Trấn áp hoạt động môi trường để tăng trưởng giả dối, bệnh tật và nghèo đói
Độc tài toàn trị giữ cái cũ để mong muốn cầm quyền hoài hoài
Trấn áp hoạt động môi trường
Tháng 7/2021, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc "Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững", đã bị công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế. Tháng 8/2022, ông Bách bị tòa án Hà Nội tuyên án 5 năm tù giam về tội trốn thuế [1].
Tháng 12/2021, Viện Kiểm Sát Hà Nội truy tố nhà báo Mai Phan Lợi về tội ‘trốn thuế’. Ông Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương- Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Giám đốc "Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng", bị cáo buộc đã trốn thuế. Tháng 1/2022 tòa án Hà Nội phạt ông Lợi 48 tháng tù về tội trốn thuế (sau giảm xuống còn 45 tháng) và ông Dương 30 tháng tù (sau giảm xuống còn 27 tháng) [2].
Tháng 2/2022, bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc "Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID", bị công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi trốn thuế. Tháng 6/2022, tòa án Hà Nội đã tuyên phạt bà Khanh 24 tháng tù về tội trốn thuế (sau giảm xuống còn 21 tháng) [3].
Cả ba trung tâm nầy hoạt động công khai, có đăng ký với Nhà nước và được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Tăng trưởng giả dối
Trường hợp không kê khai nguồn thu để nộp thuế, thông thường chỉ bị phạt và truy thu thuế. Biện pháp hình sự chỉ áp dụng khi có biểu hiện lừa dối rõ ràng. Nhưng đối với cả ba trung tâm ở trên, chính quyền không truy thu thuế mà bỏ tù những người lãnh đạo theo bộ luật hình sự [4].
Trung tâm của ông Bách đăng ký từ năm 2007, trung tâm của ông Lợi từ năm 2012 và trung tâm của bà Khanh từ năm 2011. Cả ba trung tâm đăng ký với "Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam" và đã hoạt động hơn 10 năm. Thế thì tại sao đến gần 2022 nhà nước mới đồng loạt truy tố các trung tâm nầy với tội danh trốn thuế ?
Có những yếu tố làm cơ sở cho các hành vi kỳ lạ của nhà nước trong việc giam cầm các nhà hoạt động môi trường. Nhưng một yếu tố khả nghi nhưng khả thi để phân tích là dấu vết của các mối tiền liên hệ đến hành vi lạ nầy.
Ước tính là 64% sản lượng điện của Việt Nam được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021 (52% than, 12% khí đốt), trong khi 36% đến từ các nguồn năng lượng sạch (30% thủy điện, 5% năng lượng mặt trời) [5]. Nếu cả nước tiếp tục sử dụng than cho các nhà máy nhiệt điện, những nhà sản xuất than sẽ tiếp tục thủ lợi lượng tiền rất lớn do xuất khẩu ngày càng tăng trong những năm tới.
Vinacomin, tập đoàn "Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam", là một công ty cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, với tỷ lệ sở hữu nhà nước là 65%. Vinacomin chiếm 95% tổng sản lượng than sản xuất và cung cấp than cho ngành điện. Vinacomin ghi nhận doanh thu cao nhất từ trước đến nay là 165,9 nghìn tỷ (hơn 7 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2022, tăng 20% so với năm 2021 do sản xuất than nhiều hơn và giá cao hơn[6].
Ở đây, nhà nước có xung đột lợi ích rõ ràng. Một mặt nhà nước muốn bảo toàn doanh thu của Vinacomin. Một mặt khác, các tổ chức hoạt động môi trường đề xuất giảm xử dụng than, với hậu thuẩn thế giới. Khi lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp là một phần của giai cấp quyền lực, các tổ chức hoạt động môi trường phải đối mặt với những truy tố thuận tiện và tiện dụng.
Rất nhanh, giai cấp quyền lực trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, có thể đã chỉ đạo việc bỏ tù những nhà hoạt động môi trường với tội trốn thuế. Nói cách khác, chúng tăng trưởng sự giả dối.
Tăng trưởng bệnh tật
Việc phụ thuộc nhiều vào than đá để sản xuất năng lượng khiến Việt Nam trở thành quốc gia gây ô nhiễm lớn, đứng thứ 22 trên toàn cầu về tổng lượng khí thải cacbonic vào năm 2021 [5].
Khi than được đốt cháy, nó thải một số chất độc và chất gây ô nhiễm trong không khí [7]. Chúng bao gồm thủy ngân, chì, lưu huỳnh dioxit, nitơ oxit, hạt bụi và nhiều kim loại nặng khác. Các tác động sức khỏe có thể bao gồm từ hen suyễn và khó thở, đến tổn thương não, các vấn đề về tim, ung thư, rối loạn thần kinh và tử vong sớm.
