Hơn 200 khoa học gia Việt Nam đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề nghị nên thận trọng, cân nhắc kỹ Qui Hoạch Điện VIII nếu Việt Nam muốn đi đúng hướng phát triển năng lượng sạch như đã cam kết với quốc tế. Chuyên gia môi trường và năng lượng trông đợi tinh thần cầu thị từ phía chính phủ ra sao ?
Qui hoạch đi ngược lời hứa
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công thương hoàn toàn đi ngược cam kết tích cực giảm và hầu như không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới, nâng tỷ trọng năng lượng sạch ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045.
AFP
Đó là nội dung chính bản kiến nghị, được báo chí trong nước gọi là tâm thư, của hơn 200 khoa học gia, nhắc lại khẳng định mới đây của Thủ tướng tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga vừa kết thúc.
Cụ thể, thư của 10 liên minh đại diện cho hơn200 nhà khoa họcViệt Nam, gồm Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) ; Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD), Liên minh Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng... đã được gửi đếnThủ tướngchính phủ.
Theo đó, các nhà khoa học yêu cầu Chính phủ Việt Nam thận trọng, cân nhắc kỹ Dự thảomới Quy hoạch điện VIII, mà trong đó, dự tính tăng thêm khoảng 20.000 MW điện than mới vào năm 2030, nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW và tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 MW điện than nữa cho tới năm 2045.
Từ dự định trên, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo rằng, sản lượng điện sạch của Việt Nam chỉ đạt 13,5% vào năm 2030 đến 2045, như vậy Việt Nam không thể nào đi đúng hướng năng lượng sạch khi cứ tăng điện than lên trong mươi, mười lăm năm tới như kế hoạch của Bộ Công thương.
Kiến nghị hoàn toàn đúng và chính xác, là nhận định của giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Ông nói với RFA trong ngày 23/11 :
"Thứ nhất, trong qui hoạch này thể hiện nhiệt điện than vẫn tăng 20.000MW trong giai đoạn từ 2021/2030 và tăng thêm 10.000MW trong giai đoạn tiếp theo từ 2031/2045. Như vậy năng lượng sạch chỉ đạt 13,5%. Điều này không đúng như lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước rất nhiều hội nghị quốc tế, trong đó có phát biểu rất chi tiết tại Tuần Lễ Năng Lượng Nga.
"Tại COP 26, thủ tướng cũng phát biểu theo hướng này. Nghĩa là sao cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh …chiếm 20%, rồi tăng lên 30% từ 2031/2045. Như vậy người ta chỉ ra ở đây một điều khá mâuthuẫn giữa quan điểm chỉ đạo của thủ tướng và bản Qui hoạch Năng lượng Điện VIII do Bộ Công thương lập".
Đây là những số liệu rất chân thực, GSTS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, không chỉ bao gồm hơn 200 khoa học gia đang hoạt động trong 10 liên minh kể tên ở trên, mà đa phần các nhà nghiên cứu độc lập cũng đồng ý rằng Qui hoạch Điện VIII đi ngược xu hướng giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Ông Hùng Võ nói tiếp :
"Cụ thể nếu cứ theo kế hoạch điện VIII như vậy thì Việt Nam sẽ là một trong sáu nước phát thải khí từ nhiệt điện vào loại lớn nhất thế giới"
"Tôi vẫn cho rằng nhiều bộ ở Việt Nam ngại chuyện cải cách. Họ thấy nếu giảm nhiệt điện đi thì chắc chắn sẽ thiếu điện. Áp dụng vào Việt Nam chắc chắn phải lao tâm khổ tứ và cũng không dể dàng làm ngay. Tôi hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ yêu cầu làm lại, nhất là thủ tướng vừa phát biểu tại COP 26 xong. Đây là vấn đề thể diện của Việt Nam đối với quốc tế".
Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân ở tỉnh Bình Thuận hôm 23/4/2019. AFP
Làm khác không phải là làm sai
Được vậy quả là điều đáng mừng, chứng tỏ tinh thần cầu thị, nhất là khi Việt Nam đã tham gia thượng đỉnh các nước tại Anh về chống biến đổi khí hậu và đã thống nhất cố gắng tới 2050 là phát thải khí nhà kính bằng không, là quan điểm của chuyên gia năng lượng, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm :
"Việt Nam là một trong những nước chính thức phát biểu và ký kết tại thượng đỉnh rồi thì chắc phải thực hiện thôi, còn con số và đến đâu là do tính toán chuyên môn. Tôi nghĩ lần này Tổng Sơ đồ VIII cũng sẽ khác với bản đệ trình của Bộ Công thương".
Phát triển năng lượng sạch phải dựa vào Chỉ số An ninh Năng lượng. Chỉ số An ninh Năng lượng không chỉ phụthuộc vào số lượng nhiệt điện than bao nhiêu mà phụthuộc vào năm sáu yếu tố khác. Ngoài những yếu tố chuyên môn thì còn có những yếu tố khác của quốc gia nữa, là phân tích của Tiến sĩ Ngô Đức Lâm :
"Đấy là bài toán mà nước nào cũng phải áp dụng. Không chỉ đơnthuần về vấn đề công nghệ. Chỉ tiêu ấy tính bằng hệ số an ninh năng lượng do tính toán chuyên môn. Tôi nghĩ chính phủ đã có chiều hướng tốt hơn so với đề nghị của Bộ Công thương.
Hiện những nhà máy nào phát triển rồi, sử dụng rồi thì vẫn phải cho nó phát chứ không thể bỏ đi được. Lộ trình để giảm phát thải xuống Zero có nghĩa công nghệ của nó là công nghệ cao để bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.
Nhưng theo tôi từ giờ tới 2030 thì không nên phát triển nữa. Nếu về an ninh năng lượng có thiếu thì nên xây dụng nhà máy nhiệt điện khí và khí hóa lỏng, thì nó giảm được ô nhiễm C02 đi rất nhiều".
Tuy nhiên vì công nghệ lưu trữ còn thấp nên hệ thống điện của Việt Nam còn bấp bênh nhiều. Điều này, theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, Việt Nam phải nỗ lực giải quyết chứ không phải là không làm được, và mạnh mẽ tới mức độ nào thì phải xem con số mới biết.
Được biết, trước thềm COP 26 về biến đổi khí hậu, các bên từng ký kết Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về hành động như dừng xây dựng thêm các nhà máy điện than, mặt khác mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, phát triển tích trữ năng lượng và điện hóa giao thông.
Ngay cả các quốc gia có nền kinh tế phụthuộc lớn nhất vào nhiên liệu hóa thạch như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cho biết có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2060.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ và chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm đều có chung nhận định rằng bản dự thảo Qui hoạch Điện VIII mà Bộ Công thương trình qua văn phòng Thủ tướng Chính phủ chẳng những không nêu được giải pháp tích cực nào như Nghị Quyết 55 yêu cầu, bỏ qua vấn đề tích trữ năng lượng vô cùng cấp thiết và quan trọng, mà chưa gì đã đề ra lộ trình khai thông nguồn vốn tư nhân đang sẵn sàng vào phát triển ngành điện sạch ở Việt Nam.
Theo hàng trăm khoa học gia, trong tâm thư gởi Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ bị lẻ loi trong cộng đồng quốc tế nếu dự thảo Qui hoạch Điện VIII được phê duyệt, nhất là vào lúc thế giới vẫn tiến theo hướng chuyển dịch năng lượng sạch một cách mạnh mẽ và tích cực theo khuyến nghị trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 24/11/2021