Câu nói còn nguyên…
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 07/04/2021
"Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác"
(Lỗ Tấn).
Mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác
Ông Thiệu (1923 – 2001) không chết, vì người xứ Việt vẫn còn câu cửa miệng : "thì ông Thiệu đã nói rồi mà…".
***
"Thủ tướng vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) của Công ty CP Tập đoàn FLC. Trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án" – bài báo trên tờ VietnamNet hôm 5/4/2021, viết.
Theo phê duyệt, dự án sân golf Đak Đoa được thực hiện tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Mục tiêu đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế. Dự án có quy mô 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Dự án sân golf Đak Đoa có tổng mức đầu tư 1.142 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 172,912 tỷ đồng (chiếm 15,12% tổng mức đầu tư), vốn vay 969,163 tỷ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư. Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến quý IV/2024 khai thác đi vào sử dụng.
Theo phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam – ông Phạm Thành Trí cho hay thì thời gian gần đây, ước tính cứ 2 tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. Sắp tới, dự kiến mỗi năm Việt Nam có thể có thêm 50 – 100 sân golf.
Tuy nhiên xem ra đầy khó hiểu khi hôm 3/4/2021, báo Thanh Niên đưa tin : "Trong Chỉ thị về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT phải xử lý dự án đầu tư du lịch phá vỡ môi trường, cảnh quan".
Trước đó, cuối tháng 7-2019, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hôm 5/4/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch nước) có nói rằng : Với định hướng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng thì chất lượng môi trường chính là tài nguyên vô giá, do đó, trong quá trình hoạch định, đầu tư phát triển Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng, tuyệt đối cần bảo đảm chất lượng môi trường từ chất lượng nguồn nước cho tới đất đai và không khí phải thực sự tinh khiết và trong sạch. Kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn...
Vào cuối tháng 9 năm ngoái, báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh có đăng bài viết trong đó dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc, "Không được phá rừng tự nhiên để trồng cà phê".
Trước đó nữa, trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng các tỉnh Tây nguyên 2017, ngày 11-3 Ban Chỉ đạo Tây nguyên phối hợp cùng các tỉnh Tây nguyên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây nguyên.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật như sau : "Cách đây gần một năm, cũng tại Đắk Lắk tôi đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. Hôm nay, tôi tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ.
Bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ an ninh của vùng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương này mà là an ninh của toàn Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và cả nước. Tất nhiên, ai phá rừng tự nhiên thì người đó vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm mọi tổ chức cá nhân vi phạm.
Chúng ta phải nhận thức được rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sinh kế của người dân và không gian di sản của cha ông. Do vậy, mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác" – Thủ tướng nói".
Giờ thì ông Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển sang làm Chủ tịch nước. Không biết tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp tới đây có ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ nữa không ? Mong rằng với tháng tư của sau 46 năm, lời ông Thiệu bắt đầu… không còn trúng nữa (!?)
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 07/04/2021
***************************
Thiên hạ luận : Điếm lác…
Lynn Huỳnh, VNTB, 06/04/2021
Cái gì thuộc về công cộng, ai cũng xài vô tư ; hành vi tham lam sử dụng của công và dối trá (điếm lác) đều có thể gọi là "điếm". Điếm là chuyện thường trong văn hóa Việt, trong xã hội Việt… là vậy.
Điều 4 của Luật đất đai 2013 : "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này".
‘Ông toàn dân’ là ông nào ? Đó là một đối tượng mông lung, chung chung, không phải là một đối tượng cụ thể. ‘Ông toàn dân’ không thể tham gia mua bán quyền sở hữu của mình. Rồi nhà nước lại là đại diện để sử dụng quyền chủ sở hữu. Nhà nước, chỉ hưởng, chỉ có quyền mà không chịu trách nhiệm. Đó là sự vô trách nhiệm của nhà nước, hành vi khôn lỏi mà dân gian gọi là điếm.
Vì là lũ điếm, nên chúng thoải mái chia chác với nhau.
Một dẫn chứng khác về chuyện ‘điếm’.
