Có nhiều bằng chứng lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã ngủ mê trong vòng tay người Tầu từ đất liền ra Biển Đông.
Không được để phố biển Đà Nẵng trở thành phố Tàu ! Ảnh : doisongphapluat
Trước hết, hãy nói về chuyện đất liền. Từ năm 2010, các Công ty gốc Tầu từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã đồng loạt nhảy vào Việt Nam thuê đất đầu nguồn, dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào và Việt-Kampuchea để trồng cây nguyên liệu. Các dự án trồng rừng được chính quyền địa phương cho thuê dài hạn 50 năm, đa số nằm ở các vị trí chiến lược quốc phòng, còn được gọi là "nhạy cảm".
Năm 2014, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho báo chí biết "đã có 19 dự án được cấp trên địa bàn 18 tỉnh với diện tích trên 398.374 ha".
Theo báo Đất Việt lúc bấy giờ thì "trong số diện tích này có những dự án nằm ở vị trí, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn".
Báo này viết tiếp :
"Trước đó năm 2010, báo cáo của các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương... cho biết các địa phương đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha (chính thức là 305,3534 nghìn ha), trong đó doanh nghiệp từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới".
Ngay từ lúc đầu đã có 10 tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, gồm : Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kontum, Khánh Hòa và Bình Dương.
Công ty InnovGreen (Hồng Kông, Trung Quốc) thuê nhiều đất nhất, nhưng nhiều nơi chỉ khai thác trồng cây một phần rồi bỏ đất hoang như đã xẩy ra tại Quảng Ninh, Nghệ An và Quảng Nam (Thanh Niên Online, 25/05/2019).
Trước nguy cơ người Tầu chiếm đất để "Hán hóa Việt Nam" ngày nào đó, hai ông Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989), vào ngày 22/01/2010, đã công bố bài viết chung cảnh tỉnh chính phủ và người dân.
Cả hai ông đã qua đời, nhưng lời cảnh giác khi đó nay vẫn còn giá trị. Họ nói :
"Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao ?
Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những "làng Đài Loan", "làng Hồng Kông", "làng Trung Quốc". Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng".
(theo Bauxite ViệtNam)
Hậu quả nhãn tiền
Mười năm sau bài viết của hai ông tướng có uy tín cao trong Quân đội, tình hình người Tầu có mặt ở Việt Nam đã gia tăng chóng mặt với muôn hình vạn trạng. Họ đã làm chủ nhiều vùng đất vàng và chiếm cứ các địa điểm chiến lược an ninh, quốc phòng dọc biên giới và ven biển.
Người Trung Quốc đã mua một số lô đất cạnh sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường viết trên báo VnExpress ngày 20/05/2020 :
"Tôi từng bồn chồn về việc người Trung Quốc thuê những cánh rừng ở vị trí quốc phòng quan trọng. Họ thuê xong, rừng bị rào lại.
Mươi năm trước, báo chí ồn ào bởi thông tin nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã được ủy ban nhân dân các tỉnh cho thuê những cánh rừng rộng lớn, có vị trí quốc phòng quan trọng. Họ rào kín đất thuê, cơ quan và dân ta đều không được vào, không biết cái gì đang diễn ra bên trong…".
Ngay chính Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi còn sống đã có ý định vào xem khu kinh tế của người Tầu xem họ làm gì mà rào kín. Lập tức, ông và người tài xế đã bị chận lại ngoài cửa. Tướng Nguyên nói ông là Trung tướng, nhưng nhân viên gác cổng người Hoa vẫn không cho phép ông vượt qua cây rào cản.
Khi ấy Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã lên tiếng lưu ý Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua.
Bây giờ, tại kỳ họp Quốc hội 9 ngày 18/05/2020, cử tri khắp nơi đã lên tiếng lo ngại về 2 việc : Người Tầu mua đất, và người Tầu "lập xóm", "lập phố" ở Việt Nam.
Thứ nhất, báo chí Việt Nam đã đồng loạt đưa tin :
"Bộ Quốc phòng nêu hàng loạt bất cập trong việc người Trung Quốc, người có yếu tố Trung Quốc thu mua đất ở các khu vực trọng yếu.
