Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2023

Tập Cận Bình đang chuẩn bị Trung Quốc cho chiến tranh

John Pomfret và Matt Pottinger

Và thế giới nên lưu tâm

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông đang chuẩn bị cho chiến tranh. Tại cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của nó vào tháng 3, Tập đã lồng ghép chủ đề sẵn sàng tham chiến vào bốn bài phát biểu riêng biệt. Thậm chí trong một bài phát biểu, ông còn nói với các tướng lĩnh rằng "hãy dám đánh". Chính phủ của ông cũng vừa tuyên bố tăng 7,2% ngân sách quốc phòng, vốn đã tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua, đồng thời công bố các kế hoạch giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh còn tiết lộ các luật mới về quân sự, các hầm trú ẩn phòng không mới ở các thành phố nằm dọc Eo biển Đài Loan, và các văn phòng "Huy động Quốc phòng" mới trên toàn quốc.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Bắc Kinh, tháng 3 năm 2023 - Noel Celis / Bi-a / Reuters

Còn quá sớm để biết được những bước đi này có ý nghĩa gì. Xung đột hiện vẫn không chắc chắn hoặc không gần kề. Nhưng có điều gì đó đã thay đổi ở Bắc Kinh và các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới không nên bỏ qua. Nếu Tập nói rằng ông đã sẵn sàng cho chiến tranh, sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta không tin lời ông ấy.

Quỷ thần phải khiếp sợ

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc họp năm nay của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) – được gọi là "lưỡng hội" vì cả hai cơ quan họp đồng thời – có thể sẽ không như bình thường đã xuất hiện vào ngày 1/3, khi tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc cho xuất bản một bài tiểu luận có tiêu đề "Dưới sự chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về củng cố quân đội, chúng ta sẽ tiến lên thắng lợi". Tác giả bài viết được đề tên là Quân Chính (Jun Zheng) – một từ đồng âm với "chính phủ quân sự", nhiều khả năng đang ám chỉ cơ quan quân sự hàng đầu của Trung Quốc, Quân ủy Trung ương. Bài viết lập luận rằng "việc hiện đại hóa quốc phòng và quân đội phải được đẩy nhanh" và kêu gọi tăng cường tích hợp quân sự-dân sự, vốn là chính sách do Tập đề xuất, yêu cầu các công ty tư nhân và các tổ chức dân sự phục vụ nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, khi trích dẫn bài phát biểu mà Tập đọc trước các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc vào tháng 10/2022, bài tiểu luận này cũng có ý mỉa mai người Mỹ :

Đứng trước nguy cơ rơi vào chiến tranh, chúng ta phải nói chuyện với kẻ thù bằng thứ ngôn ngữ mà họ hiểu được, và sử dụng chiến thắng để giành được hòa bình và sự tôn trọng. Trong thời đại mới, Quân đội Nhân dân nhất quyết dùng vũ lực để chấm dứt giao tranh… Quân đội ta nổi tiếng thiện chiến, có tinh thần chiến đấu kiên cường. Chỉ với kê và súng trường [1], chúng ta đã đánh bại quân đội Quốc Dân Đảng có các trang bị từ Mỹ. Chúng ta đã đánh bại kẻ thù số một thế giới được trang bị đến tận răng trên chiến trường Triều Tiên, và mang đến những chiến công oai hùng khiến thiên hạ chấn động, còn quỷ thần phải khiếp sợ.

Ngay từ trước khi bài tiểu luận được xuất bản, đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc xung đột tiềm tàng. Vào tháng 12, Bắc Kinh đã ban hành một luật mới cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) dễ dàng huy động lực lượng dự bị của mình và thể chế hóa một hệ thống bổ sung lực lượng tác chiến trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Các biện pháp này, như hai nhà phân tích Lyle Goldstein và Nathan Waechter đã lưu ý, cho thấy rằng Tập có lẽ đã rút ra bài học về việc huy động quân đội từ những thất bại của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.

Luật quản lý quân nhân dự bị không phải là thay đổi pháp lý duy nhất cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu chuẩn bị. Vào tháng 2, cơ quan thảo luận hàng đầu của Quốc hội đã thông qua "Quyết định Điều chỉnh việc Áp dụng Một số Quy định của Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc đối với Quân đội trong Thời chiến", mà theo tờ Nhân dân Nhật báo đã trao cho Quân ủy Trung ương quyền điều chỉnh các quy định pháp luật, bao gồm "thẩm quyền xét xử, bào chữa và đại diện, các biện pháp bắt buộc, lập hồ sơ vụ án, điều tra, truy tố, xét xử, và thi hành án". Dù không thể đoán chắc quyết định này sẽ được sử dụng như thế nào, nhưng nó có thể sẽ trở thành vũ khí nhắm vào các cá nhân phản đối việc tiếp quản Đài Loan. PLA cũng có thể sử dụng nó để khẳng định thẩm quyền hợp pháp đối với một lãnh thổ có khả năng bị chiếm đóng, chẳng hạn như Đài Loan. Hoặc Bắc Kinh có thể sử dụng nó để buộc công dân Trung Quốc ủng hộ các quyết định của họ trong thời chiến.