Mặc dù gây khó khăn cho các vùng phụ thuộc vào các mỏ than, các nhà máy điện than và các công nghiệp dùng điện than trong sản xuất, nhưng việc chuyển đổi khỏi than là điều cần thiết để tránh một số tác động xấu về y tế công cọng nêu trên. Hơn nữa, các nguồn điện sạch khác dần dần trở nên rẻ hơn để thay điện than.
Tháng 3/2016, bà Ngụy Thị Khanh đã hỗ trợ nhà nước cho ra đời Quy hoạch điện 7 [8]. Quy hoạch này giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030.
Nhưng khi bắt giam hết các nhà hoạt động môi trường vào 2021-2022, nhà nước đã từ chối cẩn trọng các động thái sức khỏe của các nhà máy nhiệt điện. Hay nói cách khác, họ làm tăng trưởng bệnh tật.
Tăng trưởng nghèo đói
Các thể chế chính trị – chứ không phải văn hóa, tài nguyên thiên nhiên hay địa lý – giải thích tại sao một số quốc gia trở nên giàu có trong khi những quốc gia khác vẫn nghèo. Một ví dụ điển hình là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Tám mươi năm trước, cả hai hầu như không thể phân biệt được. Nhưng sau một cuộc nội chiến, Bắc Triều Tiên chuyển sang độc tài độc đảng, trong khi Hàn Quốc nắm lấy thị trường và cuối cùng là nền dân chủ [9].
Ở trên chúng ta đã thấy thể chế độc tài độc đảng bị kiểm soát bởi lợi ích nhóm trong giai cấp quyền lực. Chúng hành động mặc mẹ lợi ích và rủi ro lâu dài của người dân. Không ai biết ban đầu các quyết định được đưa ra như thế nào. Ý kiến bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù. Các giải pháp đổi mới đã bị bỏ vào sọt rác. Các tác giả của những đổi mới này bị bỏ tù.
Ở các nước dân chủ với kinh tế thị trường, những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ khí hậu được bảo vệ trong quy định của pháp luật. Những đổi mới nầy bao gồm năng lượng mặt trời, gió và hạt nhân cũng như các hệ thống lưu trữ năng lượng mới và các ứng dụng lưới điện sạch. Ngành nông nghiệp đang tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thông qua canh tác chính xác, rô-bốt nông nghiệp và trang trại thẳng đứng.
Trên toàn cầu, số lượng các công ty công nghệ mới nổi đang giải quyết khủng hoảng khí hậu đã tăng gấp 4 lần, với hơn 35.000 công ty kể từ năm 2010 và đạt 44.595 vào năm 2022 (hình). Vương quốc Anh chỉ đứng sau Hoa Kỳ về số lượng công ty khởi nghiệp và mở rộng quy mô công nghệ khí hậu – với hơn 5.200 công ty tiên phong về công nghệ khí hậu hiện đang hoạt động, so với 14.300 của Hoa Kỳ [10].
Một số những công ty mới nổi nầy có thể triển khai một vài công nghệ đột phá (công nghệ thay thế công nghệ đã có và làm rung chuyển các ngành hiện có, hoặc một sản phẩm đột phá tạo ra một ngành hoàn toàn mới). Về lâu về dài, những công nghệ đột phá nầy tạo nên sự giàu có và liên tục phát triển, công nghệ cũ bị đào thải và công nghệ mới triển khai.
Ngược lại, độc tài toàn trị không dám làm những chuyện như thế nầy. Bởi chúng giữ cái cũ để mong muốn cầm quyền hoài hoài, chúng tăng trưởng nghèo khó.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 03/02/2023
Nguồn :
1. VOV, Giám đốc Trung tâm LPSD Đặng Đình Bách bị tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù, 11/08/2022.
2. Lao động, Bị cáo Mai Phan Lợi được giảm án tội "Trốn thuế", 11/08/2022.
3. VOV, Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh được giảm 3 tháng tù liên quan tội trốn thuế, 21/11/2022.
4. RFA, Sử dụng tội trốn thuế để xiết các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam !, 26/10/2022.
5. Reuters, Why G7 aims to crack Vietnam’s coal fix with $15.5 billion deal, 14/12/2022.
6. VnExpress, Leading miner Vinacomin posts record revenues, 11/01/2023.
7. Union of concerned scientists, Coal Power Impacts, 07/09/2019.
8. The Goldman Environmental Prize, 2018 Goldman Prize Winner – Khanh Nguy Thi, 2018.
9. NPR (National Public Radio), Why Nations Fail, America Edition. 19/01/2021.
10. Tech Nation, Climate tech report 2022, 2023.