Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2021

Sự thay đổi và thách thức đối với bộ máy quyền lực mới

Phạm Quý Thọ

Ban Chấp hành trung ương Đảng mới – Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng được quyết định tại Đại hội 13 trên cơ sở phương án nhân sự đề xuất bởi sự đồng thuận của tập thể Ban chấp hành trung ương khóa 12. Bộ máy quyền lực mới sẽ quản lý và điều hành chính sách phát triển ảnh hưởng tới cuộc sống của toàn dân, bởi vậy nó thu hút sự quan tâm của các nhà quan sát chính trị. Vai trò của "tứ trụ", Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch quốc hội, có vai trò quyết định trong cơ chế quyền lực tập trung. Việc lộ diện những cá nhân cụ thể phản ánh sự thay đổi tương quan trong chuyển giao quyền lực giữa hai nhiệm kỳ theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và vai trò Tổng bí thư.

daihoi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - Reuters

Bài viết phân tích cơ cấu và đặc điểm của bộ máy quyền lực mới và sự thay đổi "tứ trụ", tập trung vào hai vị trí Tổng bí thư và Tân Thủ tướng, nhằm chỉ ra triển vọng và những thách thức trong bối cảnh khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19 nghiêm trọng và lan rộng.

Bộ máy quyền lực mới

Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng bao gồm 200 Ủy viên trung ương với 180 chính thức và 20 dự khuyết. Phân tích sự sắp xếp vị trí quyền lực cụ thể của từng ủy viên trung ương cho thấy những đặc điểm chủ yếu sau đây :

Một là, tỷ lệ lãnh đạo chung chuyên trách đảng, quân đội, công an chiếm ưu thế trong Ban chấp hành trung ương nói chung, Bộ Chính trị và Ban Bí thư nói riêng ;

Hai là, tỷ lệ các lãnh đạo "kỹ trị", cần thiết với kinh tế thị trường, thay đổi mạnh mẽ về ê kíp đứng đầu gồm Thủ tướng và các Phó thủ tướng Chính phủ và giảm đi về số lượng trong Bộ Chính trị so với nhiệm kỳ trước. Những động thái luân chuyển cán bộ có khuynh hướng "kỹ trị" sang giữ các chức vụ chuyên trách đảng vẫn đang tiếp tục, kiểu như Bộ trưởng Bộ Công thương mới nhận quyết định phân công làm Trưởng ban Kinh tế trung ương ;

Ba là, mười "trường hợp đặc biệt" đã phá vỡ giới hạn về tuổi và nhiệm kỳ quy định trong Điều lệ Đảng đối với chức vụ Tổng bí thư phản ánh sự tương quan đối trọng quyền lực giữa "tập thể lãnh đạo" và vai trò Tổng bí thư.

Kết quả này phản ánh quá trình sàng lọc cán bộ theo chủ trương chỉnh đốn đảng, trong đó nổi bật dấu ấn của cao của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt nhiệm kỳ khóa 12. Quá trình này được thúc đẩy bởi chiến dịch chống tham nhũng "không vùng cấm" để tập trung quyền lực đảng và được "tăng tốc" vào năm 2018, khi triển khai tổ chức đại hội đảng các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, thành và tương đương, từ đó xác định số lượng và cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội đảng toàn quốc 13. Trong mỗi đại hội cấp trực thuộc trung ương đều có sự chỉ đạo của ít nhất một Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.

Tuy nhiên, sự chuyển giao quyền lực, trong đó có "tứ trụ", tiếp tục căng thẳng cho đến "phút chót". Phương án nhân sự cao cấp và "các trường hợp đặc biệt", trong đó có vị trí Tổng bí thư chỉ được đồng tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương 15 khóa 12 trước thềm Đại hội 13.

Cương vị Tổng bí thư

Phải thừa nhận rằng trong chế độ đảng toàn trị người đứng đầu là vấn đề thực sự được quan tâm, vì đây là cương vị có quyền lực gần như tuyệt đối mặc dù "tập thể lãnh đạo" vẫn là nguyên tắc. Mặc dù ông ta có vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhưng việc duy trì quyền lực hay không chỉ bởi phẩm chất và năng lực cá nhân, mà còn phụ thuộc vào hệ thống chính trị và sự tương quan quyền lực trong bối cảnh không lường trước được. Vấn đề "minh vương" luôn được đặt ra đối với chế độ tập quyền, nhưng "một bộ phận không nhỏ" quan chức "suy thoái" đặt ra thách thức to lớn nhất về chuyển giao quyền lực, trong đó có việc lựa chọn kế vị Tổng bí thư đảng.

Từ sau Đổi mới năm 1986 Việt Nam luôn đối diện với vấn đề chính thể này. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người được cho là khởi xướng chính sách cải cách, được bầu tại Đại hội 6 (1986-1991). Cố Tổng bí thư Đỗ Mười, trước đó ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng), được bầu tại Đại hội 7. Ông tiếp tục kéo dài 1 năm của nhiệm kỳ khóa 8 (1996-2001), sau đó chuyển giao cho cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, trước đó ông từng giữ chức Chủ nhiệm chính trị, trung tướng quân đội. Hai khóa tiếp theo 9 và 10, ông Nông Đức Mạnh giữ chức Tổng bí thư trong 10 năm (2001-2011). Trước đó, ông từng làm Chủ tịch quốc hội khóa 10. Tiếp đến, như đã biết, ông Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng bí thư khóa 13, trước đó ông cũng từng là Chủ tịch quốc hội 10 năm trong hai khóa 11 và 12 (2002-2011), sau đó nắm giữ cương vị Tổng bí thư liên tục hai nhiệm kỳ 5 năm (2011-2021).