Ông bố Trương Tấn Minh ở Sài Gòn đã rút dòng chia sẻ trên tài khoản facebook cá nhân của ông về tâm sự của người cha đơn thân bán hàng rong nuôi 4 đứa con thơ. Trường hợp của Trương Tấn Minh, nếu có thêm vài triệu mỗi tháng, Minh bảo cha con ông sống đỡ ngột ngạt hơn, bữa cơm có thêm miếng thịt, miếng cá !
Người như Minh ở đất nước này vẫn còn nhiều, dù chúng ta vẫn tự sướng với nhau nằm trong ‘Top’ hạnh phúc nào đó của thế giới.
"Nghe câu chuyện của 5 cha con Minh, tôi lại ứa gan khi đọc những dòng tin về vụ án Khu đất số 1 Trần Hưng Đạo ở Nha Trang vốn là trường cán bộ cũ của Khánh Hòa. Khu đất vàng 7.000 m2 đất này được giao cho Công ty Thanh Yến thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu theo hợp đồng BT xây trường cán bộ mới, đổi đất chỉ khoảng 123 tỉ đồng, trên thực tế chỉ quyết toán 114,8 tỉ đồng. Có nghĩa là mỗi m2 đất cùng thời điểm giá hơn trăm triệu đã vào tay Thanh Yến chưa đến 20 triệu ! ?
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng không hiểu sao những người kế nhiệm mình lại giao đất không qua đấu giá. Nếu đấu giá thì lô đất số 1 Trần Hưng Đạo này có thể đổi được 3 trường chính trị ở ngoại ô chứ không phải thiếu cả tiền dù chỉ xây ký túc xá như thế !" – một nhà báo nhận xét, và nói rằng đây là hệ lụy của những gã điếm chính trị.
Số tiền ấy cuối cùng không đủ để xây trường cán bộ mới cho tỉnh đã đành, nhưng đau hơn là ngân sách thất thoát trong vụ này không dưới 1000 tỷ đồng !?
"Số tiền đủ để cho hàng vạn đứa trẻ bữa có, bữa không, có thể biết mặt mũi miếng thịt, ca thế nào trong tất cả bát cơm. Số tiền dư dả cho cả trăm ngàn trường hợp như 5 cha con Minh không phải nơm nớp chia lìa nhau vì không biết lấy gì bỏ miệng. Số tiền ấy rơi vào ai, phè phỡn cho cuộc sống của bọn nào chẳng cần nói ra thì ai cũng quá hiểu. Đáng tiếc thay ở Nha Trang, đó không phải là trường hợp duy nhất và nhiều nơi trên đất nước này cũng vậy.
Lò mở hơn 5 năm nay nhưng chưa thể đốt sạch vì thật ra cơ chế để cho không còn những gã điếm chính trị, hay hàng ngàn tỷ bốc hơi dễ như bỡn, bất chấp tất cả như thế vẫn chưa hoàn chỉnh. Bởi một khi đất đai vẫn "sở hữu toàn dân", nhưng lại do "toàn quan" định đoạt như thế, thì các nhóm lợi ích kiếm ngàn tỷ này, tỷ đô kia chẳng có gì lạ !
Trừng trị, ngăn ngừa chúng đã đành, tiếp tục đốn củi và đốt lò vẫn phải tiếp diễn nhưng làm thế nào để dân không còn khổ, kiếm miếng ăn không còn khó và nhất là không đến nỗi khốn cùng như 5 cha con Minh, hay bà cháu nước lã chan cơm ở Đăk Nông mới là điều mà rất nhiều người mong mỏi…" – nhà báo kể trên, chua chát bàn về những gã điếm trong thể chế cũng điếm không kém.
Hai bản tin sau đây sẽ minh họa thêm cho chuyện điếm là gì ?
Báo Thanh Niên hôm 3/4/2021 có bài Thủ tướng : ‘Kiên quyết xử lý dự án đầu tư du lịch phá vỡ môi trường, cảnh quan’.
Báo Vietnam Finance ngày 2/4/2021 có bài Thủ tướng cho phép chuyển mục đích 156ha đất rừng để FLC làm sân golf ở Gia Lai.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 06/04/2021