Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2020

Biển Đông và quá trình bị biến thành lãnh thổ "lịch sử" của Trung Quốc năm 1975

Johannes L. Kurz

Để chứng minh cho cái gọi là chủ quyền "mang tính lịch sử", giới học giả Trung Quốc đã nỗ lực lập luận, đưa ra những bằng chứng lịch sử. Tuy nhiên, các bằng chứng mà họ đưa ra rất mập mờ, không có bất cứ tham chiếu nào về vị trí trích dẫn chính xác, thậm chí còn cố tình sửa đổi ngôn từ gốc.

nine0

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông qua đường chín đoạn tự vẽ được các quốc gia Châu Á gọi một cách nhạo báng là Đường lưỡi bò - Ảnh minh họa

Một trong những bài báo sơ khai nhất trình bày "bằng chứng lịch sử" về nhận thức và thực tiễn lâu đời của Trung Quốc đối với các nhóm đảo ở Biển Đông xuất hiện trên tờ Nhân dân Nhật báo (Renmin ribao 人民日报) ngày 25/11/1975 với nhan đề "Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa" (南海诸岛自古就是我国领土).

Việc xuất bản bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo phản ánh lập trường chính thức của Trung Quốc và khuyến khích các học giả Trung Quốc nỗ lực chứng minh tính xác đáng của các yêu sách lịch sử trên Biển Đông. Bài báo có ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm chính trị và học thuật trong tương lai về cách biến các đảo Biển Đông thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhằm phân tích cách mà bài báo của "Sử Đệ tổ" (Shi Dizu 史棣祖) thiết lập "chủ quyền lịch sử" đối với các đảo Biển Đông [1], tôi sẽ xem xét một số nguồn tư liệu được nhắc đến ở bên dưới.

Phân tích của tôi diễn ra vào đúng thời điểm khi Mỹ thực hiện các "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP) ở Biển Đông với mức độ thường xuyên [2] và khi phần lớn các hoạt động thương mại quốc tế toàn cầu đi qua khu vực này [3]. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết cuối cùng từ Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague vào tháng 7 năm 2016 đã tuyên bố Trung Quốc không có "quyền lịch sử" trên Biển Đông như nước này vẫn yêu sách trong công hàm năm 2009 có chứa bản đồ đường chín đoạn (jiuduan-xian 九段线) [4].

Tiến trình tố tụng, được khởi xướng bằng việc Philippines kiện Trung Quốc vào năm 2013, bắt đầu vào năm 2015. Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ Phán quyết, một lần nữa viện dẫn lịch sử cho lập luận khẳng định quyền sở hữu của họ trên Biển Đông [5].

Giới thiệu

Vào tháng 01/1974, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (Xisha qundao 西沙群岛 – Tây Sa quần đảo theo cách gọi của Trung Quốc ; tên gọi tiếng Anh là Paracel Islands) bằng việc đánh bại quân đội miền Nam Việt Nam đang đóng quân ở đây [6]. Do đó, Bảo tàng tỉnh Quảng Đông (Guangdong sheng bowuguan 广东省博物馆) và Phòng Văn hóa thuộc Khu Hành chính Hải Nam (Hainan xingzhengqu wenhuaju 海南行政区文化局) đã cử một nhóm học giả đến nghiên cứu về lãnh thổ vừa mới chiếm được vào giữa tháng Ba và tháng Tư năm 1974.

Nhóm học giả này phát hiện một số cổ vật như đồng xu, các mảnh gốm sứ và đi tới kết luận rằng "Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc kể từ thời xa xưa" (西沙群岛自古以来就是中国的神圣领土). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu này cũng công bố một tài liệu [Thủy lộ bạ (shuilu bu 水路簿)] của ngư dân Tô Đức Liễu (Su Deliu 苏德柳), từ Đàm Môn (Tanmen 潭门), ở phía Đông của Hải Nam [7] ghi lại lộ trình đi đến các đảo và đề cập đến các đảo và bãi cạn ở Đàm Môn [8].

Điều thú vị là kết quả của các cuộc khảo cứu trên đã cho ra ba bài báo xuất bản ở Hong Kong - không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - cũng lập luận tương tự, lần lượt đề cập đến yêu sách lịch sử của Trung Quốc trong khu vực, dựa trên cơ sở các tài liệu lịch sử [9]. Hai trong số các bài báo xuất hiện ở số tương tự của tờ Minh Báo Nguyệt San (Mingbao yuekan 明報月刊).

Bài báo đầu tiên có nhan đề "Các vấn đề chủ quyền trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông" (南中国海诸岛屿的主权问题) của tác giả Đặng Tự Vũ (Deng Siyu 邓嗣禹) đã tuyên bố hùng hồn rằng tất cả nhóm đảo trên Biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc [10]. Ông Đặng Tự Vũ cũng dựa trên một số tài liệu và bản đồ trước thế kỷ 19 để đưa ra lập luận của mình, trong khi đó, bài báo thứ hai của các tác giả Diệp Hán Minh (Ye Hanming 葉漢明) và Ngô Thụy Khanh (Wu Ruiqing 吳瑞卿) mang tính bao quát hơn và gồm các tài liệu Trung Quốc từ thế kỷ thứ nhất trở đi [11]

Bên cạnh nguồn tài liệu tham khảo ngày càng tăng, bài báo của ông Diệp Hán Minh và Ngô Thụy Khanh còn bao gồm bản sao của các bản đồ.

