Cuối tháng này, nếu chín nhà lãnh đạo của khối ASEAN loại Chủ tịch-Thống tướng Min Aung Hlaing của Miến Điện ra khỏi Hội nghị cấp cao của khối, thì đó sẽ là bước tiến lớn đối với ASEAN. Phải chăng tổ chức này sắp bước vào kỷ nguyên AUKUS với quyết tâm xóa bỏ xú danh cũ "Câu lạc bộ của các nhà độc tài" ?
Chủ tịch-Thống tướng Miến Điện Min Aung Hlaing, kẻ cầm đầu nhóm đảo chính quân sự có thể bị loại khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối tháng 10 này, nếu Myanmar vẫn từ chối hợp tác với Đặc phái viên của khối. Tân Ngoại trưởng của Malaysia hôm 4/10 đã tweet công khai như thế. Các nước Đông Nam Á đã thảo luận về việc không mời người đứng đầu quân đội Myanmar tham dự Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 10 này, do không đạt được tiến bộ nào trong lộ trình đã thống nhất để khôi phục hòa bình ở quốc gia bị xung đột này. Erywan Yusof, Đặc phái viên của khối tại Myanmar, cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước, việc chính quyền Myanmar không thực thi "thỏa thuận 5 điểm" mà họ đã đồng ý với ASEAN hồi tháng 4 được coi "tương đương với việc nuốt lời hứa" [1].
Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar dự một hội nghị về an ninh quốc tế ở Nga hôm 23/6/2021 - AFP
Sau cuộc họp trực tuyến của 10 Ngoại trưởng ASEAN vào ngày 4/10, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullahcho cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng, Malaysia đã bày tỏ sự thất vọng do sự thiếu hợp tác của quân đội Myanmar với Đặc phái viên Erywan. Trên Twitter, Ngoại trưởng Saifuddin viết rằng "trừ khi có tiến bộ, sẽ rất khó để có Chủ tịch SAC tại Hội nghị cấp cao ASEAN". Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng đặt vấn đề về việc Myanmar tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới trong một cuộc họp báo cuối tuần qua. "Một số nước thành viên có quan điểm cho rằng, ASEAN không nên có hành động nào liên quan đến tình hình ở Myanmar", bà Retno nói. "Nhưng theo quan điểm của Indonesia, đã đến lúc các Ngoại trưởng ASEAN phải báo cáo tình hình này với chín nhà lãnh đạo ASEAN và sẽ nhận chỉ thị về cách ASEAN nên can dự với Myanmar như thế nào, liên quan đến các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần th ứ 38 và 39" [2].
Phát biểu từ các ngoại trưởng Malaysia và Indonesia, đại diện cho hai chính phủ dẫn đầu các nỗ lực của khối để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, được đưa ra sau khi có tin tức tuần trước rằng, chính quyền Myanmar không cho phép Đặc sứ Erywan tiếp cận nhà lãnh đạo dân sự đang bị giam giữ, bà Aung San Suu Kyi. Ngay khi vừa được bổ nhiệm, Đặc sứ Erywan hứa rằng ông sẽ thu xếp một cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi như một phần của mục tiêu theo đuổi đối thoại "giữa tất cả các bên" và rằng một yêu cầu đã được đệ trình lên chính phủ Myanmar để thực thi điều này. Nhưng một phát ngôn viên của quân đội Myanmar nói với hãng tin AFP vào ngày 30/9/2021 rằng, sẽ "rất khó để cho phép đại diện của ASEAN có các cuộc gặp với những người đang bị xét xử". Nhà lãnh đạo 76 tuổi hiện đang bị bu ộc tội với một loạt tội danh kỳ lạ, từ sử dụng thuốc mê cho đến nhập khẩu trái phép máy bộ đàm, dường như tất cả được thiết kế để vĩnh viễn gạt bà ra khỏi cuộc sống chính trị.
