Ngày 17/11/2020, luật "Bảo vệ Môi trường" được Quốc hội Việt Nam thông qua với hơn 96% phiếu thuận. Điểm đáng chú ý là bộ luật quan trọng này đã phải lùi lại một tuần để sửa đổi, do sự phản đối mạnh mẽ của giới khoa học, giới bảo vệ môi trường trong nước. Ngay trước khi Quốc hội bỏ phiếu, giới khoa học, giới bảo vệ môi sinh tiếp tục kêu gọi hoãn dự luật.
Dự luật Bảo vệ Môi trường do bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phụ trách thẩm tra, được thảo luận tại Việt Nam từ cuối năm 2019. Cho đến trước khi Quốc hội bỏ phiếu, đã có ít nhất 7 phiên bản dự luật khác nhau được thảo luận. Truyền thông tại Việt Nam đăng tải rộng rãi nhiều ý kiến phản biện, kiên quyết phản đối việc thông qua dự luật. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều ý kiến phản biện, và dự luật trước khi được thông qua đã được cải thiện khá nhiều so với ban đầu. Tại sao luật Bảo vệ Môi trường bị phản đối mạnh mẽ trong giới khoa học ? Liệu luật Bảo vệ Môi trường, vừa được thông qua, có thực sự tiếp thu các ý kiến phản biện ? Trên đây là chủ đề chính của tạp chí Xã Hội của RFI tuần này.
Trái với nguyên tắc "Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế"
Trước hết xin mời quý vị nghe nhận định chung của tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng Dân tộc, Miền núi. Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương cũng là chủ tịch Nhóm Hành động vì Công lý, Sức khỏe và Môi trường, một trong năm tổ chức và liên minh tham gia "Kiến nghị hoãn thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi", hôm 03/11/2020. Trả lời RFI tiếng Việt, tiến sĩ Hoàng Xuân Lương cho biết :
"Những kiến nghị của các nhà khoa học, nhà bảo vệ môi trường được tiếp thu, nhưng không được tiếp thu đầy đủ. Đặc biệt có mấy vấn đề. Một là sự giám sát của người dân trong quá trình thực hiện Đánh giá tác động môi trường, của các nhà máy, khu công nghiệp lớn, việc minh bạch các số liệu để người dân thực hiện quyền giám sát thì chưa được tốt lắm. Thứ hai là vai trò của các nhà khoa học tham gia vào việc giám sát phản biện lại các ảnh hưởng môi trường chưa được chú trọng. Thứ ba là, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, khi có ảnh hưởng môi trường, thì mới nói chung chung thôi, không xác định cụ thể. Nói một cách tóm tắt là trong quá trình đóng góp ý kiến, bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học và Công nghệ đã tiếp thu, nhưng chỉ tiếp thu một phần.
Do ảnh hưởng của các doanh nghiệp, nên những đấu tranh của người dân, của các nhà khoa học chưa đạt kết quả mỹ mãn. Trong số các phản biện của chúng tôi, họ đã chấp nhận việc đưa vào luật, để người dân, nhà khoa học được tham gia vào quá trình giám sát, phản biện, nhưng họ không đưa đầy đủ như ý mình đề xuất. "Đầy đủ" có nghĩa là phải được giám sát ngay từ đầu, ngay từ khâu xây dựng dự án. Công khai minh bạch, tham gia ngay từ đầu như thế thì mới tránh được những việc làm tiêu cực của doanh nghiệp, vì sự phát triển kinh tế, vì lợi nhuận mà không quan tâm nhiều đến ảnh hưởng môi trường. Mặc dù thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, mà phải bảo vệ môi trường, nhưng rõ ràng luật Bảo vệ Môi trường vẫn nghiêng về hướng phát triển kinh tế".
Giao Đánh giá tác động môi trường cho chủ đầu tư : "Bước thụt lùi" nghiêm trọng
Trao đổi với RFI, thạc sĩ Phạm Thị Hương Giang, người sáng lập Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng, Sống bền vững, khẳng định luật này là một "bước lùi" nghiêm trọng, mang tên là bảo vệ môi trường, nhưng thực chất để phục vụ lợi ích của các chủ đầu tư :
"Cái cốt lõi của cái luật này chính là báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Các dự án bất động sản, thủy điện, tất cả các dự án liên quan đến tác động môi trường thì đều phải có đánh giá Đánh giá tác động môi trường. Đó là chìa khóa quan trọng để việc "mở cửa" (cho việc sản xuất, kinh doanh, khai thác) có đúng cách hay không, hay lại là "phá cửa" để vào nhà. Đánh giá đó thứ nhất phải là đánh giá trung thực, khách quan. Để chứng minh cho sự trung thực, khách quan này, thì Đánh giá tác động môi trường phải được công khai, đầy đủ, rõ ràng. Đây là điều quan trọng nhất. Mà hiện tại Nhà nước lại đẩy cho phía doanh nghiệp. Thực ra đây là một bước thụt lùi so với luật cũ. Luật cũ đã rất dở là đã không mạch lạc về vấn đề phải công khai Đánh giá Tác động Môi trường rồi. Thụt lùi là do Nhà nước đã đẩy việc này cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không chịu trách nhiệm thì sao ? Nếu doanh nghiệp từ chối cho tiếp cận thì công chúng làm gì doanh nghiệp ? Mà môi trường không phải là tài sản của doanh nghiệp. Đó là tài sản của Nhà nước. Đó là bước thụt lùi rất lớn, khi thông qua dự luật này.