Tác giả của bài báo thứ ba - trong Thất thập niên đại (Qishi niandai 七十年代) - Tề Tân (Qi Xin 齊辛) tập trung vào giai đoạn lịch sử thế kỷ 19, 20 và lý do vì sao Quần đảo Hoàng Sa đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ rất lâu rồi. Cũng giống Đặng Tự Vũ, Tề Tân không đưa ra nhiều tài liệu của Trung Quốc thời đầu mà tập trung vào các chính sách thời hiện đại [12]

Hai bài báo của tờ Minh Báo có mục đích làm rõ cách thức mà các nhà nước phong kiến và hiện đại Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát các đảo ở Biển Đông và biến nơi này thành lãnh thổ của Trung Quốc (南海诸岛的主权归属).

Có nhiều khả năng các tác giả của những bài báo này lấy động cơ viết bài từ việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và đuổi quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời gian trước. Ở thời điểm đó, do tương quan về khả năng quân sự của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với Mỹ, cho nên lập luận lịch sử có lẽ là vòng phòng thủ đầu tiên nhằm chống lại nguy cơ can thiệp của Mỹ yểm trợ cho Việt Nam Cộng Hòa.

Đi tìm Biển Đông trong các tài liệu tiền hiện đại : "Sử Đệ tổ" năm 1975

Trước sự xuất hiện bài báo của "Sử Đệ Tổ" trên tờ Nhân dân Nhật báo năm 1975, ông Thiệu Tuần Chính (Shao Xunzheng 邵循正)(1909-1972) đã nói trên Nhân dân Nhật báo hồi năm 1956 rằng một phần Biển Đông là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc [13]

Ông Thiệu Tuần Chính từng là một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Lịch sử Đệ Tam của Học viện Khoa học Trung Quốc (中国科学院第三历史研究所). Ông lý giải rằng những thực thể biển xuất hiện trong các nguồn tài liệu từ thời thời tiền hiện đại của Trung Quốc đã chỉ dẫn trực tiếp đến các nhóm đảo ở Biển Đông ; ông Thiệu Tuần Chính tập trung vào khái niệm Thất Châu dương [Qi zhouyang 七洲洋 (bảy hòn đảo ở biển)], khái niệm được tác giả dùng để biểu thị quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), và ông sử dụng thuật ngữ này ở rất nhiều tài liệu. Trong các tài liệu trước thế kỷ 20 mà ông tiến hành khảo sát gồm có Nguyên sử (Yuanshi 元史) của Sử Bật (Shibi 史弼) ; Đảo di chí lược (Daoyi zhilue 島夷志略) (1349 ; Lược thuật về những đảo hoang) ; Tinh tra thắng lãm (Xingcha shenglan 星槎胜览) (khoảng năm 1436) ; Vũ Bị chí (Wubei zhi 武备志) (1621 ; ghi chép về quân trang và quân bị) ; Hải ngữ (Haiyu 海语) (giữa thời Minh ; các cuộc đối thoại biển) ; Hải quốc văn kiến lục (Haiguo wenjian lu 海国闻见录) (nửa đầu thế kỷ 18 ; Ghi chép về những gì nghe và thấy về các quốc gia biển) ; Hải lục (Hailu 海录) (1820 ; các ghi chép về Biển). Vì vậy, ông xây dựng một nhận thức liên tục về Hoàng Sa từ năm 1292 cho đến cuối thời Thanh, và tiếp tục cho đến thời hiện đại.

Gần 20 năm sau, bài báo của "Sử Đệ tổ" đã cung cấp nhiều bằng chứng mang tính "lịch sử" hơn thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm bác bỏ việc miền Nam Việt Nam phản đối sự hiện diện của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Kể từ năm 1975 khi Hoàng Sa bị coi là lãnh thổ của Trung Quốc sau chiếm đóng quân sự, bài báo mới có ảnh hưởng sâu rộng hơn về mặt lãnh thổ được yêu sách cũng như các nguồn tài liệu được trích dẫn.

Với việc sử dụng các tài liệu lịch sử, "Sử Đệ tổ" lập luận rằng Trung Quốc hiển nhiên và luôn luôn có chủ quyền đối với quần đảo này (中国对南海诸岛的主权无可争辩) [14]. Bằng cách đó, "Sử Đệ tổ" lập luận thẳng thắn hơn các tác giả của các bài báo đã xuất bản trước đó ở Hong Kong, và có lẽ là vì việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa chưa từng và sẽ không bao giờ bị thách thức quân sự [15].

Việc Trung Quốc khăng khăng lấy lịch sử làm lập luận cho quyền của mình trên Biển Đông tất nhiên nhằm hướng tới các nước Đông Nam Á xung quanh Biển Đông. Những quốc gia này không có bất cứ bằng chứng lịch sử nào để chứng minh và vì thế không thể thách thức được Trung Quốc. Ngoài ra, những luật lệ liên quan đến biển như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) tại thời điểm đó vẫn chưa được hình thành.

