Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2020

Âm mưu của Trung Quốc đằng sau dự án kênh đào Kra

Tạ Thanh Ngân

Trong chiến lược vươn ra biển lớn của Trung Quốc, để trở thành một cường quốc biển, Trung Quốc đã hình dung viễn cảnh thay thế Hoa Kỳ khống chế cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, một "điểm yếu chết người" của Trung Quốc tại Biển Đông - cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra biển là eo biển Malacca, một tuyến đường biển tuy hẹp nhưng rất nhộn nhịp chia cắt Singapore và đảo Sumatra (Indonesia), huyết mạch của các giao thương đường biển và cũng là tuyến đường chính cho phép Hải quân Trung Quốc tiến về phía Nam Á, hoặc thậm chí là xa hơn về phía Tây. Trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông, Hải quân Hoa Kỳ cùng đồng minh có thể khóa eo biển này lại. Điều này sẽ chặn đứng giao thương và đường ra biển chính của Hải quân Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nỗi lo ngại về eo biển Malacca như vậy đã kìm giữ Trung Quốc không thực hiện các hành động vũ lực trên khu vực Biển Đông thời gian vừa qua. Tuy nhiên, với nỗi lo ngại về tầm quan trọng của eo biển Malacca cùng những tham vọng chiến lược của Trung Quốc, đồng nghĩa với thực tế quốc gia này chắc chắn sẽ tìm cách để giảm thiểu sự lệ thuộc vào một tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột.

kra1

Kênh đào Kra khi hoàn thành sẽ rút ngắn được 1.200km hành trình của tàu chở dầu từ khu vực Trung Đông về Trung Quốc

Đó cũng chính là lý do dẫn tới dự án tham vọng nhất trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường", dự án cơ sở hạ tầng gây nhiều tranh cãi mà Bắc Kinh thúc đẩy ở khu vực : kế hoạch xây dựng kênh đào tại Kra Isthmus ở Thái Lan, vùng hẹp nhất trên bán đảo Mã Lai.

Eo Kra là một dải đất hẹp chạy dài theo hướng Bắc-Nam, nối bán đảo Malay với lục địa Châu Á. Phần phía Đông của eo đất Kra thuộc Thái Lan và trông ra vịnh Thái Lan. Phần phía Tây thuộc Myanmar và trông ra biển Andaman.

Dự án kênh đào Kra nhằm tạo ra một con kênh đào nhân tạo lớn qua miền nam Thái Lan nối Ấn Độ Dương với các vùng Biển Đông Á để giúp cải thiện giao thông trong khu vực. Theo thiết kế, kênh đào Kra có độ sâu 26m, chiều rộng 2 làn với 340m và chiều dài 102km, cho phép tàu tới 350 nghìn tấn qua lại thuận tiện. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất Châu Á. Tuyến hành trình từ Ấn Độ Dương về Đông Á được rút ngắn hơn 1.000 km so với tuyến đường đi qua Eo Malacca.

Nếu được hoàn thành, con kênh này sẽ là tuyến đường thứ hai đưa Trung Quốc tiến tới Ấn Độ Dương, đồng thời cho phép Hải quân Trung Quốc nhanh chóng điều động tàu chiến từ các căn cứ mới xây dựng ở Biển Đông tới Ấn Độ Dương và ngược lại mà không phải đi vòng quanh Malaysia. Thực tế này cũng sẽ khiến kênh đào Thái Lan trở thành một tài sản chiến lược trọng yếu của Trung Quốc, một "thòng lọng" siết quanh vùng lãnh thổ phía Nam Thái Lan. Nếu Thái Lan cho phép Trung Quốc đầu tư tới 30 tỷ USD để xây dựng con kênh này, kết quả họ sẽ nhận được là những sợi dây ràng buộc quấn quanh mình mãi mãi.

