Thế lực "Ba X" đã trở lại ?
Lynn Huỳnh, VNTB, 07/10/2020
Việc đương kim Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang bất ngờ quay trở lại ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho thấy đồn đoán thế lực "Ba X" tái xuất là có cơ sở…
Là con thứ hai trong gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng còn được gọi với cái tên Ba Dũng, và giới giang hồ mạng gọi tắt là ‘Ba X’ theo nghĩa ‘X’ là ẩn số đầy biến hóa của toán học.
Hôm tưng bừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tại Hà Nội, trong số quan khách lãnh đạo đến dự, khá bất ngờ khi có sự hiện diện của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Báo chí không thấy chọn đăng tấm hình nào ở Đại hội có cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vài hôm sau đó, rất bất ngờ vào chiều tối ngày 04/10, báo chí đưa tin Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang được điều về làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Đến sáng ngày 05/10/2020 thì báo chí tiếp tục loan tin rằng Bí thư Nguyễn Thanh Nghị vẫn giữ quyền điều hành Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/10/2020.
Ông Nguyễn Thanh Nghị hiện là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, quê tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, là con trai trưởng của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Thanh Nghị có trình độ tiến sĩ khoa học kỹ thuật xây dựng, cao cấp lý luận chính trị. Trước khi được luân chuyển về Tỉnh ủy Kiên Giang từ tháng 3/2014, ông Nghị cũng đã từng giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng khi mới 35 tuổi, phó hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn lại quá khứ để hình dung rõ hơn về cái gọi là "Thế lực Ba X" : tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 từng gây bất ngờ, khi báo chí đưa tin các đảng viên nơi đây đã không bầu cho ông Nguyễn Thanh Nghị, khi đó là phó hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, làm đại biểu của đoàn thành phố dự Đại hội Đảng toàn quốc.
Tuy vậy, sau đó tại Đại hội Đảng toàn quốc, ông Nguyễn Thanh Nghị vẫn được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương từ danh sách do ‘Đại hội toàn quốc đề cử’. Và đó là một trong những cú hồi mã thương rất đẹp của "Thế lực Ba X".
Vụ việc lùm xùm trong xử lý ở Đồng Tâm mà dư luận đồn đoán là có phần trách nhiệm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về tín hiệu ‘bật đèn xanh’ đưa đến thảm kịch đêm 9/1/2020, thêm một bất ngờ nữa, khi được cựu phó tổng biên tập báo Thanh Niên – ông Nguyễn Quốc Phòng khéo léo xới trách nhiệm qua một bài viết có tựa "Chuyện Tây Nguyên xưa và chuyện Đồng Tâm nay".
Bài viết có đoạn thế này :
"Có anh lên tiếng hỏi anh, cái hồi xảy ra vụ Đồng Tâm, có vị nào gọi điện hỏi anh để tham khảo kinh nghiệm xử trí không, thì anh cười lắc đầu. Song cái hồi mà Hà Nội xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp và Nhà nước với Nhà Thờ, thì đúng là anh Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hà Nội có gọi điện hỏi kinh nghiệm thành công khi ở trong đó chính quyền ‘đụng độ’ với bà con sắc tộc. Vấn đề còn hệ trọng hơn vô cùng khi họ đòi ly khai, thành lập nhà nước riêng, tôn giáo riêng…
Thế nhưng, lãnh đạo Hà Nội ngày ấy họ hỏi anh là cũng do Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Số là khi Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo của ông thì ông Ba Dũng có khuyên họ "nên gọi điện tham khảo kinh nghiệm của thằng Lạng Đăk Lăk khi cậu ấy xử lý bạo loạn tại Tây Nguyên ý. Nó làm êm thấm lắm !".
Và quả thực bài học Tây Nguyên năm xưa đã giúp cho Hà Nội sau đó đã giải quyết "ngon lành" với Giáo hội Thiên chúa giáo Hà Nội chuyện đất đai…".
Liệu có phải bóng ma "thế lực Ba X" đang trở lại ?
