Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/05/2020

Tư duy thoát Trung và câu chuyện đặc khu

Hải Đăng

Thoát Trung là gì ?

Gần đây, cách hành xử một cách độc đoán, thô lỗ của Trung Cộng trong Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới kêu gọi tẩy chay Trung Cộng. Trong bối cảnh đó, cũng đã có một số chuyên gia Việt Nam kêu gọi đây là dịp tốt để Việt Nam có thể "Thoát Trung".

thoat1

Người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018 - AFP. Hình minh họa

Vấn đề "Thoát Trung" đã được đặt ra từ năm 2014 với nhiều tranh luận sôi nổi. Ý kiến về nội hàm của khái niệm "Thoát Trung" của nhiều nhà trí thức đưa ra, không hẳn là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung mà hầu hết các chuyên gia đều đồng ý, đó là "Thoát Trung" cần được hiểu một cách đơn giản là thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Cộng.

Thế nhưng vấn đề cần đặt ra là liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thực sự muốn "Thoát Trung" ?

Lệ thuộc chính trị

Việt Nam hiện nay lệ thuộc vào Trung Cộng nhiều thứ, nhưng về cơ bản, có thể kể ra đó là lệ thuộc về chính trị, kinh tế và đối ngoại.

Về mặt đối ngoại là lĩnh vực mà mọi người cảm thấy có nhiều hy vọng, khi thấy Việt Nam càng ngày càng có xu hướng ngả về phía Mỹ. Quan hệ Việt - Mỹ gần đây hết sức nồng ấm. Nhiều người nghĩ rằng, với việc Việt Nam đang xích về phía Mỹ sẽ khiến Việt Nam thoát khỏi "cái bóng" của Trung Cộng. Tuy nhiên, người cộng sản thường quan niệm "Chính sách đối ngoại là "cánh tay nối dài" của chính sách đối nội", vì thực ra, chính sách đối ngoại lại được quyết định bởi các nhân vật chính trị quan trọng trong nước. Thậm chí, có thể nói, chính sách đối ngoại Việt Nam phụ thuộc vào quyết định của những nhân vật cao cấp trong Bộ Chính trị Việt Nam, vốn có quyền quyết định tất cả vận mệnh của đất nước, chứ không chỉ riêng chính sách đối ngoại.

Về mặt chính trị, sự gần gũi giữa hai Đảng Cộng sản, cộng với những sự tương đồng trong văn hoá, đã khiến bộ máy nhà nước Việt Nam như một bản sao thu nhỏ từ bộ máy nhà nước Trung Cộng. Tất cả các cơ quan nhà nước Việt Nam đều có cấu trúc và tên gọi giống như cơ quan tương tự bên Trung Cộng. Trong chương trình đào tạo các quan chức Việt Nam, có rất nhiều chương trình đưa các cán bộ sang đào tạo tại Trung Cộng. Và đã có chuyên gia lên tiếng cảnh báo việc Trung Cộng tìm cách khai thác, mua chuộc, khống chế cán bộ Việt Nam khi đi học tại Trung Cộng.

Ngay cả việc "nhóm lò" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, người quan sát thấy rõ đây là "phiên bản" của kế hoạch "đả hổ diệt ruồi" của Tổng bí thư Trung Cộng Tập Cận Bình. Mặc dù giương lên ngọn cờ "cao cả" là chống tham nhũng, nhưng thực chất đây là việc tiêu diệt các phe phái đối lập, để phe mình nắm giữ quyền lực.

Kinh tế lệ thuộc vì đâu ?

Về mặt kinh tế, bao lâu nay Chính phủ Việt Nam vẫn lúng túng khi cố tuyên bố tìm cách phát triển kinh tế, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng. Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia và quan chức công khai đặt ra, nhưng trong thực tế, Nhà nước Việt Nam vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra. Vậy lực cản nào đã dẫn đến sự lệ thuộc này ?

Báo chí trong nước mới đây cho biết, khi cử tri Hải Phòng kiến nghị "tình trạng người Trung Cộng mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại". Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cung cấp số liệu, theo đó, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Thành phố Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Cộng đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê của UBND Thành phố Đà Nẵng.

Bộ Quốc phòng cũng cho biết thêm để sở hữu các lô đất ở Thành phố Đà Nẵng, người Trung Cộng chủ yếu dựa theo 2 hình thức :

Thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Cộng góp vốn thấp hơn người Việt (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất, nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Cộng.

Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất. Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Bộ Quốc phòng cho rằng cử tri và dư luận xã hội thấy "đáng ngại" về việc cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Cộng là có cơ sở.

Đây không phải là vấn đề mới, ngay từ giai đoạn 2015 đã có nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại về vấn đề này trên báo chí.

Thêm nữa, báo chí mới đây cũng đưa thêm những thông tin "giật mình". Ngoài việc sở hữu bất động sản có vị trí trọng yếu mà Bộ Quốc phòng vừa chỉ ra, các nhà đầu tư đến từ Trung Cộng đang ồ ạt thâu tóm thêm nhiều dự án của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực liên quan đến năng lượng, tài nguyên, thương mại điện tử..

Trong lĩnh vực năng lượng, có thể kể đến dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) với công suất 1.240 MW, tổng mức đầu tư 1,755 tỉ USD. Dự án này hiện đã thuộc sở hữu của Công ty lưới điện Phương Nam TQ (chiếm 55% vốn), Công ty điện lực quốc tế Trung Cộng (CPIH) 40%, trong khi Tổng công ty điện lực (Vinacomin) chỉ nắm giữ có 5%.