Cử tri Thành phố Hải Phòng kiến nghị về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại".
Thứ hai, Bộ Quốc phòng trả lời :
"Tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (24 doanh nghiệp khu vực biên giới đất liền, 125 doanh nghiệp khu vực biên giới biển).
Số doanh nghiệp đang hoạt động 134, số doanh nghiệp đã triển khai nhưng tạm ngưng hoạt động 15 ; tổng diện tích 162.467,7 ha (khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, khu vực biên giới biển 5.393,7 ha kể cả mặt biển) (1); tổng vốn đầu tư 30,872 tỉ USD".
Bộ Quốc phòng cũng báo cáo :
"Có 4.239 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp này ; thời hạn thuê đất từ 5 - 50 năm ; lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giầy da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử...
Địa bàn tập trung nhiều ở các tỉnh, thành : Đà Nẵng 22, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh 5, Bình Thuận 5... Các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc ở khu vực biên giới đều hình thành từ tháng 12/2018 trở về trước (năm 2019 không có doanh nghiệp mới nào) ; trước khi cấp phép, đầu tư đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt" (VietNamNet, 18/05/2020).
Làm chui - chế biến và sản xuất ma túy
Chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc lén lút đưa công nhận lậu vào Việt Nam, hay thuê người Tầu du lịch sang Việt Nam làm công nhân, thay vì mướn công nhân Việt như hợp đồng đã quy định, là chuyện đã xẩy ra từ 10 năm trước. Tình hình bây giờ phức tạp hơn mà Bộ Lao động và Tổng công đoàn Lao động Việt Nam không tháo gỡ được, vì các công ty tầu tìm đủ mọi cách tránh thanh tra, hối lộ và lách luật.
Bằng chứng như báo cáo của Bộ Quốc phòng đã thừa nhận với Quốc hội :
"Tuy nhiên, còn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý. Cụ thể, một số doanh nghiệp đưa lao động người Trung Quốc sang làm việc nhập cảnh dưới hình thức du lịch ; sử dụng lao động Trung Quốc không khai báo, đăng ký theo quy định, thậm chí có doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng (Bình Định, Đà Nẵng, Bình Thuận).
Một số trường hợp đầu tư "núp bóng" danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng thực chất việc điều hành, quản lý đều do người Trung Quốc đảm nhiệm (Khánh Hòa, Quảng Ninh).
Một số doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum) ; có doanh nghiệp trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường (Hà Tĩnh, Hải Phòng).
Cơ quan chức năng đã xử lý một số vụ việc có yếu tố liên quan đến người Trung Quốc. Trong đó, có 3 vụ với 63 người không khai báo tạm trú, 3 vụ với 87 người không có giấy phép lao động, 1 vụ với 285 công nhân Trung Quốc xô xát với công nhân Việt Nam, 1 vụ có 3 trường hợp kết hôn trái phép, 4 vụ có 310 lao động không chấp hành quy định trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp.
Lợi dụng kẽ hở để giành quyền sở hữu
Bộ Quốc phòng cho hay, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Thành phố Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê của UBND Thành phố tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn ; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Rất nhiều khác sạn lớn ở Đà Nẵng, chủ là người Tàu
Cụ thể :
Từ năm 2011- 2015, có 2 trường hợp cá nhân đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỷ đồng.
Có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm. Cụ thể, công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng đã nhận quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất trên mặt đường Hoàng Sa năm 2014. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch và dịch vụ Silver Park, đứng tên mua 4 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Silver Sea Triệu Nghiệp, đứng tên sử dụng 2 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch và dịch vụ Hoàng Gia Trung, sử dụng 13 lô đất mặt đường Võ Nguyên Giáp" (VietnamNet, 18/05/2020).
Lập xóm - lập phố
Cũng tại kỳ họp 9 của Quốc hội, các đại biểu đã được nghe cả chuyện người dân tỉnh Bình Dương than phiền và lo ngại "về tình trạng người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc "lập xóm, lập phố" tại một vài địa phương".
