’ là chiếc mũ chính trị quen thuộc được áp dụng mỗi khi có ai đó cứ mãi làm trái ý của đảng cộng sản Việt Nam.

Trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của lịch sử, Phật giáo luôn song hành cùng dân tộc. Giáo lý từ bi, trí tuệ, vô ngã vị tha của đạo Phật đã hòa quyện với tinh thần nhân bản, nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam và đã tạo nên một sức sống mới cho dân tộc Việt Nam. Trong quá trình giao thoa tương tác, văn hóa Việt Nam đã bản địa hóa Phật giáo thành Phật giáo Việt Nam. Theo ý kiến của một số sử gia, thật khó hình dung được văn hóa Việt Nam nếu tách rời Phật giáo Việt Nam ; ngược lại, sẽ không có nhiều ý nghĩa cho sự tồn tại của mình khi Phật giáo đứng ngoài dòng chảy của dân tộc Việt.

Với tất cả hệ quả ấy, sẽ là vô nghĩa nếu như cứ duy ý chí bắt buộc Phật giáo phải đi theo cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa – điều mà như báo chí từng đăng tải lúc góp ý sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là không rõ khi nào Việt Nam có chủ nghĩa xã hội (1).

Cụ thể hơn, bài báo "Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải" trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đầu tháng 5-2014, có đoạn mở đầu như sau : "Một ngày cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông đáp : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm". Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông" (2).

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 25/02/2020

Chú thích :

(1)https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html

(2)https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html.

*******************

Học giả uyên thâm Phật học Thích Quảng Độ

Nguyễn Nam, VNTB, 24/02/2020

Hòa thượng Thích Quảng Độ được nhắc đến nhiều như một nhân vật chính trị, nhưng ít người để ý rằng ông cũng là một nhà nghiên cứu Phật học xuất sắc, như những người cùng thời với ông – thế hệ vàng của Phật học với những tên tuổi có thể vĩnh viễn nằm trên bảng vàng được xác chứng qua những tác phẩm họ để lại hậu thế.

quangdo3

Những tác phẩm đã xuất bản của tác giả Thích Quảng Độ (27/11/1928 – 22/02/2020), cựu giảng sư Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn :

- Kinh Mục Liên sám Pháp ;

- Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân ;

- Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân) ;

- Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện) ;

- Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964 ;

- Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận ;

- Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập) ;

- Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) ;

- Chiến tranh và bất bạo động ;

- Thơ trong tù 06/04/1977 – 10/12/1978 (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 năm Mậu Ngọ) ;

- Thơ lưu đày 25/02/1982 – 22/03/1992 (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…

Hiện tại, trên trang Thư viện Hoa Sen (1), có đưa lên mạng một số tác phẩm của Hòa thượng Thích Quảng Độ :

- Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Tiểu Thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân ;

- Phật Quang Đại từ điển ;

- Chân Như Quang của Phật giáo ;

- Chiến tranh và bất bạo động ;

- Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận…

Đa số tác phẩm đều do Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản.

Nhà văn Trần Trung Đạo, cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh, hồi tưởng :

"Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30/04/1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại.

Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật giáo cho sinh viên các khoa Khoa học Nhân văn và Phật Khọa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm.

Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác".

Thời gian Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chốn lao tù, ngài đã có nhiều thi phẩm được gọi là dòng thơ lưu đày, qua đó dân chúng phần nào hình dung ra những người ‘tù nhân lương tâm’/‘tù nhân chính trị’ như ngài ở quá khứ, và có thể là cả ở nhiều người hôm nay, mà người ta hay nhắc tới hai chữ "nhân quyền" :

Có nói rằng không, không : khỏi đấm

Đen làm ra trắng, trắng : ngon xôi

Cú kêu ta bảo là oanh hót

Cuội gọi thì thưa : "Dạ, Bố đòi !"

Như thế mới là người khôn đó

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi

Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời

Thấy kẻ phá chùa : khoanh tay đứng

Nhìn người đập tượng : nhắm mắt ngồi

Bắt bớ Tăng Ni : thây mẹ nó

Giam cầm Phật tử : mặc cha đời

Miễn được yên thân là khôn đấy

Can chi ậm oẹ để thiệt thòi

(…)

Võ vẽ làm thơ cho nhớ chữ

Tập tò ngâm vịnh để quên đời

(trích Liên ngâm dại khôn, Thơ lưu đày)

***

Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22/02/2020 (nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý), tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, trụ thế 93 năm.

Theo di huấn để lại, tang sự của ngài được tổ chức đơn giản. Tăng ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.

Lễ cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà-tỳ vào 8 giờ sáng ngày 25/02/2020 (nhằm ngày 3 tháng Hai Canh Tý), tro cốt sau khi hỏa thiêu được quàn tại chùa Từ Hiếu trong 49 ngày, sau đó sẽ được rải xuống biển theo di huấn của ngài.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 24/02/2020

(1)https://thuvienhoasen.org/

************************

Đại sứ quán Mỹ ca ngợi Hòa thượng Thích Quảng Độ

RFA, 25/02/2020

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 24/2 ra thông cáo báo chí ca ngợi những cống hiến của Hòa thượng Thích Quảng Độ cho tự do tôn giáo và nhân quyền.

quangdo4

Hình minh họa. Hòa thượng Thích Quảng Độ AFP

Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa qua đời hôm 22/2/2020 tại Chùa Từ Hiếu, phường 1, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 92 tuổi. Giáo hội mà ông đứng đầu là một giáo hội không được Chính phủ Việt Nam thừa nhận và bản thân ông cũng bị đàn áp, lưu đầy, bắt bỏ tù, và giam tại chùa trong nhiều năm từ sau cuộc chiến Việt Nam năm 1975.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, đại diện cho Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã "gửi lời chia buồn chân thành về việc Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất qua đời".

"Hòa thượng Thích Quảng Độ là người ủng hộ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, và ông luôn tận tâm theo đuổi công lý bằng các hình thức phi bạo lực. Những nỗ lực hòa bình này đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng quốc tế và ông đã nhiều lần được đề cử giả Nobel Hòa bình", thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ viết.

Video tại lễ tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Chùa Từ Hiếu hôm 24/2 được lan truyền trên Facebook cho thấy đại diện Đại sứ quán Mỹ đã đến thắp hương tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Truyền thông trong nước sau cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Độ gần như không đưa một dòng tin nào về ông. Chỉ có báo Tuổi Trẻ đăng một tin ngắn nhưng đã đột ngột rút tin vài giờ sau đó mà không nêu rõ lý do.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 25/02/2020

Published in Diễn đàn

Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch, thọ 92 tuổi

Tuấn Khanh, RFA, 22/02/2020

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2/2020 nhằm ngày 29/1 năm Canh Tý, Phật lịch 2563 tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Hưởng thọ 92 tuổi.

quangdo1

Hình minh hoạ. Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Thanh Minh thiền viện tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/7/2007 AFP

Hòa thượng Thích Quảng Độ là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, một Giáo hội không được nhà nước Việt Nam thừa nhận vì luôn khẳng định sự độc lập trong tinh thần tín ngưỡng và từ chối mọi sự thỏa hiệp với nhà nước vô thần. Ngài đã bị chính quyền Việt Nam sau 1975 bỏ tù nhiều năm, bị lưu giam ở Thái Bình trong giai đoạn 1970 - 1980. Vào năm 1995 hòa thượng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và bị phạt tù 5 năm và 5 năm quản chế với cáo buộc "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước". Ngài cũng từng bị bắt giam trở lại sau khi phát động các hoạt động nhân đạo cứu trợ cho đồng bào sông Cửu Long bị bão lụt vài năm 2007.

Năm 2018 có tin ngài không còn được lưu trú ở Thanh Minh Thiền Viện, Sài Gòn và phải quay về lại Thái Bình. Nhưng rồi ít lâu sau đó, ngài bí mật quay lại bằng xe lửa đường dài (do không được nhà nước cấp bất kỳ giấy tờ nào) và đến an trú tại chùa Từ Hiếu, cho đến khi viên tịch.

Với người dân miền Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng của một nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, và con người.