Kể từ tháng 12, chính phủ Trung Quốc đã mở một loạt văn phòng Huy động Quốc phòng – hoặc trung tâm tuyển quân – trên khắp đất nước, bao gồm ở Bắc Kinh, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Nội Mông, Sơn Đông, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Tây Tạng và Vũ Hán. Đồng thời, các thành phố ở tỉnh Phúc Kiến, nằm đối diện Đài Loan, đã bắt đầu xây dựng hoặc nâng cấp các hầm tránh bom cùng với ít nhất một "bệnh viện thời chiến", theo tin tức truyền thông nhà nước Trung Quốc. Sang tháng 3, Phúc Kiến và một số thành phố của tỉnh này đã bắt đầu chặn các địa chỉ IP ở nước ngoài truy cập các trang web của chính phủ, có lẽ là nhằm cản trở việc theo dõi tiến độ chuẩn bị cho chiến tranh của Trung Quốc.

Suy nghĩ của Tập Cận Bình

Nếu những diễn biến này gợi ý về một sự thay đổi trong tư duy của Bắc Kinh, thì hai phiên họp vào đầu tháng 3 gần như đã xác nhận điều đó. Trong số các đề xuất được thảo luận bởi Chính Hiệp – cơ quan tư vấn của đất nước – đã xuất hiện một kế hoạch lập danh sách đen các nhà hoạt động ủng hộ độc lập và các nhà lãnh đạo chính trị ở Đài Loan. Được soạn bởi blogger theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi tiếng Chu Tiểu Bình (Zhou Xiaoping), kế hoạch này sẽ cho phép ám sát những cá nhân có tên trong danh sách đen – gồm cả Phó tổng thống Đài Loan, William Lại Thanh Đức – nếu họ không cải cách đường lối của mình. Chu sau đó nói với tờ Minh Báo của Hong Kong rằng đề xuất của ông đã được hội nghị chấp nhận và "đã được chuyển đến các cơ quan hữu quan để đánh giá và xem xét". Những đề xuất như của Chu không xuất hiện một cách tình cờ. Hồi năm 2014, Tập từng ca ngợi Chu vì "năng lượng tích cực" trong những lời công kích của ông đối với Đài Loan và Mỹ.

Cũng tại hai phiên họp này, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường đã công bố ngân sách quốc phòng trị giá 1,55 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 224,8 tỷ USD) cho năm 2023, tăng 7,2% so với năm ngoái. Ông cũng kêu gọi tăng cường "chuẩn bị cho chiến tranh". Các chuyên gia phương Tây từ lâu đã tin rằng Trung Quốc luôn báo cáo chi tiêu quốc phòng một cách không đầy đủ. Chẳng hạn, vào năm 2021, Bắc Kinh tuyên bố họ đã chi 209 tỷ USD cho quốc phòng, nhưng Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đưa ra con số thực là 293,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số chính thức của Trung Quốc vẫn lớn hơn chi tiêu quân sự của tất cả các đồng minh hiệp ước tại khu vực Thái Bình Dương của Mỹ (gồm Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan) cộng lại, và có thể chắc chắn rằng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn đáng kể so với những gì họ nói.

Nhưng những khoảnh khắc đáng chú ý nhất trong hai phiên họp lại liên quan đến chính Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có tổng cộng bốn bài phát biểu – một bài phát biểu trước các đại biểu của Chính Hiệp, hai bài phát biểu trước Quốc hội, và một bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo quân sự và bán quân sự. Trong đó, ông mô tả bối cảnh địa chính trị ảm đạm, chỉ ra Mỹ là đối thủ của Trung Quốc, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phục vụ các mục tiêu chiến lược và quân sự của Trung Quốc, đồng thời nhắc lại rằng ông coi việc thống nhất giữa Đài Loan và đại lục là yếu tố sống còn đối với sự thành công của chính sách mà ông đề xướng nhằm đạt được "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa".

Trong bài phát biểu đầu tiên vào ngày 6/3, Tập đã ám chỉ việc chuẩn bị cho cơ sở công nghiệp của Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh và xung đột. Ông cảnh báo, "Trong giai đoạn tới, những rủi ro và thách thức mà chúng ta phải đối mặt sẽ ngày càng gia tăng và ngày càng gay gắt hơn. Chỉ khi nào toàn dân cùng nhìn về một hướng, cùng chung sức, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết một lòng, dám đánh và đánh giỏi thì mới có thể tiếp tục giành được những thắng lợi mới, to lớn hơn". Để giúp Đảng cộng sản Trung Quốc đạt được những "thắng lợi to lớn hơn" này, ông tuyên bố sẽ "hướng dẫn một cách đúng đắn" để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các dự án mà nhà nước ưu tiên.

