Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/07/2021

Chống dịch phải có thứ tự : Đảng trước, dân sau và... đám kên kên chỉ điểm

Nhiều tác giả

Ưu tiên số 1 là bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu bởi dịch Covid-19

Hải Hà, Thanh Tra, 19/07/2021

Nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiến số 1 của Hà Nội thời điểm này là phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu về dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, những nơi nào an toàn thì vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sản xuất, chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch.

uutien1

Thủ tướng Phạm Minh Chính : Ưu tiên số 1 là bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu bởi dịch Covid-19. Ảnh : Viết Thành

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Đứng trước thách thức về quá tải hạ tầng giao thông

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bước đầu, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".

Dẫn chứng về số liệu và tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,91%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 5,64%. Trên 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 53,3% dự toán Trung ương giao, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Tiến Dũng, Thành phố đang đứng trước những thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng; hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển cũng như vị thế là trung tâm liên kết vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ…

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kiến nghị đề xuất Chính phủ, cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016) để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch Thành phố cũng mong muốn, Chính phủ hỗ trợ Thành phố Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng.

Thành phố kiến nghị về cơ cấu vốn thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng vành đai 4; cho phép thực hiện ngay công tác lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư dự án, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).

Thảo luận tại buổi làm việc, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã ủng hộ các đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hà Nội. Trong đó, các ý kiến khẳng định, cần thiết phải tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội trong một thời gian nhất định. "Làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho Thành phố phát triển bứt phá, trở thành cực tăng trưởng mạnh, kéo theo sự phát triển của vùng và cả nước…", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Các bộ trưởng cũng ghi nhận, đánh giá cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố Hà Nội trong thực hiện "mục tiêu kép", cũng như sự chủ động, tích cực của Hà Nội trong thúc đẩy triển khai dự án đầu tư xây dựng vành đai 4…

Hà Nội phải có kịch bản cao hơn về phòng, chống dịch

Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, sẵn sàng đồng hành với Hà Nội bất cứ lúc nào để giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, khó khăn, trước mắt là phòng chống Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù trong điều kiện rất khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực, thành tích rất cơ bản, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch đã có hiệu quả nhưng cần tích cực, quyết liệt, mạnh mẽ hơn, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi, không cho dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thủ đô.

Để khắc phục các vấn đề môi trường, tắc nghẽn giao thông, quá tải về hạ tầng đô thị, Thủ tướng yêu cầu, Hà Nội cần sớm có chiến lược được đầu tư bài bản, có chiều sâu, bền vững hơn.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Hà Nội ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay, quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu về dịch. Những nơi nào an toàn thì vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sản xuất cho tốt, chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch.

"Hà Nội phải có kịch bản cao hơn về phòng, chống Covid-19 để chủ động trước ; bảo vệ bằng được các khu công nghiệp trên địa bàn ; tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa ca tử vong ; bảo đảm các dòng cung ứng lương thực, thực phẩm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, yêu cầu quân đội phải vào cuộc để bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhu cầu tối thiểu của người dân. Công an phải kiểm soát chặt các điểm cách ly, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của người dân. Ngoài coi trọng phát triển văn hóa, Hà Nội phải làm thật tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực để phát triển; tiếp tục quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cá thể hóa trách nhiệm; tạo điều kiện cho từng cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm mọi nhiệm vụ, giải pháp được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả cao nhất.

Đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan liên quan phối hợp để khẩn trương hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

Đồng ý với các kiến nghị của Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguyên tắc là Chính phủ giao cho các bộ cùng Thành phố bàn thêm, trên cơ sở đó làm rõ nội dung gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải giải quyết ngay. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì các bộ cũng phải giải quyết ngay.

Hải Hà

Nguồn : Thanh Tra, 19/07/2021

**************************

Chống dịch vì Đảng !

Lâm Bình Duy Nhiên, Tiếng Dân, 19/07/2021

Những ngày này Sài Gòn đang bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Các tỉnh miền Tây cũng không thoát được tình trạng trên trong "cuộc chiến chống dịch" do chính quyền ban hành với Chỉ thị 16 (hay mức độ cao hơn 16+) nhiều tranh cãi.

uutien2

Cán bộ, công an, lực lượng dân phòng đang canh gác, kiểm tra và hoạnh họe người dân mỗi khi họ ra đường thực chất có khác gì một lũ lâu la được lệnh từ cấp trên.