Là đề tài gây tranh cãi từ lâu, song dự án này hiện nay lại đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong chính giới Thái Lan. Một ủy ban của Quốc hội Thái Lan thậm chí còn dự kiến có buổi tham vấn về dự án trong tháng này, trong khi tờ Bangkok Post gần đây lại đăng tải nhiều bài xã luận ủng hộ dự án, khác với quan điểm trước đây. Có ý kiến cho rằng những hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Lan có thể đã định hình ý kiến dư luận, và bất chấp liên minh trên danh nghĩa với Washington, Thái Lan cũng đã có những động thái ngả về Trung Quốc khá rõ ràng từ khi Mỹ từ chối công nhận cuộc đảo chính của quân đội năm 2014.

Sự hiện diện của con kênh tại Thái Lan sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho kế hoạch chi phối khu vực của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động về phía Tây, tiến sâu hơn vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, xây dựng căn cứ hậu cần ở Djibouti, phía Đông Châu Phi, và tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực với hải quân các nước Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Iran, và thậm chí cả Nga.

Hàng loạt các dự án xây dựng cảng biển trong khu vực cho thấy dự định bao vây Ấn Độ mà Trung Quốc thúc đẩy. Ấn Độ đã phản ứng lại bằng cách đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu với Trung Quốc trên biển. Tháng 8 vừa qua, tờ Hindustan Times đưa tin cho biết nước này đang lên kế hoạch nâng cấp các hạ tầng hải quân và không quân tại Quần đảo Nicobar và Andaman, với trọng tâm là đối phó với Trung Quốc.

kra2

Tàu chiến của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận chung với các nước ASEAN ở Vịnh Thái Lan hôm 5/9/2019 AFP

Eo biển Malacca là hành lang thương mại toàn cầu trọng yếu trong nhiều thế kỷ, nếu không muốn nói là thiên niên kỷ. Hiện nay, mỗi năm có trung bình 80.000 lượt tàu bè đi qua eo biển này, tuyến đường trung chuyển dầu khí tới Đông Á và xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài. Sự thịnh vượng của Singapore đã được xây dựng trên nền tảng vị trí địa lý chiến lược nằm tại phía cực Đông Nam của eo biển này. Hiệp hội Kênh đào Thái Lan, tổ chức có mối liên hệ chặt chẽ với giới quân đội nhiều quyền lực tại đất nước Chùa Vàng, cho rằng Thái Lan có thể thu về những lợi ích tương tự, với việc xây dựng các khu công nghiệp và trung tâm kho vận ở cả 2 đầu kênh đào – nơi có thể trở thành huyết mạch thương mại Châu Á.

kra3

Sự thịnh vượng của Singapore đã được xây dựng trên nền tảng vị trí địa lý chiến lược nằm tại phía cực Đông Nam của eo biển này.

Những lập luận này có những căn cứ nhất định. Dù các chuyên gia về công nghiệp ước tính kênh đào này không đem lại hiệu quả về mặt kinh tế nhất là xét trong bối cảnh tỷ suất hoạt động của tàu bè cũng như chi phí nhiên liệu, song tuyến đường hiện nay đi qua Eo biển Malacca thực tế đã đạt tới giới hạn an toàn khi xét đến số lượng tàu bè hoạt động mỗi ngày. Những tuyến đường khác để lựa chọn thay Malacca, như Eo biển Sunda của Indonesia, lại khiến các chuyến tàu Đông-Tây phải đi đường vòng khá xa.

Dự án kênh đào tại Thái Lan, còn được gọi là tuyến 9A, sẽ bao gồm 2 con kênh song song, sâu 30m, rộng 180m và có chiều dài khoảng 135km từ Songkhla ở Vịnh Thái Lan cho tới vùng Krabi tại biển Andaman.