Lý do chính giới quốc tế nhiều lần đề cử giải Nobel Hòa Bình cho hòa thượng Thích Quảng Độ, vì ngài đã dành cả cuộc đời tranh đấu bất bạo động cho công lý, hòa bình, nhân quyền, dân chủ. Hòa thượng Thích Quảng Độ từng được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vinh danh các nhà hoạt động nhân quyền năm 2006. Cùng năm, Ngài được nhận giải Can đảm vì dân chủ do Phong trào Dân chủ thế giới trao tặng. Trước đó, năm 2003, Ngài từng lãnh giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và Linh mục Nguyễn Văn Lý.

Hòa thượng Thích Quảng Độ từng là giảng sư đại học, một nhà văn, một dịch giả với một kho tác phẩm rất đáng kính nể :

- Kinh Mục Liên Sám Pháp ;

- inh Đại Phương tiện Phật Báo Ân ;

- Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân) ;

- Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện) ;

- Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964 ;

- Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận ;

- Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận ;

- Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập) ;

- Phật Quang Đại Từ điển (9 tập) ;

- Chiến tranh và bất bạo động ;

- Thơ trong tù (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 Mậu Ngọ) ;

- Thơ lưu đày (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…

Sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ, là sự mất mát lớn của Phật giáo Việt Nam, giữa lúc các hoạt động giả tôn giáo được tổ chức mạnh mẽ để huyễn hoặc dân chúng từ sự yểm trợ của nhà nước vô thần.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 22/02/2020

*******************

Hòa thượng Thích Quảng Độ qua đời tại Việt Nam, thọ 93 tuổi

RFI, 23/02/2020

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, không được chính quyền công nhận, đã qua đời tối 22/02/2020 tại chùa Từ Hiếu (Sài Gòn), thọ 93 tuổi.

Trong một thông cáo công bố sáng 23/02/2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã loan báo tin trên và cho biết là Hòa thượng đã để lại di thư mong muốn được hỏa táng, tro cốt rải ra biển.

quangdo2

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. (Hình : Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Theo hãng tin Pháp AFP, sinh năm 1928 tại Thái Bình, Hòa thượng Thích Quảng Độ là một lãnh đạo tôn giáo đã dành gần hết cuộc đời để đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, một đất nước do đảng Cộng Sản cầm quyền.

Từ năm 2003 đến nay, Hòa thượng đã bị chính quyền Việt Nam quản chế trong thực tế, và ông đã nhiều lần được đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình nhờ các hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Theo AFP, Hòa thượng Thích Quảng Độ từng phải vào tù ra khám hay bị quản chế nhiều lần, bị chế độ buộc tội "hoạt động phản cách mạng" và không chấp nhận đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước.

Hai hoạt động đáng chú ý của Hòa thượng Thích Quảng Độ đã được AFP ghi nhận : Năm 2001, ông đưa ra "Lời kêu gọi dân chủ" cho Việt Nam và năm 2005, đã kêu gọi các nhà bất đồng chính kiến hai miền Nam và Bắc gác bỏ các bất đồng về văn hóa để hợp lực với nhau.

Với các nỗ lực đấu tranh bất bạo động vì các quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã được trao giải thưởng nhân quyền Rafto của Na Uy vào năm 2006.

Nguồn : RFI, 23/02/2020

*******************

Hòa thượng Thích Quảng Độ ‘hiến dâng cả đời đấu tranh cho tự do tôn giáo’

BBC, 22/02/2020

Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã viên tịch vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22/2, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý, tại chùa Từ Hiếu, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, trụ thế 93 năm, theo trang điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

quangdo3

Phái đoàn USCIRF thăm Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (giữa) vào ngày 18/09/2019. (Hình : Thich Nguyen Ly)

Ông là một lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tôn giáo vốn bị cấm hoạt động sau 1975 ở nước này. Ông từng đi tù nhiều năm và nhận giải thưởng quốc tế vì đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Ông có thế danh là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 tại tỉnh Thái Bình, ông là nhà biên dịch của nhiều bản kinh, sáng tác, biên soạn nhiều tác phẩm Phật giáo nổi tiếng, theo trang điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Tuy nhiên ông được biết đến rộng rãi hơn là một nhà sư đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam từ trước 1975.

Nhiều người đã bày tỏ lòng thương tiếc khi nghe tin ông viên tịch vào tối 22/2. BBC ghi nhận một số ý kiến ban đầu từ Hoa Kỳ về Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Cựu tù nhân lương tâm blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trả lời BBC hôm 23/2 rằng : "Đây là mất mát rất lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng như phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của Việt Nam ! Hòa thượng Thích Quảng Độ đã hiến dâng cả cuộc đời ông cho công cuộc đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam !".

"Ông là một trong những trụ cột chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, chịu nhiều đàn áp, bức hại từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhưng vẫn kiên định giữ sự độc lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không chịu phụ thuộc vào quản lý của nhà cầm quyền cộng sản".

Hòa thượng Thích Quảng Độ giữ chức Tăng thống Giáo hội Việt Nam Thống nhất từ năm 2008.

Trước đó, ngài là Viện trưởng Viện Hóa Đạo đặt tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn, từ năm 1999, duy trì hoạt động của Giáo hội trong nước mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam không thừa nhận.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình nhiều lần.

Thích Quảng Độ được bầu làm Tổng thư ký Viện hóa đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất năm 1965.

Ông từng bị chính quyền Việt Nam sau 1975 bỏ tù nhiều năm. Ông không đồng ý để chính quyền Hà Nội giám sát Giáo hội, Thích Quảng Độ kêu gọi biểu tình chống chế độ. Ông bị nhà chức trách lưu giam vào những năm 1970.

Đến năm 1995, ông cùng 5 người khác bị tuyên 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước".

Đến 9/2/1998, ông được đặc xá vì chính quyền nói ông đã "ăn năn, hối cải" nhưng có thông tin rằng phía Hoa Kỳ đã gây áp lực để ông được trả tự do cho và đưa ông sang Mỹ tỵ nạn tuy nhiên ông từ chối.

Ông trở về Thanh Minh Thiền Viện, nhưng gần như là bị quản thúc.

Năm 2003, ông được trao giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và linh mục Nguyễn Văn Lý.

Tháng 9/2006, ông được trao Giải Thorolf Rafto vì đã "dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam".

Cùng năm, ông cũng được nhận giải Can Đảm vì Dân Chủ do Phong trào Dân chủ thế giới trao tặng.

Năm 2013, Hòa thượng Thích Quảng Độ muốn tẩn xuất hòa thượng Thích Chánh Lạc, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo tại Hoa Kỳ, khỏi Giáo hội "vi phạm trọng giới Dâm và Vọng với những bằng chứng cụ thể, minh bạch không thể chối cãi".

Sau 20 năm ở Thanh minh Thiền viện, ông rời đi, trở về Thái Bình. Nhưng sau đó ông trở lại Sài Gòn và ở tại chùa Từ Hiếu cho đến khi viên tịch.

'Cống hiến cả đời cho tự do tôn giáo'

quangdo4

Chân dung Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trên trang website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất

Luật sư Nguyễn Quốc Lân, một người theo đạo Công giáo nhưng vẫn nhìn nhận rằng sự ra đi của Thích Quảng Độ là "một mất mát lớn".

"Ngài là biểu tượng cho sự sùng đạo và kiên cường theo giáo lý của nhà Phật. Ngài còn là một móc nối quan trọng giữa hai thế hệ quan trọng trong quan hệ với chế độ cộng sản và những thử thách mà Giáo hội Phật giáo đang trải qua".

Sau khi các nhân vật hàng đầu như Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch, blogger Điếu Cày nói ông dự đoán sắp tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở Việt Nam sẽ có những thay đổi về nhân sự lãnh đạo cũng như phương thức hoạt động.

"Khác với nhiều năm trước, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã có sự liên thông trong ngoài và mở rộng hoạt động tại hải ngoại.

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng phải nhận rõ những thách thức từ hệ thống chùa chiền và sư quốc doanh do nhà cầm quyền cộng sản đang thao túng, lôi kéo phật tử vào những hoạt động của tuyên giáo".

"Đây là thời điểm khó khăn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất nhưng cũng là dịp đẩy mạnh truyền thông để chấn hưng, phát triển các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong và ngoài nước".