Tranh cãi vì nó được ban hành, áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc và thậm chí vô nhân đạo. Chủ thể là người dân theo cách gọi của nhà nước trong việc phòng chống dịch nhưng thực tế thì chỉ có kỷ cương, kỷ luật áp đặt đối với nhân dân. Cuộc sống khó khăn hay các biện pháp hỗ trợ về tinh thần và kinh tế nhằm giúp họ vượt qua các khó khăn vẫn chỉ là những lời hứa, tuyên bố hùng hồn nhưng rỗng tếch của giới lãnh đạo.

Cán bộ, công an, lực lượng dân phòng đang canh gác, kiểm tra và hoạnh họe người dân mỗi khi họ ra đường thực chất có khác gì một lũ lâu la được lệnh từ cấp trên. Chắc gì họ đã hiểu được bệnh dịch nhưng vẫn hống hách bắt bẻ, nạt nộ và phạt tiền người dân khốn khổ. Chỉ trong vòng vài ngày, hơn 2.000 trường hợp vi phạm phòng chống dịch với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng!

Thiếu hiểu biết và máy móc nên mới có màn: bánh mì "không phải lương thực" và lên mặt dạy đời người dân.

Rào chắn nhằm phong tỏa một khu phố, một con đường, ngăn cản người dân đi ra cứ như thời chiến. Cách ly F0 thì giả vờ chụp ảnh cho đẹp, cho cảm động nhưng sau đó lại nhốt họ, bỏ mặc họ với nhau, những F0, như những con vật đang oằn mình đơn độc chống bệnh. Thiếu ăn, thiếu đói cũng không sao. Bằng mọi cách phải "dập tắt" các F! Trẻ nhỏ là F0 thì phải bị cách ly xa gia đình, không cần hiểu biết tâm lý gì cả.

Sài Gòn và miền Nam trù phú bấy lâu nay vẫn "cống nạp" cho Hà Nội giờ trở thành ổ dịch. Rau cỏ, lương thực giờ bỗng thiếu đến độ phải nhờ vào tinh thần trợ giúp của Hà Nội. Miền Bắc "xuất quân" đưa người vào giúp đỡ Sài Gòn, cảm động làm sao nhưng liệu có phải là những nước cờ tuyên truyền của báo chí, của chế độ?

Vơ vét của Sài Gòn để rồi bỏ mặc thành phố này với những lời hứa hão.

Đóng chợ, mở chợ, chống dịch, bỏ mặc dân tình đói khổ rồi lại chống đói. Một vòng lẩn quẩn với chống và chống.

Người lớn tuổi đến giờ vẫn chưa được tiêm chủng vaccine trong khi bọn con nít thân chính quyền thì đã được liều một, liều hai. Mà phải là vaccine Mỹ thì mới chịu.

Với "175 triệu liều vaccine sẽ có trong năm 2021 và đầu năm 2022", không biết chính quyền sẽ "ra giá" như thế nào để tiêm cho nhân dân. Hay lại là một cơ hội làm giàu khi có không ít lượng vaccine là hàng trao tặng hay viện trợ của quốc tế!

Nên chăng tập trung mua sắm hay nâng cấp các trang thiết bị y tế nhằm điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid khi mà điểm dịch có vẻ chưa qua ? Sao lại cứ tự hào, ngạo nghễ với Nano Covax, vaccine do Việt Nam chế tạo. Một cuộc "chạy đua" vô nghĩa với các tập đoàn dược phẩm khác. Rất nhiều quốc gia tiến bộ không sản xuất vaccine và việc phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân vẫn là mục đích hàng đầu và vẫn có hiệu quả đó thôi.

Chống dịch bằng khẩu hiệu là sức mạnh vô địch của nhà nước Việt Nam, như tiêu đề một bài báo trên tờ Tuổi trẻ!

"Huy động sức mạnh tổng lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống dịch trên phạm vi cả nước".

Giới lãnh đạo chống dịch với "tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân".

Bảo vệ "Đảng" trước, sau đó mới đến nhân dân…

Giữa "Đảng" và nhân dân lại là vài triệu đảng viên và bọn tư bản đỏ !

Lâm Bình Duy Nhiên

Nguồn : Tiếng Dân, 19/07/2021

************************

Bao nhiêu tiền đã được chi cho Bộ Công an để "chống dịch" ?

Bùi Công Trực, Luật Khoa, 19/07/2021

Công an vừa có quyền, lại vừa được chu cấp đầy đủ nguồn lực để thực hiện quyền lực đó.

uutien3

Công an căng dây phong tỏa một khu vực tại quận Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 7/2020. Ảnh : Tất Định/ VnExpress.