Với tôi, có hai chuyện quan trọng nhất ở đây. Thứ nhất là báo cáo không được công khai, minh bạch bởi chính cơ quan quản lý Nhà nước, và thứ hai là báo cáo đó không được đánh giá một cách toàn diện, và lấy ý kiến của những người ảnh hưởng trực tiếp của nó. Và đó là điều không chấp nhận được. Tôi kết luận là luật này không phải để bảo vệ môi trường mà đó là luật bảo vệ quyền lợi và lợi ích của chủ đầu tư. Đây là một sự đi xuống rất thê thảm trong việc bảo vệ môi trường, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với những thảm họa rất lớn về thiên tai và nhân tai, có liên quan đến yếu tố môi trường. Đặc biệt là nhân tai thì cần phải có các quy định pháp luật chặt chẽ".
Thiên vị chủ đầu tư nên không tiếp thu nền tảng khoa học
Trả lời RFI, tiến sĩ - bác sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh đến thực tế là do bộ luật nghiêng hẳn về phía các chủ đầu tư, vì vậy các đóng góp căn bản để luật được xây dựng trên nền tảng của các thành tựu về khoa học môi trường đầu thế kỷ 21 đã không được tiếp thu :
"Nhìn vào phiên bản dự luật được Quốc hội thông qua, tôi thấy nổi lên hai điểm chính. Thứ nhất, tôi đánh giá là dự luật mất "cơ bản", tức không có được cái nền tảng khoa học xây dựng luật bảo vệ môi trường của thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Điểm thứ hai là, mục đích bảo vệ môi trường của dự luật bị biến thái, nghiêng hẳn về bảo vệ chủ dự án đầu tư, can thiệp hay khai thác môi trường. Mục tiêu bảo vệ môi trường là phải bảo vệ cho môi trường khỏi bị ảnh hưởng khỏi những can thiệp, chủ yếu là của con người, làm thay đổi những tính chất, thành phần của môi trường, theo hướng phá vỡ cân bằng sinh thái, tăng nguy cơ độc hại cho các sinh thể sống trong môi trường đó, bao gồm cả con người, động thực vật, vi sinh vật… các hệ sinh vật trong môi trường sinh thái.
Nhìn vào chương Đánh giá tác động môi trường, có thể nói đánh giá tác động môi trường rất là bất cập. Đánh giá tác động môi trường bản chất là một nghiên cứu khoa học, phải khách quan, trung thực, phải độc lập, thì trong dự luật này lại giao cho chủ đầu tư thực hiện. Rõ ràng các chủ đầu tư sẽ đi theo hướng bảo vệ cho việc các dự án của họ bảo đảm hết các tiêu chuẩn. Muốn đánh giá được độc lập, khách quan thì phải có những người không dính dáng lợi ích với bên chủ đầu tư, cũng như với bên Nhà nước. Hay nói một cách khác là phải có các cơ quan độc lập tham gia, phải tổ chức các nghiên cứu khoa học theo hướng độc lập, khách quan… Trong quá trình phát triển một năm vừa rồi, đi qua phiên bản này là phiên bản cuối cùng là phiên bản thứ 8, thì vẫn không khắc phục được các tồn tại trên, vẫn để chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện Đánh giá tác động môi trường".
Ngoài "Kiến nghị hoãn thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi", tham gia cùng với 5 liên minh, tổ chức khác, ngày 09/11, Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) (mà bác sĩ Trần Tuấn là trưởng ban điều phối) gửi đến Quốc hội và chính phủ Việt Nam một văn bản phân tích chi tiết nhấn mạnh 3 điểm yếu lớn của dự thảo luật, trong đó điểm yếu hàng đầu là "Dự thảo luật rơi vào tình trạng mất cơ bản nền tảng khoa học bảo vệ môi trường". Bài viết có mục tiêu cung cấp trước hết cho các đại biểu Quốc hội các trả lời cho câu hỏi, dựa vào đâu Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam đánh giá dự thảo luật nói trên là "mất cơ bản".