"Sử Đệ tổ" là bút danh của các thành viên trong Nhóm Địa lý Lịch sử của Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (中国科学院地理研究所历史地理组) hay Sử địa tổ (shidizu 史地组) đồng tác giả của bài viết xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Quang Minh nhật báo (Guangming ribao 光明日报) vào ngày 24 tháng 11 năm 1975 và được xuất bản ngay ngày sau đó trên tờ Nhân dân Nhật báo [16]. Rất nhiều tài liệu mà "Sử Đệ tổ" phân tích đã được Diệp Hán Minh và Ngô Thụy Khanh khảo cứu trước đó.

"Sử Đệ tổ" tận dụng hàng loạt các tài liệu cho phép họ mở mang nhận thức mang tính giả định của Trung Quốc về Biển Đông và các đảo ở Biển Đông trong khoảng hơn một nghìn năm. Những tài liệu này tạo nên một kho dữ liệu để những tác giả Trung Quốc sau này có thể tận dụng thường xuyên [17].

Thay vì chỉ đơn thuần đưa ra tài liệu, "Sử Đệ tổ" phân các tài liệu thành từng loại khác nhau đưa ra bằng chứng cho việc đặt tên ban đầu các đảo, về hoạt động khai thác và canh tác trên thực tế và về cơ quan hành chính trong lịch sử qua các triều đại nối tiếp nhau của Trung Quốc. Điều này đã trở thành khuôn khổ chung cho các nỗ lực nghiên cứu quan trọng cũng như những tuyên bố chính thức cho đến thời điểm gần đây của các cơ quan chính phủ.

Các tài liệu lịch sử thỉnh thoảng được trích dẫn, nhưng nhìn chung "Sử Đệ tổ" không đưa ra bất cứ tham chiếu nào về vị trí trích dẫn chính xác. Tôi đã xác minh các trích dẫn trong tài liệu gốc và dịch lại những nguồn trên nhiều nhất có thể. Những cụm từ chính đóng vai trò quan trọng trong lập luận của Trung Quốc về Biển Đông là trướng hải (zhanghai 涨海) (biển nguy hiểm), thạch đường (shitang 石塘) (bãi đá), vạn lý thạch đường (wanli shitang 万里石塘) (bãi đá vạn dặm), vạn lý thạch đường tự (wanli shitang yu 万里石塘屿) (bãi đá nhỏ vạn dặm), trường sa (changsha 长沙) (bờ cát), vạn lý trường sa (wanli changsha 万里长沙) (bờ cát mười nghìn dặm), thất Châu dương (qizhouyang 七洲洋/七州洋) (bảy hòn đảo ngoài biển), Cửu Nhũ Loa Châu (Jiuruluozhou 九乳螺洲) (Quần đảo Cửu Nhũ Loa) [18], v.v. Vì những nơi đó có tên bằng tiếng Hoa, Trung Quốc mặc định những thực thể này là lãnh thổ của họ theo quy tắc "người đặt tên là người sở hữu". Các nguồn tài liệu mà "Sử Đệ tổ" tham khảo bao gồm các bản ghi chép chính thức và không chính thức về các triều đại, các bản ghi chép chuyến đi, công báo địa phương, sách hướng dẫn hành trình, bản đồ, các bài báo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và sách hướng dẫn hàng hải của Anh.

Nguồn tài liệu tham khảo

Sau đây tôi sẽ xử lý các nguồn trích dẫn tiền hiện đại của Trung Quốc mà "Sử Đệ tổ" đề cập đến cho đến đầu thế kỷ XIX. "Sử Đệ tổ" đã đưa ra các nguồn tham khảo dưới hai tiêu đề chính, đầu tiên là "Lịch sử lâu đời về phát kiến địa lý" (历史悠久的地理发现) và thứ hai "Sự khai phá cần mẫn, liên tục không ngừng" (持续不断的辛勤开发). Tiếp nối hai đề mục này là một mục có tên "Quản lý hành chính của các chính quyền Trung Quốc trong lịch sử đối với các đảo trên Biển Đông" (我国历代政府对南海诸岛的行政管辖) [19], mục này sử dụng nhiều tài liệu lịch sử hơn. Bài báo kết luận bằng một mục có tên "Lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm" (神圣领土不容侵犯) tập trung chủ yếu vào các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông vào thế kỷ hai mươi.

Những tài liệu chủ yếu bao gồm các bài viết tạp chí và biểu đồ từ giai đoạn sau của thế kỷ XIX và những thập niên đầu của thế kỷ XX ở mục hai và bốn đã được Bill Hayton xử lý rồi và tôi muốn cung cấp thêm cho người đọc những phân tích chi tiết của ông về chủ đề này [20]. Ở phần sau, tôi sẽ đề cập đến các nguồn tài liệu lịch sử xuất hiện ở mục một, hai và ba.

Lịch sử lâu đời về phát kiến địa lý

Loạt bằng chứng bằng tài liệu đầu tiên dưới tên đề mục bắt đầu với Hậu hán thư (Hou Hanshu 后汉书) (Lịch sử của triều hậu Hán) của Tạ Thừa (Xie Cheng 谢承) (khoảng thế kỷ 3) là những mảng rời rạc. "Sử Đệ tổ" đề cập đến một mục trong tài liệu được lưu trữ ở bách khoa toàn thư Thái Bình ngự lãm (Taiping yulan 太平御览) thời kỳ đầu nhà Tống (938 ; Tài liệu dành cho Vua Tống đọc trong thời kỳ có niên hiệu Thái Bình) :

Trần Mậu (Chen Mao 陈茂) [21], từ Nhữ Nam (Runan), từng là người hộ tống/ tùy tùng thân cận (biệt giá - biejia) ở Giao Chỉ, nơi tương tự như Thích Sử Hành Bộ ngày trước (jiu cishi xingbu 旧刺史行部) và ông ta không thể băng qua trướng hải (zhanghai). Khi Chu Sưởng (Zhou Chang 周敞) ra khơi, gió nổi lên và có nguy cơ đánh sập thuyền, Trần Mậu rút thanh gươm trong tay, quở trách thủy thần và ngay lập tức gió lặng xuống [22].