Trong bài viết "Dè chừng tham nhũng trong đại dịch " mà Luật Khoa đăng tải cách đây đúng một năm, người viết đã chỉ ra các khả năng tham nhũng hệ thống (về tiền lẫn về quyền) trong thời điểm "tranh tối tranh sáng". Từ quá trình đánh giá và định hướng cứu trợ cho đến việc gây quỹ và phân bổ ngân sách, nguy cơ tham nhũng cũng như các vấn đề chênh lệch cán cân quyền lực trở nên thực tế và dễ thấy hơn bao giờ hết.

Gần đây, những câu chuyện  về lực lượng công an chặn đường, lạm dụng quyền lực, thậm chí quay clip người dân để đăng lên mạng xã hội, v.v. cho thấy các lo ngại trước đó dần được hiện thực hóa.

Song đáng lo lắng hơn, các diễn ngôn ngợi ca sự hy sinh "trời biển" của các cán bộ, chiến sĩ công an thì chưa bao giờ chấm dứt.

Những lập luận kiểu như : "Khi bạn ngủ thì họ phải thức…", "Khi bạn chăn ấm nệm êm thì họ phải dầm mưa dãi nắng…", v.v. đều là những kiểu lập luận đánh tráo khái niệm.

Ở đại đa số các tỉnh thành bị cách ly, đông đảo người dân đang mất kế sinh nhai, trở nên kiệt quệ về mặt kinh tế. Việc ở nhà với họ lúc này là cực hình chứ không phải chăn ấm nệm êm. Trong khi đó, công an là những người vừa có quyền, lại vừa được chu cấp đầy đủ nguồn lực để thực hiện quyền lực đó.

***

Trong năm 2020, chính quyền Việt Nam chi hơn 21.000 tỷ đồng  từ ngân sách trung ương cho hoạt động phòng chống dịch cũng như hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Đó là chưa kể hàng chục nghìn tỷ khác  từ việc miễn giảm thuế, hỗ trợ sản xuất cũng như gia hạn thời gian nộp thuế.

Như vậy, có thể thấy các con số về hoạt động phòng, chống dịch là nằm ngoài các khoản chi ngân sách thông dụng như chi thường xuyên (thường liên quan đến lương thưởng, chiếm tỉ lệ lớn trong chi ngân sách), hay chi đầu tư phát triển. Nói cách khác, đây hoàn toàn là các khoản thu nhập tăng thêm nếu có dành cho cán bộ, nhân viên công vụ và các nhà chức trách tham gia vào hoạt động phòng, chống dịch.

Hẳn nhiên, con số 21.000 tỷ đồng không chỉ dành cho các lực lượng vũ trang. Nhưng số tiền chi cho họ là không hề nhỏ.

uutien4

Công an điều tiết giao thông tại một khu vực phong tỏa tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3/2020. Ảnh: Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một bản tin rời rạc trên trang điện tử của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, ví dụ, chúng ta biết rằng ngân sách trung ương chi hơn 2 tỷ đồng  để hỗ trợ bộ đội biên phòng tăng cường công tác phòng, chống dịch chỉ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, con số cụ thể là bao nhiêu thì vẫn còn rất mù mờ.

Đào sâu thêm một chút trong các báo cáo gần đây của Bộ Tài chính, chúng ta có thông cáo báo chí  được công bố vào ngày 16/7/2021. Thông cáo này cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh hơn chút ít.

Theo Bộ Tài chính lý giải, trong con số 21 nghìn tỷ, 13 nghìn tỷ đã được trao cho người dân gặp khó khăn trong dịch. Tám nghìn tỷ còn lại dành cho công tác phòng chống dịch, trong đó bao gồm mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch. Các khoản tiền dành cho các lực lượng vũ trang có thể được khoanh vùng lại trong phạm vi tám nghìn tỷ nói trên.

Hiển nhiên "màn che" chính sách và thông tin hiện nay vẫn không cho người viết tìm thấy một con số chính xác "thị phần" của Bộ Công an trong những con số nghìn tỷ. Tuy nhiên, có thể đoán một cách tự tin rằng chi phí dành cho lực lượng này không nhỏ.