Quá trình làm luật : Thiếu minh bạch, "thụt lùi" so với các dự thảo đầu tiên
Trả lời RFI, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), một trong các tổ chức tham gia vào Kiến nghị Quốc hội hoãn thông qua dự luật, đặc biệt ghi nhận tình trạng thụt lùi của luật Bảo vệ Môi trường so với chính các phiên bản dự luật đầu tiên, cũng như quá trình làm luật rất thiếu rõ ràng, minh bạch :
"Vấn đề công khai thông tin môi trường, trong quá trình xây dựng luật, thì cũng cứ thò ra, thụt vào. Cái phiên bản cuối cùng không quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước đối với việc công khai, báo cáo Đánh giá tác động môi trường, mà lại cho rằng đây là trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong việc công bố thông tin, trong phiên bản cuối cùng lại bỏ đi yêu cầu công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình tham gia góp ý này, chúng tôi thấy là dự thảo lúc bắt đầu đưa vào Quốc hội để thẩm tra, thì nó lại rất tiến bộ, có rất nhiều kiến nghị góp ý của các cơ quan, tổ chức, được tiếp thu, tích hợp vào các bản thảo lần thứ hai, lần thứ ba, nhưng rồi sau, nó cứ yếu dần đi. Ví dụ như là một lần chúng tôi có kiến nghị về quản lý "chất lượng không khí liên vùng" thì cần phải quy định như thế nào. Dự thảo thứ hai, thứ ba đã có tiếp thu, nhưng đã bị loại ra trong các dự thảo sau đó.
Theo lịch ngày 11/11 Quốc hội thông qua, nhưng do có rất nhiều thư kiến nghị, không chỉ mình chúng tôi, có cả các doanh nghiệp, các nhà khoa học, Quốc hội quyết định lùi lại một tuần để chỉnh sửa. Có thể tưởng tượng được là, đến ngày 12/11, có một bản cập nhập trên cổng thông tin điện tử (của Quốc hội), nhưng khi so sánh bản này, chúng tôi không biết đây là bản cập nhật hay bản đã có từ lâu. Nhiều chuyên gia bảo là bản cũ hơn so với bản đã thảo luận tại Quốc hội vừa rồi. Nếu như vậy, thì bản thân mình cảm thấy như thế thì coi thường cử tri quá. Sau đó lại có nhiều bản khác nữa. Ngày 17 thông qua, thì đến tối ngày 16 mới cập nhật lên cổng thông tin điện tử bản cuối cùng. Như vậy, có bao nhiêu người (trong đó có các đại biểu Quốc hội) sẽ đọc được bản thảo ấy. Nói chung là khi theo dõi cái này mới thấy là quá trình làm luật cũng đặt ra rất nhiều vấn đề, cần phải quan tâm để cải tiến về chất lượng".
Mang danh bảo vệ môi trường, nhưng chủ yếu là bảo vệ chủ đầu tư
Môi trường Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng trở nên vấn đề nóng bỏng : thảm họa ô nhiễm biển miền Trung do nhà máy thép Formosa năm 2016, tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, hàng loạt vụ sát lở núi, lũ gia tăng một phần do nguyên nhân phá rừng, xây dựng nhà máy thủy điện, chưa kể tình trạng ô nhiễm đủ loại, trong đó có ô nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… Bộ luật Bảo vệ Môi trường được kỳ vọng sẽ mang lại các giải pháp cho phép bước đầu kịp thời ngăn chặn tình trạng môi trường suy thoái trầm trọng hơn, tác động trước hết đến sức khỏe và sinh mạng con người.
Bộ luật Bảo vệ Môi trường, được thảo luận từ gần một năm nay, trước khi Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 17/11/2020, đã không đáp ứng được mong đợi của đông đảo giới khoa học về môi trường, giới bảo vệ môi sinh. Một trong những điểm chủ yếu được nhiều nhà khoa học, hoạt động môi trường nhấn mạnh là bộ luật nói trên đã nghiêng hẳn về phía ưu đãi chủ đầu tư, dành cho chủ đầu tư quyền điều tra tác động môi trường, đặt ra nhiều rào cản, ngăn chặn việc minh bạch hóa các thông tin đánh giá tác động môi trường trong các dự thảo luật. Việc bộ Tài nguyên và môi trường một mình chủ trì soạn thảo bộ luật, ngành Y tế gần như không có vai trò cũng là điều bị nhiều người phê phán. Tình hình càng trở nên đáng lo ngại hơn vào lúc Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định thương mại lớn của Châu Á RCEP, một hiệp định được giới chuyên gia đánh giá là rất ít chú trọng đến các tiêu chuẩn môi trường.
Đứng trước tình trạng bộ luật Bảo vệ môi trường gây thất vọng lớn, nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường hướng đến mục tiêu gây áp lực để chính phủ ra nghị định, với những điều khoản cụ thể điều chỉnh lại các "bất cập" của luật này. Ngược lại, theo nhiều chuyên gia, một bộ luật chất lượng kém như vậy cần phải mau chóng được sửa đổi, để bảo vệ các quyền của mỗi người được sống trong môi trường trong lành, được ghi trong Hiến pháp. Cũng có nhiều người muốn hướng đến các bộ luật mới về môi trường mang tính chuyên sâu hơn cho từng lĩnh vực, như luật riêng về môi trường không khí, để đáp ứng được các thách thức khẩn cấp hiện nay.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn thạc sĩ Phạm Thị Hương Giang, tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, bà Ngụy Thị Khanh và tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn đã dành thời gian cho chương trình.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 25/11/2020