Việt Nam cần làm gì để kinh tế vượt qua dịch Covid-19 ?
Thanh Trúc, RFA, 06/08/2020
Việt Nam cần chuyển hướng mới để thúc đẩy tăng trưởng hầu vượt qua dịch bệnh Covid-19, phải cân bằng việc phòng chống dịch với việc đẩy mạnh tăng trưởng là nội dung bài viết của chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới, ông Jacques Morisset, đăng trên trang mạng của World Bank hôm 4/8 vừa qua.
Việt Nam đang là quốc gia có sức khỏe tốt hơn trong hoạt động vừa chống dịch vừa tìm cách phục hồi kinh tế.
Theo ông Morisset, thực tế đã chứng minh không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều nước khác, thành quả y tế không phải là cái được của kinh tế, và nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương vì đại dịch từ đầu 2020 đến giờ.
Ông nói Việt Nam vẫn giữ được mức GDP 0,4% bước sang Quí 2 năm 2020, được coi là dấu hiệu tốt trong bối cảnh phòng chống dịch, thế nhưng vẫn là mức thấp nhất trong 35 năm qua.
Dưới con mắt quan sát của Ngân Hàng Thế Giới, mức độ chậm lại của nền kinh tế Việt Nam phần nào giống mức độ sụt giảm tại nhiều nước bị tác động bởi Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn theo ông Jacques Morisset, Việt Nam đang là quốc gia có sức khỏe tốt hơn trong hoạt động vừa chống dịch vừa tìm cách phục hồi kinh tế.
Đây không hẳn là những đề xuất mới là nhận xét của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á :
"Chuyện kinh tế Việt Nam thì ông ấy nhìn đúng. Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng là có vẻ đáng tin cậy, còn con số thất nghiệp gần 3 triệu là chính phủ Việt Nam nói ngày hôm qua. Dựa trên những con số đấy thì ông nói rằng Việt Nam có 2 khả năng để thoát khỏi sự nặng nề của kinh tế do Covid-19 gây ra".
"Thứ nhất là nên tiếp tục chính sách tài khóa hiện hành, giữ mức nợ công thấp và chi tiêu công tăng, đấy là cái mà Việt Nam vẫn làm".
Điểm thứ hai mà chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới cho rằng Việt Nam nên nhân tình hình dịch bệnh để phát triển những lãnh vực đa dạng như e-learning học trực tuyến, e-commerce thương mại trực tuyến, e-government chính phủ điện tử, e-payment thanh toán điện tử, telemedicine dịch vụ y tế online vân vân. Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì đây là những chương trình số hóa mà Việt Nam đã và đang thực hiện lâu nay :
"Thứ hai là khuyên Việt Nam nên chuyển đổi, đưa lên mạng một số những hoạt động căn bản như mua bán hàng hóa online, thanh toán trên mạng, cung cấp các dịch vụ xã hội trên mạng… Vừa cách ly xã hội để chống Covid-19 vừa làm kinh tế được. Lời khuyên đó là hoàn toàn xác đáng. Bài báo của ông này chỉ nói đến thế thôi, thì chính phủ Việt Nam cũng nói như thế".
Những số liệu do báo chí trong nước loan tải từ tháng Một, tháng Hai, tháng Ba đến những ngày đầu tháng Tám 2020 cho thấy kinh tế Việt Nam bị tổn hại vì dịch bệnh, ngành du lịch thất thu 97%, sản xuất dưới mức 50%, GDP đình đốn với 0,4% trong lúc số lượng thất nghiệp tăng dần lên.
Lắp ráp hoàn thiện bộ dây điện ô tô tại nhà máy Yazaki Việt Nam tại Quảng Ninh - Ảnh VietnamBiz
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính Việt Nam, cho biết chính phủ đã đề nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm kìm hãm mức độ thất nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất :
"Nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng thì con số thất nghiệp từ nay đến cuối năm có thể tăng từ 3,5 đến 5 triệu. Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ trong thời gian đại dịch này.