Bằng chứng là trong Quyết định số 1164/QĐ-TTg  vừa được ký ngày 13/7/2021, thủ tướng Chính phủ vừa bổ sung thêm lên đến gần 400 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch của bộ này. Quyết định cũng ghi nhận khá chi tiết rằng 340 tỷ sẽ được dùng để chi trả phụ cấp chống dịch, khoảng 48 tỷ hỗ trợ tiền ăn, và 1,5 tỷ bao gồm chi phí tiêm vaccine.

Và con số này chỉ là dự phòng cho sáu tháng cuối năm 2021. Con số gộp thực tế có thể đã hơn nhiều ngàn tỷ.

***

Vậy việc chi trả được thực hiện ra sao ?

Câu hỏi này dẫn chúng ta đến Nghị quyết 16/NQ-CP  được ban hành vào ngày 8/2/2021. Theo Điều 2 của nghị quyết này, chế độ phụ cấp chống dịch được quy định theo ba mức chuẩn.

Chuẩn 300.000 đồng/người/ngày được dành cho nhóm đi giám sát, điều tra và xác minh dịch (bao gồm một lực lượng công an nhất định) cùng với những người trực tiếp tham gia vào hoạt động y tế có liên quan đến Covid-19 như người khám, chẩn đoán hay lấy mẫu, v.v.

Chuẩn 200.000 đồng/người/ngày dành cho nhóm công nhân viên chức tham gia vào các hoạt động y tế phụ trợ, và cũng là chuẩn phổ biến đối với các công an viên làm việc giám sát cách ly tại nhà hay cơ sở y tế.

Chuẩn 150.000 đồng/người/ngày dành cho người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly tập trung lẫn người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế ; cũng như người làm nhiệm vụ khoanh vùng, phong tỏa, tuần tra, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cách ly y tế tập trung, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn dân cư có người nhiễm Covid-19, v.v. Đây có thể nói là chuẩn phổ biến nhất dành cho các công an viên.

Bên cạnh đó, một số người còn được hưởng thêm chế độ thường trực chống dịch là 130.000/người/ngày ; kèm theo đó là tiền hỗ trợ ăn uống 80.000/người/ngày.

***

Tất cả những thông tin nói trên không phủ nhận đóng góp của lực lượng an ninh trong quá trình phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cân nhắc thứ quyền lực mà họ sở hữu, cộng với những khoản chi tiêu dồi dào, ổn định mà họ đang có trong mùa dịch, cùng hàng loạt các ưu đãi khác về chữa trị bệnh và tiêm chủng, giới công an chắc chắn không phải là nhóm yếu thế hay rơi vào bước đường cùng trong đại dịch.

Hơn nữa, trong thể chế của Việt Nam, quyền lực của họ không hề được giám sát. Đó rõ ràng là nguy cơ nảy sinh lạm quyền. Khi không có một thiết chế công đủ minh bạch để làm việc này, sự giám sát, kiểm tra, thậm chí là quyền được chỉ trích của mỗi người dân là cực kỳ quan trọng.

Bùi Công Trực

Nguồn : Luật Khoa, 19/07/2021

********************

Nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm

Thúy An, VNTB, 19/07/2021

Thực thi song song hai chỉ thị 10 và chỉ thị 16, nhiều hàng quán, xe ôm, vé số cũng như chợ tự phát phải ở Thành phố Hồ Chí Minh buộc tạm dừng đóng cửa. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho người mua hàng mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của những người mưu sinh bằng nghề buôn gánh bán bưng, lao động bình dân.

uutien6 (2)

Vô cảm với người nghèo là sự khốn nạn khi nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm, họ có khác gì bầy kên kên rỉa xác thú chết

Một thông tin được đăng trên tờ báo điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung nói về những người dân với hành động buôn bán "chui" bất chấp lệnh cấm ở Bình Thạnh.

Theo ghi nhận, bài báo được đăng ngày 16/7, tuy nhiên, hình ảnh được chú thích là ngày 14/7 và đã được xác nhận một điều rằng "Trước đó, ngày 14/7, PV báo… ghi nhận tình trạng buôn bán chui xuất hiện ở khu vực này…".

Xoay quanh phóng sự nói trên, một vài ý kiến cho rằng, nên "Chụp hình gửi "help 114" & phạt luôn cả người mua". Một số ý kiến khác thì phản đối bình luận đó.

"Chú đi canh rồi chụp đi chú ơi. Nhà chú giàu. Chú đâu biết cảnh người nghèo khổ đâu", một facebooker tên M. chia sẻ trên mạng xã hội.

Hay như một bình luận khác đến từ facebooker tên T. : "Buôn bán nhỏ lẻ cho dân nghèo mà căng vậy".

"Tạp hóa nhỏ thường bán vòng vòng trong xóm sẽ giúp người dân hạn chế di chuyển. Không hiểu tại sao cấm. Mấy ổng lúng túng mà quên việc chống dịch chủ yếu là hạn chế tụ tập di chuyển", một facebooker khác ý kiến về vấn đề này.

Thắc mắc về vấn đề tại sao buôn bán ở trước cửa nhà hay ngoài đường thì cấm, sẵn sàng ra quân để phạt, trong khi đó cảnh chen chúc, xếp hàng ở siêu thị thì lại được chính quyền chấp thuận, một facebooker tên H. chia sẻ "Bán như vậy thì cấm và phạt. Mà ra tất cả các siêu thị thì nối đuôi nhau mùa đồ thì được. Nhiều lúc bu đông như kiến tha mồi về tổ thì lại được. Trái ngược thật".

Một ý kiến khác : "Cá nhân mình cũng thắc mắc như nhiều người. Theo mình thấy, một số cửa hàng hoặc siêu thị cũng đã từng lâm vào tình trạng giăng dây vì có ca nhiễm đi mua sắm ở đây. Chính quyền biết không ? Mình nghĩ là biết. Vậy tại sao không để người dân buôn bán như bình thường đi. Người mua hàng sợ bệnh không ? Tất nhiên là phải sợ, ai lại muốn vào bệnh viện hay khu cách ly tập trung ? Họ sẽ biết cách mà phòng vệ, bảo vệ bản thân, đồng thời quy tắc 5K cũng phát huy trong những trường hợp này. Cho bán, người dân sẽ có thêm lựa chọn trong việc đi mua hàng. Chứ cứ khăng khăng không cho, dễ dẫn đến nghĩ lung tung lắm à nha".

Một ý kiến khác từ ‘người trong ngành’ cho rằng vô cảm với người nghèo là sự khốn nạn khi nhân danh báo chí để làm trò chỉ điểm : "Cũng là một phóng viên, cũng từng thực hiện không ít phóng sự, cho nên mình biết ít nhiều nỗi niềm của người phóng viên. Tuy nhiên, theo mình thấy, trong thời gian này, có không ít đề tài để người phóng viên có thể làm, không nhất thiết vào chăm chăm vào vấn đề tạo thêm áp lực cho người dân.

Thực tế, không ít phóng viên của các báo đã lên tiếng, hỗ trợ cho người dân trong khó khăn của mùa dịch này. Ngày 16/7, bạn đi với đoàn công tác đi phạt, làm phóng sự, mình đồng ý. Có điều, ngày 14/7, bạn đã đi trước đó, chụp hình trước đó, nó giống như cái bằng chứng để cơ quan chức năng có thể phạt hoặc cảnh cáo người dân vậy. Bộ người dân chưa đủ cực, chưa đủ khổ hay sao mà còn làm vậy ?".

Ai cũng chén cơm manh áo – những người viết báo cũng là một nghề mưu sinh. Trong thời điểm này, đã không giúp cho người lao động bình dân vơi đi phần nào những khó khăn, cũng mong rằng, xin đừng "tiếp thêm" cái gánh nặng lên đôi vai người dân nữa.

Người dân đã khổ nhiều lắm rồi…

Thúy An

Nguồn : VNTB, 19/07/2021

**********************

Sài Gòn, tiếp tục ‘phong thành’…

Yến Phương, VNTB, 19/07/2021

Vậy là đã ngót nghét hơn 1 tuần cả thành phố sống và làm việc dưới chỉ thị 16. Một thời gian, hoàn toàn không ngắn tí nào.

uutien6 (1)

Coi như cả tuần lễ nay và ít nhất cũng nửa tháng tới đây người Sài Gòn bị ‘tù treo’, khi họ chỉ được phép quanh quẩn trong nơi mình đang trọ, nơi nhà đang ở, thậm chí là ‘ăn ngủ’ tại nơi làm việc.

 Tôi nhớ, trước khi thành phố bước vào thời gian của chỉ thị 16, một số ý kiến cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Sài Gòn chịu ảnh hưởng bởi chỉ thị 16 vốn được ban hành từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Như lần trước, vẫn bình thường, vẫn đi lại được, vẫn mua sắm hàng ăn… Vậy có chi mà lo sợ ở lần này ?

Ừ thì trên lý thuyết, đúng là như vậy. Thế nhưng, lần chỉ thị 16 trước, Sài Gòn không xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng đến hàng chục ngàn, càng không có ca nhiễm Covid-19 tử vong.

