Vì sao trong nhà Trương Châu Hữu Danh có tài liệu mật trong vụ án Hồ Duy Hải ?
Hôm 19/5, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin rằng Trương Châu Hữu Danh lưu giữ nhiều tài liệu đóng dấu ‘Mật’ và ‘Tối Mật’, đặc biệt, khi khám xét nhà của bị can Danh, công an phát hiện thu giữ 4 tài liệu liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trong đó có 3 tài liệu đóng dấu "Mật" và 1 tài liệu đóng dấu "Tối Mật"…
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh là người tiết lộ rất nhiều nội dung sai trái trong hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải. Trong ảnh do Trương Châu Hữu Danh đưa ra là thực nghiệm điều tra Hồ Duy Hải lục ngăn bàn, tuy nhiên kết luận điều tra cho thấy Hồ Duy Hải không hề có dấu vân tay tại hiện trường
Một câu hỏi được đặt ra : Tại sao vụ án Hồ Duy Hải, lại có tới 4 văn bản dạng mật và tối mật ?
Theo qui định tại Điều 8, luật Bảo vệ bí mật nhà nước :
– Bí mật nhà nước độ Mật hoặc Tối mật là bí mật nhà nước mà nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Từ đó phát sinh câu hỏi thứ hai : Tại sao vụ án Hồ Duy Hải chỉ là một vụ án giết người như biết bao nhiêu vụ án mạng khác (giết người) nhưng nó lại có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc ?
Trên Facebook cá nhân, Luật sư Trần Thu Nam đưa ra bình luận :
"Trong vụ án hình sự không liên quan đến an ninh quốc gia thì ko thể có tài liệu mật hoặc tuyệt mật. Khi đưa ra xét xử thì mọi tài liệu phải được giải mật, nếu ko nằm trong hồ sơ vụ án thì ko thể coi tài liệu đó là căn cứ pháp lý để kết tội bị cáo. Phải chăng, trong vụ án Hồ Duy Hải có những tài liệu "mật" và "tuyệt mật" ko nằm trong hồ sơ vụ án ?"
"Cơ quan An ninh điều tra phát hiện và thu giữ 9 văn bản có đóng dấu "Mật", 1 văn bản đóng dấu "Tối Mật" và 1 văn bản không đóng dấu "Mật" nhưng có nội dung ghi là "Tài liệu Mật". Khi khám xét nhà của bị can Danh, công an phát hiện thu giữ 4 tài liệu liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trong đó có 3 tài liệu đóng dấu "Mật" và 1 tài liệu đóng dấu "Tối Mật"…" – báo Người Lao động hôm 19-5, đưa nội dung thông tin về những tài liệu mật.
"Phải chăng, cái "mật" này là gì nếu không phải là sự thật được loại ra khỏi hồ sơ để cố tình kết tội oan cho Hồ Duy Hải.
Trương Châu Hữu Danh có được tài liệu "Mật" và "Tối mật", chứng tỏ những thông tin về vụ án Hồ Duy Hải mà nhóm của Danh đưa ra trên Báo Sạch là hoàn toàn chính xác, phản ánh đúng sự thật về vụ án Hồ Duy Hải. Bắt giam và truy tố nhóm của Trương Châu Hữu Danh là bịt đầu mối để xóa sự thật mà nhóm của Danh đang có về vụ án Hồ Duy Hải, kiểu giết người diệt khẩu". – Facebook Chu Hồng Quý đưa ra nhận xét.
"Họ đã lạm dụng chữ mật để tháo túng quyền lực ,che mắt nhân dân" – Facebook Đào Trọng Hùng nêu bình luận.
FB Nguyễn Văn Tuyển viết rằng : "Tài liệu mật tối mật trong vụ án thời này có phải giống kim bài hay thánh chỉ của hoàng đế ngày xưa để thay đổi quyết định của tội danh".
"Không những mình và có rất nhiều người đã theo dõi Trương Châu Hữu Danh cũng từ vụ Hồ Duy Hải và rất thích sự phân tích của Danh cùng Luật sư Trần Hồng Phong về những bút lục khuất tất đã rút ra trong hồ sơ của Hồ Duy Hải. Sau này là thám tử Cao cùng những sự phân tích rất logic gần như có đáp án.
Vậy mà từ ngày Danh bị bắt. Mọi chuyện về Hồ Duy Hải im ắng. Mọi người ít bàn hơn. Chỉ có nhà báo Nguyễn Đức hay nói về Hồ Duy Hải.
Còn việc Danh có nhận tiền từ những doanh nghiệp hay không thì chỉ chờ kết quả thanh tra.
Danh bị bắt cũng là 1 nỗi buồn cho gia đình Hồ Duy Hải" - FB Tân Lộc đưa ra nhận xét.
Kết luận điều tra : Trương Châu Hữu Danh bị quy kết đã "xúc phạm nhân phẩm của lãnh đạo Đảng".
Báo chí nhà nước hôm 18/5/2021 dẫn Kết luận điều tra của Công an Cần Thơ quy kết Trương Châu Hữu Danh và các thành viên Báo Sạch là đã "vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo Đảng, nhà nước…" thông qua các bài viết.
Báo Người Lao Động cho hay, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thành phố Cần Thơ đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 4 nhà báo gồm : ông Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã cùng cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".
Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ giám định 31 bài viết và 29 video clip đăng công khai trên Facebook Trương Châu Hữu Danh theo yêu cầu của an ninh điều tra qua đó quy kết là "có vi phạm Luật An ninh mạng và vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP".
Theo đó, các nội dung trong nhiều bài viết bị cho là "nhằm tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu tổ chức Đảng và nhà nước ; vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội khác ; phát tán thông tin gây hoang mang trong dư luận ; vận động, xúi giục, lôi kéo người khác phạm tội, tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ…"
Kết luận điều tra cũng cho rằng ông Danh đã thừa nhận 31 bài viết liên quan đến Cần Thơ nêu trên là sai sự thật.