Cách đoạn văn này kể về việc quản lý Biển Đông, như "Sử Đệ tổ" đã nói, vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đoạn văn này kể về một hành trình khó khăn ra biển nhưng không trở thành một bằng chứng thuyết phục cho việc "tuần hành" (xunxing 巡行) trên biển [23]. Thay vào đó, cụm danh từ nguyên gốc "Thích Sử Hành Bộ" (cishi xingbu 刺史行部) đã bị chuyển thành cụm từ "tuần hành trên biển dữ" (hành bộ trướng hải) (xingbu zhanghai 行部涨海) qua việc lý giải lại từ hành bộ (xingbu 行部) như một động từ thay vì chức năng gốc của từ này là một phần của danh từ chính thức.

Những tác giả sau này như Nam Minh Tự (Nan Mingzi 南溟子) [24] đã lựa chọn một phần khác của Hậu Hán sử của bách khoa toàn thư Sơ học ký (Chuxueji 初学记) thời Đường (nửa đầu thế kỷ 18) :

Các cống nạp từ bảy trưởng đoàn của Giao Chỉ được gửi qua trướng hải [25].

Trích dẫn này cho rằng phía Bắc Việt Nam (Giao Chỉ) là lãnh thổ dưới quyền của Trung Quốc và ám chỉ rằng vùng biển giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc phải là của Trung Quốc.

Tài liệu tiếp theo, Nam Châu dị vật chí (Nanzhou yiwu zhi 南州异物志) do Vạn Chấn (Wan Zhen 万振) chủ biên trong suốt giai đoạn Tam quốc (thế kỷ thứ ba) được trích dẫn trong Thái Bình ngự lãm như sau :

Đi thuyền từ hướng Tây Nam đến Đông Bắc, sẽ thấy những ghềnh đá lớn nổi lên từ trướng hải. Ở đó nước nông và có nhiều khe đá [26].

Lời giải thích được đưa ra ở đây là cho cụm từ mô tả các bãi chìm và đá chìm mà các tàu mắc phải trong hành trình từ Đông Nam Á tới phía Nam Trung Quốc. Với "Sử Đệ tổ", cụm đó chứng minh cho "[việc Trung Quốc là nước] đầu tiên phát kiến và mô tả về các đảo ở Biển Đông". Tuy nhiên, thông tin còn mập mờ, nguồn tham khảo này từ Nam Châu dị vật chí đã được bổ sung trong các ấn phẩm sau, thậm chí là ủng hộ hoàn toàn Dị vật chí (Yiwu zhi 异物志) (Ghi chép về những chuyện lạ) của Dương Phù (Yang Fu 杨孚) từ thời Hậu Hán (25-220 CN) [27]. Lý do khả thi nhất cho sự thay đổi này là Dị vật chí đã có trước Nam Châu dị vật chí vài thập kỷ [28]. Dị vật chí cho rằng :

Có những hòn đá gồ ghề ở trướng hải, nước nông và có nhiều khe đá. Người nước ngoài (kiếu ngoại nhân) (jiaowairen 獥外人[外人 – tác giả viết nhầm Hán tự]) đi vào trên các tàu lớn có mạn tàu bằng kim loại. Khi tới các eo biển, những tàu này không thể đi qua vì các tảng đá có lực từ [29].

Đoạn này nhấn mạnh đến việc va vào các bãi cạn và đá là không thể tránh khỏi khi đi tàu vào vùng chưa được khám phá. Điều đó ám chỉ rằng giao thông trên biển từ phía tây nam đến đông bắc không phải do người Trung Quốc, mà là "người nước ngoài", có thể hầu hết là người Đông Nam Á. Những người nước ngoài này đã cảnh báo người Trung Quốc về những nguy hiểm khi thực hiện các chuyến hành trình tương tự băng qua biển bằng thuyền.

Ở bất cứ trường hợp nào, việc đề cập đến các trở ngại ở vùng biển chưa được xác định là rất khó chấp nhận như là nhận thức ban đầu của người Trung Quốc về các đảo ở Biển Đông. Trong yêu sách trên Biển Đông bằng tiếng Anh vào ngày 17 tháng 11 năm 2002, Bộ Ngoại giao đã dịch trướng hải kỳ thủ (zhanghai ritou 涨海崎头) là "các đảo, đá, bờ cát và bãi biển ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông" [30]. Yêu sách này tiếp tục cho rằng kỳ thủ là một thuật ngữ chung được Trung Quốc sử dụng nhằm đề cập đến "tất cả các đảo, đá, bãi cạn và đảo nhỏ ở Biển Đông, bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa". Lời giải thích trên cũng được sử dụng cho phiên bản tiếng Trung Quốc của yêu sách nước này ngày 22 tháng 11 năm 2002 [31]

Bản dịch tiếng Anh có phần thiên lệch nhằm thuyết phục dư luận nước ngoài rằng những yêu sách của Trung Quốc là chính đáng. Ngoài ra, bản dịch còn làm rõ thêm nghĩa của từ "kỳ thủ" là nhằm gộp tất cả các thực thể nổi khi thủy triều cao cũng như các bãi cạn lúc chìm lúc nổi ở Biển Đông. Như vậy, đó là một thuật ngữ bao trùm tất cả các đảo và bãi chìm mà Trung Quốc thèm muốn. Liệu có ai còn có thể lập luận hoặc tranh luận với "bằng chứng lịch sử" này nếu thiếu hiểu biết tiếng Trung Quốc [32] ?

