Tái đắc cử, Tập Cận Bình trong thế mạnh thách thức Hoa Kỳ ?
Thanh Hà, RFI, 10/03/2023
Quốc hội Trung Quốc ngày 10/03/2023 "nhất trí" củng cố quyền lực của Tập Cận Bình. Ở tuổi "thất thập", ông đang điều hành một đất nước Trung Hoa "tự tin hơn bao giờ hết trên sân khấu chính trị quốc tế". Đầu tuần, nhân vật số 1 tại Bắc Kinh trực tiếp lên án Washington "ngăn chận, bao vây, trấn áp" Trung Quốc : phải chăng đây là khúc dạo đầu báo trước Bắc Kinh bắt đầu thế tấn công, thách thức Mỹ, siêu cường số 1 thế giới ?
Tập Cận Bình tuyên thệ trung thành với Hiến pháp. Ảnh : Tân Hoa Xã
Không còn nói gần nói xa, hay bóng gió, cũng không cần sử dụng ngôn từ ngoại giao, lãnh đạo Trung Quốc hôm 06/03/2023 đã trực tiếp lên án một nước Mỹ "bá quyền", dẫn đầu một liên minh "kiềm tỏa" nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Lời lẽ cứng rắn này được đưa ra vào lúc tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm qua thấp chưa từng thấy và vẫn bị cái bóng của dịch Covid đe dọa. Căng thẳng Đài Loan và chiến tranh Ukraine tiếp tục đè nặng lên xuất khẩu và cỗ máy sản xuất của nước này. Trong khi đó, Washington liên tiếp mạnh tay trừng phạt các tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc. Từ Hoa Vi đến TikTok càng lúc càng bị "gạt ra ngoài thị trường Mỹ". Thêm vào đó, chính quyền Biden tăng tốc mở rộng hợp tác quân sự, an ninh với các đối tác trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, gần đây nhất là với Philippines, một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Như để mọi người biết rõ được hơn ý định của Bắc Kinh, chỉ một ngày sau ông Tập Cận Bình, đến lượt ngoại trưởng Trung Quốc sắp được bổ nhiệm, là ông Tần Cương - nguyên là đại sứ Trung Quốc tại Washington, trong buổi họp báo đầu tiên (ngày 07/03/2023) buông lời đe dọa là quan hệ Mỹ-Trung đang tiến triển theo "hướng xấu" và nếu "không kềm hãm từ bây giờ" e rằng rồi đây kịch bản "xung đột" và một cuộc "đối đầu" sẽ xảy ra. Hiếm khi nào ngành ngoại giao của Bắc Kinh nêu lên khả năng xung đột với Mỹ. Cùng lúc, ngoại trưởng tương lai của Trung Quốc đề cao mối bang giao với nước Nga của Vladimir Putin.
Những lời lẽ cứng rắn đó của các ông Tập Cận Bình và Tần Cương vài ngày trước cuộc biểu quyết của Quốc hội tín nhiệm ông Tập thêm nhiệm kỳ thứ 3 ở các cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, là đòn tâm lý và chính trị nhắm vào công luận trong nước, là một lời cảnh cáo các đảng viên nên ngoan ngoãn đứng về phía ông để đối phó với một hiểm họa là Mỹ, hay đây là thông điệp Bắc Kinh gửi tới Washington ?
Adrian Geiges, một nhà báo Thụy Sĩ từng viết tiểu sử ông Tập Cận Bình, được AFP trích dẫn, cho rằng nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh hiện nay "thực sự có một tầm nhìn cho đất nước, ông muốn rằng Trung Quốc phải trở thành cường quốc số 1 thế giới". Còn theo Steve Tsang, thuộc viện nghiên cứu về Trung Quốc SOAS- đại học Luân Đôn, thì ở thời điểm này, Trung Quốc đang tỏ ra "tự tin hơn bao giờ hết trên sân khấu quốc tế". Cũng chưa bao giờ quốc gia rộng lớn này có phương tiện như bây giờ để "giảm mức độ lệ thuộc vào phần còn lại của thế giới".
Nhưng cũng có thể nhìn chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở một góc độ khác. Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) thuộc viện nghiên cứu Jamestown Foundation của Mỹ nhận định, ở nhiệm kỳ 3, ưu tiên của ông Tập là kinh tế, vào lúc mà tăng trưởng đã rơi xuống còn có 3 % trong năm ngoái và mục tiêu cho năm 2023 chỉ là 5 %. Để vượt qua khó khăn kinh tế lúc này liệu rằng Bắc Kinh có dám "gây sự" với khách hàng nặng ký nhất của mình là Mỹ hay không ?
Thêm một giả định khác, được một số các nhà quan sát nêu lên, qua việc ông Tập Cận Bình "cứng giọng" với Mỹ : đây có thể là đòn đánh lạc hướng công luận Trung Quốc, để mọi người bớt chú ý đến những sai lầm tai hại của chính sách Zero Covid từ 3 năm qua và những khó khăn về kinh tế. Đó là những đề tài nhậy cảm mà giới quan sát cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã cố tình "tránh nhắc đến" trong chương trình kỳ họp Quốc hội lần này.
