Ở Việt Nam, công dân nào đủ can đảm để công khai chống chính quyền ?
Võ Hàn Lam, VNTB, 01/08/2020
Lời tuyên thệ của nhóm Hiến Pháp : "Quyết tử cho tổ quốc trường tồn" được nhắc nhiều trong phiên tòa xét xử họ. Xứ sở này bất tử.
Xin được luận bàn quanh "Tội phá rối an ninh" tại điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bản tin trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/7 tường thuật về một vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, theo khoản 1, điều 118 Bộ luật Hình sự 2015, "nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức", viết như sau (trích) :
"Theo cáo trạng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội. Các bị cáo (…) đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã tổ chức họp bàn để lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị hung khí, công cụ hỗ trợ để tổ chức một cuộc biểu tình mang tính chất bạo động, gây bạo loạn với mục đích gây mất trật tự xã hội, an ninh chính trị nhằm chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam, nhưng đã bị các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn" (*).
"Nhằm chống chính quyền nhân dân" đó là mệnh đề thuộc vế phải có cho yêu cầu tiếp theo là ‘thực hiện’.
Câu hỏi đặt ra là :
Thế nào là nhằm chống chính quyền nhân dân ?
Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong định tội. Mục đích chống chính quyền là mục đích chung phải có đối với tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Tuy vậy mục đích chống chính quyền chỉ có ý nghĩa xác định một hành vi cụ thể phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Muốn xác định hành vi đó phạm tội gì phải căn cứ vào mục đích cụ thể. Biểu hiện của hành vi phạm tội và mục đích cụ thể giúp xác định khách thể trực tiếp của tội phạm.
Tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều nhằm chống chính quyền, nhưng mục đích cụ thể thì khác nhau, và đó là căn cứ để định tội. Chẳng hạn hành vi thành lập tổ chức chống chính quyền, nếu mục đích nhằm lật đổ chính quyền thì phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; nếu nhằm thu thập bí mật Nhà nước cung cấp cho nước ngoài thì phạm tội gián điệp. Hành vi nói xấu Nhà nước, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa, nếu nhằm gây chia rẽ tín đồ tôn giáo với chính quyền thì phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết ; nếu nhằm kích động người khác trốn đi nước ngoài thì phạm tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Với vụ án mà tựa bài báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt là "Xét xử 8 thành viên nhóm kín 'Hiến Pháp' tội phá rối an ninh", thì một thắc mắc đặt ra là mục đích cụ thể của nhóm này là gì ? Bài báo cho biết, "các bị cáo đã tổ chức họp bàn để lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị hung khí, công cụ hỗ trợ để tổ chức một cuộc biểu tình mang tính chất bạo động, gây bạo loạn với mục đích gây mất trật tự xã hội, an ninh chính trị nhằm chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam".
Cáo buộc với nội dung nêu trên cho thấy là điều không tưởng đối với hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam. Bởi với một quốc gia chưa có luật về quyền biểu tình như Việt Nam, thì hầu như mọi manh nha cho ‘xuống đường phản đối’ đều bị nhanh chóng ‘dập tắt’ ngay từ đầu ; thậm chí ngay cả khi ‘được xuống đường’, chắc chắn người dân nào dù có ‘gan bằng trời’, cũng hiểu là nếu xảy ra bạo động, thì họ sẽ là người bị trấn áp nhanh nhất bởi lực lượng vũ trang luôn trong tâm thế sẳn sàng.
Hơn nữa, một nhóm người thì khó thể nào lại chọn giải pháp ‘đối đầu’ với nhà chức trách, khi họ quyết định chọn việc biểu tình đề đạt yêu cầu, nguyện vọng nào đó. Lưu ý, ở Việt Nam có hẳn luật An ninh quốc gia, nên nhóm người dân khó thể ‘chống chính quyền nhân dân’ qua việc ‘xuống đường biểu tình gây rối’. Họ hiểu họ sẽ lập tức bị bắt giữ, thậm chí trấn áp thô bạo.