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 07/10/2020
***********************
"Quy hoạch Nguyễn Đình Khang" và nhân sự đảng
Nha Trang, VNTB, 07/10/2020
Hoạn lộ của Nguyễn Đình Khang có bước đầu tương tự như Đinh La Thăng.
Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tặng hoa cho ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, tân Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh minh họa
Chiều 28/7/2019, hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4 khóa XII đã bầu ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Tuần lễ trước đó, sáng 21/7/2019, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ông Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020 ; giữ chức Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Trong phát biểu tại buổi làm việc kể trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như sau (trích) : "Đồng chí Nguyễn Đình Khang là cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, là Thạc sỹ Quản lý kinh tế, trưởng thành từ khối doanh nghiệp nhà nước. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, đồng chí Nguyễn Đình Khang luôn thể hiện là cán bộ trẻ có bản lĩnh, nhiệt huyết, có ý chí phấn đấu vươn lên, không chùn bước trước khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao tại các địa bàn khó khăn, phức tạp để trau dồi, rèn luyện thử thách…
Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí Nguyễn Đình Khang với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị của mình sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cùng tập thể lãnh đạo Đảng đoàn và toàn thể cán bộ, đảng viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên cương vị công tác mới, nhất là trong việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trước những thách thức mới nảy sinh trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới".
Lý lịch tóm tắt về hoạn lộ trước khi ngồi vào ghế là người đứng đầu tổ chức công đoàn cách mạng Việt Nam của ông Nguyễn Đình Khang, như sau :
- Từ năm 1984-1988, sinh viên Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) ;
- Từ năm 1989-1993, Kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc ;
- Từ năm 1993-1997, Phó phòng Kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc ;
- Từ năm 1997-2002, Trưởng phòng Kế toán Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc ;
- Từ năm 2002-2003, Kế toán trưởng Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc ;
- Từ năm 2003-2006, Ủy viên Ban Kiểm soát Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam ;
- Từ năm 2006-2009, Ủy viên Hội đồng Quản trị Trưởng ban Kiểm soát Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam ;
- Từ năm 2009-2014, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam.
Tháng 3/2014, Nguyễn Đình Khang được Ban Bí thư luân chuyển giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Tại đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Khang được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 15/4/2016, Nguyễn Đình Khang được Bộ Chính trị phân công thôi giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang để giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Đình Khang ở giai đoạn từ năm 2003 đến 2014, mặc dù rất am tường nội tình của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, song trong vị trí Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông đã để lại nhiều dự án thua lỗ, ngập trong nợ nần.
Năm 2008 nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công với kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn khi đi vào hoạt động. Thế nhưng hoạt động trong năm đầu tiên 2012, nhà máy đã lỗ 75 tỷ đồng. Ba năm tiếp theo mỗi năm nhà máy này tiếp tục lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình thua lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng, nợ tính đến cuối năm 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. Không thể cứu vãn, cuối cùng nhà máy này buộc phải ngừng hoạt động. Trong vụ việc này, ông Nguyễn Đình Khang, nguyên Phó bí thư Đảng uỷ, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu "kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc".
Một công ty lâu đời khác của Vinachem là Đạm Hà Bắc cũng làm ăn thua lỗ lớn. Năm 2010, Công ty này mở rộng nhà máy, tổng mức đầu tư 568 triệu USD, nâng công suất từ 180.000 tấn lên mức 500.000 tấn/năm. Năm 2015 dự án của Công ty này hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngay trong năm đầu hoạt động đã lỗ khoảng 665 tỷ đồng…
Một nguồn tin từ báo chí cho biết, trong 4 đại dự án thua lỗ của Vinachem, riêng dự án đạm Ninh Bình, thua lỗ 5.706 tỉ đồng, đang được đề nghị chuyển Bộ công an điều tra. Không chỉ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, ông Nguyễn Đình Khang còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi ký 4 hợp đồng và 08 phụ lục hợp đồng ủy thác vốn.