Luật sư Lân thì tin rằng "truyền thống kháng cự và bảo vệ tín lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất sẽ tiếp tục tại hải ngoại" nhưng "sẽ khó tiếp tục tại Việt Nam".

"Đảng cộng sản Việt Nam đã cô lập hóa hầu hết các cơ sở, cấu trúc và truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Hòa thượng Thích Quảng Độ là móc nối sau cùng đó. Ngay cả tại hải ngoại, hiện tượng suy thoái đó cũng đã có dấu hiệu vì sự du nhập của nhiều tu sĩ Phật giáo từ Việt Nam trong thời gian gần đây".

Bà An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên, một phật tử thuận thành ở Nam California, Hoa Kỳ thì nói bà rất "xúc động" khi nghe tin Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch.

"Cầu xin vong linh của Hòa thượng sớm về cõi Niết Bàn và phù cho đồng bào trong nước có Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, bảo toàn lãnh thổ lãnh hải", bà chia sẻ với BBC.

Published in Văn hóa

Dân biểu Alan Lowenthal yêu cầu Đại sứ Mỹ xác định tình trạng Tăng thống Thích Quảng Độ (Người Việt, 12/10/2018)

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal, ngày 12 tháng Mười, đã gửi một lá thư kêu gọi Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến thăm Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ thuộc Tăng thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để xác định tình trạng sức khỏe của ông.

quangdo1

Dân biểu Lowenthal và Tăng thống Thích Quảng Độ tại Việt Nam năm 2015. (Hình : Văn phòng Dân biểu liên bang Alan Lowenthal cung cấp)

Vị Tăng thống hiện thời 91 tuổi, đã 16 lần được đề cử Giải Nobel Hòa Bình và thường xuyên lên tiếng tranh đấu vì tự do tôn giáo tại Việt Nam, đã bị mất liên lạc từ khi ông bị buộc phải rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện tại Sài Gòn gần một tháng trước đây.

Trong một lá thư gửi ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dân biểu Lowenthal đã giải thích như sau, "Tăng thống Thích Quảng Độ đã rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, và ông chỉ mang theo được ba bộ quần áo. Từ ngày 15 tháng Chín đến ngày 5 tháng Mười, Tăng thống Thích Quảng Độ đã như là người ‘vô gia cư’ và đã phải tá túc tại nhiều tự viện khác nhau khắp Sài Gòn".

Ngày 5 tháng Mười, vị tăng thống đã đi xe lửa về lại quê cũ của ông ở tỉnh Thái Bình, miền Bắc Việt Nam. Hiện tình sức khỏe ông vẫn còn chưa được rõ và người ta đã mất liên lạc với ông. "Tôi vô cùng lo lắng đến tình trạng hiện nay của Đức Tăng thống Thích Quảng Độ", Dân biểu Lowenthal bày tỏ lòng quan tâm.

Trong bốn thập niên qua, Tăng thống Thích Quảng Độ đã nhiều lần bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam cũng như theo dõi.

Là một vị lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Tăng thống Thích Quảng Độ đã phải chịu sự đàn áp từ chính quyền cộng sản Việt Nam vì phản đối sự thành hình của "Giáo hội Phật Giáo Việt Nam" do nhà cầm quyền thành lập và kiểm soát.

Năm 2015, Dân biểu Lowenthal đã gặp gỡ Tăng thống Thích Quảng Độ trong chuyến đi chính thức đến Việt Nam của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ.

Vào tháng Tư, 2018, Dân biểu Lowenthal đã chính thức nhận "đỡ đầu" và tranh đấu cho vị tù nhân lương tâm Tăng thống Thích Quảng Độ qua chương trình "Defending Freedom Project" của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.

Trong đoạn kết lá thư, Dân biểu liên bang Alan Lowenthal đã yêu cầu Đại sứ Kritenbrink, "… cùng với phái đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đến thăm Tăng thống Thích Quảng Độ ở địa điểm quê cũ của ông càng sớm, càng tốt để có thể để xác định hiện trạng sức khỏe ông".

Vị dân biểu tiếp : "Tôi cũng mong muốn Đại sứ quán Hoa Kỳ thiết lập một đường dây liên lạc với vị Tăng thống trước những biến cố xảy ra gần đây".

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal đại diện cho các thành phố và khu vực bao gồm Westminster, Garden Grove, Midway City, Anaheim, Buena Park, Stanton, Cypress, Long Beach, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, và Rossmoor thuộc địa hạt 47, California. (ĐG)

****************

Cướp đất dân Thủ Thiêm, Việt Nam đề nghị xây nhà sàn và ao cá ông Hồ (Người Việt, 13/10/2018)

Trong bối cảnh Thủ Thiêm được coi là "thủ phủ dân oan mất đất", và những người dân ở đây phải đi khiếu kiện ròng rã hơn 20 năm trời mà chưa biết kết quả thế nào, thì chính quyền ở Sài Gòn lại tiếp tục công bố dự định xây nhà sàn và ao cá Hồ Chí Minh ở quảng trường tại Thủ Thiêm.

quangdo2

Hình đồ họa quảng trường ở Thủ Thiêm. (Hình : InfoNet)

Trước đó, chính quyền thành phố này còn muốn xây nhà hát giao hưởng hơn 64 triệu USD nằm bên cạnh Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố trị giá 35 triệu USD nay đang bỏ hoang ở Thủ Thiêm, mà theo báo Zing hôm 11 tháng Mười, 2018, mô tả là "Hiện tại lô đất này là vùng đầm lầy, cây cối mọc um tùm. Một phần diện tích là mặt hồ đầy rau muống".

Theo báo InfoNet, ngày 12 tháng Mười, Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch đề nghị cho ý kiến về quảng trường trung tâm tại khu đô thị Thủ Thiêm.

Báo này cho hay, dự án quảng trường gồm các hạng mục "quảng trường, cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày hiện vật về Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá gắn liền với ông này".

Cũng cần nói thêm là ao cá ông Hồ tại Hà Nội gần như chỉ có công dụng là nơi để Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phô diễn màn cho cá ăn mỗi khi đón tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam.

quangdo3

Người dân Thủ Thiêm đã chịu đựng khổ cực hơn 20 năm theo dự án Thủ Thiêm. (Hình : Dân Việt)

Khu quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại Thủ Thiêm dự trù được xây dựng trên diện tích 27 hécta. Quảng trường được công bố là "lớn nhất Việt Nam", bởi vì từ trước đến nay thành phố này "chưa đầu tư xây dựng quảng trường phục vụ lợi ích xã hội mang tầm vóc lớn, xứng tầm là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của cả nước để phục vụ nhu cầu của nhân dân".

Không thấy các báo ở Việt Nam đề cập về kinh phí xây quảng trường và những công trình liên quan đến ông Hồ, nhưng chắc chắn những con số cho dự án này không thể dưới trăm triệu đô la từ tiền thuế của dân.

Hôm 13 tháng Mười, nhiều blogger đồng loạt bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội về đề nghị nêu trên. Hầu hết ý kiến cho rằng nếu đã xây các công trình liên quan đến ông Hồ ở Thủ Thiêm thì cần xây thêm "chi nhánh" lăng mộ của ông này cho "trọn vẹn".

Ông Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội, đưa giải thích trên trang cá nhân : "Một giáo sư Harvard khả kính đã nói con đường phi kinh tế nhất được xây dựng tại Việt Nam nhưng không ai dám phản đối vì những người quyết định đã đặt tên cho nó là đường Hồ Chí Minh. Nay mấy ông chính quyền ở Sài Gòn lại xài chiêu này để che đậy tội ác họ đã gây ra ở Thủ Thiêm ? Còn mấy năm sau, dân đổi tên thì các vị ấy đã tút sang Canada rồi".

quangdo4

Bà Trần Thị Mỹ, một người dân Thủ Thiêm, đã nhiều năm liên tục đi khiếu kiện do những sai phạm của chính quyền ở Sài Gòn khi triển khai dự án này. (Hình : Một Thế Giới)

Trong một diễn biến khác, nhằm giảm bớt phần nào sự phẫn nộ của công luận trước việc vung tay chi hàng chục triệu đô la xây nhà hát trong lúc trẻ em không đủ chỗ nằm trong bệnh viện, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn Nguyễn Thành Phong được dẫn lời trên báo Zing : "Bên cạnh việc xây nhà hát giao hưởng, thành phố cũng xây thêm ba bệnh viện ở huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Thủ Đức".