Cách giải thích hợp cả lý lẫn tình ở đây, là nhóm kín "Hiến Pháp" như tựa bài báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đang muốn biểu thị một quyền dân sự bằng hành động tổ chức biểu tình tự phát, qua đó gây sự chú ý của các cấp liên quan về yêu cầu cho chính sách/quyết sách hay dự luật nào đó.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 31/07/2020
Chú thích :
(*)http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/xet-xu-8-thanh-vien-nhom-kin-hien-phap-toi-pha-roi-an-ninh_96803.html
*******************
Đàn áp gia tăng tại Việt Nam
Monitor Tracking Civil Space, 30/07/2020
Trước thềm đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản cầm quyền vào đầu năm 2021, chính phủ gia tăng đàn áp các nhà chỉ trích. Một chiến dịch nhằm đàn áp hàng chục cá nhân kết nối với Nhà xuất bản Tự do đã được thực hiện. Thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) – tổ chức nhà báo độc lập cuối cùng trong nước – đã bị bắt và bị truy tố. Những người chỉ trích chính phủ trực tuyến đang bị theo dõi trong khi Facebook bị cáo buộc là đồng lõa trong việc kiểm duyệt các bài đăng quan trọng. Những người bảo vệ nhân quyền cũng đã bị bắt và bị kết án.
Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Thành, Nguyễn Quốc Đức Vượng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư
Quyền biểu lộ
Chiến dịch tấn công nhà xuất bản
Việc đàn áp Nhà xuất bản Tự do đã tiếp tục vào năm 2020 sau một thời gian tạm dừng do đại dịch. Như đã được báo cáo trước đây, kể từ đầu tháng 10/2019, công an đã quấy rối và đe dọa hàng chục người liên quan đến Nhà xuất bản Tự do – nhà xuất bản độc lập phát hành sách về chính sách công và chính trị ở Việt Nam – dường như mục tiêu của chiến dịch đàn áp.
Nhà xuất bản Tự do được một nhóm các nhà bất đồng chính kiến thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2/2019 nhằm thách thức việc kiểm soát ngành xuất bản của chính quyền độc đảng độc tài.
Việcquấy rối đã xảy ra tại ít nhất ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, ngoài các tỉnh Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị và Phú Yên. Hơn 100 cá nhân bị quấy rồi vì được cho là đã mua hoặc đọc sáchdo Nhà xuất bản Tự Do in hoặc làm việc cho Nhà xuất bản Tự Do.
Họ đã bị công an địa phương triệu tập để thẩm vấn về những cuốn sách đã mua của Nhà xuất bản Tự Do. Sau khi thẩm vấn, hầu hết đều bị buộc phải ký cam kết không mua sách của Nhà xuất bản Tự Do. Một số người còn bị khám xét chỗ ở và bị bắt cóc.
Tháng 5/2020, Phùng Thủy, còn được gọi là Thủy Tuất, bị bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh khi đang giao sách cho Nhà xuất bản Tự Do. Trong khi bị giam giữ, Thủy Tuất bị thẩm vấn và bị tra tấn khi bị cảnh sát đấm vào mặt, ngực, xương sườn và bụng. Khi được thả ra, mặc dù bị thương nặng, Thủy Tuất đã đi trốn ngay vì sợ có thể bị công an bắt giữ lại. Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ cô con gái 24 tuổi của anh và từ chối thả cô ra trừ khi Thủy Tuất trở về đồn công an. Cô vẫn bị cảnh sát giam giữ
Vào ngày 10/7/2020, có thông tin rằng nhà báo và tác giả người Việt Nam Phạm Đoan Trang đã rút khỏi Nhà xuất bản Tự Do sau khi bị cảnh sát đàn áp dữ dội.
Thừa nhận công việc quan trọng của Nhà xuất bản, ngày 3/6/2020, Nhà xuất bản Tự do đã được trao Giải thưởng Voltaire 2020 của Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế (IPA). Giải thưởng được trao cho những người thể hiện "sự can đảm mẫu mực trong việc duy trì quyền tự do xuất bản và khuyến khích người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Khi trao giải, Chủ tịch Xuất bản Tự do IPA tuyên bố :
"Công việc của Nhà xuất bản Tự do ở Việt Nam, một nhà xuất bản du kích, phát hành sách trong một bầu không khí đe dọa và nguy hại cho sự an toàn cá nhân của họ là nguồn cảm hứng lớn. Cộng đồng xuất bản quốc tế công nhận sự dũng cảm của họ và sẽ hỗ trợ họ trong khả năng của chúng tôi".
Bắt giam thành viên của hội nhà báo độc lập
Ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vào tháng 5 và tháng 6/2020. IJAVN là một tổ chức xã hội dân sự được thành lập vào năm 2014 và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội.
