Chuyện cộng sản Việt Nam làm giả thư "quy hàng" của Hòa thượng Thích Quảng Độ
Kỷ niệm ba năm ngày mất của Hòa thượng Thích Quảng Độ (29 tháng Giêng âm lịch), tất cả các chùa và phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều làm lễ tưởng niệm vị Đệ ngũ Tăng thống (1928-2020). Nhân húy nhật của Hòa thượng Thích Quảng Độ, xin được nhắc lại một câu chuyện từng được bàn cãi trong thời kỳ ngài bị giam lỏng, sau khi ra tù năm 1998.
Trong giai đoạn gay gắt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khởi đầu từ thập niên 90, trước và sau khi công an kết án Hòa thượng Thích Quảng Độ và thị giả của ngài là Hòa thượng Thích Không Tánh, để tạo sự hoang mang trong dư luận và phá hoại uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, công an nhiều lần cho tung ra các tài liệu giả liên quan đến Hòa thượng Thích Quảng Độ nhằm thao túng đám đông đang âm thầm dõi theo.
Một trong những tài liệu đó, là lá thư có tựa đề là Lời cam kết, trong đó ký tên tục của ngài là Đặng Phúc Tuệ, với nội dung chính là "Tôi xin cam kết chấm dứt vĩnh viễn mọi sự liên hệ cũng như những hành động mà có thể dẫn đến vi phạm luật pháp của Nhà nước một lần nữa". Thư đề ngày 9/2/1995. Nhưng đến năm 2007, lá thư này mới xuất hiện, như một kiểu cho hé lộ tin tức, cùng với một chiến dịch tấn công, bôi nhọ không ngừng.
Ngay sau khi lời cam kết này được đưa ra với lối viết chữ giống như của Hòa thượng Thích Quảng Độ được đăng trên báo Công an, một luồng dư luận phản ứng nhiều chiều đã nổi lên về sự kiện này. Những người hiểu chuyện lập tức hiểu ngay được đây là một chiêu trò hết sức bẩn thỉu của Công an cộng sản Việt Nam để nhằm phá hoại hình ảnh của một người lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Còn những người bị hoang mang, rất buồn khổ và nghĩ rằng Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đầu hàng trước bạo quyền. Ngay cả các trang mạng ở hải ngoại cũng có nhiều bản tin buồn bã và bất bình trước lời cam kết này.
Hòa thượng Thích Quảng Độ không có cơ hội minh bạch sự kiện vì truyền thông đều là của nhà nước. Tháng 4/1995, ngài cùng Hòa thượng Thích Không Tánh bị tuyên mỗi người 5 năm tù, và 5 năm quản chế vì đã tổ chức phát gạo cho dân nghèo với danh nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thời gian ra tù sau đó, cả hai vị đều bị cô lập, theo dõi và ngăn chận mọi liên lạc với bên ngoài.
Ngay cả báo Tuổi Trẻ tháng 8/2007, cũng bị ép đăng một bài viết của một công an viên tên Nhật Hòa (báo ghi rõ ngày từ tít đầu bài là chỉ đăng lại từ báo Pháp Luật TP) mạt sát ngài và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thống nhất là bất hợp pháp. Thư có tên Lời Cam Kết này cũng được đăng trên báo Công an trong thời gian đó, để lung lạc tinh thần tăng chúng.
Năm 2008, trong một lần phỏng vấn, khi nhắc về lá thư có lời cam kết này, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã khẳng định ngay mọi thứ đều là không có thật. Một trong những điểm bị vạch trần, là trong thư, Hòa thượng Thích Quảng Độ nói chỗ ký tên, ghi là bị can. Điều này hoàn toàn trái ngược với tôn chỉ của ngài là luôn tuyên bố mình vô tội. Kể cả lúc công an cộng sản Việt Nam vào nhà giam sau khi kết án, gài bẫy ngài là nên xin kháng án để được giảm năm tù, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã từ chối, vì ngài nói phiên tòa bất hợp pháp, âm mưu buộc tội vô nghĩa lý nên ngài không việc gì phải kháng án cả.
Trao đổi với bà Ỷ Lan, phỏng vấn từ đài Á Châu Tự Do vào tháng 11/2008, Hòa thượng Thích Quảng Độ có nhấn mạnh "Tôi ở tù thì cũng nhàn lắm chứ có sao, việc gì đâu phải kháng. Ở đâu thì cũng ăn cũng làm việc thôi. Ở đây thì tôi có việc làm rồi. Trước khi vào tù thì tôi đã vận động, nói khó với họ là để xin đưa theo bộ từ điển Phật Quang mà tôi đang làm dở dang đó để ở trong tù có việc tôi làm, đồng thời để giúp cho các thế hệ tương lai họ tài liệu tra cứu, tham khảo, để học tập. Tôi có nói rõ như thế".
Một trong những mục đích của công an là muốn Hòa thượng Thích Quảng Độ phải làm đơn xin, và gài bẫy để ép có chứng tích chịu ơn của nhà cầm quyền. Thế nhưng tính khí can trường của ngài khiến đã luôn bác bỏ mọi âm mưu như vậy. Hòa thượng Thích Quảng Độ kể khi ngài đi ra đến trại Ba Sao thì nhanh đến mức bất ngờ, chỉ mấy hôm sau công an đã đưa bộ từ điển Phật Quang vào trại – mà không chỉ có 7 tập từ điển – lại còn có thêm 100 tập vở nữa.
Dù không nhận tội, và cũng không là người tù tư tưởng gương mẫu, nhưng với áp lực quốc tế, đợt đặc xá ngày 2/9/1998, ngài được đưa ra khỏi nhà giam, nhưng công an không cho đem theo gần một trăm cuốn tập đã viết tay chuyển ngữ. Công an nói ngài nếu muốn đem về, thì phải làm đơn xin chính quyền.
Nghe vậy, Hòa thượng Thích Quảng Độ từ chối, và bỏ lại tất cả. Mất hai năm sau thì Hòa thượng Thích Quảng Độ mới làm lại đủ những gì đã viết trong tù. Kể lại lúc đó, khi nghe điều kiện, thoáng bất ngờ, nhưng sau đó ngài đã cười và nói "Nếu như thế thì tôi không xin đâu, các ông để lại mà dùng, tôi về tôi làm lại".
Năm 2008, nói về bức thư xin "đầu hàng" chính quyền, Hòa thượng Thích Quảng Độ khẳng định "Có thể là họ đã nghiên cứu, họ xem nét chữ của tôi trong gần một trăm tập giấy tôi đã viết từ điển, viết cách như thế nào, mà họ giữ lại mười mấy năm nay".
Những ngày cuối đời, ngài bị cô lập ở Thanh Minh Thiền Viện, Phú Nhuận, rồi sau lại dời về Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Sài Gòn, và qua đời trong sự thương tiếc của chư tăng ni chúng, bởi là một biểu tượng của bi-trí-dũng không chịu khuất phục trước nhà cầm quyền cộng sản.
Ý Nguyên
Nguồn : SaigonnhoNews, 18/02/2023