Ông Khang còn đứng trước cáo buộc phải chịu trách nhiệm với những sai phạm trong quá trình đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng kéo dài, làm phát sinh giá gói thầu thêm 48 triệu USD ; thiếu trách nhiệm khi để nhà thầu thay đổi một số thiết bị, công nghệ có thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ thay đổi so với hồ sơ yêu cầu… Những sai phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Vinachem trong các năm 2011, 2013 đều có vai trò quyết định của Tổng giám đốc Nguyễn Đình Khang.
Nếu quả tình người lao động được quyền bỏ lá phiếu chọn người đứng đầu tổ chức công đoàn – cho dù đó là công đoàn cách mạng, tin rằng chẳng mấy ai dám trao niềm tin vào tay một người từng quản lý yếu kém – không loại trừ yếu tố tham nhũng tại Vinachem như ông Nguyễn Đình Khang.
Nha Trang
Nguồn : VNTB, 07/10/2020
*************************
Ông Nguyễn Thanh Nghị được ‘điều chuyển’ hay bị ‘kỷ luật giáng chức’ ?
RFA, 06/10/2020
Vào ngày 5/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định số 1518 điều động Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị về lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Courtesy moc.gov.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định số 1518 điều động Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị về lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Vào ngày 5/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định số 1518 điều động Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị về lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, là con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào tháng 8 năm 2020, khi còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, đã cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm, do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
‘Điều chuyển’ hay ‘kỷ luật giáng chức’ ?
Việc đưa ông Nguyễn Thanh Nghị về lại chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng mang ‘hàm ý gì' ? Liệu có phải không thi hành kỷ luật, nhưng là ‘kỷ luật giáng chức’ ?
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 6/10/2020 từ Hà Nội, liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định :
"Tôi nghĩ là như vậy, vì ông Nghị từ thời bố ông làm Thủ tướng thì ông được đẩy lên rất nhanh, và từng làm Thứ trưởng của Bộ Xây dựng. Rồi từ đó mới chuyển về quên nhà để đi theo con đường của đảng, đầu tiên là Chủ tịch tỉnh, sau đó là Bí thư. Thường Bí thư của một tỉnh, thì chắc chắn sẽ là trung ương ủy viên của khóa tới, bây giờ đùng một cái điều về làm Thứ trưởng thì sẽ phải có một người khác về làm Bí thư. Và như thế, khả năng ông Nghị còn ở trong trung ương đảng có thể là không có nữa. Như vậy đó là một sự ‘giáng chức’ và là một cái biểu hiện mà bất kể ai biết về tình hình chính trị Việt Nam sẽ thấy đó là một biểu hiện của một sự đấu đá trong nội bộ".
Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Trước đây ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng từ năm 2011 đến 2014. Sau đó ông được đưa về quê nhà và kinh qua các chức vụ như Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh... Và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang từ tháng 10/2015 đến nay. Ông là con trai cả của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và là một trong ba Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước ở thời điểm đó.
Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6/10/2020 về trường hợp của ông Nguyễn Thanh Nghị, đưa ra phân tích :
"Vào tháng 8/2020 có một kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của tỉnh Kiên Giang, nhưng trong kết luận đó không có phần quan trọng nhất là chuyển hổ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý theo pháp luật. Thì tôi nghĩ rằng, lúc đó ông Nghị an toàn. Thứ hai, tin ông Nghị được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ xây dựng, thú thật tôi cũng bất ngờ. Tôi đánh giá đây là bước đi xuống nguy hiểm cho ông Nghị cũng như liên đới cha ông là ông Nguyễn Tấn Dũng. Đồng thời hôm nay tôi có thấy báo Tuổi trẻ phỏng vấn ông Phạm Công Khâm, là Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Kiên Giang về việc luân chuyển ông Nghị thì ông Khâm cho biết tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về việc này. Đó là một điều rất kỳ lạ, trong khi báo chí thì đã phổ biến rất rộng rãi mà tỉnh Kiên Giang không biết gì cả mà chỉ biết qua báo chí. Đó là điểm lạ thứ nhất".