Theo Phóng viên không biên giới (RSF), Phạm Chi Thành, một nhà báo và thành viên IJAVN với bút danh Phạm Thành, đã bị bắt tại nhà riêng ở Hà Nội vào ngày 21/5 và bị giải đi ngay lập tức. Ông Thành hiện đang bị giam giữ tại Hà Nội theo điều 117 của bộ luật hình sự về tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước". Ông Thành đã từng làm việc đài tiếng nói Việt Nam trước khi trở thành một nhà hoạt động dân chủ và chỉ trích nhà nước độc đảng.
Dự án 88 đưa tin ngày 23/5/2020, Nguyễn Tường Thụy đã bị bắt và Công an Hà Nội đã khám xét chỗ ở của ông Thuỵ. Ông Thuỵ là một cựu quân nhân 70 tuổi, hiện là phó chủ tịch của IJAVN. Ông Thuỵ bị buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống lại nhà nước. Công an ngay lập tức đưa ông Thuỵ đến thành phố Hồ Chí Minh cách đó 1.700km.
Sau đó, vào ngày 12/6/2020, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên khác của IJAVN. Kể từ khi gia nhập hiệp hội, công việc Lê Tuân đã tập trung vào những bất công xã hội, chính trị trong nước và phong trào dân chủ Việt Nam. Tuấn được cho là đã bị đưa đến trại tạm giam Chí Hòa thuộc thẩm quyền của công an thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tin đã đưa trước đây, chủ tịch của IJAVN, ông Phạm Chí Dũng, đã bị bắt vào tháng 11/2019, có lẽ vì liên quan đến việc phản đối phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.
Theo trang Người Bảo vệ Nhân quyền, Defend the Defender, các vụ bắt giữ là một phần trong kế hoạch xoá sổ IJAVN và kiểm soát hoàn toàn báo chí trước Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021. IJAVN có hơn 50 các nhà báo và nhà bất đồng chính kiến độc lập, họ đã xuất bản hàng ngàn bài báo về các vấn đề như vi phạm nhân quyền, tham nhũng hệ thống, và ô nhiễm môi trường.
Bắt giữ và kết án những người phê bình chính phủ trên mạng
Ngày càng có nhiều người chỉ trích chính phủ trên mạng bị bắt và bị kết án.
Đinh Thị Thu Thủy, 38 tuổi, sử dụng Facebook để ủng hộ tù nhân chính trị. Cô bị bắt vào ngày 18/4/2020 tại tỉnh Hậu Giang và bị buộc tội ‘tuyên truyền chống lại nhà nước theo Điều 117 của bộ luật hình sự. Theo Dự án 88, cô bị cáo buộc mở nhiều tài khoản Facebook để chỉnh sửa, đăng và chia sẻ hàng ngàn tài liệu phỉ báng và nói xấu lãnh đạo Đảng.
Ngày 17/4/2020 tòa đã kết án 1,5 năm tù một Chung Hoàng Chương vì đăng tải các bài đăng chống nhà nước lên Facebook. Chung Hoàng Chương bị buộc tội ‘lạm dụng quyền dân chủ và tự do xâm phạm lợi ích của Nhà nước tại một phiên tòa một ngày ở Cần Thơ. Chương bị buộc tội viết bài chống phá nhà nước và đưa ra những bình luận xúc phạm ba công an bị thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với người biểu tình gần Hà Nội vào tháng 1/2020.
Ngày 11/5/2020, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã kết án Mã Phùng Ngọc Phú 9 tháng tù giam về tội lạm dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015. Truyền thông nhà nước đưa tin cô đã bị kết án vì đưa tin tức giả mạo về việc lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam.
Cùng ngày, Dự án 88 đưa tin Phan Công Hải đã bị kết án năm năm tù ở Nghệ An. Hải không có luật sư và phiên tòa chỉ kéo dài hai giờ.
Cảnh sát thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thương vào ngày 13/6/2020 vì tham gia nhóm thảo luận trực tuyến. Theo Defend the Defenders, họ điều hành một nhóm Facebook với 46.000 người theo dõi về các vấn đề kinh tế xã hội ở Việt Nam. Họ bị buộc tội lạm dụng các quyền tự do dân chủ theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015. Nhân viên an ninh thuộc Công An quận 8 đã lục soát nhà Khoa và buộc ông và vợ phải ký ba tài liệu không xác định ; Cả Khoa và Thương đều được cho là đang bị giam giữ tại nhà giam quận 8. Nhóm Facebook này đã bị đóng sau các vụ bắt bớ.