Pierre Haski, chuyên bình luận về địa chính trị trên tuần báo L’Obs và của đài phát thanh France Inter, cho rằng việc Bắc Kinh lên giọng với Mỹ thể hiện hai điều. Một là thất vọng sau khi sự cố quả bóng dọ thám Trung Quốc bị phát hiện trên không phận Hoa Kỳ đẩy ra xa hơn viễn cảnh hai cường quốc kinh tế thế giới này cải thiện bang giao. Hai là chiến thuật của ông Tập để chính quyền Biden phải đấu dịu, giải tỏa bớt áp lực đang nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc.
Trong mọi trường hợp, thực tế cho thấy là những hiềm khích giữa Washington với Bắc Kinh hiện nay đang "càng lúc càng nhiều" : từ vấn đề Đài Loan đến quyền tự do giao thông trên Biển Đông, từ cuộc chiến công nghệ đến chuyến viếng thăm dự trù diễn ra vào tháng tới của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại điện Capitol thể theo lời mời của chủ tịch Hạ Viện Mỹ.
Đồng thời, như Alex Payette điều hành cơ quan tư vấn Cercius tại Canada nhận định, Bắc Kinh lên giọng đe dọa trước hết là một thông điệp ông Tập Cận Bình gởi đến nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Không loại trừ khả năng sau 10 năm điều hành đất nước, Tập Cận Bình bị hụt hơi và những hiềm khích trong nội bộ lại bùng phát trong những năm sắp tới. Do vậy, mục tiêu duy nhất và quan trọng nhất mà khóa họp Quốc hội tại Bắc Kinh lần này cần nhắm tới đó là "thể hiện tình đoàn kết của Đảng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình".
Thanh Hà
**********************
Quốc hội Trung Quốc nhất trí trao Tập Cận Bình nhiệm kỳ ba
Thanh Hà, RFI, 10/03/2023
Không một phiếu chống, không ai vắng mặt. 2952 đại biểu quốc hội Trung Quốc ngày 10/03/2023 nhất trí bỏ phiếu tín nhiệm ông Tập Cận Bình, ứng viên duy nhất, thêm nhiệm kỳ thứ ba ở chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức "thành thật chúc mừng" ông Tập Cận Bình và Moskva "cảm kích trước những đóng góp cá nhân của ông Tập củng cố quan hệ" song phương.
Ông Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Trung Quốc nhiệm kỳ 3 trong phiên họp Quốc hội, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 10/03/2023. AP - Mark Schiefelbein
Việc bầu tại Quốc hội chỉ là thủ tục nhưng giới quan sát vẫn xem đây là một sự kiện lịch sử. Với nhiệm kỳ thứ ba này, ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông đến nay.
Thông tín viên RFI từ Bắc Kinh, Stéphane Lagarde tường thuật :
"2952 lá phiếu được ghi nhận sau cuộc kiểm phiếu và được thông báo trước các đại biểu tập hợp ở Đại Sảnh đường Nhân dân sáng hôm nay (10/03). 2952 lá phiếu thu nhận được và 2952 lá phiếu đều đã được chấp nhận. Các đại biểu nhất trí bỏ phiếu bầu lại ông Tập Cận Bình. Không có bất kỳ một lá phiếu chống đối nào, không một ai vắng mặt. Kế tới là những tràng pháo tay dài.
Sau 10 năm điều hành đất nước, nhân vật số 1 tại Trung Quốc đã loại hết các đối thủ. Cuộc biểu quyết hôm nay là thủ tục thông qua quyết định từ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hồi tháng 10 năm ngoái. Và sự kiện này mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Phiên họp sáng nay đã được đài truyền hình Nhà nước phát trực tiếp và cho thấy giới tinh hoa cộng sản đoàn kết dưới sự lãnh đạo của chủ tịch nước.
Tương tự như vậy, không có bất kỳ một tiếng nói chống đối nào bên Quân ủy Trung ương, với 2952 phiếu và những tràng pháo tay, Quân ủy Trung ương cũng đã tín nhiệm ông Tập Cận Bình tiếp tục là người đứng đầu quân đội. Khoảng một chục sĩ quan, đầu đội mũ trắng, xanh và xanh lá cây đại diện cho lục quân, hải quân và không quân từ, trên bục cao đi xuống, mang theo cuốn sách đỏ. Đó là bản Hiến pháp Trung Quốc. Đây là một biểu tưởng nhắc nhở tầm mức quan trọng của văn bản này, sau khi văn bản đã được sửa đổi cách nay 5 năm, xóa bỏ điều khoản giới hạn quyền lực của chủ tịch nước.
Trong buổi lễ tuyên thệ, ông Tập Cận Bình đã "Thề trung thành với Hiến pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa". Trong thời gian gần đây, ông thường tự cho mình là nhà cầm lái vĩ đại, sẵn sàng lèo lái con tàu của Trung Quốc, để vượt qua các vùng biển đầy bão táp trong quan hệ quốc tế".