Jianming Shen đã đưa ra một bản dịch thậm chí còn mập mờ hơn về đoạn văn trong bản Nam Châu dị vật chí ở Thái Bình ngự lãm [33] :

Có các đảo nhỏ, bãi ngầm và đá ở Biển Đông và vùng nước ở đó thì nông và đầy các đá có từ trường. Các thủy quân khi đi tuần tra dùng thuyền lớn có vỏ sắt ; khi đến khu vực này, do những bãi đá từ trường họ không thể tiến xa hơn [34].

Jianming Shen đã chuyển từ cách gọi các đá thành "các đảo nhỏ, bãi cạn, đá và bờ cát" [35] ; "trướng hải" thành Biển Đông ; và người nước ngoài thành "các thủy quân khi đi tuần tra" [36]. Bằng việc thay đổi thứ tự của các ký tự kiếu ngoại nhân (jiaowairen) thành ngoại kiếu nhân (waijiaoren), ông đã chuyển cách gọi người nước ngoài từ "người ngoài biên giới" (kiếu ngoại - jiaowai 獥外) thành các thủy quân "tuần hành ở biên giới" (ngoại kiếu - waijiao 外徼). Ông cũng thay đổi từ bạc (bo ) vốn có nghĩa là một loại tàu có nguồn gốc từ Đông Nam Á [37] thành từ thuyền (chuan ). Qua đó, ông chuyển từ tàu nước ngoài thành tàu Trung Quốc, thay sự quan sát của các thủy thủ nước ngoài thành quan sát của thủy thủ Trung Quốc. Vì thế, Jianming Shen đã biến tài liệu trên phục vụ việc mô tả bối cảnh mà trong đó các thủy quân Trung Quốc đang ở một vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, bỏ đi nghĩa gốc vốn thể hiện việc các thủy thủ của Đông Nam Á đã đi qua một vùng biển mở. Các tàu này có các lớp vỏ sắt bảo vệ nếu bị va vào đá. Từ trường của đá phản ánh việc va chạm với đá là không thể tránh khỏi và các tàu được tăng cường với vỏ kim loại không phải bị dừng lại do từ trường mà bởi không có cách nào vượt qua các vật cản [38].

Phù Nam truyện (Funan zhuan 扶南传) (Ghi chép về Phù Nam ; hay còn gọi là : Ngô thời ngoại quốc truyện Wu shi waiguo zhuan 吴时外国传) là bản ghi chép của Khang Thái (Kang Tai 康泰) và Châu Ứng (Zhu Ying 朱应) về hành trình tới Phù Nam của họ (phía Nam Việt Nam ngày nay) vào thế kỷ thứ ba. Chỉ có những mảnh ghi chép rời rạc còn giữ trong các nguồn trích dẫn ở bách khoa toàn thư ở giai đoạn Đường và Tống. Những ghi chép này được Trần Giai Vinh (Chen Jiarong 陈佳荣) biên tập và xuất bản [39]. Đoạn văn ngắn có liên quan được trích dẫn từ bản gốc ở Thái Bình ngự lãm có nội dung như sau :

Ở vùng trướng hải, người ta sẽ gặp các san hô Châu (shanhuzhou 珊瑚洲) [40] nơi mà san hô mọc trên đá [41].

Theo "Sử Đệ tổ", đoạn văn này cho thấy rằng thủy thủ Trung Quốc thời xưa có "nhận thức khá chính xác" (相当精确的认识) về hình dạng và cấu trúc của các đảo ở Biển Đông. Vị trí của các đảo san hô này chỉ là thứ yếu, vì trướng hải ở đoạn trích trong "Sử Đệ tổ" là Biển Đông. Là một trong những thuật ngữ quan trọng trong lập luận của Trung Quốc, các học giả Trung Quốc đã liên tiếp và nhấn mạnh rằng trướng hải chính là Biển Đông.

Roderich Ptak đã chỉ ra rằng trước đó, nghĩa cuối cùng trong việc giải thích thuật ngữ trướng hải chưa được tìm ra, và tranh luận vẫn đang tiếp tục [42]. Trong các nghiên cứu ban đầu của Ptak về thuật ngữ này, ông đã giải thích rằng trướng hải - một thuật ngữ mà ông không dịch ra nghĩa nào khác ngoài "biển Trướng" ("Zhang Meer") - là thuật ngữ dùng để mô tả vùng biển ngoài Quảng Đông, bao quanh Đảo Hải Nam, và Vịnh Bắc Bộ [43]. Cuối cùng, thuật ngữ này bao gồm hầu hết vùng biển từ Quảng Đông đến Ấn Độ Dương. Như vậy, trướng hải không nhất thiết là đề cập tới một vùng biển đã xác định chắc chắn mà là một thuật ngữ mập mờ cho một vùng biển không xác định.