"Không phải vì đầu tư nhà hát mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ ủy ban vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như Sài Gòn đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện… Nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan", báo Zing dẫn lời ông Phong. (T.K.)

*******************

Nhiều nhà hát ở Hà Nội hoạt động cầm chừng, ‘chỉ mong được bao cấp mãi’ (Người Việt, 13/10/2018)

Được xây dựng quy mô, đa số nằm ở vị trí đẹp, thế nhưng nhiều nhà hát ở thành phố Hà Nội thưa vắng khán giả, phải cho thuê tổ chức sự kiện hoặc chờ bao cấp để tồn tại.

quangdo5

Nhà hát Chèo Việt Nam "chỉ mong được bao cấp mãi". (Hình : VnExpress)

Hôm 13 tháng Mười, 2018, báo Việt NamExpress cho biết Hà Nội hiện có khoảng 20 nhà hát do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Sở Văn Hóa-Thể Thao quản lý. Trừ Cung Văn Hóa Hữu Nghị có 1,200 ghế ngồi, số còn lại đều có quy mô từ 100 đến hơn 800 chỗ.

Lâu đời nhất với hơn 107 năm là Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi luôn được giới nghệ sĩ xem là "thánh đường nghệ thuật". Khán phòng nhà hát cao ba tầng tổng cộng có 870 ghế ngồi.

Tuy mỗi tháng trung bình có khoảng tám chương trình đủ thể loại từ hòa nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, ballet đến lễ kỷ niệm, show quảng cáo… được tổ chức, nhưng theo bà Nguyễn Thu Phương, trưởng Phòng Tổ chức Biểu diễn, cho biết : "Thường chỉ một vài buổi trong năm khách ngồi kín ghế". Chính vì vậy, bà cho hay : "Là đơn vị tự chủ, nguồn thu chủ yếu của nhà hát từ tiền cho thuê rạp".

Để tăng thêm thu nhập, hồi đầu tháng Chín, 2017, nhà hát mở tour thăm viếng hai ngày trong tuần có bán vé. Tuy nhiên, hoạt động chỉ được ba tháng rồi dừng cho tới nay vì không có khách.

quangdo6

Nhà hát Lớn Hà Nội "chỉ một vài buổi trong năm khách ngồi kín ghế". (Hình : Việt NamExpress)

Từ nhiều năm nay, Rạp Hát Kim Mã của Đoàn Chèo Việt Nam thưa vắng khách. Sau thời gian tu sửa với kinh phí 24,6 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD), rạp hát hoạt động trở lại từ cuối năm 2009. Các buổi biểu diễn chèo được tổ chức định kỳ vào tối Thứ Sáu hằng tuần ở sân khấu 100 ghế ngồi.

"Nhiều buổi diễn chỉ có hai khách xem, chúng tôi chấp nhận bù lỗ để diễn vì tôn trọng khán giả. Một năm được vài buổi kín ghế. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, bán vé như đi câu, ngày nhiều ngày ít. Vào mùa Hè, mùa du lịch, lượng vé bán rất ít. Diễn viên Nhà Hát Chèo Việt Nam vẫn phải thường xuyên đi diễn ở khắp nơi để kiếm sống", bà Vũ Hương Lan, quyền trưởng Ban Quản Lý Rạp Hát Kim Mã, cho biết.

Để không bị lạnh lẽo, Rạp Hát Kim Mã cho thuê rạp, làm nơi triển lãm ảnh. Ngay trong sân rạp hát có một quán cà phê rộng, mà theo bà Lan giải thích : "Hợp tác với quán này để bán vé và phục vụ trong lúc khán giả chờ đến giờ diễn".

Tương tự, Nhà Hát Múa Rối Việt Nam đang rất khó khăn. "Ở xa trung tâm nên khán giả có muốn đến cũng gặp khó. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ đón được khoảng 100 khách", bà Ngô Thanh Thủy, giám đốc nhà hát, nói.

Về nguồn thu bà Thủy chia sẻ, vì là "đơn vị sự nghiệp có thu" nên vẫn được Bộ Văn Hóa bao cấp lương, bảo hiểm…"Tôi chỉ mong được bao cấp thế này mãi, không phải tự chủ là mừng lắm rồi", bà Thủy bày tỏ.

quangdo7

Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ "nếu tặng vé thì có người đến xem, chứ bán thì không ai mua". (Hình : VnExpress)

So với những nơi khác, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ khá hơn tất cả nhờ có địa điểm thuận lợi nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi tháng nơi này diễn ra 15-16 sự kiện.

Ngoài các chương trình của đơn vị chủ quản là Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam được xây dựng để bán vé, Trung tâm Âu Cơ cũng phải cho thuê rạp tổ chức sự kiện đủ thể loại từ chèo, tuồng, cải lương, kịch, múa rối cho đến hội nghị, trao giải thưởng, lễ kỷ niệm… Với khoảng 800 ghế, mỗi năm trung tâm đón gần 100.000 lượt khán giả.

Song, ông Phạm Huy Hoàng, trưởng Ban Quản lý Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, cho biết so với các đơn vị khác tuy nơi này "hoạt động có hiệu quả" nhưng cũng đang gặp khó.

Ông Hoàng thẳng thắn nói : "Công chúng hiện giờ chỉ mua vé xem chương trình của ngôi sao thời thượng. Nếu chúng tôi tặng vé thì có người đến xem, chứ bán thì không ai mua".

"Hiện trung tâm không phải bù lỗ, tự chủ tài chính. Chỉ khi mua sắm trang thiết bị hoặc sửa chữa lớn chúng tôi mới làm dự án trình lên Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị cấp kinh phí", ông Hoàng cho biết và dự tính thời gian tới sẽ liên kết với các ngân hàng tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật. (Tr.N)

Published in Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên đường giải tán ? (Người Việt, 07/10/2018)

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hống nhất sẽ không có tăng thống sau khi vị giáo chủ đương nhiệm qua đời, theo sự loan báo của ngài được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đưa tin.

phat1

Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh thiền viện ở Sài Gòn hôm 3 tháng Chín, 2018. (Hình : IBIB)

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris (IBIB) đưa tin Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống đời thứ 5 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất) đã bị vị trụ trì Thanh Minh thiền viện đuổi ra khỏi chùa từ hai tuần qua. Ngài đã phải sống lang thang tạm bợ và ngày 5 tháng Mười, 2018 thì lên xe lửa về quê nhà tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Hòa thượng Thích Quảng Độ, 90 tuổi, cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang đệ tứ tăng thống nay đã viên tịch, và nói chung cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nổi tiếng thế giới với tấm gương kiên trì, can đảm chống đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Ngài đã từng bị chế độ Hà Nội bỏ tù 8 năm và suốt mấy chục năm qua, bị giam lỏng tại Thanh Minh thiền viện ở Phú Nhuận, Sài Gòn.

"Nguyên nhân ra đi này, theo tin tức và nhận xét của chúng tôi, đến từ áp lực của Hòa thượng Thích Thanh Minh, viện chủ Thanh Minh thiền viện, tọa lạc tại số 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn, không còn muốn cho Đức Tăng thống tiếp tục tá túc vì lý do chính trị cũng như kinh tế của thiền viện", ông Võ Văn Ái, trưởng văn phòng IBIB viết trong bản tin.

"Có lẽ không còn chờ đợi thêm, hôm 15 tháng Chín vừa qua, Hòa thượng Thanh Minh ‘mời’ Đức Tăng thống ra khỏi Thanh Minh thiền viện. Ngài chỉ kịp lấy ba bộ y áo tăng bỏ vào va-li nhỏ ra đi. Liền tức khắc, Hòa thượng Thanh Minh đã cho khóa trái cửa thang gác đưa lên phòng ngài. Tất cả kinh sách, vật dụng của ngài, Đại đức Thị Giả không thể vào lấy chuyển đi", IBIB viết.

