Đã đi qua khoảng 600 thành phố lớn nhỏ khắp nước Mỹ, bức tường đá đen The Wall that Heals (Bức tường chữa lành) đã về đến thành phố Garland, nơi tập trung đông đúc người gốc Việt tại Dallas, Texas. Đây là bức tường di động mô phỏng theo tượng đài tưởng niệm hơn 58 ngàn binh lính Hoa Kỳ tử nạn trong chiến tranh Việt Nam và vinh danh ba triệu lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đặt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Bức tường ắt đã mang lại nhiều cảm xúc cho những người trực tiếp hay gián tiếp can dự vào cuộc chiến Việt Nam đến viếng.
1111111111111111111111
Tìm bạn cũ. (Hình : Đinh Yên Thảo)
Hình ảnh người đàn ông mang chiếc nón lưỡi trai có hàng chữ "Cựu chiến binh Việt Nam" đang tìm và tô tên một đồng đội nào đó của mình trên bức tường đá đen đập vào mắt, đã gây trong tôi một sự xúc động tức thời. Ông không phải là người duy nhất làm điều này vì có những người khác cũng đang dò tìm hay tô tên môt ai đó, có lẽ thân nhân của họ - những người đã nằm xuống trên mảnh đất Việt Nam xa xôi. Của trên dưới 50 năm trước. Vậy mà cuộc chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ rồi sao ?
Không mang những chiếc áo khoác có những hàng chữ liên quan đến Việt Nam như nhiều người cựu chiến binh khác đang đứng trò chuyện quanh đó, người chiến binh già gốc Mexico mang kính đen, nón lưỡi trai có thêu chữ "Vietnam Veteran" tên Rodriguez trông khá rắn chắc và khoẻ mạnh ở độ tuổi của ông. Rodriguez điềm đạm nhưng thân thiện, từng là một lính thủy quân lục chiến, 18 tuổi nhập ngũ và sang Việt Nam, phục vụ tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1969. Con gái tôi hỏi ông bị quân dịch hay tình nguyện gia nhập quân đội. "Tôi tình nguyện"- ông trả lời. "Tại sao ?" - con gái tôi hỏi tiếp, cô bé học lớp báo chí trong trường được đôi năm nay nên đã khá dạn dĩ để đặt câu hỏi và tiếp tục câu chuyện. Ông trả lời rất tự nhiên, "Quốc gia cần thì mình tham gia, có đúng không ?". Tôi gật đầu. Đất nước này là quê hương của ông, là nơi ông lớn lên, sống và phục vụ cho nó. Như bạn, như tôi, như con cái chúng ta, bất kể màu da nào. Trên bức tường kia ắt có hàng trăm cái tên họ như ông.
Chiến trường Quảng Trị khốc liệt, lại là Thủy Quân Lục Chiến nên ắt giao tranh nhiều. Tôi hỏi có bao nhiêu đồng đội của ông đã nằm xuống. Ông lắc đầu không nhớ. Người ông vừa tô tên trên bức tường là một người bạn láng giềng cùng nhập ngũ với ông. Rồi nằm xuống đâu đó tại Việt Nam, cùng với một người bạn khác mà ông đã dò tìm. Chúng tôi khá xúc động khi nghe ông kể thêm rằng, khi những người lính trẻ trúng đạn, lúc nào cũng kêu mẹ. Ông nói thêm, "có lẽ con trai luôn thương mẹ". Quả thật, người lính trẻ chỉ vừa rời trung học, còn nhớ bữa cơm gia đình với mẹ, với cha đã vội đối diện với sợi tơ của hai bờ tử sinh. Rồi nằm xuống. Hầu hết những người lính tham chiến tại cuộc chiến Việt Nam là những thanh niên trên dưới 20, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
Nó là câu chuyện về gói bánh cookie gói giấy của một người mẹ gởi con trai, được trưng bày trên bệ cửa kính của một bảo tàng dã chiến nho nhỏ mà chúng tôi vừa được xem và nghe kể trước đó. Bà gởi sang Việt Nam cho con trai để cuối cùng nhận trả về với hàng chữ lạnh lùng "KIA 10-31-1972". Đã tử trận, "Killed in Action". Đau khổ và giận dữ, bà giữ y gói bánh nhiều năm sau cho đến tận năm 1987, sau khi bức tường đã xây xong và đem đặt trước tên con tại bức tường đá đen với những hàng chữ yêu thương.