Đầu tiên là cho phép các Ngân Hàng Thương Mại kéo dài thời gian trả nợ của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không chuyển sang nhóm nợ xấu. Với những biện pháp như vậy thì việc tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp thuận lợi hơn và tạo điều kiện về vốn. Chúng tôi đề nghị chính phủ nên tiếp tục kéo dài thời hạn cũng như biện pháp để giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là chính phủ đang hỗ trợ cho những thành phần yếu thế trong xã hội. Với những người tàn tật, nghèo, cận nghèo, lao động mất việc thì tìm cách đẩy mạnh giải ngân gói 62.000 tỷ này.
Thứ ba là xem xét, sửa đổi, cho phép doanh nghiệp có thể vay một cách đơn giản hơn và cụ thể hơn đối với lãi suất 0% để trả lương nhằm giữ chân người lao động, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh chưa ổn định hiện nay.
Những biện pháp mà chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh trình bày cũng chính là những điều mà chuyên gia Morisset gọi là "mặt trận đối nội" vừa chống dịch vừa vực dậy nền kinh tế của Việt Nam.
Đối với kinh tế gia, nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh, nói thì dễ nhưng :
"Kinh tế số hóa, thương mại điện tử, chính phủ điện tử… là phương hướng cần thiết và thích hợp, có điều phải giúp các doanh nghiệp thiết lập lại mối quan hệ, thiết lập lại chuỗi giá trị của họ. Hiện nay các nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc thì hiện rất khó nhập lại được, còn thị trường tiêu thụ ở Châu Âu cũng như bên Mỹ thì đang giảm sút rất nhiều. Đấy là những điều phải khắc phục và khó có thể thực hiện bằng chỉ chính phủ điện tử hoặc là kinh tế số hóa.
Phải giảm thuế, giảm nợ và các khoản tín dụng, giúp doanh nghiệp chuyển sang thị trường mới. Tôi nghĩ Nhà Nước và doanh nghiệp phải liên kết với nhau, phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp nước ngoài. Đấy là những điều không phải ngày một ngày hai có thể làm được".
Được biết hôm 1/8 vừa qua, Việt Nam thông báo miễn giảm 30% thuế cho những doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ VNĐ. Ông Đinh Trọng Thịnh của Học Viện Tài Chính cho biết đây là gói hỗ trợ thứ tư, được đề nghị nới rộng mức độ miễn giảm cao hơn.
Việt Nam đã khống chế dịch bệnh Covid-19 đợt 1 với 99 ngày liên tiếp không có ca tử vong và lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi bùng phát trở lại từ ngày 25 tháng 7 vừa qua.
Theo ông Morisset, khắc phục được Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài muốn rời bỏ Trung Quốc như 11 công ty Nhật Bản mà báo chí Việt Nam đưa tin lâu nay. Việc này cần được phân tích rõ hơn, là ý kiến của chuyên gia Đông Nam Á Hà Hoàng Hợp :
"Mười một doanh nghiệp đó không phải những doanh nghiệp thật lớn của Nhật Bản ở Trung Quốc đâu. Hàn quốc thì vẫn quyết định chuyển nốt cái sản xuất màn hình TV vào Việt Nam và một số phân xưởng sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện tử của Samsung và LG. Doanh nghiệp vào Việt Nam sẽ tăng lên không nhiều, trong 3 tháng vừa rồi hơn 800 doanh nhân Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ để tiếp tục những gì họ đã và đang làm. Một nghìn doanh nhân Nhật mới vào mà chưa biết họ tìm ra những cơ hội làm ăn gì.
Bỏ Trung Quốc vào Việt Nam không có nhiều, mà bỏ Trung Quốc vào các nước khác như Indonesia hay Thái Lan cũng không nhiều, cho nên Việt Nam cũng đừng trông mong vào đấy. Căn bản trong hơn 60% người lao động Việt Nam thì con số người có tay nghề công việc của người nước ngoài rất nhỏ. Nếu người ta vào thì mình phải để cho người ta tự tuyển lao động rồi người ta huấn luyện.
Việt Nam phải đi đến chỗ, tức là làm sao để các nước khác người ta đến Việt Nam không phải vì người ta bỏ Trung Quốc, mà người ta đến vì cần thị trường Việt Nam như một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa chọ họ. Trước hết phải là như thế".