Hòa thượng Quảng Độ từng được đề nghị giải Nobel Hòa Bình nhiều lần. Từ khi nhuộm đỏ được miền Nam Việt Nam, chế độ Hà Nội không công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là một giáo hội độc lập mà chỉ công nhận "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" tức một giáo hội thường bị dư luận gọi là "Phật Giáo quốc doanh" nghe theo lệnh của nhà cầm quyền.

phat2

Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh thiền viện ở Sài Gòn năm 2007. (Hình : Getty Images)

Nhưng từ năm 2013 và một hai năm sau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất có những rắc rối nội bộ dẫn đến nhiều thay đổi đột ngột nhân sự cấp cao trong hai Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo, dẫn đến một số vị bị đẩy ra ngoài thành lập một hệ phái khác tại cả trong nước và hải ngoại. Trong đó, có nhiều vị rất nổi tiếng về đấu tranh cho tự do tôn giáo nói chung và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất nói riêng.

Mới đây nhất, trong bức thư gửi từ trong nước đề ngày 3 tháng Mười, 2018 được IBIB đăng tải, Hòa thượng Thích Quảng Độ ra hai quyết định gồm "Bãi nhiệm chức vụ tổng thư ký cùng các chức vụ khác trong Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo của đạo hữu Nguyên Chánh Lê Công Cầu, kể từ ngày ký bức Tâm Thư này. Mọi quyết định, giáo chỉ liên quan đến chức vụ của đạo hữu Cầu trước đây đều hủy bỏ, vô hiệu hóa".

Và trong quyết định thứ hai "Tháng Năm năm ngoái, 2017, tôi viết hai bản Di chúc và Di huấn căn dặn những Phật sự Giáo hội một khi tôi ra đi về cõi Phật. Trong di chúc có khoản tôi dự tính trao cho Hòa thượng Thích Tâm Liên chức vụ Xử lý thường vụ Viện Tăng thống để điều hành Phật sự cũng như nhất tâm với chư tôn đức Hội đồng Lưỡng Viện bảo vệ pháp lý lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Chờ ngày thuận duyên có thể tự do tổ chức Đại hội Khoáng đại lần thứ 11 để Hội đồng Giáo phẩm trung ương chọn lựa và suy tôn một vị trưởng lão vào chức vụ Đệ lục Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Tôi đã gửi hai bản Di Chúc và Di Huấn đó sang Phòng Thông tin Phật giáo quốc tế ở Paris để ban hành và công bố ngày nào tôi không còn nữa".

Bức thư viết tiếp rằng "Nay tôi quyết định bãi truất chức vụ Xử lý Thường vụ dự tính trao cho Hòa thượng Thích Tâm Liên như đã viết trong di chúc năm ngoái. Vậy Hòa thượng Thích Tâm Liên sẽ không còn giữ chức vụ Xử lý thường vụ Viện Tăng thống một khi tôi ra đi. Trái lại, chờ ngày đất nước được thực sự tự do sinh hoạt tôn giáo, để Hội đồng Giáo phẩm trung ương Viện Tăng thống có thuận duyên tổ chức Đại hội khoáng đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất suy tôn Đức Đệ Lục Tăng thống, nối tiếp công trình hoằng hóa chúng sinh của Phật Giáo Việt Nam mà lịch đại tổ sư trao truyền hơn hai nghìn năm qua".

Bao giờ "đất nước được thực sự tự do sinh hoạt tôn giáo" là một điều hoàn toàn không ai xác định được. Nói khác, nếu chẳng may ngài viên tịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất từ đó sẽ không có ai là lãnh tụ cao nhất. Có tránh khỏi tan rã hay không ? Đây là một dấu hỏi lớn.

Chỉ thấy bức tâm thư của Hòa thượng Thích Quảng Độ chấm dứt với những lời lẽ rất quyết liệt : "Tâm thư và quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chỉ thị Đạo hữu Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc phổ biến trong thời gian sớm nhất bức tâm thư và quyết định này. Tất cả mọi quyết định, giáo chỉ, văn kiện gì của Giáo hội ban hành trước đây liên quan tới hai vụ việc nói trên hoặc trái với tâm thư và quyết định hôm nay đều hủy bỏ, vô hiệu hoá".

Khi hòa thượng Quảng Độ về quê nhà ở Thái Bình, ngài khó tránh khỏi bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cô lập tiếp, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. (TN)

********************

Hòa thượng Thích Quảng Độ bị đuổi khỏi Thanh Minh thiền viện (RFA, 07/10/2018)

Dưới áp lực chính trị, Hòa thượng Thích Quảng Độ, đức Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị trục xuất khỏi Thanh Minh thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/9 vừa qua, nơi ngài đã tá túc hàng chục năm qua sau khi ra tù vào năm 1998, theo thông tin từ Phòng thông tin Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

phat3

Từ trái qua phải Dân biểu Tom Emmer, Dân biểu Matt Salmon, Trưởng phái đoàn, và Dân biểu Alan Lowenthal lúc chia tay bên ngoài Thanh Minh Thiền Viện. (Hình : IBIB, 04/05/2015)

Ông Võ Văn Ái, người phát ngôn của Giáo hội hôm 7/10 cho Đài Á Châu Tự Do biết, kể từ khi bị đuổi khỏi Thanh Minh thiền viện, đức Tăng thống đã phải rày đây mai đó và cuối cùng vào ngày 5/10, ngài đã quyết định rời Sài Gòn về quê quán của mình ở Thái Bình. Ông Ái cho biết :

"Vào ngày 15/9 vừa qua như chúng tôi viết trong thông cáo báo chí là Hòa thượng Thanh Minh mời ngài ra khỏi Thanh Minh thiền viện nhưng vì lịch sự mà chúng tôi nói vậy nhưng kỳ thực đó là đuổi ra khỏi Thanh Minh thiền viện và ngài không có một nơi nào để có thể tá túc được do áp lực chính trị. Do vậy ngài đã phải rày đây mai đó và tới ngày 5/10 ngài quyết định lấy tàu suốt về quê tổ của mình là ở Thái Bình".

Theo ông Võ Văn Ái, việc Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Thanh Minh thiền viện lâu nay đã có những vấn đề vì Hòa thượng Thích Thanh Minh, trụ trì Thanh Minh thiền viện đã nhiều lần phàn nàn về những áp lực chính trị mà Hòa thượng và chùa của ông phải chịu vì sự có mặt của Hòa thượng Thích Quảng Độ.

"Trong hai năm qua, Hòa thượng Thanh Minh đã nhiều lần nói với chúng tôi tức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Hòa thượng nói là kể từ khi Hòa thượng Quảng Độ về tá túc tại Thanh Minh thiền viện thì chùa gặp khó khăn. Quần chúng, phật tử không dám tới vì công an canh gác. Người nào tới thì bị chụp hình…", ông Ái cho biết.

Đài Á Châu Tự Do không thể liên lạc được với Thanh Minh thiền viện để hỏi về sự việc này.

Hòa thượng Thích Quảng Độ, năm nay 91 tuổi, là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội không được nhà nước Việt Nam thừa nhận. Ông đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù nhiều năm, bị lưu giam ở Thái Bình trong giai đoạn 1970 - 1980. Vào năm 1995 ông bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và bị phạt tù 5 năm và 5 năm quản chế với cáo buộc "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước". Ông bị bắt giam sau khi phát động các hoạt động nhân đạo cứu trợ cho đồng bào sông Cửu Long bị bão lụt.

Đến năm 1998, dưới áp lực từ Hoa Kỳ, Hòa thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ nhưng ngài từ chối và nói rằng ngài phải ở lại trong nước với quần chúng phật tử.

Sau đó Hòa thượng Thích Quảng Độ đã tá túc tại Thanh Minh Thiền viện, nhưng thực chất bị giam giữ tại gia. Ông Ái cho biết :

"Ngài ở tầng 2 ở thiền viện, chỉ cần bước xuống thang gác là có thể thuyết pháp rồi, mà vị trí của một vị tăng là phải thuyết pháp cho quần chúng nhưng ngài bị cấm. Có một đồn công an nằm trước thiền viện kiểm soát rất kỹ. Sau này khi ngài bị bệnh nặng thì có cho phép đi khám bệnh ở các bệnh viện ở Sài Gòn và công an theo dõi kỹ. Chỗ đó như nhà tù".