"Sử Đệ tổ" không đưa ra bất cứ một nguồn trích dẫn nào để giải thích cho việc đặt tên của Trung Quốc cho Biển Đông hoặc bất cứ thực thể nào khác ở đó giai đoạn giữa thời Tam Quốc và thời Đường (từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 10) ; thiếu tài liệu cho giai đoạn này, "Sử Đệ tổ" chuyển sang thời đại nhà Tống [44]. Lý do chính khi đề cập đến Bình Châu khả đàm (Pingzhou ketan 萍洲可談) (đầu thế kỷ 12) của Chu Úc (Zhu Yu 朱彧) là do đây là một trong những tài liệu đầu tiên mô tả việc đi thuyền có sử dụng la bàn. Mặc dù việc sử dụng la bàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hướng trên biển, nhưng "Sử Đệ tổ" giải thích rằng các thủy thủ không xác định được các vị trí đó. Vì không có đảo, rạn san hô hay đá nào được đề cập ở Bình Châu khả đàm, "Sử Đệ tổ" đã liên hệ đến Lĩnh ngoại đại đáp (Lingwai daida 岭外代答) (1178) của Châu Khứ Phi (Zhou Qufei 周去) (?-sau 1178).

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây :

Johannes_l._Kurz_:_Biển_Đông_và_quá_trình__biến_thành_lãnh_thổ_lịch_sử_của_Trung Quốc nam_1975.pdf

Johannes L. Kurz

Nguyên tác : The South China Sea and how It Turned into "Historically" Chinese Territory in 1975, in China and the World – the World and China, Vol. 3, trong 133-160, © 2019. OSTASIEN Verlag, Gossenberg

Trần Thị Kim Nguyên, Nguyễn Phương Hoài dịch

Trần Quang hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 19/04/2020

--------------------------

Johannes L. Kurz, Tiến sĩ khoa Khoa học Xã hội và Mỹ thuật (FASS), đại học Vương quốc Brunei, chuyên nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc.

Bài viết được đăng trên China and the World – the World and China, Vol. 3, tiểu đề : The South China Sea and how It Turned into "Historically" Chinese Territory in 1975, tr.133-160.

 

--------------------------
Chú thích :

[1] Tôi sử dụng thuật ngữ này nhằm thể hiện các đá, đảo, bãi cạn và đảo san hô mà Trung Quốc vẫn thường đề cập đến là Nam Hải chư đảo (Nanhai zhudao 南海诸岛). Thuật ngữ chư đảo đề cập đến Tây Sa 西沙 (Hoàng Sa), Đông Sa 东沙 (Pratas Islands) ; Trung Sa 中沙 (Bãi Macclesfield) and Nam Sa 南沙 (Trường Sa). Hiện Đông Sa đang do Trung Quốc quản lý, các đảo khác vẫn đang trong tranh chấp với các nước ở Biển Đông. Chỉ khi Trung Quốc bắt đầu dự án xây đảo trên các thực thế này, một số thực thể đã biến thành "đảo", ví dụ như đá Xu Bi (Zhubi jiao渚碧礁, ở quần đảo Trường Sa). Đá Xu Bi chỉ nổi khi ở thủy triều thấp, còn khi thủy triều lên cao, thực thể này biến mất, Đá Xu Bi bị biến thành đảo nhân tạo qua quá trình cải tạo kể từ năm 2014. Về quá trình phát triển của Đá Xu Bi, xem Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á 2019. Về mặt pháp lý, các đảo có thể tạo ra một vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế, ngược lại các bãi cạn lúc chìm lúc nổi không thể tạo ra các vùng này. Xem Freund 2017.

[2] Một trong những hoạt động Tự do hàng hải (FONOP) gần đây nhất được tiến hành vào tháng 1 năm 2019. Xem Storey 2019. Hải quân Hoàng gia Anh gần đây đã tham gia cùng Hải quân Mỹ. Xem Hải quân Hoàng gia 2019.

[3] Vào năm 2016, hoạt đông thương mại có giá trị tương đương gần 3.4 nghìn tỉ USD đi qua Biển Đông, chiếm khoảng 1/5 thương mại toàn cầu tại thời điểm đó. Xem China Power Team 2017.

[4] Về phán quyết (có bản PDF) xem Tòa Trọng tài Thường trực 2016. Về công hàm có bản đồ của Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc xem Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2009. Cũng có thể xem phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ 2014. Các học giả phương Tây trước đó cũng đã bác bỏ khái niệm "quyền lịch sử" của Trung Quốc vì những yêu sách này không đáp ứng "các chuẩn mực của luật pháp quốc tế". Xem Dupuy và Dupuy 2013. Xem thêm Kopela 2017.

[5] Xem Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2016. Xem thêm sự bác bỏ của Hội Luật quốc tế Trung Quốc với phán quyết, đề cập nhiều nguồn có trong bài báo của "Sử Đệ tổ" dưới tiêu đề "Thực tiễn của Trung Quốc trên Biển Đông trước Thế kỷ 20. Xem Hội Luật quốc tế Trung Quốc 2018, 455-457.