Truyền thông cũng không được phép tiếp cận bốn người là bị can trong vụ án, cũng như là họ chưa được gặp luật sư kể từ thời điểm bị bắt giữ cho đến khi kết thúc điều tra.
Ngoài ra, 47 bài viết trên Fanpage "Báo Sạch" và kênh Youtube "BS Chanel" của các ông đều bị cho là "vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và đều "vi phạm Luật Viễn thông và Luật An ninh mạng".
Ông Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch đều là những người lên tiếng mạnh mẽ trong các sự kiện của xã hội như vụ 3000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình lúc nửa đêm, hay vụ án oan của Hồ Duy Hải…
Vụ bắt giữ bốn nhà báo hôm 20/4/2021 nối dài chuỗi bắt bớ trước thềm bầu cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào tháng 5 năm nay đã bị các tổ chức quốc tế như Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ), Phóng viên không biên giới (RSF), Ân xá Quốc tế (Amesty International), Theo Dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lên tiếng chỉ trích.
Hoa Kỳ cho rằng, việc bắt giữ bốn nhà báo nằm trong xu thế đáng lo ngại của Việt Nam, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ một cách bất công, đồng thời hãy cho phép tất cả mọi công dân được bày tỏ quan điểm một cách tự do và không sợ bị trả thù.
Đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh và Báo Sạch : "Món quà dân chủ" cho cuộc bầu cử
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh tại khu vực cẩu giam xe của lực lượng Công an dân phòng trong chiến dịch của nhóm tài xế chống BOT bẩn An Sương hôm 21/1/2019
Không phải vô tình, chỉ còn gần một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân, cơ quan điều tra đã ra kết luận điều tra đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ… Hàng trăm tờ báo đồng loạt đưa kết luận điều tra một chiều như là một bản án chính thức mà không có một lời phản biện. Không tờ báo nào thông tin về việc có hay không có luật sư bào chữa cho các bị can.
Theo lý thuyết ở một xã hội dân chủ, tiến bộ, thì ngày bầu cử là một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trọng đại, một ngày vui, ngày hội dân chủ của đất nước.
Răn đe trước ngày bầu cử ?
Đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho cuộc bầu cử này. Ứng cử viên được đảng chọn lựa cẩn thận theo tiêu chuẩn của đảng, thẻ cử tri, lý lịch ứng cử viên được in phát đến từng hộ dân.
Hàng tháng qua hệ thống tuyên truyền từ báo chí mạng xã hội đến loa phường ồn ào rầm rĩ hàng ngày, ra rả tuyên truyền bầu cử.
Ấy vậy mà còn chưa đến 1 tuần trước ngày lễ ấy, thông tin đề nghị truy tố Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch bùng lên như ngọn lửa lan tràn trên khắp hệ thống báo chí truyền thông, bất giác làm người đọc hoang mang lo lắng. Chừng như trước ngày vui lại có chuyện buồn.
Những bị can là những nhà báo ít nhiều được công chúng quan tâm và "hành vi phạm tội" của họ vốn không xa lạ gì với công chúng.
Chuyện BOT bẩn, chuyện giải tỏa đất đai, chuyện tiêu cực ở bệnh viện trường học là những điều nhan nhản hàng ngày, ai cũng đọc, ai cũng thấy.
Việc đề nghị truy tố họ trong thời điểm này như có gì đó làm không khí xã hội trước bầu cử trở nên nặng nề.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh tham gia loạt bài về quần thể nhà gỗ tại Khu sinh thái Không Gian Xưa của trung úy Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk Trần Thị Thúy Hằng con gái Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi giám đốc công an tỉnh Đắc lắc được dân chơi gỗ định giá cả ngàn tỷ đồng với quần thể kiến trúc hoành tráng cũng như những món đồ gỗ siêu sang…
Phải chăng có sự tình cờ ngẫu nhiên ! Do thúc ép của luật lệ về thời hạn của tiến trình tố tụng ?
Tòa chưa tuyên nhưng án đã hoàn thành
Một nguyên tắc phổ quát trên toàn thế giới là khi án chưa tuyên thì chưa bị xem là có tội.
Nhưng trên khắp các mặt báo lề phải ngày 18-5 thông tin một chiều về kết luận điều tra như là tội phạm đã hoàn thành, không hề có ý kiến phản biện chủ quan hay khách quan nào.
Điều đáng lo ngại ở đây là qua kết luận điều tra những cáo buộc phạm tội đối với Trương Châu Hữu Danh và các thành viên Báo Sạch chủ yếu và dựa trên lời khai nhận tội và nhận định của cơ quan điều tra.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, nội dung chủ yếu của các thông tin trên "Làm Báo Sạch" và "Báo Sạch" đều thể hiện hoặc mang danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, nhưng thực chất lại là tiêu cực.
Thiếu tiếng nói, sự tham gia của luật sư, của các hội đoàn độc lập, khách quan phản biện đánh giá chứng cứ của tội phạm là điều hết sức quan ngại.
Việc nêu sự kiện xã hội, quan điểm cá nhân lên mạng xã hội là quyền ngôn luận phổ quát của cá nhân. Nếu quyền này bị xem là tội phạm thì nền dân chủ của xã hội bị bức tử ngay khi mới hoài thai.
Theo thông tin báo chí và cũng theo thông lệ Việt Nam, với tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" cáo buộc của Công An cũng chính là bản án. Kết luận điều tra vụ án được đưa ra ngay "đêm trước" cuộc bầu cử phải chăng là thông điệp cho nền dân chủ trong nhiệm kỳ mới ?
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/05/2021