Hòa thượng Thích Quảng Độ đã từng nhận nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế, và đã từng được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Trước khi đi khỏi Sài Gòn, trên chuyến tàu ra Bắc, Hòa thượng Thích Quảng Độ nói chuyện với ông Võ Văn Ái của Phòng Thông tin Phật giáo quốc tế và khẳng định sẽ tiếp tục công việc của mình. Hòa thượng nói :

"Tôi về quê thì coi như nhập thất nhưng có chùa nhỏ thì tụng kinh. Nhưng giáo hội trước thế nào sau thế, chết thì thôi, làm sao bỏ được Giáo hội".

Published in Việt Nam

Việt Nam phản đối một quyết định của hội đồng Liên Hiệp Quốc (VOA, 18/04/2018)

Việt Nam cùng 5 nước khác, trong đó có Trung Quc và Nga, mi chng mt quyết đnh ca Liên Hip Quc, cho phép t chc nhân quyn ca M được phép phát biu ti Hi đng Nhân quyn cũng như các cơ quan khác ca Liên Hip Quc.

lhq1

Đại s Vit Nam ti Liên Hip Quc, bà Nguyn Phương Nga.

Theo AP, Hội đng Xã hi và kinh tế gm 54 thành viên đã chp thun đơn ca hai t chc ca M gm y ban Nhân quyn Bc Hàn vi t l thun chng là 29/6 trong khi có 13 phiếu trng, cũng như đơn ca Trung tâm Ghi nhn Nhân quyn Iran vi t l thun chng là 22/7 trong khi có 17 phiếu trng.

Hồi tháng Hai, y ban v các t chc phi chính ph ca Liên Hip Quc gm 19 thành viên đã bỏ phiếu chng, không cp phép cho hai t chc trên, nhưng Hoa Kỳ và Canada đã "thưa" lên cơ quan "m" ca y ban này là Hi đng Xã hi và Kinh tế mà M có nhiu hu thun hơn.

Đại s M ti Liên Hip Quc Nikki Haley được trích li nói rng các lá phiếu chấp thun trên là "chiến thng cho nhân quyn".

lhq2

Đại s M ti Liên Hip Quc Nikki Haley.

Theo AP, bà cũng nói thêm rằng các t chc phi chính ph "không nên b chn tham gia các hot đng Liên Hiệp Quc, nht là khi công vic ca h ri ánh sáng lên nhng vi phm nhân quyn ti t nht trên thế gii".

Trước cuc b phiếu hôm 17/4, Bc Hàn cáo buc t chc ca M có các hot đng "chính tr hóa và thiên v" nên không đ tư cách đ được trao v thế tham vn ti Liên Hip Quc.

Nhưng có sáu nước ng h quan đim ca Bc Hàn và b phiếu chng vic cp phép, đó là Vit Nam, Trung Quc, Nga, Nam Phi, Venezuela và Belarus.

Còn về cuc b phiếu v trung tâm nhân quyn Iran, sáu nước trên cùng vi Iraq bỏ phiếu chng, theo AP.

*********************

Hòa thượng Thích Quảng Độ : hồ sơ tiêu biểu cho sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam (Mạch Sống, 18/04/2018)

Tại Hội nghị thượng đỉnh do Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF-United States Commission on International Religious Freedom) tổ chức, nhiều diễn giả bày tỏ quan tâm về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.

hoinghi1

Uỷ viên USCIRF Jackie Wolcott cùng với Mục sư Chính và phái đoàn vận động tư do tôn giáo do BPSOS phối hợp, ngày 21/02/2018 (ảnh Huỳnh Khôi)

Đến phần hội thảo về tù nhân lương tâm, Ủy hội USCIRF chính thức công bố quyết định chọn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là 1 trong 7 tù nhân lương tâm tiêu biểu cho tình trạng đàn áp tôn giáo trên thế giới.

Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch của Ủy hội, là người giới thiệu vị tù lương tâm Việt Nam này :

"Hòa thượng Thích Quảng Độ là đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, năm nay đã 90 tuổi và đã bị cô lập trong suốt 32 năm, hoặc bị tù hoặc bị giam lỏng".

hoinghi2

Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và chân dung Hòa thượng Thích Quảng Độ trong buổi điều trần trước Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Tom Lantos, ngày 15/2/2018.

Bà Arriaga cho biết là năm 1997, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã bị đàn áp nặng nề khi đứng ra cứu trợ nạn nhân bão lụt, một hành động xuất phát từ niềm tin tôn giáo.

"Hồ sơ này tiêu biểu cho cách nhà nước Việt Nam đối xử với tất cả các tôn giáo", bà Arriaga nói". Tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia đặc biệt quan tâm".

Hành pháp Hoa Kỳ có thẩm quyền chỉ định "quốc gia đặc biệt quan tâm" (CPC) đối với quốc gia nào có tình trạng đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn.

Kế đến, bà Jackie Wolcott, cựu Đại sứ và Ủy viên USCIRF, giới thiệu Mục sư Nguyễn Công Chính. Chỉ vào dãy hình các tù nhân lương tâm tiêu biểu ở sau lưng, bà nói :

"Chúng tôi không còn cần phải treo tấm hình của Mục sư Nguyễn Công Chính vì ông ấy đang ngồi đây, và đó là tin mừng mà tôi muốn chia sẻ với quý vị".

Trong phần phát biểu của mình, Mục sư Chính cho biết là sự lên tiếng của các dân biểu Hoa Kỳ đã làm giảm đi tình trạng tra tấn và hành hạ nhắm vào ông trong thời gian ở trong tù. Ông cũng cảm ơn Bộ ngoại giao và Ủy hội USCIRF đã can thiệp mạnh mẽ để chấm dứt cuộc tra tấn kéo dài gần 2 tháng nhắm vào vợ của ông, bà Trần Thị Hồng.

"Tôi kêu gọi các dân biểu Hoa kỳ nhận bảo trợ các tù nhân lương tâm, để bảo vệ tính mạng ; ngăn chặn các biện pháp tra tấn, nhục hình ; và để gia đình họ có quyền thăm nuôi và chuyển thông tin ra ngoài", Mục sư Chính nói.

hoinghi3

Mục sư Nguyễn Công Chính (thứ nhì từ bên trái) đang phát biểu, với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng ngồi bên cạnh tại hội nghị diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn sáng thứ Tư, 18 tháng 4, 2018. (Mạch Sống)

Sau phần phát biểu, Mục sư Chính trao tấm biển tri ân đế bà Jackie Wolcott, người đã bảo trợ cho ông khi còn ở trong tù.

"Phần này không có trong chương trình", cựu Đại sứ Wolcott giải thích trong sự bất ngờ và cảm động.

Nhiều diễn giả tại hội nghị đã nêu mối quan ngại về hiện tượng Hội Cờ Đỏ đang lan ra ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS, cho biết là tổ chức của ông đã gửi trước hồ sơ về Hội Cờ Đỏ cho các ủy viên USCIRF và nhiều diễn giả của hội nghị.

Sau hội nghị kết thúc, nhiều phóng viên đã phỏng vấn Mục sư Chính về những trải nghiệm bản thân và tình trạng bách hại tôn giáo nói chung ở Việt Nam.

Một số tổ chức nhân quyền đã gặp Tiến sĩ Thắng để bàn việc phối hợp lâu dài.

Tại bàn thông tin của Hội nghị, BPSOS đã phổ biến tài liệu về Hội Cờ Đỏ và thông tin về chương trình NOW !, một nỗ lực lâu dài để bảo vệ nhân quyền của tất cả tù nhân lương tâm Việt Nam và đòi tự do cho họ.

*****

Phát biểu của Mục sư Nguyễn Công Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế

Nhân dịp 20 năm kỷ niệm USCIRF, tôi thay mặt Hiệp hội Vietnamese People’s Evangelical Fellowship gửi lời cầu nguyện và chúc mọi điều may mắn tốt lành nhất đến với quý thành viên có mặt trong Hội nghị.