Hay câu chuyện về chiếc xe mô-tô "Gold Star Bike" cũng được đặt ngay khu trưng bày. Nó là chiếc xe mô-tô của một người cựu chiến binh tên là Steve Davenport tặng cho hội các bà mẹ có con tử trận rồi hội này tặng lại cho tổ chức VVMF (Vietnam Veterans Memorial Fund). Steve và Robert Cupp là bạn thân từ thiếu thời tại Virginia. Cả hai cùng nhập ngũ, Steve đồn trú tại Đức và Robert sang Việt Nam, rồi tử nạn năm 1968. Steve không dám gặp cha mẹ Robert vì sợ gợi cho họ sự đau đớn quá mức nhưng cuối cùng ông nghĩ ông sẽ thay bạn mình để an ủi người mẹ, trở thành như đứa con trong gia đình. Chiếc xe mô-tô của Steve có khắc tên Robert cùng tên vài chục người lính khác, trở thành một "đài" tưởng niệm những người lính tử trận và vinh danh những người mẹ mất con một cách thật đặc biệt.
Có bao nhiêu câu chuyện thương cảm tương tự như vậy ? Chiến tranh quả tàn bạo với những người can dự, bất cứ phe nào. Cuộc chiến Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng khó lòng để nhìn chính xác từ một phía.
Dăm người cựu chiến binh khác chúng tôi trò chuyện có vẻ vui vẻ hơn, cười to trong những câu chuyện kể. Như Larry, dân Texas chính cống, sinh ra và lớn lên tại Dallas từng đồn trú tại căn cứ Không Quân tại Nha Trang năm 71-72. Chưa ra Đà Nẵng nhưng có vào Sài Gòn vài lần, Larry lặp lại với chúng tôi rằng Việt Nam đẹp. Ông có vẻ thú vị khi biết tôi từ Sài Gòn, quay sang chỉ tôi và nói với những người bạn cựu chiến binh khác về điều này. Không giao tranh, chạm súng với kẻ địch và chứng kiến những cái chết, tôi nghĩ có lẽ nỗi ám ảnh của ông về cuộc chiến nhẹ nhàng hơn những người như Rodriguez.
Từng viếng đài tưởng niệm tại Washington DC đã vài lần nhưng có lẽ lần này lại đã làm chúng tôi xúc động và có nhiều suy nghĩ hơn qua những điều nghe-thấy được. Tôi bảo con gái hãy cảm ơn những người cựu chiến binh và trò chuyện, hỏi thăm đôi điều với họ. Một phần là tôi muốn các con tôi hiểu thêm về cuộc chiến Việt Nam qua dăm câu chuyện sống thực với những người cựu chiến binh này. Những gì tạo nên cảm xúc sẽ đọng lại lâu hơn, khác với những bài học lý thuyết trong trường.
Như người cựu chiến binh gốc Mexico, Rodriguez, bất kể màu da nào thì các em cũng sẽ là những thế hệ di dân xem nước Mỹ là đất nước của mình, nơi các em sinh ra, lớn lên và sẽ phục vụ cho nó. Các em sẽ nhìn lại cuộc chiến với cái nhìn khác hơn những thế hệ đi trước, nhìn trong tâm thức cái tên "hàn gắn" mà bức tường đã mang hay bằng một tâm tình lạc quan, tri ân hơn. Bởi tác giả của đài tưởng niệm đầy ý nghĩa và được xem là một trong những công trình kiến trúc được yêu thích nhất tại Mỹ chỉ là một sinh viên kiến trúc trường Yale mới 21 tuổi là Maya Lin lúc bấy giờ. Maya chọn đá hoa cương màu đen cho bức tường để trong ánh nắng, người viếng sẽ thấy bóng mình phản chiếu trong đó. Để thấy mình là một phần của quá khứ. Và hiện tại. Cùng tương lai.
Nó tựa câu chuyện về chiếc mũ football của một em học sinh tặng cho tổ chức VVMF và được trưng bày tại đó. Em tặng chiếc nón chơi football và dải đeo tay đã gắn bó thân thiết với em suốt thời trung học. Em viết rằng sân banh là "chiến trường" của các em, nó không phải một chiến trường máu lửa mà những người nằm xuống đã đối diện để cho các em có được ngày hôm nay. Tôi nghĩ đó là tâm tình mà những thế hệ tiếp nối của nước Mỹ sẽ cưu mang khi nhìn về cuộc chiến Việt Nam hay bất cứ cuộc chiến nào.
Dallas, 03/2020
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 05/03/2020