Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/04/2022

Ðà Lạt là gì ?

Võ Thành Lân

Ðà Lạt là thành phố gì ? Du lịch hay khoa học ?

Cả hai đều chưa rõ về… tính chất. Du lịch thì chỉ mới dừng lại ở chỗ người có sẵn gì thì… xài nấy, như trường hợp của Hội An. Hiện nay, tính chất này không tiến tới gần mà còn có vẻ xa đi. Thành phố du lịch thì dân số và mật độ xây dựng phải thấp. Siem Reap của Campuchia quá nổi tiếng với di tích Angkor nhưng người ta vẫn giữ nó với mật độ xây dựng rất thấp, nhà không quá ba tầng.

Còn khoa học thì… chưa có gì, chỉ vài trường đại học nhưng vị trí xếp hạng không có gì nổi bật trong nước.

dalat1

Vấn đề Ðà Lạt không phải của chỉ người dân Ðà Lạt, nó còn là "phúc lợi" của cả miền Nam, của cả nước.

Trong khi đó, dân số Ðà Lạt đang không ngừng tăng, tăng áp lực xây dựng, phá rừng, mất nước, là nguyên nhân chính khiến nền nhiệt độ tăng, chứ không phải chỉ do trái đất nóng lên.

Ðể bảo tồn khí hậu, cảnh quan – tài nguyên quý nhất của Ðà Lạt, quan trọng nhất là phải giãn dân.

Phải làm rõ tính chất của Ðà Lạt là thành phố gì, để trên cơ sở đó giãn dân nàọ ? Nếu muốn nó là thành phố du lịch hay khoa học, phải giãn dân không có chức năng du lịch hay khoa học.

Tốt nhất là dời tỉnh lỵ về Bảo Lộc, nơi này cũng "trung tâm" hơn, so với Ðà Lạt là một điểm "cụt". Cũng có thể phát triển những khu đô thị mới ở khu vực Suối Vàng, Lạc Dương.

Hiện nay, chính quyền địa phương muốn "nâng cấp" Ðà Lạt không nhằm vào tính chất nào, với lý do gì rõ ràng. Khi muốn trở thành thành phố trung ương, người ta đã quên mất lý do tồn tại của nó. Người Pháp thiết kế đó là thành phố nghỉ ngơi, tiến tới một thành phố khoa học, với mật độ dân số vừa phải và kiến trúc đặc trưng. Họ nhìn nó có một giá trị "long trọng" như là giá trị tinh thần, trên cả môi trường, cảnh quan đơn thuần, khi đặc biệt chăm chút cho kiến trúc từng biệt thự, làm cả một đường xe lửa lên đô

Ta quy định dân phải đông thì mới được nâng cấp lên đô thị loại cao. Nếu ước muốn của chính quyền thành hiện thực, sẽ đồng nghĩa với việc dân không chỉ không giãn được mà còn tập trung thêm. Khi đó, chắc chắn những gì thuộc về môi trường, cảnh quan và cả kiến trúc sẽ không còn. Nó sẽ là gì thì chưa biết được.

Khuynh hướng tạo thành phố cực lớn mà Việt Nam đang theo đuổi, như trường hợp Ðà Lạt bây giờ, đang đi ngược với xu thế phát triển đô thị bền vững của thế giới. Gọi là "bền vững" thì chuẩn mật độ chỉ 150 người/ha.

Một nghịch lý nữa là, những đô thị lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, người ta nói nó phát triển nhưng thực ra phúc lợi xã hội lại kém đi. Ðến lúc nào đó, về mặt Nhà nước, phải nhìn nhận lại, phát triển là phải dựa trên chất lượng sống (trong đó môi trường rất quan trọng), chất lượng giáo dục, khoa học… Như vậy thì không cần phải… lớn.

Hiện nay chính quyền không phân biệt được đâu là phúc lợi của người dân, đâu là thứ mình có thể bán. Trong một thời gian dài, họ quên đặt câu hỏi về việc này. Có cảm giác, cái gì bán được là họ bán, bất kể nó đáng lẽ là của ai. Phúc lợi xã hội phải được hiểu đúng theo nghĩa để tái tạo sức lao động, thì mới mong có sự quan tâm và trách nhiệm đúng mực.

Ðồi Cù, từ cái "sân chung" – phúc lợi chung đã trở thành sân golf phục vụ một nhóm thiểu số. Hay như các bãi biển ở Ðà Nẵng, đáng lẽ để dân… tắm thì đem bán hết cho nhà đầu tư. Sau khi đồi Cù bị mất, quá trình đô thị hóa ở Ðà Lạt bắt đầu dữ dội. Ðến cái đồi Cù mà còn bị như vậy, thì huống gì… Những người hám lợi không còn dè chừng nữa. Tâm lý xã hội thì thất vọng, thật nguy hiểm.

Vấn đề Ðà Lạt không phải của chỉ người dân Ðà Lạt, nó còn là "phúc lợi" của cả miền Nam, của cả nước. Có những địa phương "công nghiệp hóa" như Ðồng Nai, Bình Dương… thì cũng phải có nơi nghỉ dưỡng như Ðà Lạt để người dân các nơi này lui tới. Một đất nước mà các địa phương không có yếu tố cộng sinh thì không ra đất nước.

Võ Thành Lân (Kiến trúc sư)

Nguồn : VNTB, 24/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Thành Lân
Read 413 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)