Ảnh minh họa, từ trái sang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Thanh Nghị và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Photo courtesy Chantroimoi
Điểm lạ thứ hai theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, là nội dung làm việc của Bộ Chính trị để chuẩn bị cho Đại hội đảng sắp tới. Trong đó, nhóm 3 do ông Trần Quốc Vượng được phân công làm việc với tỉnh Đắc Nông, Kiên Giang. Nhưng theo quan sát của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ông Trần Quốc Vượng chỉ đến làm việc với tỉnh Đắc Nông, mà không hề đến Kiên Giang làm việc. Ông nói tiếp :
"Việc ông Vượng không làm việc với tỉnh Kiên Giang kết hợp với trả lời của ông Phạm Công Khâm, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Kiên Giang, thì nó bật ra được một vấn đề về việc luân chuyển ông Nguyễn Thanh Nghị... đó là đặt ông Nghị vào chuyện đã rồi. Vì báo Tuổi Trẻ cho biết ông Nghị vẫn điều hành kỳ Đại hội sắp tới ở Kiên Giang vào ngày 17/10".
Tại buổi họp giao ban báo hôm 6/10, để cung cấp thông tin về việc chuẩn bị Đại hội Đảng tỉnh Kiên Giang. Trưởng ban tuyên giáo Kiên Giang Phạm Công Khâm cho biết, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ X, vẫn điều hành Đại hội từ ngày 15 đến 17/10.
Ông Khâm cũng cho biết đến thời điểm này, Tỉnh ủy Kiên Giang chưa nhận được văn bản chính thức về việc Thủ tướng Chính phủ điều động ông Nguyễn Thanh Nghị, về giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, mà chỉ biết qua báo chí đăng tải.
Liệu sai phạm của ‘đồng chí X’ có bị đụng đến ?
Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước đặt câu hỏi, với việc điều chuyển ông ông Nguyễn Thanh Nghị về lại chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng như kỷ luật kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị, liệu có khả năng chính phủ Hà Nội sẽ đụng đến sai phạm của ‘đồng chí X’ (tức nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) lúc còn đương nhiệm ?
Qua những chuyện này, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó cho thấy có sự rạn nứt rõ ràng giữa nội bộ đảng cao cấp giữa họ với nhau, cũng như là giữa phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng với các đồng chí của ông ta trong kỳ đại hội này. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng đây là việc nguy hiểm đối với cá nhân ông Nguyễn Thanh Nghị cũng như dòng tộc của ông Nguyễn Tấn Dũng, nếu ông Nghị ra Hà Nội nhậm chức. Ông nói tiếp :
"Điều này cũng đặt ông Nguyễn Thanh Nghị vào một thế khó. Bởi vì theo khoản 4 điều 9 của điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, tức là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục vụ tổ chức... Tuy nhiên cách làm việc của người cộng sản, thì cấp càng cao thì bao giờ họ cũng làm việc với nhau trước, để thuyết phục trong vấn đề điều chuyển bổ nhiệm. Nhưng lần này rõ ràng, họ đã đặt ông Nguyễn Thanh Nghị và cả gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng một cái thế gọi là chuyện đã rồi, tức là họ sử dụng công cụ báo chí để chuyển thông điệp tới gia đình ông Dũng. Tôi cho rằng, theo cái cách đó, có thể gọi là một kế của Tôn Tử là ‘điệu hổ ly sơn’... Đó là một điều rất nguy hiểm".
Không chỉ ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Kiên Giang bị điều về làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Trong 2 tháng qua, nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động, bổ nhiệm làm thứ trưởng các bộ hay một số chức vụ khác. Đơn cử như ông Trần Văn Sơn, Bí thư Điện Biên vể làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ; bà Phạm Thị Thanh Trà, nguyên Bí thư Yên Bái làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ ; Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bí thư Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định về việc này :
"Tôi nghĩ đó chắc chắn không phải là bình thường, người ta điều động về làm Thứ trưởng, rồi về làm Phó ban Kinh tế Trung ương... hay là Phó ban gì đấy... Tất cả các ông như từ ông Thăng trở đi chẳng hạn, thì mình cũng thấy kiểu đấy là giáng chức, và có thể dẫn đến kỷ luật gì đó".