Tại Hà Tĩnh, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 có tổng mức đầu tư 2,187 tỉ USD, công suất 1.200 MW, cũng đã rơi vào tay Công ty One Energy Asia (Hồng Kông), sau khi công ty này thâu tóm lại cổ phần của Tổng công ty lắp máy VN (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) 23%. Chưa dừng lại ở đó, tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), Công ty One Energy cũng rót 55% vốn để kiểm soát, còn EVN nắm 29% và Tập đoàn Thái Bình Dương nắm 16% vốn.

Còn nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khác có giá trị lớn do công ty TQ tiến hành dưới dạng mua cổ phần chi phối, như Tập đoàn China Investment nhận chuyển nhượng 19% cổ phần (96,9 triệu USD) từ một tập đoàn VN để đồng sở hữu liên doanh Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. Thương vụ đình đám nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là vụ thâu tóm C.P VN. Công ty mẹ CPG ở Thái Lan đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ ở C.P VN (71%) sang cho công ty con - Công ty Pokphand (CPP) trụ sở ở Hồng Kông. Khi đó, C.P VN đang nắm thị phần chủ yếu lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của VN.

Đáng chú ý là tất cả những vấn đề này đã được các chuyên gia và người dân nói lên nỗi lo ngại của mình từ rất lâu, trên các phương tiện truyền thông chính thống. Việc công dân Trung Cộng mua bất động sản gần căn cứ quân sự đã xảy ra nhiều lần, cụ thể năm 2012, báo chí đã gióng lên hồi chuông báo động khi nhiều người Trung Cộng nuôi cá bè ngay gần cảng quân sự Cam Ranh, dẫn đến những đe doạ về an toàn quân sự đối với quốc phòng Việt Nam. Thế nhưng tất cả vẫn lặp lại, người Trung Quốc vẫn có thể dễ dàng "thâu tóm, khống chế" các doanh nghiệp cũng như toàn bộ xương sống của nền kinh tế Việt Nam, thậm chí dễ dàng mua đất có vị trí quốc phòng quan trọng.

Câu chuyện đặc khu

Năm 2018, Nhà nước Việt Nam đã công bố Dự thảo Luật đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt (Gọi tắt là Luật Đặc khu), với ba địa điểm : Vân Đồn ; Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Dự luật này được chuẩn bị một cách vô cùng cẩu thả, sao chép lẫn nhau một cách thô vụng, và không dựa trên những cơ sở thuyết phục. Mặc dù bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội Việt Nam khẳng định trước Quốc hội rằng "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật". Tuyên bố này của bà Chủ tịch quốc hội hàm ý Bộ Chính trị là quyết định cao nhất, tất cả nhân dân có nghĩa vụ phải tuân theo.

Sau đó, đã dẫn đến sự kiện người dân cả nước cùng xuống đường biểu tình để tỏ thái độ không đồng ý với Dự luật này. Điều mà tất cả người dân lo ngại là sự đe doạ trước sự "xâm lăng không tiếng súng" của Trung Cộng, đặc biệt với Vân Đồn - một khu vực biển có vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Các chuyên gia cũng đã chỉ rõ khả năng các doanh nghiệp Trung Cộng có thể thâu tóm hoặc mua đất đai khu vực này (Dự luật cho thuê đất tới 99 năm), và như nhiều trường hợp trước đây ở Việt Nam, người Trung Cộng làm gì trong đất đai mà họ nắm giữ đó thì Chính quyền Việt Nam không thể hay biết.

Những tưởng với quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo, Nhà nước Việt Nam phải cảnh giác trước các âm mưu "thực dân mới" của Trung Cộng thông qua các khoản vay, đầu tư và tham nhũng, hối lộ mà "Vành đai, Con đường" là kế hoạch tiêu biểu. Thế nhưng, câu chuyện lại không phải như vậy.

Mới đây, báo chí tỉnh Quảng Ninh tưng bừng công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh.

Điều đó cho thấy, mặc dù các khuyến cáo, lo ngại của người dân và các chuyên gia, Đảng và Nhà nước vẫn "đánh úp" nhân dân bằng các quyết định "âm thầm" của mình. Dự luật người dân phản đối thì Chính phủ ban Nghị quyết, và chẳng có ai còn hơi sức để phản đối nữa. Và như vậy, câu chuyện đặc khu Vân Đồn lại được tiếp tục. Rồi có thể 5 hoặc 10 năm nữa, các cơ quan như Bộ Quốc phòng lại công bố một loạt các thông tin "chấn động" khi Trung Cộng đã "làm chủ" toàn bộ đặc khu này. Và nếu người dân phản đối thì lại "Đảng và Nhà nước biết hết rồi, có phương án hết cả rồi" hay "chúng ta chỉ chống lại hay khởi kiện Trung Cộng khi nào chúng ta đủ mạnh, thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung Cộng đã". Tuy nhiên, với các kế hoạch như hiện nay của Nhà nước Việt Nam, việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Cộng là mãi mãi không thể.

Trong một bài trả lời phòng vấn gần đây, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng "thoát Trung cũng chính là hàm nghĩa "thoát Ta". Ý kiến này xem ra rất đúng. Có lẽ, ông Trần Đình Thiên chưa thể nói thẳng ra được rằng, muốn "Thoát Trung", lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cần thoát khỏi các lợi ích cá nhân của chính họ đi đã. Phải đặt lợi ích của đất nước và dân tộc lên trên, chứ cứ chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân của chính "Ta" thì muôn đời cũng chẳng "Thoát Trung" được.

Hải Đăng

Nguồn : RFA, 19/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Đăng
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)