Tập Cận Bình cũng trực tiếp đả kích Mỹ trong bài phát biểu của mình, vi phạm thông lệ không gọi Washington là kẻ thù, trừ khi nhắc lại lịch sử. Ông mô tả Mỹ và các đồng minh là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề hiện tại của Trung Quốc. Ông nói, "Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, bao vây và đàn áp chúng ta từ mọi hướng, từ đó gây ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta". Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đến "hàng rào bảo vệ" và các biện pháp khác để làm chậm lại sự xấu đi của quan hệ Mỹ-Trung, Bắc Kinh rõ ràng lại đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới, đối đầu hơn.

Vào ngày 5/3, Tập đã có bài phát biểu đưa ra tầm nhìn về khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc, vượt xa bất kỳ cuộc thảo luận nào trước đây của ông về chủ đề này, trong đó ông nói rằng bước tiến tới hiện đại hóa của Trung Quốc phụ thuộc vào việc phá vỡ sự phụ thuộc công nghệ vào các nền kinh tế nước ngoài – nghĩa là Mỹ và các nền dân chủ công nghiệp hóa khác. Tập cũng nói rằng ông muốn Trung Quốc chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc và sản phẩm chế tạo. "Trong trường hợp chúng ta thiếu một trong hai mặt hàng này, thị trường quốc tế sẽ không bảo vệ chúng ta", ông tuyên bố. Vào cùng ngày, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh điểm tương tự trong "báo cáo công tác" hàng năm của chính phủ, nói rằng Bắc Kinh phải "không ngừng giữ vững bát cơm của hơn 1,4 tỷ người dân Trung Quốc". Nước này hiện đang nhập khẩu hơn một phần ba lượng tiêu thụ thực phẩm ròng của mình.

Trong bài phát biểu thứ ba, vào ngày 8/3 trước các đại diện của PLA và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, Tập tuyên bố rằng Trung Quốc phải tập trung nỗ lực đổi mới vào việc củng cố nền quốc phòng và thiết lập một lực lượng dự bị quốc gia có thể được huy động trong thời chiến. Ông cũng kêu gọi triển khai chiến dịch "Giáo dục Quốc phòng" để đoàn kết xã hội cùng ủng hộ PLA, lấy cảm hứng từ Phong trào Song ủng Vận động (Double Support Movement), một chiến dịch năm 1943 của phe Cộng sản nhằm quân sự hóa xã hội trong khu vực căn cứ của họ ở Diên An.

Trong bài phát biểu thứ tư (và là bài phát biểu đầu tiên của ông với tư cách là chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba), vào ngày 13/3, Tập tuyên bố rằng "bản chất" của chiến dịch phục hưng vĩ đại là "sự thống nhất của tổ quốc". Dù ông từng nói bóng gió về mối liên hệ giữa việc sáp nhập Đài Loan và chiến dịch về cơ bản là "làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại" của mình, nhưng hiếm khi ông làm điều đó một cách công khai như vậy.

Hãy lắng nghe Tập

Sau một thập niên Tập Cận Bình cầm quyền, rõ ràng điều quan trọng là phải nhìn nhận ông một cách nghiêm túc – nhưng đáng tiếc là nhiều nhà phân tích Mỹ lại không làm vậy. Khi Tập phát động một loạt chiến dịch tích cực chống tham nhũng, hay đàn áp doanh nghiệp tư nhân, tổ chức tài chính, lĩnh vực bất động sản và công nghệ, nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng những chiến dịch này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nhưng chúng đã kéo dài rất lâu. Điều này cũng đúng với chính sách zero-Covid hà khắc suốt ba năm – mãi cho đến khi Tập buộc phải đảo ngược hướng đi một cách bất thường vào cuối năm 2022.

Tập hiện đang củng cố một chiến dịch đã tồn tại được một thập niên, nhằm phá vỡ sự phụ thuộc kinh tế và công nghệ quan trọng vào thế giới dân chủ do Mỹ lãnh đạo. Ông làm như vậy để đón đầu một giai đoạn mới của "cuộc đấu tranh" về ý thức hệ và địa chiến lược. Thông điệp của ông về việc chuẩn bị cho chiến tranh và việc ông đánh đồng giữa phục hưng dân tộc và thống nhất tổ quốc đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch chiến tranh chính trị của ông nhằm đe dọa Đài Loan. Tập rõ ràng đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo. Điều vẫn chưa rõ là liệu ông có nghĩ rằng mình có thể làm vậy mà không dẫn đến leo thang không kiểm soát với Mỹ hay không.

John Pomfret & Matt Pottinger

Nguyên tác : "Xi Jinping Says He Is Preparing China for War", Foreign Affairs, 29/03/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/04/2023

John Pomfret, cựu Giám đốc Văn phòng Bắc Kinh của tờ The Washington Post, là tác giả của cuốn sách "The Beautiful Country and the Middle Kingdom : America and China, 1776 to the Present".

Matt Pottinger là Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ. Từ năm 2019 đến 2021, ông giữ chức Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.

———————–

[1] "Kê và súng trường" là cụm từ mà Mao Trạch Đông dùng để chỉ nguồn lực ít ỏi của quân đội Trung Quốc

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: John Pomfret, Matt Pottinger, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 346 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)