Nhiều cán bộ quan chức cấp cao bị điều chuyển, sau đó kỷ luật hoặc có thể bị truy tố, với lý do chống tham nhũng như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường nói... Nhà báo Lê Trung Khoa khi trả lời RFA trước đây cho rằng, đấy không phải chỉ là dấu hiệu chống tham nhũng, mà là sự đấu đá phe phái rất dữ dội trong Đảng Cộng sản Việt Nam để giành quyền lợi. Con của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một trong những mắc xích, mà một số nhóm khác, muốn loại bỏ để tránh việc ông Nguyễn Thanh Nghị có thể đi tiếp được vào Trung ương ủy viên khóa tới, thậm chí lên Ủy viên Bộ Chính trị nếu thuận lợi.
Nguồn : RFA, 07/10/2020
*********************
Con trai cựu Thủ tướng Dũng được ‘thuyên chuyển công tác’
VOA, 06/10/2020
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa được bổ nhiệm quay trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng giữa lúc Bộ Chính trị Việt Nam đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng 13 sắp diễn ra trong vài tháng tới.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra hôm 6/10, ông Nghị, cũng là Ủy viên Trung ương Đảng và trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14 của tỉnh Kiên Giang, được "điều động, bổ nhiệm" giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, mà truyền thông trong nước gọi là "thuyên chuyển công tác".
Quyết định được đưa ra hơn 1 tháng sau khi ông Nghị cùng hàng chục cán bộ tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi cuối tháng 8.
Đây là lần thứ hai ông Nghị, 44 tuổi, đảm nhiệm chức thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Nghị, trình độ tiến sỹ khoa học kỹ thuật xây dựng, từng là phó bí thư tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015 trước khi trở thành người đứng đầu Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo truyền thông trong nước, con trai ông Dũng là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất của Việt Nam tại thời điểm được bầu. Tại thời điểm trở thành thứ trưởng Bộ Xây dựng lần đầu tiên vào năm 2011, khi bố ông đang làm thủ tướng Việt Nam, ông Nghị mới có 35 tuổi.
Việc con trai cả ông Dũng được đưa trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, theo dư luận và giới quan sát, là không mấy bất ngờ sau vụ ông Nghị bị kiểm điểm về sai phạm đất đai của tỉnh. Hôm 25/8, ông Nghị cùng hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và 12 người nguyên là phó chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 bị kiểm điểm vì theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, toàn bộ 145 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết do quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm được phê duyệt. Cũng theo kết luận này, tỉnh Kiên Giang còn chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc, dẫn đến Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt.
Việc điều động ông Nghị trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng nằm trong các diễn biến nhân sự cấp cao đang diễn ra trong các tuần vừa qua, với việc nhiều tỉnh thành Việt Nam có bí thư mới được bổ nhiệm. Cùng ngày 6/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Hôm 5/10, Hội nghị Trung ương 13 (khóa 12) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khai mạc tại Hà Nội, trong đó công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 là một trong những trọng tâm được thảo luận và xem xét.
Bố ông Nghị, nguyên Thủ tướng Dũng, gần đây bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền hình khi trả lời phỏng vấn VTV nhân dịp ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương mà ông từng giữ chức trưởng ban, và theo giới quan sát đó có thể là "tín hiệu gì đó về thế cân bằng" quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 sắp được tổ chức trong vài tháng tới.
Chiến dịch chống tham nhũng, được truyền thông trong nước gọi là "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người thâu tóm đuợc nhiều quyền lực trong tay hơn khi kiêm nhiệm chức Chủ tịch vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, trong vài năm qua được giới quan sát cho là nhắm vào ông Dũng thông qua một loạt các ‘đại án’ liên quan tới nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo các ngân hàng, và cả ngành công an, dẫn tới việc cựu Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù.