Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/06/2020

Giữ đồng bằng sông Cửu Long nhờ phát triển bền vững và nhân lực

Dương Văn Ni

Tháng 04 và 05/2020, đồng bằng sông Cửu Long trải qua mùa hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, thiệt hại về mùa màng không lớn bằng đợt hạn 2016 do người dân và chính quyền địa phương đã rút được bài học và chuyển đổi một số diện tích cây trồng, theo nghị quyết số 120/NQ-CP Về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 17/11/2017.

mekong1 - Copie

Người dân Vĩnh Long, Việt Nam vận chuyển gạo trên sông Mekong. Wikimedia Commons

Nghị quyết này đã giúp tháo gỡ về mặt chính sách cho Việt Nam, theo nhận định của tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong, khi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh đến nguồn nhân lực và sự phối hợp giữa các nước trong vùng để có thể bảo đảm tương lai bền vững cho khu vực sông Mekong.

***

RFI : Mùa hạn 2020 đã khiến ngành nông nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ngành trồng lúa, bị tác động nặng, đâu là giải pháp cho lĩnh vực này ?

Dương Văn Ni : Năm 2017, thủ tướng ra nghị quyết 120. Tôi cho là nghị quyết 120 là một trong những tháo gỡ về mặt chính sách tốt nhất cho Việt Nam vào lúc này. Nghị quyết 120 đó đề cập đến mấy vấn đề cốt lõi.

Vấn đề thứ nhất đề cập là các nguồn nước, kể cả nước mặn, cũng phải xem như một dạng tài nguyên. Điểm này hoàn toàn khác với tư duy trước đó : Hễ thấy nước mặn là phải có một công trình nào đó ngăn chặn. Bây giờ công nhận nước mặn như một tài nguyên để mà khai thác nó dưới diện nào đó cho có hiệu quả về kinh tế. Tôi cho rằng sự thay đổi đó rất là căn cơ.

Nhưng điều quan trọng hơn nữa là nền nông nghiệp : Nhà nước cho phép chuyển dịch nền nông nghiệp theo hướng chiều sâu, hay là theo hướng có hiệu quả kinh tế nhất, chứ không phải là khư khư ép người dân trồng nhiều lúa để gọi là "bảo đảm an ninh lương thực". Đây là điều làm trong nhiều năm qua, chúng ta đẩy mạnh diện tích lúa ra sát bờ biển, trong khi vùng sát bờ biển vốn không thuận lợi cho trồng lúa. Bởi vì, năm nào khi dứt mưa, vùng này chắc chắn là sông rạch bị ảnh hưởng nặng, bị nhiễm mặn. Nhưng nhờ đợt hạn mặn 2015-2016 cho thấy những nỗ lực đưa nước ngọt, đưa cây lúa ra vùng duyên hải rất là bấp bênh. Những bài học đó giúp cho người dân, giúp cho chính quyền địa phương và cả cấp trung ương nhìn thấy ra được vấn đề chỗ nào rất bị tổn thương, chỗ nào không cần chăm chăm đưa cây lúa vào đó.

Tôi cho rằng 2017, Nhà nước ra được nghị quyết 120 là tháo gỡ khó khăn mang tính vĩ mô và như vậy nó giúp cho người dân có cơ hội điều chỉnh lại sản xuất của họ. Có nghĩa là nếu vùng đó thường xuyên bị mặn đe dọa và xâm nhập như vậy, tốt nhất là chúng ta nên chọn loại cây trồng, vật nuôi nào phù hợp hơn là cứ cố giữ khư khư cây lúa theo chỉ thị của Nhà nước. Đó là cái mở mang rất tốt !

RFI : Sau khi Nhà nước ban hành nghị quyết 120, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long hiện chuyển sang hướng canh tác nào được cho là phù hợp với điều kiện thời tiết của vùng ?

Dương Văn Ni : Nghị quyết chỉ mang tính rất tổng thể, giải quyết được vấn đề vĩ mô. Còn để đi vào thực tế, thực tiễn từng vùng, thì điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo của người dân và chính quyền địa phương.

Bởi một lý do là trong một thời gian dài, chúng ta tập trung quá nhiều cho cây lúa, và bây giờ chuyển qua cây trồng và con khác, thì thứ nhất phải cần đến hạ tầng về kỹ thuật phải tương đối đồng bộ (hệ thống tưới tiêu, hệ thống dẫn nước…). Bây giờ ví dụ muốn nuôi trồng thủy sản, thì cũng phải có cải tiến hoặc thiết kế lại, công việc này tốn rất nhiều thời gian, cũng như kinh phí.

Điểm thứ hai, quan trọng hơn, đó là hạ tầng về xã hội và kinh tế. Ví dụ, ngày xưa trồng cây lúa, thì bao nhiêu chục năm nay, người dân biết trồng như thế nào. Bây giờ chuyển sang một cây trồng khác, việc đầu tiên là người dân phải nắm được kỹ thuật để quản lý mùa vụ của cây con đó. Khi người dân đã biết những việc đó rồi thì hạ tầng, dịch vụ phục vụ liệu đã có sẵn chưa, bởi vì một thời gian dài, chúng ta chỉ phục vụ cho cây lúa, giờ chuyển sang cây con khác, người ta không chuẩn bị sẵn vật tư, phân bón hay thuốc sâu, thuốc bệnh đó.

Tiếp theo phải nói tới công lao động. Phải nói rằng hiện nay cây lúa đã được cơ giới hóa với một tỉ lệ rất lớn, từ khâu làm đất đến thu hoạch. Bây giờ chuyển qua những cây trồng khác thì cần một lượng lao động nhiều để chuẩn bị gieo sạ hay thu hoạch. Điểm quan trọng cuối cùng là không biết bán cho ai và ai ăn, nên vẫn chưa biết thị trường ở đâu.

Những điểm trên cho thấy rằng mặc dầu nghị quyết 120 đã tháo gỡ những nút thắt, nhưng để chuyện đó thành hiện thực, cụ thể ở một nơi nào đó, thì cần sự quyết tâm và sự sáng tạo của người dân và chính quyền địa phương nơi đó.

RFI : Ngoài tình trạng thiên tai, còn phải nêu thêm vấn đề nguồn lao động do người dân, đặc biệt là thanh niên, di cư lên các thành phố lớn. Tương lai của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao ?

Dương Văn Ni : Nếu mà gọi là tương lai của đồng bằng sông Cửu Long như thế nào, chúng ta phải chia làm mấy loại tương lai.

Thứ nhất là tương lai gần. Tôi thấy trước mắt một vấn đề rất cụ thể là diện tích bình quân trên đầu người đã quá nhỏ do mật độ dân cư của đồng bằng đã quá lớn : Trước đây chỉ có 5-6 triệu người, giờ lên tới 20 triệu. Rồi vấn đề thiên tai, dịch bệnh, nước biển dâng, mưa bão... làm cho người dân không sống nổi trên mảnh đất của mình nữa, bởi thu nhập không đủ để trang trải nhu cầu của cuộc sống. Thành thử ra hiện nay, những người trẻ phải bỏ xứ, đi làm những nơi xa như ở trên thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sông Bé... Đây là một vấn đề rủi ro cho tương lai. Rủi ro là vì nguồn nhân lực không phải là thanh niên nữa.

Thứ hai là các đập ở phía thượng nguồn sẽ làm cho dòng nước thất thường, lúc nhiều thì nhiều qua, lúc ít thì lại không có thêm, gây hạn chồng hạn, lũ chồng lũ. Do đó, những thiên tai do con người đóng góp vô làm cho thêm trầm trọng, càng ngày càng nhiều trong tương lai.

Cái thứ ba, nói gì thì nói, chúng ta nhìn năng lực sản xuất của người dân đồng bằng mới là vấn đề quan trọng. Trong vòng 100 ngày thôi, ở đồng bằng này, người ta có thể sản xuất ra 7-8 triệu tấn lúa. Chưa thấy một vùng đồng bằng nào trên thế giới lại có một năng lực sản xuất, gọi là tương đối đặc biệt như vậy. Nếu sức sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long bị mai một bởi vì nguồn nhân lực trẻ không còn ở tại chỗ, rồi đất đai bị bạc mầu dần vì không còn được phù sa bồi thêm nữa, rồi nguồn nước thất thường... tất cả những yếu tố đó đe dọa đến một vấn đề rất căn cơ : Làm cho "bao tử" của nước Việt Nam bị đe dọa.

Do đó, nếu nói về sự ổn định của đồng bằng, ngoài yếu tố ổn định về môi trường, chúng ta phải coi sự ổn định năng lực sản xuất của người dân trong vùng này là điều gì đó quan trọng, từ bằng đến hơn sự phong phú của tài nguyên tự nhiên. Vì nếu tài nguyên tự nhiên có phong phú mà không có con người thì cũng không tạo được vật chất. Do đó, phải biết làm sao phải gìn giữ được năng lực sản xuất này và biết làm sao cho người dân, từng gia đình một, người ta sống nổi trên chính mảnh đất của họ, thì đến lúc đó, chúng ta mới duy trì được tính ổn định.

Thành thử ra, nói ổn định ở đây, nói về tương lai gần, tương lai xa, chúng ta thấy rõ ràng là chúng ta đang đối diện với một tương lai rất nhiều vấn đề bất định. Nếu chúng ta không tổ chức, gìn giữ được năng lực sản xuất của người dân trong khu vực này, thì chúng ta sẽ phải đối phó với nhiều rủi ro trong tương lai.

RFI : Nhiều nghiên cứu và diễn đàn khoa học đã cảnh báo rằng ổn định của lưu vực Mekong không được bảo đảm. Đâu là những nguyên nhân dẫn đến việc các nước trong khu vực vẫn chưa tìm ra được đồng thuận cụ thể ?

Dương Văn Ni : Đây là một vấn đề rất nổi cộm trong quá khứ, đặc biệt trong thời gian gần đây, nó lại nêu ra một vấn đề mang tính toàn cầu hơn. Trước hết, chúng ta thấy đồng bằng sông Cửu Long mỗi một năm xuất khẩu 6-7 triệu và 2-3 triệu tấn tôm cá... Lượng nông sản này phân phối ít nhất cho tầm 40 quốc gia trên khắp thế giới. Như vậy, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ sản xuất để phục vụ cho 20 triệu người dân tại đồng bằng, hay là 100 triệu người dân của toàn nước Việt Nam mà nó còn đóng một vai trò quan trọng trong mắt xích kinh tế thế giới.

Do đó, vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long phải vượt ra khỏi lưu vực của sông Cửu Long. Và không thấy ra được chuyện này, thì mọi người chỉ lo phát triển phần của mình. Ví dụ Lào có ưu thế phát triển thủy điện. Nhưng khi phát triển thủy điện thì lại gây ra những hệ lụy ở hạ lưu gồm có Campuchia, Việt Nam... Chúng ta thấy rằng Lào chỉ có khoảng từ 6-8 triệu dân, trong khi nội đồng bằng sông Cửu Long thôi đã có 20 triệu dân và có 60-80 triệu dân sống lệ thuộc vào dòng sông này. Dịch bệnh vừa xảy ra, chúng ta thấy rõ là ngành công nghiệp, dịch vụ bị ngưng trệ, thì lượng điện đâu có cần. Có nhiều điện nhưng không có lương thực thực phẩm trong khu vực, thì phải đối diện với rủi ro rất nhiều.

Điểm thứ hai mà chúng ta thấy là vừa rồi, khi dịch bệnh xảy ra, có hàng triệu người từ các thành phố lớn, như Sài Gòn, Bình Dương, Sông Bé... quay trở về đồng bằng sông Cửu Long tránh dịch. Chúng ta đặt tình huống là nếu đồng bằng sông Cửu Long không còn sức để hấp thụ thì mấy triệu người này đi đâu. Chúng ta biết là họ sẽ tìm những chỗ nào có nước, có lương thực để đi, thì đến lúc đó, liệu biên giới giữa các quốc gia còn thực sự yên ổn không hay là nó sẽ tạo ra sự xáo trộn trong khu vực và sự xáo trộn đó luôn luôn tạo ra nguy cơ lớn nhất cho những cộng đồng nào có số lượng ít.

Chính vì vậy, những quốc gia trong lưu vực sông Mekong phải thấy rằng đây là một vấn đề lệ thuộc lẫn nhau. Thế nhưng, đây lại là một thách thức rất khó, đã bàn từ vài chục năm mà vẫn chưa tìm thấy được một tiếng nói chung. Các quốc gia vẫn thấy phần của mình là quan trọng. Nhưng tôi vẫn tin rằng những đợt xáo trộn dịch bệnh như này cũng làm cho người ta thức tỉnh và nhìn lại tất cả những vấn đề. Hy vọng là sẽ có một tiếng nói, một sự đồng thuận về chia sẻ nguồn nước hợp lý, về gìn giữ hệ sinh thái của sông Mekong, bởi vì đây là tương lai không phải của một thế hệ mà của nhiều thế hệ tiếp theo.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 08/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dương Văn Ni
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)