[6] Về báo cáo của miền Nam Việt Nam về cuộc chiến, xem Ho 2014. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chỉ trích sự hiện diện của quân miền Nam Việt Nam ở Nhóm đảo Lưỡi Liềm (Yongle qundao 永乐群岛,
nhóm đảo phía Tây) ở Hoàng Sa là "xâm phạm" lãnh thổ của Trung Quốc và lấy cớ sử dụng vũ lực. Xem Zhonghua renmin gongheguo waijiaobu
中华人民共和国外交部 1974.

[7] Về Thủy lộ ba và Canh lộ bạ (genglubu 更路簿) xem Kurz. Tài liệu của Tô Đức Liễu được coi là nguồn tham chiếu quan trọng với các hoạt động liên tục của ngư dân Trung Quốc tại các đảo trong bài báo xuất bản trên tờ Nhân dân Nhật báo năm 1976. Xem Nhân dân Nhật báo năm 1976.

[8] Quảng Đông tỉnh vật quán (Guangdong sheng bowuguan 广东省博物馆) năm 1974. Các thành viên của cùng viện nghiên cứu cũng đã tiến hành cuộc điều tra khác năm 1975 và có kết quả được xuất bản là Quảng Đông tỉnh vật quán (Guangdong sheng bowuguan 广东省博物馆) 1976.

[9] Vương Căng Kiệt (Wang Hengjie 王恒杰) (1932–1996) hỗ trợ các lập trường chính thức bằng việc biên soạn hai báo cáo về nghiên cứu khảo cổ tuyên bố sự hiện diện của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa trong khoảng hơn 2500 năm (Wang Hengjie 1992, 776-777) và hơn 2,000 năm (Wang Hengjie 1997, 68-69). Bài báo sau xuất hiện ngay sau đó. Năm 2012, Xu Yongjie và Fan Yiran đã đưa ra một bản tóm tắt về các cuộc nghiên cứu khảo cổ học ở các đảo ở phía Nam Trung Quốc Biển Đông. Về các bằng chứng khảo cổ học chưa chắc chắn ở các đảo phía Nam Trung Quốc, xem Lassere 1999. Một trong những vấn đề lớn đó là không có cách nào cụ thể xác định phương thức các đồ gốm, đồng xu và các di vật khảo cổ khác được đưa đến các đảo.

[10] Deng Siyu 1974.

[11] Ye Hanming and Wu Ruiqing 1974.

[12] Qi Xin 1974

[13] Shao Xunzheng 1956. Ju Jiwu 鞠继武 1954 có một mục (từ 44-46) tập trung chủ yếu vào tài liệu ở thế kỷ mười chín và hai mươi.

[14] "Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông". Đây là tuyên bố được lặp đi lặp lại như thần chú trong các tuyên bố chính thức liên tiếp của Trung Quốc. Ví dụ, xem Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1980 ; 1988 ; 2011 ; 2015 ; 2016

[15] Trong khi Việt Nam là bên thách thức chính của Trung Quốc ở Biển Đông và Philippines đang quanh co trong quan hệ với Trung Quốc đặc biệt là dưới thời Tổng thống Duterte, các nước ASEAN vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Như đã đề cập trước đó, Mỹ sử dụng hoạt động tự do hàng hải (FONOP) thách thức Trung Quốc, một số FONOP được tiến hành ở Hoàng Sa. Về FONOP của Mỹ cho đến năm 2017 xem thêm Standifer 2017.

[16] Một bản dịch tiếng Anh xuất hiện vào ngày 12/12 như Shi 1975. Danh tính của ba tác giả được tiết lộ là : Li Baotian 李宝田, Song Lifu 宋力夫 and Zhu Dexiang 朱德祥. Zhu Zhenhai朱振海, người đã đồng hành cùng ba tác giả trên, làm việc ở Phòng Địa Mạo (dimaoshi 地貌室) trong Viện Hàn lâm Khoa học. Các nhà chức trách có liên quan đã tặng thưởng cho những tác giả này vì những nỗ lực với cơ hội tiến hành nghiên cứu nhiều hơn về Hoàng Sa năm 1976. Năm 1977, "Sử Đệ tổ" đã có một bài báo cáo về chuyến đi này, Tây Sa hành 西沙行 ở Địa lí tri thức (Dili zhishi 理知识) số 2 và 3. Tôi chưa tiếp cận tới các ấn phẩm này. Họ đã xuất bản các hồi ký liên quan đén vụ việc này vào năm 2010. Xem Sử Đệ tổ 2010. Li Baotian đã xuất bản một bài viết về việc kỷ niệm chuyến đi năm 1976 tới Hoàng Sa. Xem Li Baotian 2016.

[17] Nơi đầu tiên trong số đó có lẽ là Nam sử tổ, Nghiên cứu sở của Đại học Hạ Môn (厦门大学南洋研究所南史组) 1975. Bài báo đầu tiên của họ, được lưu ở Nam sử tổ (Nanshizu 南史组), ngày 1/12, 1975.

[18] Tôi vẫn chưa tìm được một bản dịch phù hợp với thuật ngữ này. "Cửu Nhũ Loa Châu" là một lựa chọn có xem xét đến giả định của "Sử Đệ tổ" về các rặng san hô ngầm. Một lựa chọn khác là xem xét Cửu Nhũ Loa như cụm từ thông thường chỉ đá và các bãi đá.