Chuyện này không mới vì ở Bình Dương đã có một phố Tầu mang tên Đông Đô Đại Phố, thành lập từ hảng chục năm trước mà ngay cả gia đình nguyên Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết, cự ngụ cách đó không xa mà cũng chả làm gì nổi.
Tuy nhiên, theo báo chí Việt Nam : "Trả lời về việc này, Bộ Công an cho biết, trong những năm gần đây, nước ta có nhiều khu dự án kinh tế, thu hút một lượng lớn người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc nhập cảnh để xây dựng, làm việc. Tại các khu dự án, chưa phát hiện tình hình phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người nước ngoài…".
Bộ Công an đã nói dối. Bằng chứng đã có những vụ xung đột đổ máu giữa người Việt với những thành phần công nhân Tầu bất hảo, rượi chè tại khu khai thác Bauxite ở Tân Rai, Lâm Đồng và tại Nhà máy Gang Thép Formosa Hà Tĩnh.
Cũng tại những khu có doanh nghiệp Trung Quốc, nhiều xóm, nhiều phố "Tầu đặc sản" bất hợp pháp đã mọc lên như nấm để sống chen và cạnh tranh làm ăn, buôn bán với người dân Việt ngay trước mũi công an mà luật pháp Việt Nam cũng đành cúi mặt đi chỗ khác chơi.
Mất trộm mới rào dậu
Trước sự bất lực này, Bộ Công an đã chữa lửa bằng báo cáo đãi môi rằng :
"Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, trật tự đối với các hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo tập trung thực hiện một số việc. Cụ thể, Bộ phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, nhất là quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm trong Công an nhân dân, về công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam…".
Việc làm này cũng đâu khác gì chuyện ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết :
"Sẽ nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành chỉ thị mới để quản lý vấn đề người nước ngoài thuê, mua đất vị trí trọng yếu".
Lý do ông Dũng nói thế vì luật hiện hành quy định chuyện cho thuê đất, kể cả đối với người và doanh nghiệp nước ngoài, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ông Dũng nói với báo chí tại hành lang Quốc hội rằng :
"Bộ không thể quản lý được toàn bộ ở dưới cơ sở. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề liên quan đến việc người nước ngoài đầu tư chúng tôi đang nghiên cứu, có thể tham mưu để Chính phủ ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề người nước ngoài thuê, mua đất" (VTCNews, 25/05/020).
Lạ thật, chuyện người Tầu, công ty có yếu tố Tầu làm chủ đã thao túng mua đất Việt Nam từ hàng chục năm qua mà Bộ Kế hoạch và đầu tư vẫn đứng ngoài nhìn vào, bây giờ mới tính chuyện "tham mưu" cho Chính phủ ban hành quy chế mới, thì có nhố nhăng không ?
Rõ là chuyện "cha chung không ai khóc". Lãnh đạo thì cứ ì ra đấy để "sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi" để diễn tiếp chuyện "việc nhà nhếch nhác, việc chú bác siêng năng".
Bằng chứng như chuyện Trung Quốc đang chuẩn bị khóa chặt Việt Nam ở Biển Đông trong thời gian không xa thì lãnh đạo Việt Nam lại nuôi mộng há miệng chờ sung từ Hoa Kỳ, nhưng lại không dám "xoay trục" để thoát Trung.
Rõ ràng, qua chuyện người Tầu chiếm đất và lấn biển thì chỉ có người dân là biết lo, biết băn khoăn cho tiền đồ Tổ quốc. Trong khi lãnh đạo cấp dưới không dám ngo ngoe thì cấp cao lại tiếp tục ngủ mê trong vòng tay người Trung Quốc .
Phạm Trần
(28/05/2020)
-----------------
(1) Ở đây có sự sai lầm, có lẽ do sơ xuất : nếu cộng chung diện tích khu vực biên giới đất liền 943,7 ha và khu vực biên giới biển 5.393,7 ha kể cả mặt biển thì tổng số diện tích sẽ là 6.337,4 ha chứ không phải 162.467, ha. (Cf. "Bộ Quốc phòng "điểm danh" những vị trí trọng yếu người Trung Quốc đang sở hữu đất", Đầu tư online, 17/05/2020).