Những đánh giá và nhận định của Ngân Hàng Thế Giới, theo ông, có cái đúng mà cũng có những cái không sát với thực tế của Việt Nam. Chuyên gia Hà Hoàng Hợp cho rằng tốt nhất nên dùng để tham khảo, còn làm được hay không tùy thuộc phần lớn vào Việt Nam chứ không phải vào World Bank.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 06/08/2020
*********************
Cỗ xe Việt Nam có thẳng tiến trên cao tốc EVFTA ?
RFA, 06/08/2020
Việt Nam sẵn sàng cho EVFTA
Tại Hội nghị trực tuyến vào sáng ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Công thương ví von rằng nếu Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) là con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì "ngày hôm nay chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó".
Đoàn tàu Việt Nam có thẳng tiến vào hải ảng EVFTA ? Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong Hội nghị, cũng khẳng định rằng "cao tốc" EVFTA sẽ nối gần Việt Nam với Châu Âu (EU).
Vào tối ngày 6/8, tiến sĩ Ngô Trí Long lên tiếng với RFA về sự kiện Hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA", diễn ra trong sáng cùng ngày :
"Tất nhiên đây là cơ hội rất lớn. Đồng thời bên cạnh cơ hội đấy cũng đặt ra nhiều thách thức. Và, thách thức lớn nhất là đối với năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất yếu. Trình độ thì còn thấp hơn họ. Chính vì vậy, hôm nay trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành để triển khai vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, theo quá trình ký kết thì người ta đã xem xét lộ trình rất cụ thể. Tất nhiên để mở ra một cơ hội lớn thì cũng không phải là đơn giản. Tại vì tận dụng được cơ hội thì phải vượt qua được thách thức, mà như thế cũng đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam cũng còn rất nhiều hạn chế".
Hạn chế của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam
Khi trao đổi với RFA liên quan về EVFTA có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/8, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng :
"Thật sư với Hiệp định EVFTA thì Hiệp định chỉ là bước khởi đầu để Việt Nam có thể xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, và ngược lại. Thế nhưng, Hiệp định này không phải là cây đũa thần để có thể xoay chuyển được tình thế, đặc biệt là trong lúc này. Điều mà các doanh nghiệp phải làm khi xuất khẩu hàng hóa sang EU thì chất lượng phải tốt, giá cả phải rẻ và tất cả quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…Tất cả những doanh nghiệp đó, các doanh nghiệp Việt phải hội đủ".
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam thực hiện EVFTA thuộc một trong 6 vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên trong Hội nghị trực tuyến hôm nay. Ông Thủ tướng nói đến sản phẩm của Việt Nam còn phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU. Ông Thủ tướng còn khẳng định rằng không thể đóng cửa, dựng hàng rào bảo hộ, mà phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.
Năm vấn đề còn lại được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra bao gồm hoạt động tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế và hiệp định thương mại (FTA) chưa đạt hiệu quả ; chính sách cơ chế còn chưa thông thoáng, tạo ra rào cản vô hình cho doanh nghiệp và doanh nghiệp còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh ; vẫn còn thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao ; phát triển kết cấu hạ tầng như thế nào mới đạt hiệu quả ; và yêu cầu phát triển bền vững là ràng buộc trọng tâm của EVFTA.
Qua 6 vấn đề như thế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đặt câu hỏi rằng "Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì ?"
Đài RFA qua trao đổi với một số doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu, chia sẻ rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, họ gặp khó khăn rất nhiều về xoay vòng đồng vốn, khả năng thanh khoản, đầu vào nguyên vật liệu sản xuất cũng như đầu ra của thành phẩm. Và trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, doanh nghiệp tự thân cầm cự, tuy nhiên họ cho rằng đang rất đuối sức.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định về thủ tục hành chính và hành lang pháp lý tại Việt Nam vẫn đang gây ra rất nhiều trở ngại.
"Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì xin hết giấy phép này rồi xin tới giấy phép khác. Rất là rườm rà. Những thủ tục đó thừa kế từ thời kỳ bao cấp trước kia, có rất nhiều những quy định. Ở Việt Nam nhiều luật lệ lắm. So với Mỹ thì nhiều hơn lắm. Một nước nhỏ mà có rất nhiều luật lệ, thành ra làm trói chân trói tay các doanh nghiệp để họ hoạt động một cách hiệu quả".