Người biểu tình phản đối chính phủ quân sự Miến Điện đốt cờ của ASEAN tại Mandalay hôm 5/6/2021. Reuters
Việc quân đội từ chối cho phép Đặc phái viên Erywan tiếp cận "tất cả các bên" không có gì đáng ngạc nhiên, do chính quyền quân sự không muốn hợp tác để thực thi "Thỏa thuận 5 điểm" đã được thống nhất với ASEAN hồi tháng 4 vừa qua tại Thượng đỉnh ở Jakarta. Các thỏa thuận ấy bao gồm cử Đặc phái viên, đưa ra lời kêu gọi đối thoại toàn diện và cung cấp viện trợ nhân đạo. "Hết lần này đến lần khác kể từ sau cuộc đảo chính, chính quyền đã lợi dụng các giao thiệp với ASEAN để đạt được tính hợp pháp, đồng thời gia tăng các đòn trả đũa tàn bạo đối với người dân Myanmar", Charles Santiago từ nhóm vận động "Nghị sĩ ASEAN vì Nhân quyền" cho biết như thế trong một tuyên bố gửi qua email. "Ở đây chúng tôi có nhiều ví dụ khác về việc quân đội không bao giờ thực hiện đúng những lời hứa của mình".
Kể từ cuộc đảo chính, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhận ra mối đe dọa mà cuộc khủng hoảng Myanmar có thể gây ra đối với tính hợp pháp của khối và nó sẽ chiếm vị trí "trung tâm" trong các hoạt động ngoại giao của Châu Á. Vào tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết trong một tuyên bố rằng, việc không thực hiện hành động có ý nghĩa trong trường hợp Myanmar "sẽ nhấn mạnh rõ ràng sự thiếu đoàn kết của chúng ta, và làm suy yếu uy tín và sự liên quan của chúng ta với tư cách là một tổ chức". Nhưng cách tiếp cận "đồng thuận" của khối đã nhấn mạnh nhận thức quốc tế về ASEAN như một diễn đàn của sự đồng lõa và không hành động, đã thể hiện qua cảnh tượng kỳ lạ là cờ ASEAN bị đốt trên đường phố Myanmar [3].
Trong bối cảnh đó, các thông báo của các bộ trưởng Indonesia và Malaysia đánh dấu sự cứng rắn đáng hoan nghênh trong lập trường của ASEAN đối với chính quyền quân sự của nước này và là dấu hiệu cho thấy khối đang bắt đầu mất kiên nhẫn trước sự không tuân phục của Thượng tướng Min Aung Hlaing. Hiến chương của ASEAN không có quyền rõ ràng về việc trục xuất hoặc đình chỉ tư cách thành viên của một quốc gia. Nhưng theo Aaron Connelly từ Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Singapore, Mục 20 của Hiến chương có một điều khoản được suy rộng ra rằng, "trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng của Hiến chương hoặc việc không tuân thủ, vấn đề sẽ được chuyển đến Hội nghị cấp cao ASEAN để quyết định". Điều này dường như sẽ cung cấp cho chín thành viên khác của ASEAN một khung khổ, để họ có thể cùng nhau đạt được sự đồng thu ận cần thiết, nhằm tạo ra một điều khoản tham chiếu mới cho sự tham gia của khối với những thành viên có vấn đề như trường hợp Myanmar.
Trung Quốc cho đến nay chưa lên án cuộc tiếm quyền. Một số người biểu tình Myanmar cáo buộc rằng Bắc Kinh chống lưng cho chính quyền Myanmar. Trung Quốc lâu nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Myanmar và có các khoản đầu tư lớn vào nước này. Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, Chen Hai, cho biết Bắc Kinh mong muốn những người biểu tình và quân đội Myanmar có thể giải quyết những khác biệt của họ thông qua đối thoại, theo nội dung của một cuộc phỏng vấn được đăng trên trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc hôm 16/2. Ông nói : "Những diễn biến hiện tại ở Myanmar hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy". Ông Chen cũng phủ nhận chuyện Trung Quốc đang giúp Myanmar kiểm soát việc truy cập internet và chuyện binh lính Trung Quốc đang xuất hiện trên đường phố Myanmar [4].
https://youtu.be/tznvVqdTCys
Theo các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố hành động quân đội tiếp quản Myanmar là một "cuộc đảo chính", dẫn đến Mỹ sẽ ngừng viện trợ nước ngoài cho chính phủ nước này, tổng cộng khoảng 109 triệu USD. "Sau khi xem xét kĩ lưỡng các sự kiện và hoàn cảnh, chúng tôi nhận định rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền của Myanmar và ông Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu hợp lệ, bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi giới lãnh đạo quân đội Myanmar trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện" - Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố [5].