Ở những lần xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng trước, bước chân vào bệnh viện hay phòng khám chữa bệnh, chỉ phải đo nhiệt độ, khai báo y tế là có thể đi vào, không lo lắng.

Ở lần trước, không nhiều bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung như bây giờ.

Ở lần trước, không xuất hiện "giấy thông hành" xét nghiệm âm tính.

Ở lần trước, cánh tài xế vận chuyển hàng hóa không gặp khó khăn như bây giờ… biết bao nhiêu cái khác biệt của lần trước so với bây giờ.

Làm sao người dân có thể không hoang mang ?

Và rồi, cái thực tế của hơn một tuần lễ đã trôi qua như thế nào ? Những hàng quán ‘bán mang về’ bị buộc phải tạm dừng. Những người buôn gánh bán bưng ở các ngả đường, ở các chợ tự phát cũng buộc phải tạm dừng.

Chợ truyền thống thì nơi bán, nơi không ; những chợ có bán thì giới hạn, giăng dây, dựng barie đầy đe dọa với cả sắc phục quân đội đứng chực chờ, rồi hàng hóa thì… xếp hàng mới mua được với giá đắt đỏ và không nhiều lựa chọn.

Nhiều ngả đường tràn ngập những chốt chặn gọi là thực hiện chỉ thị 16 của chính phủ.

Với người lao động thì thế nào ? Khó khăn lại chồng chất những khó khăn. Tôi nhớ, khi Sài Gòn bước vào những ngày với hàng loạt những chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, vô tình xem một video clip trên Internet, một cô bán hàng rong chia sẻ rằng, dĩ nhiên, nếu có thì tốt nhưng mong thì không mong, họ chỉ mong sao, chính quyền đừng cấm họ bán, là đủ rồi.

Dẫu biết rằng, vì cái chung của cộng đồng, vì phòng dịch, có thể quy định của thành phố là đúng phần nào. Với những quy định cấm đó, có thể nói, đã góp phần gia tăng thêm cái gánh nặng cho người nghèo. Đưa ra quy định phòng dịch, thực thi thì nhanh và quyết đoán song lại không đưa hướng ra cho những người nghèo, nhất là khi khoản tiền hỗ trợ, người có kẻ không.

Đó là câu chuyện của nhiều người bị cấm buôn, cấm bán tạm thời. Còn với những con người, đi làm hay đi công việc thì sao ? Một cảm giác lo lắng khi đi ngoài đường, dù hoàn toàn có lý do chính đáng.

Không lo sao được khi đi rút tiền hay nhà thiếu tiền đi lấy, cũng phạt. Không lo sao được khi cộng đồng mạng rồi báo chí râm ran câu chuyện về ông chủ tịch ủy ban phường 6 quận Gò Vấp ? Lo dịch, lo đói, lo nghèo và giờ còn lo cả… phạt tùy hứng.

Sài Gòn phóng khoáng, bao dung.

Dù có nhìn và cho rằng Sài Gòn xấu xí cỡ nào đi chăng nữa, giận chút rồi cũng thôi, không để bụng, tính toán nhỏ mọn. Người Sài Gòn sẵn sàng chấp nhận "cái khó khăn, bất tiện mà người khác mang đến". Nhiều người buôn bán ở vỉa hè chia sẻ trước giờ thành phố chuẩn bị bước vào giai đoạn phong thành, họ luôn luôn sẵn sàng tuân thủ những quy định của chính phủ đưa ra.

Dù sao đi chăng nữa, thì việc đó cũng là vì cái cộng đồng, chung tay phòng chống dịch Covid-19, họ sẵn sàng lấy tiền tích cóp bao lâu nay ra, sử dụng để vượt qua cái khó khăn này.

Chấp nhận hy sinh cái cá nhân để vì cái lợi ích chung, mặc dầu biết rõ, đó thật sự là những khó khăn.

Thế nhưng nếu một khi đã quyết định còn tiếp tục phong thành theo chỉ thị 16 nữa thì sẽ có rất nhiều người rơi vào cảnh cùng cực, không biết vịn vào đâu vì tiền tiết kiệm cũng có giới hạn mà khoản hỗ trợ lại không biết kêu với ai.

Yến Phương

Nguồn : VNTB, 19/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Hà, Lâm Bình Duy Nhiên, Bùi Công Trực, Thúy An, Yến Phương
Read 453 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)