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định thị trường xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào EU và Mỹ. Và, không loại trừ trường hợp có thể xảy ra là doanh nghiệp Việt tiếp tục gia công hàng hóa Trung Quốc và gắn mác Việt Nam. Nói một cách khác, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trở thành "phương tiện" cho các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập gián tiếp vào thị trường Mỹ và EU. Do đó, tình trạng này sẽ khiến cho doanh nghiệp Việt càng gặp khó khăn nhiều hơn một khi bị phát hiện.
Không những bị trở ngại trong khâu xuất khẩu hàng hóa theo EVFTA, mà tiến sĩ Ngô Trí Long còn lập luận rằng :
"Các doanh nghiệp Việt mà không cẩn thận thì thua ngay trên sân nhà. Nói thẳng là như vậy !"
Bởi vì theo tiến sĩ Ngô Trí Long, trước mắt khi hàng hóa của EU vào Việt Nam thì đó là một thách thức không nhỏ về sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt.
Một tàu container hàng hóa cập cảng EU. Ảnh minh họa
Giải pháp khẩn cấp
Tiến sĩ Vũ Quang cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với sự sống còn của doanh nghiệp Việt để họ có thể còn cơ hội hoạt động kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường là thanh toán những món nợ.
Báo mạng Kinh tế Sài Gòn Online, vào ngày 6/8, đăng tải một bài ghi nhận của tiến sĩ Vũ Quang Việt, có nhan đề "Nợ của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng suy thoái trầm trọng vì Covid-19".
Trong bài viết này, tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn số liệu hồi năm 2017, nợ của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 392% GDP. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam là thuộc loại cao nhất thế giới, như năm 2018 chiếm 106% GDP. Cho nên, giảm xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích thêm với RFA liên quan bài ghi nhận của ông :
"Bây giờ tình trạng doanh nghiệp nợ rất nhiều. Khả năng sống còn trong thời gian này là rất khó. Cho tới vừa rồi đây thì Nhà nước cũng bơm tiền cho các doanh nghiệp sống, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân thì khốn khổ hơn, như trong bài viết của tôi đã phân tích rằng tỷ lệ lợi nhuận của họ rất thấp, mà bây giờ lãi suất rất cao. Do đó, các doanh nghiệp nếu bán hàng không được và phải trả lãi với mức lãi suất 12% thì rất khó khăn cho họ".
Giải pháp cấp thiết nhất mà Chính phủ Việt Nam phải tiến hành là giảm lãi suất cho doanh nghiệp, theo đề xuất của tiến sĩ Vũ Quang Việt :
"Làm sao phải giảm lãi suất cho họ, chứ lãi suất cao quá là một vấn đề. Tôi không muốn nói thẳng ra nhưng có thể nhiều nước khi cần thiết là phải đòi hỏi các ngân hàng giảm lãi suất xuống. Như Mỹ muốn giảm lãi suất thì bản thân ngân hàng trung ương đẩy tiền ra cho ngân hàng thương mại vay và ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp hơn".
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng lập đi lập lại đề nghị của ông với Chính phủ Việt Nam là Chính phủ cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ này phải được bổ sung bằng nguồn ngân sách địa phương và Chính phủ phải mạnh dạn bảo lãnh các ngân hàng để cho các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì bấy giờ các doanh nghiệp đó mới có tính thanh khoản.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Vũ Quang Việt lưu ý :
"Vấn đề chính ở Việt Nam khó ở chỗ là khi đẩy tiền ra và doanh nghiệp vay tiền của Nhà nước rồi không trả được thì lại nợ thêm. Đặc biệt nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là nhiều nhất. Thành ra, nếu doanh nghiệp nhà nước không sống được thì lại tiếp tục vòi tiền Nhà nước và tiếp tục… Đấy là vấn đề lớn".
Chủ một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may từng lên tiếng với RFA rằng :
"Người Việt Nam thông minh lắm và sáng tạo lắm luôn. Nhưng Chính phủ Việt Nam không biết tận dụng. Nói thật là phải đi từ Chính phủ đi xuống, phải nhìn thấy mình yếu ở đâu, phải xử lý chỗ nào, phải đi trước và phải mạnh mẽ lên".
Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng Chính phủ Việt Nam phải cổ phần hóa nhanh chóng khối doanh nghiệp nhà nước không hoạt động hiệu quả hoặc cho phá sản ; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn với các giải pháp cụ thể. Bằng không thì "Nếu tình trạng này còn tiếp tục thì nền kinh tế nói chung sẽ khủng hoảng và phá sản. Đó là lẽ đương nhiên".
Nguồn : RFA, 06/08/2020
**************************
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ghép bị áp thuế 'bức tử' 25%
RFA, 07/08/2020
Sự việc bắt đầu được dư luận chú ý khi những ngày cuối tháng 7, nhiều container hàng ván ghép thanh bị ùn ứ tại nhiều cảng xuất khẩu ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) bị đối tác thương mại nước ngoài phạt do chậm giao hàng. Muốn tránh phạt, doanh nghiệp phải chấp nhận mức áp thuế hàng ván ép thanh theo mã hoàn toàn mới, với thuế suất 25%.
Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng. Courtesy of Cát Tường
Nguyên nhân được đại diện các doanh nghiệp cho biết là từ ngày 24/6/2020 khi ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký văn bản số 4250/TB-TCHQ. Văn bản này đã quy định, ván ghép thanh chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 là "gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm"... và bị áp thuế 25%.
Thay vì từ trước đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vẫn được áp mã HS 4418, với thuế suất 0%. Điều này không khác gì, đột nhiên Tổng cục Hải quan tự ý thay đổi thuế suất của mã HS 4418 từ 0% thành 25% (!?).
Trước việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp nói có... nhưng Tổng cục Hải quan vẫn cho rằng không đúng như vậy. Vào ngày 4/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các ban ngành và đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng tham gia đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường ở tỉnh Đồng Nai, là công ty đang tồn đọng nhiều mặt hàng này tại cảng.
Đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nói :
"Việc này thì phải xem thế nào, chứ một bên có thuế, một bên không có thuế thì chắc chắn ảnh hưởng rồi, làm sao mà không ảnh hưởng được. Mà thuế đâu có ít, thuế suất 25% đâu phải là chuyện đơn giản".
Vị đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết, thông tư 65 định nghĩa rõ ràng đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả những tấm gỗ, tấm lát sàn lắp ráp. Ngoài ra, có quyết định của Bộ nông nghiệp số 2515, vào năm 2015 quy định rõ ràng hơn mã 4418 là ván ghép và là đồ dùng trong xây dựng. Theo đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường hai văn bản này là bằng chứng rõ ràng không thể áp thuế 25% cho mã 4418. Ông nói tiếp :
"Trong cuộc họp bên Hiệp hội cũng đã phân tích hai mã hàng này khác nhau như thế nào ? Trong thởi gian chờ quyết định chính thức, bản thân tôi thấy cũng khả quan, cho nên hiện tại tôi cũng không muốn nói gì thêm về vấn đề này. Nhưng về cơ bản, vấn đề này phải theo quốc tế và theo pháp luật, trước hết là phải xem những cái mã HS như thế nào trong biểu thuế xuất nhập khẩu, hoặc trên biểu thuế của quốc tế, của EU... như thế nào là 4407, như thế nào là 4418..".
Trong khi đó, Cục hải quan lại quyết định gỗ ghép thanh bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế... thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng tại Việt Nam và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.
Đại diện Công ty cổ phần Chế biến Gỗ mộc Cát Tường cho biết thêm :
"Tôi là doanh nghiệp nhỏ, cái gì cũng phải qua Hiệp hội, doanh nghiệp tôi chỉ chiếm 1% của ngành này, số lượng rất là nhỏ. Muốn thêm chi tiết thì qua Hiệp hội, họ có phân tích. Thật sự bên đó bây giờ cũng cử lung tung, cái này tôi cũng không dám nói nữa".
Gỗ ghép cao su, ảnh minh họa. Courtesy of LD
Đài Á Châu Tự Do hôm 7/8/2020, nhiều lần liên lạc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng như Tổng cục Hải quan, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Khi trả lời báo chí trong nước hôm 6/8/2020, Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Viforest cho biết, lâu nay gỗ ghép thanh vẫn xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên từ ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan đã bất ngờ có thông báo về việc áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ ghép thanh lên mức 25%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 7/8 liên quan vấn đề này, nhận định :
"Tôi nghĩ việc này nên rút kinh nghiệm, trước khi các cơ quan hải quan có quyết định, nên có trao đổi với Hiệp hội, doanh nghiệp... vì đó là những đối tượng phải thực hiện quyết định của hải quan. Nếu có sự trao đổi, thảo luận... sẽ bớt được việc có những quyết định mà sau đó lại phải sửa ngay như thế này".