Kênh Kra sẽ là huyết mạch quan trọng trong "Con đường Tơ lụa trên biển" của Trung Quốc, hiện là một phần kế hoạch "Một Vành đai, Một Con đường" của nước này. Sự can dự của Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất hiện qua việc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) mới thành lập- để cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng quy mô lớn- gây ảnh hưởng tới dự án đặc biệt này. Các diễn đàn theo chủ nghĩa dân tộc trong các cộng đồng mạng thực sự có ảnh hưởng của Trung Quốc như Tiexue Luntan (Diễn đàn Máu và Sắt) đang kêu gọi AIIB tiếp sức cho giấc mơ đã có từ lâu của Thái Lan về việc xây dựng một Kênh Kra.

Tuy nhiên, nếu xúc tiến dự án này, Thái Lan sẽ đứng trước nguy cơ tự chia cắt lãnh thổ của mình làm đôi. Quốc gia này hiện đang đối mặt với làn sóng bạo động khá mạnh mẽ tại 3 tỉnh cực Nam, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống. Con kênh này có thể sẽ trở thành ranh giới tượng trưng giữa "chính quốc" Thái Lan ở phía Bắc với vùng lãnh thổ của phong trào ly khai ở phía Nam. Dù con kênh không ảnh hưởng đến chiến dịch chống khủng bố mạnh mẽ của quân đội Thái Lan, song nó có thể tạo nên những chia rẽ kéo dài tới nhiều thế kỷ, một bài học mà Colombia từng có khi xây dựng Kênh đào Panama.

Vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan vẫn được bảo đảm, song sự hiện diện của một kênh đào như thế này sẽ thay đổi đáng kể bức tranh chính trị Đông Nam Á. Kịch bản đó sẽ đưa Trung Quốc trở thành một đối tác an ninh thường trực trong khu vực, một nhân tố khó có thể loại bỏ. Cùng với những khoản đầu tư dự kiến dành cho các cảng biển ở Sihanoukville của Campuchia hay Kyaukpyu của Myanmar, Trung Quốc đang tìm cách biến kênh đào Thái Lan trở thành tuyến đường chiến lược kết nối với "chuỗi ngọc trai" mà họ từng bước dựng nên trong khu vực. Nếu trong tương lai, một chính phủ tại Bangkok có quan điểm thù địch với Bắc Kinh đe dọa sẽ cắt đứt "chuỗi ngọc trai" này, không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không hậu thuẫn phong trào độc lập ở miền Nam và giành quyền kiểm soát kênh đào, với cái cớ là để bảo vệ các lợi ích riêng của mình.

Eo biển Malacca trở thành nguồn lợi cho Singapore chỉ bởi quốc gia này có nền kinh tế mở và tương đối độc lập với các tác động từ bên ngoài. Thái Lan nên tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm từ đó, trước khi tự tròng vào cổ mình chiếc thòng lọng mà Trung Quốc trao.

Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Ngoài việc cắt giảm thời gian và chi phí di chuyển qua eo biển Malacca, kênh đào Kra còn cho phép nền thương mại của Trung Quốc không còn phụ thuộc vào những tuyến đường "độc đạo" đi qua Indonesia và Singapore.

Đối với Việt Nam, nếu dự án kênh đào Kra thành công, thì sẽ có cả thuận lợi và đe doạ.

Về thuận lợi, khi siêu dự án kênh đào Kra được đưa vào thực hiện sẽ tạo nên một hành lang sầm uất, nâng tầm giá trị của Biển Đông, bên cạnh đó giảm sự phụ thuộc đáng kể vào eo biển Malacca.

Cùng với các nước trong khu vực, kênh đào Kra được đánh giá sẽ có tác động lớn đối với Việt Nam, đặc biệt với vùng biển Kiên Giang – vốn đã nằm gần đường hải lưu quốc tế. Với lưu lượng lớn tàu thuyền ra vào kênh Kra, vùng biển Kiêng Giang – Phú Quốc có cơ hội được đánh thức và là động lực vô cùng lớn để Việt Nam phát triển hải cảng ở phía Nam, và những hải cảng này được kỳ vọng trở thành đối thủ của Singapore.