Tôi cảm ơn Đại biểu Alan Lowenthal và Đại biểu Bill Posey lên tiếng, làm giảm đi sự đàn áp và tra tấn khi tôi ở trong nhà tù. Tôi cũng cảm ơn sự can thiệp của Bộ ngoại giao, USCIRF để công an Việt Nam chấm dứt cuộc tra tấn kéo dài 2 tháng đối với vợ của tôi, chỉ vì cô ấy gặp phái đoàn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để cầu cứu cho tôi. Nhờ áp lực quốc tế mà chế độ ở Việt Nam trả tự do cho tôi, với điều kiện gia đình tôi phải lưu vong. Tôi đặc biệt cảm ơn cựu Đại sứ David Saperstein, Ủy viên Jackie Wolcott, Linh mục Thomas Reese và Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos.

Chính quyền Việt Nam đàn áp một người để khủng bố tinh thần nhiều người. Nhượng bộ áp lực quốc tế, họ có thể thả một tù nhân lương tâm, nhưng lại bắt thêm nhiều người khác.

Sau khi trả tự do cho tôi hồi tháng 7 năm ngoái, họ đã bắt hàng loạt người trong các vụ án Hội anh em dân chủ, vụ án Fomosa Nghệ Tĩnh, vụ án ông Bùi Văn Trung, vụ án ông Vương Văn Thả, và gần đây là vụ án 12 người Thượng ở Tây Nguyên. Chỉ trong 2 tuần qua, 9 tù nhân lương tâm bị xử tổng cộng 83 năm tù và 30 năm quản chế. Theo danh sách của BPSOS, Việt Nam hiện có khoảng 170 tù nhân lương tâm, đa phần là tù nhân tôn giáo. Xin xem tài liệu về chiến dịch NOW ! của BPSOS đặt ở bàn thông tin.

Các tù nhân tôn giáo và chính trị bị đối xử tệ hơn tù hình sự : thường xuyên bị biệt giam, thực phẩm rất kém ; nước uống có vôi, phèn ; không được chăm sóc y tế ; không được viết thư cho gia đình ; không được ra ngoài sinh hoạt tập thể ; và nhiều hạn chế khác. Nhiều người sau khi ra khỏi tù 6 tháng hoặc vài năm đã chết vì bệnh. Số tù nhân lương tâm bị tra tấn hoặc bị đầu độc đến chết từ năm 2000 đến nay là khoảng 127 người, nhiều nhất là người Thượng Tây Nguyên, Hmong Tây Bắc và Khmer Krom Tây Nam Bộ.

Chính phủ Hoa kỳ cần tăng áp lực ngoại giao, và áp dụng các biện pháp chỉ định CPC và chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu để thúc đẩy Hà Nội phóng thích tất cả tù nhân lương tâm. Đồng thời, tôi kêu gọi các dân biểu Hoa kỳ nhận bảo trợ họ, để bảo vệ tính mạng ; ngăn chặn các biện pháp tra tấn, nhục hình ; và để gia đình họ có quyền thăm nuôi và chuyển thông tin ra ngoài".

Nguồn : http://machsongmedia.com, 18/04/2018

Published in Việt Nam

Học sinh trường Trung học ở Massachusetts, Hoa Kỳ, viết thiệp Chúc Tết Tăng thống Thích Quảng Độ

quangdo1

Tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn, Tăng thống đọc các Thiệp Chúc Tết của Học sinh ở Hoa Kỳ

Tăng thống Thích Quảng Độ, nhà bất đồng chính kiến, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất hiện vẫn còn bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện, sau gần bốn mươi năm bị giam tù, lưu đày về quê quán, quản chế, vừa nhận được tập thiệp Chúc Tết do nhóm Ân Xá Quốc tế tại thành phố Boston và các học sinh trường Trung học Lexington High School, tiểu bang Massachussetts,Hoa Kỳ viết gửi để bộc lộ niềm ngưỡng mộ bậc Cao tăng Phật giáo bỏ suốt đời vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Trong quá khứ họ từng biểu tỏ tương tự qua thư viết vấn an. Nhưng chẳng bao giờ thư hay thiệp chúc đến tay ngài, vì con mắt kiểm duyệt của công an bưu điện. Lần này họ nhờ Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam chuyển giúp qua đường dây riêng.

Tăng thống đã nhận được tuần trước, ngài rất vui và bảo thị giả chụp vội mấy tấm hình gửi nhờ Ủy ban chuyển giúp qua Hoa Kỳ, như lời cảm tạ với những lòng dạ huynh đệ chốn xa cách.

Nhóm Ân Xá Quốc tế tại thành phố Boston do ông Alvin Jacobson chủ trương đã đứng ra bênh vực cho trường hợp Nhị vị Tăng thống Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ suốt 20 năm qua. Liên hệ với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để xin cung cấp tài liệu về hai ngài. Họ đã viết đều đặn hàng nghìn bức thư cho nhà cầm quyền Hà Nội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để bênh vực cho Nhị vị Cao tăng lâm nạn bất công. Đây là phương thức hoạt động của tổ chức Ân Xá Quốc tế, mỗi đơn vị trong thế giới chọn một tù nhân chính trị hay tù nhân vì lương thức để bênh vực, cung cấp cho nhà cầm quyền quốc gia địa phương những hành xử chính đáng của tù nhân theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và yêu sách trả tự do cho người bị đàn áp. Đồng thời họ viết thư cho chính phủ nước họ yêu sách áp lực cho người họ bênh vực. Họ âm thầm làm việc như con ong, cái kiến, chẳng la lối, khoe khoang, bất kể thành bại.

Ngoài 2 công việc chính trên, nhóm Ân xá Quốc tế còn nỗ lực thông tin rộng rãi trong vùng về tình trạng của Nhị vị Tăng Thống. Họ gặp gỡ báo chí, các vị Dân biểu, đến nói chuyện tại các Đại học, Trung học, các nhà thờ giải thích và cung cấp tin tức về hai ngài, khuyến khích mọi người tìm hiểu để lên tiếng bênh vực nhân quyền tại Việt Nam.

Với chúng tôi, được tiếp cận thường xuyên hàng chục năm hợp tác, chúng tôi vô cùng xúc động khi biết từ 2, 3 năm qua ông Trưởng nhóm Alvin Jacobson bị ung thư máu, vào ra bệnh viện thường xuyên. Thế nhưng ông không ngừng hoạt động cho Tăng thống Thích Quảng Độ. Nghe tin Tổng Thống Oabama đi Việt Nam, hoặc Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đến Việt Nam điều tra tình hình tôn giáo đầu năm 2017, Nhóm ông liền viết thư, lấy chữ ký yêu cầu Tổng thống Obama hay Liên Âu can thiệp trả tự do cho Tăng thống.

Khi biết bệnh tình trầm trọng phải nhập viện khẩn và có nguy cơ xấu, ông làm một chuyến thuyết trình giải thích trường hợp Người tù vì lương thức Thích Quảng Độ đến dân chúng, học sinh, sinh viên vùng Boston. Kêt quả là một tập Thiệp Chúc Xuân hoàn thành gửi về Sài Gòn.

Người Phật tử thường nhắc nhở lòng Từ Bi cứu khổ, nhưng lắm khi lòng từ bi không có đối tượng, một lòng từ bi thoát từ Khẩu / miệng, nhưng còn thiếu Ý và Thân để thành hoạt dụng cấp cứu. Ông Alvin Jacobson không là Phật tử, nhưng ông có cách hoạt động để nói lên định nghĩa của đối tượng phải ưu tư cho lòng từ bi của mình.

quangdo2

Sau đây, chúng tôi chọn và dịch một số lời viết điển hình qua tập Thiệp Chúc Tết Tăng thống Thích Quảng Độ :

Ngưỡng bạch Tăng Thống,

Vô vàn cảm tạ món quà Hòa thượng đã hiến dâng : Hòa bình, Từ bi và Huynh đệ. Đức tin, nguyên tắc và sự kiên định của Hòa thượng gây cảm hứng cho mọi người, đặc biệt cho riêng tôi. Với muôn lời chúc như đã từ bao.

Alvin Jacobson 

(Trưởng Nhóm Ân Xá Quốc tế thành phố Boston)

 

Bạn quý mến, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ,

Cầu chúc Năm Mới mang lại cho Hòa thượng sức khoẻ và hạnh phúc – cũng như cho toàn thể dân tộc của Hòa thượng. Hòa thượng luôn cư trú trong tâm thức chúng tôi, và là nguồn cảm hứng cho cuộc sống chúng tôi.