Cũng theo Tổng Thư ký Viforest, ngành chế biến gỗ những năm qua đã có bước phát triển nhảy vọt, đó là nhờ yếu tố rất lớn từ chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế đóng vai trò hàng đầu. Theo đó, hầu hết các sản phẩm gỗ khi xuất khẩu (ngoại trừ gỗ tròn, gỗ xẻ) đều được áp mức thuế suất 0%. Ông cho rằng bây giờ mà tăng thuế để tăng thu ngân sách, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chế biến gỗ.
Một chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu ở Bình Dương khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói :
"Hồi trước nay thì không hề có chuyện đó. Toàn là lấy gỗ khai thác rừng vô tội vạ rồi làm giấy tờ hợp thức hóa. Hồi xưa chính quyền không có để ý đến ngành gỗ của mình gì hết. Nhưng mấy năm gần đây thì đột nhiên xuất khẩu gỗ của mình lớn từ 3, 4 tỷ đô la lên 9 tỷ nên nhà nước mới để ý và thấy là một nguồn thu ngon lành".
Cho đến ngày 7/8/2020, Tổng cục Hải quan đã cho báo chí trong nước biết, tạm thời đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai trước mắt cho Công ty mộc Cát Tường xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%, để giải tỏa hàng ở cảng, nhưng doanh nghiệp này phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền (!?).
Đây là một quyết định linh hoạt, được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho là hợp tình hợp lý, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên việc bắt buộc doanh nghiệp chế biến gỗ phải chấp nhận quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền, dù chưa biết sẽ như thế nào, thuế suất bao nhiêu, ảnh hưởng ngành chế biến gỗ ra sao, làm nhiều người quan ngại, cho dù với lý do bảo vệ môi trường luôn được mọi người ủng hộ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 7/8/2020, nói :
"Nói chung về xuất khẩu gỗ ở Việt Nam thì nhà nước cũng có lo lắng về việc xuất khẩu như thế nào mà không ảnh hưởng môi trường Việt Nam cũng như các nước mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, cũng như những quy định của nước nhập khẩu. Trong việc xuất khẩu gỗ tăng lên những năm gần đây, nhà nước luôn quan tâm làm sao để Việt Nam vẫn xuất khẩu được mà không gây tai tiếng, ảnh hưởng lâu dài ngành gỗ Việt Nam. Tôi ủng hộ cách làm này của Việt Nam, vì đã từng có trường hợp các nước nghi ngại Việt Nam và tăng cường giám sát lãnh vực này".
Tuy nhiên, về cách điều hành thì theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mỗi khi có thay đổi về chính sách, thì nhà nước Việt Nam cần hết sức tránh những thay đổi đột ngột, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng của họ. Nhất là những hợp đồng đã được ký kết với nước ngoài, nếu đột ngột thay đổi thì doanh nghiệp không thể thực hiện được nữa, hoặc nếu tiếp tục thì doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn rất nhiều. Bà nói tiếp :
"Nói chung việc điều hành bao giờ cũng phải có sự chuẩn bị, dự báo trước, hoặc ít nhất làm cho doanh nghiệp dự liệu được chính sách của nhà nước. Ví dụ đưa ra những cảnh báo, có những việc sẽ ảnh hưởng đến ngành, nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh...thuế hay công cụ. Những việc như vậy cần trao đổi với doanh nghiệp trong lĩnh vực để họ chuẩn bị, để tránh vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như ở các nước liên quan".
Theo bà Phạm Chi Lan, cách làm phải như vậy, chứ nếu tăng thuế đột ngột mà không đưa ra dự báo, không trao đổi trước với doanh nghiệp, thì sẽ gây ra hệ quả xấu cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện hiện nay thị trường đang khó khăn, các doanh nghiệp đang phải bươn chải rất vất vả, thì mới có thể duy trì được thị trường, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.