Vào ngày 23/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã xét xử ông Nguyễn Văn Nghiêm, thợ làm tóc, theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 và kết án ông sáu năm tù. Ông Nghiêm bị bắt vào cuối năm 2019 vì các bài đăng trên Facebook và phát hình trực tiếp về các vấn đề như chủ quyền, chống tham nhũng và nhân quyền.
Vào ngày 24/6, Facebooker Vũ Tiến Chi ở Lâm Đồng, đã bị bắt và buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Vào ngày 7/7/2020, một Facebooker khác bị kết án theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 do ‘tuyên truyền chống lại nhà nước" truyền bá quan điểm dân chủ trên Facebook và nhận án tù 8 năm. Nguyễn Quốc Đức Vượng, 29 tuổi lên tiếng ủng hộ dân chủ tại Việt Nam và chia sẻ tin tức về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trước khi bị bắt vào tháng 9/2019. Kể từ khi bị bắt, anh ta không được phép gặp gia đình, và chỉ được gặp luật sư. Bên cạnh việc chia sẻ các bài báo, Vượng thường phát hình trực tiếp để bày tỏ ý kiến và tranh luận về các vấn đề quốc gia và xã hội như chủ quyền, tham nhũng và quyền đất đai.
Facebook đồng lõa kiểm duyệt với chính phủ
Vào ngày 21/4/2020, Reuters đưa tin Facebook đã bắt đầu tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt các bài đăng ’chống nhà nước ở Việt Nam. Điều này diễn ra sau khi bị chính quyền gây áp lực, kể cả việc nghi ngờ hạn chế có chủ ý trên máy chủ thuộc các công ty viễn thông nhà nước khiến không thể truy cập Facebook được trong thời gian dài.
Hai nguồn tin của Facebook nói với Reuters rằng, "chúng tôi tin rằng hành động này là nhằm gây áp lực đáng kể cho chúng tôi buộc tăng cường tuân thủ các lệnh gỡ hợp pháp các nội dung mà người dùng Facebook ở Việt Nam có thể đọc được. Trong một tuyên bố gửi qua email, Facebook xác nhận rằng họ đã miễn cưỡng tuân thủ yêu cầu của chính phủ đối với việc "hạn chế quyền truy cập vào nội dung được cho là bất hợp pháp".
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích Facebook vì những hành động này. William Nee, Cố vấn Kinh doanh và Nhân quyền tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết :
"Việc tiết lộ Facebook đang đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt sâu rộng của Việt Nam là một bước ngoặt tàn khốc đối với tự do ngôn luận ở Việt Nam và hơn thế nữa. Chính sách đàn áp tàn nhẫn của Việt Nam không có gì mới, nhưng sự thay đổi chính sách của Facebook làm cho Facebook trở thành đồng lõa".
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019, Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hiện ra rằng khoảng 10% tù nhân lương tâm của Việt Nam – bị bỏ tù chỉ vì thực thi quyền con người ôn hòa – đã bị bỏ tù vì những bài đăng trên Facebook.
Cuộc đàn áp chỉ gia tăng kể từ khi có dịch Covid-19. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, từ tháng 1 đến giữa tháng 3/2020, tổng cộng 654 người đã được triệu tập đến các đồn công an trên khắp Việt Nam để ‘ làm việc’ với công an vì các bài đăng trên Facebook liên quan đến vi-rút, trong đó 146 người đã bị phạt và số còn lại đã buộc phải xóa bài viết.
Quyền hội họp
Người bảo vệ nhân quyền bị bắt và đánh đập
Tháng 4/2020, công an Nghệ An đã bắt giữ cựu tù chính trị, Trần Đức Thạch, vì cáo buộc liên kết với Hội Anh em vì Dân chủ. Ông Trần Đức Thạch là một nhà văn, nhà hoạt động từng đoạt giải thưởng và là cựu tù nhân chính trị. Ông bị cáo buộc tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, vi phạm Điều 109 của Bộ luật hình sự Việt Nam.
Tổ chức Nhân quyền cho biết trong một bức ảnh của ông do phương tiện truyền thông nhà nước đăng tải ông bị thương ở mặt, cho thấy rất có thể ông đã bị đánh đập trong khi bị giam giữ.
