Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2022

Ngân hàng nhà nước đã sẵn sàng cứu các ngân hàng thương mại ?

Kim Giang

Ngày 15/12, trong Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề xuất mong muốn được hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ SWAP và OMO. Thông tin này được đăng trên trang cafef.vn

nganhang1

Hội nghị bàn thống nhất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Báo chí Việt Nam bây giờ chơi "chiêu" dùng từ chuyên môn, như để đánh đố người đọc, vì đa số người dân sẽ không hiểu SWAP hay OMO là gì. Thay vì có thể nói một cách đơn giản rằng, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép hoán đổi những ngoại tệ họ sẽ thu về trong tương lai để đổi lấy tiền thật bạc thật ngay bây giờ và đề xuất bơm tiền để cứu thanh khoản, thì báo chí tương lên cụm từ "hoán đổi ngoại tệ SWAP và OMO", nghe cực kỳ sang chảnh, cao siêu. Nói một cách đơn giản và dân giã là, hệ thống ngân hàng giờ rỗng rồi, tan hoang rồi, Ngân hàng Nhà nước cứu đi, cứu đi… nếu không thì bung bét đấy, loạn đấy, sập đấy… Đại khái vậy.

Xem qua những phát biểu của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì có thể hiểu là, ở thời điểm này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn giải pháp cứu hệ thống ngân hàng. Ông Tú nói, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua OMO, nghĩa là bơm tiền ; SWAP ngoại tệ, nghĩa là cho bán những khoản ngoại tệ chưa thu hồi, sẽ có trong tương lai ; và cho vay tái cấp vốn…

nganhang2

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Nghe ông nói thật hào sảng, cứ như bác nông dân Nam Bộ vô tư quăng mẻ lưới bắt cá về đãi cả làng. Nào ! Ai thiếu, tới đây tôi phát, không cần kiểm soát, không cần chế tài… Nghe ông Tú nói thì có thể hiểu rằng, sắp tới đây sẽ có những đợt bơm tiền ồ ạt, bất chấp hậu quả để cứu lấy thanh khoản ngân hàng. Và hậu quả này tất nhiên sẽ chỉ là người dân gánh lấy. Lạm phát lên cao, giá cả đắt đỏ, chi tiêu tăng và thu nhật thực chất sụt giảm. Và như vậy, các khoản nợ xấu của ngân hang thương mại sẽ rất nhanh trở thành nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, nghĩa là nợ xấu mà ngân sách sẽ phải gánh, cũng đồng nghĩa là dân phải gánh.

Tình trạng các ngân hàng thương mại bây giờ đều như các con bệnh đang ung thư giai đoạn cuối. Họ trông chờ Ngân hàng Nhà nước "cứu" họ. Nhưng "cứu" hay "không cứu" thì cũng đều sẽ đi đến điểm cuối cùng : Vỡ khối u và chết. Nếu Ngân hàng Nhà nước chọn "cứu" thì có thể kéo dài thêm một thời gian trong trạng thái dở sống dở chết, kiểu như bệnh nhân vật vã sau khi mổ cắt khối u này nhưng lại nổi lên hàng chục khối u khác, vì bệnh đã di căn rồi. Nếu "không cứu" thì có nguy cơ khối u sẽ vỡ ngay và tử vong tức thì.

Điều dễ hiểu là, khi phải lựa chọn giữa "chết ngay" và "chết từ từ" thì Ngân hàng Nhà nước tất nhiên sẽ chọn vế sau. Cùng với tư duy của người Việt kiểu "còn nước còn tát", và hy vọng, may ra có một phép màu nào chăng ? Và họ cố níu kéo.

Cũng dễ hiểu khi Ngân hàng Nhà nước chọn "cứu", vì đơn giản là hệ thống ngân hàng thương mại không chỉ mục nát vài chỗ, mà là đã mục nát toàn hệ thống. Nếu không cứu, hệ lụy sẽ xảy ra tức thì và xảy ra trên toàn hệ thống. Lúc đó, xã hội loạn lạc và chính quyền có nguy cơ sụp đổ.

Nếu cứu thì cũng chỉ kéo dài thời gian, vì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ lâu đã cho thấy, họ không có khả năng sửa chữa lỗi hệ thống. Họ chỉ chọn cách khỏa lấp những sai phạm, sai lầm, để tránh cho bị bung bét khắp nơi dẫn đến mất kiểm soát.

nganhang0

Những nạn nhân bị Ngân hàng SCB lừa đảo, kéo nhau đến ngân hàng đòi tiền

Hoạt động ngân hàng vốn dựa vào niềm tin, người dân có tiền nhàn rỗi đem tiền gửi vào ngân hàng vì họ cảm thấy yên tâm. Họ gửi tiền vào ngân hàng cũng chỉ để them chút tiền cho con đi học, cho cha mẹ già chút bồi bổ thuốc thang. Ngân hàng lấy tiền của dân đem cho doanh nghiệp vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Doanh nghiệp vay tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân. Vòng xoay của nền kinh tế cứ như thế, cứ dựa vào nhau để phát triển.

Nhưng nay, nơi nơi đều là những tiếng khóc than của những người mất tiền vì trót dại tin vào ngân hàng. Những ông già bà cả mất đi khoản tiết kiệm chắt bóp cả đời để mong tuổi già không phải phiền con cháu. Những đứa trẻ mất đi cả tương lai khi cha mẹ chúng không còn tiền cho chúng ăn học. Những gia đình lục đục tan nát… đâu đâu cũng là thảm cảnh. Hiện nay, hầu như các ngân hàng đều dính phốt, nặng như SCB là lừa khách có hệ thống, còn nhẹ thì cũng là những vụ nhân viên ăn cắp tiền trong tài khoản của khách. Còn nợ xấu thì phải nói là 100% ngân hàng đều dính nặng, chỉ là họ vẫn đang dùng những thủ thuật nghiệp vụ để che mắt thiên hạ mà thôi.

Kim Giang (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 19/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kim Giang
Read 385 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)