Nền kinh tế Việt Nam có thương mại hải cảng đến 90% lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, và đây chính là cơ hội rất lớn để tăng cường phát triển kinh tế biển. Khi kênh đào Kra được khai thông, tuyến đường hàng hải quốc tế chạy dọc và bó sát các thành phố duyên hải Việt Nam kéo dài từ Phú Quốc đến vịnh vân Phong, với lợi thế địa lý và cơ sở hạ tầng hiện đang đầu tư tốt, Phú Quốc hoàn toàn có thể cạnh tranh với các cảng lớn khác trong khu vực.

Nói cách khác đường hàng hải viễn duyên sẽ chuyển dịch từ phía Đông sang phía Tây Biển Đông. Trong một tương lai không xa khi kênh Kra chính thức đi vào hoạt động, đảo ngọc Phú Quốc sẽ trở thành một vùng kinh tế đặc biệt, không chỉ riêng lĩnh vực vận tải biển mà kéo theo sự thay đổi tích cực các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ du lịch.

Thách thức lớn nhất của dự án kênh đào Kra đối với Việt Nam, đó là một khi Trung Quốc đã chi phối và kiểm soát được kênh đào này, thì Trung Quốc sẽ không còn e dè gì trước việc sử dụng kể cả sức mạnh quân sự của họ trên Biển Đông, và Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc cần "trấn áp" ở Biển Đông.

Chính vì vậy, với một vai trò ngày càng tích cực hơn ở ASEAN, Việt Nam cần có những kế hoạch lâu dài trước các đe doạ từ Trung Quốc.

Tạ Thanh Ngân

Nguồn : RFA, 04/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tạ Thanh Ngân
Read 853 times

3 comments

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mercredi, 09 septembre 2020 02:14 posted by Hoàng Trường Sa

    Bài viết rất hay. Thông tin đầy đủ. Phân tích rõ ràng, rành mạch, và chính xác. Xin chân thành cám ơn tác giả Tạ Thanh Ngân.

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mardi, 08 septembre 2020 00:00 posted by Hoàng Trường Sa

    Tin Thái Lan hủy bỏ dự án xây kênh đào Kra cùng với TQ là một tin mừng. Trái nghịch với VN, các nhà lãnh đạo Thái Lan từ xưa đến nay vẫn khôn ngoan, khéo léo. Thời thực dân tìm kiếm thuộc địa trong thế kỷ 19 trên các châu lục, ở Đông Nam Á, chỉ duy nhất có Thái Lan là thoát khỏi bị các đế quốc Anh, Pháp, Hòa Lan, Bồ Đào Nha,Tây Ban Nha đô hộ, và giữ được nền tự chủ. Lý do là vua quan triều đình Thái, biết sử dụng thế đối nghịch giữa Anh và Pháp để cân bằng thế đứng của mình, tránh cho Thái Lan không bị thực dân đô hộ.

    Hôm nay cũng vậy. Việc TQ dụ dỗ Thái Lan hợp tác với TQ xây kênh đào Kra, thoạt nhìn vào xem như sẽ đem đến nhiều lợi ích cho Thái Lan. Nhưng nhìn kỹ đây là một mưu mô xảo trá của TQ để bành trướng thế lực ở Đông Nam Á, và nói rộng hơn, ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. TQ tìm con đường để thoát ra Ấn Độ Dương, không đi qua eo biển Malacca hiện đang bị Mỹ và phương Tây khống chế, hầu kết nối các căn cứ quân sự của họ trên chuỗi ngọc trai TQ. Như trong bài đã phân tích, kênh đào Kra nếu thực hiện sẽ cắt lãnh thổ Thái Lan ra làm hai phần, với phần nhỏ phía Nam ở cuối lãnh thổ rất dễ bị TQ lấn chiếm và biến thành đặc khu TÀU dùng khống chế kênh đào Kra, tách hẳn khỏi quyền cai trị của Vọng Các (Băng Cốc). Thái Lan sẽ bị ở vào thế xôi hỏng bổng không, thiệt hại vô cùng. Chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ nhìn qua Tích Lan (Sri Lanka) với hải cảng Hambantota nay nằm trong tay TQ 90 năm là Thái Lan và thế giới đã bắt đầu sợ hãi khi làm ăn chung với ông khổng lồ TQ.