Theo Frontline Defenders, Hội Anh em Dân chủ được thành lập vào năm 2013 là hội của các nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền trước đây bị cầm tù vì quan điểm chính trị của họ. Hội Anh em Dân chủ hỗ trợ sự phát triển một xã hội công bằng ở Việt Nam cũng như bảo vệ các tiêu chuẩn nhân quyền có trong hiến pháp Việt Nam và các công ước nhân quyền quốc tế. Trước một cuộc đàn áp năm 2017, Hội này đã đào tạo thường xuyên về các chủ đề nhân quyền cho công dân Việt Nam.
Vào tháng 4/2018, bảy thành viên của Hội Anh em vì Dân chủ đã bị kết tội thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và bị kết án tù nặng.
Ba dân oan trong một nhà bị bắt
Vào ngày 24/6/2020, chính quyền đã bao vây và xông vào nhà và bắt giữ Trịnh Bá Phương và sau đó bắt luôn mẹ của Phương là Cấn Thị Thêu. Bà Thêu là một cựu tù đã bị bỏ tù hai lần vì đấu tranh cho quyền đất đai, và Phương cũng là một nhà hoạt động nổi tiếng, rất tích cực trong các vấn đề về quyền đất đai trong cộng đồng.
Công an cũng đã khám xét nhà của một thành viên thứ ba trong gia đình, Trịnh Bá Tư, anh trai của Phương, và bắt giữ anh ta. Cả ba cá nhân đều thẳng thắn chỉ trích sự cố đất đai ở Đồng Tâm và cảnh báo các nhà ngoại giao nước ngoài về vấn đề này. Họ bị buộc tội theo Điều 117.
Một dân oan đất đai khác là bà Nguyễn Thị Tâm cũng bị bắt tại Dương Nội cùng ngày với cùng tội danh
Như đã đưa tin, vào tháng 1/2020, công an đã tấn công Đồng Tâm nơi người dân phản đối việc cho một công ty viễn thông thuộc sở hữu của quân đội thuê đất trong nhiều năm. Trong khi hành động, ba sĩ quan công an và người lãnh đạo 85 tuổi, Lê Đình Kình, đã thiệt mạng trong khi hàng chục người bị bắt vì "phá rối an ninh". Sau đó, trên toàn quốc đã diễn ra đàn áp nhằm dập tắt những tranh luận công khai về vụ tranh chấp đất đai chết người này.
Hai nhà hoạt động chống tham nhũng bị kết án
Theo Defend the Defenders, vào ngày 8/5/2020, Tòa án Nhân dân huyện Sóc Sơn tại Hà Nội đã kết án các nhà hoạt động chống tham nhũng, Đặng Thị Huệ và Bùi Mạnh Tiến về một tội ‘gây rối trật tự công cộng’ theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự. Họ từng bị kết án 15 tháng tù. Hai người này bị bắt vào giữa tháng 10 năm 2019 khi chặn trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài (xây dựng-vận hành-chuyển giao) để phản đối việc thu phí bất hợp pháp.
Các nhà hoạt động chống BOT đã bị các nhân viên mặc thường phục và côn đồ đàn áp. Trước đó vào năm 2019, Hà Văn Nam và sáu người khác đã bị kết án và kết án từ 18 tháng đến 36 tháng giam tù vì ‘gây rối trật tự công cộng’.
Biểu tình ôn hòa
Người biểu tình bị truy tố xung quanh vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm
Như đã nói ở trên, các vụ phản đối tranh chấp đất đai Đồng Tâm vào tháng 1/2020 đã khiến ba sĩ quan cảnh sát và một thủ lĩnh thiệt mạng. Vào tháng 6/2020, chính quyền đã truy tố 25 người về các tội giết người trong vụ tranh chấp đất đai.
Theo truyền thông nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội đã đưa ra các bản cáo trạng sau một cuộc điều tra kéo dài 20 ngày, cáo buộc con trai ông Lê Đình Đình là ông Lê Đình Chức, và cháu nội ông là Lê Đình Doanh và Lê Đình Uy tội giết người, cùng với 22 người khác bị buộc tội giết người. Nếu bị kết án họ có thể phải đối mặt với tối thiểu 12 năm tù hoặc bị kết án tử hình.
Bốn người khác trong làng bị buộc tội cản trở người thi hành công vụ, một tội danh mang án tù từ hai đến bảy năm.