[19] Đề mục này có thể được lấy cảm hứng từ một bài báo có tiêu đề và lập luận tương tự. Xem Lin Ronggui
1990.

[20] Xem Hayton 2014, đặc biệt từ trang 29-60, và gần đây nhất Hayton 2018a và 2018b.

[21] Chen Mao giúp đỡ Zhou Chang, hoàn thiện Yuzhou ở Trung Quốc người đã bổ nhiệm ông làm tùy tùng. Xem Thái Bình ngự lãm 263.1b (tr. 1230).

[22] Thái Bình ngự lãm 60.1b (tr. 287).

[23] Tuy nhiên Jianming Shen tuyên bố chính xác như vậy bằng việc thay đổi sơ qua văn bản gốc để đọc là hành bộ trướng hải (xingbu zhanghai 行部涨海) và dịch cụm này là "cuộc khảo sát và tuần hành của thủy quân đến các đảo ở Biển Đông". Xem Shen 1997, 18.

[24] Nan Mingzi là bút danh của nhà sử học Chen Jiarong 陈佳荣. Bài báo trong câu hỏi là Nan Mingzi n. d.
Ở trong phiên bản gốc của bài báo – Chen Jiarong 1982 – Chen đã không đề cập tới Hậu hán thư.

[25] Sơ học ký 6.115.

[26] Thái Bình ngự lãm 790.7b (tr. 3501).

[27] Xem, ví dụ, Hàn Chấn Hoa 1988, 23 ; Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2000 ; Trung Hoa Dân quốc năm 2016.

[28] Ye/Wu năm 1974, 10, cũng đề cập đến Yiwu zhi. Nếu "Sử Đệ tổ" tiếp cận đến bài báo này, có lẽ họ đã khai thác bài báo này do tính lâu đời của bài này với Nanzhou yiwuzhi.

[29] Yiwu zhi, 3. Chú thích cụm từ liên quan từ Yiwu zhi, được trích dẫn trong Zhengde Qiongtai zhi 正德琼台志 42.14b, khác một chút so với cụm từ trong bài đã chỉnh sửa của Yiwu zhi.

[30] Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2000.

[31] Zhonghua renmin gongheguo waijiaobu 2000.

[32] Ấn bản đầu tiên bằng tiếng Anh kể từ nửa sau những năm 1970 đã chấp nhận yêu sách lịch sử của Trung Quốc và trở thành tài liệu được trích dẫn trong các nghiên cứu sau này. Xem Hayton 2018b, 4.

[33] Taiping yulan 988.3a (tr. 4372).

[34] Shen Jianming 2002, 113-114.

[35] Trong Shen Jianming năm 1997, 18, thuật ngữ kỳ thủ giải thích tất cả các nghĩa này.

[36] Trong bài báo đầu tiên Shen đã dịch không càng sai lệch đoạn : "các quan chức làm nhiệm vụ tuần tra đi thuyền lớn đã đổi sang đi thuyền nhỏ để đến được vùng này […]". Xem Shen 1997, 19.

[37] Manguin 1980, 274.

[38] Các thủy thủ chỉ cuối thế kỷ 19 mới có nhiều thông tin cụ thể hơn về vị trí các bãi cạn, đảo san hô, bãi đá ngầm. Cho đến lúc đó, các thuyền theo sau một lộ trình biển đã được thiết lập trước đó dọc theo các bở Biển Đông Nam Á. Xem Minh Hà Pham 2016.

[39] Chen Jiarong 2006.

[40] San Hô Châu là một thuật ngữ mập mờ khác dù chưa được xác định vẫn được các tác giả Trung Quốc thời hiện đại dùng để đề cập tới các đảo ở Biển Đông. Xem tham khảo Liu Nanwei 1996, 13-14.

[41] Thái Bình ngự lãm 69.3b (327). Cũng có thể xem Hàn Chấn Hoa năm 1988, 25. Về các rặng san hô xem Ptak 1990.

[42] Ptak 2007, 236.

[43] Xem thảo luận chi tiết về thuật ngữ trướng hải tại Ptak 2004.

[44] Ye and Wang năm 1974 đã thể hiện Guangzhou tonghai yidao 广州通海夷道 (Các tuyến đường biển từ Quảng Châu tới nước ngoài), biên soạn bởi Jia Dan 贾耽 (730–805) là nguồn tham khảo chính thức từ thời nhà Đường. Mô tả tuyến đường từ Quảng Đông tới các nước Đông Nam Á, có trong Tân Đường Thư (1060) 43A.1153. Hàn Chấn Hoa đã cố bổ sung cho thiếu sót của thời Tùy-Đường. Trong số các tác phẩm mà ông đề xuất là Tùy Thư Suishu 隋书 (656 ; Lịch sử chính thức về nhà Tùy), bao gồm bản ghi chép về việc đi lại thường xuyên đến Hoàng Sa mà ông nghĩ có tên là Jiaoshishan 礁石山, rằng Tongdian 通典 (801) đã ghi nhận các giới chức đi thuyền qua Hoàng Sa (Jiaoshishan), và các tuyến đường hàng hải từ Quảng Châu ra bên ngoài (Guangzhou tonghai yidao) đã đánh dấu Hoàng Sa với tên gọi Xiangshi 象石. Xem thêm Hàn Chấn Hoa 1988, 29-31.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Johannes L. Kurz
Read 717 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)