    Phải biết là âm mưu của TQ, trá hình bằng các đầu tư hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi, là vô cùng nham hiểm. Sau khi dùng các thủ thuật nắm được kênh đào Kra, TQ sẽ lập hai đặc khu kinh tế ở hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương ở hai đầu kênh, sau đó nối kết với các đặc khu kinh tế Phú Quốc, Bắc Vân Phong, và Vân Đồn của VN để hoàn thành chuỗi ngọc trai vô giá mà Tập Cận Bình và các lãnh tụ ở Trung Nam Hải mơ ước bấy lâu nay. Cùng với lực lượng hải quân TQ ra vào tự do theo kênh đào Kra, cộng thêm các căn cứ quân sự của họ ở Hải Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, ở Kampuchia, TQ sẽ dễ dàng đe dọa và khống chế toàn vùng Đông Nam Á và Nam Á (bao gồm Ấn Độ, Myanma, Sri Lanka, Pakistan, v.v…) và có thể lan tới cả Úc và Tân Tây Lan (New Zealand) và các nước nhỏ ở châu Đại Dương.

    Âm mưu nói trên của TQ, đương nhiên là Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc đều biết. Và đương nhiên là các nước trong Bộ Tứ (Squad) này đã vạch trần cho các lãnh đạo Thái Lan thấy rõ và làm áp lực với chính quyền Thái Lan để hủy bỏ nó. Đó chính là lý do tại sao Thái Lan đã hủy bỏ dự án xây kênh đào Kra với TQ, dù đây cũng là giấc mơ từ trước của các vua Thái khi nhìn các kênh đào Panama và Suez. Phải thừa nhận là Thái Lan, khác hẳn VN, dù sao cũng độc lập trong thế đứng quốc tế, các lãnh tụ của họ cũng đã kế thừa được sự khôn ngoan sáng suốt của tiền nhân trong các quyết sách liên quan tới sự tồn vong của Thái. Chả bù vói ông VN nhà mình qua vụ ba đặc khu kinh tế gần đây mà sớm muộn gì cũng trở thành hiện thực, bất chấp mọi sự phản kháng của toàn dân Việt trong và ngoài nước.

  • Comment Link Hoàng Trường Sa lundi, 07 septembre 2020 06:56 posted by Hoàng Trường Sa

    Theo EurAsian Times, lấy tin từ Bloomberg, thì Thái Lan đã hủy bỏ dự án Kênh đào Kra dự tính thực hiện chung với TQ. Thay vào đó, Thái Lan sẽ tự mình xây một hành lang trên bộ gồm một xa lộ mới và một đường hỏa xa mới nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chạy qua vị trí trước đây định đào kênh Kra. Xa lộ và thiết lộ này sẽ giúp vận chuyển hàng hóa tránh đường thủy lộ quốc tế chạy qua eo biển Malacca hiện nay và tiết kiệm được thời gian chuyển vận hơn hai ngày. Thái Lan sẽ xây hai hải cảng lớn một trên bờ Ấn Độ Dương, và một trên bờ Thái Bình Dương ở vùng duyên hải phía Nam của Thái Lan làm đầu cầu cho hành lang trên bộ này.

    Nguồn: China’s Strongest Ally In The Asia Pacific Stalls Defence Deal, Cancels Massive Infra Project (https://eurasiantimes.com/chinas-strongest-ally-in-the-asia-pacific-stalls-defence-deal-cancels-massive-infra-project/)

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)