Mong mỏi Cây Đời lớn rậm hòa bình trong tim Hòa thượng, trong tim tất cả mọi người.

Edwin G. Cranston

(Giáo sư Văn học Nhật Bản, Đại học Havard)

Tăng thống Thich Quảng Độ kính mến,

Kính chào Tăng thống từ tiểu bang New England, Hoa Kỳ. Tôi cầu chúc Hòa thượng khoẻ mạnh. Nơi tiểu bang của thế giới này, cây lá trở vàng hay hỗ hoàng rồi héo úa mỗi năm – như thấy qua tấm thiệp. Rồi khi Xuân trở lại, cây lá tái sinh trong màu xanh. Tôi hy vọng rằng nước Việt Nam sẽ đón một mùa Xuân nhân quyền và tự do, cũng như chào đón Hòa thượng người đã mang lại những quyền sống ấy.

Bill Harris

Tăng thống Thích Quảng Độ kính mến,

Một lần nữa tôi viết thư thăm Hòa thượng để cầu chúc Hòa thượng mạnh khoẻ và cũng để nói lên lòng ngưỡng mộ trước giá trị cao cả trong công cuộc dấn thân của Hòa thượng nhằm xúc tiến nhân quyền – đặc biệt nhất là tự do tôn giáo.

Chúng tôi ở đây, TẤT CẢ cùng mang niềm hy vọng một ngày kia khi TẤT CẢ mọi người đều được hưởng TẤT CẢ nhân quyền nơi thế giới gần gũi, hợp nhất và mỹ miều này.

Hòa bình - Công lý - Quyền sống - và Hy vọng.

Terry Kay Rockefeller 

(Nhà sản xuất Truyền hình)

*****************

Các học sinh Lexington High School, Massachussetts

Hòa thượng Thích Quảng Độ kính mến,

Con là học sinh ở Hoa Kỳ viết thư để nói lên lòng ngưỡng mộ cho tất cả những chi Hòa thượng đã thực hiện. Cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền của Hòa thượng gợi cảm hứng vô cùng tận. Thật khủng khiếp cho việc người ta bỏ tù Hòa thượng vì những điều kỳ vĩ Hòa thượng thực hiện. Con muốn tin cho Hòa thượng biết ở đây có rất nhiều người hậu thuẫn và ngưỡng mộ Hòa thượng, ngay trong trường con học, trên xứ sở con và vòng quanh thế giới. Con chẳng chịu nghỉ ngơi đâu, bao lâu những vi phạm nhân quyền khắp nơi chưa chấm dứt, bao lâu mỗi con người chưa được đối xử bằng lòng kính trọng với phẩm giá của họ.

Lucie Nolden

Hòa thượng Thích Quảng Độ kính mến,

Xin cảm tạ Hòa thượng với những chi Hòa thượng thực hiện cho tự do tôn giáo. Công cuộc vận động của Hòa thượng không vô bổ đâu. Nhân dân sẽ mãi mãi nhớ đến sự dũng lược, quyết tâm và niềm tin của Hòa thượng qua mọi thời.

Những người như Hòa thượng mới làm nên sự khác biệt. Những người như Hòa thượng gây cảm hứng cho kẻ khác chiến đấu vì những chi họ tin.

Mọi người quanh thế giới chia sẻ niềm mơ ước của Hòa thượng, niềm mơ ước hòa bình, bình đẳng và tiến bộ.

Tất cả những chi Hòa thượng thực hiện làm nên sự khác biệt trong thế giới này và sẽ tiếp tục gây tác động nhân loại qua mọi thời đại.

Aradhna Johnson

Hòa thượng Thích Quảng Độ kính mến,

Con là học sinh ở tiểu bang Massachussetts, Hoa Kỳ, viết thư để cảm ân công cuộc đấu tranh của Hòa thượng cho tự do tôn giáo, về sức đấu tranh không mệt mỏi của Hòa thượng. Con đặt trọn niềm hy vọng vào tương lai cũng như vào nhân loại. Sự gợi hứng của Hòa thượng thật đáng kinh ngạc, Hòa thượng là chân dung của Niềm hy vọng. Con mong lời viết này không bị Hòa thượng xem như thiếu thành thật. Riêng con thì đặt hết lòng tin vào đó, con biết ơn Hòa thượng và toàn tâm hậu thuẫn Hòa thượng.

Lucie Chen

Hòa thượng Thích Quảng Độ kính mến,

Thành tâm cám ơn Hòa thượng với những gì Hòa thượng đã làm để bênh vực cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Công cuộc bảo vệ nhân quyền mà Hòa thượng đã thực hiện qua bao năm ròng, và nay vẫn vẫn tiếp tục, thật kinh ngạc cho sự dũng lược và thật là quan trọng.

Chúng con toàn tâm hậu thuẫn Hòa thượng. Xin Hòa thượng hãy chiến đấu không ngừng !

Grace Abe

quangdo3

Hòa thượng Thích Quảng Độ kính mến,

Chúng con vô cùng sung sướng khi thấy Hòa thượng đứng lên bảo vệ tín ngưỡng mình. Sự kiên trì của Hòa thượng gợi hứng cho biết bao người. Con hy vọng cảnh sống của Hòa thượng được yên ấm.

Ella Wheeler

Con hy vọng mấy lời này sẽ đến tay Hòa thượng, cầu chúc Hòa thượng mạnh khoẻ. Trong thế giới ngày nay thật đáng mừng có được những người như Hòa thượng dám khước từ bạo ngược chuyên chế và những viên chức chính quyền bất công.

Con hy vọng Hòa thượng tiếp tục chiến đấu cho công lý.

Jordan O’Hare Gibson

quangdo4

Rồng thở hơi vào rắn - Dragon Breathing a Snake

(Phải chăng em Leo muốn diễn tả một biểu tượng về Con Rồng Tây phương : Rồng phun lửa ? VCHR chú)

Leo & Oliver

*****************

Ghi chú về Tăng thống : 

Tăng thống Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất) đã trải qua gần bốn mươi năm ròng trong nhà tù, lưu đày về quê quán rồi lại vào tù ở Ba Sao và Thanh Liệt vì đi cứu trợ lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1994. Khi lưu đày ngài năm 1982, nhà nước Cộng sản kết "tội" ngài là "làm tôn giáo là làm chính trị". Ngài sinh năm 1924 tại tỉnh Thái Bình, miền Bắc, xuất gia từ năm 14 tuổi. Năm 1945, ngài chứng kiến Sư phụ ngài bị Tòa án Nhân dân kết tội tử hình và bắn chết trước mắt ngài. Thời ấy Sư phụ ngài chỉ lo cứu đói cho nhân dân mà số người chết đói lên đến hai triệu. Chấn động trước cảnh ác độc bất nhân, ngài quyết định hiến thân tu học giáo lý Từ bi, khoan dung, bất bạo động của đức Phật. Sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, ngài là một trong hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tố cáo những vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền sau chuyến đi điều tra cuộc tự thiêu tập thể (ngày 2/11/1975) của 12 Tăng Ni tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ đòi hỏi nhà cầm quyền Cách mạng tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, và từ đó, ngài không ngừng lên tiếng cho nhân quyền và dân chủ hoá đất nước như điều kiện tiên quyết cho sự phát triển đất nước và tự do tôn giáo. Kết quả thu được là những năm tù ở Phan Đăng Lưu, rồi 10 năm lưu đày về quê quán Thái bình, rồi tù giam tại trại Ba Sao và Thanh Liệt gần Hà Nội, cuối cùng là quản chế ở Thanh Minh Thiền Viện không hề xét xử cho đến hôm nay.

quangdo5

Tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn, Tăng thống đọc các Thiệp Chúc Tết của Học sinh ở Hoa Kỳ

Năm 2006 Ngài được Phong trào Dân chủ Thế giới vinh danh Ngài là "Nhà Dân chủ Dũng lược", cùng năm Sáng hội Rafto tại Vương quốc Na Uy trao Ngài "Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto", và các Giải nhân quyền khác…

Tăng thống Thích Quảng Độ là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu uyên bác. Trong thời gian bị lưu đày ở Miền Bắc Ngài hoàn thành phiên dịch bộ Phật Quang Đại Từ Điển giá trị gần 8000 trang.

VCHR

Published in Văn hóa