Quá trình chuyển giao quyền lực này cho thấy rằng một vị trí trong "tứ trụ"còn đủ giới hạn tuổi và nhiệm kỳ luôn là ứng viên chắc chắn hơn cho chức Tổng bí thư và, gần đây có ưu thế rõ rệt là Chủ tịch quốc hội. Đây là là vị trí được cho là có thể "dễ" cân bằng các lợi ích "phe cánh" quyền lực và có khả năng nhận được sự đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Tuy nhiên, khủng hoảng thể chế trong nhiệm kỳ 11 và 12 đã phá vỡ "quy ước" trên và, "các trường hợp đặc biệt" như là hậu quả nặng nề khó tránh khỏi. Liệu thông tin rò rỉ về việc nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa 12, mặc dù được giới thiệu, nhưng không nhận được đồng thuận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương có thể được xác tín theo lôgic này và qua sự "bộc bạch" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng "mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Đại hội bầu thì phải chấp hành…". Trước mắt là sự chuẩn bị người kế vị trong hay sau nhiệm kỳ 13 vẫn là câu hỏi mở cho sự đồn đoán về vị trí Chủ tịch quốc hội khóa 15 tới đây liệu có là "tiền lệ" duy nhất khi hội tụ các "ngầm định" : người Bắc, có lý luận, kinh nghiệm lãnh đạo… ?

Tân Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ, theo một số người, có thể không thực sự đáng quan tâm vì đây là vị trí không có thực quyền. Về nguyên tắc chức thủ tướng có ảnh hưởng hạn chế khi đề ra khung chính sách chung, nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Đảng nhận định rằng sự bất ổn thể chế của nhiệm kỳ trước là do "một bộ phận không nhỏ" quan chức suy thoái và tham nhũng nghiêm trọng. Nguyên Thủ tướng Chính phủ khóa 11 đã nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu về những sai lầm trong điều hành nền kinh tế.

Nguyên nhân khách quan chính là sự cải cách thể chế chính trị chậm chạp để phù hợp với chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là "tự chuyển hoá", "tự diễn biến" của quan chức lại được Đảng coi là chủ yếu, bởi vậy "sự cảnh giác" thường xuyên của Tổng bí thư đối với bộ phận quan chức điều hành kinh tế, "có quyền và gần tiền" đến mức đã trở thành định kiến.

daihoi2

Ông Hoàng Minh Chính, người được dự đoán sẽ giữ vị trí Thủ tướng. Reuters

Phần lớn các thủ tướng trong thời kỳ Đổi mới, từ ông Võ Văn Kiệt đến ông Nguyễn Xuân Phúc, từng kinh qua chức phó thủ tướng, nhưng nay đã thay đổi "bước ngoặt". Theo tin rò rỉ, ông Phạm Minh Chính được "phân công" giữ chức Tân Thủ tướng nhiệm kỳ 13 và việc chính thức hóa còn chờ quyết định của Quốc hội khóa 15, dự kiến nhóm họp vào giữa năm 2021 sau cuộc bầu cử sắp diễn ra. Cũng theo nguồn tin trên, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một trong hai "trường hợp đặc biệt" của Bộ Chính trị, vẫn ở lại "tứ trụ" làm Chủ tịch nước - một cương vị mang tính tượng trưng hơn thực quyền.

Theo tiểu sử cá nhân, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở Rumani, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Việc ông được quy hoạch làm Thủ tướng Chính phủ khóa 13 rất quan trọng đối với Đảng, không chỉ vì tính quyết đoán, năng lực và kinh nghiệm điều hành, trong đó có đề án Đặc khu hành chính kinh tế và dân chủ cơ sở, mà còn vì tính biểu tượng của chính phương án quy hoạch của Đảng.

Một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc nên chăng tiếp tục giữ chức Thủ tướng vì sáng kiến Chính phủ kiến tạo và "sự năng nổ" cá nhân thực thi chính sách thực dụng đã dẫn tới thành công về tăng trưởng kinh tế và chống dịch trong bổi cảnh thế giới khủng hoảng do đại dịch Covid-19…. Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân không những không được đánh giá cao, mà còn có thể gây ra hiệu ứng ngược đối với chủ nghĩa tập thể vốn là nền tảng của chế độ. Bất kỳ ai trở thành thủ tướng tiếp theo cũng đều buộc phải tuân theo nguyên tắc này. Bởi vậy, tân chính sách có thể được chờ đợi, nhưng nó phải là sản phẩm của sự lãnh đạo tập thể.

Những "ồn ào" trong chuyển giao quyền lực nói chung và của "tứ trụ" nói riêng cũng đã tạm thời lắng xuống sau Đại hội 13. Trạng thái cân bằng tương đối cũng dần được xác lập bởi cơ chế đối trọng đặc thù giữa "tập thể lãnh đạo" và vai trò Tổng bí thư, mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng đã quyết định cơ cấu bộ máy quyền lực tập trung hiện nay. Và thử thách lớn nhất là đường hướng và chính sách cải cách sẽ tiếp tục như thế nào để chống tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và hạn chế bất công xã hội để duy trì tính chính danh của đảng và chế độ trong bối cảnh bất định bởi khủng khoảng kinh tế thế giới gây nên bởi đại dịch Covid-19.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 08/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)