Myanmar đang ở trong tình trạng vô cùng căng thẳng, khi tình trạng vô pháp luật đang làm tăng khả năng xảy ra một cuộc nội chiến kéo dài, thậm chí có thể là cách mạng, sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng 2, theo EastAsiaForum. Người dân Myanmar, trong các cuộc biểu tình đẫm máu, đã kêu gọi quốc tế vào cuộc bảo vệ họ. Một số cường quốc như Anh, Mỹ đã đáp lại, bằng các phản ứng quyết liệt như áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức quân đội Myanmar. Nhưng một số nước khác, trong đó có Việt Nam, lại có phản ứng yếu ớt và thái độ dè dặt. Trong một văn bản gửi đi ngày 2/3/2021, các nước ASEAN 'kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động thêm bạo lực và để cho các bên kiềm chế cũng như linh hoạt tối đa'. Ngay sau đó, chính phủ Việt Nam cùng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ được báo chí quốc tế nêu tên và bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích là bốn quốc gia ngăn Liên Hiệp Quốc (LHQ) có tuyên bố cứng rắn về Myanmar sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai. Về căn bản, bốn nước này phản đối việc đưa vào nghị quyết cụm từ 'cuộc đảo chính quân sự', và ngăn cản LHQ đưa ra tuyên bố về bất kỳ khả năng hợp tác nào để tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Myanmar [6].
Hôm 7/9/2021, Duwa Lashi La, "quyền Tổng thống" của "Chính phủ Đoàn kết Quốc gia" (NUG) đã ra lời hiệu triệu tiến hành "cuộc chiến tranh phòng vệ của nhân dân" chống lại chính quyền quân sự của Myanmar. Lời kêu gọi xuất hiện chỉ vài ngày trước khi Ủy ban Quốc thư của Liên Hợp Quốc đưa ra quyết định về việc ai sẽ đại diện cho Myanmar tại Liên Hợp Quốc - NUG hay chính quyền quân sự. Dư luận trong và ngoài Myanmar đang rúng động trước lời kêu gọi "khởi nghĩa toàn quốc" của phe đối lập chống đảo chính quân sự ở nước này. Giới trẻ Myanmar có một bộ phận ủng hộ lời kêu gọi đó nhưng cũng có nhiều người lo sợ sẽ xảy ra cảnh tắm máu, "nồi da nấu thịt" [7].
Cuối cùng, nếu các nhà lãnh đạo ASEAN chấp nhận đề xuất từ các ngoại trưởng của mình, loại trừ Thống tướng Min Aung Hlaing ra khỏi Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này, thì đây là một động thái rất có ý nghĩa đối với ASEAN. Tổ chức này vốn nặng về truyền thống theo nguyên tắc đồng thuận và và chuộng tiếp cận can dự hơn là đối đầu giữa các nước thành viên. Lịch sử lâu dài của chế độ độc tài quân sự và các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Myanmar có thể coi đây là một cuộc trắc nghiệm lịch sử đối với ASEAN. Myanmar thử thách giới hạn chính sách không can thiệp. ASEAN có chịu chuyển mình hay không [8] ? Đông Nam Á trong không gian "Indo-Pacific tự do và rộng mở" (FOIP) có chuẩn bị để bước vào một kỷ nguyên mới ? Hiệp định AUKUS, sự phục sinh đối với QUAD (Bộ Tứ) và sự ra đờ i của Đạo Luật EAGLE (Bảo đảm sự Can dự và Vị thế Lãnh đạo Toàn cầu của Mỹ)… Đã đến lúc ASEAN cần phải chủ động thoátkhỏi xú danh cũ "Câu lạc bộ của các nhà độc tài". Hãy dành tiếng chuông đưa tiễn các chính thể độc tài và toàn trị [9] !