Các nhà hoạt động đã tranh cãi phiên bản chính thức của vụ việc nói rằng cảnh sát đã tấn công người dân bằng cách sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn dược. Trong cuộc đột kích, đường làng đã bị chặn và điện thoại và internet đã bị cắt. Họ đã kêu gọi một cuộc điều tra của chính phủ để điều tra các sự kiện cơ bản về các sự kiện ở Đồng Tâm : căn cứ pháp lý cho cuộc đột kích, số cảnh sát, vũ khí được sử dụng bởi cả hai bên, lý do cắt điện thoại và kết nối internet, và số thương vong.
Những người bị giam giữ không được phép gặp mặt người thân.
********************
Tòa tuyên hơn 40 năm tù giam đối với 8 thành viên nhóm Hiến Pháp
RFA, 31/07/2020
Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp tại phiên tòa xét ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020 - Pháp Luật
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào tối ngày 31/7/2020 đã tuyên phạt 8 người trong nhóm Hiến Pháp tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc tội danh "phá rối an ninh" theo khoản 1, Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể mức án đối với từng người là : bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 8 năm tù giam và Hoàng Thị Thu Vang 7 năm tù giam.
Các ông Đỗ Thế Hóa, Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng mỗi người bị tuyên 5 năm tù giam.
Ông Trần Thanh Phương có mức án 5 năm 6 tháng tù, ông Hồ Đình Cương là 4 năm 6 tháng tù giam, riêng bà Đoàn Thị Hồng mặc dù có con nhỏ dưới 3 tuổi vẫn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù giam.
Mỗi người đều sẽ bị quản chế tại nhà từ 2-3 năm sau khi trả xong án.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 2 ông Trần Thanh Phương và Hồ Đình Cương, vào tối 31/7 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau :
"Nói chung vụ xử thì nó cũng bình thường thôi, chỉ có điều là cái quan điểm của cơ quan bảo vệ pháp luật nó khắt khe quá.
Trong hồ sơ thể hiện những người này thật ra đang chuẩn bị thực hiện quyền biểu tình của mình thôi, nhưng lại khép họ vào cái tội nặng hơn rất là nhiều là 'phá rối an ninh'.
Rằng là cái nhóm này dự định gây khó khăn, cản trở cho các công việc thường nhật của các cơ quan nhà nước, tổ chức v.v... và có thể tiến tới mục tiêu xa hơn là chiếm giữ các cơ quan này rồi tạo những hành vi bạo động bạo loạn gây rối, gây mất an ninh".
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, ông cho rằng những người này chỉ chuẩn bị biểu tình một cách chi tiết hơn những người khác thôi và những roi điện tự chế là do người khác đem tới sát ngày biểu tình và dự định chỉ dùng để tự vệ khi bị côn đồ tấn công.
Phiên xử được tuyên bố là công khai thế nhưng những người thân của các nhà hoạt động này hoàn toàn không được tham dự.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng vào chiều 31/7/2020 thuật lại vụ việc như sau :
"Tụi em không có gia đình nào được vào hết đó chỉ có mỗi người một luật sư được vào thôi còn người nhà không được tham dự, vợ con không ai được tham dự hết.
Họ nói là có giấy mời giấy triệu tập thì được vào mà có bao giờ họ gửi cho mình cái giấy nào đâu mà mình có.
Cái thứ hai nữa là họ nói là do Covid mà mình không nghĩ là Covid vì là an ninh với công an quá đông, cũng phải là mấy trăm người thì không lấy lý do là Covid được.
Họ chỉ nói là có giấy triệu tập thì được vào mà mình đâu có giấy đâu, rồi họ lùa hết, giống như là đàn áp, lùa đi hết ai mà không chịu đi, không kịp đi là họ xô đẩy đàn áp khủng khiếp".
Theo TTXVN, trong vụ việc có hai người là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và bà Hoàng Thị Thu Vang giữ vai trò chủ mưu.
Sáu người khác có tham gia bao gồm bà Đoàn Thị Hồng, các ông Đỗ Thế Hóa, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương, Lê Quý Lộc
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy kết cho rằng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội.
Những người này bị cho là đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia vào các cuộc biểu tình chống luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6/2018.
Cả 8 người đều bị cơ quan an ninh bắt giữ trước và sau ngày 2/9/2018 khi kêu gọi thêm các cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối 2 dự luật này.